TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
BẢN ÁN 53/2018/HS-PT NGÀY 22/08/2018 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN
Ngày 22 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 47/2018/TLPT-HS ngày 09 tháng 7 năm 2018 đối với bị cáo Nguyễn Văn T do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 31/2018/HS-ST ngày 31 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bến Tre.
Bị cáo có kháng cáo: Nguyễn Văn T, sinh năm 1949 tại Bến Tre; nơi cư trú: ấp P, xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre; nghề nghiệp: làm vườn; trình độ văn hóa: 3/12; dân tộc: kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn D và bà Huỳnh Thị S (chết); vợ Nguyễn Thị T (chết); có 07 người con, lớn nhất sinh năm 1969, nhỏ nhất sinh năm 1986; tiền án: không; tiền sự: không; nhân thân: tại Bản án hình sự số 65/HSST ngày 30/7/1996 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã xử phạt 05 năm tù về “Tội trộm cắp tài sản của công dân”; tại Bản án hình sự số 09/HSST ngày 24/01/2002 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã xử phạt 06 năm tù về “Tội trộm cắp tài sản”; tại Bản án số 62/2008/HSST ngày 16/6/2008 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bến Tre đã xử phạt 02 năm 06 tháng tù về “Tội trộm cắp tài sản”; bị cáo tại ngoại (có mặt).
Người bào chữa cho bị cáo: Ông Luật sư Nguyễn Văn T - Văn phòng Luật sư Nguyễn Văn T thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Để có tiền tiêu xài cá nhân, từ ngày 28/10/2017 đến ngày 31/10/2017, Nguyễn Văn T đã hai lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người khác, cụ thể như sau:
Vụ thứ nhất: vào khoảng 06 giờ 30 phút ngày 28/10/2017, T thuê xe ôm đến khu vực chợ thuộc ấp A, xã B rồi vào quán cà phê gần chợ ngồi quan sát. Đến khoảng 06 giờ 55 phút, T thấy chị Nguyễn Kim Th điều khiển xe đạp điện hiệu ASAMA đến gần quán cà phê, rút chìa khóa để xe bên ngoài đi vào chợ. T liền đến điều khiển xe đạp điện về hướng xã B 01 đoạn gặp 01 người nam và bán xe đạp điện cho người này được 1.800.000 đồng.
Vụ thứ hai: vào khoảng 07 giờ ngày 31/10/2017, T thuê xe ôm đến chợ B thuộc ấp C, xã B rồi vào quán cà phê gần chợ ngồi quan sát. Đến khoảng 01 giờ 30 phút, T thấy chị Lê Thị Thanh M điều khiển xe đạp điện hiệu VIETNHAT đến gần quán cà phê, rút chìa khóa để xe bên ngoài đi vào chợ. T liền đến điều khiển xe đạp điện về hướng ĐT 884, đi được khoảng 10m thì bị người dân bắt giữ.
Vật chứng thu giữ: 01 xe đạp điện hiệu VIETNHAT. Đồ vật tạm giữ của Nguyễn Văn T gồm: 01 mũ bảo hiểm màu xanh, 01 nón kết màu nâu, 01 đôi dép mủ màu đen, 01 quần kaki màu xám, 01 áo sơ mi màu xanh.
Tại bản kết luận định giá tài sản số 1013 và 1017/KS-HĐĐG ngày 27/11/2017 của Hội đồng định giá huyện C xác định: 01 xe đạp điện hiệu VIETNHAT màu đen có giá trị là 4.800.000 đồng; 01 xe đạp điện hiệu ASAMA màu đỏ có giá trị là 5.500.000 đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 31/2018/HS-ST ngày 31-5-2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bến Tre đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn T phạm “Tội trộm cắp tài sản”; Áp dụng khoản 1 Điều 138; các điểm b, g, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 33 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 09 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về phần án phí và quyền kháng cáo.
Ngày 12/6/2018, bị cáo Nguyễn Văn T kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm cho bị cáo được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đề nghị: căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015: không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 09 tháng tù về “Tội trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 138; điểm b, g, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Người bào chữa cho bị cáo thống nhất tội danh, điều khoản mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo. Tuy nhiên, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét cho bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ người phạm tội là người già theo điểm m khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999; đồng thời hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn, là lao động chính trong gia đình, trực tiếp nuôi dưỡng cháu nội đang đi học không người chăm sóc nên đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo.
Bị cáo phát biểu ý kiến xin Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo để tự cải tạo sửa chữa bản thân và nuôi dưỡng cháu nội.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào hành vi của bị cáo Nguyễn Văn T lén lút chiếm đoạt 01 xe đạp điện hiệu ASAMA của chị Nguyễn Kim Th giá trị sử dụng còn lại là 5.500.000 đồng và 01 xe đạp điện hiệu VIETNHAT của chị Lê Thị Thanh M giá trị sử dụng còn lại là 4.800.000 đồng. Tổng giá trị tài sản bị cáo chiếm đoạt là 10.300.000 đồng. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết bị cáo phạm “Tội trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm cho thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã kết án đối với bị cáo T là đúng quy định pháp luật, không oan, sai.
[2] Xét kháng cáo của bị cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm cho bị cáo được hưởng án treo, thấy rằng: Tòa án cấp sơ thẩm đã cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng theo các điểm b, g, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử phạt bị cáo 09 tháng tù là thỏa đáng, đúng quy định pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới. Đồng thời qua xem xét quá trình hoạt động của bản thân cho thấy bị cáo có nhân thân xấu, đã nhiều lần bị Tòa án kết án về tội trộm cắp tài sản nhưng không chịu cải sửa bản thân mà tiếp tục phạm tội trộm cắp tài sản.
Điều đó đã minh chứng rằng bị cáo là người khó cải tạo giáo dục nên cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội trong khoản thời gian nhất định để giáo dục riêng và phòng ngừa chung trước thực trạng tội phạm xâm phạm sở hữu đang có chiều hướng gia tăng. Đối với ý kiến của Luật sư đề nghị áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội là người già” theo điểm m khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 là không đúng, bởi lẽ khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo chưa đủ 70 tuổi. Do đó, kháng cáo của bị cáo và đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo không được chấp nhận.
[3] Đối với quan điểm của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm là đúng quy định của pháp luật nên được chấp nhận.
[4] Về án phí hình sự phúc thẩm, theo quy định của pháp luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì bị cáo được miễn nộp do bị cáo là người trên 60 tuổi phạm tội.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 khoản 2 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[1] Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, g, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 1999: Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 09 (chín) tháng tù về “ Tội trộm cắp tài sản”; thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án.
[2] Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bị cáo Nguyễn Văn T được miễn nộp án phí hình sự phúc thẩm.
[3] Quyết định khác của bản án sơ thẩm về án phí không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.
[4] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 53/2018/HS-PT ngày 22/08/2018 về tội trộm cắp tài sản
Số hiệu: | 53/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bến Tre |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 22/08/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về