Bản án 595/2020/HS-PT ngày 16/12/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 595/2020/HS-PT NGÀY 16/12/2020 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 16 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 169/2020/TLPT-HS ngày 21 tháng 02 năm 2020 đối với bị cáo Đàm Văn H bị xét xử sơ thẩm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2020/HSST ngày 13 tháng 01 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình.

* Bị cáo có kháng cáo:

Đàm Văn H, sinh năm 1965; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: số nhà 11, đường Cống L, phố Ngọc H1, phường Nam B, thành phố Ninh B, tỉnh Ninh Bình; trình độ học vấn: lớp 7/10; con ông Đàm Văn N và bà Trịnh Thị Th (đều đã chết); có vợ là Nguyễn Thị Ng và có 02 con; chưa có tiền án, tiền sự; bị bắt tạm giam từ ngày 15/6/2019 đến ngày 14/8/2019 được thay đổi biện pháp ngăn chặn, hiện nay đang tại ngoại. Có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo Đàm Văn H: Luật sư Nguyễn Trọng V - Văn phòng luật sư Tầm Nhìn VIETS, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Có mặt.

* Người bị hại: Anh Nguyễn Văn D, sinh năm 1972; trú tại: số 27/36 đường Nguyễn Thị D1, phường Thanh B, thành phố Hải D2, tỉnh Hải Dương. Vắng mặt.

* Người làm chứng:

1. Bà Nguyễn Thị Ng, sinh năm 1968 (vợ bị cáo H); trú tại: số nhà 11 đường Cống L, phố Ngọc H1, phường Nam B, thành phố Ninh B, tỉnh Ninh Bình. Có mặt;

2. Anh Phạm Quang Gi, sinh năm 1971; trú tại: Tổ 9, thị trấn Yên Th1, huyện Lục Y, tỉnh Yên Bái. Vắng mặt;

3. Chị Phạm Thị Thu H2, sinh năm 1978; trú tại: xóm Thạch T, xã Ninh M, huyện Hoa L1, tỉnh Ninh Bình. Vắng mặt;

4. Anh Đỗ Ngọc T1, sinh năm 1970; trú tại: số 188 đường Bà Tr, phường Thanh B, thành phố Hải D2, tỉnh Hải Dương. Vắng mặt;

5. Ông Hoàng Ngọc S, sinh năm 1965; trú tại: số 180 đường Bà Tr, phường Thanh B, thành phố Hải D2, tỉnh Hải Dương. Vắng mặt;

6. Chị Trịnh Thị L2, sinh năm 1970; trú tại: số 188 đường Bà Tr, phường Thanh B, thành phố Hải D2, tỉnh Hải Dương. Vắng mặt;

7. Chị Phan Thị Th2, sinh năm 1975; trú tại: số 180 đường Bà Tr, phường Thanh B, thành phố Hải D2, tỉnh Hải Dương. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình và Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Anh Nguyễn Văn D và bị cáo Đàm Văn H có quan hệ quen biết nhau từ trước. Đầu năm 2018, anh D muốn tìm hiểu thị trường kinh doanh tại tỉnh Ninh Bình nên anh D đã hẹn gặp H để nói chuyện. Hôm đó, H đi cùng chị Phạm Thị Thu H1 (bạn H), anh D nói có nhu cầu xin giấy phép nạo vét, khơi thông dòng chảy, tận thu bùn đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. H hỏi “Liệu có hết tiền tỷ không” thì anh D trả lời “Ở Hải Dương, vài tỷ cũng không làm được”. Mặc dù không quen biết ai trong các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhưng sau đó H đã gọi điện nói với anh D, H có nhiều mối quan hệ với các lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, có thể làm được thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản nhưng phải chi phí số tiền 500.000.000 đồng và thỏa thuận nếu làm xong thì trả công cho H 30.000.000 đồng. Do tin tưởng H có khả năng xin được giấy phép nên anh D đã đồng ý nhờ H làm. Để được cấp phép thì phải thành lập Công ty tại tỉnh Ninh Bình, anh D mượn địa chỉ nhà H để treo biển Công ty và rủ anh Phạm Quang Gi cùng làm ăn chung. Tháng 2/2018, Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty cổ phần môi trường An Hiệp Ph, do anh D làm Giám đốc Công ty. Tháng 4/2018, anh D cùng với anh Đỗ Trọng T1 (là bạn anh D) đến nhà H đưa cho H số tiền 400.000.000 đồng, số tiền 130.000.000 đồng còn lại anh D nói sẽ đưa nốt khi có giấy phép. Sau đó, H yêu cầu anh D cung cấp cho H một số giấy tờ cần thiết để làm thủ tục xin giấy phép cho anh D. Trong thời gian H làm thủ tục xin cấp phép, H đã nhiều lần gọi điện yêu cầu anh D đưa nốt tiền còn lại, đồng thời H còn nhắn tin nói với anh D nội dung: "...Em ơi, chiều em nhé, sếp đi họp mất rồi, không sai nữa đâu (tức là giấy phép sếp ký rồi, sếp đang giữ, chiều sếp về là có). Tháng 01/2019, H hẹn anh D đến nhà để lấy giấy phép, anh D đã đi cùng anh Gi, anh T1 đến nhà H nhưng không gặp được H. Sau đó, H gọi điện thoại cho chị Nguyễn Thị Ng (vợ H) đưa giấy phép cho anh D xem. Do không mang theo tiền nên chị Ng chỉ cho xem và để giấy phép lên bàn uống nước, làm giấy phép bị ngấm nước chè. Tháng 02/2019, anh D đi cùng anh T1, anh Hoàng Ngọc S đến nhà H, do H không có nhà nên anh D đã đưa cho chị Ng số tiền 130.000.000 đồng và nhận giấy phép.

Ngày 09/4/2019, anh D đã gửi Thông báo cho các Cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để xin khai thác khoáng sản. Nhận được Thông báo, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã mời anh D lên làm việc và Thông báo cho anh D biết, Sở TN&MT là đơn vị tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh trong lĩnh vực này nhưng Sở không làm Tờ trình đề nghị UBND tỉnh cấp giấy phép cho Công ty của anh D. Ngày 16/4/2019, anh D, anh S, anh Gi, chị Trịnh Thị L2 (vợ anh T1), chị Phan Thị Th2 (vợ anh S) đến nhà H để trao đổi với H về kết quả buổi làm việc trên và nói sẽ sang UBND tỉnh Ninh Bình để xác minh giấy phép, thì H nói “Cứ vào thoải mái (tức sang UBND tỉnh Ninh Bình xác minh thoải mái)”. Chiều cùng ngày, H gọi điện cho anh D hẹn đến nhà H nói chuyện, anh D đã yêu cầu H trả lại số tiền 530.000.000 đồng và số tiền chi phí đi lại, lãi suất… với tổng số tiền 805.700.000 đồng, H đồng ý và hẹn vài ngày sau sẽ trả số tiền trên. Ngày 17/4/2019, anh D đến nhà H và được H trả số tiền 805.700.000 đồng. Anh D viết giấy biên nhận tiền với nội dung: H không còn liên quan gì đến giấy phép nạo vét cát sỏi lòng sông và anh D không được phép khiếu nại, tố cáo gì; đồng thời, anh D phải trả lại giấy phép cho H vào ngày 25/4/2019.

Tuy nhiên, ngày 18/4/2019 UBND tỉnh Ninh Bình có Công văn số 103/UBND-VP3 gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Ninh Bình đề nghị xác minh, làm rõ năm 2018 UBND tỉnh không cấp giấy phép khai thác cát, luồng lạch, nạo vét, khơi thông dòng chảy trên các sông thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình cho tổ chức, cá nhân nào nhưng Công ty cổ phần môi trường An Hiệp Ph lại có Giấy phép số 356/GP-UBND ngày 05/8/2018 có chữ ký mang tên ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình và dấu đóng của UBND tỉnh về việc cho phép khai thác cát, luồng lạch, nạo vét, khơi thông dòng chảy trên các sông thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình.

Quá trình xác minh, Cơ quan điều tra đã thu giữ của anh D 01 Giấy phép khai thác khoảng sản số 356/GP-UBND ngày 05/8/2018 và tiến hành trưng cầu giám định.

Tại Kết luận giám định số 16/KLGĐ-PC09-TL ngày 03/5/2019, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Ninh Bình kết luận: “Chữ ký trên giấy phép… so sánh với chữ ký của ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình trên các tài liệu mẫu so sánh, không phải cùng một người ký ra; hình dấu tròn mang tên “Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình” trên giấy phép không phải là hình dấu đóng trực tiếp, được làm giả bằng phương pháp in phun màu”.

Tại Cơ quan điều tra, Đàm Văn H thừa nhận không đến các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của tỉnh Ninh Bình để làm thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản cho anh D mà mua giấy phép trôi nổi trên thị trường, H không biết giấy phép trên là giả, H mua của một người thanh niên khoảng 30 tuổi (không biết tên, tuổi, địa chỉ ở đâu), người này đến nhà H nói: trong lúc ngồi uống cà phê ở bàn bên cạnh, có nghe bạn anh (tức anh D) nói muốn xin cấp giấy phép khoảng sản, nếu bạn anh có nhu cầu thì em sẽ “mua ” giúp với chi phí là 500.000.000 đồng. Sau khi H nhận hồ sơ và số tiền 400.000.000 đồng của anh D, H đã đưa toàn bộ số tiền này cho người thanh niên không quan biết trên. Khoảng cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2018 thì người thanh niên trên đến nhà H nhưng H không có nhà nên chị Ng đã đưa nốt số tiền 100.000.000 đồng và người thanh niên đưa cho chị Ng 01 Giấy phép khai thác khoáng sản số 356/GP-UBND ngày 05/8/2018 có chữ ký và đóng dấu mang tên ông Nguyễn Ngọc Thạch.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2020/HSST ngày 13/01/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình đã quyết định áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Đàm Văn H 08 (Tám) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án, được trừ thời gian tạm giam từ ngày 15/6/2019 đến ngày 14/8/2019.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 17/01/2020, bị cáo Đàm Văn H kháng cáo cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo có dấu hiệu phạm tội “Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức” chứ bị cáo không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như Tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết đối với bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đàm Văn H thừa nhận có nhận của anh D số tiền 530.000.000 đồng để làm giúp anh D giấy phép khai thác cát. Sau khi phát hiện giấy phép là giả, bị cáo đã trả cho anh D tổng số tiền 805.700.000 đồng, anh D đã viết giấy biên nhận và cam kết không khiếu nại, tố cáo gì. Bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Người bào chữa cho bị cáo Đàm Văn H trình bày: Hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức vì bị cáo không có mục đích chiếm đoạt tài sản của anh D từ đầu, bị cáo chỉ giúp anh D đưa cho đối tượng tên là Đức 500 triệu đồng và bị cáo được hưởng công 30 triệu đồng, bị cáo không lừa dối anh D. Anh D uy hiếp bị cáo phải trả lại tiền và lãi suất, hành vi có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản, Cơ quan điều tra không khởi tố vụ án là bỏ lọt tội phạm. Luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm: Bị cáo không có chức năng nhiệm vụ trong việc cấp phép khai thác khoáng sản nhưng bị cáo vẫn hứa hẹn với anh D, bị cáo có nhiều mối quan hệ, quen biết rộng có thể xin giấy phép được cho anh D. Do tin tưởng bị cáo nên anh D đã đưa cho bị cáo số tiền 530.000.000 đồng, bị cáo đưa cho anh D 01 giấy phép khai thác khoáng sản không phải do cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Mặc dù, sau đó bị cáo đã trả cho anh D số tiền 805.700.000 đồng và anh D không khiếu nại, tố cáo gì đối với bị cáo. Tuy nhiên, do UBND tỉnh Ninh Bình có Công văn đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ nguồn gốc giấy phép do đâu mà có. Quá trình điều tra xác định giấy phép trên là do anh D nhờ bị cáo H làm thủ tục xin cấp phép hộ, bị cáo khai mua của một người không quan biết nhưng không cung cấp được thông tin, địa chỉ của người này. Hành vi phạm tội của bị cáo hoàn thành kể từ khi người bị hại giao tiền cho bị cáo. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan; bị cáo không làm giả giấy tờ và không đặt làm giả tài liệu nên không có căn cứ xét xử bị cáo về tội “Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức” như kháng cáo và trình bày của bị cáo tại phiên tòa hôm nay. Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo mức hình phạt 8 (Tám) năm tù là phù hợp, không nặng. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo không xuất trình được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên tội danh và hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định đối với bị cáo Đàm Văn H. Về vấn đề bỏ lọt tội phạm, nếu có căn cứ thì bị cáo tiếp tục làm đơn đề nghị cơ quan điều tra xem xét truy tố, xét xử ở vụ án khác.

Căn cứ các tài liệu và chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên và trình bày của luật sư, bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đàm Văn H vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo và trình bày bị cáo có hứa hẹn với anh Nguyễn Văn D, bị cáo có nhiều mối quan hệ quen biết có thể xin giấy phép khai thác, nạo hút, khơi thông dòng chảy (gọi tắt là khai thác cát) cho anh D nhưng anh D phải chi phí số tiền 530.000.000 đồng (trong đó bị cáo được trả công 30.000.000 đồng). Bị cáo đã nhận của anh D số tiền 530.000.000 đồng và đưa cho anh D giấy phép khai thác cát nhưng khi phát hiện giấy phép là giả, bị cáo đã trả cho anh D tổng số tiền 805.700.000 đồng, anh D đã viết giấy biên nhận và cam kết không khiếu nại, tố cáo gì. Bị cáo cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo có dấu hiệu của tội “Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức” chứ không phải tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như Tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết đối với bị cáo.

Tuy nhiên, căn cứ vào lời trình bày và thừa nhận của bị cáo, lời khai của người bị hại, lời khai của người làm chứng, kết luận giám định và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử thấy: Mặc dù bị cáo Đàm Văn H không có chức năng nhiệm vụ và không phải là người có thẩm quyền trong việc cấp phép khai thác khoáng sản nhưng bị cáo đã đưa ra thông tin bản thân có nhiều mối quan hệ với các lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và xin được thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Để tạo lòng tin với anh Nguyễn Văn D, bị cáo đã cho anh D mượn nhà để treo biển và làm thủ tục thành lập Công ty. Do tin tưởng bị cáo có thể xin được Giấy phép, anh Nguyễn Văn D đã đưa cho bị cáo 02 lần với tổng số tiền 530.000.000 đồng. Sau đó, anh D được bị cáo H đưa cho 01 giấy phép khai thác khoáng sản số 356/GP-UBND cấp ngày 05/8/2018 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ký tên, đóng dấu. Mặc dù, tại cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm bị cáo không thừa nhận giấy phép khai thác khoáng sản mà Cơ quan điều tra thu giữ của anh D là của bị cáo đưa cho anh D. Nhưng căn cứ vào chính lời khai của bị cáo (BL 146), lời khai của chị Nguyễn Thị Ng (vợ bị cáo - BL 560, 589), lời khai của người làm chứng Đỗ Trọng T1 (BL 608), lời khai của anh Hoàng Ngọc S (BL 600), thấy có đủ căn cứ để khẳng định giấy phép mà bị cáo nhờ vợ là chị Ng đưa cho anh D chính là giấy phép mà anh D đã giao nộp cho Cơ quan điều tra nên việc bị cáo trình bày giấy phép nêu trên không phải của bị cáo đưa cho anh D là không có căn cứ chấp nhận. Theo Kết luận giám định số 16/KLGĐ-PC09-TL ngày 03/5/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Ninh Bình thì chữ ký không phải của Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thạch và hình con dấu tròn được làm giả bằng phương pháp in phun màu. Như vậy, hành vi phạm tội của bị cáo đã hoàn thành kể từ khi bị cáo đưa ra thông tin gian dối làm cho anh D tin tưởng và giao tiền cho bị cáo. Việc bị cáo cho rằng mua Giấy phép của một người không quen biết nhưng không cung cấp được thông tin, địa chỉ của người đưa Giấy phép cho bị cáo nên không có căn cứ để xét xử bị cáo về tội “Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức” như đề nghị của luật sư và trình bày của bị cáo tại phiên tòa hôm nay.

Hội đồng xét xử xác định đây là thủ đoạn phạm tội của bị cáo vì những loại Giấy phép này phải do Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, lập Tờ trình để trình cấp có thẩm quyền ký duyệt, chứ không phải là một loại hàng hóa mua bán, trao đổi trên thị trường như lời trình bày của bị cáo tại phiên tòa hôm nay. Trong vụ án này, mặc dù người bị hại là anh Nguyễn Văn D không có đơn tố giác bị cáo nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình có Công văn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Ninh Bình xác minh, làm rõ nguồn gốc giấy phép nêu trên để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Đây không phải là vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại mà do bị cáo có hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản nên khách thể bị xâm hại là trật tự quản lý nhà nước về hành chính có đơn đề nghị làm rõ, nếu có căn cứ sẽ xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật. Quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị cáo Đàm Văn H. Với hành vi phạm tội nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Đàm Văn H về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan sai.

[2] Xét hành vi phạm tội của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Vì vậy, việc phải xét xử và áp dụng một mức án phù hợp đối với bị cáo theo quy định của pháp luật là hoàn toàn cần thiết, không những để cải tạo, giáo dục bị cáo nói riêng mà còn răn đe phòng ngừa chung trong toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

[3] Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo Đàm Văn H không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm không áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với bị cáo H. Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với Tòa án cấp sơ thẩm trong việc áp dụng pháp luật, cụ thể như sau: Quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Đàm Văn H loanh quanh chối tội, không khai báo và không thừa nhận hành vi phạm tội của mình nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo” đối với bị cáo và từ đó áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là chưa đảm bảo có căn cứ pháp luật.

[4] Hội đồng xét xử xem xét về hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo Đàm Văn H, thấy: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có nhân thân tốt, bản thân bị cáo đang phải điều trị nhiều bệnh nặng, trước khi hành vi phạm tội bị phát hiện bị cáo đã hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho người bị hại và có bố đẻ là người có công với cách mạng nên Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức hình phạt 08 năm tù là có phần nhẹ như đã phân tích ở trên. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo kháng cáo kêu oan, không đề nghị giảm nhẹ hình phạt nên Hội đồng xét xử không xem xét về hình phạt đối với bị cáo Đàm Văn H.

[5] Kiến nghị của Hội đồng phúc thẩm: Trong vụ án này, quá trình điều tra thể hiện có nhiều tin nhắn giữa anh Nguyễn Văn D và Phạm Thị Thu H1 liên quan đến việc làm giấy phép khai thác khoáng sản. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy, Phạm Thị Thu H1 có dấu hiệu đồng phạm với Đàm Văn H về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do vậy, kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Ninh Bình tiếp tục điều tra đối với Phạm Thị Thu H1. Nếu có đủ căn cứ sẽ truy tố, xét xử bằng một vụ án hình sự khác.

Đối với việc bị cáo Đàm Văn H cho rằng Cơ quan điều tra đã bỏ lọt tội phạm đối với anh Nguyễn Văn D về hành vi Cưỡng đoạt tài sản của bị cáo. Nếu có căn cứ bị cáo Đàm Văn H có quyền làm đơn đề nghị Cơ quan điều tra xem xét và xử lý bằng một vụ án khác.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Đàm Văn H; giữ nguyên tội danh và hình phạt của Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2020/HS-ST ngày 13/01/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình đối với bị cáo Đàm Văn H.

* Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Đàm Văn H 08 (Tám) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án (được trừ thời gian tạm giam từ ngày 15/6/2019 đến ngày 14/8/2019).

[2] Về án phí: Bị cáo Đàm Văn H phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm. Xác nhận bị cáo H đã nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm tại Biên lai thu số 0002635 ngày 25/6/2020 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[4] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

282
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 595/2020/HS-PT ngày 16/12/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:595/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về