Bản án 477/2019/KDTM-PT ngày 28/05/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 477/2019/KDTM-PT NGÀY 28/05/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN

Ngày 21/5/2019 và ngày 28/5/2019, tại trụ sở tòa án đã tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 30/KDTMPT ngày 25/01/2019 về “Tranh chấp hợp đồng mua bán”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 74/2018/KDTM-ST ngày 28/12/2018 của Tòa án nhân dân Quận N bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1527/2019/QĐ-PT ngày 02/4/2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 2452/2019/QĐ-PT ngày 22/4/2019, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh TN

Địa chỉ: 200/34 đường XVNT, Phường HM, quận BT, Thành phố Hồ Chí Minh

Đại diện theo ủy quyền: Ông Trương Hoàng T - Giấy ủy quyền số 01/019/GUQ/TNME ngày 01/4/2019 của ông Phan Văn L – Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật của công ty;

Bị đơn:  Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất TĐL

Địa chỉ: 18D đường NQ, Phường S, Quận N, Thành phố Hồ Chí Minh

Đại diện: Ông Nguyễn Quang V - giám đốc, đại diện theo pháp luật của công ty;

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy TN

Địa chỉ: Thôn H, xã TT, huyện DL, tỉnh LĐ

Đại diện theo ủy quyền: Ông Huỳnh Vinh Q - Giấy ủy quyền số 115/019/GUQ/TNEC ngày 28/3/2019 của ông Lê Như Phước A – Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật của công ty.

Người kháng cáo: Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất TĐL.

Người kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân Quận N, Thành phố Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Ngày 18/02/2009, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh TN (gọi tắt là Công ty TN) và Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất TĐL (gọi tắt là Công ty TĐL) ký Hợp đồng số 18/HĐKT/TN-TĐL với nội dung: Công ty TĐL bán cho Công ty TN 2 dây chuyền nghiền, sàng đá, công suất 250 tấn/giờ/dây chuyền.

Cùng ngày 18/02/2009, 2 bên ký Bản thỏa thuận số 01/BBTT xác định: Giá trị của hợp đồng là 38.490.000.000đ. Để tạo điều kiện cho Công ty TN vay vốn ngân hàng được thuận lợi, 2 bên ký thêm bản hợp đồng với giá trị là 54.973.570.000đ nhưng hợp đồng này không có giá trị pháp lý với 2 bên.

Ngày 20/12/2009 Công ty TĐL và Công ty TN lập Biên bản nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng dây chuyền số 1.

Ngày 21/12/2009 Công ty TN ký Hợp đồng số 001/HĐKT/ME-EC cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy TN thuê dây chuyền nghiền, sàng đá số 1.

Căn cứ thỏa thuận tại Hợp đồng số 18/HĐKT/TN-TĐL, ngày 12/01/2010 Ngân hàng N (chi nhánh ĐN) đã phát hành Thư bảo lãnh bảo hành số 5900- VBB-100100004 cho Công ty TĐL với người thụ hưởng là Công ty TN với nội dung:

- Đối tượng bảo lãnh: Bảo hành 2 dây chuyền ghiền sàng đá, cát theo Hợp đồng số 18/HĐKT/TN-TĐL;

- Trị giá bảo lãnh: 1.924.500.000đ.

- Hiệu lực bảo lãnh: 12 tháng hoặc 1.800 giờ kể từ ngày 20/01/2010 tùy điều kiện nào tới trước.

Ngày 06/02/2010 Công ty TN ký Hợp đồng số 002/HĐKT/ME-EC cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy TN thuê dây chuyền nghiền, sàng đá số 2.

Ngày 03/9/2010 Công ty TĐL và Công ty TN lập Biên bản nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng dây chuyền số 2.

Ngày 28/10/2010 tủ điện điều khiển của dây chuyền 1 bị nổ, ngày 11/11/2010 Công ty TĐL và Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy TN lập Biên bản làm việc để xác định nguyên nhân nhưng không thống nhất được.

Ngày 12/01/2011, Công ty TN có đơn khởi kiện yêu cầu Công ty TĐL phải bồi thường cho công ty số tiền 4.944.491.000đ và phải thay mới 2 titan máy do 2 dây chuyền không bảo đảm chất lượng, hoạt động không đúng công suất, bị hư hỏng phải sửa chữa làm ảnh hưởng đấn tiến độ thi công của Nhà máy thủy điện ĐN 2.

Cùng ngày 12/01/2011, Công ty TN có đơn khởi kiện yêu cầu Ngân hàng N (chi nhánh ĐN) phải thanh toán cho Công ty TN số tiền bảo lãnh bảo hành là 1.924.500.000đ vì 2 dây chuyền nghiền, sàng đá, cát do Công ty TĐL cung cấp không bảo đảm chất lượng.

Ngày 01/10/2011, Công ty TN và Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy TN có Biên bản thanh lý hợp đồng số 08/011/BB/TNME và số 09/011/BB/TNME trong đó xác định: Công ty TN đã giao 2 dây chuyền không bảo đảm được công suất 250 tấn/giờ, thường xuyên bị hỏng, không sản xuất được sản phẩm làm chậm tiến độ sản xuất của bên thuê. Bên cho thuê chấp nhận bồi thường cho bên thuê số tiền là 15.000.000.000đ và thanh lý hợp đồng.

Ngày 26/9/2011, Tòa án nhân dân tỉnh ĐN đã có Bản án dân sự sơ thẩm số 47/2011/KDTM-ST xác định 2 dây chuyền nghiền, sàng đá, cát không bảo đảm chất lượng, trong thời hạn bảo hành liên tục bị hư hỏng nên đã quyết định buộc Ngân hàng N (chi nhánh ĐN) phải thanh toán cho Công ty TN số tiền bảo lãnh bảo hành là 1.924.500.000đ. Không đồng ý với Bản án dân sự sơ thẩm số 47/2011/KDTM-ST, Công ty TĐL đã kháng cáo.

Ngày 11/4/2012, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có Bản án dân sự phúc thẩm số 135/2012/KDTM-PT bác kháng cáo của Công ty TĐL và tiếp tục chấp nhận yêu cầu buộc Ngân hàng N (chi nhánh ĐN) phải thanh toán cho Công ty TN số tiền bảo lãnh bảo hành là 1.924.500.000đ.

Ngày 27/8/2012, Công ty TN bổ sung yêu cầu khởi kiện đòi Công ty TĐL phải bồi thường cho công ty số tiền lãi mà Công ty TN đã phải trả cho Ngân hàng liên doanh VN (chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) là 11.883.957.000đ.

Ngày 16/01/2017, Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy TN có Văn bản số 24B/017/CV/TNE&C xác nhận Công ty TN đã thực hiện xong việc bồi thường cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy TN số tiền 15.000.000.000đ do 2 dây chuyền nghiền, sàng đá, cát không bảo đảm chất lượng.

Ngày 01/9/2018, Công ty TN thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Công ty TĐL phải thanh toán các khoản tiền sau:

- Khoản thiệt hại do dây chuyền 1 phải ngưng hoạt động và phải sửa chữa: 4.523.966.000đ;

- Tiền phạt do chậm đưa dây chuyền 2 vào nghiệm thu 66 tuần: 770.962.500đ.

Tổng cộng: 5.294.928.500đ.

- Phải thay mới 2 titan (Ký hiệu: Titan 1, máy nghiền Titan D-160, hãng sản xuất New-technologies, công suất 250T/h, năm sản xuất 2004, xuất xứ Liên bang Nga. Titan 2, máy nghiền Titan D-160, hãng sản xuất New-technologies, công suất 250T/h, năm sản xuất 2009, xuất xứ Liên bang Nga).

Theo trình bày của Công ty TN thì:

Công suất thực tế của dây chuyền 1 là: 250 tấn/giờ: 1,78 tấn/m3 = 141m3/giờ.

Thời gian dây chuyền 1 phải dừng để sửa chữa là: 539 giờ

Đơn giá trung bình mà công ty phải thuê máy thay thế là 74.700đ/m3

Từ đó công ty xác định ra số tiền bị thiệt hại do dây chuyền 1 bị hư hỏng là: 141m3/giờ x 539 giờ x 80% x74.700đ/m3 = 4.523.966.000đ.

Biên bản nghiệm thu ngày 03/9/2010 mà bị đơn cung cấp cho Tòa án chỉ là nghiệm thu 1 phần của dây chuyền 2, đến ngày 28/11/2010 bị đơn mới hoàn thành toàn bộ việc lắp đặt. Tại Văn bản số 87/TĐL ngày 02/12/2010 bị đơn cũng xác nhận “dây chuyền 2 đã đi vào hoạt động từ ngày 30/11/2010” nên ngày bị đơn bàn giao chính thức cho nguyên đơn nghiệm thu đưa dây chuyền 2 vào hoạt động phải là ngày 28/11/2010 như biên bản nghiệm thu mà hai bên đã ký ngày 28/11/2010.

Theo trình bày của Công ty TĐL thì trị giá 2 dây chuyền mà 2 bên đã ký tại Hợp đồng số 18/HĐKT/TN-TĐL là 38.490.000.000đ nhưng Công ty TN đề nghị Công ty TĐL ký thêm một bản hợp đồng ghi giá là 54.973.570.000đ để Công ty TN vay vốn ngân hàng nên cùng ngày 18/02/2009 2 bên còn ký thêm một Bản thỏa thuận số 01/BBTT. Công ty TĐL không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn vì 2 dây chuyền mà công ty bán đúng chất lượng, xuất xứ rõ ràng, đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng có bảo hành, trong quá trình vận hành nguyên đơn đã chạy liên tục 3 ca nhưng bảo dưỡng kém dẫn tới việc hay bị sự cố. Đồng thời yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã được giải quyết bằng Bản án số 47/2011/KDTM-ST ngày 26/9/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh ĐN và Bản án số 135/2012/KDTM-PT ngày 11/4/2012 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy TN cho rằng 2 dây chuyền mà công ty thuê của Công ty TN không bảo đảm chất lượng, Công ty TN đã bồi thường thiệt hại về việc này nên Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy TN không có yêu cầu gì trong vụ án này.

Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết:

Buộc Công ty TĐL phải thanh toán cho Công ty TN các khoản tiền sau:

- Tiền bồi thường do dây chuyền 1 phải ngưng hoạt động để sửa chữa: 4.523.906.000đ;

- Tiền phạt do chậm bàn giao dây chuyền 2 (từ ngày 13/10/2009 đến ngày 28/11/2010 là 58 tuần) thành tiền là: 677.512.500đ.

Tổng cộng: 5.201.418.500đ.

Buộc Công ty TĐL phải thay mới 2 titan của dây chuyền.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 74/2018/KDTM-ST ngày 28/12/2018, Tòa án nhân dân Quận N đã quyết định:

1) Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TN, buộc Công ty TĐL phải thanh toán cho Công ty TN số tiền là, bao gồm:

- Tiền bồi thường do dây chuyền 1 phải ngưng hoạt động để sửa chữa: 4.523.906.000đ;

- Tiền phạt do chậm bàn giao dây chuyền 2 (từ ngày 13/10/2009 đến ngày 03/9/2010 là 46 tuần) thành tiền là: 537.337.500đ.

Không chấp nhận yêu cầu của Công ty TN đòi Công ty TĐL phải thay mới 2 titan của dây chuyền.

2) Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của Công ty TN đòi Công ty TĐL phải bồi thường tiền lãi mà Công ty TN cho rằng đã phải trả cho Ngân hàng liên doanh VN (chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) là 11.883.957.000đ.

Ngoài ra, bản án còn có phần quyết định về việc chịu tiền lãi do chậm thi hành án, việc chịu án phí, việc thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 07/01/2019, Công ty TĐL đã nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngày 10/01/2019, Viện kiểm sát nhân dân Quận N đã có văn bản kháng nghị bản án sơ thẩm phần buộc bị đơn phải bồi thường do dây chuyền 1 bị ngưng hoạt động.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn không kháng cáo bản án sơ thẩm đề nghị Tòa án giữ nguyên bản án, đồng thời cho rằng giá trung bình mà công ty đã thuê dây chuyền và đòi nguyên đơn bồi thường là 74.700đ/m3 trong đó có bao gồm cả phần nhân công, điện chạy máy và các chi phí liên quan khác. Thời gian dây chuyền 1 phải ngưng để sửa chữa được tính từ khi dây chuyền bị hỏng cho đến khi sửa chữa xong, số thời gian ngừng để sửa chữa được xác định trên cơ sở ghi chép của giám sát mà chủ đầu tư của công trình Nhà máy thủy điện ĐN 2 là Công ty Cổ phần Thủy điện TN đã thuê là ông Kim Văn Trường đã ghi chép lại. Bị đơn kháng cáo phần bản án sơ thẩm buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số thiệt hại về thời gian phải dừng dây chuyền 1 để sửa chữa và thời gian bị đơn đã chậm bàn giao dây chuyền 2 cho nguyên đơn với tổng số tiền là 5.061.243.500đ, những phần khác của bản án sơ thẩm bị đơn đồng ý và không kháng cáo. Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy TN cho rằng quyền lợi của công ty đã được Công ty TN giải quyết, công ty không kháng cáo bản án sơ thẩm và không có ý kiến hoặc yêu cầu gì.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm cho rằng trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Tòa án đã thực hiện đúng các quy định của thủ tục tố tụng. Kháng cáo của đương sự và kháng nghị của Viện kiểm sát làm đúng thời hạn, đúng thủ tục. Xét không có căn cứ để cho rằng dây chuyền 1 phải sửa chữa do lỗi của người bán và thời gian sửa chữa do lỗi của người bán như kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Quận N nên Viện kiểm sát nhân dân Thành phố rút lại kháng nghị này. Căn cứ các tài liệu trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm, chỉ có căn cứ để xác định bị đơn đã chậm giao dây chuyền số 2 cho nguyên đơn, án sơ thẩm buộc bị đơn phải chịu tiền phạt do chậm giao hàng là đúng nhưng việc xác định giá trị của dây chuyền 2 là chưa đúng. Về nguyên nhân phải sửa chữa và thời gian phải sửa chữa của dây chuyền 1 mà nguyên đơn đưa ra là không đủ căn cứ để chứng minh, án sơ thẩm buộc bị đơn phải bồi thường về thời gian dây chuyền 1 phải dừng lại để sửa chữa là không đúng, từ đó đại diện Viện kiểm sát đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa lại bản án sơ thẩm cho phù hợp.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và kết quả tranh luận của các đương sự;

Sau khi nghe phát biểu của đại diện Viện kiểm sát;

Sau khi nghị án,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Đơn kháng cáo của Công ty TĐL và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Quận N làm đúng thời hạn, đúng thủ tục.

Xét: Ngày 18/02/2009, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh TN (gọi tắt là Công ty TN) và Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất TĐL (gọi tắt là Công ty TĐL) có ký với nhau 2 bản hợp đồng đều lấy số 18/HĐKT/TN-TĐL với nội dung: Công ty TĐL bán cho Công ty TN 2 dây chuyền nghiền, sàng đá, công suất 250 tấn/giờ/dây chuyền nhưng phần giá bán của sản phẩm thể hiện trên 2 hợp đồng này thì khác nhau.

Căn cứ Biên bản đối chiếu công nợ ngày 28/12/2009 thì tổng trị giá của Hợp đồng số 18/HĐKT/TN-TĐL được hai bên thể hiện là 54.732.000.000đ

Căn cứ Bảng kê kèm theo tờ khai thuế GTGT kỳ tính thuế tháng 12/2009, Bảng kê kèm theo tờ khai thuế GTGT kỳ tính thuế tháng 5/2010 thì Công ty TĐL đã xuất hóa đơn cho Công ty TN như sau:

- Hóa đơn số 5619500000 ngày 31/12/2009 cho dây chuyền nghiền, sàng đá, cát với giá bán là 36.657.143.000đ, thuế GTGT 1.832.857.000đ, tổng cộng là 38.483.570.000đ.

- Hóa đơn số 19251 ngày 11/5/2010 phần xây dựng cơ sở hạ tầng cho trạm nghiền với giá bán là 14.985.063.637, thuế GTGT 1.498.506.363đ, tổng cộng là 16.483.570.000đ.

Tổng giá trị hàng hóa của 2 hóa đơn (đã bao gồm phần thuế GTGT) là 54.973.570.000đ.

Căn cứ bản Hợp đồng số 18/HĐKT/TN-TĐL (gọi tắt là bản hợp đồng 1) thì giá trị hợp đồng gồm:

- Dây chuyền 1 có giá (đã bao gồm thuế GTGT) là 15.850.000.000đ - Dây chuyền 2 có giá (đã bao gồm thuế GTGT) là 18.690.000.000đ - Phụ tùng dự phòng (đã bao gồm thuế GTGT) là 3.950.000.000đ Tổng cộng là: 38.483.570.000đ

Căn cứ bản Hợp đồng số 18/HĐKT/TN-TĐL (gọi tắt là bản hợp đồng 2) thì giá trị hợp đồng gồm:

- Dây chuyền 1 có giá (đã bao gồm thuế GTGT) là 19.020.000.000đ - Dây chuyền 2 có giá (đã bao gồm thuế GTGT) là 23.362.500.000đ - Phụ tùng dự phòng (đã bao gồm thuế GTGT) là 6.811.070.000đ

- Phần xây dựng cơ sở hạ tầng (đã bao gồm thuế GTGT) là 5.780.000.000đ Tổng cộng là: 54.973.570.000đ.

Xét: Giá bán dây chuyền được các bên thể hiện tại bản hợp đồng 1 phù hợp với các tờ khai thuế GTGT, bản kê và Hóa đơn số 5619500000 ngày 31/12/2009 kèm theo mà Công ty TN đã cung cấp, còn giá bán mà các bên thể hiện tại bản hợp đồng 2 không phù hợp. Mặt khác tại bản hợp đồng 1 và bản hợp đồng 2 đều thỏa thuận thể hiện 2 bên bán phải cung cấp cho bên mua một chứng thư bảo lãnh do ngân hàng của bên bán phát hành tương đương 5% giá trị hợp đồng. Căn cứ Chứng thư bảo lãnh số 5900-VBB-100100004 do Ngân hàng N phát hành ngày 21/01/2010 thì giá trị bảo lãnh là 1.924.500.000đ tương đương với 5% giá trị bản hợp đồng số 1. Căn cứ thỏa thuận của 2 bên tại Bản thỏa thuận số 01/BBTT ngày 18/02/2009 thì bản hợp đồng có trị giá 38.490.000.000đ là bản hợp đồng có giá trị còn bản hợp đồng với giá trị là 54.973.570.000đ không có giá trị pháp lý, có căn cứ để xác định bản hợp đồng số 1 là bản hợp đồng thể hiện đúng thỏa thuận của 2 bên.

Xét: Trong quá trình sử dụng dây chuyền 1 có bị hư hỏng, theo thỏa thuận của 2 bên tại Điều IV và Điều VI của Hợp đồng số 18/HĐKT/TN-TĐL thì trong thời hạn bảo hành bên bán có trách nhiệm sửa chữa miễn phí cho những hư hỏng của thiết bị do chất lượng các chi tiết không bảo đảm hoặc do lỗi chế tạo. Mọi hư hỏng do hao mòn, vật liệu tiêu hao hoặc do bên mua gây nên thì bên bán cung cấp phụ tùng, cử chuyên gia hướng dẫn bên mua sửa chữa, phí tổn bên mua chịu. Nếu hàng hóa không bảo đảm chất lượng, không đúng xuất xứ như cam kết bên mua sẽ gửi bên bán biên bản giám định và yêu cầu bên bán khắc phục chậm nhất trong vòng 60 ngày. Nguyên đơn khởi kiện đòi bị đơn phải bồi thường khoản tiền do nguyên đơn phải thuê dây chuyền nghiền, sàng đá cát để sản xuất trong thời giam dây chuyền 1 phải ngưng lại để sửa chữa do chất lượng dây chuyền không đảm bảo nhưng không cung cấp được các biên bản giám định thể hiện các hư hỏng do chất lượng của dây chuyền không bảo đảm. Trong các tài liệu do nguyên đơn cung cấp chỉ có các biên bản hiện trường vào các ngày 22/5/2010 và 02/7/2010 thể hiện việc dây chuyền 1 phải ngừng hoạt động để sửa chữa do chất lượng kém nhưng không thể hiện khoảng thời gian dây chuyền phải ngưng hoạt động để sửa chữa. Các tài liệu khác (trong đó có các biên bản hiện trường ngày 22/01/2010 và 22/6/2010) chỉ thể hiện việc dây chuyền phải ngừng hoạt động để sửa chữa nhưng không thể hiện thời gian ngừng hoạt động và nguyên nhân hư hỏng là do chất lượng sản phẩm hay do việc vận hành, sử dụng máy móc. Để chứng minh thời gian dây chuyền 1 phải sửa chữa, nguyên đơn có cung cấp một Bảng tổng hợp tình hình hoạt động 2 dây chuyền-TNS (không ghi ngày lập) do Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy TN lập trong đó có thể hiện thời gian dây chuyền 1 phải ngưng hoạt động để sửa chữa nhưng không có xác nhận của bị đơn, đồng thời Bảng tổng hợp này cũng không có thể hiện các hư hỏng của dây chuyền 1 là do chất lượng của sản phẩm hay do việc sử dụng sản phẩm gây ra. Mặt khác, để bảo đảm nghĩa vụ bảo hành của bên bán đối với các dây chuyền sản xuất mà Công ty TĐL đã cung cấp cho Công ty TN, theo thỏa thuận tại Hợp đồng số 18/HĐKT/TN-TĐL, Công ty TĐL đã cung cấp cho Công ty TN Thư bảo lãnh bảo hành số 5900-VBB-100100004 ngày 12/01/2010 của Ngân hàng N (chi nhánh ĐN) với số tiền bảo lãnh bảo hàng là 1.924.500.000đ . Tại Bản án số 47/2011/KDTM-ST ngày 26/9/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh ĐN và Bản án số 135/2012/KDTM-PT ngày 11/4/2012 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án đã buộc Ngân hàng N (chi nhánh ĐN) phải thanh toán cho Công ty TN số tiền bảo hành là 1.924.500.000đ. Không có chứng cứ chứng minh các thiệt hại mà Công ty TN đã gặp phải do các dây chuyền mà Công ty TĐL cung cấp cho Công ty TN bị kém chất lượng là bao nhiêu và số thiệt hại này lớn hơn số tiền 1.924.500.000đ mà Tòa án đã buộc Ngân hàng N (chi nhánh ĐN) phải thanh toán cho Công ty TN. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty TĐL phải bồi thường các thiệt hại do dây chuyền 1 bị hư hỏng trong thời hạn bảo hành cho Công ty TN số tiền với số tiền 4.523.966.000đ là không có căn cứ, trái quy định tại Khoản 1, Điều 3 và Điều 9 Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về bảo lãnh ngân hàng, cần phải sửa lại cho phù hợp.

Căn cứ thỏa thuận của 2 bên tại Hợp đồng số 18/HĐKT/TN-TĐL thì Dây chuyền 2 có giá (đã bao gồm thuế GTGT) là 18.690.000.000đ

Căn cứ Ủy nhiệm chi ngày 23/4/2009 của Ngân hàng liên doanh VN thì bên mua đã chuyển tiền lần 1 cho bên bán vào ngày 23/4/2009.

Tại Biên bản nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng dây chuyền số 2 được lập giữa 2 bên ngày 03/9/2010 không có nội dung thể hiện việc nghiệm thu chỉ là một phần của dây chuyền 2. Bên mua cho rằng hai bên còn có Biên bản nghiệm thu ngày 28/11/2010 nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Trong nội dung Văn bản số 87/TĐL ngày 02/12/2010, bị đơn chỉ xác nhận “dây chuyền 2 đã đi vào hoạt động từ ngày 30/11/2010”, không có nội dung nào thể hiện ngày bên bán bàn giao là ngày 28/11/2010. Do đó việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định ngày 03/9/2010 bên bán đã bàn giao cho bên mua đưa vào sử dụng dây chuyền 2 là có căn cứ, đúng pháp luật.

Theo thỏa thuận của 2 bên tại tiểu mục 7, mục 5.2, Điều V của Hợp đồng số 18/HĐKT/TN-TĐL trường hợp chậm giao hàng do lỗi của bên bán thì bên bán phải thanh toán cho bên mua 0,05% giá trị hợp đồng/01 tuần giao chậm.

Theo thỏa thuận tại tiểu mục 2, mục 2.1, Điều II và Điều VII của Hợp đồng số 18/HĐKT/TN-TĐL, thì thời hạn bên bán phải giao dây chuyền 2 cho bên mua là 170 ngày kể từ ngày bên mua chuyển tiền tạm ứng lần 1. Đối chiếu với thỏa thuận của 2 bên thì thời gian bên bán chậm giao dây chuyền số 2 cho bên mua là 47 tuần. Bị đơn cho rằng giữa hai bên có thỏa thuận không phạt về việc chậm bàn giao dây chuyền 1 nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh hoặc sự thừa nhận của nguyên đơn. Do đó, việc Tòa án chấp nhận yêu cầu của bên mua, buộc bên bán phải thanh toán tiền phạt do chậm giao hàng cho bên mua là có căn cứ, phù hợp với thỏa thuận của 2 bên tại hợp đồng và quy định tại Điều 301 của Luật Thương mại năm 2005 nhưng số tiền cụ thể chưa chính xác, cần phải sửa lại cho đúng, cụ thể là: 18.690.000.000đ x 0,05% tuần x 47 tuần = 439.215.000đ.

Về kháng nghị của Viện kiểm sát, tại phiên tòa phúc thẩm Viện kiểm sát đã rút lại toàn bộ kháng nghị. Đối với các phần khác của bản án sơ thẩm, do nguyên đơn, người có quyền nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, bị đơn có kháng cáo nhưng tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn đã rút lại kháng cáo đối với phần này. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 284 và Khoản 3, Điều 297 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 Tòa án sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo mà người kháng cáo đã rút, đình chỉ xét xử đối với kháng nghị của Viện kiểm sát.

Công ty TĐL phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu khởi kiện là 439.215.000đ của Công ty TN được Tòa án chấp nhận.

Công ty TN phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu khởi kiện (4.523.906.000đ + 677.512.500đ - 439.215.000đ = 4.762.203.500đ) không được Tòa án chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 266; Khoản 3, Điều 284; Khoản 3, Điều 297; Khoản 2, Điều 308; Điều 309; Điều 313; Khoản 1, Điều 147 và Khoản 2, Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ vào Khoản 2, Điều 29; Khoản 2, Điều 47; Khoản 1 Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí toà án;

Căn cứ Khoản 4, Điều 27 Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án;

Căn cứ Điểm b, Khoản 1, Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm;

1) Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần quyết định không chấp nhận yêu cầu của Công ty TN đòi Công ty TĐL phải thay mới 2 titan của dây chuyền và phần mà Tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ yêu cầu khởi kiện của Công ty TN đòi Công ty TĐL phải bồi thường tiền lãi mà Công ty TN cho rằng đã phải trả cho Ngân hàng liên doanh VN (chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) là 11.883.957.000đ.

Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Quận N.

2) Sửa các phần quyết định còn lại của Bản án dân sự sơ thẩm số 74/2018/KDTM-ST ngày 28/12/2018 của Tòa án nhân dân Quận N,

Xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh TN (gọi tắt là Công ty TN); buộc Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất TĐL (gọi tắt là Công ty TĐL) phải thanh toán cho Công ty TN số tiền phạt do chậm giao hàng theo Hợp đồng số 18/HĐKT/TN-TĐL đã ký giữa 2 bên ngày 18/02/2009 là 439.215.000đ (bốn trăm ba mươi chín triệu hai trăm mười lăm nghìn đồng). Kể từ ngày Công ty TN có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong Công ty TĐL còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Không chấp yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn phải bồi thường thiệt hại do dây chuyền 1 phải ngưng hoạt động để sửa chữa trong thời hạn bảo hành là 4.523.906.000đ và phần yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn phải thanh toán số tiền phạt do vi phạm thời hạn bàn giao dây chuyền 2 vượt quá số tiền phạt được Tòa án chấp nhận nêu trên là 238.297.500đ.

Công ty TĐL phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 21.569.000đ (hai mươi mốt triệu năm trăm sáu mươi chín nghìn đồng)

Công ty TN phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 112.762.204đ (một trăm mười hai triệu bảy trăm sáu mươi hai nghìn hai trăm lẻ bốn đồng). Hoàn trả công ty số tiền chênh lệch giữa số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo Biên lai thu số AA/2010/02206 ngày 08/02/2011 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận M là 56.472.245đ và số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo Biên lai thu số AB/2010/01461 ngày 20/9/2012 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận N là 60.117.198đ với số tiền án phí dân sự sơ thẩm phải chịu, thành tiền là 3.827.139đ (ba triệu tám trăm hai mươi bảy nghìn một trăm ba mươi chín đồng).

Hoàn trả Công ty TĐL 2.000.000đ (hai triệu đồng) tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu số AG/2014/0006815 ngày 07/01/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận N.

Người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận về thi hành án; quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án này có hiệu lực pháp luật ngay.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

541
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 477/2019/KDTM-PT ngày 28/05/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán

Số hiệu:477/2019/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 28/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về