TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 63/2021/HS-PT NGÀY 28/07/2021 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN
Ngày 28 tháng 7 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 72/2021/TLPT-HS ngày 21 tháng 6 năm 2021 đối với bị cáo Mạc Duy Q, do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án sơ thẩm số 30/2021/HS-ST ngày 10/05/2021 của Tòa án nhân dân thị xã K, tỉnh Hải Dương.
- Bị cáo có kháng cáo: Mạc Duy Q (Tên gọi khác: Không), sinh năm 1993 tại xã A, thị xã K, tỉnh Hải Dương; nơi cư trú: Khu dân cư H, phường A, thị xã K, tỉnh Hải Dương; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá (học vấn): 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Mạc Duy S và bà Nguyễn Thị V; có vợ là Lê Thị L và 01 con sinh năm 2012; tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo hiện đang tại ngoại. (Có mặt) - Người bào chữa cho bị cáo: Ông Phạm Văn H – Luật sư Văn phòng luật sư K, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; địa chỉ: Số 50 tổ 29 phường L, quận Đ, thành phố Hà Nội. (Có mặt) - Bị hại: Anh Mạc Duy T, sinh năm 1976 và chị Phạm Thị N, sinh năm 1983; đều cư trú tại: Khu dân cư H, phường A, thị xã K, tỉnh Hải Dương.
Người đại diện theo ủy quyền của chị Phạm Thị N: Anh Mạc Duy T, sinh năm 1976; Nơi cư trú: Khu dân cư H, phường A, thị xã K, tỉnh Hải Dương.
(Anh T có mặt, chị N vắng mặt)
- Người làm chứng:
+ Ông Mạc Duy S, sinh năm 1972; Nơi cư trú: Khu dân cư H, phường A, thị xã K, tỉnh Hải Dương. (Có mặt)
+ Bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1971; Nơi cư trú: Khu dân cư H, phường A, thị xã K, tỉnh Hải Dương. (Có mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 02/11/2020 Mạc Duy Q ở nhà tại khu dân cư H, phường A, thị xã K, tỉnh Hải Dương. Q thấy nhà vợ chồng anh Mạc Duy T, sinh năm 1976 và chị Phạm Thị N, sinh năm 1983 ( anh T là chú ruột ở cạnh nhà Q) không có ai ở nhà, cửa khóa. Do có mâu thuẫn với anh T nên Q cầm chiếc xà cầy dài 70cm ở nhà Q đi sang nhà anh T mục đích để đập phá đồ đạc. Khi đi đến cửa chính nhà anh T, Q dùng tay giật mạnh cửa chính thì cửa bung ra. Q đi vào trong nhà định đập phá đồ đạc thì nhìn thấy tại vị trí cuối giường ngủ có để 01 chiếc két sắt, Q nảy sinh ý định cậy két sắt để lấy tài sản. Q dùng xà cầy cậy cửa két sắt bung ra, rồi dùng mũi xà cầy cậy tiếp ngăn kéo nhỏ trong két sắt, thấy bên trong ngăn kéo có một bọc tiền để trong một túi nilon và có số tiền 1.000.000 đồng (gồm 2 tờ tiền 500.000 đồng) để ngoài. Q lấy tất cả số tiền rồi đi ra khép cửa chính lại như cũ. Q về nhà cất số tiền lấy được vào tủ quần áo trong phòng mình. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày Q cầm chiếc xà cầy ra khu đô thị mới A vứt xuống sông. Ngày 03/11/2020 anh T có đơn trình báo cơ quan Công an thị xã K về việc bị mất 320.400.000 đồng. Đến tối ngày 06/11/2020 Q thấy hành vi của mình là vi phạm pháp luật nên đã đưa số tiền 320.400.000 đồng cho ông Mạc Duy S là bố đẻ để trả lại cho anh Mạc Duy T.
Quá trình điều tra ông S đã giao nộp toàn bộ số tiền 320.400.000 đồng (gồm 400 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng; 400 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng, 404 tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng) cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã K quản lý. Anh Mạc Duy T giao nộp 01 két sắt nhãn hiệu Việt Tiệp màu xám cho cơ quan Công an quản lý. Ngày 10/11/2020 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã K đã trả lại cho anh Mạc Duy T số tiền 320.400.000 đồng và 01 két sắt nhãn hiệu Việt Tiệp.
Tại Công văn số 03 ngày 03/3/2021 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự Ủy ban nhân dân thị xã K phúc đáp yêu cầu định giá tài sản: Lẫy cửa két sắt bị hư hỏng nhẹ nhưng sau đó đã được gia đình gõ nắn, sửa thì lại sử dụng và hoạt động bình thường. Tài sản đã thu hồi được nên sau khi xem xét thực trạng Hội đồng xác định thiệt hại là rất nhỏ, đã khắc phục hoàn toàn nên không xác định giá.
Đối với chiếc xà cầy bị cáo dùng để cậy két sắt của gia đình anh Mạc Duy T, Q đã vứt xuống sông, cơ quan Cảnh sát điều tra không thu giữ được.
Về trách nhiệm dân sự: Vợ chồng anh Mạc Duy T, chị Phạm Thị N xác định đã nhận lại được tài sản không yêu cầu bồi thường gì khác.
Tại bản án sơ thẩm số 30/2021/HS-ST ngày 10 tháng 5 năm 2021, Tòa án nhân dân thị xã K tuyên bố Mạc Duy Q phạm tội Trộm cắp tài sản; căn cứ điểm a khoản 3 Điều 173, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 38 BLHS, xử phạt Mạc Duy Q 08 năm 03 tháng tù. Ngoài ra cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 13 tháng 5 năm 2021, bị cáo Mạc Duy Q kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay:
- Bị cáo Q trình bày: Ngày 02/11/2020 bị cáo có cậy két sắt của nhà anh T, chị N và lấy trộm tiền trong két. Tuy nhiên bị cáo xác định bị cáo chỉ lấy được số tiền 16.200.000đ, không phải 320.400.000đ như bản án sơ thẩm. Tại cơ quan điều tra bị cáo có khai là bị cáo chỉ lấy trộm số tiền 16.200.000đ nhưng cơ quan điều tra bảo rằng không khớp với số tiền bị hại báo nên trước hết cứ khai số tiền là 320.400.000đ. Hành vi của bị cáo đến đâu thì bị cáo chịu đến đó nên bị cáo thay đổi nội dung, chỉ kháng cáo về số tiền chiếm đoạt, không kháng cáo về mức hình phạt. Đề nghị HĐXX xem xét và xét xử đúng pháp luật.
- Người bào chữa cho bị cáo trình bày: Tại phiên tòa hôm nay thấy rằng lời khai của anh T và chị N có sự mâu thuẫn nhưng chị N vắng mặt; bố mẹ bị cáo là ông S và bà V khai ông bà phải đi vay tiền của một số người quen để đủ 320.400.000đ nộp cho cơ quan điều tra, những người này cũng không có mặt tại phiên tòa. Do đó người bào chữa không trình bày lời bào chữa mà đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên tòa, triệu tập chị N và những người cho ông S, bà V vay tiền đến phiên tòa để làm rõ nội dung vụ án.
- Bị hại anh Mạc Duy T (chú ruột bị cáo) xác nhận số tiền vợ chồng anh bị mất trộm là 16.200.000đ, không phải 320.400.000đ như nội dung bản án sơ thẩm. Trong giai đoạn điều tra anh đã có đơn trình báo lại số tiền mất trộm nhưng cơ quan điều tra không tiếp nhận. Do đó ông S, bà V phải đi vay tiền để nộp cho cơ quan điều tra. Sau khi được cơ quan điều tra trả lại tiền, anh chỉ giữ 16.200.000đ, số tiền còn lại anh giao cho bà V (mẹ bị cáo) để trả nợ. Anh đề nghị HĐXX giải quyết vụ án đúng pháp luật.
- Người làm chứng - ông S (bố đẻ bị cáo) trình bày: Vài ngày sau khi nhà anh T bị lấy trộm tiền thì Q có nhận với ông rằng Q là người trộm và đưa cho ông số tiền 16.200.000đ. Ông đã báo cho vợ chồng anh T và hôm sau anh T đi trình báo lại số tiền bị mất với cơ quan điều tra nhưng cơ quan điều tra yêu cầu phải nộp đủ số tiền 320.400.000đ thì mới đồng ý thay đổi số tiền lấy trộm thành 16.200.000đ, nếu không thì cả gia đình ông phải đi tù. Do sợ hãi nên vợ chồng ông phải đi vay tiền của một số người để nộp cho cơ quan điều tra tuy nhiên tại phiên tòa ông không mang theo giấy vay tiền để cung cấp cho Tóa án.
- Người làm chứng - bà V trình bày: Bà là mẹ đẻ của bị cáo Q. Tối ngày vợ chồng anh T bị trộm tiền, chị N có nói với bà rằng số tiền bị mất là 16.200.000đ, sau đó anh T về nhà biết sự việc. Bà không chứng kiến hành vi phạm tội của Q nhưng nghe ông S kể lại rằng Q chỉ lấy 16.200.000đ. Số tiền để nộp cho cơ quan điều tra vợ chồng bà phải đi vay mượn thêm, sau khi anh T được trả tiền đã giao lại cho bà. Bà đề nghị HĐXX giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng cho con trai bà.
- Đại diện VKSND tỉnh Hải Dương: Tại phiên tòa bị cáo thừa nhận hành vi dùng xà cầy cậy phá két sắt nhà chú ruột là anh T, thừa nhận tội Trộm cắp tài sản nhưng xác định chỉ trộm số tiền 16.200.000đ. Người làm chứng không chứng kiến hành vi phạm tội là ông S, bà V và bị hại xác nhận bị cáo chỉ trộm 16.200.000đ. Tuy nhiên tại cơ quan điều tra, tại giai đoạn truy tố và tại phiên tòa sơ thẩm thì bị cáo, bị hại, người làm chứng đều xác định số tiền bị cáo trộm của bị hại là 320.400.000đ. Bị cáo là người trưởng thành, khỏe mạnh, bị cáo xác định không bị ép cung, mớm cung, dùng nhục, được tự khai và ký kết; bị hại và người làm chứng cũng không ai bị ép cung. Do đó có căn cứ xác định số tiền bị cáo trộm cắp của bị hại là 320.400.000đ, không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh số tiền là 16.200.000đ. Vì vậy xác định cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Mạc Duy Q về tội Trộm cắp tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 173 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật. Cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, xử phạt Q 08 năm 03 tháng tù là phù hợp. Tại cấp phúc thẩm không có tình tiết giảm nhẹ mới nên đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đối với đề nghị của người bào chữa về việc tạm ngừng phiên tòa để triệu tập thêm người tham gia tố tụng thì thấy rằng khi bắt đầu phiên tòa người bào chữa chỉ đề nghị bổ sung bà V là người làm chứng, không đề nghị bổ sung ai khác; đồng thời nội dung vụ án đã rõ nên đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử theo quy định.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
Về tố tụng:
- Kháng cáo của bị cáo trong thời hạn quy định tại Điều 333 BLTTHS nên hợp lệ và được xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Ban đầu bị cáo làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng tại phiên tòa bị cáo thay đổi kháng cáo, chỉ kháng cáo về số tiền trộm cắp, không kháng cáo về mức hình phạt. HĐXX chấp nhận việc bị cáo thay đổi kháng cáo là phù hợp quy định tại Điều 342 BLTTHS.
- Tại phiên tòa người bào chữa đề nghị bổ sung bà Nguyễn Thị V – mẹ bị cáo là người làm chứng vì bà V là người đầu tiên biết tin vợ chồng anh T bị mất trộm. Xét thấy cần làm rõ nội dung vụ án về số tiền trộm cắp theo kháng cáo của bị cáo nên HĐXX chấp nhận.
Về nội dung:
[1] Xét kháng cáo của bị cáo:
[1.1] Lời khai của bị hại: Ngày 03/11/2020 anh T có đơn trình báo gửi Công an thị xã K với nội dung vợ chồng anh bị mất trộm số tiền 320.400.000đ để trong két sắt. Trong toàn bộ các đơn của anh T gửi cơ quan điều tra, các biên bản lấy lời khai ngày 03/11/2020, ngày 20/11/2020, ngày 10/01/2021 và tại phiên tòa sơ thẩm, anh T đều xác định số tiền vợ chồng anh bị mất trộm là 320.400.000đ. Tại phiên tòa phúc thẩm anh T trình bày có trình báo lại với cơ quan điều tra là số tiền vợ chồng anh bị mất trộm chỉ có 16.200.000đ nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh; nội dung 02 đơn trình báo do người bào chữa cung cấp mâu thuẫn với toàn bộ lời khai của anh T nêu ở trên. Như vậy xác định bắt đầu từ khi trình báo, đến giai đoạn điều tra, truy tố và sau đó tại phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai, anh T đều khai là ngày 02/11/2020 vợ chồng anh bị mất trộm số tiền 320.400.000đ để trong két sắt, không có lời khai nào liên quan đến số tiền 16.200.000đ. Chị N, anh T đã được nhận lại số tiền 320.400.000đ (theo biên bản giao nhận ngày 10/11/2020), đã được nhận bản án sơ thẩm nhưng anh chị không có ý kiến gì về số tiền và cũng không kháng cáo bản án. Việc anh T khai chỉ bị mất số tiền 16.200.000đ là không đúng nhằm giảm nhẹ tội cho bị cáo là cháu ruột của anh nên không chấp nhận.
[1.2] Lời khai của bị cáo: Trong giai đoạn điều tra bị cáo Q có 05 biên bản lấy lời khai, 05 bản tự khai vào các ngày 08/11/2020, ngày 20/11/2020, ngày 02/12/2020, ngày 03/12/2020, ngày 18/12/2020. Q đều khai thống nhất là bị cáo cậy két sắt nhà anh T, lấy trộm 01 bọc tiền buộc trong túi nilon màu đỏ và 1.000.000đ (gồm 02 tờ tiền mệnh giá 500.000đ); Q cho 1.000.000đ vào túi nilon, mang về nhà cất trong tủ quần áo trên tầng 2. Q không đếm nên không biết đã lấy trộm được bao nhiêu tiền và Q cũng chưa tiêu số tiền này. Sau khi anh T báo công an thì ngày 06/11/2020 Q mang bọc tiền nguyên vẹn đưa cho ông S, bảo là tiền Q trộm của nhà anh T, để trả cho anh T, việc này có sự chứng kiến của anh T. Ông S và anh T kiểm đếm số tiền Q trộm cắp được là 320.400.000đ và sau đó ông S đã giao số tiền này cho công an vì là tang vật trong vụ án. Tại giai đoạn truy tố cũng như tại phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai, Q khai nhận nội dung sự việc như trên. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thay đổi lời khai là sau khi lấy trộm tiền, bị cáo đếm được tổng 16.200.000đ gồm các tờ tiền mệnh giá 500.000đ, 200.000đ, 100.000đ, 50.000đ, 20.000đ, 10.000đ. Ông S đã cầm số tiền Q đưa và vay mượn thêm để nộp cho cơ quan điều tra 320.400.000đ. Tuy nhiên lời khai này không phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án như: Tại biên bản ông S nộp tiền cho cơ quan điều tra và biên bản cơ quan điều tra trả tiền cho anh T thì số tiền 320.400.000đ chỉ bao gồm các tờ tiền mệnh giá 500.000đ, 200.000đ, 100.000đ chứ không có mệnh giá tiền là 50.000đ, 20.000đ, 10.000đ như bị cáo khai. Như vậy có cơ sở xác định trước khi Q giao tiền cho ông S thì Q không biết số tiền Q đã trộm từ két sắt của vợ chồng anh T là bao nhiêu; ông S và bà V cũng chỉ biết nhà anh T bị trộm cậy két sắt lấy mất một số tiền, không biết cụ thể mất bao nhiêu (thể hiện tại biên bản lấy lời khai ngày 03/11/2020 của ông S, bà V). Số tiền bị mất trộm chỉ có vợ chồng anh T và cơ quan điều tra biết nhưng khi Q giao nguyên vẹn bọc tiền Q lấy trộm của vợ chồng anh T thì kiểm đếm được đúng bằng số tiền vợ chồng anh T trình báo mất là 320.400.000đ. Việc bị cáo khai tại phiên tòa phúc thẩm chỉ trộm cắp 16.200.000đ chứ không phải 320.000.000đ là không khách quan nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo nên không chấp nhận.
[1.3] Về phía người làm chứng: Tại phiên tòa ông S và bà V mặc dù không chứng kiến hành vi phạm tội của bị cáo nhưng khẳng định bị cáo chỉ lấy trộm của vợ chồng anh T số tiền 16.200.000đ. Do cơ quan điều tra yêu cầu phải nộp đủ 320.400.000đ mới đồng ý thay đổi số tiền thành 16.200.000đ nên ông bà phải đi vay mượn thêm của một số người cho đủ số tiền 320.400.000đ giao nộp cho cơ quan điều tra nhưng tại phiên tòa không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Bà V khai tối ngày 02/11/2020 chị N có bảo với bà rằng két sắt nhà chị N bị cậy phá và mất số tiền 16.200.000đ, một lúc sau thì anh T về biết sự việc. Lời khai này mâu thuẫn với việc hôm sau anh T làm đơn trình báo mất số tiền 320.400.000đ; mâu thuẫn với lời khai của anh T rằng mấy ngày sau chị N mới bảo anh là chị N lấy tiền trong két sắt cho vay và chi tiêu, chỉ còn lại 16.200.000đ. Đến ngày 10/01/2021 chị N lập giấy ủy quyền cho anh T là người đại diện cho chị tham gia tố tụng, chị N vẫn xác định vợ chồng chị bị mất trộm số tiền 320.400.000đ. Vợ chồng ông S bà V khai tại phiên tòa phúc thẩm là không đúng sự thật khách quan, với mong muốn giảm nhẹ tội cho con nên không chấp nhận .
Tại phiên tòa hôm nay Q xác định bản thân hoàn toàn khỏe mạnh, quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo khai báo hoàn toàn tự nguyện, không bị ép cung, mớm cung, dùng nhục hình hoặc buộc phải khai nhận, được tự khai và tự ký kết. Bị hại là anh T và người làm chứng là ông S, bà V cũng xác định tại giai đoạn trước không bị ép cung, mớm cung. Do đó lời khai tại giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm là hoàn toàn hợp pháp. Những lời khai này phù hợp với nhau, phù hợp với những tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Đến phiên tòa phúc thẩm bị cáo, bị hại, người làm chứng đều thay đổi lời khai nhưng nội dung lời khai có nhiều mâu thuẫn và không đúng với sự thật khách quan của vụ án nên không có căn cứ chấp nhận.
Từ những phân tích trên, có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 02/11/2020 Mạc Duy Q đã có hành vi lén lút dùng cây xà cầy, có đặc điểm dài 70 cm, cậy két sắt trộm cắp tài sản của gia đình anh Mạc Duy T, chị Phạm Thị N có địa chỉ tại khu dân cư H, phường A, thị xã K, tỉnh Hải Dương số tiền 320.400.000 đồng. Do đó Tòa án nhân dân thị xã K xét xử Mạc Duy Q về tội Trộm cắp tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 173 BLHS là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và mức hình phạt như vậy là phù hợp. Bị cáo, người bào chữa, bị hại đề nghị HĐXX xem xét số tiền trộm cắp chỉ có 16.200.000đ là không có căn cứ, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về tội danh, điều luật áp dụng. Tại phiên tòa bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo, chỉ kháng cáo về số tiền trộm cắp, không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nên HĐXX không xem xét về hình phạt của bị cáo.
[2] Xét yêu cầu tạm ngừng phiên tòa: Người bào chữa cho rằng lời khai của anh T, chị N có mâu thuẫn và tại phiên tòa phát sinh tình tiết mới về việc ông S, bà V đi vay tiền để nộp đủ 320.400.000đ cho cơ quan điều tra nên cần triệu tập chị N cùng những người cho vay tiền đến phiên tòa để làm rõ nội dung vụ án. Tuy nhiên thấy rằng: Bà V xác nhận là nội dung bà khai tại phiên tòa hôm nay đã được bà trình bày với người bào chữa trước phiên toà nhưng khi bắt đầu phiên tòa, người bào chữa chỉ đề nghị bổ sung bà V là người làm chứng, không yêu cầu bổ sung, triệu tập thêm ai khác đến phiên tòa và cũng không cung cấp được giấy vay tiền hay chứng cứ khác. Đồng thời nội dung vụ án đã được làm rõ như phân tích ở trên nên HĐXX không chấp nhận đề nghị tạm ngừng phiên tòa của người bào chữa.
[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không xem xét, đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[4] Về án phí: Bị cáo kháng cáo không được chấp nhận phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự;
không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Mạc Duy Q; giữ nguyên bản án sơ thẩm số 30/2021/HS-ST ngày 10 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân thị xã K, tỉnh Hải Dương.
- Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 173, điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 38 Bộ luật Hình sự.
- Tuyên bố Mạc Duy Q phạm tội “Trộm cắp tài sản”.
- Xử phạt Mạc Duy Q 08 (Tám) năm 03 (ba) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày đi thi hành án 28/7/2021. Quyết định bắt bị cáo ngay tại phiên tòa để đảm bảo thi hành án.
2. Về án phí phúc thẩm: Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo Mạc Duy Q phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 28/7/2021.
Bản án 63/2021/HS-PT ngày 28/07/2021 về tội trộm cắp tài sản
Số hiệu: | 63/2021/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Dương |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/07/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về