Bản án 48/2017/HSST ngày 15/09/2017 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 48/2017/HSST NGÀY 15/09/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 15/9/2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 49/2017/HSST ngày 16/8/2017 đối với bị cáo:

Họ và tên: NGUYỄN ĐÌNH S (Tên gọi khác: B), sinh năm 1962, tại tỉnh Gia Lai; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Tổ A, phường T, thành phố K, tỉnh Kon Tum (trước đây là Tổ C, phường L, thị xã K, tỉnh Kon Tum); Chỗ ở trước khi phạm tội: Thôn D, xã L, huyện H, tỉnh Bình Thuận; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 6/12; Con ông Nguyễn T (Đã chết) và bà Nguyễn Thị T (Đã chết); Có vợ là Huỳnh Thị Tuyết N (đã chết) và có 03 con (lớn nhất sinh năm 1989, nhỏ nhất sinh năm 1993), hiện trú tại tỉnh Kon Tum và Gia Lai; Sống chung như vợ chồng với bà Lê Thị Hồng P, sinh năm 1964, trú tại thôn D, xã L, huyện H, tỉnh Bình Thuận; Tiền sự: Không;

Tiền án: 01 tiền án. Tại Bản án số 20/HS-ST ngày 15/12/1993, bị Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum xử phạt 05 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản của công dân”. Đến ngày 09/5/1998, bị cáo chấp hành xong hình phạt.

Bị cáo bị bắt theo Quyết định truy nã, bị tạm giữ từ ngày 09/3/2017, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk – Có mặt tại phiên tòa.

* Người bị hại: Ông Võ Thanh H, sinh năm 1977 (Chết).

Người đại diện hợp pháp của người bị hại: Ông Võ Thanh B, sinh năm 1953 (là bố); bà Nguyễn Thị Kim H, sinh năm 1960 (là mẹ); bà Nguyễn Thị Q, sinh năm 1978 (là vợ); Chị Võ Thị Kim N, sinh năm 1998 (là con); Hiện đều trú tại: Khu phố A, thị trấn N, huyện P, tỉnh Bình Định.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Kim H, bà Nguyễn Thị Q, chị Võ Thị Kim N: Ông Võ Thanh B, sinh năm 1953; Trú tại: Khu phố A, thị trấn N, huyện P, tỉnh Bình Định, có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Đỗ Long Đ, sinh năm 1971; Nơi cư trú: Thôn F, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

* Người làm chứng:

1. Ông Trần Xuân V, sinh năm 1979; Nơi cư trú: Thôn G, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt);

2. Ông Trần Tấn P, sinh năm 1959; Nơi cư trú: Thôn F, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt);

3. Ông Tống Xuân T; sinh năm 1967; Nơi cư trú: Thôn H, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (Có mặt);

4. Ông Nguyễn Thanh H, sinh năm 1971; Nơi cư trú: Thôn I, xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (Có đơn xin xét xử vắng mặt);

5. Ông Huỳnh Ngọc K, sinh năm 1961; Nơi cư trú: Thôn F, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt);

6. Bà Tô Thị S, sinh năm 1954; Nơi cư trú: Thôn F, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt);

7. Ông Đào Văn C, sinh năm 1975; Nơi cư trú: Thôn F, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (Đã chết);

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyễn Đình S đến tỉnh Đắk Lắk phụ giúp sửa chữa máy cày cho vợ chồng em gái cùng mẹ khác cha là chị Đoàn Thị Đ, anh Đỗ Long Đ làm nghề sửa xe máy cày tại thôn F, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Sáng ngày 11/11/2004, anh Đ tổ chức uống rượu tại nhà cùng Nguyễn Đình S, anh Trần Tấn P và anh Hai H uống rượu đến khoảng 10 giờ cùng ngày thì nghỉ. Sau đó, anh P mời tất cả mọi người sang quán của bà Tô Thị S ở cùng thôn F, xã E để ăn bún và uống rượu tiếp. Tại quán bà S lúc này cũng có một bàn 04 người gồm: Các anh Đào Văn C, Nguyễn Thanh H, Huỳnh Ngọc K đều ở xã E và anh Võ Thanh H ở thị trấn N, huyện P, tỉnh Bình Định đang ngồi ăn bún uống rượu. Trong lúc uống rượu thì giữa anh H và anh Hai H xảy ra cãi nhau nên anh Hai H bỏ về, lúc này S nói với anh P và anh Đ: “Thằng con nít mất dạy tao uấn cái chết” rồi mọi người ở hai bàn tiếp tục ngồi uống rượu bình thường. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày thì S, anh Đ, anh P uống rượu xong chuyển qua uống nước ngọt thì anh H đi đến phía sau lưng S dùng một tay vỗ vào vai S, còn một tay lấy chiếc mũ S đang đội trên đầu, đồng thời nói: “Cho mượn cái mũ?”. S liền dùng tay chụp lại chiếc mũ đội trên đầu và nói: “Mày nhỏ mà láo, mũ tao đang đội trên đầu sao mày lấy”. Sau đó, anh H đến đứng trước mặt S và nói: “Tao lấy mày làm gì tao?”, nghe anh H nói vậy thì anh Đ nói: “H, đó là anh vợ tao, mày đừng có láo”. Anh H không nghe mà dùng tay đấm một cái vào mặt S, bực tức, S liền đứng dậy, dùng tay phải cầm lấy cái ly thủy tinh trắng có quai đang đựng nước uống để trên bàn đập một cái trúng vào vùng thái dương trái của anh H làm ly thủy tinh vỡ rơi xuống đất. Anh H xông vào đánh nhau với S thì anh Đ và mọi người can ngăn không cho đánh nhau nữa. Đ, anh P và S ra về, còn anh H được anh K đưa về nhà anh K nằm ngủ. Đến khoảng 18 giờ ngày 11/11/2004, anh K gọi anh H dậy để nhậu tiếp thì phát hiện anh H đã tử vong. Ngay sau đó, S và anh Đ nghe chị Y hàng xóm nói: “Thằng H lúc sáng kình lộn với chúng mày chết rồi”, nghe xong, S thu dọn quần áo và nói với anh Đ đưa cho mấy trăm ngàn để đi trốn thì anh Đ nói: “Không có tiền, anh phải ở lại để khai báo không người ta nói tôi đánh”. S nói: “Tao làm cho mày bao nhiêu ngày vậy không có đồng nào sao, Công an đến làm việc mày cứ khai là tao đánh thằng H chết”. Xong anh Đ lấy xe mô tô chở S đến nhà em trai là Đỗ Long T gần đó mượn 200.000 đồng đưa cho S rồi chở S ra Quốc lộ 14 thuộc địa phận thôn H, xã E để S bỏ trốn. Ngay sau đó, anh Đ đi trình báo Công an xã việc S đã đánh chết anh H, đồng thời cùng lực lượng Công an đi tìm S nhưng không thấy. Sau khi bỏ trốn, S đến tỉnh Bình Thuận đi biển đánh cá thuê được một năm thì quen biết và sống chung như vợ chồng với Lê Thị Hồng P. Đến ngày 09/3/2017, S bị Công an tỉnh Bình Thuận phát hiện và bắt theo Quyết định truy nã và bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk xử lý theo thẩm quyền.

Kết quả khám nghiệm hiện trường: Hiện trường nơi phát hiện sự việc xảy ra tại khu vực quán bán bún của bà Tô Thị S thuộc thôn F, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Lấy khu vực nơi xảy ra sự việc làm trung tâm hiện trường thấy: Cách 11m về hướng Tây Bắc là Quốc lộ 14. Sát với góc quán về phía Đông là nhà bà Tô Thị S, sát quán về phía Đông Nam (phía sau) là khu vực nhà đặt lò sấy cà phê. Cách 20m về phía Nam là nhà ông E. Trong quá trình điều tra, đã thu giữ mảnh ly thủy tinh vỡ là tang vật của vụ án bằng biên bản thu giữ vật chứng.

Kết quả khám nghiệm tử thi: Tử thi Võ Thanh H, sinh năm 1977 được gia đình xác nhận là đúng.

- Khám ngoài: Chiều dài tử thi: 162cm, thể trạng gầy yếu, tại vùng thái dương trái có vết xây xát sưng nề kích thước (6x4) cm. Tại vùng trán phải có vết bầm tím kích thước (7x4) cm, cách 2cm bên đuôi mày phải.

Rạch da đầu bộc lộ hộp sọ thấy: Tụ máu dưới da vùng trán phải kích thước (5x6)cm. Tụ máu cơ thái dương phải kích thước (5x6) cm. Tụ máu dưới da và cơ thái dương trái kích thước (9x4)cm. Nứt mặt trong xương vòm sọ tại vùng thái dương chẩm trái dài 4cm. Nứt xương vòm sọ tại vùng chẩm thành hai đường chữa V, một đường dài 2,5cm, một đường dài 1cm. Tại điểm cuối đường khớp chẩm tụ máu ngoài màng cứng, tại vùng thái dương trái khối máu đông đặc màu sẫm kích thước (9x8x3)cm khoảng 150 gam. Hai bán cầu đại não, tiểu não, hành tủy phù nề. Dập cầu đại não trái tại vùng thái dương trái kích thước (2x1)cm. Ngoài ra, không phát hiện dấu vết tổn thương nào khác.

Tại bản giám định pháp y số: 76/GĐPY ngày 12/01/2005 của Tổ giám định pháp y tỉnh Đắk Lắk, kết luận nguyên nhân tử vong của anh Võ Thanh H là “Thương tích xương sọ, tụ máu, dập não, phù nề não dẫn đến hôn mê não không hồi phục do chấn thương kín sọ não”.

Tại bản cáo trạng số 41/KSĐT-HS ngày 14/8/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk truy tố bị cáo Nguyễn Đình S về tội “Giết người” quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đình S khai nhận hành vi phạm tội của mình giống như lời khai tại cơ quan điều tra, nội dung bản cáo trạng đã tóm tắt nêu trên.

Quá trình tranh luận, đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa đã đưa ra chứng cứ buộc tội và đã đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi phạm tội do bị cáo gây ra và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo Nguyễn Đình S tại bản Cáo trạng số số 41/KSĐT-HS ngày 14/8/2017. Đồng thời đưa ra các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Nguyễn Đình S và đề nghị Hội đồng xét xử:

- Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đình S phạm tội “Giết người”.

Áp dụng khoản 2 Điều 93; điểm b, đ, p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự;

Xử phạt: Nguyễn Đình S từ 11 đến 12 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giữ, ngày 09/3/2017.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự, các Điều 609, 610, 611, 614 Bộ luật dân sự 1995: Buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình người bị hại toàn bộ tiền chi phí mai táng, tiền tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật, được khấu trừ số tiền 10.000.000 đồng bị cáo đã tác động gia đình bồi thường cho gia đình người bị hại; Buộc bị cáo cấp dưỡng nuôi hai con của người bị hại theo quy định.

- Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 41 Bộ luật hình sự, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự: Tịch thu, tiêu hủy một số mảnh vỡ thủy tinh (có đặc điểm như biên bản thu giữ tang vật) là vật chứng của vụ án.

Bị cáo không tranh luận gì thêm, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Người đại diện theo ủy quyền của gia đình người bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt và buộc bị cáo Nguyễn Đình S bồi thường theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, của bị cáo, những người tham gia tố tụng khác, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

 [1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

 [2] Lời khai của bị cáo Nguyễn Đình S tại phiên toà sơ thẩm phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của những người tham gia tố tụng khác, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Kết luận giám định pháp y tử thi và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở để kết luận: Vào khoảng 11 giờ ngày 11/11/2004, tại quán bún của bà Tô Thị S ở thôn F, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, anh Võ Thanh H gây sự, lấy mũ của bị cáo Nguyễn Đình S, dùng tay đấm bị cáo S thì bị bị cáo S dùng ly thủy tinh đánh một cái vào đầu của anh H, hậu quả làm anh H tử vong. Do vậy, hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”. Tội phạm và hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự. Điều 93 Bộ luật hình sự quy định:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

………….

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Xét tính chất vụ án do bị cáo Nguyễn Đình S gây ra là rất nghiêm trọng. Hành vi của bị cáo không những đã tước đoạt đi tính mạng của người khác mà còn gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an xã hội tại địa phương, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Mặc dù, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo là do hành vi trái pháp luật của người bị hại nhưng bị cáo phải nhận thức được rằng mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng của người khác một cách trái pháp luật thì đều bị trừng trị một cách thích đáng. Song xuất phát từ ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác nên bị cáo đã dùng ly thủy tinh đánh vào đầu của anh H làm anh H tử vong. Bị cáo có 01 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản của công dân” (khoản 2 Điều 155 Bộ luật hình sự 1985 là tội phạm nghiêm trọng theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Bộ luật hình sự 1985), chưa được xóa án tích nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học tu dưỡng bản thân mà tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự. Sau khi phạm tội, bị cáo đã bỏ trốn khỏi địa phương một thời gian dài, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Vì vậy, tội phạm do bị cáo gây ra cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, buộc cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian dài thì mới đủ tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo và răn đe phòng ngừa chung trong xã hội.

Tuy nhiên, bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại gây ra; sau khi phạm tội, bị cáo đã khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình, đã tác động gia đình bồi thường cho gia đình người bị hại 10.000.000 đồng, thể hiện sự ăn năn hối cải. Vì vậy, Hội đồng xét xử thấy cần áp dụng những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, đ, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật Nhà nước ta.

 [3] Các biện pháp tư pháp:

+ Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 42 Bộ luật hình sự, các Điều 609, 610, 611, 614 Bộ luật dân sự 1995; Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP ngày 28/4/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Sau khi anh Võ Thanh H chết, gia đình người bị hại đã kê khai và yêu cầu bị cáo phải bồi thường tiền chi phí cho việc mai táng, tiền tổn thất về tinh thần. Xét thấy các khoản chi phí mai táng và các chi phí hợp lý khác cần buộc bị cáo Nguyễn Đình S phải bồi thường cho gia đình người bị hại các khoản sau:

+ Chi phí hợp lý cho việc mai táng:

- Tiền thuê xe chở người bị hại về quê mai táng: 3.200.000 đồng;

- Tiền mua quan tài: 5.500.000 đồng;

- Tiền mua đồ liệm: 2.300.000 đồng;

- Tiền thuê kèn trống, đồ di quan: 3.800.000 đồng;

- Tiền thuê thầy lễ để liệm: 3.000.000 đồng;

- Tiền thuê rạp, bàn ghế, đồ dùng phục vụ lễ tang: 2.600.000 đồng;

- Tiền thuê xe di quan: 3.200.000 đồng;

- Tiền thuê người di quan và đào mộ: 3.500.000 đồng;

- Tiền mua đất chôn: 1.500.000 đồng;

- Tiền lập mộ bàn thờ: 12.800.000 đồng;

+ Tiền bù đắp tổn thất tinh thần: 60 tháng lương tối thiểu chung x 1.300.000 đồng/tháng = 78.000.000 đồng;

Tổng cộng: 119.400.000 đồng, được khấu trừ số tiền 10.000.000 đồng mà bị cáo Nguyễn Đình S tác động bà Lê Thị Hồng P tự nguyện bồi thường cho gia đình người bị hại. Bị cáo còn phải bồi thường số tiền 109.400.000 đồng.

Đối với các khoản tiền ăn uống, sinh hoạt trong thời gian mai táng (tiền trà nước, thuốc lá, …) mà gia đình người bị hại kê khai, đây là các khoản chi phí không hợp lý, không thuộc các khoản chi phí được bồi thường do tính mạng bị xâm phạm theo tiểu mục 2.2 mục 2 phần II Nghị Quyết số 01/2004/NQ-HĐTP ngày 28/4/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên không có căn cứ chấp nhận.

Ngoài ra, buộc bị cáo phải cấp dưỡng cho bà Nguyễn Thị Q để nuôi dưỡng cháu Võ Thị Kim N (sinh ngày 29/01/1998), cháu Võ Thanh Đ (sinh ngày 30/11/2003), mỗi cháu 700.000 đồng/tháng. Thời gian cấp dưỡng tính từ ngày 11/11/2004 cho đến khi cháu Võ Thị Kim N, Võ Thanh Đ đủ 18 tuổi.

+ Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự: Tịch thu, tiêu hủy một số mảnh vỡ thủy tinh (có đặc điểm như biên bản thu giữ tang vật) là vật chứng của vụ án.

[4] Về án phí: Bị cáo Nguyễn Đình S phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Đình S phạm tội “Giết người”.

Áp dụng khoản 2 Điều 93; điểm b, đ, p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự;

Xử phạt: Bị cáo NGUYỄN ĐÌNH S 10 (Mười) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, ngày 09/3/2017.

2. Các biện pháp tư pháp:

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự, các Điều 609, 610, 611, 614 Bộ luật dân sự 1995:

Buộc bị cáo Nguyễn Đình S phải bồi thường cho gia đình người bị hại Võ Thanh H số tiền 119.400.000 đồng, được khấu trừ số tiền 10.000.000 đồng mà bị cáo Nguyễn Đình S tác động bà Lê Thị Hồng P tự nguyện bồi thường cho gia đình người bị hại. Bị cáo còn phải bồi thường số tiền 109.400.000 đồng.

Buộc bị cáo Nguyễn Đình S phải cấp dưỡng cho bà Nguyễn Thị Q để nuôi dưỡng cháu Võ Thị Kim N (sinh ngày 29/01/1998), cháu Võ Thanh Đ (sinh ngày 30/11/2003), mỗi cháu 700.000 đồng/tháng. Thời gian cấp dưỡng tính từ ngày 11/11/2004 cho đến khi cháu Võ Thị Kim N, Võ Thanh Đ đủ 18 tuổi.

- Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự:

Tịch thu, tiêu hủy một số mảnh vỡ thủy tinh (có đặc điểm như biên bản thu giữ tang vật) là vật chứng của vụ án.

3. Về án phí: Bị cáo Nguyễn Đình S phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, 5.470.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch và 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch đối với phần cấp dưỡng.

4. Về quyền kháng cáo: Báo cho bị cáo, người đại diện hợp pháp người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

468
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 48/2017/HSST ngày 15/09/2017 về tội giết người

Số hiệu:48/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về