TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
BẢN ÁN 57/2018/HS-PT NGÀY 05/04/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 05 tháng 04 năm 2018, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 57/2018/HSPT ngày 20 tháng 3 năm 2018 đối với bị cáo Đào Đăng H do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2018/HS-ST ngày 01 tháng 02 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
- Bị cáo có kháng cáo:
Đào Đăng H, sinh năm 1971 tại B.G
Nơi cư trú: xóm S, xã L, huyện N, tỉnh Bắc Giang; chỗ ở hiện nay: Tổ 17, ấp V, xã X, huyện T, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; nghề nghiệp: Thợ hồ; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đào Đăng P (đã chết) và bà Nguyễn Thị T, có vợ là Nguyễn Thị X và 3 con; bị cáo tại ngoại. (có mặt)
Tiền án, tiền sự: không
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo: có Luật sư Lê Minh Q – Văn phòng Luật sư Q – Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).
Bị hại không kháng cáo: Anh Nguyễn Hữu T, sinh năm 1975. Trú tại: Tổ 17, ấp V, xã X, huyện T, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2018/HS-ST ngày 01 tháng 02 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Tân Thành thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Bị cáo Đào Đăng H và ông Nguyễn Hữu T là hàng xóm, cùng sử dụng chung đường dây điện hạ thế sinh hoạt. Trong quá trình sử dụng điện, giữa H với ông T xảy ra mâu thuẫn cải vã và không sử dụng đường dây điện trên nữa, H đã kéo đường dây điện mới, câu trên những cọc điện cũ để sử dụng. Khoảng 17 giờ ngày 01/10/2016, H đi chơi về gặp ông T thì tiếp tục cãi nhau về đường dây điện sinh hoạt dùng chung. Ông T không cho H mắc dây điện riêng trên những cột điện cũ đang xảy ra tranh chấp. Ông T lấy một chiếc kìm leo lên mái tôn nhà mình cắt đường dây điện mới của H. Thấy vậy, H liền chạy về nhà lấy một con dao bằng inox dài 30cm, cán bằng gỗ dài 10cm, trèo lên mái tôn chém vào người ông T. Ông T đưa tay phải lên bắt được con dao và bị thương, hai bên giằng co con dao làm mái tôn bị sập, cả hai bị rơi xuống đất và tiếp tục giằng co con dao. Thấy vậy, anh Nguyễn Hữu C, con trai của ông T, xông vào phụ ông T tước dao của H. Khi tước dao, C bị lưỡi dao quơ trúng bị thương và C tước được con dao đã ném đi. Lúc này, hàng xóm xung quanh phát hiện sự việc đánh nhau đến can ngăn. Ông T và anh C bị thương đã được đưa đi Bệnh viện chữa trị.
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 11/TgT ngày 12/01/2017 của Trung tâm pháp y, Sở y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết luận:
1. Dấu hiệu chính qua giám định: 01 vết thương phần mềm bàn tay phải, lành tốt.
2. Về vật gây thương tích, chiều hướng và lực tác động: Thương tích trên được gây ra do sự tác động tương hỗ của vật cứng có cạnh sắc, tác động vào vị trí vết thương theo chiều hướng từ dưới lên trên.
3. Ông Nguyễn Hữu T tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra hiện tại là 02%.
Về vật chứng vụ án: Một con dao bằng inox dài 30cm, cán bằng gỗ dài 10cm đã chuyển đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Thành bảo quản, chờ xử lý.
Đối với hành vi cắt dây điện của ông Nguyễn Hữu T, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tân ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số: 63/QĐXPHC ngày 25/5/2017 bằng hình thức phạt tiền.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 18/2018/HS-ST ngày 01 tháng 02 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Tân Thành đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Đào Đăng H phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104; điểm đ, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự 1999. Xử phạt Đào Đăng H 06 (sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 12 (Mười hai) tháng kể từ ngày tuyên án (01/02/2018).
Giao bị cáo Đào Đăng H cho Ủy ban nhân dân xã X, huyện T, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.
Ngoài ra bản án cấp sơ thẩm còn tuyên trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.
Ngày 13/02/2018, bị cáo Đào Đăng H làm đơn kháng cáo với nội dung như sau: Yêu cầu cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội và bãi bỏ khoản bồi thường 7.528.500 đồng cho ông T.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án và đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Xét thấy bản án sơ thẩm xét xử bị cáo đúng người, đúng tội, mức án cấp sơ thẩm đã tuyên phù hợp với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Tại phiên tòa hôm nay bị cáo không cung cấp chứng cứ nào mới theo quy định pháp luật, nên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên mức án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo.
Luật sư phát biểu quan điểm bảo vệ cho bị cáo như sau:
+ Về tội danh, điều luật áp dụng và hình phạt: Luật sư không có ý kiến.
+ Về trách nhiệm bồi thường dân sự: Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại việc người bị hại bị gây thương tích ở tay nhưng lại đi chụp Citi scaner đầu với hóa đơn hơn bốn triệu đồng là không hợp lý; ngoài là bị hại là thợ hồ với thương tích ở lòng bàn tay 02% nhưng nghỉ việc 30 ngày là không hợp lý. Từ đó Luật sư đề nghị xem xét lại khoản bồi thường dân sự.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Luật sư, bị cáo;
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án, các hành vi, Quyết định của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán cấp sơ thẩm đều tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong giai đoạn giải quyết sơ thẩm bị cáo và những người tham gia tố tụng không có khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng.
Đơn kháng cáo của bị cáo Đào Đăng H gửi trong thời hạn và đúng theo thủ tục quy định nên hợp lệ, được chấp nhận xem xét theo trình tự thủ tục phúc thẩm.
[2] Về tội danh và điều luật áp dụng: Căn cứ lời khai nhận của bị cáo, đối chiếu với lời khai của bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhân chứng và các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử xét thấy: Bị cáo Đào Đăng H và ông Nguyễn Hữu T có mâu thuẫn từ trước liên quan đến việc sử dụng chung đường dây điện. Khoảng 17 giờ ngày 01/10/2016, khi thấy ông T leo lên mái bếp nhà ông T và cắt đường dây điện của mình, bị cáo đã mang con dao bầu dài khoảng 35 cm, bản rộng 7cm, cán gỗ khoảng 10cm leo lên tường nhà của bị cáo giáp với mái bếp nhà ông T với mục đích gây thương tích cho ông T. Khi trên mái nhà, bị cáo đã có hành vi dùng dao chém về phía ông T. Ông T dùng tay chống đỡ và chụp được con dao của bị cáo bằng tay phải, khi hai bên giằng co với nhau thì làm sập mái tôn nhà bến và cả hai cùng rơi xuống đất. Khi đó hai bên tiếp tục giằng co với nhau nhưng được con ông T là Nguyễn Hữu C và mọi người can ngăn. Hậu quả ông T bị thương tích 02% ở lòng bàn tay phải. Xét thấy, thương tích của ông T là do chính bị cáo Hiền dùng dao chém, còn bị hại thì chụp lấy con dao gây ra vết thương ở lòng bàn tay, từ đó Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Đào Đăng H về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.
[3] Xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo:
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đồng ý quan điểm bào chữa của Luật sư nhưng cho rằng vết thương của ông T là do quá trình ông T và bị cáo giằng co, vật lộn với nhau ông T đã tự cầm vào phần lưỡi dao và gây nên thương tích. Có nghĩa vết thương trên lòng bàn tay ông T không do bị cáo gây ra nhưng ông T yêu cầu bị hại bồi thường số tiền 7.528.500 đồng là hoàn toàn vô lý. Từ đó bị cáo yêu cầu xem xét lại bản án.
Xét lời trình bày và lý do kháng cáo của bị cáo Hội đồng xét xử nhận thấy: Do mẫu thuẫn nhỏ trong cuộc sống nhưng cả bị cáo và bị hại đã không xử lý đúng tình lý, đúng pháp luật nên dẫn đến xung đột. Khi đó bị cáo đã mang con dao bầu dài khoảng 35 cm, bản rộng 7cm, cán gỗ khoảng 10cm leo lên tường nhà bị cáo giáp với mái bếp nhà ông T với mục đích gây thương tích cho bị hại. Thực tế bị cáo đã dùng dao gây thương tích cho bị hại.
Theo bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 11/TgT ngày 12/01/2017 của Trung tâm pháp y, Sở y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Kết luận bị hại bị thương tích 02%. Hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là dùng hung khí nguy hiểm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự, nên giữ y phần này.
Về trách nhiệm dân sự: Cấp sơ thẩm căn cứ Điều 604, 605, 609, 617 Bộ luật dân sự 2005; điểm 1 mục II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao để xem xét giải quyết bồi thường dân sự như sau:
1. Yêu cầu về chi phí khám chữa bệnh được thể hiện qua các hóa đơn chứng từ hợp lệ là: 4.357.000đ.
2. Chi phí đi lại cần thiết cho việc khám chữa bệnh là: 1.000.000đ.
3. Yêu cầu đối với 3 người nuôi bệnh trong 2 ngày là không phù hợp với tình trạng thương tích của bị hại. Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận tiền công nuôi bệnh của 1 người trong một ngày với mức thu nhập bình quân ở địa phương là: 300.000đ x 2 = 600.000đ.
4. Thu nhập bị mất của bị cáo (thợ hồ) trong 1 tháng (30 ngày) là: 30 x350.000đ = 9.100.000đ.
Tuy nhiên, tại mục này cấp sơ thẩm có nhầm lẫn nên sửa như sau:
Thu nhập bị mất của bị cáo (thợ hồ) trong 1 tháng làm việc, trừ 04 ngày chủ nhật nên còn 26 ngày, do đó 350.000 đ x 26 ngày = 9.100.000 đ.
Như vậy, tổng thiệt hại của bị hại là 15.057.000đ (Mười lăm triệu, không trăm năm mươi bảy nghìn đồng)
Cấp sơ thẩm xác định thiệt hại xảy ra có phần lỗi của bị hại nên chấp nhận một phần yêu cầu của bị hại là hợp lý đúng quy định của pháp luật. Theo đó, bị cáo phải bồi thường cho bị hại 1/2 trong tổng thiệt hại của bị hại là 7.528.500đ (Bảy triệu, năm trăm hai mươi tám nghìn, năm trăm đồng) là có căn cứ. Từ phân tích trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị hại và quan điểm của Luật sư, giữ nguyên bản án cấp sơ thẩm đã tuyên.
[4] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí theo quy định.
Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực từ ngày hết thời hạn kháng cáo, hết thời hạn kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng Hình sự;
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo Đào Đăng H, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
1/ Trách nhiệm hình sự:
Tuyên bố: Bị cáo Đào Đăng H phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104; điểm đ, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự 1999.
Xử phạt: Đào Đăng H 06 (sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 12 (mười hai) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (01/02/2018).
Giao bị cáo Đào Đăng H cho Ủy ban nhân dân xã X, huyện T, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.
2/ Trách nhiệm bồi thường dân sự:
Áp dụng các Điều 604, 605, 609, 617 Bộ luật dân sự 2005; điểm 1 mục II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
Tuyên xử: Buộc bị cáo Đào Đăng H bồi thường cho bị hại Nguyễn Hữu T số tiền 7.528.500đ (Bảy triệu, năm trăm hai mươi tám nghìn, năm trăm đồng).
Tính từ ngày bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu bên phải thi hành án chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán hoặc thực hiện không đầy đủ thì hàng tháng phải trả thêm tiền lãi theo theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.
3/ Án phí:
+ Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo H phải nộp 200.000 đồng.
+ Án phí dân sự sơ thẩm: Bị cáo H phải nộp 376.000 đồng.
4/ Các quyết định khác của án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (05/4/2018).
Bản án 57/2018/HS-PT ngày 05/04/2018 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 57/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 05/04/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về