TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 52/2017/HS-PT NGÀY 25/12/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI
Vào ngày 25 tháng 12 năm 2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 54/TLPT-HS ngày 27 tháng 10 năm 2017 đối với bị cáo: Phạm Huỳnh Đ về tội “Giết người”. Do có kháng cáo của bị cáo, người đại diện hợp pháp của người bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số 15/2017/HS-ST ngày 14/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam.
* Bị cáo có kháng cáo:
1/ Phạm Huỳnh Đ; sinh ngày 04/5/1996; nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: xã T, huyện T, tỉnh Quảng Nam; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: kinh; tôn giáo: không; nghề nghiệp: không; trình độ văn hóa: 7/12; con ông: Phạm Xuân C, sinh năm 1964 và bà: Huỳnh Thị T, sinh năm 1968; tiền án, tiền sự: không
Bị cáo bị bắt khẩn cấp, tạm giữ và tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam từ ngày 17/9/2016. (có mặt)
2/ Lê Xuân D; sinh ngày: 12/6/1997; nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: xã T, huyện T, tỉnh Quảng Nam; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: kinh; tôn giáo: không; nghề nghiệp: không; trình độ văn hóa: 10/12; con ông: Lê Xuân M, sinh năm 1971 và bà: Phan Thị T, sinh năm 1971; tiền án, tiền sự: không
Bị cáo bị bắt khẩn cấp, tạm giữ và tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam từ ngày 17/9/2016. (có mặt
3/ Dương Vĩnh L; sinh ngày 12/6/1996; nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: xã T, huyện T, tỉnh Quảng Nam; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: kinh; tôn giáo: không; nghề nghiệp: không; trình độ văn hóa: 9/12; con ông: Dương Văn C, sinh năm 1975 và bà: Phan Thị L, sinh năm 1975; tiền án, tiền sự: không
Bị cáo bị bắt khẩn cấp, tạm giữ và tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam từ ngày 17/9/2016. (có mặt)
- Người bị hại: Ông Nguyễn Đình P, sinh năm 1996 (đã chết); trú tại: xã C, huyện T, tỉnh Quảng Nam;
- Người đại diện hợp pháp của người bị hại Nguyễn Đình P:
+ Ông Nguyễn Đình Â; sinh năm 1965 (cha một). (có mặt)
+ Bà Trần Thị L; sinh năm 1968 (mẹ ruột). (có mặt) Trú tại: xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 21h00’ ngày 15/9/2016, có một nhóm thanh niên ở xã C, huyện T, tỉnh Quảng Nam gồm: Nguyễn Đình P, Nguyễn Phúc Q, Đặng Văn Đ, Nguyễn Tiến S1, Nguyễn Văn S, Nguyễn Hữu Đ đều trú tại xã C, huyện T, tỉnh Quảng Nam cùng một số thanh niên khác tổ chức uống rượu tại quán nhậu Nguyên T, thuộc xã T, huyện T, tỉnh Quảng Nam (sát bờ kè sông Tiên phía bên xã T). Cả nhóm nhậu được một lúc thì Q điều khiển xe mô tô chở S đi qua cầu sông Tiên đến quán nhậu C ở bờ kè sông Tiên phía bên xã K để gặp bạn đang tổ chức sinh nhật ở đây. Khi đến quán nhậu C thì Q và S không gặp được bạn nên Q chở S đi về hướng đường cầu C (cầu sông Tiên cũ) để quay lại quán nhậu Nguyên T.
Cùng thời điểm này, trên cầu C (thuộc địa phận nối giữa xã T với thị trấn K, huyện T) có nhóm thanh niên ở xã T gồm: Lê Bảo Q, Huỳnh Ngọc A, Huỳnh Hữu H; cùng trú tại: xã T, huyện T, tỉnh Quảng Nam; Phan Văn R, Nguyễn Đình V, Lê Thanh C, Lê Xuân D cùng trú tại: xã T, huyện T, tỉnh Quảng Nam; Trương Công T; trú tại xã T, huyện T, tỉnh Quảng Nam; Nguyễn Kim T, Nguyễn Vũ T, Phạm Huỳnh Đ, Dương Vĩnh L cùng trú tại: xã T, huyện T, tỉnh Quảng Nam; Trần Văn S; trú tại: xã A, huyện T, tỉnh Quảng Nam đang ngồi uống rượu tại đây. Do Phạm Huỳnh Đ và Trần Văn S không muốn uống rượu nữa nên rủ nhau qua Xã K, T để xem múa lân. Đ chở S đến đoạn cua bờ kè phía Xã K thì gặp Nguyễn Văn S, Nguyễn Phúc Q đi theo chiều ngược lại. Do cả hai đều chạy nhanh qua đoạn cua nên suýt va chạm nhau, vì vậy giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn, lời qua tiếng lại với nhau. Trong lúc cãi nhau, Nguyễn Văn S gọi điện thoại cho Nguyễn Tiến S1 nói rằng mình đang bị đánh tại cầu C. Thấy vậy, Phạm Huỳnh Đ nghĩ S gọi người tới đánh mình và S nên chở S quay lại hướng Cầu C, nơi nhóm bạn của Đ đang ngồi nhậu. Đ nói với cả nhóm: “Mấy thằng trên kia đòi đánh tao”, Dương Vĩnh L nghe vậy nên nói: “Đứa mô đánh mi, mi chở tao lên xem thử” rồi lên xe để Đ chở lên nchỗ Q và S, riêng S thì chạy bộ theo sau. Trong khi Đ chở L đến gặp Q và S thì Nguyễn Tiến S1 sau khi nghe điện thoại S gọi nên cũng chở Nguyễn Đình P đến.
Lúc này giữa hai bên tiếp tục cãi nhau, Nguyễn Đình P dùng mũ bảo hiểm đánh Phạm Huỳnh Đ thì được Dương Vĩnh L vào can ngăn nên L cũng bị P, S đánh, đấm nhưng không bị thương tích, Đ, L sợ bỏ chạy bộ về hướng cầu C nơi nhóm bạn của mình đang ngồi nhậu, vừa chạy L vừa kêu lớn: “Tao bị đánh trên ni rồi tụi bây ơi”. Nhóm thanh niên xã T là bạn của L và Đ nghe vậy chạy về phía L và nhóm thanh niên xã C để xem tình hình xảy ra như thế nào.
Thấy nhóm xã T đến đông nên S, P bỏ chạy mỗi người mỗi hướng, S chạy trước theo đường bờ kè phía Xã K về hướng cầu sông Tiên trốn được. Còn P chạy dọc theo hướng bờ kè phía Xã K về hướng chân cầu sông Tiên nên bị L, Dương chạy đuổi theo sát phía sau, tiếp sau đó Đ cũng đuổi theo P. Khi chạy một đoạn thì P không chạy theo đường bờ kè mà chui qua lan can bờ kè rồi chạy thẳng xuống bờ sông và dừng lại, P quay lại nhìn thấy L, Đ, D vẫn chạy đuổi theo sát mình nên lội xuống sông bơi ra hướng giữa lòng sông. L, Đ, D đuổi theo đến mép sông thì dừng lại, lúc này P đã bơi cách bờ được khoảng 05 mét nên L nhặt hai cục đá ném về phía P đang bơi. Đ, D cũng nhặt mỗi người một cục đá ném về hướng P. Do lòng sông rộng sâu, dưới lòng sông nhiều bùn, P đuối nước không bơi được nữa nên đã chìm xuống lòng sông. Thời điểm này là rằm trung thu trăng sáng, hai bên bờ kè sông Tiên đều có đèn điện chiếu sáng cả trên bờ và dưới lòng sông nên Đ, L và D nhìn thấy rõ P từ khi chạy xuống bờ kè, bơi ra sông rồi chìm xuống dưới lòng sông và không thấy nổi lên mặt nước.
Sau khi đứng đợi trên bờ khoảng 5, 6 phút, không nhìn thấy P nổi lên thì L nói với D, Đ: “Coi thử hắn đâu rồi bây, coi chừng hắn bị chuột rút hay mình ném đá trúng hắn chết là đi tù cả lũ”. Nghe vậy, D và L đi qua phía bờ sông bên xã T ngồi chờ khoảng 20 phút vẫn không thấy P bơi qua hay nổi lên mặt nước nên cả hai bỏ về. Còn Đ không đi cùng D và L qua bờ sông bên kia mà lên bờ rồi về nhà ngủ.
Đến ngày hôm sau tức 16/9/2016, gia đình Nguyễn Đình P không thấy P về nhà nên đi hỏi, tìm kiếm và biết được thông tin vào tối ngày 15/9/2016 P và nhóm bạn của mình đã xảy ra mâu thuẫn đánh nhau khu vực cầu C, sông Tiên nên bà Trần Thị L (mẹ P) đã làm đơn báo cáo đến Công an huyện T. Sau đó, gia đình cùng người thân, bạn bè của P, người dân và Công an huyện T tổ chức tìm kiếm tại khu vực gần cầu C nơi xảy ra vụ đánh nhau tối hôm trước. Đến khoảng 15h00’ ngày 16/9/2016 thì phát hiện Nguyễn Đình P đã chết, thi thể nằm dưới đáy sông Tiên, đoạn giữa cầu sông Tiên và cầu C, cách cầu C 140m. Sau đó, đến ngày 17/9/2016, Phạm Huỳnh Đ, Dương Vĩnh L, Lê Xuân D bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam bắt khẩn cấp.
Ngày 16/9/2016, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam ra Quyết định trưng cầu giám định số: 25/QĐ-PC45(Đ4) để xác định nguyên nhân chết của Nguyễn Đình P. Tại bản kết luận giám định pháp y số: 237/GĐPY.16, ngày 19/9/2016 của Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Nam mô tả các vùng pháp y: “Vùng trán chếch vệ; bên phải có khối sưng nề, thâm tím tụ máu trên diện dài 7cm, chỗ rộng nhất 4,5cm, ấn mềm; vùng mặt bên phải có dấu sưng nề, thâm tím tụ máu trên diện rộng; mi mắt trên mắt phải có dấu sưng nề, thâm tím tụ máu; hốc mắt mũi và ống tai hai bên bám dính nhiều bùn đất; các đầu ngón tay, ngón chân nhăn nheo và bám dính nhiều bùn đất,....” Và kết luận: “Nguyễn Đình P, sinh năm 1996, trú tại xã C, huyện T, tỉnh Quảng Nam đã chết và được phát hiện ngày 16/9/2016 tại lòng sông Tiên thuộc khối pho Bình Phước, thị trấn Xã K, huyên T, tỉnh Quảng Nam là do ngạt nước, suy hô hấp, trụy tuần hoàn không hôi phục”.
* Tại Bản án hình sự sơ thẩm 15/2017/HS-ST ngày 14/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã quyết định:
1/ Tuyên bố các bị cáo Phạm Huỳnh Đ, Lê Xuân D và Dương Vĩnh L phạm tội “Giết người”.
Áp dụng: Khoản 2 Điều 93; các điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009).
-Xử phạt: bị cáo Phạm Huỳnh Đ 07 (Bảy) năm tù; thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam (ngày 17/9/2016).
Áp dụng: Khoản 2 Điều 93; các điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật hình sự năm 1999 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009).
-Xử phạt: bị cáo Lê Xuân D 05 (Năm) năm tù; thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam (ngày 17/9/2016).
- Xử phạt: bị cáo Dương Vĩnh L 05 (Năm) năm tù; thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam (ngày 17/9/2016).
2/ Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009); Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015. Buộc các bị cáo có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho đại diện hợp pháp của bị hại như sau:
- Bị cáo Phạm Huỳnh Đ bồi thường số tiền là 49.465.000 đồng; bị cáo đã bồi thường số tiền 40.000.000 đồng; bị cáo còn tiếp tục bồi thường số tiền 9.465.000 đồng.
- Bị cáo Lê Xuân D có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tính mạng cho đại diện hợp pháp của bị hại số tiền là 45.500.000 đồng; bị cáo đã bồi thường số tiền 38.500.000 đồng; bị cáo còn tiếp tục bồi thường số tiền 7.000.000 đồng.
- Bị cáo Dương Vĩnh L có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tính mạng cho đại diện hợp pháp của bị hại số tiền là 45.500.000 đồng; bị cáo đã bồi thường xong.
Ngoài ra, bản án còn tuyên quyết định về phần án phí; quyền kháng cáo và xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật.
Sau khi án xử sơ thẩm, ngày 29/9/2017 các bị cáo Phạm Huỳnh Đ, Lê Xuân D, Dương Vĩnh L có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do: Án sơ thẩm xử phạt bị cáo Phạm Huỳnh Đ 7 năm tù; xử Lê Xuân D 5 năm tù và xử phạt Dương Vĩnh L 5 năm tù là quá nặng nên đề nghị được giảm nhẹ hình phạt. Ngày 29/9/2017, ông Nguyễn Đình  ( cha của người bị hại) có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Phạm Huỳnh Đ, Lê Xuân D, Dương Vĩnh L. Tại phiên tòa bị cáo, đại diện người bị hại vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo và nêu rõ lý do xin giảm nhẹ hình phạt là: Các bị cáo đã ăn năn hối cải, bị hại bị chết không phải do các bị cáo trực tiếp gây ra. Kiểm sát viên đề nghị chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, đại diện người bị hại, sửa Bản án sơ thẩm giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Sau khi nghe các bị cáo, đại diện người bị hại trình bày nội dung kháng cáo, quan điểm của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án và tranh luận tại phiên tòa. Sau khi thảo luận và nghị án.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
[1]. Theo lời khai của các các bị cáo và các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm thì có cơ sở để kết luận: Khoảng 21 giờ ngày 15/9/2016 khi tham gia giao thông tại khu vực Cầu C (Thuộc ranh giới giữa xã T với thị trấn Xã K, huyện T, tỉnh Quảng Nam) thì Phạm Huỳnh Đ, Lê Xuân D, Dương Vĩnh L với anh Nguyễn Văn P đã xảy ra cãi vã, xô xát với nhau. Phạm Huỳnh Đ, Lê Xuân D, Dương Vĩnh L bị anh Nguyễn Văn P dùng mũ bảo hiểm đánh (nhưng không gây thương tích) nên cả 3 người đã đuổi đánh anh P, bị đuổi đánh nên anh P chạy theo đường bờ kè, chui qua lan can bờ kè chạy thẳng xuống bờ sông rồi bơi ra hướng giữa dòng sông. Phạm Huỳnh Đ, Lê Xuân D và Dương Vĩnh L đuổi theo đến mép sông và khi thấy P bơi cách bờ được khoảng 5 mét thì mỗi người nhặt đá ném về phía P đang bơi. Do lòng sông rộng sâu, P không bơi được nên bị chìm xuống sông, chờ khoảng 5 đến 6 phút không thấy P nổi lên thì Phạm Huỳnh Đ về trước còn Lê Xuân D và Dương Vĩnh L cùng qua bên kia bờ sông nhưng không thấy P nên cũng đi về, khoảng 15 giờ ngày 16/9/2016 phát hiện thi thể phương nằm dưới đáy sông Tiên cách Cầu C 140m. Tại bản Kết luận giám định pháp y tử thi số 237/GĐPY.16 ngày 19/9/2016 của Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Nam kết luận: nguyên nhân tử vong của anh Nguyễn Đình P: “do ngạt nước, suy hô hấp, trụy tuần hoàn không hồi phục”. Với hành vi và hậu quả như trên, Bản án sơ thẩm số 15/2017/HS-ST ngày 14/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tuyên bố các bị cáo: Phạm Huỳnh Đ, Lê Xuân D và Dương Vĩnh L phạm tội: “Giết người”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
[2]. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo: Phạm Huỳnh Đ, Lê Xuân D và Dương Vĩnh L và đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo của đại diện người bị hại thì thấy: Theo lời khai của các bị cáo tại cơ quan Điều tra và trong suốt quá trình tố tụng cũng như tại phiên tòa phúc thẩm thì các bị cáo đều khai nhận rõ hành vi của mình như nhận định của Bản án sơ thẩm. Các bị cáo là những người cùng đuổi đánh anh P, bị đuổi đánh nên anh P phải chạy xuống sông, anh P bị ngạt nước chết là do hành vi của các bị cáo gây ra nên các bị cáo bị truy tố và xét xử về tội: “ Giết người ” là có căn cứ, đúng với hành vi và hậu quả mà các bị cáo đã gây ra. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, coi thường tính mạng của người khác, hậu quả các bị cáo gây ra là nghiêm trọng nhưng do người bị hại cũng có lỗi là dùng mũ bảo hiểm đánh các bị cáo nên hành vi phạm tội của các bị cáo bị xét xử theo tình tiết định khung được quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự có mức hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo, Bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây ra, nhân thân của từng bị cáo để cho các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự; đối với các bị cáo: Lê Xuân D và Dương Vĩnh L án sơ thẩm còn áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo: Phạm Huỳnh Đ 7 năm tù là mức hình phạt khởi điểm đầu khung; xử phạt các Lê Xuân D và Dương Vĩnh L mỗi bị cáo 5 năm tù là mức hình phạt dưới khung là không nặng đã tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo, đại diện người bị hại không có tình tiết nào mới để được xem xét giảm nhẹ hình phạt, vì vậy kháng cáo của bị cáo và đại diện người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo cũng như đề nghị của Kiếm sát viên tại phiên tòa Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[3]. Do đơn kháng cáo không được chấp nhận nên các bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Đại diện người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không xem xét.
Từ những nhận định trên.
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự.
Không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Phạm Huỳnh Đ, Lê Xuân D và Dương Vĩnh L và đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo của đại diện người bị hại. Giữ nguyên quyết định về hình phạt của Bản án hình sự sơ thẩm số 15/2017/HS-ST ngày 14/09/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam.
1. Áp dụng khoản 2 Điều 93; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 (áp dụng thêm Điều 47 đối với các bị cáo Lê Xuân D và Dương Vĩnh L) Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi 2009.
+ Xử phạt bị cáo Phạm Huỳnh Đ 7 ( bảy ) năm tù về tội: “ Giết người”. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 17 tháng 9 năm 2016.
+ Xử phạt bị cáo Lê Xuân D 5 ( năm ) năm tù về tội: “ Giết người”. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 17 tháng 9 năm 2016.
+ Xử phạt bị cáo Dương Vĩnh L 5 ( năm ) năm tù về tội: “ Giết người ”. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 17 tháng 9 năm 2016.
2. Các bị cáo: Phạm Huỳnh Đ, Lê Xuân D và Dương Vĩnh L mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm về: Trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí sơ thẩm, quy định về thi hành án, chậm thi hành án không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 52/2017/HS-PT ngày 25/12/2017 về tội giết người
Số hiệu: | 52/2017/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 25/12/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về