Bản án 719/2020/HC-PT ngày 07/12/2020 về khiếu kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 719/2020/HC-PT NGÀY 07/12/2020 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH VÀ HÀNH VI HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Ngày 07 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số: 225/2020/TLPT-HC ngày 09 tháng 3 năm 2020 về việc: “Khiếu kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số: 01/2020/HC-ST ngày 14 tháng 01 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang bị kháng cáo;

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 3996/2020/QĐPT-HC ngày 11 tháng 11 năm 2020 giữa các đương sự:

- Người khởi kiện: Ông Nguyễn Phương Đ, sinh năm 1958 (vắng mặt). Địa chỉ: số 473, ấp Phương H, xã Phương B, huyện P, tỉnh Hậu Giang

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bào Tấn Đ1, sinh năm: 1966 (có mặt) Địa chỉ: 122 ấp Xẻo M, xã P, huyện P, tỉnh Hậu Giang (Văn bản ủy quyền ngày 03/12/2020)

- Người bị kiện:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang (vắng mặt).

Địa chỉ: số 02 đường Hòa Bình, Phường 05, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trương Cảnh T – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang (xin vắng mặt) (Văn bản ủy quyền ngày 03/12/2020)

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: ông Nguyễn Hoàng A – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang (có mặt)

2. Ủy ban nhân dân huyện P, tỉnh Hậu Giang Người đại diện theo pháp luật: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện P, tỉnh Hậu Giang (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Như L – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện P (có mặt) (Văn bản ủy quyền ngày 29/9/2020) - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1 Địa chỉ: ấp Phương H, xã Phương B, huyện P, tỉnh Hậu Giang Người đại diện theo pháp luật: Ông Lư Xuân H2 – Giám đốc (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Thanh S - Phó Giám đốc (có mặt) (Văn bản ủy quyền ngày 31/7/2020)

2. Bà Nguyễn Thị N (vắng mặt).

Địa chỉ: ấp Phương H, xã Phương B, huyện P, tỉnh Hậu Giang

3. Ông Nguyễn Châu A1(vắng mặt).

Địa chỉ: ấp Phương H, xã Phương B, huyện P, tỉnh Hậu Giang

4. Ông Nguyễn Đồng K (vắng mặt).

Địa chỉ: ấp Phương H, xã Phương B, huyện P, tỉnh Hậu Giang.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Khởi: Ông Bào Tấn Đ1, sinh năm:1966. Địa chỉ: 122 ấp Xẻo M, xã P, huyện P, tỉnh Hậu Giang (Văn bản ủy quyền ngày 03/12/2020) (có mặt)

5. Ông Nguyễn Hùng C (vắng mặt).

Địa chỉ: ấp Phương H, xã Phương B, huyện P, tỉnh Hậu Giang Người đại diện theo ủy quyền của bà Nhị, ông Âu, ông Cường: ông Nguyễn Phương Đ, sinh năm 1958 (vắng mặt).

Địa chỉ: số 473, ấp Phương H, xã Phương B, huyện P, tỉnh Hậu Giang (Các văn bản ủy quyền cùng ngày 25/10/2019)

6. Bà Nguyễn Thị Kim E (xin vắng mặt) Địa chỉ: ấp Long An A, thị trấn T, huyện C, tỉnh Hậu Giang

7. Ông Nguyễn Thành N1 (xin vắng mặt) Địa chỉ: ấp 7, xã V, huyện VT, tỉnh Hậu Giang - Người kháng cáo: Người khởi kiện ông Nguyễn Phương Đ.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các tài liệu có trong hồ sơ, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Người khởi kiện ông Nguyễn Phương Đ trình bày: Từ năm 1935 ông, bà của ông Nguyễn Phương Đ tự khai phá khoảng 25 công đất, tương đương với 25.000m2, tọa lạc tại ấp Phương H, xã Phương B, huyện P, tỉnh Hậu Giang, sau đó tặng cho lại bà Nguyễn Thị Hòa (mẹ ông Đ) canh tác ổn định. Đến năm 1980 Nông trường quốc doanh Phương Ninh (gọi tắt là Nông trường Phương Ninh) (nay là Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1) chiếm lấy phần đất này của gia đình ông, đến năm 1985 Nông trường Phương Ninh (đã đổi tên thành Lâm trường quốc doanh Phương Ninh) tiến hành trồng tràm. Quá trình đòi lại đất, ông Nguyễn Văn Huynh là Giám đốc Lâm trường quốc doanh Phương Ninh (Lâm trường Phương Ninh) có làm giấy xác nhận sẽ trả lại đất trồng tràm này cho mẹ ông. Tuy nhiên, qua nhiều lần khiếu nại thì ông Huynh chưa thực hiện việc trả đất hoặc bồi thường giá trị đất cho gia đình ông. Ông Đ tiếp tục khiếu nại đến Ủy ban nhân dân (gọi tắt là UBND) tỉnh Hậu Giang yêu cầu ban hành Quyết định thu hồi đất và bồi thường giá trị đất đối với diện tích đất nêu trên.

Ngày 22/11/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Công văn số 1947/UBND-TCD (gọi tắt là Công văn số 1947) không chấp nhận yêu cầu khiếu nại của ông Đ vì đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng thuộc thẩm quyền thu hồi đất của UBND huyện.

Nay ông Đ khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Công văn số 1947 ngày 22/11/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, buộc UBND huyện P, tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định thu hồi đất, bồi thường giá trị đất cho ông Nguyễn Phương Đ đối với diện tích 25.000m2 mà hiện nay Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1 quản lý, sử dụng.

Phía người bị kiện UBND huyện P trình bày: Nông trường quốc doanh Phương Ninh được thành lập vào năm 1976 (đổi tên thành Lâm trường Phương Ninh năm 1983), đến năm 2002 thì đổi tên thành Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1. Ngày 17/02/1990, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1 được UBND tỉnh Cần Thơ cũ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 27.736.200m2, phần đất ông Đ yêu cầu UBND huyện P thu hồi nằm trong diện tích đất được cấp giấy chứng nhận này. Căn cứ vào Điều 66 của Luật đất đai năm 2013 thì UBND huyện P không có thẩm quyền thu hồi đối với phần đất này.

UBND huyện P không có hành vi hành chính được giao quản lý nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của ông Đ.

Vì vậy đề nghị Tòa án xem xét lại nội dung khởi kiện của ông Đ về việc buộc UBND huyện P ban hành quyết định thu hồi đất, bồi thường giá trị đất cho ông Đ với diện tích 25.000m2 mà hiện nay Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1 đang quản lý, sử dụng.

Phía người bị kiện Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trình bày:

Các chính sách bồi thường đã được UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) giải quyết cho tất cả những hộ dân có đất tại Nông trường Phương Ninh. Theo chính sách tại thời điểm đó thì các hộ trực canh ở đây được đền bù 12,5 giạ/1.000m2 đối với những hộ tiếp tục nhận khoán và 17,5 giạ/1.000m2 cho những hộ hoàn toàn không nhận khoán. Chỉ bồi hoàn hoa lợi và thành quả lao động.

Về thời hiệu khởi kiện đối với Công văn số 1947 ngày 22/11/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang không yêu cầu xem xét thời hiệu đối với Công văn số 1947.

Năm 1997, Chánh thanh tra tỉnh Cần Thơ (trước đây) đã giải quyết khiếu nại này của ông Đ. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang xem xét nội dung khiếu nại của ông Nguyễn Phương Đ, căn cứ vào Điều 9 và khoản 6 Điều 11 của Luật khiếu nại năm 2011 thì thời hiệu khiếu nại của ông Đ đã hết. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã giao cho cơ quan chuyên môn kiểm tra lại nội dung vụ việc. Qua kiểm tra hồ sơ và tài liệu liên quan đến ông Đ thì không phát sinh tình tiết mới so với kết quả giải quyết trước đây của tỉnh Cần Thơ (cũ). Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Công văn số 1947 ngày 22/11/2016 về việc trả lời đơn khiếu nại của ông Đ với nội dung: Yêu cầu giải quyết của ông Đ đã được Đoàn giải quyết ruộng đất tỉnh Cần Thơ xem xét giải quyết phù hợp với quy định pháp luật về đất đai và không còn thời hiệu để tiếp tục thụ lý giải quyết khiếu nại. Mặt khác, trước đây có trường hợp ông Trần Văn Tín khởi kiện có nội dung tương tự như trường hợp của ông Đ, đã được Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết tại bản án số 73/2019/HC-PT ngày 28/02/2019.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang không thống nhất với nội dung khởi kiện của ông Nguyễn Phương Đ.

Phía người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1 trình bày:

Về nguồn gốc đất nằm trong hộ cụm của bà Nguyễn Thị Hòa (mẹ ông Đ) gồm: Bà Hòa, ông Đ và bà Quắn (em dâu của ông Đ). Vào năm 1993 Đoàn giải quyết đất đai của tỉnh Cần Thơ xét công nhận cho hộ cụm bà Hòa diện tích 5ha, theo Quyết định số 1331/QĐ.UBND.93 (gọi tắt là Quyết định số 1331) ngày 15/6/1993 của UBND tỉnh Cần Thơ là phù hợp tại thời điểm đó.

Vào năm 1997 bà Hòa khiếu nại Lâm trường Phương Ninh yêu cầu giải quyết đủ 11ha đất ruộng cho bà. Vào ngày 09/5/1997, Thanh tra tỉnh Cần Thơ có Thông báo số 58/TB.UBND.95 (gọi tắt Thông báo số 58) trả lời đơn của bà Hòa. Trường hợp bà Hòa được giải quyết 5ha, vượt hạn điền là 2ha nhưng Lâm trường không thu hồi phần chênh lệch, vẫn để cho gia đình bà Hòa hợp đồng với diện tích 4,63ha và chi trả phần chênh lệch là 0,37ha để cho đủ 5ha đã được xét. Như vậy, Đoàn giải quyết ruộng đất của tỉnh Cần Thơ và Lâm trường Phương Ninh đã giải quyết thỏa đáng.

Tóm lại, diện tích nhận khoán của những người trong hộ cụm là 4,89ha/5ha gồm: Bà Hòa 1,80ha, ông Đ 2,09ha, bà Quắn 1,00ha, ngoài ra ông Đ còn chuyển nhượng cho ông Đỗ Thành Tiếp diện tích 3,18ha vào năm 2001.

Qua tình hình nguồn gốc đất và diện tích đất nhận khoán hiện nay của ông Đ, căn cứ theo Luật đất đai năm 1993, Quyết định 1331 ngày 15/6/1993 và Thông báo số 58 ngày 09/5/1997 của Đoàn giải quyết đất đai của tỉnh Cần Thơ xét công nhận cho cụm hộ bà Hòa diện tích 5ha là đúng chủ trương chính sách thời điểm đó và cũng thỏa đáng với cụm hộ của bà Hòa.

Do đó, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1 không thống nhất với yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Phương Đ.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2020/HC-ST ngày 14 tháng 01 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang quyết định:

1. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Phương Đ đối với yêu cầu Tòa án hủy Công văn số 1947/UBND-TCD ngày 22/11/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc trả lời đơn khiếu nại của ông Nguyễn Phương Đ.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Phương Đ về việc buộc Ủy ban nhân dân huyện P, tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định thu hồi đất, bồi thường giá trị đất cho ông Nguyễn Phương Đ diện tích 25.000m2 (25 công), hiện nay Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1 quản lý, sử dụng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 29 tháng 01 năm 2020, người khởi kiện là ông Nguyễn Phương Đ có đơn kháng cáo bản án hành chính sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Người khởi kiện là ông Nguyễn Phương Đ (có ông Bào Tấn Đ1 đại diện theo ủy quyền) thay đổi nội dung kháng cáo yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đ buộc UBND huyện P, tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định thu hồi đất, bồi thường giá trị đất cho ông Nguyễn Phương Đ diện tích 25.000m2 (25 công), hiện nay Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1 quản lý, sử dụng.

Người bị kiện là Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang xin vắng mặt và có văn bản bảo lưu ý kiến thống nhất với Bản án sơ thẩm, không đồng ý yêu cầu kháng cáo của người khởi kiện.

Người bị kiện là UBND huyện P, tỉnh Hậu Giang (có ông Lê Như L đại diện theo ủy quyền) không đồng ý với kháng cáo của ông Đ, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác kháng cáo của ông Đ và giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - ông Nguyễn Hoàng A phát biểu ý kiến không đồng ý yêu cầu kháng cáo của ông Đ, đề nghị bác kháng cáo của người khởi kiện, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1 (có ông Lê Thanh S đại diện theo ủy quyền) thống nhất ý kiến của người bị kiện, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác kháng cáo của ông Đ và giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm:

Về tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của pháp luật Tố tụng hành chính. Các đương sự thực hiện quyền, nghĩa vụ theo đúng quy định pháp luật.

Về nội dung: Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện là ông Nguyễn Phương Đ (có ông Bào Tấn Đ1 đại diện theo ủy quyền) kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ nào mới chứng minh cho yêu cầu kháng cáo nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác kháng cáo của ông Đ và giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị N, ông Nguyễn Châu A1, ông Nguyễn Hùng C (đều do ông Nguyễn Phương Đ đại diện theo ủy quyền) vắng mặt; bà Nguyễn Thị Kim Em, ông Nguyễn Thành N1 và người bị kiện Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (do ông Trương Cảnh Tuyên đại diện theo ủy quyền) xin vắng mặt. Căn cứ Điều 225 Luật Tố tụng hành chính 2015, Tòa án tiến hành xét xử vụ án vắng mặt những đương sự này.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện là ông Nguyễn Phương Đ (có ông Bào Tấn Đ1 đại diện theo ủy quyền) kháng cáo yêu cầu UBND huyện P, tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định thu hồi đất, bồi thường giá trị đất cho ông Nguyễn Phương Đ diện tích 25.000m2 (25 công), hiện nay do Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1 quản lý, sử dụng. Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đến giấy xác nhận của ông Nguyễn Văn Huynh khi đó là Giám đốc Lâm trường Phương Ninh, có nội dung sẽ trả lại đất trồng tràm cho bà Nguyễn Thị Hòa (mẹ của ông Đ); UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1 không đúng quy định, khi chưa xem xét giải quyết quyền lợi của ông Đ, là đánh giá sai bản chất của vụ việc dẫn đến việc giải quyết vụ án không đúng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1 (có ông Lê Thanh S đại diện theo ủy quyền) khai nhận giấy xác nhận do ông Đ cung cấp không có giá trị vì ông Huynh không viết và ký giấy này, khi đó do ông Đ làm việc ở phòng tổ chức của Lâm trường Phương Ninh nên đã tự đóng dấu vào giấy xác nhận.

[3] Xét kháng cáo của ông Nguyễn Phương Đ [3.1] Hồ sơ vụ án thể hiện, ông Đ khai nhận, nguồn gốc 25.000m2 đất do ông bà của ông khai phá từ năm 1935, sau đó, cho lại mẹ của ông là bà Nguyễn Thị Hòa canh tác ổn định. Tuy nhiên, ông Đ không cung cấp được tài liệu chứng cứ để chứng minh mẹ ông hoặc ông đã được xác lập quyền sử dụng đất đối với phần đất này.

[3.2] Năm 1976, Nhà nước có chủ trương thành lập Nông trường Phương Ninh, phần đất nói trên do Nông trường Phương Ninh quản lý, hộ của ông Nguyễn Phương Đ không còn sử dụng phần đất này. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2002/QĐ-TTg ngày 14/01/2002 thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc H1, tỉnh Cần Thơ. Đến ngày 20/6/2011 UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1, tỉnh Hậu Giang.

[3.3] Trước đây, bà Nguyễn Thị Hòa (mẹ của ông Nguyễn Phương Đ) khiếu nại bất nhất, có lúc yêu cầu Nông trường Phương Ninh giải quyết đủ 11 ha đất ruộng, có lúc yêu cầu giải quyết bồi thường 2,5 ha đất trồng tràm. Vào thời điểm năm 1972 hộ của bà Hòa có sản xuất khoảng 30 công (tầm 3m), sau năm 1975 có khai phá thêm 50 công. Ngày 26/3/1993 con của bà Hòa là ông Nguyễn Thành N1 có đơn xin trả thành quả lao động đối với 25 công sản xuất đất xáng múc, đất do bà Hòa cho sau 30/4/1975 đến tháng 11/1976 bỏ không, không canh tác nữa.

[3.4] Vào năm 1994, Đoàn giải quyết đất đai của tỉnh Cần Thơ (cũ) thừa nhận và giải quyết 05 ha (mức hạn điền cao nhất lúc bấy giờ), trong đó hộ cụm của bà Hòa và các con của bà nhận hợp đồng với diện tích 4,63ha, còn lại trả thành quả lao động 0,37ha nhưng bà Hòa không đồng ý nhận. Hộ của bà Hòa không đồng ý với kết quả giải quyết nêu trên, bà đã nhiều lần đến Lâm trường Phương Ninh để khiếu nại, yêu cầu Lâm trường phải trả hoa lợi 2,5ha đất.

[3.5] Tại Quyết định số 1331/QĐ.UBT.93 ngày 15/6/1993 của UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) xác định hộ của bà Nguyễn Thị Hòa chỉ được giải quyết thành quả lao động là 5ha. Mặt khác, theo các tài liệu thể hiện vào thời gian năm 1975 ông Nguyễn Thành N1 không có ở gia đình, ông tham gia bộ đội.

Tại Thông báo số 38/TB.UBT.95 ngày 25/5/1995 của UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) về giải quyết ruộng đất của Lâm trường Phương Ninh có quy định em t bồi thường thành quả lao động về ruộng đất cho hộ có cơ sở chứng minh là thuộc s tr c canh liên tục ít nhất 0 năm ở thời đi mới giải phóng và khi lâm trường quản lí ”. Đối chiếu với quy định này, ông Nguyễn Thành Niên chỉ canh tác được 1 năm nên không đủ điều kiện để xem xét bồi thường thành quả lao động.

Tại Công văn số 902/VP.UBND-TD ngày 16/10/2007 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc trả lời đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Hòa, không chấp nhận việc bà Hòa yêu cầu Lâm trường Phương Ninh trả thành quả lao động cho gia đình bà đối với diện tích 25.000m2.

[3.6] Như vậy, ông Nguyễn Phương Đ cho rằng Lâm trường Phương Ninh đã chiếm dụng diện tích 2,5 ha với mục đích trồng tràm kinh doanh, đến nay chưa giải quyết trả thành quả lao động, nằm trong phần đất 100 công do ông nội của ông Đ là ông Nguyễn Ngọc Lư để lại là không có cơ sở. Đối chiếu với chủ trương, chính sách đất đai của Nhà nước và sự chỉ đạo của UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) về giải quyết ruộng đất trong Lâm trường Phương Ninh, hộ của bà Nguyễn Thị Hòa (mẹ của ông Nguyễn Phương Đ) đã được giải quyết phù hợp với quy định của Luật Đất đai tại thời điểm đó.

[3.7] Ngoài ra, như đã nêu tại mục

[3.1], ông Đ không chứng minh được quyền sử dụng của mẹ ông và ông đối với phần đất ông yêu cầu được bồi thường. Và thực tế ông canh tác, sử dụng đất là do vào năm 2001 ông được nhận đất khoán của Lâm trường với diện tích là 1,20 ha (diện tích đo đạc thực tế 2,09ha) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1.

[4] Từ những phân tích trên, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm, xác định không có căn cứ để cho rằng phần đất 2,5 ha (25 công) hiện nay do Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1 quản lý là của mẹ ông Đ, nên không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của ông Đ buộc UBND huyện P phải ban hành quyết định thu hồi đất đối với diện tích trên là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Đ kháng cáo nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh cho kháng cáo của mình nên Hội đồng xét xử phúc thẩm bác yêu cầu kháng cáo của ông Đ và giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh là có căn cứ chấp nhận.

[5] Các quyết định khác của bản án hành chính sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị phát sinh hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[6] Về án phí hành chính phúc thẩm: ông Nguyễn Phương Đ được miễn theo quy định của pháp luật án phí, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính năm 2015; Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định mức thu, miễn, giảm thu nộp, quản lý sử dụng án phí lệ phí Tòa án.

Bác kháng cáo của người khởi kiện là ông Nguyễn Phương Đ; giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm số: 01/2020/HC-ST ngày 14 tháng 01 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang Xử:

1. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Phương Đ đối với yêu cầu Tòa án hủy Công văn số 1947/UBND-TCD ngày 22/11/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc trả lời đơn khiếu nại của ông Nguyễn Phương Đ.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Phương Đ về việc buộc Ủy ban nhân dân huyện P, tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định thu hồi đất, bồi thường giá trị đất cho ông Nguyễn Phương Đ diện tích 25.000m2 (25 công), hiện nay Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc H1 quản lý, sử dụng.

Các quyết định khác của bản án hành chính sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị phát sinh hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Án phí hành chính phúc thẩm: ông Nguyễn Phương Đ được miễn.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

363
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 719/2020/HC-PT ngày 07/12/2020 về khiếu kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai

Số hiệu:719/2020/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 07/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về