Bản án 52/2019/HNGĐ-ST ngày 31/05/2019 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 52/2019/HNGĐ-ST NGÀY 31/05/2019 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON, SAU KHI LY HÔN

Ngày 31 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 17/2019/TLST-HNGĐ ngày 03/01/2019 về việc Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 26/2019/QĐST-HNGĐ ngày 25 tháng 4 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 52/2019/QĐ-PT ngày 27/5/2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị Bùi Thị Trà M, sinh ngày 25/02/1988 Nơi đăng ký tạm trú: xóm Đ, xã T, huyện L, Hòa Bình. Hiện cư trú: thôn T,xã B,huyện D, Hà Nam.

2. Bị đơn: Anh Phạm Văn T, sinh năm 1986 Nơi cư trú trước khi xuất cảnh: Khu B, thị trấn T, huyện T, Hải Dương. Hiện cư trú: Hàn quốc.

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Bà Đào Thị G, sinh năm 1960; Nơi ĐKHKTT: Khu B, thị trấn T, huyện T, Hải Dương.

Hiện cư trú: khu L, thị trấn T, huyện T, Hải Dương. (Các đương sự đều vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn là chị Bùi Thị Trà M trình bày:

Chị và anh Phạm Văn T kết hôn năm 2014. Trong quá trình chung sống có 01 con chung là Phạm Minh T, sinh ngày 25/02/2015. Do vợ chồng chung sống không hạnh phúc nên đã ly hôn. Tại Quyết định số 106/2018/QĐST- HNGĐ ngày 01/8/2018, Tòa án đã công nhận thuận tình ly hôn và giao cho anh T nuôi dưỡng cháu T. Tuy nhiên, ngay sau đó anh T đi lao động ở Hàn Quốc, không trực tiếp chăm sóc con mà để cho mẹ đẻ anh T là bà Đào Thị G chăm sóc. Trong khi hiện nay chị làm việc công ty TNHH thực phẩm Q có chi nhánh ở Hà Nam, chị làm kế toán, chỉ làm giờ hành chính, thu nhập bình quân hàng tháng là 09 triệu đồng/tháng. Việc chăm sóc con ngoài chị ra còn có mẹ đẻ chị là bà Đỗ Thị H sống cùng chăm sóc giúp. Vì anh T không đủ điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng con và hạn chế quyền thăm nom của chị. Nên chị làm đơn đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị, giao cháu T cho chị trực tiếp nuôi dưỡng, chị không yêu cầu anh T cấp dưỡng nuôi con.

* Về phía bị đơn anh Phạm Văn T: Hiện anh T cư trú ở Hàn Quốc. Các văn bản tố tụng của Tòa án, anh đã được mẹ đẻ là bà Đào Thị G thông báo. Anh T không trình bày quan điểm bằng văn bản gửi cho Tòa án, thông qua bà G quan điểm giải quyết vụ án của anh là không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của chị M, đề nghị vẫn giao con chung cho anh nuôi dưỡng. Do anh không về Việt Nam được nên anh xin được giải quyết vụ án vắng mặt và ủy quyền của bà G nhận các văn bản tố tụng của Tòa án.

*Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Đào Thị G (mẹ đẻ anh T) trình bày: Chị M và anh T kết hôn, sau đó ly hôn và giải quyết con chung giao cho anh T chăm sóc nuôi dưỡng như chị M trình bày là đúng. Anh T đi lao động ở Hàn Quốc từ ngày 17/1/2018 cho đến nay. Khi đi, anh T đã ủy quyền cho bà chăm sóc cháu Phạm Minh T. Chồng bà là ông Phạm Văn A đã chết năm 2017 nên hiện nay cháu T đang do mình bà chăm sóc nuôi dưỡng. Hiện cháu T đang đi học mẫu giáo, bà là người trực tiếp đưa, đón cháu hàng ngày. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt và học tập của cháu T đều đảm bảo, sức khỏe và tinh thần của cháu đều tốt. Mặc dù anh T đi xa nhưng vẫn quan tâm đến con, thường xuyên gọi điện hỏi thăm và gửi tiền nuôi dưỡng cháu T cho bà.

Nay chị M làm đơn xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Bà G và anh T đều không nhất trí, vì cháu T do bà chăm sóc từ nhỏ, sau khi ly hôn chị M không chăm sóc con chung, thời gian gần đây chị mới về thăm gặp. Hiện, bà và anh T vẫn thường xuyên liên lạc bằng điện thoại. Bà chỉ biết anh T ở Hàn Quốc, còn địa chỉ cụ thể bà không biết. Các văn bản tố tụng Tòa án giao cho anh T bà nhận thay, bà đều đã thông báo cho anh T biết. Do công việc bận nên anh T không trình bày bằng văn bản gửi về, mà nhờ bà trình bày giúp với Tòa án. Quan điểm giải quyết vụ án, anh không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của chị M, đề nghị vẫn giao con chung cho gia đình anh nuôi dưỡng. Do anh không về Việt Nam được nên anh xin được giải quyết vụ án vắng mặt và ủy quyền của bà G nhận các văn bản tố tụng của Tòa án, bà nhất trí.

Kết quả xác minh tại Cục quản lý xuất nhập cảnh- Bộ công an, anh Phạm Văn T có thông tin xuất nhập cảnh nhiều lần, lần cuối cùng xuất cảnh vào ngày 17/11/2018 qua cửa khẩu Nội Bài, hiện chưa có thông tin nhập cảnh.

Tại phiên tòa:

- Các đương sự đều vắng mặt và đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

- Đại diện VKSND tỉnh Hải Dương phát biểu quan điểm: Tòa án tiến hành thụ lý, thu thập tài liệu chứng cứ, quyết định đưa vụ án ra xét xử và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát theo đúng quy định tại BLTTDS và thực hiện các thủ tục tố tụng theo đúng thẩm quyền quy định tại Điều 48 BLTTDS. Hội đồng xét xử tuân thủ đúng quy định về trình tự tại phiên tòa sơ thẩm của BLTTDS. Đương sự cơ bản chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định BLTTDS. VKS phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án: Đề nghị áp dụng Điều 81, 82, 83 Luật hôn nhân và gia đình; Nghị quyết 326 về án lệ phí Tòa án; Chấp nhận yêu cầu của chị Bùi Thị Trà M, xử cho chị M được trực tiếp nuôi dưỡng cháu Phạm Minh T, anh T không phải cấp dưỡng nuôi con chung; về án phí: Chị M phải chịu án phí HNGĐ sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên toà, Tòa án nhận định:

[1]. Về tố tụng: Anh Phạm Văn T đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, nên TAND tỉnh Hải Dương thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền. Tòa án đã 02 lần yêu cầu bà G (là mẹ anh T) cung cấp địa chỉ của anh T nhưng bà G không cung cấp được địa chỉ của anh T. Bà G xác định anh T vẫn thường xuyên liên lạc bằng điện thoại về gia đình và bà đã thông báo các văn bản tố tụng của Tòa án cho anh T biết. Đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, nên Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục chung theo hướng dẫn tại Công văn 253/TANDTC ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân tối cao.

Các đương sự đều vắng mặt tại phiên tòa và có ý kiến xin xét xử vắng mặt. Do vậy căn cứ Điều 227 và Điều 228 BLTTDS, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự.

[2]. Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn thì thấy:

Chị M và anh T kết hôn năm 2014. Trong quá trình chung sống có 01 con chung là Phạm Minh T, sinh ngày 25/02/2015. Do vợ chồng chung sống không hạnh phúc nên đã ly hôn. Tại Quyết định số 106/2018/QĐST-HNGĐ ngày 01/8/2018, Tòa án đã công nhận thuận tình ly hôn và giao cho anh T nuôi dưỡng cháu T. Tuy nhiên, theo xác minh tại Cục XNC- Bộ công an anh T đi lao động ở Hàn Quốc từ 17/01/2018 cho đến nay. Do vậy anh T không trực tiếp chăm sóc con, mà do mẹ đẻ anh T là bà Đào Thị G chăm sóc cháu T. Chị M có đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Anh T và bà G không nhất trí yêu cầu khởi kiện của chị M, đề nghị tiếp tục giao cháu T cho bà G chăm sóc. Do các bên không thống nhất được việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, nên xem xét yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Xét thấy hiện nay, anh T ở nước ngoài không có điều kiện trực tiếp nuôi con, cháu T đang do bà nội chăm sóc. Trong khi chị M có đủ điều kiện nuôi con. Hiện chị làm kế toán tại Công ty ở Hà Nam, thu nhập bình quân hàng tháng là 08-10 triệu đồng/tháng. Chị M sống cùng mẹ đẻ ở Hà Nam, điều kiện chỗ tiện nghi, rộng rãi, việc chăm sóc con có mẹ đẻ chị là bà Đỗ Thị H sống cùng phụ giúp. Hiện, cháu T còn nhỏ (hơn 4 tuổi) cần sự chăm sóc, nuôi dưỡng của người mẹ. Do vậy, để đảm bảo tốt nhất sự phát triển toàn diện của con chung, cần chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của nguyên đơn, giao cháu T cho chị M trực tiếp nuôi dưỡng. Anh T không phải cấp dưỡng nuôi do chị M tự nguyện không yêu cầu, là phù hợp với Điều 81, 82,83 Luật hôn nhân và gia đình.

[3]. Về án phí: Chị Bùi Thị Trà M phải chịu án phí sơ thẩm dân sự theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Điều 81, 82, 83 luật Hôn nhân và gia đình; Điều 227, Điều 228, Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án;

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Bùi Thị Trà M về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Giao cho chị Bùi Thị Trà M trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con chung là Phạm Minh T, sinh ngày 25/02/2015, kể từ tháng 6/2019 đến khi con chung thành niên (đủ 18 tuổi). Chấp nhận sự tự nguyện của chị M, anh Phạm Văn T không phải cấp dưỡng nuôi con cùng chị.

Anh Phạm Văn T có quyền, nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc con chung, không ai được cản trở.

- Về án phí: Chị Bùi Thị Trà M phải chịu 300.000đ án phí sơ thẩm dân sự, nhưng được trừ vào số tiền 300.000đ tiền tạm ứng án phí chị đã nộp theo biên lai thu số AA/2017/0004937 ngày 02/012019 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương. Chị M đã nộp xong án phí sơ thẩm dân sự.

Về quyền kháng cáo: Án xử công khai, vắng mặt các đương sự. Các đương sự được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày niêm yết bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

277
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 52/2019/HNGĐ-ST ngày 31/05/2019 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Số hiệu:52/2019/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 31/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về