TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
BẢN ÁN 50/2018/DS-PT NGÀY 19/09/2018 VỀ YÊU CẦU THAY ĐỔI NGƯỜI NUÔI CON CHUNG SAU LY HÔN
Ngày 19 tháng 9 năm 2018, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 47/2018/TLPT-HNGĐ ngày 23 tháng 07 năm 2018 về “Yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con chung sau khi ly hôn”
Do bản án dân sự số: 13/2018/HNGĐ-ST ngày 29 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 43/2018/QĐPT-DS ngày 21 tháng 8 năm 2018 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị S, sinh năm 1982
Địa chỉ: thôn V, xã B, huyện Q, tỉnh Bắc Ninh (Có mặt)
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Đình D, sinh năm 1947
Địa chỉ: thôn V, xã B, huyện Q, tỉnh Bắc Ninh (Có mặt)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Lại Xuân C, Văn phòng Luật sư Q, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (Có mặt).
Bị đơn: Anh Nguyễn Văn H, sinh năm 1985 (Có mặt) STQ: thôn B, xã B, huyện Q, tỉnh Bắc Ninh.
Người kháng cáo: Chị Nguyễn Thị S, sinh năm 1982
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì nội dung vụ án như sau:
Chị Nguyễn Thị S kết hôn với anh Nguyễn Văn H từ năm 2009, vợ chồng chung sống đã có 02 con chung là các cháu Nguyễn Văn T, sinh ngày 09/3/2011 và cháu Nguyễn Văn H1 sinh ngày 04/01/2013. Do vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng nên năm 2017 chị S đã có yêu cầu ly hôn anh H. Tại bản án phúc thẩm số 07/2017/HNGĐ-PT ngày 25/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã xử cho chị S được ly hôn anh H, về con chung Tòa án đã giao cháu T cho anh H, giao cháu H1 cho chị S trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.
Đại diện theo ủy quyền của chị S là ông D trình bày: Sau khi ly hôn, anh H đã giữ không cho chị S chăm sóc cháu H1 một thời gian, quá trình chăm nuôi con chung anh H cũng không tạo điều kiện để chị S có cơ hội thăm nom cháu T. Bản thân anh H là người tàn tật không có thu nhập mà chỉ có tiền trợ cấp người tàn tật của xã nên anh H không có khả năng chăm sóc cho cháu T. Cháu T đi học không có tiến bộ, học tập sa sút, kém. Anh H cũng không được học hành đến nơi đến trốn, chỉ mới học hết lớp 1 nên không có khả năng bảo ban, giáo dục con. Về phía chị S, chị S có điều kiện tốt để chăm con, chị S đi làm có thu nhập cao, có điều kiện chăm con nên chị S đề nghị Tòa án giải quyết việc thay đổi người nuôi con. Chị đề nghị được trực tiếp nuôi cả cháu T và cháu H1, nếu được chấp nhận yêu cầu nuôi con thì chị S cũng không yêu cầu anh H phải cấp dưỡng nuôi con chung cùng với chị.
Anh H trình bày: Sau khi ly hôn, anh và gia đình đã chăm lo cho cháu T đầy đủ, chu đáo. Cháu T được cho đi học và đảm bảo các điều kiện khác để học hành và trưởng thành. Bản thân anh và gia đình cũng không khó khăn gì trong việc để chị S thăm nom cháu T, chỉ là muốn việc thăm nom được nhẹ nhàng, không ảnh hưởng tới sự phát triển của cháu. Tuy nhiên, nhiều khi chị S vẫn làm to chuyện, làm ảnh hưởng đến tâm lý của cháu. Anh tuy khuyết tật nhưng vẫn lao động được, vẫn chăn nuôi ở nhà được và cũng có đi phụ hồ làm thêm để có thu nhập. Bản thân anh hiện đang ở với bố mẹ mà không ở cùng với ai khác, bố mẹ anh còn khỏe có khả năng giúp anh trong việc chăm con. Cháu T vẫn được chăm sóc chu đáo. Điều kiện của anh hiện nay cũng không khác gì so với năm 2017 nên anh không nhất trí với yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con chung.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị S trình bày:
Anh H trình bày là có đi làm phụ hồ với mức thu nhập khoảng 200.000đ/ngày nhưng không có căn cứ để chứng minh. Bản thân anh là người tàn tật phải nhận trợ cấp của Ủy ban nhân dân xã B với mức trợ cấp thấp, chỉ mấy trăm ngàn đồng/tháng. Anh H trong quá trình giải quyết việc ly hôn trước đây khai mới chỉ học hết lớp 1 thì không đủ kiến thức để dạy con cái học tập. Cháu T hiện nay học rất kém, không được lên lớp mà phải ở lại lớp 1 như học bạ nhà trường nơi cháu học đã cung cấp. Phía chị S đi làm có thu nhập cao, với sự giúp đỡ của ông bà ngoại thì chị S hoàn toàn có thể chăm lo cho con tốt.
Với nội dung trên tại bản án sơ thẩm số 13/2018/HNGĐ-ST ngày 29/5/2018 của Toà án nhân dân huyện Quế Võ đã xử:
Căn cứ các Điều 81, 84 Luật hôn nhân và gia đình, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án tuyên xử:
Không chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con chung sau khi ly hôn của chị Nguyễn Thị S. Anh Nguyễn Văn H tiếp tục được trực tiếp nuôi cháu Nguyễn Văn T, sinh ngày 09/3/2011 như quyết định của bản án phúc thẩm số 07/2017/HNGĐ-PT ngày 25/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về phần án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 04/6/2018, chị S kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Chị Nguyễn Thị S giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, không thay đổi bổ sung kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa kể từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm Hội đồng xét xử vào nghị án đảm bảo đúng quy định của pháp luật; về việc chấp hành pháp luật của nguyên đơn, bị đơn đều đảm bảo thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Về nội dung: Tại bản án phúc thẩm số 07/2017/HNGĐ-PT ngày 25/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã xét xử việc ly hôn giữa chị Nguyễn Thị S với anh Nguyễn Văn H trong đó đã giao cho mỗi người nuôi 01 con chung. Xét điều kiện để chăm con thì thấy anh H và bố mẹ anh H cũng có điều kiện để chăm sóc cho cháu T. Chính vì vậy, bản án sơ thẩm số 13/2018/HNGĐ-ST ngày 29/5/2018 của Toà án nhân dân huyện Quế Võ đã không chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con chung sau khi ly hôn của chị Nguyễn Thị S là có căn cứ. Do đó, không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của chị Nguyễn Thị S về việc thay đổi nuôi con và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng Khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào ý kiến của các bên đương sự, ý kiến của Luật sư, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, sau khi thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng:
Đơn kháng cáo của chị Nguyễn Thị S kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định và đã nộp tiền án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, do vậy kháng cáo của chị S là hợp lệ.
[2] Về nội dung:
Xét kháng cáo xin được nuôi con chung của chị Nguyễn Thị S.
Tại phiên tòa phúc thẩm, cả chị S và anh H đều có nguyện vọng được nuôi con chung là cháu Nguyễn Văn T, sinh ngày 09/3/2011. Việc mong muốn được trực tiếp, nuôi dưỡng con là nguyện vọng chính đáng của các bên đương sự. Tuy nhiên việc giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng phải căn cứ vào quyền lợi về nhiều mặt nhằm đảm bảo tốt nhất cho con. Khi xét xử việc ly hôn giữa anh H và chị S năm 2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã giao cho mỗi người nuôi 01 con chung là đã đánh giá toàn bộ các yếu tố điều kiện của cả chị S và anh H. Điều kiện chăm nuôi con của anh H hiện nay cũng không khác gì với thời điểm năm 2017. Anh H hiện đang ở với bố mẹ đẻ, có nhà cửa, có chỗ ăn ở ổn định. Mặc dù tàn tật nhưng anh H vẫn có thể lao động để nuôi sống và chăm lo cho bản thân. Cháu T vẫn được gia đình anh H chăm sóc, cho đi học đầy đủ. Phía nhà trường nơi cháu học tập cung cấp thông tin thì cháu T cũng đang học tập ổn định, cháu được bố và ông bà nội chăm lo đầy đủ. Bản thân cháu T cũng có nguyện vọng ở với anh H.
Chị S cho rằng gia đình anh H ngăn cản không cho chị thăm nom cháu T nhưng chị không có căn cứ nào khác ngoài lời trình bày của mình. Nếu chị cho rằng anh H không cho chị đến thăm con thì chị có thể báo chính quyền địa phương nơi anh H cư trú để lập biên bản về việc này. Do đó, với lý do nêu trên của chị S là không có cơ sở chấp nhận.
Xem xét điều kiện, hoàn cảnh thực tế thì việc giao cháu T cho anh H là phù hợp, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho cháu và tránh xáo trộn sinh hoạt của cháu T. Chính vì vậy, bản án sơ thẩm số 13/2018/HNGĐ-ST ngày 29/5/2018 của Toà án nhân dân huyện Quế Võ đã không chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con chung sau khi ly hôn của chị Nguyễn Thị S là có căn cứ.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử thấy: Không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của chị Nguyễn Thị S. Giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên chị Nguyễn Thị S phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Điều 148, khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; giữ nguyên án sơ thẩm xử.
Áp dụng các Điều 81, 84 Luật hôn nhân và gia đình;
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về phí, lệ phí; tuyên xử:
Không chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con chung sau khi ly hôn của chị Nguyễn Thị S. Anh Nguyễn Văn H tiếp tục được trực tiếp nuôi cháu Nguyễn Văn T, sinh ngày 09/3/2011.
Về án phí:
Chị Nguyễn Thị S phải chịu 300.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm và 300.000đ tiền án phí dân sự phúc thẩm. Xác nhận chị S đã nộp tạm ứng án phí án phí sơ thẩm tại Biên lai số 0002581 ngày 20/3/2018 và tạm ứng án phí phúc thẩm tại Biên lai số AA/2017/0002657 ngày 04/6/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quế Võ.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 50/2018/DS-PT ngày 19/09/2018 về yêu cầu thay đổi người nuôi con chung sau ly hôn
Số hiệu: | 50/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Ninh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 19/09/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về