Bản án 51/2018/DS-PT ngày 20/03/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 51/2018/DS-PT NGÀY 20/03/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong các ngày 25 tháng 01 và ngày 20 tháng 3 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 94/2017/TLPT-DS ngày 10 tháng 7 năm 2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 21/2017/DS-ST ngày 22 tháng 5 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 176/2017/QĐ-PT ngày 29 tháng 8 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Bà Phùng Thị Xuân G, sinh năm 1965 (có mặt).

2. Bà Phùng Thị Xuân N, sinh năm 1969 (có mặt). Cùng địa chỉ: ấp M, xã H, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn M, sinh năm 1969, theo văn bản ủy quyền ngày 16/01/2018; địa chỉ: Ấp B, xã H, huyện G, tỉnh Kiên Giang (có mặt).

- Bị đơn:

1. Ông Lê Văn H, sinh năm 1930 (đã chết).

2. Chị Lê Thị T, sinh năm 1975 (vắng mặt).

Địa chỉ: Ấp B, xã L, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông H: Bà Phạm Thị T, sinh năm 1942; chị Lê Thị T1, sinh năm 1967; chị Lê Thị M; sinh năm 1977; chị Lê Thị L, sinh năm 1979; anh Lê Văn L, sinh năm 1984; chị Lê Thị Q, sinh năm 1962; anh Lê Văn T, sinh năm 1964; chị Lê Thị Đ, sinh năm 1963; chị Lê Thị T, sinh năm 1975; anh Lê Văn C, sinh năm 1972.

Người đại diện hợp pháp của người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông H và của chị Lê Thị T: Anh Lê Văn C, sinh năm 1972, theo văn bản ủy quyền ngày 13/10/2017 và ngày 12/9/2017; địa chỉ: Ấp Hòa B, xã L, huyện G, tỉnh Kiên Giang (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Trần Văn T – Văn phòng luật sư Đường Vân T, thuộc đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. NLQ1 (có đơn xin xét xử vắng mặt)

2. NLQ2 (có mặt).

Cùng địa chỉ: ấp B, xã L, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

3. NLQ3 (có đơn xin xét xử vắng mặt).

- Người kháng cáo: Bà Phùng Thị Xuân G, bà Phùng Thị Xuân N – là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn bà Phùng Thị Xuân N, bà Phùng Thị Xuân G trình bày:

Nguồn gốc phần đất tranh chấp là của mẹ bà là Trương Thị M gồm có 03 thửa: Thửa 255 diện tích 2.250m2; thửa 256 diện tích 3.355m2 và thửa 262 diện tích 7.312m2. Tổng diện tích 12.917m2, nhưng qua đo đạc thực tế là 14.643m2, cùng tờ bản đồ số 14 tọa lạc ấp B, xã L, huyện G, mẹ bà canh tác từ năm 1962 đến năm 1975 gia đình chuyển về xã H, huyện G nhưng vẫn canh tác phần đất này. Năm 1983, Nhà nước có chủ trương đưa đất vào tập đoàn nên bị cắt xâm canh về xã H nhận đất, tập đoàn khoán phần đất này cho ông Lê Văn H sản xuất, khi tập đoàn giải thể vào năm 1989 – 1990 mẹ bà làm đơn xin lại đất gốc nhưng chưa được giải quyết. Theo biên bản hòa giải ngày 11/12/2008 của Ủy ban nhân dân xã L giải quyết các thửa đất nói trên thuộc quyền sử dụng của mẹ bà. Ngày 25/12/2009 Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện G có tổ chức hòa giải giữa các bên nhưng không thành. Vụ việc chưa được giải quyết thì ông H đã làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho con gái là chị Lê Thị T phần đất 7.312m2 nằm trong tổng diện tích 14.643m2.

Nay hai bà yêu cầu ông Lê Văn H, chị Lê Thị T phải trả lại cho hai bà các thửa đất 255; thửa 256; thửa 262 có tổng diện tích 14.463m2. Đồng thời hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 262 diện tích 7.312m2 đã cấp cho chị T.

Bị đơn ông Lê Văn H trình bày: Vào năm 1960 ông Lê văn H (Tư H) có cho ông ở đậu và mượn 05 công đất nông Nghiệp để canh tác. Năm 1962, gia đình Tư H có mâu thuẫn nhà kế bên dẫn đến sợ thù oán nên ông Tư H sang phần đất này cho ông có diện tích khoảng 15 công có đất vườn và đất ruộng với giá 140 giạ lúa, việc thỏa thuận này ở địa phương có nhiều người biết. Gia đình ông canh tác đến năm 1968 do chiến tranh ác liệt và ông đã tham gia cách mạng nên bỏ đất một thời gian và bà M vào bao chiếm. Đến năm 1971, ông về đòi lại đất thì mới xảy ra tranh chấp và chính quyền cũ giải quyết đất thuộc quyền sử dụng của bà M. Đến năm 1975, hòa bình lập lại ông đã lấy lại phần đất này và chính quyền địa phương có cấp cho bà M 10 công đất thuộc Kinh Hội Đồng Thơm cùng ấp với ông. Đến khoảng năm 2002 – 2003, thì bà M sang lại cho người em dâu (không rõ tên ở gần chợ 12 xã H1). Năm 1983, Nhà nước có chủ trương đưa đất vào tập đoàn và ông đã đưa đất vào tập đoàn, sau khi tập đoàn giải thể ông đã được cấp lại phần đất này. Đến năm 1993, ông cho con gái Lê Thị T diện tích 7.312m2 ở Kênh Sáu Thước và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần còn lại ông sản xuất cho đến nay.

Bị đơn chị Lê Thị T trình bày: Năm 1993 cha mẹ là ông H, NLQ1 có cho chị phần đất diện tích 7.312m2 tại kênh Sáu Thước, thuộc ấp B, xã L, huyện G. Chị canh tác được 10 năm và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên chị đã giao lại phần đất này cho em là NLQ2 canh tác để lo cho con chị ăn học. Nay chị không đồng ý theo yêu cầu đòi đất và hủy giấy của nguyên đơn.

NLQ2 trình bày: Đất này là do cha anh sang của ông Lê Văn H (chết) hơn 60 năm nay. Cha anh và chị T giao cho anh canh tác phần đất này, mọi quyết định đều do cha anh và chị T quyết định.

NLQ1 trình bày: Thống nhất theo lời trình bày của ông H, chị T.

NLQ3, đại diện ông Võ Tùng trình bày: Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chị Lê Thị T là đúng vì chị T là con của ông H sử dụng ổn định phần đất và được ông H cho đất. Năm 1995, chị T đến Ủy ban nhân dân xã H1 (nay là xã L) kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hội đồng xét duyệt cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của xã thống nhất đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất cho chị T và được Ủy ban nhân dân huyện G cấp ngày 18/9/1995 là thửa đất 262, tờ bản đồ số 14, diện tích 7.312m2, còn hai thửa đất của ông H đang sử dụng ổn định và đứng tên trong sổ mục kê thì có đủ điều kiện cấp giấy cho ông H hai thửa này theo Điều 26 Luật đất đai năm 2013.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2017/DS-ST ngày 22 tháng 5 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

Bác toàn bộ yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Phùng Thị Xuân G và bà Phùng Thị Xuân N.

Giữ nguyên hiện trạng sử dụng thửa đất số 256, tờ bản đồ số 14, diện tích 3.720,8m2 và thửa đất 255, tờ bản đồ số 14, diện tích 2.250,0m2 của ông Lê Văn H.

Ông H có quyền đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định về pháp luật đất đai.

Giữ nguyên hiện trạng quyền sử dụng đất số 262, tờ bản đồ số 14, diện tích 8.669,3 m2 của chị Lê Thị T. Chị T có quyền đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh diện tích theo Giấy chứng nhận được cấp cho phù hợp với diện tích đo thực tế.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí đo đạc, lệ phí đo vẽ và báo quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 05 tháng 6 năm 2017 nguyên đơn bà Phùng Thị Xuân G, bà Phùng Thị Xuân N kháng cáo với nội dung:

Kháng cáo đối với bản án sơ thẩm số: 21/2017/DS-ST ngày 22/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang. Đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giải quyết buộc ông Lê Văn H, chị Lê Thị T trả lại phần đất bao chiếm có diện tích 14.642m2 cho gia đình hai bà.

Ngày 21 tháng 12 năm 2017 bà Phùng Thị Xuân G, bà Phùng Thị Xuân N thay đổi nội dung kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm số 22/2017/DS-ST, ngày 22/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện G; xác minh và thẩm định lại từng nội dung, nguồn gốc đất của bà Trương Thị M; buộc ông H, chị T phải bồi thường thiệt hại cho chị em bà mỗi năm 10.000.000 đồng, tính từ thời hạn bao chiếm năm 1990 đến ngày Tòa án xét xử. Tại phiên tòa phúc thẩm bà G, bà N yêu cầu phía bị đơn trả lại diện tích đất 14.642m2, không yêu cầu ông H, chị T bồi thường mỗi năm 10.000.000 đồng từ thời bao chiếm năm 1990 đến ngày Tòa án xét xử.

Người đại diện của bị đơn ông C không đồng ý nội dung đơn kháng cáo của nguyên đơn, đề nghị Hội đồng phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm. Luật sư bảo vệ quyền lợi của bị đơn cho rằng về chứng cứ: Bà V, bà T là người làm chứng, hai người này là cháu bà Mười, đồng thời có mâu thuẫn với bị đơn, do đó bà T và bà V là người làm chứng không khách quan. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện Kiểm sát phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm và các đương sự từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm nghị án đã thực hiện và chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn bà G, bà N, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét, thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, của nguyên đơn, bị đơn và người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Viện kiểm sát nhân dân huyện G kiến nghị cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng không tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định. Xét thấy, theo quy định tại khoản 1 Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự. Đồng thời, theo Điều 208 của Bộ luật Tố tụng dân sự Thẩm phán phải tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự, nhưng cấp sơ thẩm không tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự là có sai sót, kiến nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ. Tuy nhiên, việc sai sót này không làm ảnh hưởng đến nội dung vụ án, nên cần nhắc nhở cấp sơ thẩm để rút kinh nghiệm.

Sau khi xét xử sơ thẩm ngày 06 tháng 6 năm 2017, bà Phùng Thị Xuân G, bà Phùng Thị Xuân N kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm buộc ông Lê Văn H phải trả lại phần đất bao chiếm diện tích 14.642m2. Đến ngày 21 tháng 12 năm 2017, bà G, bà N có đơn kháng cáo bổ sung đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm số 22/2017/DS-ST ngày 22/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện G; xác minh và thẩm định lại từng nội dung, nguồn gốc đất của bà Trương Thị M; buộc cha con ông H, bà T phải bồi thường thiệt hại cho bà G, bà N bà mỗi năm 10.000.000 đồng, tính từ thời hạn bao chiếm năm 1990 đến ngày Tòa án xét xử. Xét thấy, thời điểm kháng cáo bổ sung của bà N, bà Xuân đã hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Hơn nữa nội dung kháng cáo bổ sung của bà G, bà N căn cứ vào Điều 284 vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu, việc kháng cáo bổ sung không nằm trong trường hợp trở ngại khách quan, hay trường hợp bất khả kháng, nên Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu kháng cáo bổ sung của bà G, bà N là không có cơ sở chấp nhận.

[2] Về nội dung: Nguồn gốc phần đất tranh chấp theo nguyên đơn cho rằng của bà Trương Thị M và gia đình nguyên đơn đã đưa phần đất này vào tập đoàn khi có chủ trương của Nhà nước. Bị đơn cho rằng phần đất tranh chấp nhận chuyển nhượng của ông Tư H, khi Nhà nước có chủ trương ông là người đưa đất vào tập đoàn. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy, theo người làm chứng đều xác định phần đất tranh chấp có nguồn gốc là của ông Tư H chuyển nhượng lại cho ông H, khi đưa đất vào tập đoàn là ông H đưa và khi tập đoàn giải thể thì tập đoàn đã cấp lại cho ông H sử dụng cho đến nay. Tại Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành lấy lời khai của người làm chứng, người biết sự việc như các ông Lâm Văn C, ông Nguyễn Văn Đ, ông Nguyễn Văn H, ông Phan Văn T, ông Trần Văn M, ông Phạm Văn S (bút lục số 87, 93, 90, 102, 94, 109, 95, 115, 119) cùng xác nhận vào năm 1962 ông H có sang đất của ông Tư H 15 công tầm 3m, lời khai trên phù hợp với “tờ sang đất” năm 1962 (bút lục số 173).

[3] Tại Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành xác minh ngày 01/3/2018 bà Nguyễn Thị V xác định cha bà là ông Nguyễn Văn K cho đất bà M nhưng lời khai của ông K không thể hiện, còn những lời khai ông Trần Hồng H, ông Võ Hoàng H, ông Lê Thanh B, bà Lê Thị C, bà Nguyễn Thị T, ông Lê Văn V cho rằng bà M đưa đất vào tập đoàn năm 1983 nhưng bà M xác định ông H canh tác phần đất năm 1975 đến nay, mặt khác bà T và bà V là cháu ruột của bà M, do đó lời khai của người làm chứng là thiếu khách quan và không trung thực.

Theo Công văn số 129/UBND-TNMT ngày 11/5/2017 của Ủy ban nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang xác định nguồn gốc đất là của ông Tư H, bỏ đi nơi khác sinh sống, không sử dụng, ông Nguyễn Văn K vào khai phá sử dụng và cho bà Trương Thị M sử dụng liên tục, khi Nhà nước có chủ trương bà M là người đưa đất vào tập đoàn, tập đoàn khoán lại cho ông H sản xuất, ông H nhận đất sản xuất liên tục đến năm 1993, cho lại con gái là chị T một phần diện tích 7.312m2. Mặc dù, nguồn gốc của mẹ nguyên đơn, nguyên đơn thừa nhận năm 1983, gia đình nguyên

đơn đưa phần đất tranh chấp vào tập đoàn sản xuất, do Nhà nước quản lý theo chính sách cải tạo đất đai. Từ thời điểm Nhà nước quản lý thì gia đình bà Mười không còn quyền sử dụng với phần đất này nữa. Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật đất đai năm 2003; “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa  Việt Nam”.

Theo tại tiểu  mục 2.4 mục 2 phần II của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP, ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: “Giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất trong trường hợp đất đã được đưa vào tập đoàn sản xuất, hợp tác xã mà sau đó tập đoàn sản xuất, hợp tác xã đã bị giải thể.

Đối với đất đã được cá nhân, tổ chức đưa vào tập đoàn sản xuất, hợp tác xã để sử dụng chung trong quá trình thực hiện chính sách hợp tác hoá nông nghiệp mà sau khi tập đoàn sản xuất, hợp tác xã bị giải thể thì căn cứ vào quy định tại Điều 1 của Luật Đất đai năm 1987, khoản 2 Điều 2 của Luật Đất đai năm 1993 và khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003 cần phân biệt như sau:

Chủ cũ hoặc người thừa kế của người đó không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất nếu đất đó đã được giao cho người khác sử dụng và họ đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, trừ trường hợp có căn cứ chứng minh người đang sử dụng đất đó có hành vi gian dối, lừa đảo... để được giao quyền sử dụng đất.

Chủ cũ hoặc người thừa kế của người đó có quyền đòi lại quyền sử dụng đất hoặc giá trị quyền sử dụng đất khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

Đất không bị Nhà nước quản lý trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Chủ cũ có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003;

Người đang sử dụng đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 và cũng không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 vì lý do người đó sử dụng đất là ở nhờ, mượn, thuê, lấn, chiếm đất hoặc bằng các giao dịch dân sự khác trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”. Từ đó, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm áp dụng Điều 100 của Luật đất đai năm 2013 để giải quyết vụ án là chưa đủ mà cần phải áp dụng thêm Luật đất đai năm 2003 để căn cứ giải quyết vụ án cho phù hợp, nên cấp phúc thẩm áp dụng thêm Luật đất đai năm 2003.

Từ những nhận định trên Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, nghị nên chấp nhận lời đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Về án phí phúc thẩm: Bà Phùng Thị Xuân G, bà Phùng Thị Xuân N phải chịu 300.000 đồng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Áp dụng Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 2 Điều 10 Luật đất đai năm 2003, khoản 5 Điều 26, Điều 100 của Luật đất đai năm 2013; Tiểu mục 2.4 Mục 2 Phần II Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; khoản 1 Điều 29, Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo bà Phùng Thị Xuân G, bà Phùng Thị Xuân N.

2. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2017/DS-ST ngày 22/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Bác toàn bộ yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Phùng Thị Xuân N, bà Phùng Thị Xuân G.

Giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất thửa 256, tờ bản đồ số 14, diện tích 3.720,8m2 và thửa 255, tờ bản đồ số 14, diện tích 2.250m2 của ông Lê Văn H. Ông H (đã chết) người thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông H đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định về pháp luật đất đai.

Giữ nguyên hiện trạng quyền sử dụng thửa đất số 262, tờ bản đồ số 14, diện tích 8.669,3m2  của chị Lê Thị T. Chị T có quyền đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh diện tích theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho phù hợp với diện tích đo đạc thực tế.

3. Về án phí

- Án phí sơ thẩm: Bà Phùng Thị Xuân G, bà Phùng Thị Xuân N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 400.000 đồng, nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 5.500.000 đồng, theo biên lai thu số 004240 ngày 17/5/2010 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G, tỉnh Kiên Giang; bà G, bà N còn được nhận lại 5.100.000 đồng (năm triệu một trăm nghìn đồng).

- Án phí phúc thẩm: Bà Phùng Thị Xuân G, bà Phùng Thị Xuân N phải chịu án phí dân sự phúc thẩm 300.000 đồng, nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 300.000 đồng theo biên lai thu số 0007961 ngày 08/6/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G, tỉnh Kiên Giang; bà N, bà G không phải nộp thêm án phí phúc thẩm.

4. Về chi phí tố tụng khác: Chi phí đo vẽ bà G, bà N phải chịu và đã nộp đủ. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

473
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 51/2018/DS-PT ngày 20/03/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:51/2018/DS-PT 
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 20/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về