Bản án 47/2017/HSST ngày 04/07/2017 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN EA H’LEO, TỈNH ĐĂK LĂK

BẢN ÁN 47/2017/HSST NGÀY 04/07/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong các ngày từ ngày 30/6/2017 đến ngày 04/7/2017 tại Phòng xử án - Toà án nhân dân huyện Ea H’leo mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 36/2017/HSST, ngày 16 tháng 5 năm 2017 đối với bị cáo:

Ngô Văn C, sinh năm 1966; Tại: tỉnh A; Nơi cư trú: Thôn B, xã E, huyện D, tỉnh Đắk Lắk; Dân tộc: Kinh; Nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 12/12; con ông Ngô Văn T (đã chết) và bà Nguyễn Thị K, sinh năm 1939; có vợ là Phạm Thị Duy H, sinh năm: 1972, có 03 con, con lớn nhất sinh năm 1996, con nhỏ nhất sinh năm 2001; tiền án: không; tiền sự: không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

- Người bị hại:

Nguyễn Thị H1 - sinh năm: 1979; địa chỉ: Thôn B, xã E, huyện D, tỉnh Đắk Lắk; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng thời là người làm chứng: Ngô Thị Tuyết T1, sinh năm: 2001; địa chỉ: Thôn B, xã E, huyện D, tỉnh Đắk Lắk; có mặt.

Người đại diện hợp pháp của cháu Ngô Thị Tuyết T1 ông Ngô Văn T2 (Cha đẻ), sinh năm: 1964; địa chỉ: Thôn B, xã E, huyện D, tỉnh Đắk Lắk; có mặt.

- Người làm chứng:

Nguyễn Thị K1, sinh năm: 1939; địa chỉ: Thôn B, xã E, huyện D, tỉnh Đắk Lắk; có mặt. Lương Viết Hàn Thế L, sinh năm: 1949; địa chỉ: Thôn B, xã E, huyện D, tỉnh Đắk Lắk; có mặt.

- Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại: Luật sư Đỗ Thị Hằng N - Văn phòng luật sư F - đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do có mâu thuẫn trong việc tranh chấp hồ tưới nước, vào khoảng 07 giờ 30 phút ngày 12/01/2017 chị Nguyễn Thị H1 đang ở nhà của mình tại thôn B, xã E, huyện D thì nghe tiếng máy phát cỏ ở phía sau nhà nên chị H1 đi ra nơi có tiếng máy phát cỏ. Khi đến nơi chị H1 thấy có một người thanh niên đang phát cỏ ở bờ hồ nên chị H1 yêu cầu người thanh niên trên không được phát cỏ trong vườn của mình. Lúc này, Ngô Văn C đi đến nói với người thanh niên cứ tiếp tục phát cỏ tại khu vực nói trên nên giữa C và H1 đã xảy ra tranh cãi, xô xát với nhau. Sau đó, C dùng cây gậy gỗ dài khoảng 1 m, hình vuông tiến đến gần chị H1 đánh từ phải sang trái, từ trên xuống dưới trúng vào đầu gối chân phải của chị H1 làm chị H1 bị ngã khuỵu xuống bờ hồ, rồi C tiếp tục cầm cây gỗ đánh thêm 02 cái vào mắt cá chân phải của chị H1. Lúc này, cháu Ngô Thị Tuyết T1 là con gái chị H1 vừa đi đến dùng điện thoại quay lại sự việc và la lên thì C bỏ đi về, chị H1 được người nhà đưa đi cấp cứu.

Tại bản kết luận pháp y thương tích số 352/PY-TgT ngày 08/3/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận thương tích của Nguyễn Thị H1 như sau: “Gãy xương bánh chè và 1/3 dưới xương mắt cá ngoài chân phải, tỷ lệ thương tích là 20%. Vật tác động cứng, tày”.

Quá trình điều tra Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ea H’leo đã thu giữ 01 cây cà phê hình tròn, dài 145 cm; 01 khúc gỗ hình vuông dài 80cm; to 3 cm và dày 2 cm. Tạm giữ 01 USB màu đen có lưu video quay lại hình ảnh xô xát giữa C và H1 của cháu Ngô Thị Tuyết T1.
Chị Nguyễn Thị H1 yêu cầu bị cáo Ngô Văn C phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe là 80.000.000 đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo đã bồi thường cho người bị hại số tiền 30.000.000 đồng, người bị hại yêu cầu bị cáo phải tiếp tục bồi thường số tiền 50.000.000 đồng. Số tiền này trong thời gian nghị án bị cáo đã bồi thường đủ cho người bị hại.

Tại bản Cáo trạng số 36/KSĐT-HS, ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea H’leo truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo để xét xử đối với bị cáo Ngô Văn C về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử:

Tuyên bố bị cáo Ngô Văn C phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 104, các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 BLHS năm 1999, các Nghị quyết 109/2015/QH13Nghị quyết 144/2016/QH13 của Quốc hội khóa 13; khoản 3 Điều 7 và khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015

Xử phạt bị cáo từ 18 đến 24 tháng tù.

Về trách nhiệm dân sự: Chấp nhận việc bị cáo và người bị hại đã thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại cho người bị hại là 80.000.000 đồng. Người bị hại không yêu cầu bồi thường thêm nên không đề cập xem xét.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự và Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự đề nghị Hội đồng xét xử tịch thu tiêu hủy 01 cây cà phê hình tròn dài 1,45 cm; 01 khúc gỗ hình vuông dài 80 cm, cạnh 3 cm x 2 cm; trả lại cho cháu Ngô Thị Tuyết T1 01 USB màu đen.

Người bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 104, các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 BLHS năm 1999, các Nghị quyết số 109 và số 144 của Quốc hội khóa 13; khoản 3 Điều 7 và khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 khi quyết định hình phạt đối với bị cáo.

Người bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo trình bày lời nói sau cùng: Bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về tố tụng: Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Ea H’leo, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea H’leo, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, những người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người nào có ý kiến hoặc kH1 nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về nội dung: Tại phiên tòa bị cáo đã khai nhận: Vào khoảng 07 giờ 30 phút ngày 12/01/2017 bị cáo đã có hành vi dùng 01 khúc gỗ đánh nhiều nhát vào chân phải của chị Nguyễn Thị H1 gây thương tích 20%. Tại khoản 1, khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”:

a) Dùng hung khí nguy hiểm...

2. Phạm tội gây thương tích,gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt từ hai năm đến bảy năm.

Như vậy, bị cáo đã có hành vi cố ý dùng cây gậy gỗ là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho người bị hại với tỷ lệ thương tật là 20%, nên hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự đó là “dùng hung khí nguy hiểm”.

Tuy nhiên, cần áp dụng quy định có lợi cho bị cáo tại các Nghị quyết số 109 và số 144 của Quốc hội khóa 13; khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015: Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”:

a) Dùng hung khí nguy hiểm...

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a,b,d,đ,e,g,h,i,k,l,m và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm”.
Xét thấy, lời luận tội của đại diện viện kiểm sát tại phiên tòa đối với bị cáo là có căn cứ pháp luật, nên cần chấp nhận.

Lời trình bày của người bảo vệ quyền, lợi ích cho người bị hại và người bị hại là có căn cứ pháp luật và phù hợp với các quy phạm đạo đức xã hội nên cũng cần được xem xét, cân nhắc và chấp nhận khi quyết định hình phạt đối với bị cáo.

Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, ngoài việc xâm phạm sức khỏe của người khác còn gây mất ổn định về an ninh, trật tự tại địa phương.

[3] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị hại; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; người bị hại cũng có một phần lỗi vì đã có những lời lẽ xúc phạm tới bị cáo trước. Do đó, cần cho các bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự.

Xét hành vi phạm tội và hậu quả mà bị cáo gây ra, lẽ ra cần phải xử phạt nghiêm, cách ly bị cáo ra ngoài đời sống xã hội một thời gian để đảm bảo tác dụng răn đe và phòng ngừa C. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét thấy, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Mặt khác, cũng cần cho bị cáo cơ hội sửa chữa lỗi lầm, trở thành công dân sống có ích cho xã hội nên cần áp dụng đối với bị cáo một mức hình phạt đủ nghiêm và cho bị cáo được miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện để thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật.

[4] Về xử lý vật chứng: Cần tịch thu tiêu hủy 01 cây cà phê hình tròn dài 1,45 cm; 01 khúc gỗ hình vuông dài 80 cm, có cạnh 3 cm x 2 cm; trả lại cho cháu Ngô Thị Tuyết T1 01 USB màu đen.

Về trách nhiệm dân sự: cần chấp nhận việc bị cáo đã bồi thường cho người bị hại số tiền 80.000.000 đồng, người bị hại không yêu cầu gì thêm nên không đề cập xem xét. Về án phí: Cần buộc bị cáo phải chịu án phí Hình sự sơ thẩm theo qui định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo Ngô Văn C phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng khoản 2 Điều 104, các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự 1999; Nghị quyết số 109 và số 144 của Quốc hội khóa 13; khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.

- Xử phạt bị cáo Ngô Văn C 02 (hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 04 năm, thời hạn tính từ ngày tuyên án.

Trong thời gian thử thách giao bị cáo cho UBND xã E, huyện D, tỉnh Đăklăk giám sát giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự và Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự tịch thu tiêu hủy 01 cây cà phê hình tròn dài 1,45 cm; 01 khúc gỗ hình vuông dài 80 cm, có cạnh 3 cm x 2 cm; trả lại cho cháu Ngô Thị Tuyết T1 01 USB màu đen. (Đặc điểm các vật chứng được lưu tại hồ sơ vụ án).

Về trách nhiệm dân sự: Chấp nhận việc bị cáo đã bồi thường cho người bị hại số tiền 80.000.000 đồng, người bị hại không yêu cầu gì thêm nên không đề cập xem xét.

Về án phí: Bị cáo Ngô Văn C phải chịu 200.000 đồng án phí Hình sự sơ thẩm.

Về quyền kháng cáo: Bị cáo; người bị hại; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện hợp pháp có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

243
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 47/2017/HSST ngày 04/07/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:47/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ea H'leo - Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 04/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về