TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TÂN CHÂU, TỈNH TÂY NINH
BẢN ÁN 75/2017/HS-ST NGÀY 24/11/2017 VỀ TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ
Trong ngày 24 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 73/2017/TLST-HS ngày 10 tháng 10 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 76/2017/QĐXXST-HS ngày 09 tháng 11 năm 2017 đối với các bị cáo:
1. Nguyễn Văn B, sinh năm 1980 tại tỉnh Tây Ninh; nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Tổ 7, ấp C, xã T, huyện T, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Làm mướn; trình độ văn hóa: 02/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn T (chết) và bà Nguyễn Thị L; có vợ là Lâm Thị Nguyên H và 02 người con; tiền án, tiền sự: Không; bị tạm giam từ ngày 06/6/2017 đến nay (có mặt).
2. Nguyễn Phước L, sinh năm 1993 tại tỉnh Tây Ninh; nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Tổ 7, ấp C, xã T, huyện T, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Làm mướn; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Hùng C và bà Nguyễn Thị P; có vợ là Thạch Thị L và 01 người con sinh năm 2013; tiền án, tiền sự: Không; bị tạm giam từ ngày 06/6/2017 đến nay (có mặt).
3. Nguyễn Văn H, sinh năm 1981 tại tỉnh Tây Ninh; nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Tổ 7, ấp C, xã T, huyện T, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Làm mướn; trình độ văn hóa: Không biết chữ; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn D (chết) và bà Dương Thị T (chết); có vợ là Phan Thị Ngọc D và 03 người con; tiền án, tiền sự: Không; bị tạm giam từ ngày 06/6/2017 đến ngày 16/6/2017 được thay thế bằng biện pháp Bảo lĩnh (có mặt).
4. Ngô Văn C, sinh năm 1982 tại tỉnh Tây Ninh; nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Tổ 7, ấp C, xã T, huyện T, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Làm mướn; trình độ văn hóa: Không biết chữ; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Ngô Văn Chinh và bà Nguyễn Thị Xuân; có vợ là Nguyễn Thị Kim Bông và 01 người con sinh năm 2002; tiền án, tiền sự: Không; bị tạm giam từ ngày 06/6/2017 đến nay (có mặt).
Người bào chữa cho bị cáo C: Luật sư Đinh Thái H thuộc Công ty luật Bảo Nguyên Minh – Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh (có mặt).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1- Ban quản lý khu rừng phòng hộ DT; địa chỉ: Ấp 2, xã S, huyện T, tỉnh Tây Ninh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Hoàng S là Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đinh Ngọc T là Phó giám đốc.
2- Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1972; nơi cư trú: Tổ 17, ấp 2, xã B, huyện G, tỉnh Tây Ninh (có mặt).
3- Ông Bùi Lê K, sinh năm 1971; nơi cư trú: Tổ 1, ấp T, xã T, huyện T, tỉnh Tây Ninh (có mặt).
4- Ông Nguyễn Công B, sinh năm 1975; nơi cư trú: Ấp Đ1, thị trấn N, huyện T, tỉnh An Giang (có mặt).
5- Ông Nguyễn Thanh V, sinh năm 1969; nơi cư trú: Tổ 7, ấp 2, xã S, huyện T, tỉnh Tây Ninh (có mặt).
6- Anh Nguyễn Minh N, sinh năm 1997; nơi cư trú: ấp C, xã T, huyện T, tỉnh Tây Ninh (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng 06 giờ 30 phút, ngày 26/5/2017, Nguyễn Văn B, Nguyễn Phước L, Nguyễn Văn H, Ngô Văn C và Nguyễn Minh N cùng nhau đi vào Khoảnh 1, Tiểu khu 36 Rừng phòng hộ Dầu Tiếng đào gốc cây Giáng hương mang về bán lấy tiền chia nhau tiêu xài. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày thì đào xong gốc cây Giáng hương chất lên xe mô tô không biển số cho L chở, B và N đi chung xe mô tô chạy trước, H và C đi chung xe mô tô chạy phía sau. Khi L chở gốc Giáng hương đến khu vực ấp Cây Cầy, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh thì bị ông Nguyễn Văn H, ông Bùi Lê K, ông Nguyễn Công B là lực lượng bảo vệ rừng, thuộc Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đi tuần tra phát hiện, yêu cầu dừng lại để kiểm tra xử lý. Khi dừng xe lại thì L lấy cây rìu mang theo chặt đứt dây thừng buộc gốc Giáng hương để bỏ gốc Giáng hương lại, chạy xe mô tô tẩu thoát, nhưng bị ông Hải và ông Khiêm chặn lại, giữ xe, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để xử lý. Lúc này, H, C, L có hành vi dùng tay xô đẩy chống trả lực lượng bảo vệ rừng để lấy xe mô tô. H gọi điện thoại báo cho B biết đang bị lực lượng bảo vệ rừng bắt giữ nên B và N quay lại. Khi thấy H, C, L đang giằng co, giật lấy chiếc xe mô tô do lực lượng bảo vệ rừng đang giữ, thì B cầm cây rựa trên tay chạy đến dơ rựa lên đe dọa chém những người bảo vệ rừng, ngăn cản không cho giữ xe mô tô để L, C, H lấy xê mô tô chạy thoát, bỏ lại gốc Giáng hương. N thì không tham gia chống lại lực lượng bảo vệ rừng. Sau đó, lực lượng bảo vệ rừng báo cáo Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng có công văn đề nghị Cơ quan điều tra Công an huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh xử lý hành vi chống người thi hành công vụ của B, L, H, C.
Tại bản Cáo trạng số 60/QĐ/KSĐT ngày 21/8/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã truy tố các bị cáo Nguyễn Văn B, Nguyễn Phước L, Nguyễn Văn H và Ngô Văn C về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Khoản 1 Điều 257 của Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo Nguyễn Văn B, Nguyễn Phước L, Nguyễn Văn H và Ngô Văn C phạm tội “Chống người thi hành công vụ”. Đề nghị áp dụng Khoản 1 Điều 257; các điểm h, p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự xử phạt các bị cáo Nguyễn Văn B, Nguyễn Phước L, Nguyễn Văn H và Ngô văn C mỗi bị cáo từ 06 tháng tù đến 09 tháng tù.
Về bồi thường thiệt hại và xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự đề nghị Hội đồng xét xử xử lý vật chứng đã thu giữ trong vụ án theo quy định của pháp luật. Ghi nhận các ông H, Khiêm, Bằng không yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại.
Luật sư bào chữa cho bị cáo C trình bày: Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận việc phạm tội là quyền của các bị cáo. Tuy nhiên, Luật sư không đồng ý với lời luật tội của vị Kiểm sát viên bởi các lý do sau: Tại Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ có quy định rõ thế nào là người thi hành công vụ nhưng theo hồ sơ thể hiện 03 bảo vệ rừng nói trên không phải là người thi hành công vụ. Các bảo vệ rừng chỉ thực hiện nhiệm vụ ghi trong hợp đồng đã ký kết tại các Tiểu khu 35, 41 và không có văn bản nào thể hiện được phân công nhiệm vụ khác ngoài phạm vi nêu trên. Tại Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 quy định chỉ có lực lượng Kiểm lâm mới được kiểm tra, thu giữ lâm sản nhưng phải lập biên bản nhưng các bảo vệ rừng trong trường hợp này không phải là Kiểm lân, không có quyền lập biên bản. Các bảo vệ rừng không có quyền dừng phương tiện của các bị cáo khi đang tham gia giao thông trên đường. Ngoài ra, tại Điểm a Khoản 3 Điều 5 của Quy chế phối hợp giữa Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng và lực lượng Kiểm lâm cũng không quy rõ việc chủ động phối hợp cụ thể như thế nào. Từ những căn cứ trên cho thấy các bảo vệ rừng không phải là người thi hành công vụ và đã thực hiện nhiệm vụ ngoài phạm vi của mình quản lý. Do đó, các bị cáo không vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 257 của Bộ luật Hình sự.
Lời nói sau cùng của các bị cáo: Các bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, của Điều tra viên, của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, của Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo đều không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, của người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, của người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Tại phiên toà hôm nay, các bị cáo B, L, H, C đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, đã có đủ cơ sở xác định: Vào khoảng 10 giờ, ngày 26/5/2017, các bị cáo đi đào gốc cây Giáng hương tại Khoảnh 1, Tiểu khu 36 Rừng phòng hộ Dầu Tiếng vận chuyển đến Khoảnh 10, Tiểu khu 42 Rừng phòng hộ Dầu Tiếng thuộc khu vực ấp Cây Cầy, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh thì bị các ông Nguyễn Văn H, Bùi Lê K, Nguyễn Công B là lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đi tuần tra phát hiện, yêu cầu giữ nguyên hiện trường để xử lý. Các bị cáo không những không chấp hành mà đã có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực đối với lực lượng bảo vệ rừng để ngăn cản không cho họ thực hiện công vụ, nhằm lấy lại tang vật là xe mô tô tẩu thoát. Do đó, đã có đủ cơ sở kết luận các bị cáo B, L, H, C phạm tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Khoản 1 Điều 257 của Bộ luật Hình sự. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh truy tố đối với các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.
[3] Những bảo vệ rừng nói trên là những người được Giám đốc Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng có ghi trong hợp đồng; được sự phân công hợp pháp của Giám đốc về việc phối hợp với các bảo vệ rừng khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nên trong trường hợp này họ là những người đang thi hành công vụ. Đồng thời, nơi xảy ra vụ việc cũng thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Vì vậy, việc các bị cáo có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực đối với lực lượng bảo vệ rừng để ngăn cản không cho họ thực hiện công vụ là đã phạm tội “Chống người thi hành công vụ”. Luật sư bào chữa cho bị cáo C cho rằng bị cáo C và các bị cáo còn lại không vi phạm Khoản 1 Điều 257 của Bộ luật Hình sự là không có căn cứ nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[4] Vụ án có tính chất nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của lực lượng bảo vệ rừng là những người đang thi hành công vụ; làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng trong việc khai thác, bảo vệ rừng. Khi thực hiện tội phạm các bị cáo biết rõ việc chống người thi hành công vụ là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện. Vì vậy, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi của chính mình gây ra và cần phải xử lý nghiêm.
[5] Khi quyết định hình phạt cũng cần xem xét đến nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Các bị cáo đều có nhân thân tốt; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại các Điểm h, p Khoản 1, Khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự. Bị cáo H có cậu ruột là liệt sĩ; bị cáo C có bà ngoại là Mẹ Việt Nam anh hùng nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự.
Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo không có.
[6] Các bị cáo phạm tội trong trường hợp đồng phạm giản đơn, không có sự bàn bạc, phân công trước. Bị cáo B là người dùng rựa đe dọa lực lượng bảo vệ rừng là có vai trò tích cực nhất nên phải chịu trách nhiệm hình sự cao nhất. Các bị cáo L, H, C cùng tham gia giật lại xe mô tô tẩu thoát nên chịu trách nhiệm hình sự ngang nhau và thấp hơn bị cáo B. Xét hành vi của các bị cáo cần xử phạt với mức án tù, cần cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ điều kiện giáo dục, cải tạo các bị cáo thành người có ích cho xã hội, đồng thời có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
[7] Về trách nhiệm dân sự: Ông Nguyễn Văn H, ông Bùi Lê K và ông Nguyễn Công B không yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại nên cần ghi nhận.
[8] Về xử lý vật chứng:
- Đối với: 01 cây rựa lưỡi bằng kim loại dài 26 cm, cán gỗ dài 19 cm; 01 cây búa cán gỗ dẹp, chổ hẹp nhất rộng 04 cm, chổ rộng nhất 05 cm, chiều dài 65 cm, lưỡi bằng kim loại kích thước 18 cm x 10 cm; 01 cây cuốc cán bằng kim loại dài 85 cm, đường kính 03 cm, lưỡi bằng kim loại kích thước 15 cm x 13 cm; 01 cây cuốc cán bằng gỗ dài 86 cm, đường kính 3,4 cm, lưỡi bằng kim loại kích thước 22 cm x 10 cm; 01 cây cuốc bằng gỗ dài 117 cm, đường kính 2,4 cm, lưỡi bằng kim loại kích thước 12 cm x 14 cm là công cụ các bị cáo dùng đào gốc Giáng hương và dùng vào việc phạm tội nên căn cứ vào Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự cần tịch thu tiêu hủy.
- Đối với 01 (một) đĩa CD có thể hiện nội dung, diễn biến hành vi của các bị cáo chống người thi hành công vụ là chứng cứ vụ án nên tiếp tục lưu giữ trong hồ sơ vụ án.
[9] Đối với anh Nguyễn Minh N đi chung với các bị cáo nhưng không có bàn bạc trước và không tham gia chống người thi hành công vụ nên Cơ quan điều tra Công an huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh không xử lý hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
[10] Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Văn B, Nguyễn Phước L, Nguyễn Văn H và Ngô Văn C phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 257; các Điểm h, p Khoản 1, Khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự:
- Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn B 07 (bảy) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 06/6/2017.
- Xử phạt bị cáo Nguyễn Phước L 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 06/6/2017.
- Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án được trừ thời hạn tạm giam từ ngày 06/6/2017 đến ngày 16/6/2017.
- Xử phạt bị cáo Ngô Văn C 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 06/6/2017.
2. Về trách nhiệm dân sự: Ghi nhận ông Nguyễn Văn H, ông Bùi Lê K và ông Nguyễn Công B không yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại.
3. Về xử lý vật chứng: Căn cứ vào Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự:
- Tịch thu tiêu hủy: 01 cây rựa lưỡi bằng kim loại dài 26 cm, cán gỗ dài 19 cm; 01 cây búa cán gỗ dẹp, chổ hẹp nhất rộng 04 cm, chổ rộng nhất 05 cm, chiều dài 65 cm, lưỡi bằng kim loại kích thước 18 cm x 10 cm; 01 cây cuốc cán bằng kim loại dài 85 cm, đường kính 03 cm, lưỡi bằng kim loại kích thước 15 cm x 13 cm; 01 cây cuốc cán bằng gỗ dài 86 cm, đường kính 3,4 cm, lưỡi bằng kim loại kích thước 22 cm x 10 cm; 01 cây cuốc bằng gỗ dài 117 cm, đường kính 2,4 cm, lưỡi bằng kim loại kích thước 12 cm x 14 cm.
- Tiếp tục lưu giữ trong hồ sơ vụ án 01 (một) đĩa CD có thể hiện nội dung, diễn biến hành vi của các bị cáo chống người thi hành công vụ.
(Vật chứng đang tạm giữ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 31/8/2017).
4. Về án phí: Căn cứ vào Điều 99 của Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Án phí, lệ phí Tòa án: Các bị cáo Nguyễn Văn B, Nguyễn Phước L, Nguyễn Văn H và Ngô Văn C mỗi bị cáo phải chịu phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Báo cho các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết có quyền kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh để xét xử phúc thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 75/2017/HS-ST ngày 24/11/2017 về tội chống người thi hành công vụ
Số hiệu: | 75/2017/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Tân Châu - Tây Ninh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/11/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về