Bản án 56/2019/DS-ST ngày 26/11/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÙ ĐĂNG, TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 56/2019/DS-ST NGÀY 26/11/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 26 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 49/2017/TLST-DS ngày 29 tháng 3 năm 2019, về việc “ Tranh chấp thừa kế tài sản”. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 182/2019/QĐST-DS ngày 31 tháng 10 năm 2019 giữa:

-Nguyên đơn:

+ Chị Trương Thị Bạch T, sinh năm 1984 (có mặt)

Địa chỉ: Thôn B, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông

+ Anh Trương Đình K, sinh năm 1982 (vắng mặt)

Địa chỉ: sóc N, tổ A, xã P, huyện H, tỉnh Bình Phước.

Anh K ủy quyền cho chị Trương Thị Bạch T (văn bản ủy quyền ngày 24/7/2019)

- Bị đơn: ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1957 (vắng mặt)

Địa chỉ: thôn a, tỉnh Bình Phước.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+Chị Nguyễn Thị T, sinh năm 1997 (vắng mặt)

+Anh Nguyễn Xuân T1, sinh năm 1999 (có mặt)

Địa chỉ: thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước.

+ Ủy ban nhân dân xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước (vắng mặt)

Địa chỉ: QL 14, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước

+ UBND huyện B, tỉnh Bình Phước (vắng mặt)

Địa chỉ: QL 14, khu Đ, TTr Đ, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện đề ngày 01 tháng 7 năm 2017 nguyên đơn chị Trương Thị Bạch T và anh Trương Đình K trình bày: Anh chị là con ruột của bà Phạm Thị H và ông Trương Văn L. Bà H và ông L kết hôn năm 1980, sinh được 02 người con là Trương Đình K và Trương Thị Bạch T. Năm 1993 thì bà H và ông L ly hôn theo quyết định công nhận sự thỏa thuận về việc thuận tình ly hôn số 13/TTLH, ngày 12/4/1993 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Lâm Đồng. Năm 1996 thì bà H chung sống với ông Nguyễn Văn L, có đăng ký kết hôn tại UBND xã L, B, Lâm Đồng. Khi ly hôn với ông L thì bà H được chia diện tích đất 5865m2 tại xã T, huyện B, tỉnh Lâm Đồng. Sau khi bà H kết hôn với ông L thì bà H có bán diện tích đất này để đến xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước mua diện tích đất 17.754,7m2 và tài sản trên đất trồng cây điều, cây cà phê vào năm 2010 và làm thủ tục cấp GCNQSDĐ do bà H và ông L đứng tên. Từ sau khi sang nhượng diện tích đất này thì bà H và ông L quản, lý, canh tác, sử dụng. Sau khi bà H chết thì toàn bộ diện tích đất này do ông L canh tác, quản lý, sử dụng và phía ông L, anh T1, chị T tự ý lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cho ông L toàn bộ diện tích đất 17.754,7m2 và tài sản trên đất thì anh chị không được biết vì anh chị ở xa. Nay anh chị được biết sự việc ông L và anh T1 chị T đã thỏa thuận cho ông L diện tích đất này và tài sản trên đất thì anh chị không đồng ý. Anh chị là con ruột của bà H, bà H đã chết, bà H không để lại di chúc. Vì vậy, anh chị là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà H, anh, chị yêu cầu Tòa án giải quyết những nội dung sau:

- Xác định 2/3 diện tích đất 17.754,7m2 và tài sản trên đất là di sản của bà Phạm Thị H. Vì tài sản này do bà H gây dựng nên, phía ông L chỉ được hưởng 1/3 (tức là 5.918,23m2) tài sản này.

- Xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản của bà H gồm: Trương Thị Bạch T, Trương Đình K, Nguyễn Thị T, Nguyễn Xuân T1 và ông Nguyễn Văn L. Mỗi kỷ phần được hưởng: 11.836,46m2 : 5 = 2.367,29m2; Trị giá mỗi kỷ phần khoảng 230.000.000đ.

Hiện nay di sản của bà H do ông L đang quản lý nên ông L phải chia cho anh chị mỗi người 01 kỷ phần. Anh chị có nguyện vọng nhận di sản bằng hiện vật về phía tây diện tích đất.

-Tại đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 21/12/2017, nguyên đơn chị Trương Thị Bạch T và anh Trương Đình K yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau đây: Ngày 01/7/2017, anh chị có làm đơn khởi kiện yêu cầu ông Nguyễn Văn L chia di sản thừa kế của bà Phạm Thị H (là mẹ ruột của anh chị) để lại. Hiện nay anh chị làm đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện như sau: yêu cầu Tòa án xem xét tuyên văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế ngày 16/6/2014 giữa ông Nguyễn Văn L với chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Xuân T1 do Ủy ban nhân dân xã T chứng thực là vô hiệu, trái pháp luật. Lý do văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế này không có ý kiến của anh chị, anh chị không biết gì về sự phân chia di sản này.

Sự phân chia di sản thừa kế này giữa ông L, chị T, anh T1 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của anh chị, anh chị là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà H nhưng ông L, anh chị T, anh T1 đã tự ý gạt bỏ quyền lợi của anh chị.

-Tại đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 07/5/2018 nguyên đơn chị Trương Thị Bạch T trình bày: Sau khi bà Phạm Thị H chết thì ông L là người trực tiếp quản lý diện tích đất điều, cà phê 17.754,7m2 tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước, đây là tài sản chung của ông Nguyễn Văn L và bà Phạm Thị H. Từ năm 2013 bà H chết đến nay thì di sản của bà H để lại còn có sản lượng hạt điều và cà phê thu hoạch trên diện tích đất 17.754,7m2 nêu trên. Ông L là người trực tiếp thu hoạch và quản lý số tiền thu hoạch hạt điều và cà phê.

+ Đối với hạt điều từ vụ mùa năm 2014 đến năm 2018, trung bình mỗi năm ông L thu hoạch 02 tấn hạt điều tươi tức 2000kg x 25.000đ/kg = 50.000.000đ, như vậy từ năm 2014 đến năm 2018 ông L thu hoạch hạt điều được số tiền là 50.000.000đ x 05 năm = 250.000.000đ ;

+ Đối với thu hoạch cà phê vụ mùa từ năm 2013 đến năm 2018, mỗi năm thu hoạch trung bình 04 tấn cà phê tươi, tức 4000kg x 8.000đ/kg = 32.000.000đ, như vậy từ năm 2013 đến năm 2018 ông L thu được 32.000.000đ/ năm x 6 năm = 192.000.000đ.

Tổng cộng số tiền thu hoạch điều và cà phê mà ông L thu được từ khi bà H chết đến nay là 250.000.000đ + 192.000.000đ = 442.000.000đ, trong đó có ½ giá trị hoa lợi thu được là di sản của bà H để lại, tức là 442.000.000đ : 2 = 221.000.000đ. Vì vậy, chị yêu cầu chia di sản của bà H để lại là ½ hoa lợi thu được từ diện tích đất nêu trên là 221.000.000đ. Số tiền 221.000.000đ này yêu cầu ông L chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà H gồm có 05 người: ông Nguyễn Văn L, Nguyễn Thị T, Nguyễn Xuân T1, Trương Đình K và Trương Thị Bạch T, cụ thể mổi người được chia 221.000.000đ : 5 = 44.200.000đ.

Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn chị Trương Thị Bạch T đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn anh Trương Đình K trình bày: Cha mẹ của bà H tức ông bà ngoại của chị (ông Phạm Văn T2 và bà Đinh Thị C) đều đã chết từ năm 2001. Hiện nay chị và anh K đồng ý di sản của bà H để lại là ½ diện tích đất điều cà phê, tiêu là 17.754,7m2 tại thôn Sơn Lập, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước, yêu cầu Tòa án giải quyết chia làm 05 kỷ phần cho những người sau: Trương Đình K, Trương Thị Bạch T, Nguyễn Văn L, Nguyễn Thị T, Nguyễn Xuân T1.

- Tại biên bản lời khai (bút lục số 33) bị đơn ông Nguyễn Văn L trình bày: Chị Trương Thị Bạch T và anh Trương Đình K là con riêng của vợ ông là bà Phạm Thị H. Ông với bà H chung sống với nhau vào năm 1993, có đăng ký kết hôn ngày 29/11/2005 tại UBND phường L, huyện B (nay là thành phố B), tỉnh Lâm Đồng. Đối với diện tích đất 17.754,7m2, tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước là tài sản chung của ông với bà Phạm Thị H. Nguồn gốc diện tích đất này là do ông với bà H nhận sang nhượng của ông Nguyễn Văn T3 vào năm 2009, trị giá diện tích đất sang nhượng từ ông T3 là 390.000.000đ. Nguồn tiền nhận sang nhượng diện tích đất này là do vợ chồng ông bán diện tích đất khoảng 1,2 ha (trong đó có 6.000 m2 đất có GCNQSDĐ, còn khoảng 6.000m2 do vợ chồng ông khai phá) đất tại thôn 9, xã T, huyện B, tỉnh Lâm Đồng. Diện tích đất khoảng 1,2 ha này là của bà H có trước khi chung sống với ông, sau khi ông về chung sống với bà H thì ông và bà H cùng canh tác, góp vốn trồng trọt cải tạo diện tích đất này, múc ao, san đất, làm nhà. Ông và bà H bán diện tích đất này ở xã Tân Lạc được số tiền khoảng 250.000.000đ để sang xã T mua diện tích đất 17.754,7 m2.

Hiện nay, chị T anh K khởi kiện bổ sung yêu cầu tuyên văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế ngày 16/6/2014 là trái pháp luật thì ông không đồng ý. Lý do, chị T và anh K không liên quan gì đến ông, không phải là con ông nên ông không chia đất cho chị T anh K. Ông có biết chị T và anh K là con riêng của bà H. Khi lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thì chỉ có ông và con ông thỏa thuận phân chia thừa kế. Lý do, ông không đưa anh K chị T vào tham gia phân chia di sản thừa kế vì chị T anh K không làm gì, không canh tác gì trên diện tích đất 17.754,7 m2 nên ông không đồng ý chia diện tích đất này cho chị T anh K. Ông yêu cầu Tòa án giải quyết số tiền ông đã bỏ ra để nuôi bà H bị ốm nặng, lo ma chay cho bà H, số tiền cụ thể ông sẽ cung cấp cho Tòa án trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hôm nay nếu ông không cung cấp được trong thời hạn này thì coi như ông không có yêu cầu gì đối với vấn đề này, Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Tại biên bản lời khai (Bút lục số 32), bị đơn ông L trình bày: Diện tích đất 17.754,7 m2, tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước là tài sản chung của ông với bà Phạm Thị H. Nguồn gốc diện tích đất này là do ông với bà H nhận sang nhượng của ông T3 vào năm 2009, trị giá diện tích đất sang nhượng từ ông T3 là 390.000.000đ, nguồn tiền nhận sang nhượng diện tích đất này là tiền của vợ chồng ông. Khi nhận sang nhượng diện tích đất này thì vợ chồng ông còn thiếu nợ ông T3 100.000.000đ, hẹn trong thời gian 01 năm sẽ trả cho ông T3. Khi bà H còn sống thì ông với bà H đã trả hết số nợ 100.000.000đ cho ông T3.

Nguồn tiền trả nợ cho ông T3 là do bà H vay ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh huyện Bù Đăng số tiền khoảng 60.000.000đ vào khoảng năm 2010. Thời gian trả nợ xong cho ngân hàng nông nghiệp và phát trển nông thôn số tiền 60.000.000đ là khi đó bà H còn sống. Hiện nay ông không còn giữ hợp đồng vay vốn tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh huyện B.

Sau đó, năm 2011 thì ông có vay tiền tại ngân hàng Sacombank số tiền 150.000.000đ. Hàng năm trả tiền cho ngân hàng, sau đó lấy giấy chưng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là GCNQSDĐ) đối với diện tích đất 17.754,7 m2, tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước về, ông tiếp tục làm thủ tục đáo hạn để vay số tiền tiếp theo. Hiện nay ông còn nợ ngân hàng Sacombank số tiền 100.000.000đ. Mục đích ông vay số tiền này để đầu tư vườn rẫy đối với diện tích đất 17.754,7 m2, tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước. Ông sử dụng số tiền này để đầu tư chăm sóc vườn rẫy số tiền hết 30.000.000đ còn lại số tiền 70.000.000đ để chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất 17.754,7m2, tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước, từ cây cà phê sang trồng cây điều. Hiện nay trên đất có cây điều, cà phê và một số cây ăn trái. Cây chủ lực là trồng cây điều và cây cà phê. Cây điều và cà phê trồng năm nào ông không biết. Ngoài ra, trên diện tích đất này ông còn đầu tư trên đất là múc 01 cái ao vào năm 2017 hết số tiền 45.000.000đ.

Diện tích đất 17.754,7 m2, tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước từ khi bà H chết đến nay thì ông là người quản lý chăm sóc diện tích đất này và tài sản trên đất. Sản lượng điều thu hoạch trên diện tích đất này vụ mùa điều từ năm 2014 đến năm 2017 trung bình mỗi vụ mùa mỗi năm ông thu hoạch được 1,2 tấn hạt điều tươi trên toàn bộ diện tích đất 17.754,7 m2. Còn vụ mùa năm 2018 này ông chỉ thu hoạch được 600kg hạt điều tươi trên toàn bộ diện tích đất 17.754,7 m2. Đối với cây cà phê ông thu hoạch vụ mùa năm 2013 đến nay trung bình mỗi vụ mùa mỗi năm là 500kg hạt cà phê nhân trên toàn bộ diện tích đất 17.754,7 m2. Tiền thu hoạch vụ mùa điều và cà phê đều do ông quản lý. Tuy nhiên, số tiền thu hoạch vụ mùa điều và cà phê ông đã chi phí hết cho việc chăm sóc, phân bón, thuê người làm công thu hoạch, hái lượm.

Hiện nay vợ chồng ông đã trả hết số tiền này cho ông T3. Khi sang nhượng thì đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi nhận sang nhượng đất của ông T3 thì vợ chồng ông làm thủ tục sang tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vợ chồng ông đứng tên (ông với bà Phạm Thị H đứng tên). Tài sản trên đất là cây điều và cây cà phê.

Bà H chết ngày 30/9/2013. Đến ngày 16/6/2014 thì gia đình ông gồm ông và hai người con chung của ông với bà H là chị Nguyễn Thị T và anh Nguyễn Xuân T1 có lập văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế. Các con ông đều thống nhất cho ông được quyền sở hữu, sử dụng diện tích đất 17.754,7m2 và tài sản trên đất. Sau đó, ông đã làm thủ tục kê khai cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này do ông đứng tên.

Diện tích đất 17.754,7m2 và cây trồng trên đất từ khi nhận sang nhượng của ông T3 là do ông và bà H quản lý, chăm sóc, canh tác. Đến khi bà H chết thì diện tích đất này và cây trồng trên đất là do ông quản lý, chăm sóc, thu hoạch cho đến nay.

Nguyên đơn chị T và anh K trình bày diện tích đất 17.754,7m2 do bà H tạo dựng nên là không đúng, ông không đồng ý với lời trình bày này của anh K chị T. Lý do: nguồn gốc diện tích đất này và tài sản trên đất là do ông với bà H cùng tạo dựng nên. Nguồn tiền mua đất là tiền tiết kiệm và bán tài sản nhà đất tài sản chung của vợ chồng ông ở Bảo Lộc, Lâm Đồng để vợ chồng ông sang xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước để lập nghiệp. Vì vậy, đây là tài sản chung của ông với bà bà H. Công sức của ông với bà H là ngang nhau, mỗi người được hưởng ½ tài sản này. Hiện nay bà H đã chết thì tài sản này là của ông được hưởng.

Hiện nay chị T, anh K yêu cầu được chia thừa kế diện tích đất 17.754,7m2 và tài sản trên đất nêu trên thì ông không đồng ý. Lý do, chị T và anh K không có công sức gì đóng góp trên diện tích đất này. Chị T và anh K không phải là con ruột của ông nên ông không có trách nhiệm gì với chị T và anh K.

Tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp cận công khai chứng cứ ngày 21/10/2019 thì ông L còn yêu cầu nguyên đơn chị T và anh K phải thanh toán trả xong các khoản nợ mà ông và bà H còn nợ là các ông bà: L1, T4, Y, N, T5, X, T6, tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp cận công khai chứng cứ thì ông L hẹn trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hôm nay (tức kể từ ngày 21/10/2019) sẽ cung cấp đầy đủ họ tên, địa chỉ các ông bà mà ông và bà H vay tiền.

- Tại biên bản lời khai, trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Nguyễn Thị T và anh Nguyễn Xuân T1 thống nhất trình bày: Các anh chị là con ruột của bà Phạm Thị H và ông Nguyễn Văn L, đến năm 2013 thì bà H chết, anh chị có biết bà H có hai người con riêng là Trương Đình K và Trương Thị Bạch T. Đối với diện tích đất 17.754,7m2 tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước là tài sản chung của ông L và bà H. Đến ngày 16/6/2014 thì anh chị và ông L đã lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đối với diện tích đất 17.754,7m2 và tài sản trên đất. Anh chị cho lại phần di sản của anh chị được hưởng cho ông L sử dụng. Hiện nay anh K chi Tuyết yêu cầu chia di sản thừa kế đối với diện tích đất trên thì anh chị không đồng ý, anh chị không tranh chấp gì trong vụ án này. Đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

- Tại bản tường trình người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân xã T,huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước trình bày: Vào ngày 16/5/2014, UBND xã T tiếp nhận văn bản tự thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn L, hồ sơ gồm có: CMND photo của ông L và anh Nguyễn Xuân T1, chị Nguyễn Thị T; sổ hộ khẩu photo; sơ yếu lý lịch tự khai của ông L; Giấy xác nhận hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của bà H gồm có cha mẹ ruột bà H; GCNQSDĐ số BA 265227 photo. Ngày 16/5/2014 thì UBND xã T đã ban hành thông báo số 26 về việc tự thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của ông L. Trong thời gian niêm yết hồ sơ tự thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thì UBND xã không nhận được đơn thư khiếu nại liên quan đến hàng thừa kế cũng như tranh chấp quyền sử dụng đất liên quan đến ông L. Đến ngày 16/6/2014 UBND xã T đã làm biên bản kết thúc niêm yết công khai thông báo tự thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của ông L. Trong hồ sơ, lý lịch, lời khai khi làm hồ sơ do ông L cung cấp UBND xã không thể hiện hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật là bà Trương Thị Bạch T và ông Trương Đình K.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND huyện Bù Đăng trình bày: Ông Nguyễn Văn L và bà Phạm Thị H được UBND huyện Bù Đăng cấp GCNQSDĐ số BA 265227, ký ngày 21/6/2010 thuộc thửa đất số 37, tờ bản đồ số 10 có diện tích 17.754,7m2 thuộc Sơn Hiệp, Thọ Sơn, Bù Đăng, Bình Phước, nguồn gốc do ông L bà H nhận chuyển nhượng từ ông T3 bà Phi. Ngày 05/9/2013 thì bà H chết. Sau đó ông L cùng chị T anh T1 là những người thừa kế theo pháp luật của bà H lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế và thống nhất để cho ông L quản lý sở hữu coi như tài sản riêng đối với thửa đất trên. Căn cứ văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế do UBND xã T chứng thực ngày 16/6/2014, UBND huyện Bù Đăng cấp GCNQSDĐ số phát hành BN 376733 cho ông Nguyễn Văn L sử dụng. Do đó về trình tự thủ tục cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Văn L thực hiện đúng quy định pháp luật tại khoản 2 Điều 46; Khoản 4 Điều 49; Điểm c khoản 1 Điều 50; Điều 106; Khoản 3 Điều 113 của Luật đất đai năm 2003 và Điều 151 nghị định 181/2004/NĐ-CP, ngày 29/10/2014 của Chính phủ. Trong văn bản thỏa thuận chia tài sản do UBND xã T chứng thực không có sự đồng ý của anh K chị T thì đề nghị Tòa án có văn bản đến UBND xã T để được cung cấp thông tin chi tiết. Cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp GCNQSDĐ theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án các cấp.

-Tại phiên tòa nguyên đơn chị T đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của anh K trình bày: Hiện nay chị rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản của bà H để lại là sản lượng cà phê thu hoạch vụ mùa năm 2014 đến năm 2018. Ngoài ra, hiện nay chị và anh K thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện về việc yêu cầu chia di sản của bà H là diện tích đất 17.754,7m2 tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước, cụ thể hiện nay yêu cầu Tòa xác định di sản của bà H là ½ diện tích đất 17.754,7m2/2 =8.877,35m2, tài sản cây trồng trên đất và sản lượng điều từ thu được từ khi bà H chết. Xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản của bà H gồm:Trương Thị Bạch T, Trương Đình K, Nguyễn Thị T, Nguyễn Xuân T1 và ông Nguyễn Văn L yêu cầu Tòa án chia di sản này của bà H cho những người được hưởng thừa kế theo quy định pháp luật.

-Tại phiên tòa các đương sự không cung cấp tài liệu, chứng cứ gì thêm.

-Tại phiên tòa đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện Bù Đăng phát biểu ý kiến về vụ án như sau:

+ Về tố tụng: Việc thụ lý, giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã tuân theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

+ Về nội dung vụ án: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đương sự phải nộp án phí theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào lời khai của các đương sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết: chị Trương Thị Bạch T và anh Trương Đình K khởi kiện ông Nguyễn Văn L về việc yêu cầu xác định di sản thừa kế và chia thừa kế tài sản đối với tài sản là ½ quyền sử dụng diện tích đất 17.754,7m2 tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước do bà Phạm Thị H để lại. Căn cứ Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự, xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “Tranh chấp thừa kế tài sản”. Bị đơn ông Nguyễn Văn L có nơi cư trú tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước, căn cứ khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

[2] Về Tố tụng:

Tại phiên tòa nguyên đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định ½ diện tích đất 17.754,7m2 và tài sản trên đất là di sản của bà Phạm Thị H; Xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản của bà H gồm: Trương Thị Bạch T, Trương Đình K, Nguyễn Thị T, Nguyễn Xuân T1 và ông Nguyễn Văn L. Yêu cầu Tòa án chia di sản này của bà H cho những người được hưởng thừa kế theo quy định pháp luật. Xét thấy, việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu nên cần chấp nhận.

[3] Về nội dung:

[3.1] Về thời điểm mở thừa kế:

Căn cứ giấy chứng tử của UBND xã T, huyện B xác định bà Phạm Thị H chết ngày 05/9/2013. Như vậy,thời điểm mở thừa kế của bà H là ngày 05/9/2013.

[3.2] Về diện và hàng thừa kế:

Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày các đương sự trong vụ án xác định bà Phạm Thị H với ông Trương Văn L có hai người con chung là anh Trương Đình K và chị Trương Thị Bạch T. Đến ngày 12/4/1993 thì bà Phạm Thị H và ông Trương Văn L ly hôn theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn số 13/TTLH ngày 12/4/1993 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Lâm Đồng. Năm 1996 thì bà H chung sống với ông Nguyện Văn Lâm, có đăng ký kết hôn vào ngày 29/11/2005 tại UBND xã Lộc Sơn, huyện B, tỉnh Lâm Đồng, bà H và ông L có hai người con chung là Nguyễn Thị T và Nguyễn Xuân T1. Bà H không có con riêng.Cha mẹ của bà H là ông Phạm Văn T2 (đã chết ngày 08/7/2001) và bà Đinh Thị C (đã chết ngày 09/5/2001). Bà H chết không để lại di chúc. Căn cứ Điều 676 của Bộ luật dân sự năm 2005 xác định hàng thừa kế thứ nhất của bà H gồm: ông Nguyễn Văn L,anh Trương Đình K, chị Trương Thị Bạch T, chị Nguyễn Thị T và anh Nguyễn Xuân T1.

[3.3] Về yêu cầu chia di sản thừa kế của đương sự là quyền sử dụng đất của bà H để lại và tài sản trên đất:

Bà Phạm Thị H và ông Nguyễn Văn L chung sống có đăng ký kết hôn hợp theo quy định pháp luật, do đó xác định bà H và ông L là vợ chồng. Trong thời gian chung sống, tài sản chung của bà H và ông L là diện tích đất 17.754,7 m2 (đất nông nghiệp) thuộc thửa số 37, tờ bản đồ số 10 tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước, có GCNQSDĐ được UBND huyện Bù Đăng cấp ngày 21/6/2010 do bà Phạm Thị H và ông Nguyễn Văn L đứng tên và tài sản cây trồng trên đất (hiện nay là GCNQSDĐ số BN 376733, thửa đất số 37, tờ bản đồ số 10, UBND huyện Bù Đăng cấp ngày 30/6/2014 do ông Nguyễn Văn L đứng tên, và tài sản cây trồng trên đất ).

Năm 2013 thì bà H chết, xác định ½ tài sản chung của bà H với ông L là của bà H, cụ thể là diện tích đất 17.754,7m2: 2 = 8.877,35m2 và tài sản cây trồng trên đất tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước, có tứ cận: phía đông giáp đất bà Thuân, phía tây giáp đất ông L, phía nam giáp suối, phía bắc giáp đường là tài sản của bà H. ½ diện tích đất còn lại và tài sản trên đất của ông L, cụ thể là diện tích đất 8.877,35m2 có tứ cận: phía đông giáp phần đất bà H, phía tây giáp suối, phía nam giáp suối, phía bắc giáp đường. Sau khi bà H chết vào ngày 16/6/2014 thì ông Nguyễn Văn L và các anh chị Nguyễn Thị T, Nguyễn Xuân T1 đã lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế đối với tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với diện tích đất 17.754,7m2 thuộc thửa đất số 37, tờ bản đồ số 10 tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước với nội dung như sau: “... Tất cả chúng tôi đồng ý nhận di sản thừa kế của bà H để lại nhưng tôi Nguyễn Thị T- Nguyễn Xuân T1 thống nhất cho lại phần di sản thừa kế của mẹ chúng tôi là bà Phạm Thị H để ông Nguyễn Văn L quản lý, sở hữu và được coi như tài sản riêng của ông L, chúng tôi không liên quan đến tài sản nêu trên…”. Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế này được UBND xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước chứng thực, dựa trên văn bản phân chia tài sản thừa kế này ông L đã làm thủ tục sang tên GCNQSDĐ đối với diện tích đất 17.754,7m2 nêu trên và được UBND huyện Bù Đăng cấp GCNQSDĐ số BN 376733, thửa đất số 37, tờ bản đồ số 10, ký ngày 30/6/2014 do ông Nguyễn Văn L đứng tên. Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế ngày 16/6/2014 giữa ông L, chị T, anh T1 mà chưa được sự đồng ý của tất cả các đồng thừa kết, cụ thể là chị T và anh K là chưa đúng quy định pháp luật, chị T và anh T1 chỉ được quyền tặng cho phần tài sản là phần di sản của anh chị được hưởng từ bà H.

Tại văn bản lời khai của người đại diện hợp pháp của UBND xã T cho rằng ngày 16/5/2014 thì UBND xã T tiếp nhận văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế của ông L, trong hồ sơ, lý lịch lời khai khi làm hồ sơ do ông L cung cấp cho UBND xã không thể hiện hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật là bà Trương Thị Bạch T và ông Trương Đình K. Xét thấy, căn cứ vào sổ hộ khẩu số 100057967 do bà Phạm Thị H là chủ hộ và các thành viên trong hộ gia đình gồm: ông Nguyễn Văn L là chồng bà H, anh Trương Đình K, chị Trương Thị Bạch T, chị Nguyễn Thị Tương và anh Nguyễn Xuân T1 là con bà H, Bùi Thị Thanh Tâm là cháu bà H. Như vậy, trong sổ hộ khẩu của bà H đã thể hiện rõ anh Trương Đình K và chị Trương Thị Bạch T là con bà H nhưng UBND xã T không kiểm tra xác minh đầy đủ đã chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế ngày 16/6/2014 cho ông L, chị T, anh T1 mà không được sự đồng ý của chị T và anh K là không đúng quy định pháp luật, do đó yêu cầu của nguyên đơn đề nghị Tòa án tuyên văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế ngày 16/6/2014 là trái quy định pháp luật là có cơ sở cần chấp nhận. Chính vì vậy việc UBND huyện Bù Đăng cấp GCNQSDĐ số BN 376733, thửa số 37, tờ bản đồ số 10, diện tích 17.754,7m2 (đất nông nghiệp) tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước, cấp ngày 30/6/2014 do ông Nguyễn Văn L đứng tên là không đúng quy định pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng đã chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước để giải quyết theo thầm quyền vì thấy cần phải hủy quyết định cá biệt trái pháp luật, tuy nhiên tại công văn số 114/2019/CV-TDS, ngày 28/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xác định trong trường hợp này không cần thiết phải hủy GCNQSDĐ số BN 376733 thửa 37, tờ bản đồ số 10 ngày 30/6/2014 của UBND huyện Bù Đăng cấp cho ông Nguyễn Văn L vẫn giải quyết được vụ án, khi bản án có hiệu lực pháp luật, các đương sự được quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để đăng ký biến động theo khoản 4 Điều 95 của luật đất đai 2013 và chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng giải quyết vụ án theo quy định pháp luật. Vì vậy, cần đề nghị UBND huyện Bù Đăng thu hồi GCNQSDĐ này để thực hiện cấp GCNQSDĐ theo phần cho những người được hưởng thừa kế của bà H theo quy định pháp luật trong trường hợp họ có yêu cầu được chia di sản là hiện vật và được hội đồng xét xử chấp nhận.

Theo GCNQSDĐ số BA 265227, số vào sổ cấp GCNQSDĐ: CH 00150, UBND huyện Bù Đăng cấp ngày 21/6/2010 do bà Phạm Thị H và ông Nguyễn Văn L đứng tên và GCNQSDĐ số BN376733, số vào sổ cấp GCNQSDĐ: CH 01233, UBND huyện Bù Đăng cấp ngày 30/6/2014 do ông Nguyễn Văn L đứng tên có diện tích là 17.754,7m2 (đất nông nghiệp), trị giá theo biên bản định giá tài sản ngày 17/9/2019 đối với diện tích đất 17.754,7m2 và tài sản cây trồng trên đất tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước là 600.000.000đ/01hecta tức 600.000.000đ/10.000m2 x 17.754,7m2 =1.065.282.000đ.

Di sản của bà H là ½ tài sản có giá trị tài sản là 17.754,7m2:2=8.877,35m2 x 600.000.000đ/10.000m2 = 532.641.000đ.

Trong quá trình xem xét thẩm định tại chỗ cũng như tại phiên tòa nguyên đơn chị T và anh K yêu cầu được chia mỗi người một kỷ phần thừa kế của bà H là 16m theo chiều ngang mặt đường, chiều dài hết đất giáp suối vị trí về phía đông của thửa đất. Tại phiên tòa thì nguyên đơn chị T đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của anh K yêu cầu chia di sản thừa kế của bà H theo quy định pháp luật. Tại biên bản lời khai bị đơn ông Nguyễn Văn L đồng ý chia thừa kế cho chị T và anh K theo quy định của pháp luật nhưng với điều kiện chị T và anh K phải trả công và chi phí chăm sóc bà H bị bệnh trước khi chết, công sức ông quản lý chăm sóc vườn rẫy là di sản của bà H . Xét thấy, trong quá trình giải quyết vụ án thì Tòa án đã ban hành thông báo số 126/2018/TB-CCCC, ngày 17/5/2018 yêu cầu ông L cung cấp tài liệu chứng cứ về chi phí cứu chữa, chăm sóc bà H, bảo quản di sản bà H và tạo dựng tài sản trên đất, các tài liệu chứng cứ chứng minh về việc ông L vay vốn tại ngân hàng từ năm 2011 đến nay và thông báo số 56/2019/TB-TA ngày 22/4/2019 yêu cầu ông L làm đơn yêu cầu phản tố các nội dung này nhưng ông L không cung cấp tài liệu chứng cứ và cũng không không văn bản phản tố. Tuy nhiên, căn cứ theo án lệ số 05/2016 về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06/4/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao) thì việc ông L không đồng ý chia di sản thừa kế cho chị T và anh K là cao hơn yêu cầu về công sức và chi phí. Do đó khi di sản của bà H được chia theo pháp luật cần tính công sức, chi phí chăm sóc nuôi dưỡng người để lại di sản và công sức quản lý, giữ gìn di sản cho ông L.

Về cách tính công sức chi phí cho ông L, các đương sự đều xác nhận khi bà H còn sống thì bà H sống chung với ông L. Trước khi chết bà H bị bệnh thì ông L là người chăm sóc và chi phí điều trị cho bà H. Tuy nhiên chứng cứ cụ thể để xác định công sức chi phí bao nhiêu thì ông L không cung cấp được. Do đó, cũng cần tính chung một khoản chi phí hợp lý cho ông L về công sức, chi phí nuôi dưỡng bà H trước khi chia thừa kế.

Về công sức quản lý di sản: Tại phiên tòa các đương sự đều thống nhất khi còn sống thì bà H sống chung với ông L, sau khi bà H chết từ năm 2013 đến nay thì ông L là người có công sức quản lý tôn tạo giữ gìn, nâng cao giá trị đất như hiện nay, các đương sự không thỏa thuận được về tính công sức cho người quan lý di sản cũng không có chứng cứ chứng minh về mực cụ thể. Căn cứ quy định của bộ luật dân sự, cần áp dụng quy định pháp luật để tính công sức, chi phí hợp lý cho người quản lý di sản. Ngoài ra ông L còn đang thờ cúng bà H nên cũng cần xem xét để trích cho ông một phần trước khi chia thừa kế. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho ông L cần tính cho ông L công sức, chi phí đã nuôi dưỡng người để lại di sản; công sức, chi phí quản lý, tôn tạo, giữ gìn di sản, chi phí thờ cúng tương đương một kỷ phần thửa kế trước khi chia thừa kế.

Đối với việc ông L trình bày ông và bà H có nợ ngân hàng Sacombank số tiền 100.000.000đ là nợ chung của ông với bà H, tại biên bản lời khai ông L trình bày: ông và bà H vay ngân hàng là để chăm sóc vườn rẫy, chuyển đổi cây trồng, múc ao, nay ông yêu cầu chị T anh K phải trả khoản nợ này cho ông. Xét thấy, như phân tích nêu trên thì số tiền này đã tính chung trong công sức quản lý, chăm sóc, tôn tạo làm tăng giá trị tài sản… đã tính chung các chi phí chia cho ông L tương đương 01 kỷ phần thừa kế, do đó không chấp nhận đối với yêu cầu này của ông L.

Tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ ngày 21/10/2019, ông L cho rằng ông và bà H có nợ các ông, bà: L1, T4, Y, N, T5, X, T6, tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp cận công khai chứng cứ thì ông L hẹn trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hôm nay (tức kể từ ngày 21/10/2019) sẽ cung cấp đầy đủ họ tên, địa chỉ các ông bà mà ông và bà H vay tiền, tuy nhiên đến nay ông L vẫn không cung cấp được. Do đó HĐXX không xem xét.

Di sản của bà H là ½ diện tích đất 17.754,7m2 (đất nông nghiệp) là 8.877,35m2 có tứ cận: phía đông giáp bà Thuân, tây giáp đất ông L, nam giáp suối, bắc giáp đường, trị giá là 532.641.000đ. Bà H chết không để lại di chúc nên di sản của bà H được chia theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của bà H gồm 05 người (ông L, chị T, anh K, chị T, anh T1), di sản được chia làm 05 kỷ phần và trước khi chia thì trích 01 kỷ phần tính cho ông L công sức, chi phí đã nuôi dưỡng người để lại di sản; công sức, chi phí quản lý, tôn tạo, giữ gìn di sản, chi phí thờ cúng bà H là 1/6 x diện tích đất và tài sản cây trồng trên đất 8.877,35m2 = 1.479,55m2 . Còn lại, di sản của bà H được chia làm 05 kỷ phần cho 05 người gồm ông L, chị T, anh K, chị T, anh T1. Cụ thể mỗi người được hưởng 01 kỷ phần tương đương diện tích đất (8.877,35m2 - 1.479,55m2) : 5 = 1.479,55m2, trị giá mỗi kỷ phần là 1.479,55m2 x 600.000.000đ/10.000m2 = 88.773.500đ.

Đối với các nguyên đơn chị T và anh K đều có nguyện vọng được nhận di sản thừa kế bằng hiện vật và có nhu cầu sử dụng đất, vì vậy cần chia di sản thừa kế bằng hiện vật là diện tích đất và tài sản cây trồng trên đất cho các nguyên đơn anh K và chị T là phù hợp. Cụ thể: Chia cho chị T diện tích đất 1.479,55m2 về phía đông giáp bà Thuân (được ghi chú là thửa số 04, có vị trí, hệ tọa độ theo sơ đồ đo vẽ kèm theo) và tài sản cây trồng trên đất; Chia cho anh K diện tích đất 1.479,55m2 và toàn bộ cây trồng trên đất, vị trí giáp với diện tích đất chị T được chia (được ghi chú là thửa số 03, có vị trí, hệ tọa độ theo sơ đồ đo vẽ kèm theo).

Đối với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị T và anh T1 đồng ý nhận phần di sản thừa kế của mình bằng hiện vật nhưng cho lại ông L sở hữu, sử dụng.

Như vậy, cần chia cho anh T1 và chị T mỗi người được hưởng 01 kỷ phần thừa kế của bà H cụ thể mỗi người được hưởng diện tích đất là 1.479,55m2 và tài sản cây trồng trên đất, trị giá là 88.773.500đ, cụ thể chia cho chị T diện tích đất 1.479,55m2 và toàn bộ cây trồng trên đất, có vị trí phía đông giáp diện tích đất được ghi chú là thửa số 03 (diện tích đất anh K được chia), chia cho anh T1 diện tích đất 1.479,55m2 và tài sản cây trồng trên đất có vị trí phía đông giáp diện tích đất chị T được chia (có sơ đồ đo vẽ kèm theo).

Ông L được chia công sức, chi phí đã nuôi dưỡng người để lại di sản bà H; công sức, chi phí quản lý, tôn tạo, giữ gìn di sản, chi phí thờ cúng bà H tương đương 01 kỷ phần thừa kế là diện tích đất 1.479,55m2 và toàn bộ cây trồng trên đất, vị trí về phía tây giáp với đất ông L. Ngoài ra, ông L được chia 01 kỷ phần thừa kế của bà H là diện tích 1.479,55m2 và toàn bộ cây trồng trên đất, vị trí tiếp giáp với diện tích đất ông được hưởng về công sức công sức, chi phí đã nuôi dưỡng người để lại di sản bà H; công sức, chi phí quản lý, tôn tạo, giữ gìn di sản, chi phí thờ cúng bà H nêu trên.

Đương sự có quyền liên hệ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đất được chia theo quy định pháp luật.

[4] Đối với yêu cầu khởi kiện bổ sung ngày 07/5/2018 của nguyên đơn chị T là yêu cầu ông L phải chia di sản thừa kế của bà H cho chị và anh K mỗi người được hưởng là hoa lợi thu hoạch được từ cây điều và cây cà phê trên diện tích đất di sản của bà H 17.754,7m2 nêu trên từ vụ mùa năm 2014 đến năm 2018 là 442.000.000đ : 2 = 221.000.000đ : 5 = 44.200.000đ. Tại phiên tòa thì chị T đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của anh K rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với yêu cầu chia di sản của bà H là hoa lợi thu hoạch được từ cây cà phê vụ mùa từ năm 2014 cho đến nay. Chị chỉ yêu cầu giải quyết chia di sản thừa kế của bà H là hoa lợi thu hoạch từ cây điều tính theo quy định phápluật.

Bị đơn ông L và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị T và anh T1 không đồng ý yêu cầu này của chị T anh K, vì cho rằng chị T anh K không có công sức gì chăm sóc cây trồng trên diện tích đất này.

Xét thấy, hoa lợi phát sinh từ di sản thừa kế cũng được coi là di sản thừa kế.

Căn cứ biên bản xác minh ngày 16/8/2019 của UBND xã T xác định:

Niên vụ 2013-2014 thì năng suất, trị giá thu hoạch điều trên địa bàn xã T trung bình là: 14,57 tạ/ha tức 1.457 kg/ha x giá trung bình là 26.000đ/kg = 37.882.000đ/ha tức 37.882.000/10.000m2 x 17.754,7m2 = 67.258.354đ trừ đi chi phí đầu tư trung bình trong năm là 12.000.000đ/ha x 17.754,7m2 = 21.305.000đ . Như vậy, trị giá thu hoạch còn lại là 45.953.354đ.

Niên vụ 2014-2015 thì năng suất, trị giá thu hoạch điều trên địa bàn xã T trung bình là: 13,83tạ/ha tức 1.383 kg/ha x giá trung bình là 32.000đ/kg = 44.256.000đ/ha tức 44.256.000/10.000m2 x 17.754,7m2 = 78.572.200đ trừ đi chi phí đầu tư trung bình trong năm là 12.000.000đ/ha x 17.754,7m2 = 21.305.000đ.

Như vậy, trị giá thu hoạch còn lại là 57.267.200đ.

Niên vụ 2015-2016 thì năng suất, trị giá thu hoạch điều trên địa bàn xã T trung bình là: 10,41tạ/ha tức 1.041kg/ha x giá trung bình là 32.000đ/kg = 33.312.000đ/ha tức 33.312.000/10.000m2 x 17.754,7m2 = 59.144.456đ trừ đi chi phí đầu tư trung bình trong năm là 12.000.000đ/ha x 17.754,7m2= 21.305.000đ Như vậy, trị giá thu hoạch còn lại là 37.839.456đ Niên vụ 2016-2017 thì năng suất, trị giá thu hoạch điều trên địa bàn xã T trung bình là: 5,83tạ/ha tức 583kg/ha x giá trung bình là 29.000đ/kg = 16.907.000đ/ha tức 16.907.000đ/10.000m2 x 17.754,7m2 = 30.017.871đ trừ đi chi phí đầu tư trung bình trong năm là 12.000.000đ/ha x 17.754,7m2= 21.305.000đ Như vậy, trị giá thu hoạch còn lại là 8.712.871đ;

Niên vụ 2017-2018 thì năng suất, trị giá thu hoạch điều trên địa bàn xã T trung bình là: 8,2tạ/ha tức 820kg/ha x giá trung bình là 26.000đ/kg = 21.320.000đ/ha tức 21.320.000đđ/10.000m2 x 17.754,7m2 = 37.853.020đ trừ đi chi phí đầu tư trung bình trong năm là .000.000đ/ha x 17.754,7m2= 21.305.000đ. Như vậy, trị giá thu hoạch còn lại là 16.548.020đ Tổng giá trị sản lượng điều thu hoạch vụ mùa 2014 đến 2018 trên diện tích đất 17.754,7m2 là: 45.953.354đ +57.267.200đ. +37.839.456đ + 8.712.871đ +16.548.020đ = 166.320.901đ.

Như vậy, giá trị hoa lợi thu được từ cây điều là di sản của bà H là ½ trong khối tài sản chung với ông L, cụ thể là: 166.320.901đ : 2 = 83.160.450đ. Các đương sự đều thống nhất là từ khi bà H chết đến nay ông L là người chăm sóc, thu hoạch hoa lợi trên diện tích đất này, ông L là người quản lý số tiền thu hoa lợi trên đất, vì vậy như phân tích nêu trên thì di sản của bà H trước khi chia cần trích cho ông L tương đương 01 kỷ phần về các chi phí nêu trên, do đó hoa lợi thu hoạch được từ cây điều từ vụ mùa năm 2014 đến năm 2018 cần chia 01 kỷ phần về các chi phí cho ông L là 1/6 x 83.160.450đ = 13.860.075đ. Số tiền thu hoa lợi còn lại từ cây điều chia cho 05 kỷ phần cho những người thừa kế của bà H là ông L, các anh chị: Tuyết, Khánh, Tươi, Trường, mỗi người một kỷ phần thừa kế hoa lợi thu được từ cây điều là (83.160.450đ - 13.860.075đ) : 5 = 13.860.075đ. Ông L có nghĩa vụ trả cho các anh chị T, Khánh, Tươi, Trường mỗi người số tiền thu hoa lợi từ cây điều là 13.860.075đ.

Đối với việc nguyên đơn chị T rút yêu cầu chia di sản thừa kế là hoa lợi thu hoạch từ cây cà phê là tự nguyện nên cần chấp nhận, cần đình chỉ yêu cầu này của chị T. Đương sự có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu đã rút theo quy định của pháp luật.

Từ những phân tích nêu trên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị T là có căn cứ nên cần chấp nhận.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án thì Tòa án có đưa người tham gia tố tụng là ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn thương tín (Sacom bank) vớ tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Tuy nhiên qua xem xét các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, biên bản xác minh ngày 29/8/2019 phía ngân hàng xác định vào ngày 06/6/2017 thì ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín có ký hợp đồng tín dung cho ông Nguyễn Văn L vay tiền, tuy nhiên hiện nay ông L đã giải chấp, ngân hàng không nhận thế chấp tài sản nào từ ông L, ngân hàng không liên quan, không yêu cầu gì trong vụ án này. Do đó, không xác định ngân hàng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

[5]Về chi phí xem xét thẩm định tại chổ, định giá tài sản là 1.500.000đ và chi phí đo vẽ sơ đồ diện tích đất, tài sản trên đất là 6.006.000đ. Nguyên đơn chị T đã nộp và yêu cầu giải quyết theo quy định pháp luật. Do đó, cần buộc các đương sự phải chịu tương ứng tỷ lệ giá trị phần di sản được hưởng. Nguyên đơn chị T đã nộp tạm ứng chi phí nên các đương sự khác phải có nghĩa vụ trả lại cho chị T là phù hợp. Cụ thể: 1.500.000đ + 6.006.000đ = 7.506.000đ : 6= 1.251.000đ. Buộc ông L phải trả lại cho chị T số tiền 1.251.000đ x 2 =2.502.000đ; Buộc anh K, chị T và anh T1 mỗi người phải trả lại cho chị T số tiền 1.251.000đ.

[6] Về án phí: Các đương sự phải nộp án phí theo luật định.

Quan điểm của đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện Bù Đăng tại phiên tòa là đúng với quy định của pháp luật và phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các Điều 26; 147; 157; 165 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

Căn cứ các Điều 633; 634,635,670, 674; 676,683, 685 của Bộ luật Dân sự năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Trương Thị Bạch T và anh Trương Đình K.

1. Xác định diện tích đất 17.754,7m2 (đất nông ngiệp) và tài sản trên đất là tài sản chung của ông L bà H. Xác định di sản của bà H là ½ diện tích đất 17.754,7 (đất nông nghiệp, tọa lạc tại thôn Sơn H, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước, có GCNQSDĐ số BN376733, số vào sổ cấp GCNQSDĐ: CH 01233, UBND huyện Bù Đăng cấp ngày 30/6/2014 do ông Nguyễn Văn L đứng tên.Trị giá tài sản của ông L và tài sản di sản của bà H mỗi người là 17.754,7m2:2=8.877,35m2 x 600.000.000đ/10.000m2 = 532.641.000đ. Cụ thể, di sản của bà H để lại là diện tích đất 8.877,35m2 (đất nông nghiệp) và toàn bộ cây trồng trên đất, có tứ cận phía đông giáp đất bà Thuân, phía tây giáp đất ông L, phía nam giáp suối, phía bắc giáp đường (Đất có sơ đồ đo vẽ kèm theo).

2. Ông Nguyễn Văn L được hưởng công sức, chi phí đã nuôi dưỡng người để lại di sản; công sức, chi phí quản lý, tôn tạo, giữ gìn di sản, chi phí thờ cúng bà H tương đương một kỷ phần thừa kế, tương đương diện tích đất 1/6 x 8.877,35m2 = 1.479,55m2 và tài sản cây trồng trên đất, có tứ cận: phía đông giáp đất bà H, phía tây giáp suối, phía nam giáp suối, phía bắc giáp đường (có sơ đồ đo vẽ kèm theo), trị giá là 88.773.500đ.

3. Xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản của bà H gồm: ông Nguyễn Văn L, chị Trương Thị Bạch T,anh Trương Đình K, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Xuân T1.

4. Chị Trương Thị Bạch T được hưởng 01 kỷ phần thừa kế là diện tích đất 1.479,55m2 (đất nông nghiệp) và tài sản cây trồng trên đất, vị trí đất về phía đông giáp bà Thuân (đất được ghi chú trên sơ đồ là thửa đất số 04, vị trí, hệ tọa độ có sơ đồ đo vẽ kèm theo), trị giá 88.773.500đ.

5. Anh Trương Đình K được hưởng 01 kỷ phần thừa kế là diện tích đất 1.479,55m2 (đất nông nghiệp) và tài sản cây trồng trên đất, vị trí phía đông giáp đất chị T được chia(đất được ghi chú trên sơ đồ là thửa đất số 03, vị trí, hệ tọa độ có sơ đồ đo vẽ kèm theo), trị giá 88.773.500đ.

6. Chị Nguyễn Thị T được hưởng diện tích đất 1.479,55m2 và toàn bộ cây trồng trên đất, có vị trí phía đông giáp diện tích đất (diện tích đất anh K được chia – được ghi chú trên sơ đồ là thửa số 03). Trị giá 88.773.500đ.

7. Anh Nguyễn XuânTrường được hưởng diện tích đất 1.479,55m2 và tài sản cây trồng trên đất có vị trí phía đông giáp diện tích đất chị T được chia (có sơ đồ đo vẽ kèm theo). Trị giá 88.773.500đ.

8. Ông Nguyễn Văn L được hưởng diện tích đất 1.479,55m2 và toàn bộ cây trồng trên đất, có vị trí phía đông giáp diện tích đất anh T1 được chia, phía tây giáp diện tích đất ông L được hưởng chi phí về công sức, chi phí đã nuôi dưỡng người để lại di sản; công sức, chi phí quản lý, tôn tạo, giữ gìn di sản, chi phí thờ cúng bà H (có sơ đồ đo vẽ kèm theo). Trị giá 88.773.500đ.

Kiến nghị UBND huyện Bù Đăng thu hồi GCNQSDĐ số BN376733, số vào sổ cấp GCNQSDĐ: CH 01233, UBND huyện Bù Đăng cấp ngày 30/6/2014 do ông Nguyễn Văn L đứng tên.

Các đương sự có quyền liên hệ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đất và tài sản trên đất được chia thừa kế theo quy định pháp luật.

9. Ông Nguyễn Văn L có nghĩa vụ trả cho các anh chị: Tuyết, Khánh, Tươi, Trường mỗi người số tiền thu hoa lợi từ cây điều là 13.860.075đ.

10. Đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện bổ sung của chị T yêu cầu chia di sản thừa kế của bà H là hoa lợi thu hoạch từ cây cà phê. Đương sự có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu đã rút theo quy định của pháp luật.

11. Về chi phí xem xét thẩm định tại chổ, định giá tài sản chi phí đo vẽ sơ đồ diện tích đất, tài sản trên đất: Buộc ông L phải trả lại cho chị T số tiền 2.502.000đ; Buộc anh K, chị T và anh T1 mỗi người phải trả lại cho chị T số tiền 1.251.000đ.

12. Về án phí: Buộc chị T phải nộp án phí DSST là 5.131.678đ, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí mà chị đã nộp là 5.750.000đ theo biên lai thu tiền số 0021422, ngày 24/7/2017 và 1.105.000đ theo Biên lai thu tiền số 0021984, ngày 07/5/2018 của chi cục thi hành án dân sự huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Chi cục thi hành án dân sự huyện Bù Đăng hoàn trả lại cho chị T số tiền là (5.750.000đ +1.105.000đ) - 5.131.678đ = 1.723.322đ.

Buộc anh K phải nộp án phí DSST là 5.131.678đ, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí mà anh đã nộp là 5.750.000đ theo Biên lai thu tiền số 0021421, ngày 24/7/2017 của chi cục thi hành án dân sự huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Chi cục thi hành án dân sự huyện Bù Đăng hoàn trả lại cho anh K số tiền là 5.750.000đ - 5.131.678đ = 618.322đ.

Buộc chị T, anh T1 mỗi người phải nộp số tiền án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với giá trị tài sản được chia là 5.131.678đ.

Ông Nguyễn Văn L là người cao tuổi nên được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lăi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lăi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các đương sự có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt tại phiên tòa thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

327
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 56/2019/DS-ST ngày 26/11/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:56/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bù Đăng - Bình Phước
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về