Bản án 72/2019/DSPT ngày 07/05/2019 về tranh quyền hợp đồng giao khoán

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 72/2019/DSPT NGÀY 07/05/2019 VỀ TRANH QUYỀN HỢP ĐỒNG GIAO KHOÁN

Ngày 07 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số: 55/2019/TLPT-DS ngày 19 tháng 02 năm 2019 về Tranh chấp hợp đồng giao khoán Do bản án dân sự sơ thẩm số: 41/2018/DS-ST ngày 17/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 101/2019/QĐ-PT ngày 29/3/2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Phạm Thành N; có mặt.

Trú tại: Thôn X, xã J, huyện M, tỉnh Đắk Lắk

- Bị đơn: Vợ chồng ông Vũ Văn Q (có mặt), bà Đinh Thị K (vắng mặt).

Đa chỉ: Thôn V, xã EL, huyện M, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Nguyễn Thái T (theo giấy ủy quyền ngày 07/11/2017); có mặt.

Đa chỉ: NTT, thị trấn EK, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Vũ Đình C; trú tại: Thôn x, xã J, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; vắng mặt

2. Ông Đoàn Văn N; trú tại: Thôn X, xã EL, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; vắng mặt.

3. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M; địa chỉ: Km87, quốc lộ 26, xã J, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; có đơn xin xét xử vắng mặt.

4. Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Đắk Lắk; có đơn xin xét xử vắng mặt.

5. Ủy ban nhân dân xã EL, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; vắng mặt.

Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Phạm Thành N; bị đơn ông Vũ Văn Q, bà Đinh Thị K.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn ông Phạm Thành N trình bày:

Ngày 18/12/2007, ông Vũ Đình C và ông N nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Vũ Văn Q bà Đinh Thị K hợp đồng khoán quản lý và bảo vệ rừng diện tích 8,25ha (gôm 4,5ha tại lô f và 3,75ha tại lô e khoảnh 2 tiểu khu 731 thuộc thôn 5, xã EL, huyện M, tỉnh Đắk Lắk) do ông Q bà K nhận khoán của Lâm trường M (nay là Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp M sau đây gọi tắt là Công ty) với giá 14.500.000 đồng.

Ông C trực tiếp ký 02 biên bản chuyển giao với vợ chồng ông Q bà K. Ông Nam là người giao tiền cho vợ chồng ông Q bà K vào ngày 28/12/2007. Cả 02 biên bản chuyển giao đều có xác nhận của đại diện Công ty là ông Đỗ Văn A - phân trường trưởng và Đại diện ủy ban nhân dân xã EL là ông Vương Xuân H (Chủ tịch UBND xã) và ông Trần Bá T1 (cán bộ Nông lâm xã). Theo biên bản, vợ chồng ông Q bà K chuyển giao 02 lô rừng cho ông C chịu hoàn toàn trách nhiệm về lô rừng trên, đồng thời ông C được hưởng mọi phụ cấp theo chế độ hiện hành. Cũng trong biên bản thể hiện: “Lâm trường có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ hồ sơ có liên quan cho bên nhận”. Ông Q giao cho ông N bản gốc hợp đồng khoán số 13/HĐK mà ông Q ký với Công ty, còn hợp đồng khoán số 14/HĐK Công ty ký với bà K, ông Q nói bị thất lạc nên ông Q không có để giao cho ông N. Ngoài ra, ông Q cũng ký văn bản “Biên nhận sang nhượng lại đất + rừng” đề ngày 28/12/2007 nhưng các bên chưa hoàn thiện.

Sau khi các bên thống nhất ký biên bản, ông A nói Lâm trường đang trong quá trình chuyến đối sang hình thức doanh nghiệp nên đợi sau khi chuyển đổi xong sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển giao cho các bên. Tuy nhiên, sau khi Lâm trường chuyển đối thành Công ty thì vợ chồng ông Q bà K không ký lại biên bản chuyển giao theo mẫu mới của Công ty.

Theo biên bản, vợ chồng ông Q chuyển giao cho ông N 8,25ha nhưng thực tế, diện tích keo thực trồng chỉ khoảng 4ha. Sau khi nhận chuyển giao, ông C ủy quyền cho ông N quản lý, bảo vệ rừng, cây và đất. Năm 2008, ông N thuê người phát dọn thêm khoảng 2ha đất trống để trồng keo vào năm 2009 và đã khai thác vào năm 2015 (có xác nhận và đóng thuế tại UBND xã EL).

Năm 2011, sau khi ông N khai thác cây rừng và tiến hành trồng lại thì vợ chồng ông Q bà K chiếm đoạt lại diện tích rừng đã chuyển giao. Vợ chồng ông Q bà K tự ý trồng mì và keo trên khoảng 5ha diện tích đất đã chuyển giao cho ông C và ông N năm 2007.

Theo đơn khởi kiện, ông N yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng ông Q bà K phải trả cho ông N 8,25 ha đất rừng bao gồm 4,5ha tại lô f, và 3,75ha tại lô e khoảnh 2, tiểu khu 731 thuộc thôn 5, xã EL, huyện M, tỉnh Đăk Lăk. Nhưng qua xem xét thẩm định, diện tích đất thực tế đo được 66.355m2 (trong đó, ông N sử dụng 25.774m2, vợ chồng ông Q sử dụng 37.094m2 và ông Đoàn Văn S trồng keo diện tích 3.487m2). Nay ông N rút một phần nội dung đơn khởi kiện đối với diện tích đất vượt quá theo biên bản thẩm định và phần diện tích đất ông S trồng keo.

Ông N yêu cầu vợ chồng ông Q bà K phải thực hiện đúng cam kết như Biên bản chuyển giao hợp đồng khoán quản lý bảo vệ rừng trồng được các bên xác lập vào tháng 12/2007. Theo đó, ông N tiếp tục có quyền sử dụng 62.868m2 đt trồng rừng có vị trí, tọa độ theo nội dung biên bản thẩm định ngày 17/5/2018.

Bị đơn ông Vũ Văn Q, bà Đinh Thị K, người đại diện theo ủy quyền ông Nguyễn Thái T trình bày:

Năm 1999 vợ chồng ông Q bà K khai hoang khoảng 02 ha đất trồng màu tại tiểu khu 731, chưa kê khai đăng ký quyền sử dụng đất. Ngày 20 tháng 6 năm 2002 ông Q bà K ký hợp đồng số 13 và số 14/ HĐK khoán gây trồng rừng và nhập 02ha đất vào diện tích đất Công ty giao khoán đế trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng với Công ty tại Lô e, f, Khoảnh 2, Tiểu khu 731, với tổng diện tích 8,25ha.

Vợ chồng ông Q bà K trồng cây keo trên toàn bộ diện tích đất được Công ty giao khoán, dự kiến đến năm 2010 sẽ thu hoạch lấy gỗ. Ngày 28/12/2007, ông Q bà K thỏa thuận bán cho ông C và ông N toàn bộ cây keo đã trồng trên đất. Ông Q viết giấy nhận 14.500.000 đồng của ông N và ông C, đồng thời giao rừng cây cho ông C và ông N chăm sóc và có quyền hưởng lợi khi thu hoạch cây chứ không chuyển nhượng đất. Ngoài văn bản “Giấy nhận tiền” lập ngày 28/12/2007, ông Q bà K không ký thêm bất kỳ văn bản nào khác với ông N và ông C. Các biên bản chuyển giao hợp đồng khoán quản lý bảo vệ rừng có xác nhận của UBND xã EL và Cán bộ Lâm trường mà ông N cung cấp cho Tòa án đều do ông N tự thiết lập, hoàn toàn không phải chữ ký của ông Q bà K.

Đi với bản gốc hợp đồng khoán số 13/HĐK mà ông Q ký kết với Công ty, ông Q không giao cho ông N mà do ông N tự ý lấy của ông Q khi hai bên thỏa thuận mua bán cây rừng. Còn bản gốc hợp đồng khoán số 14/HĐK mà bà K ký kết với Công ty đã bị thất lạc.

Do ông N không được quyền bán cây keo, nên ngày 14/5/2010 ông Q bà K đã làm thủ tục khai thác cây với Công ty để ông N được bán cây keo. Theo Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 31/10/2008 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc thu hồi đất của Công ty, ông Q bà K đã thanh lý hợp đồng khoán gây trồng rừng với Công ty theo biên bản ngày 30/6/2009 và bàn giao lại cho Công ty toàn bộ diện tích đất đã nhận khoán. Sau khi Công ty bàn giao đất cho UBND xã EL quản lý, ông Q bà K tiếp tục sử dụng diện tích đất để trồng mì từ năm 2011 đến 2013. Tháng 06/2013, ông Q bà K thuê người trồng cây keo trên diện tích đất thì ông N tranh chấp, cho rằng đất là của ông N và không cho vợ chồng ông Q bà K sử dụng.

Ông Q thừa nhận việc ông N phát dọn và trồng khoảng 02ha keo xung quanh diện tích đất trồng keo của vợ chồng ông Q từ năm 2009, ông Q không đồng ý và đã gửi đơn đến UBND xã EL, nhưng không được giải quyết.

Ông Q bà K không chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của ông N, vì ông Q bà K chỉ bán cho ông N và ông C số cây trồng của 01 chu kỳ thu hoạch 2002-2010. Ông Nam đã được hưởng lợi khi khai thác cây, nên ông N phải trả lại diện tích đất cho vợ chông ông Q bà K. Đối với số cây rừng vợ chồng ông Q bà K trồng lại năm 2013, vợ chồng ông Q bà K đã khai thác toàn bộ cây keo trên đất vào tháng 11/2017.

Về diện tích đất 3.487m2 ông S đang trồng keo cũng nằm trong diện tích vợ chồng ông Q nhận khoán của Lâm trường từ năm 2002. Đến năm 2015, ông Q cho ông S mượn để trồng keo.

Vợ chồng ông Q bà K yêu cầu Tòa án:

- Tuyên thỏa thuận chuyển nhượng cây trồng trong giấy nhận tiền ngày 28/12/2007 giữa ông Vũ Văn Q và ông Phạm Thành N vô hiệu;

- Tuyên biên bản chuyển giao hợp đồng khoán, quản lý bảo vệ rừng giữa ông Vũ Văn Q, bà Đinh Thị K với ông Vũ Đình C vào tháng 12/2007 vô hiệu;

- Buộc ông Phạm Thành N không được cản trở vợ chồng ông Q canh tác trên đất;

- Buộc ông Phạm Thành N phải bồi thường cho ông Q bà K 60.000.0000 đồng do ông N sử dụng đất của ông Q bà K để trồng keo từ năm 2010.

- Công nhận toàn bộ diện tích đất 66.355m2 ti lô e, f khoảnh 2, tiểu khu 731 thuộc địa bàn xã EL là của vợ chồng ông Q bà K nhận khoán theo hợp đồng khoán gây trồng rừng sổ 13 và 14 ngày 20/6/2002 với Công ty. Tạm giao diện tích này cho vợ chồng ông Q bà K sử dụng trong thời gian làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

* Ông Vũ Đình C trình bày: ông C thống nhất với nội dung khởi kiện của ông N. Ông C ủy quyền cho ông N quản lý, sử dụng, khai thác diện tích rừng đã nhận chuyển giao của vợ chồng ông Q bà K và ủy quyền cho ông N tham gia tố tụng.

* Công ty trình bày:

Ngày 20/6/2002, Công ty ký hợp đồng khoán gây trồng rừng với vợ chồng ông Q bà K theo hợp đồng số 13 và 14. Theo hợp đồng, khi chưa kết thúc thời gian nhận khoán nhưng do hoàn cảnh khách quan không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng nữa thì bên nhận khoán có thể chuyển quyền nhận khoán cho người khác và được thanh toán phần hợp đồng trong thời hạn đã thực hiện để Công ty lập hợp đồng với người khác. Công ty không rõ có việc chuyển nhượng hay mua bán cây rừng giữa nguyên đơn và bị đơn hay không. Do thời gian năm 2007 là thời điểm Lâm trường chuyển đổi sang hình thức Công ty và thay đối dấu pháp nhân. Theo Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 31/10/2008 của ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk thu hồi 25.855.612m2 của Công ty (trong đó có diện tích đất tranh chấp giữa các đương sự) giao cho UBND huyện quản lý theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Do đó, năm 2009, Công ty thanh lý hợp đồng với vợ chồng ông Q bà K. Đến năm 2010, Công ty bàn giao đất cho UBND xã EL quản lý, Công ty không có ý kiến gì về tranh chấp giữa các đương sự.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND huyện M trình bày: theo Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 31/10/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, thu hồi 25.855.612 m2 đất (trong đó đất tại xã EL là 2.888.881 m2, có một phần diện tích đất các đương sự tranh chấp) của Công ty, giao cho UBND huyện M quản lý theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Căn cứ Khoản 5, Điều 36, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai và để tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn. Ngày 20/10/2010, Công ty và UBND huyện đã tổ chức bàn giao đất cho UBND xã EL có trách nhiệm quản lý, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch.

* Ủy ban nhân dân xã EL trình bày: Diện tích đất tranh chấp giữa các đương sự có nguồn gốc do vợ chồng ông Q bà K nhận khoán gây trồng rừng của Công ty. Năm 2007, ông Q bà K chuyển giao toàn bộ diện tích rừng đã nhận khoán của Công ty và hồ sơ liên quan cho ông Vũ Đình C, có xác nhận của cán bộ Công ty và UBND xã EL. Việc ông Q bà K chuyển giao rừng cho ông C là có thật, ông C ủy quyền cho ông N quản lý, bảo vệ. Năm 2010, Công ty bàn giao đất cho UBND xã EL quản lý, nhưng không bàn giao rõ ràng mốc giới trên thực địa nên UBND xã chưa có kế hoạch, phương án cụ thể để đề nghị UBND huyện giao đất, công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân nào. Diện tích đất tranh chấp chưa được đo đạc địa chính hoặc trích đo địa chính, các đương sự chưa đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2011, ông N khai thác cây keo thì hai bên xảy ra tranh chấp, ủy ban nhân dân xã EL đã hòa giải 02 lần nhưng không thành.

* Ông Đoàn Văn S trình bày: Ông S khai hoang và sử dụng diện tích đất rừng tại thôn 5, xã EL từ năm 1996, liền kề với đất vợ chồng ông Q bà K nhận khoán trồng rùng của Công ty. Qua việc thẩm định ngày 17/5/2018 của Tòa án nhân huyện M’Đrắk, trong diện tích ông N và vợ chồng ông Q bà K đang tranh chấp với nhau có phần diện tích 3.487m2 do ông S đang trồng keo từ tháng 9/2017. Ông S không đồng ý việc các đương sự tranh chấp với nhau vì diện tích đất trên được ông S khai hoang, sử dụng từ năm 1996 đến nay. Ông Q trình bày cho ông S mượn đất để sử dụng là không có căn cứ.

Những người làm chứng:

* Ông Đỗ Văn A trình bày: ông A là cán bộ Lâm trường, năm 2007 ông phụ trách công tác trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng tại xã EL. Ông A có ký xác nhận biên bản chuyển giao hợp đồng khoán quản lý, bảo vệ rừng giữa vợ chồng ông Q bà K và ông C đối với diện tích rừng mà ông Q bà K đã nhận khoán của Công ty từ năm 2002. Do thời gian đã lâu, ông A không nhớ sự thỏa thuận cụ thể giữa các bên.

* Ông Trần Bá T1 trình bày: Ông T1 là cán bộ Lâm nghiệp xã EL. Vợ chồng ông Q bà K nhận khoán trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng với Công ty từ năm 2002. Tháng 12/2007, ông A là cán bộ Công ty làm hồ sơ và trình UBND xã xác nhận việc vợ chồng ông Q bà K chuyển giao diện tích nhận khoán cho ông C được quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng. Xét thấy các bên nhất trí chuyển giao nên ông T1 đã trình Chủ tịch UBND xã xác nhận. Đến năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi một số diện tích đất của Công ty, bàn giao cho UBND xã quản lý, trong đó có diện tích rừng mà ông Q bà K đã chuyển giao cho ông C, từ đó các bên phát sinh tranh chấp.

* Bà NL1, ông NLC2, bà NLC3, ông NLC4, bà NLC5, bà NLC6, ông NLC7, bà NLC8, ông NLC9, ông NLC10, ông NLC11 trình bày: Không biết việc xảy ra tranh chấp đất giữa nguyên đơn và bị đơn. Những người làm chứng được vợ chồng ông Q bà K thuê trồng mì và trồng keo trong thời gian từ năm 2011 và 2013.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 41/2018/DS - ST ngày 17/12/2018 của Toà án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Áp dụng khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 39, Điều 75, Điều 85, Điều 147, Điều 220, Điều 227, khoản 2 Điều 244, Điều 266, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Các Điều 11, Điều 15, Điều 25, Điều 38, Điều 41 Luật đất đai năm 2003; điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 26, Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của ủy ban thường vụ Quốc hội, tuyên xử:

1. Đình đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Thành N về yêu cầu Tòa án công nhận ông N có quyền sử dụng 19.632m2 trong đó ông Đoàn Văn S phải trả 3.487m2.

2. Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Thành N về yêu cầu Tòa án công nhận ông Phạm Thành N có quyền sử dụng 62.868m2 tọa lạc ở thôn 5, xã EL, huyện M, tỉnh Đắk Lắk theo 02 Biên bản chuyển giao hợp đồng khoán quản lý, bảo vệ rừng đề tháng 12/2007 (không đề ngày), đồng thời buộc vợ chồng ông Vũ Văn Q bà Đinh Thị K phải trả lại diện tích đất đang sử dụng. Thực trạng, vị trí diện tích đất như sau:

Lấy điểm A có tọa độ (x=530675; y= l417971) là điểm đầu tiên tiếp xúc giữa đường mòn với thửa đất các đương sự tranh chấp tại hướng bắc làm mốc để đo và xác định vị trí thửa đất. Đo từ điểm A, để xác định tổng thể diện tích đất tranh chấp mà các đương sự đang sử dụng thực tế là 66.355m2. Tổng diện tích đất tranh chấp gồm 38 đoạn, xác định bằng 38 điểm) đánh số từ 1 đến 38 (có sơ đồ kèm theo), vị trí như sau:

- Phía bắc giáp suối gồm 15 đoạn (nối liền từ điểm 1 đến 6) có độ dài lần lượt từ tây sang đông là: 5,2m; 54m; 9,4m; 8,5m; 33,3m; 2,4m; 27,2m; 28,6m; 35m; 53,8m; 10,4m; 24,8m; 42,7m; 39,8m; 11,7m.

- Phía Đông giáp đất chưa sử dụng tiếp giáp suối gồm 10 đoạn (nối liền từ điểm 16 đến 26), có độ dài lần lượt từ bắc đến nam là 72, lm; 16,lm; 21,2m; 31,8m; 13m; 18,8m; 78,lm; 42,2m; 47,2m; 47,3m.

- Phía Nam giáp đất ông S gồm 06 đoạn (nối liền từ điểm 26 đến 32), có độ dài lần lượt từ đông sang tây là: 64,7m; 8,7m; 49m; 39,5m; 9,7m; 59,4m.

- Phía Tây giáp đất ông O và ông P gồm 8 đoạn (nối liền từ điểm 32 đến điểm 1) có độ dài lần lượt từ nam đến bắc là: 60,2m; 52m; 116,3m; 16m; 36,3m; 54,4m; 31,8m.

Diện tích đất nói trên được phân thành 7 vị trí, được đánh số từ 1-7 lần lượt từ phía bắc đến phía nam (Có sơ đồ kèm theo) như sau:

* Vị trí 1 diện tích 1.812m2 ông Phạm Thành N trồng keo từ tháng 11 năm 2015.

* Vị trí 2 diện tích 4.306m2 là đất trống, vợ chồng ông Q bà K đã khai thác cây keo từ tháng 11/2017;

* Vị trí 3 diện tích 9.090m2, ông Phạm Thành N trồng keo từ tháng 11 năm 2015.

* Vị trí 4 diện tích 14.872m2 ông Phạm Thành N trồng keo từ tháng 11 năm 2015, hiện nay cây keo đã bị cháy không còn khả năng phục hồi.

* Vị trí 5 diện tích 2.749m2 đất trống, vợ chông ông Q bà K đã khai thác keo từ tháng 11/2017.

* Vị trí 6 diện tích 30.039m2 đất trống, vợ chồng ông Q bà K đã khai thác cây keo từ tháng 11/2017.

3. Bác toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đon vợ chồng ông Vũ Văn Q bà Đinh Thị K về:

- Tuyên thỏa thuận chuyến nhượng cây trồng trong giấy nhận tiền ngày 28/12/2007 giữa ông Vũ Văn Q và ông Phạm Thành N vô hiệu;

- Tuyên biên bản chuyến giao hợp đồng khoán, quản lý bảo vệ rừng giữa ông Vũ Văn Q, bà Đinh Thị K với ông Vũ Đình C vào tháng 12/2007 vô hiệu;

- Buộc ông Phạm Thành N không được cản trở vợ chồng ông Q canh tác trên đất;

- Buộc ông Phạm Thành N phải bồi thường cho ông Q bà K 60.000.000 đồng do ông N sử dụng đất của ông Q bà K để trồng keo từ năm 2010.

- Công nhận toàn bộ diện tích đất 66.355m2 tại lô e, f khoảnh 2, tiểu khu 731 thuộc địa bàn xã EL là của vợ chồng ông Q bà K nhận khoán theo hợp đồng khoán gây trồng rừng số 13 và 14 ngày 20/6/2002 với Công ty. Tạm giao diện tích này cho vợ chồng ông Q bà K sử dụng trong thời gian làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất.

4. Kiến nghị UBND xã EL và UBND huyện M có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng đất trong việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương theo Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 31/10/2008 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc thu hồi 25.855.612m2 đất của Công ty lâm nghiệp huyện M (trong đó đất tại xã EL là 2.888.88l m2, có một phần diện tích đất Công ty hợp đồng khoán gây trồng rừng với vợ chồng ông Vũ Văn Q, bà Đinh Thị K ngày 20/6/2002) giao cho UBND huyện M quản lý theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những đối tượng có đủ điều kiện.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 28/12/2018, nguyên đơn ông Phạm Thành N có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm với nội dung đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm công nhận việc UBND xã EL đã tạm giao đất cho ông Phạm Thành N quản lý, sử dụng.

Ngày 28/12/2018, bị đơn ông Vũ Văn Q bà Đinh Thị K có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản sơ thẩm theo hướng chấp nhận đơn phản tố của bị đơn.

Ti phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện và đơn kháng cáo; bị đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn phản tố và đơn kháng cáo.

Đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk phát biểu quan điểm:

Về tố tụng: Các đương sự trong vụ án và Hội đồng xét xử phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đi diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị HĐXX áp dụng khoản 3 Điều 308, khoản 1 Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận một phần đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Phạm Thành N và bị đơn ông Vũ Văn Q, bà Đinh Thị K, hủy bản án dân sự sơ thẩm số 41/2018/DS – ST ngày 17/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk. Giao toàn bộ hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk giải quyết lại theo thủ tục chung.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu được thu thập có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh luận tại phiên tòa, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1]. Về tố tụng: Diện tích đất các bên đang tranh chấp là đất rừng, thuộc quyền quản lý của nhà nước, chưa được cấp GCNQSD đất cho cá nhân nào nên giữa các bên chỉ chuyển nhượng hợp đồng khoán gây trồng rừng để trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng, chứ không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” là không đúng mà cần xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng giao khoán”.

Ông Vũ Đình C là người đứng tên trong biên bản chuyển giao hợp đồng khoán vườn cây. Ông N cho rằng ông C đã ủy quyền cho ông N được toàn quyền quản lý, bảo vệ rừng cây và đất và quyết định trong mọi trường hợp liên quan đến pháp luật. Tuy nhiên, giấy ủy quyền ngày 20/5/2011 giữa ông C và ông N chỉ được UBND xã J xác nhận ông N và ông C đều có hộ khẩu thường trú tại thôn x, xã J, không xác nhận nội dung ủy quyền. Tại thời điểm nhận chuyển nhượng, ông C đã kết hôn nhưng giấy ủy quyền chỉ có một mình ông C ký là không hợp lệ. Do vậy, việc ông C không khởi kiện mà để ông N làm đơn khởi kiện là không đúng và không bảo vệ được quyền lợi của ông C. Cấp sơ thẩm cũng không đưa vợ ông C và vợ ông N vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do đây là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

[2]. Về nội dung: Do cấp sơ thẩm xác định sai quan hệ pháp luật nên đã không xem xét, giải quyết hợp đồng chuyển nhượng vườn cây giữa vợ chồng ông Vũ Văn Q, bà Đinh Thị K lập với ông Vũ Đình C là vô hiệu hay công nhận hợp đồng có hiệu lực để từ đó giải quyết các hậu quả phát sinh là giải quyết chưa triệt để vụ án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.

[3]. Từ những phân tích trên, HĐXX nhận thấy cần chấp nhận quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 41/2018/DS- ST ngày 17/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.

[4]. Về án phí chi phí tố tụng:

[4.1] Về án phí dân sự sơ thẩm và chi phí tố tụng: Do hủy bản án sơ thẩm nên án phí dân sự sơ thẩm và chi phí tố tụng sẽ được giải quyết khi vụ án được thụ lý, giải quyết lại.

[4.2]. Về án phí dân sự phúc thẩm: Do hủy bản án sơ thẩm nên các đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 148, khoản 3 Điều 308, khoản 1 Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự:

[1]. Chấp nhận một phần đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Phạm Thành N và bị đơn ông Vũ Văn Q, bà Đinh Thị K.

Hy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 41/2018/DS-ST ngày 17/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. Giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk giải quyết lại theo thủ tục chung.

[2]. Về án phí và chi phí tố tụng:

[2.1]. Về án phí dân sự sơ thẩm và chi phí tố tụng: Do hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại nên án phí dân sự sơ thẩm và chi phí định giá sẽ được quyết định lại khi vụ án được tiếp tục giải quyết.

[2.2]. Về án phí dân sự phúc thẩm:

Ông Phạm Thành N,ông Vũ Văn Q, bà Đinh Thị K không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Ông Phạm Thành N được nhận lại 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0006152 ngày 28/12/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện M’Đrắk.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

484
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 72/2019/DSPT ngày 07/05/2019 về tranh quyền hợp đồng giao khoán

Số hiệu:72/2019/DSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 07/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về