Bản án 70/2018/DS-PT ngày 13/08/2018 về tranh chấp chia di sản thừa kế và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

BẢN ÁN 70/2018/DS-PT NGÀY 13/08/2018 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ VÀ HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 13 tháng 8 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 26/2018/TLPT-DS ngày 22 tháng 3 năm 2018 về tranh chấp chia di sản thừa kế và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do bản án dân sự sơ thẩm số 03/2018/DSST ngày 25 tháng 01 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện C bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 74/2018/QĐ-PT ngày 11 tháng 7 năm 2018 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 144/2018/QĐ-PT ngày 18/7/2018, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà T, sinh năm 1964; Địa chỉ: Thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

2. Bị đơn: Ông X, sinh năm 1950; Địa chỉ: Thôn D, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1 Bà Y, sinh năm 1945; địa chỉ: Thôn D, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên. Có mặt. mặt.

3.2 Bà N, sinh năm 1956; địa chỉ: Thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

3.3 Bà M, sinh năm 1967; địa chỉ: Thôn E, xã F, huyện G, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

3.4 Bà H, sinh năm 1959; địa chỉ: Thôn D, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

3.5 Ông K, sinh năm 1978; địa chỉ: Thôn D, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

4. Người làm chứng:

- Ông Nguyễn C, sinh năm 1946;

- Ông Hồ V, sinh năm 1952;

Cùng trú tại: Thôn Đ, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên. Có đơn xin xét xử vắng

5. Người kháng cáo: Bị đơn ông X.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 24/6/2016 và quá trình tố tụng, nguyên đơn trình bày như sau:

Nguyên cha mẹ bà T là cụ O và cụ P có năm người con là Y, X, N, T, M. Cụ O, cụ P có tạo lập một mảnh đất 1.003m2 thuc thửa đất 476, tờ bản đồ 15A. Năm 2003, cụ O và cụ P già yếu, thường xuyên đau ốm, có chuyển nhượng cho bà T một lô đất để xây dựng nhà ở lâu dài với diện tích: Rộng 5,5m, dài 28m, tổng cộng 154m2, có giới cận: Đông giáp hàng rào ông I và ông V; Tây giáp móng nhà lớn tôi đang ở (nhà của cụ O, cụ P); Nam giáp đường đi nội bộ; Bắc giáp đường đi nội bộ. Hai bên ưng thuận với giá tiền là 3.000.000 đồng. Đến năm 2007, bà T xây nhà có phá một bụi tre ở phía Đông nên diện tích tăng so với ban đầu. Hiện nay thực tế bà T đang sử dụng là 186,4m2 nay yêu cầu tòa công nhận diện tích đất này là của bà T. Năm 2004 cụ P chết, năm 2014 cụ O chết, khi chết không để lại di chúc. Nay bà T yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ O, cụ P là diện tích đất theo đo đạc thực tế là 806,6m2, nhà cấp 4 và một số cây cối cho năm người con của cụ P, cụ O. Ngoài ra, cụ O và cụ P còn hai thửa ruộng, hiện do ông X quản lý canh tác, bà T không yêu cầu chia số ruộng này.

Bị đơn ông X trình bày: Cha mẹ ông X là cụ O, cụ P khi chết có để lại đất nhà ở và đất được lập theo Nghị định 64 của Chính phủ là 4.000m2, sau khi cụ P chết, bà T ly dị chồng về ở với cụ O. Sau đó, cụ O cho bà T phần đất phía Đông với chiều ngang là 5 mét, chiều dài là 30 mét, bà T đã xây dựng nhà kiên cố gần 200m2, phần đất còn lại ông X không đồng ý chia di sản của cụ O, cụ P. Tuy nhiên, sau đó ông X cho rằng khi cụ O còn sống có mượn tiền và thục đất cho con trai ông X là anh K diện tích 570m2 vi số tiền 36.000.000 đồng, ông X và anh K đã viết và ký vào giấy mượn tiền và giấy thục đất, cụ O không ký vào giấy này vì lúc đó cụ O đã già yếu không ký tên được. Năm 2016, ông X đã chuộc lại diện tích 250m2 từ anh K với số tiền là 20.000.000 đồng nên diện tích 250m2 là của ông X, vì ông X không có tiền trả cho anh K nên diện tích còn lại 320m2 là của anh K. Đối với phần đất bà T xây dựng nhà, ông X chỉ đồng ý cho bà T chiều ngang 5 mét, chiều dài hết lô đất, đối với phần đất bà T lấn chiếm với chiều ngang gần 2 mét, chiều dài hết lô đất, ông X yêu cầu và T phải tháo dỡ nhà trả lại đất cho ông X. Đối với phần đất còn lại ông X không đồng ý chia vì phần đất này để cho ông X lo việc thờ cúng cha mẹ, tổ tiên. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông X yêu cầu bà T phải trả lại toàn bộ diện tích đất mà bà T đang sử dụng để chia đều cho năm người con của cụ O và cụ P.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Bà N, bà M thống nhất trình bày: Thng nhất như ý kiến trình bày của bà T, yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ O, cụ P là diện tích đất theo đo đạc thực tế là 806,6m2 cùng với tài sản trên đất của cụ O, cụ P cho năm người con của cụ O, cụ P. Đối với nhà và đất của bà T, khi cụ O, cụ P còn sống có chuyển nhượng cho bà T diện tích 154m2, tuy nhiên phía Đông thửa đất có một bụi tre rất to khi đo đất không đo bụi tre này. Sau đó, bà T đã xây dựng nhà ở kiên cố và có ranh giới rõ ràng, ông X yêu cầu bà T trả lại diện tích đất bà T đang sử dụng là không đúng, đề nghị Tòa xem xét.

Bà Y trình bày: Bà Y thống nhất với lời trình bày của ông X. Đối với phần đất bà T đang sử dụng, yêu cầu bà T phải trả lại diện tích đang sử dụng để chia đều cho các con cụ O và cụ P. Đối với phần đất của cụ O, cụ P để lại, bà Y đồng ý tặng cho phần của bà Y cho ông X để ông X lo việc thờ cúng cha mẹ, tổ tiên.

Anh K trình bày: Khi cụ O còn sống có mượn của anh K 16.000.000 đồng và nói, nếu cụ O không trả được nợ thì phần đất 320m2 này thuộc về anh K. Đối với phần đất thục, khi còn sống cụ O cũng thục cho anh K 250m2 với số tiền 20.000.000 đồng và có nói khi nào trả tiền cho anh K thì lấy lại đất, ông X đã trả cho anh K 20.000.000 đồng đã lấy lại đất nên phần đất 250m2 là của ông X. Khi đó, có làm giấy mượn tiền và giấy thục đất nhưng chỉ ông X và anh K ký, cụ O không có ký vào giấy này vì lúc đó cụ O đã già yếu không ký tên được.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/2018/DSST ngày 25 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện C đã áp dụng: Điều 227, 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 129, 429, 611, 613, 620, 623, 649, 650, 651, 660 và 688 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án số 10/2009; Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn bà T: chia di sản của cụ O và cụ P theo pháp luật như sau:

- Ông X được nhận kỷ phần thừa kế theo pháp luật diện tích đất là 161,4m2, có giá trị là 108.000.000 đồng, kỷ phần thừa kế của bà Y là 161,3m2, bà Y tự nguyện cho ông X nên ông X được nhận diện tích đất 322,7m2, trong đó, 262,7m2 đất hàng năm khác và 60m2 đất ở, tọa lạc tại thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên (có sơ đồ kèm theo là lô số 1 và lô số 2) cùng với tài sản gồm hàng rào lưới B40, cây tiêu, trụ lỗi tiêu và cây cối, giếng khoan, đường dây điện của ông X nằm ở phía Tây thửa đất.

- Bà M được nhận kỷ phần thừa kế theo pháp luật diện tích đất là 161,3m2, trong đó 131,3m2 đt hàng năm khác và 30m2 đt ở, có giá trị là 108.000.000 đồng, tọa lạc tại thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên (có sơ đồ kèm theo là lô số 3).

- Bà N được nhận kỷ phần thừa kế theo pháp luật diện tích đất là 161,3m2,trong đó 131,3m2 đất hàng năm khác và 30m2 đất ở, có giá trị là 108.000.000 đồng, tọa lạc tại thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên (có sơ đồ kèm theo là lô số 4).

- Bà T được nhận kỷ phần thừa kế theo pháp luật diện tích đất là 161,3m2,trong đó 131,3m2 đất hàng năm khác và 30m2 đất ở, có giá trị là 108.000.000 đồng, tọa lạc tại thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên (có sơ đồ kèm theo là lô số 5).

- Giao cho bà T được sở hữu, sử dụng ngôi nhà của cụ O, cụ P diện tích là 42,56m2; cao 2,2m, mái ngói, nền xi măng có giá 10.764.297 đồng; được chia ra làm 5 phần là 2.152.841 đồng, bà T phải trả cho ông X, bà Y, bà N, bà M mỗi người 2.152.841 đồng (phần của bà Y, bà Y tự nguyện cho ông X nên ông X được nhận là 4.305.682 đồng).

- Giao cho bà T được sử dụng, sở hữu các cây cối của cụ O và cụ P để lại gồm 03 cây dừa là 1.350.000 đồng, 01 cây xoài 700.000 đồng, 03 bụi tre 300.000 đồng, 01 cây sung 250.000 đồng, 01 bụi thanh long 200.000 đồng, tổng cộng là 2.800.000 đồng, được chia ra làm 05 phần, mỗi phần là 560.000 đồng. Vì vậy, bà T phải trả cho ông X, bà Y, bà N, bà M mỗi người là 560.000 đồng (phần của bà Y, bà Y tự nguyện cho ông X nên ông X được nhận là 1.120.000 đồng).

Tng cộng các khoản trên, bà T phải trả cho ông X 5.425.682 đồng (được làm tròn 5.425.000 đồng); trả cho bà N 2.712.841 đồng (được làm tròn 2.712.000 đồng); trả cho bà M 2.712.841 đồng (được làm tròn 2.712.000 đồng).

- Bà T, bà N, bà M phải trả cho ông X, bà H 2.568.000 đồng tiền ông X, bà H đổ đất nâng nền và 1.652.400 đồng tiền hàng rào lưới B40. Tổng cộng hai khoản trên bà T, bà N, bà M mỗi người phải trả cho ông X, bà H là 4.220.400 đồng. Đối với phần nhận di sản của bà Y, bà Y tự nguyện cho ông X nên ông X phải chịu phần tiền này.

Hiện tại, ông X, bà H đang quản lý, sử dụng toàn bộ di sản thừa kế nên buộc ông X, bà H phải giao lại đất và tài sản cho các bà T, N, M theo quyết định nêu trên.

- Công nhận diện tích đất 186,4m2 nằm một phần trong thửa đất 476, tờ bản đồ 15A tọa lạc tại thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên là của bà T (có sơ đồ kèm theo).

Ông X, bà T, bà N, bà M có nghĩa vụ làm thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về phần án phí, chi phí định giá, thông báo quyền kháng cáo cho các bên đương sự.

Ngày 05/02/2018, bị đơn ông X có đơn kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Nhng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giữ nguyên ý kiến đã trình bày.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về vụ án: Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ Bộ luật tố tụng dân sự quy định. Về nội dung: Bản án sơ thẩm xác định khối di sản, diện hưởng thừa kế và phân chia di sản của cụ O, cụ P là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm diện hưởng thừa kế của cụ O, cụ P có thỏa thuận về số cây ăn quả, cây lâu năm, dụng cụ và đồ thờ cúng là sự tự nguyện không trái pháp luật cần ghi nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 BLTTDS năm 2015 chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa một phần quyết định sơ thẩm, ghi nhận sự thỏa thuận của đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có tại hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, kết quả tranh luận của đương sự và ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

Về nội dung kháng cáo của bị đơn ông X:

[1] Yêu cầu công nhận các diện tích đất 320m2 đất ông O đã mượn tiền của cháu K, nhưng không hoàn trả đúng theo điều kiện ghi tại Giấy mượn tiền lập ngày 12/5/1999 thì thuộc quyền sử dụng của K; Diện tích 250m2 đất ông O đã thục cho cháu K 20.000.000 đồng nhưng không chuộc theo điều kiện ghi tại Giấy thục đất lập ngày 15/4/2005, ông X đã trả tiền cho K, đất này thuộc quyền sử dụng của ông X: Khi ông X và anh K có yêu cầu tranh chấp quyền sử dụng diện tích đất này, Tòa án cấp sơ thẩm đã Thông báo cho ông X và anh K nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm nhưng ông X và anh K không nộp. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã xem xét và không chấp nhận yêu cầu của ông X và anh K. Đối với yêu cầu của anh K không kháng cáo, không thuộc phạm vi xét xử của cấp phúc thẩm; Đối với diện tích 250m2 của ông X cho rằng cụ O đã thục cho anh K 20.000.000đ tại Giấy thục đất lập ngày 15/4/2005, ông X đã trả cho anh K 20.000.000đ, nên diện tích đất này thuộc quyền sử dụng của ông X. Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm anh K và ông X đều thừa nhận các giấy mượn tiền ngày 12/5/1999 và giấy thục đất ngày 14/4/2005 là do ông X viết, chữ ký cụ O là do ông X ký. Do đó, nội dung giấy mượn tiền, giấy thục đất này không thể hiện ý chí của cụ O, không có giá trị pháp lý, nên yêu cầu kháng cáo này của ông X không được chấp nhận.

[2] Yêu cầu đưa diện tích đất 46,4m2 bà T lấn chiếm vào di sản thừa kế của cụ O, cụ P để chia: Ông X thừa nhận Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa cụ O và bà T lập ngày 25/12/2006 do ông ký thay cụ O, chỉ cho bà T diện tích 154m2. Giấy chuyển nhượng đất ở lập ngày 20/10/2003 là giả mạo. Hiện nay bà T đang sử dụng diện tích 186,4m2 là lấn chiếm 46,4m2. Xét thấy, tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm ông X không thừa nhận chữ ký của ông X và cụ O tại Giấy chuyển nhượng đất ở lập ngày 20/10/2003, ông X yêu cầu trưng cầu giám định chữ ký của ông X và cụ O nhưng sau đó đều có đơn rút lại yêu cầu giám định chữ ký. Theo Giấy chuyển nhượng đất ở lập ngày 20/10/2003 và Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất lập ngày 25/12/2006 đều có diện tích là 154m2, nhưng ở Hợp đồng tặng cho không thể hiện giới cận, còn ở Giấy chuyển nhượng đất ở thì có giới cận: “Đông giáp hàng rào ông I và ông V; Tây giáp móng nhà lớn tôi đang ở (nhà của cụ O, cụ P); Nam giáp đường đi nội bộ; Bắc giáp đường đi nội bộ”. Hiện nay, diện tích đất bà T xây nhà ở có giới cận phía Tây cách móng nhà lớn của cụ O, cụ P là 0,5m. Điều này cho thấy bà T không lấn đất của cụ O, đất tăng 46,4m2 là do phá một bụi tre phía Đông như lời trình bày của bà T, bà N, bà M và người làm chứng ông Nguyễn C, ông Hồ V là có căn cứ. Mặt khác, tại Điều 2 của Hợp đồng tặng cho có nội dung “Bên A có nghĩa vụ giao thửa đất nêu tại Điều 1 của hợp đồng này cùng giấy tờ quyền sử dụng đất cho bên B vào thời điểm ngày 20/10/2003”. Điều này cho thấy có việc chuyển nhượng đất ở vào năm 2003.

[3] Yêu cầu được nhận ngôi nhà của cụ O, cụ P để ở: Tại phiên tòa phúc thẩm ông X thừa nhận ông có 01 ngôi nhà bên cạnh ngôi nhà của cụ O, cụ P đã giao cho con là K ở. Hiện nay vợ chồng ông X ở tại 01 ngôi nhà gần chợ D, xã B. Ông X, bà Y, bà N, bà M, bà T đều xác định ngôi nhà của cụ O, cụ P nằm trên phần diện tích đất được chia cho bà N và bà T (lô số 4 và số 5), hiện nay ngôi nhà đã hư hỏng xuống cấp không ở được. Mặt khác, ông X có nguyện vọng được chia phần diện tích đất có 42 trụ tiêu (lô số 1 và số 2). Do đó, việc phân chia như bản án sơ thẩm là phù hợp. Tuy nhiên, cần giao ngôi nhà của cụ O, cụ P cho bà N và bà T (lô số 4 và số 5) cho phù hợp với thực tế. Bà N và bà T có trách nhiệm thối lại giá trị cho các kỷ phần thừa kế khác.

[4] Về số cây ăn quả, cây lâu năm; số dụng cụ và đồ thờ cúng có trong ngôi nhà của cụ O, cụ P: Tất cả diện hưởng thừa kế của cụ O, cụ P đều thống nhất cây nằm trên phần đất của ai được chia thì người đó được hưởng mà không phải thối lại giá trị cho người khác; giao số dụng cụ và đồ thờ cúng có trong ngôi nhà của cụ O, cụ P cho ông X sử dụng thực hiện việc thờ cúng. Đây là sự tự nguyện không trái pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm ghi nhận.

[5] Đối với phần đất của ông X, bà H nâng mặt bằng, các bên đương sự đều thừa nhận là ông X, bà H có đổ đất nâng mặt bằng với khối lượng là 128,4m3 với chiều dài 20m, chiều rộng 10,7m (rộng trước 9,2m, rộng sau 12,2m), chiều cao 0,6m. Theo kết quả định giá 1m3 có giá 100.000đ/m3, thành tiền là 12.840.000 đồng. Vì vậy, mỗi người hưởng một phần thừa kế phải thanh toán tiền nâng mặt bằng cho ông X, bà H là 2.568.000 đồng.

[6] Đối với hàng rào lưới B40, các đương sự đều thống nhất là do ông X, bà H xây dựng. Theo kết quả định giá thì 1m dài lưới B40 có giá là 306.000 đồng, mỗi phần thừa kế được hưởng là 5,4m chiều ngang mặt tiền có lưới B40, thành tiền là 1.652.400 đồng nên bà T, bà N, bà Y, bà M mỗi người phải trả cho ông X, bà H là 1.652.400 đồng.

Xét lời đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ, đúng pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm – ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của diện hưởng thừa kế của cụ O, cụ P về số cây ăn quả, cây lâu năm, số dụng cụ và đồ thờ cúng có trong ngôi nhà của cụ O, cụ P.

Về án phí:

Về án phí dân sự sơ thẩm, mỗi kỷ phần thừa kế phải chịu 5.507.645đ án phí dân sự sơ thẩm (110.152.900đ x 5% = 5.507.645đ).

Về án phí phúc thẩm do sửa án sơ thẩm nên đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn ông X. Sửa một phần bản án sơ thẩm.

Áp dụng các Điều 611, 612, 623, 649, 650, 651, 660 và 688 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 203 Luật đất đai năm 2013; Điều 147, Điều 148, Điều 149 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 26 và Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

- Công nhận di sản thừa kế của cụ O, cụ P gồm: Diện tích đất 806,4 m2 trị giá 540.000.000đ (27m chiều ngang mặt tiền hướng Bắc x 20.000.000đ/mét ngang = 540.000.000đ), trong đó: 150m2 đất ở, 658,6m2 đất hàng năm khác tại thửa đất số 476, tờ bản đồ 15A, tọa lạc thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên. Trên đất có 01 ngôi nhà cấp 4 diện tích 42,56m2 còn 10% giá trị sử dụng, trị giá 10.764.297 đồng; 03 cây dừa giá, 01 cây xoài, 03 bụi tre, 01 cây sung, 01 bụi thanh long. Trên đất có một số tài sản do vợ chồng ông X, bà H tạo lập: Đất nâng mặt bằng 128,4m3 đất (trị giá 12.840.000 đồng), 43,82m hàng rào lưới B40 có trụ bê tông, 42 trụ tiêu, chuối, sả …

- Ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của diện hưởng thừa kế di sản của cụ O, cụ P: Giao số vật dụng, đồ thờ cúng trong nhà cụ O, cụ P cho ông X quản lý, sử dụng, thực hiện việc thờ cúng; Số cây ăn quả và cây lâu năm của cụ O, cụ P nằm trên phần đất của ai được chia thì người đó được hưởng không phải thối lại giá trị cho các kỷ phần thừa kế khác.

Khi di sản của cụ O, cụ P được chia cho diện thừa kế của các cụ gồm 05 người: Ông X, bà Y, bà N, bà M, bà T, mỗi người một kỷ phần bằng nhau là 161,3 m2, trong đó có 30 m2 đất ở, 131,3 m2 đất hàng năm khác trị giá 108.000.000đ và 1/5 giá trị ngôi nhà là 2.152.900đ, cụ thể:

1. Ông X được hưởng một kỷ phần thừa kế của cụ O, cụ P là lô đất số 01 có diện tích 161,4 m2, trong đó có 30 m2 đất ở, 131,3 m2 đất hàng năm khác trị giá 108.000.000đ tại thửa đất số 476, tờ bản đồ 15A, tọa lạc thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên và 1/5 giá trị ngôi nhà là 2.152.900đ do bà N, bà T thối lại.

2. Bà Y được hưởng một kỷ phần thừa kế của cụ O, cụ P là lô đất số 02 có diện tích 161,3 m2, trong đó có 30 m2 đất ở, 131,3 m2 đất hàng năm khác trị giá 108.000.000đ tại thửa đất số 476, tờ bản đồ 15A, tọa lạc thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên và 1/5 giá trị ngôi nhà là 2.152.900đ do bà N, bà T thối lại.

Ghi nhận sự tự nguyễn của bà Y giao cho kỷ phần thừa kế của mình được hưởng cho ông X. Do đó, ông X được nhận diện tích đất 322,7m2, trong đó: 262,7 m2 đất hàng năm khác và 60 m2 đất ở. Trên diện tích đất này có một số tài sản do vợ chồng ông tạo lập, gồm: Hàng rào lưới B40, 01 giếng khoan, 42 trụ tiêu, chuối, sả ….

3. Bà M được hưởng một kỷ phần thừa kế của cụ O, cụ P là lô đất số 03 có diện tích 161,3 m2, trong đó có 30 m2 đất ở, 131,3 m2 đất hàng năm khác trị giá 108.000.000đ tại thửa đất số 476, tờ bản đồ 15A, tọa lạc thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên và 1/5 giá trị ngôi nhà là 2.152.900đ do bà N, bà T thối lại.

4. Bà N được hưởng một kỷ phần thừa kế của cụ O, cụ P là lô đất số 04 có diện tích 161,3 m2, trong đó có 30 m2 đất ở, 131,3 m2 đất hàng năm khác trị giá 108.000.000đ tại thửa đất số 476, tờ bản đồ 15A, tọa lạc thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên và 1/5 giá trị ngôi nhà là 2.152.900đ.

5. Bà T được hưởng một kỷ phần thừa kế của cụ O, cụ P là lô đất số 05 có diện tích 161,3 m2, trong đó có 30 m2 đất ở, 131,3 m2 đất hàng năm khác trị giá 108.000.000đ tại thửa đất số 476, tờ bản đồ 15A, tọa lạc thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên và 1/5 giá trị ngôi nhà là 2.152.900đ.

- Giao cho bà N và bà T được quyền sở hữu ngôi nhà của cụ O, cụ P diện tích là 42,56m2 có giá 10.764.297đồng (nằm trên lô đất số 4 và số 5). Bà N và bà T có trách nhiệm thối lại cho ông X, bà Y, bà M mỗi người 2.152.900 đồng. (Phần của bà Y, bà Y tự nguyện cho ông X nên ông X được nhận là 4.305.800 đồng).

- Bà T, bà N, bà M phải trả cho ông X, bà H 2.568.000 đồng tiền ông X, bà H đổ đất nâng nền và 1.652.400 đồng tiền hàng rào lưới B40. Tổng cộng hai khoản trên bà T, bà N, bà M mỗi người phải trả cho ông X, bà H là 4.220.400 đồng. Đối với phần nhận di sản của bà Y, bà Y tự nguyện cho ông X nên ông X phải chịu phần tiền này.

- Hiện tại, ông X, bà H đang quản lý, sử dụng toàn bộ di sản thừa kế nên buộc ông X, bà H phải thu hoạch cây trồng trên đất, giao lại đất và tài sản cho các bà T, bà N, bà M theo quyết định nêu trên.

- Công nhận diện tích đất 186,4m2 nằm một phần trong thửa đất 476, tờ bản đồ 15A tọa lạc tại thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Phú Yên là của bà T.

- Ông X, bà T, bà N, bà M có nghĩa vụ làm thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Về chi phí định giá và xem xét thẩm định tại chỗ là 7.000.000đ: Ông X, bà Y, bà N, bà M, bà T, mỗi người phải chịu 1.400.000đ. Nguyên đơn bà T đã ứng 6.000.000 đồng, bị đơn ông X đã tạm ứng 1.000.000đ, nên ông X phải hoàn trả lại cho bà T 400.000đ, các bà Y, bà N, bà M phải hoàn trả cho bà T mỗi người 1.400.000 đồng. Phần của bà Y, ông X trả thay.

Về án phí:

- Án phí sơ thẩm:

Ông X, bà Y, bà N, bà M, bà T, mỗi người phải chịu 5.507.645đ án phí dân sự sơ thẩm. Phần của bà Y ông X phải chịu.

Bà T được khấu trừ 200.000 đồng mà bà T đã nộp tạm ứng án phí sơ thẩm tại biên lai thu tiền số 0000262 ngày 07/01/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C nên bà T còn phải nộp 5.307.645đ đồng.

- Án phí phúc thẩm: Ông X không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn lại cho ông X 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, đã nộp tại Biên lai thu tiền số 0008674 ngày 16/02/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án chưa thi hành xong khoản tiền nói trên thì người phải thi hành án còn phải chịu thêm khoản lãi theo lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015, tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

Trưng hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

358
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 70/2018/DS-PT ngày 13/08/2018 về tranh chấp chia di sản thừa kế và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Số hiệu:70/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Phú Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 13/08/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về