Bản án 52/2017/HSST ngày 09/11/2017 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 52/2017/HSST NGÀY 09/11/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Trong ngày 09 tháng 11 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số:68/2017/HSST ngày 05/10/2017 đối với bị cáo:

*Họ và tên: Bàn Văn L, tên gọi khác: T; sinh ngày 26 tháng 12 năm 1993 tại xã L, huyện L, tỉnh Bắc Giang; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: thôn V, xã L, huyện L, tỉnh Bắc Giang; số Chứng minh nhân dân: không có; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hoá: 6/12; dân tộc: Dao; con ông Bàn Văn L1, sinh năm 1969 ( đã chết năm 2002) và bà Đặng Thị X, sinh năm: 1970; chưa có vợ, con; tiền sự: không; tiền án: không; bị cáo đầu thú, bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 22/6/2017, hiện bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang; có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo:

1. Ông Ngô Thế H là Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH MTV N, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang. Có mặt.

2. Bà Võ Thị An B là Luật sư thuộc Văn phòng luật sư A, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang, Cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bắc Giang. Có mặt.

* Người bị hại: chị Lý Thị T, sinh năm: 1991 (đã chết).

* Người đại diện hợp pháp của người bị hại:

1. Ông Lý Văn T, sinh năm: 1962 là bố đẻ. Có mặt. Nơi cư trú: thôn K, xã D, huyện S, tỉnh Bắc Giang.

2. Anh Trần Văn H, sinh năm: 1985 là chồng. Có mặt.

Nơi cư trú: thôn V, xã L, huyện L, tỉnh Bắc Giang. Ông T ủy quyền cho anh H đại diện tham gia tố tụng.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại:

Ông Thân Văn L và bà Nguyễn Thị Như Q là Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bắc Giang. Có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Đặng Thị X, sinh năm: 1970 (là mẹ bị cáo). Có mặt.

Nơi cư trú: thôn V, xã L, huyện L, tỉnh Bắc Giang.

2. Cháu Trần Quốc H, sinh ngày 11/02/2011 (không triệu tập).

3. Cháu Trần Thị Bích T, sinh ngày 21/01/2014 (không triệu tập).

Nơi cư trú: thôn V, xã L, huyện L, tỉnh Bắc Giang.

Do anh Trần Văn H là bố đẻ đại diện hợp pháp. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản cáo trạng số 48/KSĐT ngày 02/10/2017 của VKSND tỉnh Bắc Giang thì nội dung vụ án như sau:

Bàn Văn L- sinh năm 1993 ở thôn V, xã L, huyện L, tỉnh Bắc Giang và gia đình chị Lý Thị T- sinh năm 1991 là hàng xóm ở gần nhà nhau. Năm 2016, gia đình chị T bị mất 8.000.000 đồng và có nghi ngờ L trộm cắp. Từ đó giữa Bàn Văn L và chị T nảy sinh mâu thuẫn.

Khoảng 19 giờ ngày 21/6/2017 sau khi ăn cơm và uống một cốc rượu tại nhà, Bàn Văn L nghĩ lại việc bị chị T đổ oan lấy trộm tiền nên nảy sinh ý định trả thù. Bàn Văn L lấy ở gầm giường 01 con dao nhọn (loại dao chọc tiết lợn dài 32cm, lưỡi dao dài 20cm) được bọc bằng tờ thiếp mời quấn băng dính phía ngoài. Bàn Văn L gài dao ở cạp quần rồi đi bộ sang nhà chị T. Khi đi đến khu vực tường bao gia đình bà Lý Thị V ở cùng thôn, L ngồi hút thuốc lá rồi vứt lại chiếc bật lửa ga, vỏ bao thuốc lá Thăng Long và phần giấy bọc lưỡi dao làm bằng tờ thiếp mời. Sau đó, Bàn Văn L đi đến phía sau bếp nhà chị T thì thấy bếp có điện sáng. Lúc này, chị T và 02 con là Trần Quốc H- sinh năm 2011 và Trần Thị Bích T- sinh năm 2014 ở nhà, anh Trần Văn H là chồng chị T đi làm. Bàn Văn L đi vào cửa bếp thấy chị T đang úp mỳ tôm. Chị T nói “Thằng T”, L không nói gì mà cầm dao đi đến chỗ chị T. Bàn Văn L cầm dao ở tay phải đâm liên tiếp hai nhát trúng vào vùng bụng trên của chị T. Chị T kêu cứu và ôm bụng đồng thời dùng hai tay túm vào phần lưỡi dao giằng co, Bàn Văn L giằng lại dao đâm và chém tiếp nhiều nhát trúng vào vùng ngực, hai tay và chân phải chị T. Khi Bàn Văn L đang chém chị T thì cháu Trần Quốc H nghe thấy tiếng chị T kêu cứu chạy từ trên nhà xuống cửa nhà bếp nhìn thấy Bàn Văn L cầm dao chạy ra dùng tay phải gạt cháu H ra rồi bỏ chạy ra phía sau nhà chị T. Chạy được khoảng 200m, Bàn Văn L vứt con dao nhọn cạnh bờ suối và bỏ trốn vào rừng.

Sau khi Bàn Văn L đâm và chém chị T xong, bà Trường Thị B- sinh năm 1954 và anh Trương Văn N- sinh năm 1998 (là mẹ chồng và em chồng chị T) ở sát nhà chị T nghe thấy tiếng cháu H khóc nên chạy sang thì thấy chị T đã bị chết ở tư thế hai chân quỳ, mặt gục xuống đất ở trong nhà bếp, xung quanh và trên người có nhiều máu. Cháu H đã nói cho bà B, anh N biết việc Bàn Văn L dùng dao đâm chị T T Đến khoảng 07 giờ ngày 22/6/2017, L gặp anh Nguyễn Văn P- sinh năm 1982 và anh Nguyễn Tiến T- sinh năm 1978 đều ở thôn C, xã T, huyện L đang bẻ vải. Bàn Văn L kể cho anh P và anh T biết việc L dùng dao đâm chị T và nhờ liên lạc với cơ quan Công an để xin đầu thú. Sau đó, Bàn Văn L đến Đồn Công an T, huyện L đầu thú và giao nộp 01 chiếc quần đùi và 01 chiếc quần sịp là trang phục Bàn Văn L mặc khi gây án.

Căn cứ lời khai của Bàn Văn L, Cơ quan điều tra truy tìm vật chứng và thu giữ 01 con dao nhọn (loại dao chọc tiết lợn dài 32cm, lưỡi dao dài 20cm, chuôi gỗ dài 12cm) tại khu vực bờ suối thôn V, xã L, huyện L; 01 tờ thiệp mời đám cưới được cuốn băng dính, 01 vỏ bao thuốc lá Thăng Long và 01 bật lửa ga tại khu vực tường bao của gia đình bà Lý Thị V (BL 134; 136).

Khám nghiệm hiện trường: Nơi xảy ra sự việc tại gia đình chị Lý Thị T- sinh năm 1991 ở thôn V, xã L, huyện L, tỉnh Bắc Giang. Hiện trường không còn nguyên vẹn do có sự cấp cứu nạn nhân và đi lại của quần chúng nhân dân.

Gia đình chị T thiết kế xây dựng: 01 nhà ở gắn liền với sân phơi; 01 nhà bếp và 01 bể nước trên 1 quả đồi; phía Bắc là cửa chính đối diện với khu nhà ở của ông Trương Văn H; hướng Đông- Tây- Nam đều là đồi cây. Nhà ở được xây dựng theo kiểu nhà cấp 4 gồm 02 gian nhà chính và 01 gian buồng; Nạn nhân Lý Thị T được đặt nằm trên giường ở góc nhà hướng Tây Nam. Trên quần áo nạn nhân bám dính nhiều máu.

Cách đầu nhà hướng Tây 1,5m là khu nhà bếp được xây dựng theo kiểu nhà cấp 4 có 2 cửa ra vào; cửa ra vào ở góc Đông Bắc có 01 cánh bằng gỗ mở vào trong, kích thước (0,8x1,95)m; cửa ra vào ở hướng Đông có 2 cánh mở ra phía ngoài, kích thước (1x1,93)m, thông với hiên nhà chính. Sàn bếp đổ vôi vữa bằng phẳng, kích thước (5x3,5)m; trên sàn bếp có đám máu loang trên diện (4,8x2,08)m theo chiều hướng từ trong ra ngoài, từ góc bếp hướng Tây Nam ra cửa bếp hướng Đông Bắc. Trên đám máu loang này ở vị trí cách tường phía Tây 01m, cách tường phía Nam 0,48m phát hiện có chiếc dép nhựa màu trắng cỡ 40 chân bên phải (dạng dép tổ ong) trên dép có bám dính nhiều máu; tại vị trí cách tường phía Bắc 1,2m ở giữa cửa ra vào hướng Đông phát hiện có chiếc dép nhựa màu trắng cỡ 40 chân bên trái (dạng dép tổ ong) trên dép bám dính nhiều máu. Trên bệ bếp ở góc Tây Nam có kê 01 bếp ga đôi và nhiều bát đũa chưa rửa cùng 01 tô chứa gói mì tôm chưa pha, 01 tô chứa mì tôm đã pha bị trương nát.

Xem xét kỹ bếp ăn và khu bể nước, không phát hiện thu lượm dấu vết, tài liệu gì đặc biệt. Mở rộng hiện trường khám nghiệm kỹ xung quanh khu nhà ở, khu công trình phụ không phát hiện dấu vết nghi vấn.

Khám nghiệm tử thi Lý Thị T:

Khám ngoài: Chiều dài tử thi 1m53; ngoài mặc áo phông cộc tay màu hồng, quần đùi màu vàng, trong mặc quần, áo lót màu xanh; quần áo bám dính nhiều chất màu nâu đỏ;

Kiểm tra quần, áo tử thi: Mặt trước ống tay áo phải có vết rách, thủng vải nằm ngang, đầu trong sát đường chỉ nách áo, đầu ngoài sát mép áo, kích thước (7,5x0,4)cm; Mặt trước tại vị trí cách cổ áo 15cm, cách đường chỉ sườn phải 16cm có vết rách, thủng vải dài 4,5cm. Phía dưới có 6 vết rách thủng vải: vết 1 cách vết trên 07cm kích thước (3,5x0,2)cm; vết 2 cách vết 1 là 0,3cm kích thước (03x0,3)cm; vết 3 cách 2 là 01cm, kích thước (03 x 02)cm, vết 2 và vết 3 thông nhau ở đầu bên phải; vết 4 cách vết 3 là 2,5cm, kích thước (4,2x0,2)cm; vết 5 cách vết 4 là 0,6cm, kích thước (04x0,2)cm; vết 6 cách vết 5 là 01cm, kích thước (04x0,5)cm;

Kiểm tra vùng đầu, mặt: Hai mắt hé mở, hai lỗ tai khô, hai lỗ mũi có ít dịch bọt màu đỏ hồng chảy ra. Kiểm tra kỹ vùng đầu, mặt không phát hiện tổn thương.

Cởi bỏ quần áo khám thấy: Cơ thể phát triển bình thường, đang trong giai đoạn mềm lạnh;

- Vùng ngực phải cách đường giữa 01cm, cách đỉnh núm vú phải 04cm có vết thương rách da, kích thước (4,5x1,8)cm, bờ mép sắc gọn, đầu trong nhọn, đầu ngoài tù, qua vết thương thấu vào khoang lồng ngực, khép miệng vết thương dài 4,7cm;

- Vùng cổ trước có vết thương rách da nằm ngang, kích thước (07x0,4)cm, bờ mép sắc gọn, đầu ngoài rộng, hẹp dần vào đầu trong, vuốt đuôi về phía đầu trong bên trái, sâu sát lớp cơ vùng cổ; Vùng cổ trước phía trên xương đòn phải có vết xước da nằm ngang, dài 07cm;

- Mặt trước vai phải có vết thương, kích thước (5,4x03)cm, bờ mép sắc gọn, đầu ngoài nhọn, đầu trong tù, qua vết thương thấu vào khoang lồng ngực phải;

- Vùng bụng trên đường giữa, cách hõm ức 06cm có vết thương nằm ngang, kích thước (3,9x0,8)cm, bờ mép sắc gọn, đầu bên trái nhọn, đầu bên phải tù, sâu thấu vào khoang ổ bụng. Phía dưới cách vết trên 2,5cm có vết thương nằm ngang, kích thước (3,5x0,7)cm, bờ mép sắc gọn, đầu bên trái nhọn, đầu bên phải tù, sâu thấu vào khoang ổ bụng.

- Mặt trước, ngoài 1/3 trên cánh tay trái có 02 vết thương: vết 1 cách đỉnh hõm nách trái 03cm, kích thước (03x1,8)cm, bờ mép sắc gọn. Vết thương nằm dọc, đầu trên tù, đầu dưới nhọn, sâu thấu vào tổ chức cơ vùng cánh tay trái. Phía trên, cách vết 01 là 1,6cm có vết thương kích thước (05x0,8cm), bờ mép sắc gọn; Mặt sau 1/3 dưới cánh tay trái có vết thương, kích thước (03x2,8)cm, vết thương hình cung, bờ mép sắc gọn;

- Khe ngón 1,2 bàn tay trái có vết thương rách da làm đứt tổ chức cơ, sâu sát xương, kích thước (12x1,5)cm; Mặt mu ngón 01 bàn tay trái có vết thương, kích thước (1,7x0,4)cm, bờ mép sắc gọn;

- Mặt sau 1/3 dưới đùi phải có vết thương, kích thước (05x2,2)cm, bờ mép sắc gọn, đầu trên tù, đầu dưới nhọn, qua vết thương xuyên thấu cơ đùi phải dài 14cm đến vị trí 1/3 giữa đùi phải, tạo vết rách kích thước (3,5x1,3)cm;

- Mặt trước gối phải có vết trầy xước da kích thước (04x2,1)cm; Mặt mu bàn chân phải có vết trầy xước da kích thước (1,7x01)cm; Mặt mu bàn chân phải sát đốt bàn ngón 3, 4, 5 có vết trầy xước da, kích thước (4,2x1,5)cm; Mặt trước gối chân trái có vết trầy xước da, kích thước (2,2x02)cm;

Giải phẫu:

- Tụ máu tổ chức dưới da, cơ vùng ngực phải.

- Phía trong vết thương vùng ngực phải làm đứt sụn sườn số 5, cơ khoang gian sườn 4,5; 5,6. Tạo vết thương làm rách màng ngoài tim, rách tâm nhĩ phải tại vị trí tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới đổ về tim, xuyên thấu qua rốn phổi phải làm rách cơ liên sườn 5, 6 ở cung sau.

- Qua vết thương mặt trước vai phải thấu vào khoang lồng ngực phải làm rách cơ liên sườn 1, 2, xuyên thấu thùy trên phổi phải và làm rách cơ liên sườn 2, 3 phía sau.

- Hai phổi nhạt màu, tràn máu khoang màng phổi phải khoảng 500ml máu đông lẫn không đông.

- Qua vết thương phía trên ổ bụng làm rách bờ trước thùy phải gan, kích thước (2,5x02)cm, làm thủng mặt trước dạ dày, kích thước (1,5x0,2)cm, tụ máu mạc treo dạ dày.

- Tử cung kích thước (08x5,5x2,5)cm, lòng tử cung rỗng có ít dịch đục. Dạ dày nhạt màu trong lòng rỗng, chứa ít dịch màu đỏ hồng; Kiểm tra lách, thận và các quai ruột không phát hiện tổn thương. (BL 43-44).

Quá trình khám nghiệm, Cơ quan điều tra thu giữ mẫu máu tử thi và mẫu máu ở hiện trường; 01 đôi dép (dạng dép tổ ong); quần, áo mặc ngoài của nạn nhân Lý Thị T.

Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định để xác định nguyên nhân chết và cơ chế hình thành thương tích trên tử thi Lý Thị T.

Kết luận giám định số 1042/KL-PC54 ngày 06/7/2017 và Kết luận giám định bổ sung số 1365/KL-PC54 ngày 01/9/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang kết luận:

1. Nguyên nhân chết của Lý Thị T: Sốc mất máu cấp do vết thương thấu tim, thấu phổi.

- Cơ chế hình thành dấu vết trên cơ thể nạn nhân Lý Thị T:

+ Các vết thương trên cơ thể Lý Thị T có bờ mép sắc gọn, một đầu nhọn, một đầu tù do tác động của vật sắc nhọn có một lưỡi sắc tạo nên.

+ Các vết trầy xước da ở mặt trước khớp gối hai bên và mu bàn chân phải do tiếp xúc với bề mặt không nhẵn tạo nên.

+ Thời điểm chết sau bữa ăn cuối cùng là trên 6 giờ (dạ dày rỗng).

2. Với con dao có đặc điểm như đối tượng gửi giám định và với động tác, tư thế, khoảng cách mà Bàn Văn L đâm, chém chị T như trên thì có thể tạo ra các vết thương trên cơ thể chị Lý Thị T. (BL 65-68; 83-84).

Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định dấu vết máu, dấu vết đường vân và giám định Gen trên vật chứng đã thu giữ; trưng cầu giám định tâm thần đối với bị can Bàn Văn L.

Kết luận giám định số 1127/KL-PC54 ngày 24/7/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang và Kết luận giám định số 3240/C54(TT3) ngày 03/8/2017 của Viện khoa học hình sự- Bộ Công an kết luận kết luận:

1. Mẫu máu tử thi Lý Thị T thuộc nhóm máu O.

- Chiếc quần đùi, quần sịp và con dao niêm phong lại, hoàn trả cơ quan điều tra để trưng cầu giám định gen (do lượng dấu vết bám dính ít).

- Các mẫu: “Dấu vết máu thu giữ tại giữa bếp”, “Dấu vết máu thu tại cửa bếp hướng Đông”, đôi dép, quần áo mặc ngoài của nạn nhân Lý Thị T đều có máu người, thuộc nhóm máu O.

- Trên con dao gửi giám định không phát hiện thấy dấu vết đường vân.

2. Không xác định được kiểu gen từ các vị trí nghi có tế bào cơ thể người dính trên chiếc quần đùi và chiếc quần sịp gửi giám định do số lượng tế bào ít hoặc không có.

- Trên con dao gửi giám định dính máu của Lý Thị T. (BL 73; 77).

Kết luận giám định pháp y tâm thần số 60/2017/PYTT ngày 28/8/2017 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc- Bộ y tế kết luận:

- Bàn Văn L, sinh năm 1993, trú tại thôn V, xã L, huyện L, tỉnh Bắc Giang không bị bệnh tâm thần. - Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội vào ngày 21/6/2017 Bàn Văn L không bị bệnh tâm thần, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

- Hiện tại Bàn Văn L không bị bệnh tâm thần, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. (BL 80-81).

Trong quá trình điều tra, Bàn Văn L khai nhận hành vi dùng dao đâm và chém chị T như đã nêu trên. Bàn Văn L khai do bị chị T đổ oan lấy trộm tiền nên đã dùng dao đâm và chém chị T để trả thù.

Cơ quan điều tra đã cho Bàn Văn L nhận dạng con dao đã thu giữ; thực nghiệm các động tác đâm và chém chị T; cho anh Nguyễn Tiến T và anh Nguyễn Văn P nhận dạng bị can L. Kết quả, Bàn Văn L nhận ra con dao mà Cơ quan điều tra thu giữ được là của L sử dụng để gây án và thực hiện thuần thục các tư thế, động tác đâm, chém chị T phù hợp với lời khai của bị can; anh T và anh P nhận dạng ra Bàn Văn L. (Bút lục 86-98).

Bản cáo trạng số 48/KSĐT-TA ngày 02/10/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang truy tố bị cáo Bàn Văn L về tội “Giết người” theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 93- Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Tại phiên toà sơ thẩm:

* Bị cáo Bàn Văn L khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu là đúng, không bị oan sai gì. Trước khi xảy ra sự việc phạm tội khoảng tháng 8 năm 2016 thì giữa bị cáo và gia đình bị hại đã có mâu thuẫn do bị hại nghi ngờ và đổ oan cho bị cáo lấy trộm tiền. Chiều tối ngày 21/6/2017 bị cáo ăn cơm ở nhà và có uống một cốc rượu, khi đó bị cáo chợt thấy bực tức vì bị nghi ngờ đổ oan lấy trộm tiền nên nảy sinh ý định trả thù. Bị cáo đã vào gầm giường ngủ lấy con dao nhọn và đi đến nhà chị T để trả thù. Bị cáo đi đến tường nhà bà V thì ngồi hút thuốc sau đó vòng ra phía sau nhà chị T thì thấy bếp sáng điện, bị cáo vào bếp thấy chị T đang úp mỳ tôm, chị T có nói “thằng T”, bị cáo không nói gì mà đi đến dùng tay phải cầm dao đâm hai nhát vào vùng bụng, chị T túm dao giằng co, bị cáo rút dao và chém nhiều nhát về phía chị T làm chị gục xuống nền bếp. Bị cáo bỏ chạy ra ngoài thì gặp cháu H nên gạt cháu ra một bên. Khi chạy ra đến bờ suối sau nhà bị cáo vứt con dao lại và bỏ chạy vào rừng trốn. Trong rừng bị cáo thấy hối hận và sợ hãi nên đã lấy dây rừng thắt cổ tự tử nhưng không chết nên bị cáo cứ đi suốt đêm. Sáng hôm sau bị cáo vào nhà người dân kể lại sự việc đâm chị T và nhờ họ giúp đỡ ra đầu thú, họ bảo ở lại để gọi công an hộ, bị cáo được người dân cho ăn uống, tắm rửa thay quần áo, sau đó công an vào đưa bị cáo về trụ sở làm việc. Tại cơ quan công an bị cáo đã thành khẩn khai báo sự việc. Bị cáo không có công ăn việc làm ổn định, thỉnh thoảng có đi Hà Nội làm thuê, bị cáo vẫn sống phụ thuộc gia đình, tài sản không có nên việc bồi thường cho gia đình bị hại do mẹ bị cáo đứng ra làm thay. Bị cáo bị tạm giam nên cũng không có điều kiện tác động người thân đứng ra bồi thường thay. Khi nhận được cáo trạng bị cáo mới biết mẹ bồi thường 30.000.000 đồng. Bị cáo không có yêu cầu xin lại vật chứng bị thu giữ, đề nghị xử lý theo pháp luật.

* Anh Trần Văn H trình bày: Khoảng tháng 8/2016 gia đình bị mất trộm tiền nên có đi xem bói thì có nghi ngờ bị cáo lấy trộm. Gia đình tôi có lên gặp gia đình bị cáo hỏi có lấy tiền thì cho xin lại nhưng bị cáo không lấy. Khoảng nửa tháng sau thì gia đình tôi có suy nghĩ lại việc nghi ngờ là không có căn cứ, gia đình tôi đã đến nhà bị cáo xin lỗi và đề nghị gia đình bị cáo bỏ qua. Sau đó hai gia đình vẫn quan hệ gặp gỡ chào hỏi nhau bình thường không có mâu thuẫn gì nữa. Tuy nhiên không ngờ bị cáo lại vẫn để bụng thù tức và hành động giết chết vợ tôi. Đề nghị Tòa án xét xử công bằng, đúng người, đúng tội. Về hình phạt xử nghiêm minh, thấp nhất là tù chung thân.Yêu cầu bồi thường chi phí mai táng 45.560.000 đồng; tiền bồi thường tổn thất tinh thần là 100.000.000 đồng và cấp dưỡng nuôi cháu Trần Quốc H- sinh ngày 11/02/2011 và Trần Thị Bích T- sinh ngày 21/01/2014 theo mức 1.000.000 đồng/ 1 tháng/ 1 cháu kể từ khi chị T chết đến khi các cháu 18 tuổi. Số tiền 30.000.000 đồng mẹ bị cáo bồi thường thay được trừ cho bị cáo. Gia đình không xin lại vật chứng là dấu vết máu, quần, áo, đôi dép thu giữ tại hiện trường của người bị hại, đề nghị xử lý theo pháp luật. Ngoài ra không có yêu cầu giải quyết vấn đề gì khác.

* Ông Lý Văn T nhất trí quan điểm của anh H, không có ý kiến gì khác.

* Bà Đặng Thị X trình bày: Bị cáo không có nghề nghiệp ổn định, thỉnh thoảng có đi làm thuê nhưng chỉ đủ chi tiêu của bị cáo, không tích lũy được tài sản, nhà cửa, đất cát bị cáo không có. Bị cáo sống phụ thuộc gia đình, trong cuộc sống những khi ở nhà thì bị cáo có phụ giúp một số công việc nhà như bẻ vải, làm đồng. Số tiền 30.000.000 đồng đứng ra bồi thường cho gia đình bị hại là tiền của bà và vay mượn anh chị em họ hàng, bị cáo không có đồng nào. Việc bồi thường là do bà thấy bị cáo phạm tội nên tự nguyện đứng ra bồi thường thay chứ không có ai tác động. Bà không yêu cầu bị cáo phải trả lại số tiền 30.000.000 đồng.

* Bị cáo trình bày: Bị cáo đồng ý các khoản yêu cầu bồi thường mà anh H đưa ra, hiện tại bị cáo không có tài sản để bồi thường một lần mà xin được trả dần sau khi chấp hành xong án tù.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang trình bày lời luận tội: Sau khi phân tích đánh giá chứng cứ tài liệu đã thu thập được trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm đã truy tố đối với bị cáo tại bản cáo trạng số 48/KSĐT ngày 02/10/2017, đề nghị HĐXX:

- Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Bàn Văn L ( tên gọi khác: T) phạm tội “Giết người”.

- Về hình phạt: Áp dụng: điểm n, khoản 1, Điều 93; điểm b, điểm p, khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điều 33- BLHS năm 1999, xử phạt bị cáo Bàn Văn L từ 19 năm đến 20 năm tù. Thời gian tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam 22/6/2017.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42- Bộ luật hình sự và Điều 584, Điều 585, Điều 586, Điều 591- Bộ luật dân sự năm 2015: Công nhận sự thỏa thuận bị cáo Bàn Văn L bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại các khoản tiền sau: số tiền chi phí mai táng hợp lý là 45.560.000 đồng; tiền tổn thất tinh thần là 100.000.000 đồng; tiền cấp dưỡng nuôi con của người bị hại là cháu Trần Quốc H- sinh ngày 11/02/2011 và Trần Thị Bích T- sinh ngày 21/01/2014 với mức 1.000.000 đồng/ 1 tháng/ 1 cháu kể từ ngày 21/6/2017 đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Bị cáo được trừ 30.000.000 đồng bà Đặng Thị X là mẹ đẻ đã đứng ra bồi thường thay.

- Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41- BLHS; khoản 2, Điều 76- BLTTHS:+ Tịch thu tiêu hủy của bị cáo: 01 con dao nhọn (loại dao chọc tiết lợn) dài 32 cm, chuôi dao bằng gỗ dài 12 cm, phần lưỡi dao bằng kim loại dài 20 cm, loại dao có một lưỡi sắc; 01 tờ thiếp mời đám cưới được quấn băng dính màu đen; 01

vỏ bao thuốc lá Thăng Long đã qua sử dụng; 01 bật lửa ga; 01 quần đùi màu đen và01 quần sịp màu đen;

+ Tịch thu tiêu hủy vật chứng thu của người bị hại: dấu vết máu, đôi dép thu tại hiện trường, quần áo mặc ngoài của chị T.

- Ngoài ra Viện kiểm sát còn đề nghị xử lý giải quyết về án phí, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

*Luật sư bào chữa cho bị cáo trình bày: Bị cáo là người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên nhận thức hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật. Bị cáo bị nghi ngờ oan nên cảm thấy danh dự bị tổn thương. Trước khi phạm tội đã có uống rượu nên ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng điều khiển hành vi. Bị cáo hành động thiếu suy nghĩ, bột phát. Sau khi phạm tội đã hối hận, thậm chí tìm cách tự tử nhưng không thành nên đã ra đầu thú thành khẩn khai báo hành vi phạm tội. Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự gì, hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ tại các điểm b, điểm k, điểm o, điểm p, khoản 1, Điều 46- BLHS. Đề nghị xử phạt bị cáo ở mức 16 đến 17 năm tù. Về trách nhiệm dân sự đề nghị HĐXX chấp nhận tôn trọng sự thỏa thuận của bị cáo và gia đình người bị hại.

* Bị cáo nhất trí quan điểm của người bào chữa, không có quan điểm tranh luận với đại diện Viện kiểm sát.

* Đại diện hợp pháp của người bị hại trình bày: Do không hiểu biết pháp luật nên đề nghị HĐXX cho người trợ giúp pháp lý trình bày quan điểm tranh luận thay cho gia đình bị hại.

* Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị hại trình bày:

Về tội danh và tình tiết định khung hình phạt nhất trí với quan điểm của đại diện viện kiểm sát. Không nhất trí quan điểm Viện kiểm sát về xác định tình tiết giảm nhẹ điểm b, khoản 1, Điều 46-BLHS vì: Tài liệu trong hồ sơ và tại phiên tòa đã thể hiện rõ bị cáo đã trên 18 tuổi, bị cáo không bồi thường, cũng không tác động người thân bồi thường thay mà do bà X là mẹ tự nguyện đứng ra bồi thường thay khi thấy con mình phạm tội.

Không nhất trí quan điểm của Luật bào chữa nêu về tình tiết giảm nhẹ tại điểm k, điểm o, khoản 1, Điều 46-BLHS vì: Bị cáo được học đến lớp 6, bị cáo có đi ra ngoài xã hội làm thuê có nhận thức, giao tiếp với xã hội nên không thể nói là lạc hậu được. Hành vi của bị cáo đã bị cháu H phát hiện và kể lại với mọi người ngay sau khi vụ án xảy ra, trước khi bị cáo ra đầu thú nên không thể coi là bị cáo tự thú được.

Về trách nhiệm dân sự: đề nghị HĐXX công nhận sự thỏa thuận của bị cáo và gia đình người bị hại.

Về hình phạt: Đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo theo đề nghị của anh H, mức hình phạt thấp nhất là tù chung thân.

*Anh H, ông T nhất trí quan điểm của trợ giúp viên pháp lý, không có ý kiến tranh luận gì khác.

* Bà X có ý kiến: Bị cáo có công phụ giúp gia đình như chăm sóc ruộng vườn, thu hoạch vải, lúa.. nên có đóng góp vào khối tài sản của gia đình đã bồi thường cho người bị hại.

* Đại diện Viện kiểm sát đối đáp:

Không chấp nhận quan điểm của Luật sư bào chữa về áp dụng điểm o, điểm k, khoản 1, Điều 46-BLHS, vì: Hành vi của bị cáo đã bị phát hiện trước khi ra đầu thú nên không có căn cứ xác định bị cáo “tự thú”; bị cáo sống ở vùng sâu nhưng có được ăn học đến lớp 6, có ra ngoài xã hội đi làm thuê, có nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm đến tính mạng của người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện bất chấp hậu quả xảy ra nên không có căn cứ xác định bị cáo phạm tội do lạc hậu.

Về quan điểm của người trợ giúp pháp lý cho người bị hại về việc không áp dụng điểm b, khoản 1, Điều 46- BLHS cho bị cáo, Viện kiểm sát thấy: bị cáo sống phụ thuộc gia đình, không có tài sản gì nhưng trong cuộc sống bị cáo có phụ giúp gai đình lao động sản xuất để tạo ra tài sản. Gia đình bị cáo đã sử dụng tài sản đó để bồi thường 30.000.000 đồng cho gia đình người bị hại, do đó đề nghị HĐXX chấp nhận cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ về bồi thường dân sự này.

Về mức hình phạt Viện kiểm sát đã phân tích và đánh giá toàn diện vụ án nên hoàn toàn phù hợp, tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.

* Bị cáo có quan điểm: Vì bị cáo bị tạm giam nên không có điều kiện gặp gỡ gia đình để tác động bồi thường thay. Trong cuộc sống bị cáo có công sức đóng góp cùng gia đình tạo ra tài sản nên đề nghị chấp nhận trong số tiền bồi thường có công sức của bị cáo.

* Người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại có quan đểm: Không chấp nhận quan điểm của bị cáo. Bị cáo có nhiều cách để thông tin tác động gia đình đứng ra bồi thường như quan Cán bộ điều tra, Luật sư bào chữa, Trợ giúp viên pháp lý nhưng đã không làm.

Kết thúc tranh luận các bên tham gia tranh luận không có quan điểm gì khác , vẫn giữ nguyên quan điểm đã trình bày.

* Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo xin lỗi gia đình người bị hại, xin lỗi gia đình, người thân. Đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để có điều kiện cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình và xã hội.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, lời khai của bị cáo và của những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

 [1]. Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau: Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, đại diện hợp pháp xuất trình tài liệu, chứng cứ phù hợp với quy định của pháp luật; bị cáo, đại diện hợp pháp, Luật sư bào chữa không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

 [2]. Về sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng: Những người tham gia tố tụng đã được tống đạt hợp lệ văn bản của Tòa án về thời gian mở phiên tòa nhưng vắng mặt. Xét thấy quá trình điều tra đã có lời khai của những người này nên việc vắng mặt của họ không trở ngại cho việc xét xử. Do đó, HĐXX tiến hành xét xử vắng mặt những người tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 192- Bộ luật tố tụng hình sự.

 [3]. Về những chứng cứ xác định bị cáo Bàn Văn L có tội: Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung bản Cáo trạng đã nêu. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, bản tự khai, biên bản về việc người phạm tội đến đầu thú, biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kết luận giám định, vật chứng thu giữ được, lời khai của đại diện hợp pháp của bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa đã có đủ cơ sở kết luận: Xuất phát từ mâu thuẫn trong việc chị Lý Thị T nghi cho Bàn Văn L trộm tiền của gia đình chị T nên khoảng 19 giờ ngày 21/6/2017, Bàn Văn L cầm 01 con dao nhọn (loại dao chọc tiết lợn) đến nhà chị T để trả thù. Khi gặp chị T ở trong bếp, Bàn Văn L dùng dao đâm và chém nhiều nhát vào người chị T. Hậu quả làm chị T bị chết do “ Sốc mất máu cấp do vết thương thấu tim, thấu phổi”. Bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Bị cáo có nhận thức được hành vi sử dụng dao nhọn để đâm, chém là nguy hiểm đến tính mạng người khác. Tuy nhiên, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống bị cáo đã dùng dao nhọn đâm, chém nhiều nhát vào người, tước đoạt sinh mạng của chị Lý Thị T một cách trái pháp luật. Hành vi của bị cáo Bàn Văn L đã đủ căn cứ cấu thành tội „Giết người”, tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 93 của Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

 [4]. Về tình tiết định khung hình phạt: Xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn với gia đình bị hại trong sinh hoạt, mặc dù gia đình người bị hại đã đến nhà bị cáo để xin lỗi nhưng bị cáo không chấp nhận phương án hòa giải có tình, có lý đó mà vẫn đem lòng tức tối, thù hận. Buổi tối ngày 21/6/2017 bị cáo chủ động sử dụng dao là hung khí nguy hiểm đến nhà bị hại để trả thù. Hành vi của bị cáo chủ động dùng dao nhọn để giải quyết mâu thuẫn với bị hại như vậy là thể hiện tính chất côn đồ. Do vậy, bản Cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố bị cáo Bàn Văn L về tội “Giết người” theo điểm n, khoản 1, Điều 93- Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là có căn cứ pháp luật, đúng người, đúng tội.

 [5]. Đánh giá tính chất của vụ án: Hành vi của bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, đã xâm phạm đến quyền sống của người khác được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự trị an tại địa phương. Hành vi của bị cáo thực hiện tại khu dân cư đông người sinh sống thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác, gây hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân. Do đó cần phải có hình phạt tù nghiêm khắc tương xứng với tính chất mức độ và hậu quả do bị cáo gây ra nhằm giáo dục riêng và phòng ngừa chung đối với tội phạm này.

[6]. Về căn cứ quyết định hình phạt, HĐXX thấy:

- Về nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo: trước khi xảy ra sự việc khoảng tháng 8/2016, bị cáo và gia đình bị hại có mâu thuẫn do nghi ngờ bị cáo lấy trộm tiền 8.000.000 đồng. Mặc dù sau đó gia đình người bị hại đã đến nhà xin lỗi nhưng bị cáo vẫn đem lòng tức tối, thù hận.

- Về nhân thân: bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự gì. Bị cáo là người dân tộc Dao, là dân tộc thiểu số sinh sống ở xã có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Bắc Giang; bị cáo có trình độ học vấn thấp nên nhận thức pháp luật có phần hạn chế, điều đó có ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của bị cáo.

- Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, HĐXX thấy: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng nào theo quy định tại khoản 1, Điều 48- Bộ luật hình sự.

- Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, HĐXX thấy: Ngay sau khi phạm tội bị cáo có ý thức ra “đầu thú” khai báo sự việc. Tại giai đoạn điều tra và tại phiên toà bị cáo khai báo thành khẩn, có thái độ ăn năn, hối cải; mẹ đẻ là bà Đặng Thị X đã tự nguyện bồi thường cho gia đình người bị hại được 30.000.000 đồng.

+ Về quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm k, điểm o, khoản 1, Điều 46-BLHS cho bị cáo HĐXX thấy không có cơ sở chấp nhận vì: hành vi của bị cáo đã bị cháu H phát hiện và báo cho mọi người biết trước khi bị cáo đến cơ quan công an để đầu thú nên không được coi là “tự thú”; bị cáo tuy sinh sống ở vùng kinh tế xã hội có khó khăn nhưng bị cáo có được học đến lớp 6, có thời gian đi làm thuê ở nơi khác, có sự tiếp túc với xã hội bên ngoài, có nhận thức được hành vi của mình là gây nguy hiểm đến tính mạng người khác nên không thể coi là bị cáo lạc hậu được.

+ Về quan điểm áp dụng điểm b, khoản 1, Điều 46- BLHS của đại diện Viện kiểm sát, HĐXX thấy không có cở sở chấp nhận vì: Tài liệu trong hồ sơ và tại phiên tòa đã thể hiện rõ bị cáo là người trưởng thành nên phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình. Bị cáo không bồi thường, cũng không có sự tác động người thân bồi thường thay mình. Việc bà X mẹ bị cáo bồi thường 30.000.000 đồng là tự nguyện trên cơ sở thấy con mình phạm tội nên đứng ra bồi thường. Mặt khác số tiền bồi thường 30.000.000 đồng cũng chưa tương xứng với hậu quả của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra. Tuy nhiên HĐXX cũng xem xét việc bà X là mẹ bị cáo đứng ra bồi thường 30.000.000 đồng cho gia đình người bị hại là tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2, Điều 46- BLHS cho bị cáo.

- Từ những nội dung trên HĐXX thấy rằng để cải tạo bị cáo trở thành công dân tốt có ích cho gia đình và xã hội cần áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với bị cáo như mức đề xuất của đại diện Viện kiểm sát là tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

Do bị cáo đang bị tạm giam nên cần áp dụng khoản 1, khoản 3, Điều 228- Bộ luật tố tụng hình sự tiếp tục tạm giam bị cáo với thời hạn 45 ngày kể từ ngày tuyên án để đảm bảo việc thi hành án.

[7]. Về trách nhiệm bồi thường dân sự: Người đại diện hợp pháp của người bị hại yêu cầu được bồi thường các khoản tiền chi phí mai táng là 45.560.000 đồng, tổn thất tinh thần 100.000.000 đồng, cấp dưỡng nuôi của người bị hại là cháu Trần Quốc H- sinh ngày 11/02/2011 và Trần Thị Bích T- sinh ngày 21/01/2014 với mức 1.000.000 đồng/ 1 tháng/ 1 cháu kể từ ngày 21/6/2017 đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Tại phiên tòa, bị cáo đồng ý bồi thường và cấp dưỡng theo yêu cầu của đại diện hợp pháp của người bị hại. Xét thấy sự thỏa thuận của bị cáo và đại diện hợp pháp của người bị hại là phù hợp, không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên cần chấp nhận sự thỏa thuận về trách nhiệm dân sự này, cụ thể:

- Bị cáo Bàn Văn L có nghĩa vụ bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại Lý Thị T (đã chết) số tiền chi phí mai táng là 45.560.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần là 100.000.000 đồng. Tổng cộng hai khoản là 145.560.000 đồng nhưng được trừ số tiền 30.000.000 đồng bà Đặng Thị X là mẹ bị cáo đã bồi thường, bị cáo còn phải bồi thường tiếp số tiền 115.560.000 đồng.

- Bị cáo Bàn Văn L có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của chị Lý Thị T là các cháu Trần Quốc H- sinh ngày 11/02/2011 và Trần Thị Bích T- sinh ngày21/01/2014 theo mức cấp dưỡng 1.000.000 đồng/1 tháng/1 cháu, thời gian cấp dưỡng kể từ ngày 21/6/2017 đến khi các cháu đủ 18 tuổi.

[8]. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41- Bộ luật hình sự; khoản 2, Điều 76-Bộ luật tố tụng hình sự:

- Vật chứng thu giữ của bị cáo là con dao gây án cần tịch thu tiêu hủy; đối với01 tờ thiếp mời đám cưới được quấn băng dính màu đen, 01 vỏ bao thuốc lá ThăngLong đã qua, quần áo của bị cáo đã qua sử dụng, giá trị không lớn, bị cáo không yêu cầu trả lại nên cần tịch thu tiêu huỷ.

- Các vật chứng thu giữ của người bị hại gồm dấu vết máu, đôi dép thu tại hiệntrường, quần áo mặc ngoài của người bị hại (đã chết) do đại diện hợp pháp không có yêu cầu xin lại, giá trị sử dụng không còn nên cần tịch thu tiêu hủy.

[9]. Các vấn đề khác:

- Về số tiền 30.000.000 đồng bà Đặng Thị X là mẹ bị cáo tự nguyện đứng ra bồi thường thay, do bà X không có yêu cầu bị cáo phải trả lại nên không đặt ra giải quyết.

- Về án phí sơ thẩm: Căn cứ Điều 99- Bộ luật tố tụng hình sự; điểm đ, khoản1, Điều 12; khoản 1, khoản 3, Điều 21; điểm a, điểm f, khoản 1, Điều 23; Điều 24; Điều 26 và Điều 27- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 củaUỷ ban thường vụ Quốc Hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án, HĐXX giải quyết án phí theo qui định của pháp luật.

- Về quyền kháng cáo: Áp dụng Điều 231, Điều 234- Bộ luật tố tụng hình sự, báo cho những người tham gia tố tụng có quyền kháng cáo theo qui định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

[1]. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Bàn Văn L (tên gọi khác: T) phạm tội “Giết người”.

[2]. Về hình phạt: Áp dụng điểm n, khoản 1, Điều 93; điểm p, khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điều 33- Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, xử phạt bị cáo Bàn Văn L (tên gọi khác: T) 19 ( Mười chín) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam 22/6/2017.

[3]. Về trách nhiệm bồi thường dân sự: Áp dụng Điều 42-BLHS; Điều 584; Điều 585; khoản 1, Điều 586; Điều 591; Điều 357; Điều 468- Bộ luật dân sự năm 2015, công nhận sự thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường dân sự giữa bị cáo Bàn Văn L và đại diện hợp pháp của người bị hại, cụ thể như sau:

- Bị cáo Bàn Văn L có nghĩa vụ bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại Lý Thị T (đã chết) số tiền chi phí mai táng là 45.560.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần là 100.000.000 đồng. Tổng cộng hai khoản là 145.560.000 đồng nhưng được trừ số tiền 30.000.000 đồng bà Đặng Thị X là mẹ bị cáo đã bồi thường, bị cáo còn phải bồi thường tiếp số tiền 115.560.000 đồng ( Một trăm mười lăm triệu, năm trăm sáu mươi nghìn đồng).

- Bị cáo Bàn Văn L có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của chị Lý Thị T là các cháu Trần Quốc H- sinh ngày 11/02/2011 và Trần Thị Bích T- sinh ngày 21/01/2014 theo mức cấp dưỡng 1.000.000 đồng ( Một triệu đồng)/1 tháng/1 cháu, thời gian cấp dưỡng kể từ ngày 21/6/2017 đến khi các cháu đủ 18 tuổi.

Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn đề nghị thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ số tiền phải thi hành thì người phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi của số tiền chưa thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2, Điều 468- Bộ luật dân sự năm 2015, tương ứng với thời gian chậm thi hành án.[4]. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41- Bộ luật hình sự; khoản 2, Điều 76-Bộ luật tố tụng hình sự:

- Tịch thu tiêu hủy của bị cáo: 01 con dao nhọn (loại dao chọc tiết lợn) dài 32 cm, chuôi dao bằng gỗ dài 12 cm, phần lưỡi dao bằng kim loại dài 20 cm, loạidao có một lưỡi sắc; 01 tờ thiếp mời đám cưới được quấn băng dính màu đen; 01 vỏ bao thuốc lá Thăng Long đã qua sử dụng; 01 bật lửa ga; 01 quần đùi màu đen và 01 quần sịp màu đen;

- Tịch thu tiêu hủy vật chứng thu giữ của chị Lý Thị T: dấu vết máu, 01 đôi dép, quần, áo mặc ngoài.

 ( Theo quyết định xuất kho vật chứng số 47/KSĐT-TA ngày 18/9/2017 của VKSND tỉnh Bắc Giang)

[5]. Án phí sơ thẩm: Căn cứ Điều 99- BLTTHS; khoản 1, khoản 3, Điều 21; điểm a, khoản 1, Điều 23 và điểm b, khoản 1, Điều 24- Nghị quyết số 326/2016/ UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án, thì số tiền án phí bị cáo phải chịu là 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, 5.778.000 đồng tiền án phí bồi thường dân sự và 300.000 đồng án phí cấp dưỡng nuôi con của người bị hại Lý Thị T( đã chết).

Tuy nhiên do bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống ở xã có điều kiện kinhtế - xã hội đặc biệt khó khăn nên áp dụng điểm đ, khoản 1, Điều 12- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án, miễn toàn bộ các khoản án phí nêu trên cho bị cáo Bàn Văn L.

[6]. Về quyền kháng cáo: Áp dụng Điều 231, Điều 234- Bộ luật tố tụng hình sự:

Bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liênquan (có mặt) có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 của Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

461
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 52/2017/HSST ngày 09/11/2017 về tội giết người

Số hiệu:52/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 09/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về