Bản án 49/2018/HS-PT ngày 09/08/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

BẢN ÁN 49/2018/HS-PT NGÀY 09/08/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 09 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 37/2018/TLPT-HS ngày 20 tháng 6 năm 2018 đối với bị cáo Phạm Văn D do có kháng cáo của bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 06/2018/HS-ST ngày 17 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Bến Tre.

- Bị cáo bị kháng cáo: Phạm Văn D (Mười D), sinh năm 1966 tại tỉnh Bến Tre; nơi cư trú: ấp A, xã T, huyện M, tỉnh Bến Tre; nghề nghiệp: làm vườn; trình độ văn hóa: 8/12; dân tộc: kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn T (chết) và bà Dương Thị X; vợ Nguyễn Thị K; có 01 con sinh năm 1988; tiền án: không; tiền sự: không; bị cáo tại ngoại (có mặt).

- Bị hại có kháng cáo: Ông Phan Văn L, sinh năm 1969; nơi cư trú: ấp Tân Ngãi, xã Thạnh Ngãi, huyện M, tỉnh Bến Tre; nghề nghiệp: làm vườn; (có mặt)

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Ông Luật sư Phạm Chí T – Văn phòng Luật sư Phạm Chí T thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre; (có đơn xin xét xử vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do bực tức chuyện cá nhân xảy ra trước đó nên vào khoảng 23 giờ 30 phút ngày 17/8/2016, Phạm Văn D cầm một đoạn gỗ dừa cứng, chắc đến nhà ông Phan Văn L ở ấp A, xã T, huyện M, tỉnh Bến Tre để tìm đánh ông L. Khi vào nhà thấy ông L đang ngủ trong phòng một mình, D dùng cây đánh vào hông trái ông L một cái rồi bỏ chạy. Ông L không biết ai đánh nên chạy theo ra trước sân thì D quay lại tiếp tục đánh ông L nhiều cái, ông L đưa tay trái lên đỡ nên bị đánh trúng bàn tay trái. L kêu “Mai ơi tao bị đánh”, nghe vậy Phạm Văn D bỏ chạy và vứt bỏ đoạn gỗ cặp đường đi, cách hiện trường khoảng 08m. L được ông Phan Văn M đưa về nhà của ông M, tại đây L kể cho ông M nghe là bị D đánh. Ngày 18/8/2016, L đến công an xã Thạnh Ngãi trình báo sự việc và điều trị vết thương tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Vật chứng thu giữ: 01 đoạn gỗ dừa dài 80cm, một đầu có đường kính 3,5cm, một đầu còn lại có đường kính 05cm; 01 cây mũi chỉa dừa có tổng chiều dài 3,05m, phần cán bằng gỗ tre dài 2,84m, một đầu đường kính 2,5cm, đầu còn lại đường kính 3cm có gắn lưỡi bằng kim loại, phần lưỡi có phần nhọn dài 21cm, rộng 0,4cm và phần dạng lưỡi liềm dài 20cm, rộng 2,5cm.

Ngày 21/4/2017, Phan Văn L có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.

Tại bản kết luận giám định về pháp y số 70/17/TgT, ngày 7/7/2017 của Phân viện Pháp y Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích của Phan Văn L là 10%.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích bổ sung số 06BS/18/TgT ngày 28/12/2017 của Phân viện Pháp y Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận bổ sung đối với Phan Văn L: thương tích gây gãy xương bàn ngón V bàn tay trái và gãy đốt 01 ngón V bàn tay trái đối với L do vật tày tác động trực tiếp vào bàn tay trái theo hướng từ phía ngoài lòng bàn tay vào trong bàn tay gây ra.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 06/2018/HS-ST ngày 17-5-2018 của Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Bến Tre đã tuyên bố bị cáo Phạm Văn D phạm “Tội cố ý gây thương tích”;

Áp dụng điểm a, i khoản 1 Điều 134, điểm b, i, s khoản 1 khoản 2 Điều 51; Điều 36 của Bộ luật Hình sự năm 2015 . Xử phạt bị cáo Phạm Văn D 01 năm 03 tháng cải tạo không giam giữ. Thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày UBND xã T, huyện M, tỉnh Bến Tre là cơ quan được giao giám sát, giáo dục bị cáo nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Áp dụng Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Điều 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015: buộc bị cáo Phạm Văn D phải bồi thường cho bị hại Phan Văn L gồm: tiền chi phí điều trị 1.261.000 đồng; tiền chi phí đi lại điều trị 200.000 đồng; tiền ăn trong thời gian điều trị 400.000 đồng; tiền mất thu nhập 6.000.000 đồng; tiền tổn thất tinh thần 10.000.000 đồng. Tổng cộng số tiền bị cáo phải bồi thường là 17.861.000 đồng. Ghi nhận bị cáo đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện M, tỉnh Bến Tre số tiền 7.261.000 đồng theo biên lai thu số 0007516 ngày 12/4/2018; tiếp tục tạm giữ số tiền nêu trên để đảm bảo thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về phần xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 28/5/2018, bị hại Phan Văn L kháng cáo yêu cầu xử phạt tù có thời hạn đối với bị cáo; tăng số tiền mất thu nhập và tiền tổn thất tinh thần.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đề nghị: căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 và Điều 357 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại và sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự: xử phạt bị cáo Phạm Văn D 01 năm 03 tháng cải tạo không giam giữ về “Tội cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a, i khoản 1 Điều 134; điểm b, i, s khoản 1 khoản 2 Điều 51; Điều 36 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Về trách nhiệm dân sự: buộc bị cáo bồi thường cho bị hại với tổng số tiền 21.761.000 đồng gồm tiền chi phí điều trị 1.261.000 đồng; tiền chi phí đi lại điều trị 200.000 đồng; tiền ăn trong thời gian điều trị 400.000 đồng; tiền mất thu nhập 6.000.000 đồng; tiền tổn thất tinh thần 13.900.000 đồng.

Bị hại và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại yêu cầu áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với bị cáo và yêu cầu bị cáo bồi thường tiền mất thu nhập là 36.000.000 đồng và tiền tổn thất tinh thần là 18.750.000 đồng. Các phần dân sự khác đồng ý như bản án sơ thẩm.

Bị cáo nói lời sau cùng đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt và đồng ý bồi thường thêm tiền bù đấp tổn thất tinh thần theo đề nghị của Viện kiểm sát.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào hành vi của bị cáo Phạm Văn D vào đêm 17 rạng sáng 18/8/2016, đã đột nhập vào nhà ông Phan Văn L, sử dụng đoạn gỗ dừa cứng, chắc dài 80cm đánh trúng vào người và tay của ông L gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích là 10% . Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết bị cáo phạm “Tội cố ý gây thương tích” với hai tình tiết định khung “dùng hung khí nguy hiểm” và “có tính chất côn đồ”. Tuy nhiên, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo phạm vào điểm a, i khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là không đúng, bởi lẽ, hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 01/01/2018 tức là ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, đồng thời Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác theo Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định hình phạt nặng hơn Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Vì vậy, căn cứ vào Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội và Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì bị cáo phạm vào điểm a, i khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm cho thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã kết án đối với bị cáo D là đúng quy định pháp luật, không oan, sai.

[2] Xét kháng cáo của bị hại yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với bị cáo, thấy rằng: Tòa án cấp sơ thẩm đã cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng như bị cáo có nhân thân tốt, không tiền án tiền sự;

thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; chủ động nộp một phần tiền để bồi thường cho bị hại; bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo có cha ruột được Nhà nước tặng thưởng Bằng khen vì đã có công sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Huy chương kháng chiến hạng Nhất; bản thân bị cáo được Ủy ban nhân dân xã Thạnh Ngãi tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới để xử phạt bị cáo 01 năm 03 tháng cải tạo không giam giữ là chưa phù hợp với quy định pháp luật, chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, bỡi lẽ: sự việc tranh chấp đất đai giữa bị cáo và bị hại cách ngày xảy ra vụ án khoảng 4 đến 5 năm và đã được giải quyết xong, song trong đêm khuya bị cáo đã quyết tâm gây thương tích cho bị hại nên đã sử dụng đoạn gỗ dừa đột nhập vào bên trong nhà bị hại và đánh vào người bị hại trong lúc bị hại đang ngủ. Khi bị hại chạy ra trước sân nhà thì bị cáo tiếp tục vung cây đánh tiếp nhiều cái vào cơ thể bị hại gây thương tích. Điều đó cho thấy, hành vi của bị cáo thể hiện rõ bản tính hung hăn, côn đồ, quyết tâm gây thương tích cho bị hại được thể hiện qua hành động dùng đoạn gỗ dừa đánh nhiều cái vào người bị hại. Tòa án cấp sơ thẩm quá chú trọng vào các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà chưa xem xét đến tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội để áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là không đúng. Đồng thời, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp có tính chất côn đồ; đối chiếu với điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì trong trường hợp này bị cáo cũng không được hưởng án treo, thế nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là loại hình phạt nhẹ hơn là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật được quy định trong Bộ luật Hình sự. Vì vậy, kháng cáo của bị hại và đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại áp dụng hình phạt tù có thời hạn là có căn cứ nên được chấp nhận, sửa bản án sơ thẩm theo hướng áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo.

Đối với quan điểm của Kiểm sát viên đề nghị xử phạt bị cáo Phạm Văn D 01 năm 03 tháng cải tạo không giam giữ là chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra và không đúng với Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên không được chấp nhận.

[3] Về phần trách nhiệm dân sự: Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc bị cáo bồi thường cho bị hại các khoản: tiền chi phí điều trị 1.261.000 đồng; tiền chi phí đi lại điều trị 200.000 đồng; tiền ăn trong thời gian điều trị 400.000 đồng; tiền mất thu nhập 6.000.000 đồng; tiền tổn thất tinh thần 10.000.000 đồng. Bị cáo kháng cáo yêu cầu tăng tiền mất thu nhập trong thời gian không lao động được là 06 tháng x 6.000.000 đồng/tháng = 36.000.000 đồng và tăng tiền bù đấp tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm là 15 tháng x 1.250.000 đồng/tháng = 18.750.000 đồng.

Xét thấy, bị cáo có nghề nghiệp làm vườn mà chủ yếu làm nghề ghép cây giống, trong khi thương tích của bị hại bị gãy xương bàn ngón V bàn tay trái và gãy đốt 01 ngón V bàn tay trái nên gây ảnh hưởng lớn đến khả năng lao động liên quan đến công việc đang làm. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận tiền mất thu nhập cho bị hại trong thời gian 01 tháng là chưa phù hợp mà cần giải quyết tiền mất thu nhập cho bị hại trong thời gian 02 tháng mới thỏa đáng, phù hợp với thương tích của bị hại có ảnh hưởng đến nghề nghiệp của mình. Cụ thể 02 tháng x 6.000.000 đồng/tháng = 12.000.000 đồng.

Đối với kháng cáo của bị hại đề nghị tăng tiền bù đấp tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm lên 15 tháng nhưng không đưa ra được cơ sở pháp lý cho yêu cầu của mình. Đồng thời, mức bù đấp tổn thất tinh thần 10.000.000 đồng mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng là phù hợp với tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại và mức độ ảnh hưởng đến tinh thần của bị hại. Vì vậy, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại và Kiểm sát viên đối với khoản tiền này. Như vậy, tổng số tiền bị cáo phải bồi thường cho bị hại gồm: tiền chi phí điều trị 1.261.000 đồng; tiền chi phí đi lại điều trị 200.000 đồng; tiền ăn trong thời gian điều trị 400.000 đồng; tiền mất thu nhập 12.000.000 đồng; tiền tổn thất tinh thần 10.000.000 đồng. Tổng cộng là 23.861.000 đồng.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, bị cáo đã nộp số tiền 7.261.000 đồng tại Cơ quan thi hành án dân sự để bồi thường cho bị hại nên tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Điều cần lưu ý chung để Tòa án cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm là điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội, một sự kiện pháp lý là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội hoặc sự kiện pháp lý được thực hiện, trừ trường hợp áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội theo khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[4] Về án phí hình sự phúc thẩm bị cáo không phải nộp do bị cáo không kháng cáo bản án sơ thẩm, đối với án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch 5% trên tổng số tiền bồi thường được điều chỉnh lại cho phù hợp với tổng số tiền mà bị cáo có nghĩa vụ phải bồi thường theo bản án hình sự phúc thẩm đã xác định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 khoản 2 Điều 355 và điểm b, c khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; chấp nhận kháng cáo của bị hại; sửa bản án sơ thẩm.

[1] Áp dụng điểm a, i khoản 1 Điều 104, điểm b, h, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 33 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Xử phạt bị cáo Phạm Văn D 06 (sáu) tháng tù về “Tội cố ý gây thương tích”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án.

[2] Áp dụng Điều 42 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009; Điều 476; Điều 609 của Bộ luật Dân sự năm 2005Buộc bị cáo Phạm Văn D phải bồi thường cho bị hại Phan Văn L số tiền 23.861.000 (hai mươi ba triệu tám trăm sáu mươi một ngàn) đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, khoản tiền bồi thường nêu trên hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định.

Tiếp tục tạm giữ số tiền 7.261.000 (bảy triệu hai trăm sáu mươi một ngàn) đồng theo biên lai thu số 0007516 ngày 12/4/2018 để đảm bảo thi hành án. (Hiện Chi cục Thi hành án huyện M đang quản lý).

[2] Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Bị cáo Phạm Văn D không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

Bị cáo Phạm Văn D phải nộp 1.193.000 (một triệu một trăm chín mươi ba ngàn) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về phần xử lý vật chứng và án phí hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.

[4] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

328
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 49/2018/HS-PT ngày 09/08/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:49/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bến Tre
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 09/08/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về