Bản án 53/2020/HS-ST ngày 28/04/2020 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN Đ, TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 53/2020/HS-ST NGÀY 28/04/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày 28 tháng 4 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đ tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 42/2020/TLST-HS ngày 13 tháng 3 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 142/2020/QĐXXST-HS ngày 23 tháng 3 năm 2020 đối với bị cáo:

Họ và tên: Phạm Thị L, sinh năm 1985; nơi sinh: tỉnh Lâm Đồng; nơi ĐKNKTT: Thôn C, xã N, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Thiên chúa; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Phạm Minh Đ, sinh năm 1965, con bà: Nguyễn Thị N sinh năm 1965; Gia đình có 02 chị em, lớn nhất là bị cáo, nhỏ sinh năm 1987; Chồng: Hoàng Văn T, sinh năm 1982; con: 01 con sinh năm 2016; Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam, hiện đang được tại ngoại. Có mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 04/10/2019, Công an huyện Đ nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc hộ kinh doanh Phạm Minh Đ tại Số 34, thôn C, xã N, huyện Đ có dấu hiệu mua bán, tàng trữ động vật hoang dã trái pháp luật. Vào lúc 15 giờ 30 phút cùng ngày, tổ công tác của Công an huyện Đ đã đến hộ kinh doanh Phạm Minh Đ, khi thấy tổ kiểm tra đến có 02 đối tượng đã bỏ chạy (Không rõ nhân thân lai lịch) và để lại 02 cá thể động vật hoang dã trước sân nhà. Lúc này Phạm Thị L vừa đi làm rẫy về và có ông Phạm Minh Đ (là bố ruột của L) có mặt ở đó. L và ông Đ chưa trao đổi thông tin gì với 02 người đồng bào thì lực lượng Công an đến. Khi lực lượng công an đến 02 người đồng bào lên xe máy bỏ chạy và bỏ lại 02 cá thể Voọc chà vá chân đen trước sân nhà. Giữa L và ông Đ không biết hai người đồng bào nói trên là ai, chưa gặp bao giờ và không nhớ đặc điểm, biển kiểm soát của xe gắn máy mà hai người đồng bào đã điều khiển. L và ông Đ khẳng định chưa nói gì với hai người đồng bào đã hỏi bán 02 cá thể Voọc chà vá chân đen nói trên và không có ý định mua 02 cá thể này. Tổ công tác Cơ quan điều tra Công an huyện Đ đã tiến hành kiểm tra tại tủ lạnh đặt ở trong bếp phát hiện 05 cá thể động vật hoang dã. Mục đích số động vật này L dùng để nấu cao. Công an huyện Đ đã tiến hành lập biên bản kiểm tra, tạm giữ 07 cá thể nói trên và tiến hành lấy mẫu vật phục vụ công tác giám định.

Căn cứ kết luận giám định số 928/STTNVS ngày 01/11/2019 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, xác định 02 (hai) cá thể động vật trước sân nhà là loài Voọc chà vá chân đen có tên khoa học Pygathrix nigripes có tên trong Phụ lục I, danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/07/2019 của Chính phủ) và có tên trong Nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính Phủ).

Đối với 05 (năm) cá thể cất giữ trong tủ lạnh có 01 cá thể là loài Voọc chà vá chân đen có tên khoa học Pygathrix nigripes có tên trong Phụ lục I, danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/07/2019 của Chính phủ) và có tên trong Nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính Phủ).

(BL24). Như vậy, Phạm Thị L đã có hành vi tàng trữ trái phép 01 cá thể động vật là loài Voọc chà vá chân đen thuộc nhóm IB, danh mục loài động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Còn lại 04 cá thể là loài Khỉ đuôi lợn có tên khoa học Macaca leonina có tên trong Nhóm IIB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính Phủ) là do bị cáo L mua và tàng trữ trái phép xảy ra cùng thời điểm với 01 cá thể Vọoc chà vá chân đen nói trên. Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 234 Bộ luật hình sự năm 2015, hành vi tàng trữ trái phép cơ thể động vật thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì xem xét xử lý hình sự. Theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp thì phải căn cứ giá trị của tang vật mới xác định được khung xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tàng trữ trái phép cơ thể động vật thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB. Tuy nhiên, căn cứ Văn bản số 01/HĐĐGTTHS ngày 02/01/2020 của Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự xác định không có cơ sở để xác định giá trị Khỉ đuôi lợn do đây là động vật quý hiếm nên không buôn bán trên thị trường. Do vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đ xét thấy không có cơ sở xem xét xử lý đối với hành vi tàng trữ trái phép 04 cá thể Khỉ đuôi lợn đối với Phạm Thị L.

Về vật chứng vụ án là 07 cá thể động vật gồm: 03 cá thể là loài Voọc chà vá chân đen và 04 cá thể là loài Khỉ đuôi lợn. Toàn bộ vật chứng nói trên đã tiến hành tiêu hủy theo quyết định xử lý vật chứng số 24/CSĐT ngày11/02/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đ.

Quá trình điều tra bị cáo Phạm Thị L đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và trong thời gian phạm tội bị cáo Phạm Thị L đang mang thai.

Tại bản cáo trạng số 50/CT - VKS ngày 03 tháng 3 năm 2020 Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ đã truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Đ để xét xử bị cáo Phạm Thị L về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ thực hành quyền công tố vẫn giữ nguyên Cáo trạng truy tố bị cáo Phạm Thị L và đề nghị áp dụng điểm b khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Phạm Thị L từ 12 tháng đến 18 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 24 tháng đến 36 tháng.

Tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét về hoạt động điều tra, truy tố của điều tra viên, kiểm sát viên thì thấy rằng trong quá trình điều tra, truy tố, điều tra viên, kiểm sát viên đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, không ai có ý kiến thắc mắc hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của những người tiến hành tố tụng. Như vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật

[2] Tại phiên tòa bị cáo Phạm Thị L đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai tại Cơ quan điều tra, Cáo trạng Viện kiểm sát đã truy tố và các chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở khẳng định: Vào ngày 04/10/2019 Công an huyện Đ tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh của ông Phạm Văn Đ tại số 34 thôn C, xã N, huyện Đ. Quá trình kiểm tra phát hiện 02 cá thể Voọc chà vá chân đen tại sân nhà ông Đ của hai đối tượng không rõ nhân thân lai lịch mang đến sân nhà ông Đ, khi thấy lực lượng công an đã bỏ chạy và để lại. Ngoài ra, quá trình kiểm tra phát hiện trong tủ lạnh đặt trong bếp có 05 cá thể động vật hoang dã gồm: 01 cá thể là loài Voọc chà vá chân đen và 04 cá thể Khỉ đuôi lợn là của bị cáo Phạm Thị L mua về để nấu cao. Quá trình điều tra xác định đối với hai cá thể Voọc chà vá chân đen của hai đối tượng không rõ nhân thân lai lịch để lại ông Đ và bị cáo L không thừa nhận có ý định thu mua nên không có căn cứ xử lý. Tại kết luận giám định số 928/STTNVS ngày 01/11/2019 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật xác định: Đối với 01 cá thể Voọc chà vá chân đen thu giữ trong tủ lạnh có tên khoa học Pygathrix nigripes có tên trong Phụ lục I, danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và 04 cá thể Khỉ đuôi lợn có tên khoa học Macaca leonina có tên trong Nhóm IIB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Như vậy, Phạm Thị L đã có hành vi tàng trữ trái phép 01 cá thể động vật là loài Voọc chà vá chân đen là loài động vật thuộc nhóm IB, danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nên hành vi của bị cáo Phạm Thị L đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, tội phạm và hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015.

[3] Xét tính chất mức độ và hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm, bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, bị cáo nhận thức rõ không được phép tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các loại động vật rừng, nhưng bị cáo vẫn bất chấp quy định của pháp luật đã tàng trữ 01 cá thể Voọc chà vá chân đen, đây là động vật nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng được Nhà nước bảo vệ nhưng bị cáo vẫn cố tình thực hiện hành vi tàng trữ trái pháp luật, thể hiện sự coi thường pháp luật, hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến sự bền vững và ổn định của môi trường sinh thái tự nhiên và xâm phạm đến hoạt động quản lý môi trường của Nhà nước. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy cần có một bản án tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo mới thoả đáng.

[4] Về nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự nên bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo là lao động chính trong gia đình, con còn bé và đang đau ốm. Sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và trong thời gian phạm tội bị cáo có thai nên cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s, n khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cho bị cáo khi lượng hình.

[5] Từ những phân tích nhận định trên, xét thấy không cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian và điều kiện kinh tế gia đình bị cáo đảm bảo để thi hành án nên chỉ cần áp dụng Điều 35 Bộ luật Hình sự xử phạt hình phạt tiền là hình phạt chính cũng đủ tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, đồng thời thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Do bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên cần áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự để xem xét khi áp dụng hình phạt là phù hợp.

[6] Về xử lý vật chứng: Đối với 07 cá thể động vật gồm: 03 cá thể là loài Voọc chà vá chân đen và 04 cá thể là loài Khỉ đuôi lợn. Toàn bộ vật chứng nói trên đã tiến hành tiêu hủy theo quyết định xử lý vật chứng số 24/CSĐT ngày 11/02/2020 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đ nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[7] Đối với hành vi tàng trữ 04 cá thể Khỉ đuôi lợn đây là loại động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm có tên khoa học Macaca leonina có tên trong Nhóm IIB. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi tàng trữ trái phép cơ thể động vật thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì xem xét xử lý hình sự. Theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp thì phải căn cứ giá trị của tang vật mới xác định được khung xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tàng trữ trái phép cơ thể động vật thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB. Tuy nhiên, căn cứ Văn bản số 01/HĐĐGTTHS ngày 02/01/2020 của Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự xác định không có cơ sở để xác định giá trị Khỉ đuôi lợn do đây là động vật quý hiếm nên không buôn bán trên thị trường nên không có căn cứ để xử lý bị cáo L đối với hành vi tàng trữ 04 cá thể khỉ đuôi lợn này.

[8] Đối với hai đối tượng đã bỏ chạy và để lại hai cá thể Voọc chà vá chân đen tại sân nhà ông Đ do chưa xác định được nhân thân lai lịch nên đề nghị cơ quan điều tra công an huyện Đ tiếp tục xác minh khi có căn cứ sẽ xử lý sau.

[9] Về án phí: Buộc bị cáo phải chịu án 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Phạm Thị L phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

- Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 244; Điều 35; điểm n, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xử phạt: Bị cáo Phạm Thị L số tiền 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng).

2. Về án phí: Áp dụng Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án. Buộc bị cáo Phạm Thị L phải nộp 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án bị cáo có quyền kháng cáo để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

333
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 53/2020/HS-ST ngày 28/04/2020 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

Số hiệu:53/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đức Trọng - Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/04/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về