Bản án 67/2017/HSST ngày 16/11/2017 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TAM DƯƠNG, TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 67/2017/HSST NGÀY 16/11/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 16 tháng 11 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Vĩnh Phúc, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 64/2017/HSST ngày 27 tháng 10 năm 2017, đối với bị cáo: 

Họ và tên: BQC - Sinh ngày 13/09/1996.

Nơi cư trú: thôn TC, xã XH, huyện N, tỉnh Vĩnh Phúc; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hoá: 10/12; bố đẻ: BHS, sinh năm 1974; mẹ đẻ: TTH, sinh năm 1974; vợ, con: chưa có.

Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 14/7/2017, hiện tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc, có mặt tại phiên tòa.

Người bị hại:

1. Cháu NVTh, sinh ngày 03/3/2002, có mặt.

Người đại diện hợp pháp: anh NXĐ, sinh năm 1979, có mặt.

Nơi cư trú: thôn TL, xã XH, huyện N, tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Cháu NTA, sinh ngày 07/11/2002, có mặt.

Người đại diện hợp pháp: chị NTH, sinh năm 1982, có mặt.

Nơi cư trú: thôn XT, xã XH, huyện N, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Cháu NAT, sinh ngày 11/01/2002, có mặt.

Người đại diện hợp pháp: anh NVH, sinh ngăm 1973, có mặt.

Nơi cư trú: thôn ĐC, xã XH, huyện N, tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Cháu NVM, sinh ngày 16/07/2002, có mặt.

Người đại diện hợp pháp: chị PTX, sinh ngăm 1983, có mặt.

Nơi cư trú: thôn ĐC, xã XH, huyện N, tỉnh Vĩnh Phúc.

3. Cháu NTK, sinh ngày 17/10/2002, có mặt.

Người đại diện hợp pháp: anh NVC, sinh ngăm 1979, có mặt.

Nơi cư trú: thôn NN, xã XH, huyện N, tỉnh Vĩnh Phúc.

4. Ông BHS, sinh năm 1970, có mặt.

Nơi cư trú: thôn TC, xã XH, huyện LT, tỉnh Vĩnh Phúc.

NHẬN THẤY

Bị cáo BQC bị Viện kiểm sát nhân dân huyện N truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Khoảng 17h ngày 02/6/2017, các cháu NVTh, NTA, NVM, NTK, NAT, ĐVK, DVA, KMG, NVN và KVQ đều sinh năm 2002, thường trú tại xã XH, huyện N, tỉnh Vĩnh Phúc, là học sinh lớp 9B trường THCS XH, huyện N cùng nhau đi xe đạp đến nhà cháu BĐTh, sinh năm 2002 ở thôn TC, xã XH (Th là học sinh cùng lớp với nhóm của T) mục đích đòi tiền Th đã vay của lớp trước đó. Khi đến cổng nhóm của T có gọi Th ra cổng nói chuyện nhưng Th không ra, Th đứng ở đầu sân nhà mình để nói chuyện với nhóm của T. Trong lúc đang nói với Th, nhóm của T nhìn thấy ông BHS, sinh năm 1970 (bố đẻ Th) cầm một con dao (ông S đang cầm dao phát cây tại gia đình) từ trong vườn đi ra sân. Nhìn thấy ông S, sợ bị ông S đánh nên T cùng nhóm bạn hô nhau đi xe đạp bỏ chạy về hướng UBND xã XH. Thấy vậy ông S nghĩ Th bị nhóm của T đánh nên có gọi điện thoại cho con trai là BQC, sinh năm 1996 đang chơi ở thị trấn LT, huyện N và nói: “con về xem thằng Th thế nào mà các bạn đến nhà”. C nghe thấy ông S gọi điện thoại nói vậy thì nghĩ nhóm học sinh đã đến nhà quây đánh Th (em trai C), C điều khiển xe máy chở một người tên H (C khai bạn mới quen không biết rõ tên, tuổi và địa chỉ của H ở đâu) đi từ thị trấn LT về nhà theo hướng đường tỉnh lộ 307. Khi đến ngã ba thôn XTr, xã XH (cổng nhà của gia đình ST ) thì C nhìn thấy cháu A và K đi xe đạp chở nhau, còn các cháu T, M, T mỗi người đi một xe đạp cùng đến. C nghĩ đây là nhóm học sinh vừa vào nhà đánh em trai mình nên có quát nhóm của A dừng xe lại, nhóm của A xuống xe định bỏ chạy thì C liền lấy chiếc gậy sắt loại 3 khúc (gậy dạng thụt ra vào như Ăng ten Ti vi, mỗi khúc dài khoảng 20cm, đường kính trung bình khoảng từ 2 – 2,5cm, phần tay cầm được bọc lớp nỉ màu xám) được cài ở yếm xe máy trước đó, tay phải C cầm chiếc gậy vụt liên tiếp mấy cái vào không khí để gậy tự động kéo dài ra khoảng 60cm rồi lao đến vụt nhiều cái về phía người em A và K; trong đó cháu A bị Cường vụt 01 phát trúng đầu bị rách da chảy máu, 01 phát vào lưng và 01 phát vào tay bị chấn thương phần mềm; cháu K bị C vụt 01 phát trúng vào lưng bị thương phần mềm. Lúc này ông S đi xe máy đến thấy C đang đánh nhóm học sinh, ông S có vào can ngăn thì C không đánh cháu A và K nữa. C lên xe máy đuổi theo cháu T đang đi xe đạp bỏ chạy về hướng đường đi ngã ba ĐX, xã XH được khoảng 20 - 30m thì kịp. C cầm gậy vụt 01 phát vào lưng và quát T phải dừng xe đạp lại, cháu T xuống xe đứng ở vệ đường thì C đi đến đứng đối diện và tay phải cầm gậy dơ lên vụt từ trên xuống dưới 01 phát trúng vào vùng đỉnh đầu của T làm bị rách ra chảy máu và vỡ lún xương sọ. Bị đánh đau, cháu T ngồi xuống bo đầu và nói “em xin anh” thì C không đánh T nữa; Cường tiếp tục lên xe máy đuổi theo cháu M và T đang đi xe đạp bỏ chạy, khi đến cổng nhà ThT thì gặp cháu M. C cầm gậy vụt 01 phát vào lưng M làm bị thương phần mềm, cháu M xin thì C không đánh nữa và lại đuổi theo T qua ngã ba ĐX khoảng 15 – 20m thì kịp, C bắt T dừng xe và dùng gậy vụt liên tiếp 04 phát vào lưng của T, làm cho T bị chấn thương phần mềm thì mọi người đến can ngăn. Do mọi người can ngăn nên C không đánh cháu T nữa và đi xe máy về nhà, sau đó C bỏ trốn sang xã YD, huyện TĐ, tỉnh Vĩnh Phúc. Trên đường đi trốn đến khu vực cầu Ch, xã BB, huyện N thì C đã ném bỏ chiếc gậy 03 khúc trên xuống dòng sông PĐ.

Sau khi bị đánh gây thương tích các cháu T, A, M được gia đình đưa đi cấp cứu điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc (cháu T cấp cứu điều trị từ ngày 02/6 đến 14/6/2017 ra viện; cháu A điều trị từ ngày 02 đến 03/6/2017 ra viện; cháu M chỉ bị thương phần mềm, sau khi khám thương xong về nhà luôn trong ngày 02/6/2017); cháu T được gia đình đưa đến khám thương tại Trung tâm y tế huyện N, cháu K khám thương tại Trạm y tế xã XH, hai cháu bị đau phần mềm nên sau khi khám xong đã về nhà và không phải điều trị thương tích.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N quyết định trưng cầu giám định, Trung tâm pháp y tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản số 197 và 198/TgT ngày 26/6/2017 kết luận thương tích của cháu NVT, cháu NTA như sau:

+ NVT: Sẹo vết thương vùng thái dương đỉnh bên phải + tụ máu ngoài màng cứng thùy đỉnh phải còn dịch hóa ở thùy bên phải + sẹo mổ, vỡ lún xương sọ còn mảnh kết hợp xương đáy chắc đường kính 7cm + chảy máu dưới nhện thùy đỉnh phải. Kết luận tổn hại sức khỏe ở thời điểm hiện tại là 59%.

+ NTA: Sẹo vết thương phần mềm vùng chẩm sau bên trái, tổn hại sức khỏe ở thời điểm hiện tại là 02%. Đối với cháu NTA bị BQC dùng gậy sắt (hung khí nguy hiểm) đánh gây thương tích bị tổn hại 02% sức khỏe. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình C đến thăm hỏi, bồi thường các khoản chi phí điều trị cho cháu A tổng số tiền là 3.000.000đ, cháu A và người đại diện hợp pháp đã có đơn xin rút yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự cho C và không yêu cầu bồi thường gì.

Các cháu M, T, K có bị BQC đánh gây thương tích phần mềm, gia đình C có đến thăm hỏi xin lỗi và các cháu đề nghị được cho tự giải quyết tình cảm với nhau, Cơ quan điều tra quyết định trưng cầu giám định sức khỏe nhưng các cháu M, T và K đã có đơn từ chối đi giám định thương tích và tự nguyện không yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với C và cũng không có yêu cầu bồi thường gì.

Đối với ông BHS có gọi điện thoại cho BQC nhưng không nhằm mục đích xúi giục hay kích động để C đánh gây thương tích cho NVT và nhóm học sinh. Khi thấy C đánh các cháu học sinh, anh S đã vào can ngăn, không tham gia trong việc gây thương tích cho cháu T và nhóm học sinh.

Đối với cháu BĐTh trước đó có mâu thuẫn với nhóm của cháu T, bản thân Th không có mặt tại nơi xảy ra tội phạm, Th cũng không xúi giục, kích động hay giúp sức gì trong việc C đánh gây thương tích cho T và nhóm học sinh.

Đối với người đàn ông tên H đi cùng xe với BQC và có mặt tại nơi xảy ra tội phạm, C khai H là bạn mới quen ngoài xã hội và không biết rõ tên tuổi, địa chỉ cụ thể của H ở đâu. Bản thân H cũng không tham gia đánh hay xúi giục, giúp sức gì trong việc C gây thương tích cho NVT và nhóm học sinh.

Chiếc gậy sắt ba khúc, BQC khai trước đó có mua ở thành phố Hà Nội của một người không rõ tên và địa chỉ, sau khi dùng đánh gây thương tích cho T và nhóm học sinh thì C đã vứt xuống dòng sông PĐ, Cơ quan điều tra đã truy tìm nhưng không thu giữ được để xử lý.

Bị cáo C và gia đình đã bồi thường cho cháu NVT các khoản chi phí điều trị, thiệt hại sức khỏe và tinh thần tổng số tiền là 74.600.0000đ, đến nay cháu T và người đại diện hợp pháp không yêu cầu bị cáo phải bồi thường gì thêm.

Tại bản trạng số: 66/KSĐT-TA ngày 27 tháng 10 năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện N truy tố BQC về tội “ Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N luận tội đối với bị cáo C, giữ nguyên quyết định truy tố như nội dung bản cáo trạng đã nêu. Sau khi đánh giá, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo C từ 05 năm đến 05 năm 06 tháng tù và đề nghị xử lý vật chứng, xác nhận bồi thường thiệt hại theo quy định.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

XÉT THẤY

Quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo BQC khai nhận toàn bộ về hành vi phạm tội của mình. Bị cáo thừa nhận đã gây thương tích cho cháu NVT vào ngày 02/06/2017 tại khu vực ngã ba XT, ĐX, xã XH, huyện N như nội dung bản cáo trạng đã nêu là đúng và không có lời bào chữa nào khác.

Lời nhận tội của bị cáo phù hợp với các lời khai, bản kiểm điểm của bị cáo, lời khai của người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, đặc điểm dấu vết vật chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, kết quả giám định và các tài liệu chứng cứ khác thể hiện trong hồ sơ vụ án. Như vậy đã có đủ căn cứ kết luận bị cáo BQC phạm tội "Cố ý gây thương tích". Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự Điều luật quy định: “Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật .... từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm năm”.

Điểm a, điểm d, điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự quy định:

a) “ Dùng hung khí nguy hiểm”…..; d) Đối với trẻ em……; i) Có tính chất côn đồ…”.

Theo quy định tại điểm b Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14, quy định áp dụng hình phạt nhẹ hơn có lợi cho người phạm tội.

Khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:.. c) Gây thương tích…cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”

Điểm a, điểm c, điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

a) “ Dùng …..hung khí nguy hiểm”…..; d) Đối với người dưới 16 tuổi……; i) Có tính chất côn đồ…”.

Do quy định của khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định mức hình phạt nhẹ hơn quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự 1999, nên Hội đồng xét xử áp dụng 3 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 để làm căn cứ quyết định hình phạt với bị cáo C.

Xét tính chất vụ án là rất nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe được pháp luật bảo vệ. Chỉ vì nguyên cớ nhỏ nhặt mà bị cáo dùng gậy Sắt vụt vào đầu, gây thương tích cho cháu T với tỷ lệ tổn hại 59% sức khỏe. Bị cáo biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện với lỗi cố ý, làm mất trật tự trị an tại địa phương, gây dư luận bất bình trong nhân dân. Vì vậy, phải đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật và có hình phạt tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo, như vậy mới có tác dụng cải tạo giáo dục riêng đối với bị cáo và răn đe giáo dục, phòng ngừa chung.

Khi lượng hình, Hội đồng xét xử đã cân nhắc, xem xét đến tính chất cũng như mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hậu quả xảy ra, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo thấy rằng:

Bị cáo C sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; mặc dù hoàn cảnh gia đình, kinh tế của bị cáo rất khó khăn nhưng bị cáo cùng gia đình đã tích cực bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho chị hại; Bị hại và người đại diện hợp pháp của người bị hại đều có đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, p khoản 1 + khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Bị cáo lần đầu phạm tội, tuổi đời còn trẻ, chưa có vợ con, đang là giai đoạn quan trọng để bắt đầu bước vào cuộc sống của người trưởng thành. Do vậy, có thể xem xét cho bị cáo hưởng mức án bằng mức khởi điểm của khung hình phạt cũng đủ điều kiện để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người công dân có ích cho xã hội và thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta.

Đối với cháu A bị C dùng gậy sắt đánh gây thương tích, bị tổn hại 02% sức khỏe. Nhưng cháu A và người đại diện hợp pháp đã có đơn xin rút yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự cho C, do vậy cơ quan điều tra không đề cập xử lý về hành vi này là đúng pháp luật cháu A cũng đã nhận đủ số tiền bồi thường 3.000.000đ và không yêu cầu bồi thường gì thêm nên Hội đồng xét xử xác nhận.

Các cháu M, T, K có bị C dùng gậy đánh, nhưng do chỉ bị đau phần mềm, không có thương tích nên các cháu và người đại diện hợp pháp từ chối đi giám định thương tích và tự nguyện không yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với C và cũng không có yêu cầu bồi thường gì là phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với ông BHS có gọi điện thoại cho bị cáo C nhưng không nhằm mục đích xúi giục hay kích động để C đánh gây thương tích cho cháu T. Khi thấy C đánh cháu T và nhóm học sinh, ông S đã vào can ngăn, không tham gia trong việc gây thương tích cho cháu T và nhóm học sinh nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý là phù hợp. Quá trình điều tra, ông S đã thay mặt bị cáo đi bồi thường, thăm hỏi cho cháu T và nhóm học sinh, nhưng anh S tự nguyện cho bị cáo C số tiền đã bồi thường và không có yêu cầu gì đối với C là phù hợp nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Đối với cháu Th trước đó có mâu thuẫn với nhóm của cháu T, bản thân Thịnh không có mặt tại nơi xảy ra tội phạm, Th cũng không xúi giục, kích động hay giúp sức gì trong việc C đánh gây thương tích cho T và nhóm học sinh nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý là đúng.

Đối với người đàn ông tên H đi cùng xe với BQC và có mặt tại nơi xảy ra tội phạm, C khai H là bạn mới quen ngoài xã hội và không biết rõ tên tuổi, địa chỉ cụ thể của H ở đâu. Bản thân H cũng không tham gia đánh hay xúi giục, giúp sức gì trong việc C gây thương tích cho T và nhóm học sinh nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý là đúng pháp luật.

Bị cáo C và gia đình đã bồi thường cho cháu T các khoản chi phí điều trị, thiệt hại sức khỏe và tinh thần tổng số tiền là 74.600.000đ, đến nay cháu T và người đại diện hợp pháp không yêu cầu bị cáo phải bồi thường gì thêm là phù hợp với quy định của pháp luật nên được xác nhận.

Về án phí: Bị cáo BQC phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo BQC phạm tội “ Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng: Khoản 3 Điều 104; điểm b, p khoản 1 + khoản 2 Điều 46; Điều 42 Bộ luật Hình sự. Khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều 590 Bộ luật dân sự. Nghị quyết số 326/NQ-UBTVQH14 ngày 31/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Xử phạt: BQC 05 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 14/7/2017.

Về bồi thường thiệt hại và xử lý vật chứng:

Xác nhận bị cáo BQC đã bồi thường đủ cho bị hại là cháu NVT số tiền 74.600.000đ. Xác nhận bị cáo BQC đã bồi thường đủ cho cháu NTA số tiền 3.000.000đ.

Về án phí: BQC phải chịu 200.000đ tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người đại diện hợp pháp có quyền kháng cáo bản án để yêu cầu xét xử phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

310
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 67/2017/HSST ngày 16/11/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:67/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tam Dương - Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về