TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 63/2021/HSPT NGÀY 24/02/2021 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 24 tháng 02 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 848/2020/TLPT-HS ngày 09/10/2020 đối với bị cáo Nông Đức A do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2020/HS-ST ngày 14/08/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn.
- Bị cáo có kháng cáo: Nông Đức A, sinh ngày 24/4/1955 tại tỉnh Bắc Kạn; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn BE, xã XL, huyện CĐ, tỉnh Bắc Kạn; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ học vấn: Lớp 07/12; Dân tộc: Tày; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nông Văn A1 và bà Nông Thị A2 (đều đã chết); Có vợ là Nông Thị A3, sinh năm 1954; Có 04 con, con lớn nhất sinh năm 1980, con nhỏ nhất sinh năm 1990; Tiền án: Không; Tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, nay tại ngoại tại địa phương. Có mặt tại phiên tòa.
- Các bị cáo không kháng cáo, không bị kháng cáo kháng nghị, tòa không triệu tập:
1. Nông Thị Lan A4, sinh ngày 08/4/1975 tại tỉnh Bắc Kạn; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Tổ 16, phường SC, thành phố BK, tỉnh Bắc Kạn; hiện nay đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn.
2. Ma Đình A5, sinh ngày 25/5/1958 tại tỉnh Bắc Kạn; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Tổ 7, thị trấn BL, huyện CĐ, tỉnh Bắc Kạn, hiện tại ngoại tại địa phương.
3. Nguyễn Hoàng A6, sinh ngày 16/8/1976 tại tỉnh Bắc Kạn; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Tổ 5, thị trấn BL, huyện CĐ, tỉnh Bắc Kạn; tại ngoại tại địa phương.
4. Nông Lương A7, sinh ngày 27/4/1970 tại tỉnh Hà Giang; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Khu 1, xã VT, huyện NS, tỉnh Bắc Kạn; tại ngoại tại địa phương.
* Người bào chữa cho bị cáo Nông Đức A:
- Luật sư Lưu Văn A8, Văn phòng Luật sư 365 thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Địa chỉ: Tầng 3, số 142 đường VPH, phường YH, CG, Hà Nội. Có mặt.
- Luật sư Nguyễn Văn A9, Công ty Luật BP, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh; Địa chỉ: Số 9B, phố GĐ, phường THĐ, TP HL tỉnh Quảng Ninh. Có mặt.
* Các bị hại không kháng cáo tòa không triệu tập: Triệu Thị A10, ông Phạm Văn A11, ông La Văn A12, ông Hoàng Văn A13, ông Bế Xuân A14, bà Nông Thị A15, ông Triệu Quyết A16, ông Hoàng Long A17, ông Chu Văn A18, ông Đặng Bùi Anh A19, bà Triệu Thị A20, bà Hoàng Thị A19.
* Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo tòa không triệu tập: Ông Nông Văn A22, ông Hoàng Văn A23, ông Trương Văn A24, bà Phạm Ngọc A25, bà Trịnh Thị A26, bà Ma Thị A27, ông Nông Văn A28.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2015, Nông Thị Lan A4 (sinh năm 1975, trú tại tổ 16, phường SC, thành phố BK tỉnh Bắc Kạn) cùng với Nông Đức A (sinh năm 1955, trú tại thôn BE, xã XL, huyện CĐ) và Nguyễn Hoàng A6 (sinh năm 1976, trú tại tổ 5, thị trấn BL, huyện CĐ) cùng đưa ra thông tin rằng xin được việc, tuyển vào công chức cho nhiều người ở huyện CĐ, tỉnh Bắc Kạn và huyện YS, NH, tỉnh Tuyên Quang cùng với sự giúp sức của Ma Đình A5 (sinh năm 1958, trú tại tổ 7, thị trấn BL, huyện CĐ) lúc này đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND huyện CĐ, A5 cho mượn nhà là địa điểm để nhận tiền của người xin việc và nhờ A5 nói chuyện với họ, ngoài ra có Nông Lương A7 (sinh năm 1970, trú tại Khu 1, xã VT, huyện NS, tỉnh Bắc Kạn), A7 đang là cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện NS trực tiếp đi nhận tiền của những người xin việc về đưa cho A4, do vậy có rất nhiều người tin tưởng đưa tiền cho A4 để chạy việc cho người thân với tổng số tiền bị chiếm đoạt là 532.000.000đ (năm trăm ba mươi hai triệu đồng).
Khoảng tháng 5/2015, Nông Thị Lan A4 đến nhà Nông Đức A, và tự giới thiệu mình là con gái của bà Ma Thị A27. A4 nói là có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo Sở, Ngành nên có thể lo chạy việc vào biên chế nhà nước, chạy thi đỗ công chức ngành Giáo dục, ngành Y tế và để lại số điện thoại của A4 cho Nông Đức A. Trong quá trình trao đổi A4 nói giá mỗi suất chạy việc từ 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng) đến 120.000.000đ (một trăm hai mươi triệu đồng). Mỗi trường hợp A4 sẽ trích lại cho A từ 4.000.000đ (bốn triệu đồng) đến 10.000.000đ (mười triệu đồng) để trả công cho A mà không cần biết kết quả có chạy được hay không. Nếu không chạy được thì A4 sẽ trả tiền cho A để trả lại cho những người chạy việc, đồng thời A4 còn hứa đối với số tiền trích lại cho A trước đó A4 sẽ có trách nhiệm trả hết, không đòi lại, A đồng ý.
Sau đó, Nông Đức A nói lại sự việc trên với ông Phạm Văn A11, sinh năm 1954, trú tại thôn B, xã XL, huyện CĐ, tỉnh Bắc Kạn và ông Nông Văn A22, sinh năm 1972, trú tại tổ 7, thị trấn NH, huyện NH, tỉnh Tuyên Quang (ông A22 là em vợ A) về việc A có nhiều mối quan hệ có khả năng xin được việc làm. Một thời gian sau nhiều người ở trên địa bàn huyện CĐ, tỉnh Bắc Kạn; huyện YS, huyện NH, tỉnh Tuyên Quang đến nhà A và Cơ quan A làm việc để đưa tiền chạy việc, cụ thể như sau:
Từ ngày 30/6/2015 đến giữa tháng 7/2015 tại nhà ông Phạm Văn A11 và nhà của Nông Đức A, ông A11 đã đưa cho Nông Đức A hai lần với tổng số tiền 45.000.000đ (lần thứ nhất 20.000.000đ; lần thứ hai 25.000.000đ) để chạy việc cho con dâu ông A11 vào biên chế ngành Giáo dục. Lần nhận tiền thứ nhất A viết “Giấy biên nhận, nhận tiền”; lần thứ hai viết vào 01 quyển sổ màu xanh, bìa cứng nội dung giao nhận số tiền đã nhận của ông A11.
Khoảng đầu tháng 7/2015 các ông Bế Xuân A14, sinh năm 1969; Đặng Bùi Anh A19, sinh năm 1989, cùng trú tại thôn 24, xã KP, huyện YS, tỉnh Tuyên Quang và ông Chu Văn A18, sinh năm 1974, tại thôn KT, xã KT1, huyện NH, tỉnh Tuyên Quang quen biết với ông Nông Văn A22, sinh năm 1972, trú tại thị trấn NH, huyện NH, tỉnh Tuyên Quang là em vợ A, những người này nhờ ông A22 đưa sang nhà A để liên hệ chạy việc cho người thân. Sau khi những người nói trên gặp A và nói chuyện liên hệ chạy việc với A thì được A hứa hẹn là chạy được việc nên ông A14 đã đưa tiền cho A hai lần với tổng số tiền 60.000.000đ (lần thứ nhất 30.000.000đ; lần thứ hai 30.000.000đ) để chạy việc cho con trai ông A14 vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Ông A19 đưa cho A 01 lần số tiền 30.000.000đ để chạy việc cho vợ đi làm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Ông Chu Văn A18 đưa cho A số tiền 30.000.000đ để chạy cho con trai làm tại Trung tâm y tế huyện CĐ. Khi A nhận tiền từ các ông Bế Xuân A14, Đặng Bùi Anh A19 và Chu Văn A18 đều có viết giấy biên nhận. Trong hai ngày 28/7/2015 và 28/10/2015 tại phòng làm việc của Nông Đức A tại Ủy ban nhân dân xã XL, huyện CĐ và tại nhà của A, ông Hoàng Long A17, sinh năm 1962, trú tại thôn SK, xã KP, huyện NH, tỉnh Tuyên Quang đã đưa cho Nông Đức A 02 lần tiền với tổng số tiền 60.000.000đ (mỗi lần 30.000.000đ) để chạy việc cho con trai vào làm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Lần thứ nhất nhận tiền A viết giấy vay tiền, lần thứ hai nhận tiền A viết giấy biên nhận vay tiền.
Trong hai ngày 19/8/2015 và 31/8/2018 ông Hoàng Văn A13, sinh năm 1965 và vợ là bà Ấu Thị A29, cùng trú tại thôn CĐ, xã ĐL, huyện CĐ, đến nhà A và đưa cho A hai lần với tổng số tiền 80.000.000đ (mỗi lần 40.000.000đ) để chạy việc cho con dâu ông A13 vào biên chế ngành Giáo dục. Cả hai lần nhận tiền A đều viết giấy biên nhận và hợp đồng vay tiền.
Trong các tháng 8, 9 năm 2015 Triệu Thị A10, sinh năm 1959 trú tại thôn B, xã XL, huyện CĐ, đưa cho Nông Đức A tổng số tiền 50.000.000đ (lần thứ nhất 30.000.000đ; lần thứ hai 20.000.000đ) để chạy việc cho con gái vào biên chế ngành Giáo dục. Lần thứ nhất giữa bà A10 và A viết giấy biên nhận, lần thứ hai không làm giấy biên nhận nhưng cả hai thống nhất đây là số tiền đặt cọc để chạy việc cho con gái bà A10.
Ngày 15/10/2015 tại nhà ông Nông Văn A28, sinh năm 1970, trú tại thôn BE, xã XL, huyện CĐ, ông La Văn A12, sinh năm 1966, trú tại thôn BL, xã ĐV, huyện NH, tỉnh Tuyên Quang đã đưa cho Nông Đức A số tiền 40.000.000đ (bốn mươi triệu đồng) để chạy việc cho con trai vào làm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Quá trình giao nhận tiền giữa ông A12 và A có viết giấy biên nhận.
Sau khi nhận tiền của các bị hại Nông Đức A đều chuyển tiền cho Nông Thị Lan A4 và chia làm nhiều lần, ở nhiều địa điểm khác nhau với tổng số tiền là 340.000.000đ (ba trăm bốn mươi triệu đồng) A4 đã chi tiêu cá nhân hết mà không liên hệ với ai để chạy việc. Đối với số tiền 55.000.000đ (năm mươi lăm triệu đồng) còn lại A thừa nhận bản thân sẽ chịu trách nhiệm trong đó có số tiền 24.000.000đ (hai mươi tư triệu đồng) bị can chi tiêu cá nhân vì A cho rằng đây là số tiền công được hưởng theo thỏa thuận ban đầu với A4. Quá trình A4 nhận tiền với A có nhận hồ sơ của các bị hại ở Tuyên Quang như là: Bản phô tô giấy tờ cá nhân, Bằng tốt nghiệp,… nhưng sau khi nhận được trên đường về A4 đã xé, vứt hết các hồ sơ này.
Ngoài ra trong quá trình điều tra xác định Nông Đức A đưa cho ông Nông Văn A22 số tiền 4.000.000đ (bốn triệu đồng) nói là tiền xăng xe đi lại, ông A22 không biết A thực hiện hành vi lừa đảo. Sau khi biết A không có khả năng xin việc ông A22 đã trả lại A số tiền trên.
Tại các bản kết luận giám định số 12/KTHS-GĐTL ngày 29/5/2019 và số 14/KTHS-GĐTL ngày 14/6/2019 của Phòng kỹ A13 hình sự Công an tỉnh Bắc Kạn kết luận: Các chữ viết và chữ ký đứng tên Nông Thị Lan A4 và Nông Đức A trên các tài liệu cần giám định và tài liệu mẫu so sánh là do Nông Thị Lan A4, Nông Đức A viết và ký ra (BL 88-94).
Quá trình điều tra, Bị cáo Nông Thị Lan A4 và Nông Đức A đã trả lại cho các bị hại số tiền 111.000.000đ (một trăm mười một triệu đồng), trong đó A4 đưa cho A 77.500.000đ (bảy mươi bảy triệu năm trăm nghìn đồng), A bỏ ra thêm 33.500.000đ (ba mươi ba triệu năm trăm nghìn đồng) để trả cho các bị hại: Phạm Văn A11 số tiền 14.000.000đ (mười bốn triệu đồng); Bế Xuân A14 số tiền 26.000.000đ (hai mươi sáu triệu đồng); Đặng Bùi Anh A19 số tiền 11.000.000đ (mười một triệu đồng); Chu Văn A18 số tiền 6.000.000đ (sáu triệu đồng); Hoàng Long A17 số tiền 11.000.000đ (mười một triệu đồng); Hoàng Văn A13 số tiền 25.000.000đ (hai mươi năm triệu đồng); Triệu Thị Nhung số tiền 13.000.000đ (mười ba triệu đồng); La Văn A12 số tiền 5.000.000đ (năm triệu đồng).
Tại Bản cáo trạng số 24/CT-VKS-P1 ngày 13/4/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã truy tố các bị cáo Nông Thị Lan A4, Nông Đức A, Ma Đình A5, Nguyễn Hoàng A6, Nông Lương A7 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2020/HS-ST ngày 14 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn Tuyên bố bị cáo Nông Thị Lan A4, Nông Đức A, Nguyễn Hoàng A6, Ma Đình A5, Nông Lương A7 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139; Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội quy định về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng Hình sự số 101/2015/QH13; Khoản 3 Điều 7; Điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Áp dụng điểm g khoản 1 điều 48; Điểm b, p, khoản 1 Điều 46; Điều 20; Điều 47 của Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Xử phạt bị cáo Nông Đức A 05 (năm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.
Căn cứ các Điều 584, 585, 586, 587, 589 của Bộ luật Dân sự năm 2015: Buộc bị cáo Nông Thị Lan A4 và bị cáo Nông Đức A liên đới bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cùng nhau cho những người bị hại với tổng số tiền còn lại là 294.000.000đ (hai trăm chín mươi tư triệu đồng). Trong đó, bị cáo A4 bồi thường số tiền là 272.500.000đ (hai trăm bảy mươi hai triệu năm trăm nghìn đồng), bị cáo A bồi thường số tiền 21.500.000đ (hai mươi mốt triệu năm trăm nghìn đồng) cho các bị hại sau:
- Ông Phạm Văn A11 31.000.000đ (ba mươi mốt triệu đồng); Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 29.000.000đ (hai mươi chín triệu đồng), bị cáo A bồi thường 2.000.000đ (hai triệu đồng).
- Ông Bế Xuân A14 34.000.000đ (ba mươi tư triệu đồng); Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 32.000.000đ (ba mươi hai triệu đồng), bị cáo A bồi thường 2.000.000đ (hai triệu đồng).
- Ông Đặng Bùi Anh A19 19.000.000đ (mười chín triệu đồng); Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 17.500.000đ (mười bảy triệu năm trăm nghìn đồng), bị cáo A bồi thường 1.500.000đ (một triệu năm trăm nghìn đồng).
- Ông Chu Văn A18 34.000.000đ (ba mươi tư triệu đồng); Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 32.000.000đ (ba mươi hai triệu đồng), bị cáo A bồi thường 2.000.000đ (hai triệu đồng).
- Ông Hoàng Long A17 49.000.000đ (bốn mươi chín triệu đồng); Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 45.000.000đ (bốn mươi lăm triệu đồng), bị cáo A bồi thường 4.000.000đ (bốn triệu đồng).
- Ông Hoàng Văn A13 55.000.000đ (năm mươi năm triệu đồng); Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 51.000.000đ (năm mươi mốt triệu đồng), bị cáo A bồi thường 4.000.000đ (bốn triệu đồng).
- Triệu Thị A10 37.000.000đ (ba mươi bảy triệu đồng); Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 34.000.000đ (ba mươi tư triệu đồng), bị cáo A bồi thường 3.000.000đ (ba triệu đồng).
- Ông La Văn A12 35.000.000đ (ba mươi năm triệu đồng). Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 32.000.000đ (ba mươi hai triệu đồng), bị cáo A bồi thường 3.000.000đ (ba triệu đồng).
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về hình phạt đối với các bị cáo khác, xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 26/8/2020 bị cáo bị cáo Nông Đức A có đơn kháng cáo với nội dung bị cáo không phải là đồng phạm bị cáo Nông Thị Lan A4 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đề nghị hủy bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bị cáo A và Luật sư bào chữa cho bị cáo có quan điểm cho rằng không có đủ chứng cứ quan trọng để đánh giá bị cáo Nông Đức A là đồng phạm với bị cáo Nông Thị Lan A4 trong tội lừa đảo chiếm đoạt tiền của 08 bị hại vì bị cáo A không cùng cố ý thực hiện hành vi phạm tội với bị cáo A4, không có việc bị cáo A4 truyền đạt ý chí lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho bị cáo A, mà thực tế là bị cáo A4 khẳng định đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của bị cáo A và các bị cáo khác để thực hiện hành vi lừa đảo. Bị cáo A không đoán, biết được A4 có mục đích lừa đảo, không được A4 bàn bạc nên chỉ đến khi có kết quả công chức, viên chức huyện CĐ thì mới nghi ngờ A4 có mục đích lừa đảo. Bị cáo Nông Đức A không có hành vi gian dối và không có ý định chiếm đoạt số tiền của những người bị hại. Hành vi của bị cáo là do tin tưởng các thông tin xin được việc do bị cáo A4 đưa ra nên bị cáo đã nhận tiền xin việc từ các bị hại sau đó chuyển toàn bộ cho bị cáo A4, không cố ý trực tiếp và cũng không có ý định chiếm đoạt số tiền đó. Do không có sự bàn bạc với bị cáo A4 nên bị cáo không đồng phạm với bị cáo A4 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cũng không phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường như Tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết.
Tại phiên tòa, bị cáo Nông Đức A giao nộp 02 đơn đề nghị của người bị hại là Triệu Thị A10, ông Phạm Văn A11 với nội dung: Sau khi biết được ông Nông Đức A có quen biết với bà Nông Thị Lan A4 là cán bộ làm việc trên tỉnh, có nhiều mối quan hệ, quen biết có thể lo xin việc vào biên chế Nhà nước, bà A10, ông A11 đã nhờ xin việc cho con mình và đưa tiền cho ông A. Ông Phạm Văn A11 giao tiền cho ông A 02 lần với tổng số tiền 45.000.000 đồng. Triệu Thị A10 giao tiền cho ông A 02 lần với tổng số tiền 50.000.000 đồng. Sau khi nhận số tiền từ ông A11, bà A10, ông A đã chuyển số tiền này cho bà Nông Thị Lan A4 để xin việc. Ông A không hề biết mục đích, ý định nhận tiền xin việc của A4 là lừa đảo, ông A chỉ tin tưởng lời hứa của A4 là đúng sự thật, đến thời điểm có kết quả kỳ thi công chức, viên chức thì ông A mới biết A4 có ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó ông A không phải là tòng phạm của A4, không phải là người lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nếu hành vi nhận tiền từ những người bị hại của ông A để xin việc, chạy việc là không đúng, vi phạm pháp luật thì mong Tòa án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo A nhất có thể.
Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát bị cáo nguyên là cán bộ UBND xã XL, có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, không thể nói bị cáo bị hạn chế nhận thức. Bị cáo không có chức năng, nhiệm vụ trong tuyển dụng công chức, viên chức nhưng lại đưa ra các thông tin có khả năng xin được việc để các bị hại tin tưởng và đưa tiền cho bị cáo. Từ việc A4 đưa ra các thông tin có khả năng xin việc nên A đã tiếp nhận ý chí của A4 và đưa ra thông tin với các bị hại rằng bản thân A có thể xin được việc cho người khác, như vậy A4 và A cùng chung một mục đích. Trên thực tế, bị cáo đã nhận số tiền 395.000.000đ (Ba trăm chín mươi lăm triệu đồng) từ các bị hại, tại phiên tòa sơ thẩm hai người bị hại là A12, A18 đều khẳng định chính bị cáo A đưa ra thông tin hứa hẹn xin được việc nên các bị hại mới đưa tiền cho bị cáo A. Do đó, việc bị cáo đồng phạm với bị cáo A4 trong vai trò là người giúp sức tích cực lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ. Về số tiền hưởng lợi: Bị cáo A được trích 14.000.000đ (mười bốn triệu đồng) từ 07 bị hại xin việc, và 10.000.000đ (mười triệu đồng) ứng trước từ số tiền mà các bị hại đưa để xin việc. Do vậy, bị cáo cũng có hưởng lợi từ số tiền do hành vi lừa đảo có được. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn: trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
[2] Tại phiên tòa hôm nay. Mặc dù bị cáo cho rằng không đồng phạm với bị cáo A4. Tuy nhiên căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ, lời khai của bị cáo A4 và những người bị hại thấy như sau: Các bị cáo không có chức năng, nhiệm vụ trong tuyển dụng cán bộ, công chức vào cơ quan Nhà nước nhưng các bị cáo Nông Thị Lan A4, Nông Đức A, Nguyễn Hoàng A6 đã cùng nhau đưa ra các thông tin gian dối để người bị hại tin tưởng rằng các bị cáo có mối quan hệ với một số người có chức vụ cao trong cơ quan Nhà nước và có thể xin được vào biên chế ngành Giáo dục và Y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Các bị cáo nhận được sự giúp sức của bị cáo Ma Đình A5 và bị cáo Nông Lương A7 trong quá trình nhận tiền từ các bị hại. Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2015, có nhiều bị hại từ các huyện CĐ, tỉnh Bắc Kạn và các huyện NH, YS thuộc tỉnh Tuyên Quang đã đến gặp các bị cáo để đưa tiền xin việc. Tổng số tiền bị cáo Nông Thị Lan A4 chiếm đoạt là 532.000.000đ (năm trăm ba mươi hai triệu đồng). Những bị cáo còn lại phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với số tiền đã giúp sức cho bị cáo A4, bao gồm: Bị cáo Nông Đức A phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền 395.000.000đ (ba trăm chín mươi lăm triệu đồng) [3] Xét kháng cáo của bị cáo HĐXX thấy như sau: Bị cáo Nông Đức A nguyên là cán bộ UBND xã, bị cáo có đầy đủ nhận thức pháp luật, bị cáo không có chức năng tuyển dụng, giữa bị cáo và A4 cũng đã quen biết nhau từ năm 1997, biết vị trí việc làm của A4 không có chức năng tuyển dụng, nhưng chính bị cáo cũng đưa ra thông tin sai sự thật là bản thân mình và người quen có khả năng xin được việc để tạo niềm tin đối với các bị hại, tại Bút lục số 341, bị cáo khai “…từ lúc ban đầu, không biết A4 có khả năng “chạy” được việc hay không, nhưng vì A4 là con bà A27 nên tôi nể tình bà A27 và thấy A4 khoe quen nhiều ông trưởng phòng, sở ban ngành nên tôi đã tin tưởng A4...”. Hay tại Bút lục số 347, bị cáo khai: “...ngay từ ban đầu tôi đã biết việc nhận tiền này để chạy việc là trái pháp luật nhưng vì những lý do trên tôi đã giúp A4...”. Về việc đặt vấn đề với người bị hại tại Bút lục số 349, bị cáo khai khi tiện đường đi ăn cưới về bị cáo đã nói với ông Phạm Văn A11 “...tôi (A) có mối quan hệ có thể xin được việc...”. Tại cơ quan điều tra khi được hỏi: “Ông A cho biết với vị trí việc làm của A4 thì có khả năng xin được việc không?” Bị cáo trả lời: “Với vị trí việc làm của A4 thì không liên quan đến công tác tuyển dụng, không xin được việc làm cho người khác. Nhưng vì tin tưởng A4 có mối quan hệ nên đã giúp A4...”. Tại Bút lục số 353, bị cáo khai: “...khi tôi (A) nhận tiền chạy việc từ gia đình ông A11 lần đầu tiên thì A4 gọi điện cho tôi và hướng dẫn nội dung là vay tiền để giải quyết công việc cá nhân, không được viết nhận tiền để chạy việc vì như vậy sẽ bị cơ quan chức năng phát hiện. Khi A4 hướng dẫn tôi như vậy thì tôi hiểu được rằng việc viết giấy biên nhận như vậy là để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan pháp luật…”.
Tại cơ quan điều tra, những người bị hại khai khi gặp và tiếp xúc với bị cáo thì bị cáo đều hứa hẹn là có khả năng chạy việc được cho con cháu của những người đó, riêng đối với trường hợp gia đình ông Phạm Văn A11 thì bị cáo là người chủ động đến nhà ông A11. Tại Bút lục số 537, ông A11 khai: “...khoảng tháng 5/2015, ông Nông Đức A có đến nhà tôi (A11) tại thôn bản Ó, xã XL, huyện CĐ, tỉnh Bắc Kạn, để nói với gia đình tôi (A11) là có mối để xin việc cho con dâu tôi (A11) vào biên chế ngành giáo viên, nếu không xin được thì sẽ trả lại số tiền...” và trên thực tế bị cáo đã nhận 395.000.000đ (ba trăm chín mươi lăm triệu đồng) của Triệu Thị A10, ông Phạm Văn A11, ông La Văn A12, ông Hoàng Văn A13, ông Bế Xuân A14, ông Hoàng Long A17, ông Chu Văn A18, ông Đặng Bùi Anh A19. Khi nhận được tiền của những người bị hại bị cáo tự ý để lại một phần tiền để chi tiêu cho bản thân từ tiền xin việc của bị hại là 55.000.000đ (năm mươi lăm triệu đồng) trong số tiền lừa đảo chiếm đoạt được, bị cáo đã khắc phục hậu quả là 33.500.000đ (ba mươi ba triệu năm trăm nghìn đồng).
Việc bị cáo khai bị cáo cũng là bị hại giống như những bị hại khác, bị cáo cũng đưa tiền cho A4 để chạy việc cho con gái của bị cáo là không có căn cứ. Bởi tại biên bản đối chất giữa bị cáo và bị cáo A4 thì bị cáo A4 không thừa nhận sự việc trên, bị cáo cũng không xuất trình được chứng cứ đã đưa tiền cho bị cáo A4 để xin việc cho con bị cáo. Hơn nữa, lời khai nhận của các bị cáo phù hợp với lời khai của các bị cáo khác và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án; phù hợp với lời khai của các bị hại, kết luận giám định và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Như vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn xử phạt bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Về hình phạt: Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã xem xét đến tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục một phần hậu quả và khai báo hành vi của mình, ngoài ra bị cáo được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng ba. Bản thân bị cáo với vai trò đồng phạm nhưng bị cáo chưa nhận thức rõ về hành vi phạm tội của mình với vai trò đồng phạm là người thực hành, giúp sức, mặc dù biết hành vi chạy tiền để vào biên chế Nhà nước là hành vi vi phạm pháp luật nhưng bị cáo với mục đích được hưởng lợi đã giới thiệu rằng bản thân có thể xin được việc để lừa các bị hại gồm ông Phạm Văn A11, ông Bế Xuân A14, ông Hoàng Long A17, ông Hoàng Văn A13, Triệu Thị A10, ông Nông Văn A28 với tổng số tiền là 395.000.000đ (ba trăm chín mươi lăm triệu đồng). Trong đó, bị cáo được hưởng lợi 55.000.000đ (Năm mươi lăm triệu đồng).
[4] Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo Nông Thị Lan A4 và Nông Đức A đã trả lại cho các bị hại tổng số tiền 217.500.000đ (hai trăm mười bảy triệu năm trăm nghìn đồng), trong đó bị cáo A4 trả lại số tiền 184.000.000đ (một trăm tám mươi tư triệu đồng), bị cáo A trả lại số tiền 33.500.000đ (ba mươi ba triệu năm trăm nghìn đồng).
Theo các tài liệu có trong hồ sơ và tại phiên tòa thể hiện: những người bị hại gồm: ông Phạm Văn A11, ông Bế Xuân A14, ông Đặng Bùi Anh A19, ông Chu Văn A18, ông Hoàng Long A17, ông Hoàng Văn A13, Triệu Thị A10, ông La Văn A12 có yêu cầu bị cáo Nông Thị Lan A4 và Nông Đức A cùng liên đới bồi thường số tiền còn lại là 294.000.000đ (hai trăm chín mươi tư triệu đồng).
Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo Nông Thị Lan A4 và bị cáo Nông Đức A liên đới bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cùng nhau cho những người bị hại với tổng số tiền còn lại là 294.000.000đ (hai trăm chín mươi tư triệu đồng). Trong đó, buộc bị cáo A4 bồi thường số tiền là 272.500.000đ (hai trăm bảy mươi hai triệu năm trăm nghìn đồng), buộc bị cáo Nông Đức A phải bồi thường số tiền 21.500.000đ (hai mươi mốt triệu năm trăm nghìn đồng) cho các bị hại cụ thể như sau: Ông Phạm Văn A11 2.000.000đ (hai triệu đồng), ông Bế Xuân A14 2.000.000đ (hai triệu đồng), ông Đặng Bùi Anh A19 1.500.000đ (một triệu năm trăm nghìn đồng), ông Chu Văn A18 2.000.000đ (hai triệu đồng), ông Hoàng Long A17 4.000.000đ (bốn triệu đồng), ông Hoàng Văn A13 4.000.000đ (bốn triệu đồng), Triệu Thị A10 3.000.000đ (ba triệu đồng), ông La Văn A12 3.000.000đ (ba triệu đồng) là có căn cứ.
[5] Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã đánh giá đầy đủ tính chất, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đề nghị giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo là có căn cứ, cần được chấp nhận.
Các tình tiết mà bị cáo cũng như luật sư bào chữa cho bị cáo nêu ra tại phiên tòa phúc thẩm đều là những tình tiết đã được xem xét tại phiên tòa sơ thẩm. Trong quá trình giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm cũng như tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo, người bào chữa cho bị cáo không đưa ra thêm được những chứng cứ tình tiết đặc biệt nào mới để xem xét.
Những người bị hại Triệu Thị A10, ông Phạm Văn A11 có đơn đề nghị cho rằng nếu hành vi nhận tiền từ những người bị hại của ông A để xin việc, chạy việc là không đúng, vi phạm pháp luật thì mong Tòa án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo A nhất có thể, tuy nhiên mức hình phạt 5 năm tù là tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.
Do đó Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự,
Không chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của bị cáo Nông Đức A giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2020/HS -ST ngày 14 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn.
- Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139; Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội quy định về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng Hình sự số 101/2015/QH13; Khoản 3 Điều 7; Điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Áp dụng điểm g khoản 1 điều 48; Điểm b, p, khoản 1 Điều 46; Điều 20; Điều 47 của Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Xử phạt bị cáo Nông Đức A 05 (năm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.
Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ các Điều 584, 585, 586, 587, 589 của Bộ luật Dân sự năm 2015: Buộc bị cáo Nông Thị Lan A4 và bị cáo Nông Đức A liên đới bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cùng nhau cho những người bị hại với tổng số tiền còn lại là 294.000.000đ (hai trăm chín mươi tư triệu đồng). Trong đó, bị cáo A4 bồi thường số tiền là 272.500.000đ (hai trăm bảy mươi hai triệu năm trăm nghìn đồng), bị cáo A bồi thường số tiền 21.500.000đ (hai mươi mốt triệu năm trăm nghìn đồng) cho các bị hại sau:
- Ông Phạm Văn A11 31.000.000đ (ba mươi mốt triệu đồng); Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 29.000.000đ (hai mươi chín triệu đồng), bị cáo A bồi thường 2.000.000đ (hai triệu đồng).
- Ông Bế Xuân A14 34.000.000đ (ba mươi tư triệu đồng); Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 32.000.000đ (ba mươi hai triệu đồng), bị cáo A bồi thường 2.000.000đ (hai triệu đồng).
- Ông Đặng Bùi Anh A19 19.000.000đ (mười chín triệu đồng); Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 17.500.000đ (mười bảy triệu năm trăm nghìn đồng), bị cáo A bồi thường 1.500.000đ (một triệu năm trăm nghìn đồng).
- Ông Chu Văn A18 34.000.000đ (ba mươi tư triệu đồng); Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 32.000.000đ (ba mươi hai triệu đồng), bị cáo A bồi thường 2.000.000đ (hai triệu đồng).
- Ông Hoàng Long A17 49.000.000đ (bốn mươi chín triệu đồng); Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 45.000.000đ (bốn mươi lăm triệu đồng), bị cáo A bồi thường 4.000.000đ (bốn triệu đồng).
- Ông Hoàng Văn A13 55.000.000đ (năm mươi năm triệu đồng); Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 51.000.000đ (năm mươi mốt triệu đồng), bị cáo A bồi thường 4.000.000đ (bốn triệu đồng).
- Triệu Thị A10 37.000.000đ (ba mươi bảy triệu đồng); Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 34.000.000đ (ba mươi tư triệu đồng), bị cáo A bồi thường 3.000.000đ (ba triệu đồng).
- Ông La Văn A12 35.000.000đ (ba mươi năm triệu đồng). Trong đó, bị cáo A4 bồi thường 32.000.000đ (ba mươi hai triệu đồng), bị cáo A bồi thường 3.000.000đ (ba triệu đồng).
Về án phí: Căn cứ vào Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.
Bị cáo Nông Đức A phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm, 1.075.000đ (một triệu không trăm bảy mươi lăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch để nộp ngân sách Nhà nước.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2020/HS-ST ngày 14 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 63/2021/HSPT ngày 24/02/2021 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Số hiệu: | 63/2021/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/02/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về