TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH XUYÊN, TỈNH VĨNH PHÚC
BẢN ÁN 59/2017/HSST NGÀY 28/09/2017 VỀ TỘI SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 28 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 57/2017/HSST ngày 12 tháng 9 năm 2017, đối với bị cáo:
Lê Thị H, sinh ngày 04 tháng 4 năm 1994; sinh trú quán: Thôn Y, xã H, huyện C, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Công nhân; trình độ văn hóa: 12/12; con ông Lê Văn S và bà Nguyễn Thị M; chồng, con: Chưa có; tiền sự, tiền án: Không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 27 tháng 7 năm 2017 đến nay, (có mặt).
Người bị hại:
Chị Trần Thị O, sinh năm 1982.
Hộ khẩu: Xóm N, xã Đ, huyện S, tỉnh Tuyên Quang,
Địa chỉ hiện tại: Thôn T, xã B, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, (vắng mặt). Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Chị Nguyễn Thị D, sinh năm 1996.
Hộ khẩu: Thôn P, xã K, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh;
Địa chỉ hiện tại: Thôn B, xã K, huyện Đ, Thành phố Hà Nội, (vắng mặt).
NHẬN THẤY
Bị cáo Lê Thị H bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Xuyên truy tố về hành vi phạm tội như sau: Khoảng 04 giờ 10 phút ngày 15 tháng 7 năm 2017, bị cáo đang làm ca đêm từ 20 giờ ngày 14 tháng 7 năm 2017 đến 05 giờ ngày 15 tháng 7 năm 2017 thì bị cáo xin ra ngoài nhà xưởng đi vệ sinh. Khi đi đến ngăn tủ thay đồ số 313 của bị cáo ở phòng thay đồ nữ, phát hiện ngăn tủ số 314 ở bên cạnh của chị O là công nhân đang làm cùng ca với bị cáo có móc khóa nhưng không đóng chốt. Bị cáo nảy sinh ý định trộm cắp tài sản, quan sát xung quanh không có ai bị cáo dùng khóa của mình cắm vào ổ khóa ngăn tủ 314 rồi mở cánh tủ (mục đích cắm khóa để nếu ai nhìn thấy sẽ nghĩ là tủ của H). Sau khi mở ngăn tủ của chị O bị cáo lục túi xách màu hồng phát hiện bên trong túi có một số đồ tư trang và 01 ví màu đỏ trong có 1.245.000 đồng, 01 thẻ ATM Shinhan Bank, 01 đăng ký xe mô tô mang tên Trần Thị O. Bị cáo lấy số tiền 1.200.000 đồng, 01 thẻ ATM Shinhan Bank, 01 đăng ký xe mô tô cất vào túi áo và khép cửa ngăn tủ 314 rồi đi vào xưởng làm việc. Đến 05 giờ sáng cùng ngày hết ca làm việc, bị cáo đi về còn chị O ở lại làm tăng ca. Khoảng 05 giờ 20 phút sau khi về đến phòng trọ bị cáo điều khiển xe mô tô một mình đi đến cây ATM của Ngân hàng Viettinbank ở Khu công nghiệp B dùng thẻ ATM vừa trộm cắp được của chị O nhập mật khẩu (Do bị cáo biết mật khẩu của chị O chưa đổi, vẫn là 999999) và lấy được số tiền 2.250.000 đồng sau đó quay về phòng trọ.
Đối với chị O, sau khi hết giờ tăng ca, ra ngăn tủ lấy đồ đi về phòng trọ nghỉ. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày chị O kiểm tra điện thoại thấy có tin nhắn nội dung tài khoản ATM của mình bị rút số tiền 2.250.000 đồng, kiểm tra trong túi thì phát hiện bị mất số tiền 1.200.000 đồng, 1 thẻ ATM Shinhan Bank, 01 đăng ký xe mô tô nên đã báo cáo quản lý Công ty và có đơn trình báo Công an huyện Bình Xuyên.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Cơ quan điều tra Công an huyện Bình Xuyên đã tiến hành điều tra theo quy định. Quá trình điều tra đã làm rõ Lê Thị H là người trộm cắp tiền, tài sản của chị O.
Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra bị cáo H đã khai nhận toàn bộ hành vi trộm cắp tài sản của mình như đã nêu trên và giao nộp 01 thẻ ATM Shinhan Bank, 01 đăng ký xe mô tô và số tiền 3.450.000 đồng.
Ngày 15 tháng 8 năm 2017, Cơ quan điều tra - Công an huyện Bình Xuyên đã trả lại toàn bộ số tài sản trên cho chị O là chủ sở hữu hợp pháp. Sau khi nhận lại tài sản chị O không có yêu cầu gì khác và có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với H.
Ngoài ra quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Bình Xuyên làm rõ: Vào khoảng cuối tháng 4 năm 2017 bị cáo H có xin một bộ hồ sơ xin việc của chị Nguyễn Thị D, sinh ngày 23 tháng 6 năm 1996 ở thôn P, xã K, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh đã được xác nhận, chứng thực của Ủy ban nhân dân xã K, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh gồm: Sơ yếu lý lịch tự thuật, bản phô tô chứng minh nhân dân, bản phô tô bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, bản phô tô giấy khai sinh, giấy xác nhận nhân sự, bản phô tô sổ hộ khẩu đều mang tên Nguyễn Thị D. Sau đó bị cáo tự bóc ảnh của chị D dán trên Sơ yếu lý lịch tự thuật và dán ảnh của mình lên sau đó nộp hồ sơ xin việc và được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Y – Khu công nghiệp B, huyện B.
Tại Cáo trạng số 57/KSĐT - KT ngày 11 tháng 9 năm 2017 Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Xuyên truy tố Lê Thị H về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Hình sự 1999.
Tại phiên toà Kiểm sát viên trình bày lời luận tội đối với bị cáo đã nhận định bị cáo H không phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự 1999 như cáo trạng truy tố và kết luận bị cáo H phạm tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên Điều 226b Bộ luật Hình sự 1999 đã được sửa đổi bổ sung và quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 vì vậy theo hướng dẫn tại điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết: 41/2017/QH 14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự 2015 cần áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội. Theo đó đại diện Viện kiểm sát quyết định truy tố bị cáo H về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 1 Điều 290 của Bộ luật Hình sự 2015 và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, khoản 1 Điều 290; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự 2015; điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết: 41/2017/QH 14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội; điểm b, p, h khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999 đề nghị xử phạt bị cáo Lê Thị H từ 06 (Sáu) đến 09 (Chín) tháng tù.
Đối với hành vi trộm cắp số tiền 1.200.000 đồng của bị cáo H chưa đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp do đó không đề nghị xử lý về hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan Công an xử lý hành chính theo quy định.
Sau khi nghe đại diện Viện kiểm sát luận tội và kết luận về tội mới bị cáo H nhất trí và không có ý kiến gì khác.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác,
XÉT THẤY
Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo H thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, bị cáo khai nhận: Khoảng 04 giờ 10 phút ngày 15 tháng 7 năm 2017 tại phòng thay đồ nữ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Y - Khu công nghiệp B, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, lợi dụng không có người và sơ hở ngăn tủ để đồ số 314 của chị O móc khóa nhưng không đóng chốt bị cáo đã có hành vi lén lút mở ngăn tủ để đồ số 314 của chị O trộm cắp số tiền 1.200.000 đồng, 01 thẻ ATM Shinhan Bank, 01 đăng ký xe mô tô. Đến khoảng 05 giờ 20 phút cùng ngày, do biết mật khẩu thẻ ATM Shinhan Bank của chị O nên bị cáo đã đến máy rút tiền tự động (cây ATM - Một thiết bị ngân hàng giao dịch tự động với khách hàng) của Ngân hàng Viettin bank ở Khu công nghiệp B, huyện B dùng thẻ ATM của chị O rút được từ máy rút tiền tự động của Ngân hàng Viettin bank số tiền 2.250.000 đồng và chiếm đoạt số tiền trên của chị Trần Thị O.
Trong vụ án này, bị cáo H đã thực hiện hai hành vi: Thứ nhất hành vi trộm cắp số tiền 1.200.000 đồng, 01 đăng ký xe mô tô của chị O, thứ hai là hành vi sử dụng thẻ ATM Shinhan Bank của chị O rút 2.250.000 đồng và chiếm đoạt số tiền trên của chị O.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Xuyên đề nghị:
Rút quyết định truy tố và không xử lý hình sự đối với hành vi của bị cáo H trộm cắp tài sản của chị O đồng thời kiến nghị xử lý hành chính về hành vi này theo quy định, Hội đồng xét xử thấy rằng: Hành vi của bị cáo H trộm cắp số tiền 1.200.000 đồng, 01 đăng ký xe mô tô của chị O chưa đảm bảo về mặt định lượng, chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm do vậy không xử lý về hình sự là phù hợp. Tuy nhiên hành vi nêu trên của bị cáo H đã vi phạm điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định số 167/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội do vậy cần phải xử lý về hành chính. Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan Công an xử phạt hành chính đối với hành vi nêu trên của bị cáo H theo quy định.
Đối với hành vi của bị cáo H sử dụng thẻ ATM rút và chiếm đoạt số tiền 2.250.000 đồng của chị O đại diện Viện kiểm sát thay đổi tội danh đã truy tố đối với bị cáo Hg từ tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Hình sự 1999 sang tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b Bộ luật Hình sự năm 1999. Áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự 2015; điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH 14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội truy tố bị cáo H về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 1 Điều 290 của Bộ luật Hình sự 2015, Hội đồng xét xử thấy rằng: Hành vi sử dụng thẻ ATM Shinhan Bank của chị O đến máy rút tiền tự động của Ngân hàng Viettin bank ở Khu công nghiệp B, huyện B dùng thẻ ATM rút được số tiền 2.250.000 đồng và chiếm đoạt số tiền trên của chị O có đủ yếu tố cấu thành tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, do đó việc đại diện kiểm sát thay đổi tội danh truy tố bị cáo H về tội mới là phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo và được Hội đồng xét xử chấp nhận. Tuy nhiên Điều 226b Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung và quy định tại Điều 290, theo đó hình phạt mà Bộ luật Hình sự 2015 quy định tại Điều 290 nhẹ hơn rất nhiều so với hình phạt mà Bộ luật Hình sự 1999 quy định tại Điều 226b, cụ thể: Điều 226b Bộ luật Hình sự 1999 quy định hình phạt chính cao nhất là tù chung thân và khoản 1 quy định hình phạt cao nhất đến 5 năm tù trong khi đó Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 quy định hình phạt tù cao nhất đến 20 năm và khoản 1 hình phạt cao nhất đến 3 năm. Theo Khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự 2015 và hướng dẫn tại điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH 14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH 13 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH 14 thì đây là quy định có lợi cho người phạm tội cần được áp dụng. Do đó đề nghị của đại diện Viện kiểm sát về việc áp dụng điểm a khoản 1 Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 để xử phạt bị cáo là phù hợp được chấp nhận.
Đối với việc Viện kiểm sát thay đổi tội danh từ tội “Trộm cắp tài sản” sang tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản’’, đối chiếu với quy định tại Điều 196 của Bộ luật Tố tụng hình sự về giới hạn xét xử thì Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, Tòa án có thể xét xử bị cáo về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố thấy rằng: Tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản’’ theo Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 quy định hình phạt tù cao nhất đến 20 năm, trong khi tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 138 Bộ luật Hình sự 1999 quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân, còn khoản 1 của cả hai tội đều có hình phạt cao nhất đến 3 năm. Như vậy tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 nhẹ hơn tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại Điều 138 của Bộ luật Hình sự 1999. Như vậy việc tại phiên tòa Viện kiểm sát thay đổi tội danh và Tòa án xét xử bị cáo H về tội mới mà không trả hồ sơ để Viện kiểm sát ban hành cáo trạng truy tố bị cáo về tội mới là phù hợp vì không trái với quy định giới hạn xét xử theo Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự. Hơn nữa, trong vụ án này tính chất, mức độ, hành vi phạm tội đã rõ ràng, hậu quả xảy ra do hành vi phạm tội đều đã được khắc phục (người bị hại chị O đã được nhận lại toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt), bản thân bị cáo H sau khi nghe đại diện Viện kiểm sát kết luận về tội mới thì hoàn toàn nhất trí. Mặt khác việc trả hồ sơ chỉ để Viện kiểm sát thay đổi tội danh sẽ dẫn đến kéo dài vụ án không cần thiết, do đó Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án và xét xử bị cáo H về tội danh mới mà Viện kiểm sát truy tố.
Như vậy, lời nhận tội của bị cáo H về hành vi sử dụng thẻ ATM Shinhan Bank của chị O đến máy rút tiền tự động rút của Ngân hàng Viettin bank ở Khu công nghiệp B, huyện B dùng thẻ ATM rút được số tiền 2.250.000 đồng và chiếm đoạt số tiền trên của chị Trần Thị O hoàn toàn phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ như lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, lời khai của người bị hại và phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác được thu thập hợp pháp có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy có đủ cơ sở để kết luận hành vi của Lê Thị H đã có đủ yếu tố cấu thành tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Tội danh được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Điểm a khoản 1 Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
Xét tính chất vụ án tuy ít nghiêm trọng, nhưng hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự trị an tại địa phương và xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, cần phải xử lý bị cáo trước pháp luật mới có tác dụng đấu tranh phòng chống tội phạm.
Xét nhân thân cũng như tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo thấy rằng: Bị cáo được hưởng bốn tình tiết giảm nhẹ qui định tại điểm b, h, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999 đó là người phạm tội đã bồi thường khắc phục hậu quả, sau khi phạm tội bị cáo chủ động giao nộp lại số tài sản đã chiếm đoạt được cho Cơ quan điều tra để trả cho người bị hại; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo; thực sự ăn năn hối cải và bị cáo được hưởng thêm một tình tiết giảm nhẹ qui định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999 đó là người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Về nhân thân: Trước khi phạm tội bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự nhưng như phân tích trên hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm, thể hiện việc coi thường pháp luật do đó cần cách ly bị cáo ra khỏi cuộc sống xã hội bằng hình thức phạt tù tại Trại giam với mức án như đề nghị của Viện kiểm sát mới đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa và giáo dục chung.
Đối với 01 thẻ ATM Shinhan Bank, 01 đăng ký xe mô tô và số tiền 3.450.000 đồng Cơ quan điều tra đã trả lại cho chị O là chủ sở hữu hợp pháp, sau khi nhận lại tài sản chị O không có yêu cầu gì khác nên Tòa không xét.
Đối với hành vi của bị cáo H tự ý sửa chữa các giấy tờ đã được xác nhận, chứng thực của cơ quan nhà nước là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tuy nhiên mục đích bị cáo để được tuyển dụng vào Công ty TNHH Y và để được làm công nhân lao động phổ thông kiếm tiền hợp pháp và hành vi chưa gây hậu quả gì. Do đó Cơ quan điều tra đã nhắc nhở, giáo dục và không đề cập xử lý về hình sự là phù hợp.
Về án phí sơ thẩm: Buộc bị cáo phải chịu theo quy định của pháp luật. Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố bị cáo Lê Thị H phạm tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Áp dụng khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017); điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH 14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội; điểm a khoản 1 Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 (Điều khoản có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 so với khoản 1 Điều 226b Bộ luật Hình sự năm 1999); điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999;
Xử phạt bị cáo Lê Thị H 06 (Sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam ngày 27 tháng 7 năm 2017.
Áp dụng Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án:
Buộc bị cáo Lê Thị H phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án bị cáo có quyền kháng cáo bản án để yêu cầu xét xử phúc thẩm; người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết./
Bản án 59/2017/HSST ngày 28/09/2017 về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
Số hiệu: | 59/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Bình Xuyên - Vĩnh Phúc |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/09/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về