Bản án 470/2020/HS-PT ngày 19/08/2020 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 470/2020/HS-PT NGÀY 19/08/2020 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 19 tháng 8 năm 2020 tại Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 211/2020/TLPT-HS ngày 23 tháng 6 năm 2020 đối với bị cáo Phạm Văn T.

Do có kháng cáo của bị cáo và đại diện bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2020/HS-ST ngày 15/05/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Cần Thơ.

Bị cáo (có kháng cáo):

Phạm Văn T, sinh năm: 1991 tại Cần Thơ; Nơi cư trú: ấp V, xã V1, huyện V2, thành phố Cần Thơ; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn: Không biết chữ; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Họ tên cha: Không rõ; Họ tên mẹ: Bà Phạm Thị Th; Anh, chị cùng mẹ khác cha: Có 03 người (lớn nhất sinh năm 1966, nhỏ nhất sinh năm 1979); Bị cáo chưa có vợ con; Tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 30/10/2019 cho đến nay (có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo:Luật sư Vũ Ngọc Ch, Văn phòng Luật sư V, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ(có mặt).

Người bị hại: Bà Phạm Thị Th, sinh năm 1947 (đã chết).

Người đại diện hợp pháp của người bị hại (có kháng cáo): Ông Võ Văn Th1, sinh năm: 1979 (có mặt).

Trú tại: ấp V, xã V1, huyện V2, thành phố Cần Thơ.

Người làm chứng:

1. Ông Võ Văn Q, sinh năm: 1966 (có mặt).

Trú tại: Ấp V, xã V1, huyện V2, thành phố Cần Thơ.

2. Bà Nguyễn Thị Mạnh Ch1, sinh năm: 1981 (vắng mặt).

3. Ông Nguyễn Huỳnh Tr, sinh năm: 1977 (vắng mặt).

4. Ông Phan Văn B, sinh năm: 1986 (vắng mặt).

5. Ông Nguyễn Văn B1, sinh năm: 1965 (có mặt).

6. Ông Kiều Thanh S, sinh năm: 1970 (vắng mặt).

7. Bà Nguyễn Thị R, sinh năm: 1958 (có mặt).

8. Ông Nguyễn Ngọc Liền A, sinh năm: 1988 (vắng mặt).

9. Ông Cao Minh Tr1, sinh năm: 1987 (vắng mặt).

10. Ông Nguyễn Thành C, sinh năm: 1982 (vắng mặt).

11. Ông Nguyễn Ngọc Th2, sinh năm: 1981 (vắng mặt).

12. Ông Huỳnh Hữu Đ (tên khác: Võ Văn T1), sinh năm: 1989 (vắng mặt).

13. Ông Phạm Văn Đ1, sinh năm: 1987 (vắng mặt).

14. Bà Nguyễn Thị Đ2, sinh năm: 1950 (vắng mặt).

15. Bà Nguyễn Thị R2, sinh năm: 1958 (vắng mặt).

Cùng trú tại: ấp V, xã V1, huyện V2, thành phố Cần Thơ.

16. Ông Lê Văn H, sinh năm: 1964 (có mặt).

Chỗ ở: ấp V, xã V1, huyện V2, thành phố Cần Thơ.

17. Ông Hồ Minh Nh, sinh năm: 1994 (vắng mặt). Trú tại: Ấp Q, xã V, huyện H, tỉnh Bạc Liêu.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Phạm Văn T là con ruột của bà Phạm Thị Th, T và bà Th cùng sinh sống chung nhà tại ấp V, xã V1, huyện V2, thành phố Cần Thơ.

Sáng ngày 29/10/2019, T từ nhà đến quán của ông Lê Văn H ở gần nhà để uống cà phê, sau đó uống rượu cùng Kiều Thanh S, Nguyễn Văn B1, Nguyễn Thành C, Nguyễn Ngọc Th2 và Lê Văn H. Đến khoảng 12 giờ thì nghỉ, T đi về nhà, sau đó xuống sông tắm và mò bắt tôm. Đến khoảng 16 giờ, T đi bộ đến tiệm sửa xe của anh Nguyễn Hữu Đ3 bán tôm vừa bắt được cho Đ3. Đến khoảng 16 giờ 30 phút, T đi về nhà, trên đường đi gặp Phạm Văn Đ1 đang điều khiển xe máy theo chiều ngược lại nên T rủ Đ1 đi uống rượu, Đ1 đồng ý và kêu T chờ sẽ quay lại chở T đi.

Khi về đến nhà, T gặp bà Th ở phía trước nhà, bà Th nói “Mày không đi làm ăn, tối ngày đi ăn nhậu”, T trả lời “Hai bữa nữa đi làm rồi”.bà Th đi vào khu vực nhà bếp nhưng tiếp tục la rầy khiến T cảm thấy bực tức nên đi vào khu vực nhà bếp để tìm bà Th đánh cho hả giận. Khi đi vào thấy bà Th đang khom người xuống lấy đồ, mặt quay vào trong, T đi đến lấy 01 con dao dài 47cm, cán bằng gỗ, lưỡi bằng kim loại rỉ sét để ở trong hộc tủ chén cầm bằng tay phải đi đến đứng sau lưng bà Th, dí sát lưỡi dao vào cổ cắt 01 cái thật mạnh theo hướng từ trái sang phải. Sau khi bị cắt cổ, bà Th gục xuống nền gạch, T ném bỏ con dao tại chỗ rồi đi ra trước nhà. Lúc này, T thấy bà Nguyễn Thị R – bà Nguyễn Thị Đ2 đang đứng nói chuyện với nhau ngoài lộ nên T đi ra giả vờ hỏi bà R và bà Đ2 thấy bà Th không, sau đó T quay vào nhà bật điện và truy hô lên bà Th đã tự tử, đồng thời kêu cứu. bà R nghe vậy nên đi vào và phát hiện bà Th nằm dưới nền gạch, bên cạnh có nhiều máu nên truy hô. Lúc này, Võ Văn Th1 nghe vậy nên chạy đến thì thấy bà Th nằm dưới nền gạch, trên cổ có vết thương ra nhiều máu nên Tho ẵm ra nhà trước để đưa đi cấp cứu nhưng thấy bà Th đã tử vong. Gia đình đến cơ quan Công an xã V1 trình báo sự việc.

Tang vật thu giữ: 01 con dao dài 47cm, cán bằng gỗ, lưỡi bằng kim loại;

01 quần jean màu xanh, 01 áo sơ mi dài tay màu xanh của Phạm Văn T; 01 tấm ga nệm; 01 áo thun của nạn nhân Phạm Thị Th.

Tại bản kết luận giám định pháp y tử thi số: 275/KLGĐTT-PC09 ngày 19/11/2019 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Cần Thơ kết luận: Nạn nhân Phạm Thị Th tử vong do choáng sau ngạt, do máu gây bít đường thở sau vết thương đứt rời khí quản, do vật sắc gây ra.

Tại công văn số: 29/CV-PC09 ngày 03/02/2020 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Cần Thơ: Nạn nhân Phạm Thị Th chết khoảng 17 giờ ngày 29/10/2019 và chết sau khi ăn khoảng 01 giờ; các vết thương vùng cổ, nếu nạn nhân Phạm Thị Th thuận tay phải cũng có thể tạo ra dấu vết trên; tại vùng cổ nạn nhân Phạm Thị Th có 02 vết thương, các vết thương do vật sắc gây ra, vết có chiều hướng từ dưới lên trên, từ trước ra sau, từ trái sang phải.

Tại kết luận giám định số: 311/KL-PC09 ngày 18/12/2019 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Cần Thơ kết luận: Máu thu của nạn nhân Phạm Thị Th thuộc nhóm máu O; máu ghi thu của đối tượng Phạm Văn T thuộc nhóm máu B; vết nghi máu ghi thu tại hiện trường vị trí số 1, vết ghi thu trên dao – vết dính trên dao – quần jean ngắn ghi thu tại hiện trường vị trí số 3, áo sơ mi ghi thu của đối tượng Phạm Văn T và trên tấm áo ga là máu người và thuộc nhóm máu O trùng nhóm máu của nạn nhân Phạm Thị Th; áo nạn nhân Phạm Thị Th có máu người (áo đã giặt nên không xác định được nhóm máu); quần jean dài ghi thu của đối tượng Phạm Văn T không tìm thấy vết máu.

Tại kết luận giám định số: 02/KLGĐ-PC09(ĐV) ngày 12/02/2020 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Cần Thơ kết luận: 01 con dao bầu, cán bằng gỗ, lưỡi bằng kim loại gửi giám định, không phát hiện dấu vết đường vân.

Tại kết luận giám định số: 135/C09B ngày 10/01/2020 của Phân viện kỹ thuật hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh thuộc Viện khoa học hình sự kết luận: Không phát hiện thấy AND của Phạm Văn T trên mẫu móng tay thu của nạn nhân Phạm Thị Th.

Tại kết luận giám định pháp y tâm thần theo yêu cầu số 285/2019/KLGĐ ngày 19/12/2019 khu vực Tây Nam Bộ thuộc Bộ y tế kết luận: Về y học: Trước, trong, sau khi phạm tội và hiện tại Phạm Văn T có bệnh lý tâm thần, rối loạn nhân cách, hành vi sử dụng rượu (F10.71-ICD10); Về năng lực: Tại thời điểm phạm tội và hiện tại Phạm Văn T hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bệnh lý tâm thần.

Tại văn bản: 285.0/PYTT ngày 19/12/2019 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ thuộc Bộ y tế có ý kiến gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Cần Thơ như sau: Về trách nhiệm hình sự: tại thời điểm phạm tội và hiện tại Phạm Văn T có năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Về trách nhiệm dân sự: Đại diện gia đình bị hại không yêu cầu bồi thường và xin giảm nhẹ hình phạt cho Phạm Văn T.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2020/HS-ST ngày 15 tháng 5 năm 2020, Tòa án nhân dân Thành phố Cần Thơ quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Phạm Văn T phạm tội “Giết người”.

Áp dụng: Điểm đ, n khoản 1 Điều 123; khoản 2 Điều 51; điểm i khoản 1 Điều 52; Điều 40 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Phạm Văn T tử hình.

Căn cứ vào khoản 4 Điều 329 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 25/5/2020, bị cáo Phạm Văn Tkháng cáo kêu oan.

Ngày 25/5/2020, đại diện người bị hạiông Võ Văn Th1kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phạm Văn T.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Luật sư bào chữa cho bị cáo trình bày: Kết luận điều tra, bản Cáo trạng, Bản án sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội “Giết người” là chưa đủ cơ sở, vì còn một số vấn đề chưa làm rõ như sau:Bị cáo có 02 lời khai khác nhau về nguồn gốc con dao gây án, lúc thì bị cáo khai con dao đã mua hơn 10 năm, lúc thì khai là không biết con dao ở đâu. Lời khai của đại diện bị hại cũng không biết con dao là của ai. Theo kết luận giám định thì chỉ có một vết cắt trên cổ người bị hại, bén ngọt. Bị cáo ban đầu khai cắt cổ bị hại 01 vết duy nhất, chỉ có một lời khai là cắt 02 vết; nhưng theo Biên bản khám nghiệm hiện trường thì lại có 02 vết cắt; con dao thu tại hiện trường rỉ sét, lưỡi gồ ghề thì không thể có vết cắt bén ngọt được, đây là những mâu thuẫn chưa được làm rõ. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Bị cáo Phạm Văn T trình bày:Bị cáo rất thương mẹ, không bị mẹ rầy la nên bị cáo không thể giết mẹ của bị cáo.Bị cáo khẳng định mẹ của bị cáo thuận tay trái vì bị cáo ở với mẹ từ nhỏ, khi mẹ cầm đũa ăn cơm, dùng cây hái cắt lúa đều dùng tay trái, nên không thể tự cắt cổ tự vẫn như vậy được. Người giết mẹ bị cáo là bà Nguyễn Thị R, vì con dao thu được ở tại nơi gây án là của bà R.Ngày hôm đó khi bị cáo về bước vô nhà, bật điện lên thì bị cáo nhìn thấy mẹ của bị cáo nằm trên nền nhà, con dao gây án đặt trên bụng của mẹ bị cáo, ngay lúc đó bị cáo nghĩ mẹ bị cáo tự vẫn nên mới la lên chạy kêu anh bị cáo nói là mẹ cắt cổ tự vẫn rồi. Khi bước vào nhà bật điện lên thì bị cáo không tới gần mẹ mà bị cáo mà chạy ra ngoài luôn và la lên.Anh của bị cáo về đến nhà thì ẵm mẹ của bị cáo ra ngoài, bị cáo có phụ giúp. Trong quá trình điều tra, lấy lời khai của bị cáo có đại diện của Ủy ban nhân dân xã, có Luật sư và Viện kiểm sát tham gia. Bị cáo khai nhận tội giết mẹ là do hốt hoảng và Điều tra đập bàn nên bị cáo sợ mới khai như vậy. Bị cáo không bị ép cung, không bị nhục hình, không bị Điều tra viên dụ dỗ để khai nhận tội. Sau này tại cơ quan điều tra, khi bình tĩnh lại bị cáo đã khai đúng sự thật là không giết mẹ mình. Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử minh oan cho bị cáo.

Người đại diện bị hại- ông Võ Văn Th1 trình bày:Thừa nhận có khai các lời khai tại cơ quan điều tra như các biên bản ghi lời khai đã ghi. Trước đâyđại diện bị hại có khai là nghi T là người giết mẹ. Nay xin khai lại là không biết T hay bà R giết mẹ, khi đang ở nhà hàng xóm nghe T kêu là mẹ thắt cổ tự tử rồi thì đại diện bị hại chạy về luôn vào nhà, đặt tay lên ngực mẹ thì thấy mẹ đã chết rồi, cơ thể con hơi ấm, cây dao nằm ở dưới đất trước bụng của mẹ nên đại diện bị hại mới ẵm mẹ mình và cầm con dao này ra ngoài.Do bị cáo là em ruột của đại diện bị hại và cũng là con của bị hại, nên xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và không yêu cầu bồi thường.

Người làm chứng bà Nguyễn Thị R trình bày:Bị cáo đổ cho bà R giết bị hại và nói con dao gây án của bị hại là không đúng. Ngày đó, khi bà R đi lấy cơm cặn qua nhà của bà Th thì thấy bị cáo la lên kêu anh của bị cáo là mẹ thắt cổ tự vẫn rồi, sau đó bà R có chạy liền qua nhà bà Th đứng ngoài cửa nhìn vào thì thấy bà Th nằm dưới đất. Sau đó, bà R đi về chăm sóc chồng bị tai biến và không qua nhà bà Th nữa.

Người làm chứng ông Võ Văn Q trình bày:Ba Phạm Thị Thsống ở địa phương không có mâu thuẫn với ai, chỉ có hay la mắng bị cáo do hay uống rượu, không chịu khó lao động.Dao yếm và dao bầu là chỉ cùng một loại dao, nhưng tên gọi khác.

Quan điểm của Kiểm sát viên:Hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” thuộc trường hợp giết ông, bà, cha, mẹvà có tính chất côn đồ. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm đ, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự, tuyên bố bị cáo phạm tội “Giết người”là đúng người đúng tội và không oan cho bị cáo.

Tuy bị cáo quanh co không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng xét bị cáo chưa có tiền án tiền sự, bị hạn chế năng lực hành vi. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo của đại diện bị hại, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáoxuống mức án tù chung thân.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra, kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của bị cáo của Luật sư, của Kiểm sát viên. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Kháng cáo của các bị cáo và đại diện bị hại đúng quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự nên vụ án được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[1.2] Về quyết định, hành vi tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung:

[2.1] Xét kháng cáo kêu oan của bị cáoPhạm Văn T:

Ban đầu tại Cơ quan điều tra, bị cáo Phạm Văn Tđã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, lời khai nhận tội của bị cáo là phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Mặc dù sau đó tại Cơ quan điều tra vàtại phiên tòa sơ thẩmbị cáo đã thay đổi lời khai không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào các chứng cứ để kết tội bị cáo như sau:

Bị hại là bàPhạm Thị Th đã trên 70 tuổi, là mẹ của bị cáo Phạm Văn T. bà Th sống tại địa phương được người dân xác nhận là không có mâu thuẫn với ai, chỉ có hay la mắng bị cáo do hay uống rượu, không chịu khó lao động. Bị cáo sống cùng với bị hại và khẳng định bị hại thuận tay trái. Theo kết luận giám định vết cắt trên cổ gây lên cái chết cho bị hại có hướng đi xuất phát từ bên trái qua bên phải. Do đó, có căn cứ để khẳng định cái chết của bị hại không phải do tự bị hại gây ra.

Đối với bà Nguyễn Thị R không có mâu thuẫn với bị hại. Do bà R là em dâu của bị hại nên mỗi khi bị hại bị ốm thì bà R đã cùng với ông Võ Văn Q chăm sóc cho bị hại, bị hại thường đến nhà bà R để ăn cơm. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện cho bị hại là ôngVõ Văn Th1 cũng xác định xác định giữa bà Th với bà R không có mâu thuẫn gì, bà R thường hay giúp bà Th những lúc bệnh tật, khó khăn, vừa qua khi bà Th đi bênh viện điều trị thì bà R là người đi chăm sóc bà Th nên bà R không có động cơ sát hại bị hại. Bà Thị Rừng và bà Nguyễn Thị Đ2 xác định bà R không có đi vào nhà của bị hại trước lúc phát hiện bị hại tử vong.Như vậy, đủ căn cứ xác định bị cáo cố ý đổ hết mọi tội lỗi cho bà Nguyễn Thị R, nhưng bà R đã có chứng cứ ngoại phạm.

Đối với cây dao thu giữ tại hiện trường có dính nhiều máu, là loại dao yếm (theo từ ngữ địa phương còn gọi là dao bầu) và có kích thước phù hợp với miêu tả của ông Võ Văn Q, ông Võ Văn Th1, ông Hồ Minh Nh và bị cáo. Cây dao được cho là bị sét, lưỡi không phẳng, nhưng theo bản ảnh và thực tế thì cũng không phải là đã bị hư hỏng không cắt được. Kết quả giám định máu dính trên dao trùng với nhóm máu của bị hại và vết đứt vùng cổ gây ra cái chết của bị hại phù hợp với cây dao đã thu giữ.Việc không thu giữ được dấu vân tay trên cây dao là do cây dao đã được dịch chuyển ra khỏi hiện trường khi chuẩn bị hậu sự cho bị hại, nhưng vị trí ban đầu của cây dao gây án đã được xác định qua miêu tả của bị cáo, của đại diện bị hại và những người làm chứng là phù hợp.

Bị cáo thừa nhận quá trình điều tra không bị mớm cung, ép cung hay nhục hình vàkhi tiến hành ghi lời khai của bị cáo từ ngày 29/10/2019 đến ngày 19/12/2019 do nhiều điều tra viên khác nhau ghi lời khai, có sự chứng kiến của Kiểm sát viên và người bào chữa cho bị cáo nên các lời khai này được thu thập hợp pháp (có USB lấy lời khai bị cáo trong hồ sơ).

Trong các lời khai thì chỉ duy nhất lời khai đầu tiên vào lúc 22 giờ ngày 29/10/2019, bị cáo khai có nghi ngờ bà Nguyễn Thị R sát hại bị hại như lời trình bày của bị cáo tại phiên tòa hôm nay. Các lời khai còn lại bị cáo đều tự nguyện khai ra diễn biến hành vi phạm tội phù hợp với các chứng cứ đã thu thập được như: con dao gây án, vị trí, tư thế của bị hại, cũng như vị trí, tư thế của bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội và động cơ sát hại bị hại. Những lời trình bày này chỉ có người thực hiện hành vi phạm tội chính là bị cáo mới khai ra được đầy đủ nguyên nhân, diễn biến cái chết của bị hại vì khi thực hiện hành vi phạm tội chỉ có bị cáo với người bị hại, không có ai chứng kiến.

Bị cáo nại ra do hoảng loạn và bị cán bộ điều tra đập bàn nên sợ mới khai nhận tội không đúng sự thật, nhưng tại các biên bản làm việc, biên bản hỏi cung, bị cáo điều thừa nhận tinh thần minh mẫn, có đủ sức khỏe để làm việc với Cơ quan điều tra. Các biên bản ghi lời khai bị cáo nhận tội đều có sự chứng kiến của người bào chữa và Kiểm sát viên. Khi bị hại chết, những người anh trong gia đình của bị cáo đã nhanh chóng trở về nhà để lo hậu sự cho bị hại, chỉ riêng bị cáo rất bình tỉnh và thừa nhận đã dùng dao cắt vào cổ bị hại. Bị cáo miêu tả quá trình thực hiện hành vi phạm tội trong biên bản ghi lời khai, sự chứng kiến của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã V1 nên bị cáo mới bị bắt giữ. Khi tiến hành việc bắt giữ, diễn biến tâm lý của bị cáo bình thường, chấp hành lệnh bắt giữ của Cơ quan điều tra.

Với việc thường hay uống rượu bị bị hại la mắng, bị cáo thường hay cự cãi lại với bị hại, việc này đã được những người xung quanh và ông Võ Văn Q xác nhận. Vào ngày xảy ra vụ án, bị cáo đã uống rượu đến khoảng 12 giờ thì đi về nhà rồi đi mò tôm, cá. Đến khoảng 16 giờ, T đi bộ đến tiệm sửa xe của anh Nguyễn Hữu Đ3 bán tôm vừa bắt được cho Đức. Đến khoảng 16 giờ 30 phút, T đi về nhà, trên đường đi gặp Phạm Văn Đ1 đang điều khiển xe máy theo chiều ngược lại nên T rủ Đ1 đi uống rượu, Đ1 đồng ý và kêu T chờ sẽ quay lại chở T đi.Khi về đến nhà, T gặp bị hại ở phía trước nhà. Bị hạinói “Mày không đi làm ăn, tối ngày đi ăn nhậu”, T trả lời “Hai bữa nữa đi làm rồi”.Bị hạiđi vào khu vực nhà bếp nhưng tiếp tục la rầy khiến T cảm thấy bực tức nên đi vào khu vực nhà bếp để tìm bị hạiđánh cho hả giận. Khi đi vào thấy bị hạiđang khom người xuống lấy đồ, mặt quay vào trong, T đã đi đến lấy dao cắt cổbị hại01 cái thật mạnh theo hướng từ trái sang phải. Sau khi bị cắt cổ, bà bị hạixuống nền gạch, T ném bỏ con dao tại chỗ rồi đi ra trước nhà. Lúc này, T thấy bà Nguyễn Thị R, bà Nguyễn Thị Đ2 đang đứng nói chuyện với nhau ngoài lộ nên T đi ra giả vờ hỏi bà R và bà Đ2 thấy bà Th không, sau đó T quay vào nhà bật điện và truy hô lên bà Th đã tự tử, đồng thời kêu cứu.Qua các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đủ có sở xác định vào thời điểm xảy ra vụ án, ngoài bị cáo ra thì không có ai có mặt tại hiện trường.

Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai khi bị cáo bước vào nhà bật điện lên thì nhìn thấy mẹ bị cáo nằm trên nền nhà, ngay lúc đó bị cáo nghĩ mẹ bị cáo tự vẫn nên mới vừa chạy vừa la kêu anh bị cáo nói là “mẹ cắt cổ tự vẫn rồi”. Bị cáo xác định khi bước vào nhà bật điện lên thì bị cáo không tới gần mẹ bị cáo mà chạy ra ngoài ngay và la lên. Bị cáo khai rằng rất thương mẹ của bị cáo. Về tình tiết này Hội đồng xét xử xét thấy, theo phản xạ bình thường của người con khi về đến nhà, phát hiện thấy mẹ mình nằm dưới đất thì phản xạ đầu tiên phải chạy ngay tới chỗ mẹ đang nằm để đỡ mẹ dậy và xem mẹ bị làm sao. Anh của bị cáo khi được tin báo của bị cáo, về đến nhà thì chạy thẳng tới chỗ bà Th nằm, đặt tay lên ngực để xem bà Thcòn sống hay không.Nhưng ở đây, bị cáo lại khai rằng tại thời điểm đó, bị cáo không tới gần bà Th và chạy ra ngoài la lên là bà Th tự vẫn. Lời khai này của bị cáo là trái với lẽ tự nhiên. Do đó, càng có căn cứ để xác định các lời khai không thừa nhận hành vi phạm tội của bị cáo là không đúng với thực tế.

Như vậy, có đủ căn cứ để quy kết bị cáo là người đã dùng dao, loại dao yếm (còn gọi là dao bầu), cán bằng gỗ, lưỡi bằng kim loại cắt vào vùng cổ của bị hại làm cho bị hại tử vong do choáng sau ngạt, do máu gây bít đường thở, vết thương đứt rời khí quản. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên bố bị cáo phạm tội “Giết người” theo điểm đ, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, không oan.

Bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không biết chữ. Theo kết luận giám định thì bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, rối loạn nhân cách, hành vi nhưng nguyên nhân lại là do sử dụng rượu. Kết luận giám định xác định bị cáo có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, bị cáo có năng lực nhận thức đối với hành vi tội lỗi của bị cáo đã gây ra, nhưng bị cáo lại không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Người đại diện bị hại là anh của bị cáo đã xin xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nhưng bị cáo vẫn quanh co đổ lỗi cho người khác.

Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng con dao thu được tại hiện trường không phải là của gia đình của bị cáo; lưỡi dao rỉ sét, gồ gề; bị cáo có nhiều lời khai mâu thuẫn; Cơ quan điều tra không thực nghiệm điều tra; không cho bị cáo đối chất với bà R, nên chưa đủ căn cứ kết tội bị cáo.Tuy nhiên, Cơ quan điều tra đã lấy lời khai của bà R và tại phiên tòa sơ thẩm thì bà R cũng có mặt và được coi là đối chất tại phiên tòa. Đối với các ý kiến khác của Luật sư, như đã phân tích nêu trên nên Hội đồng xét xử không có căn cứ chấp nhận.

Bị hại là mẹ của bị cáo, là người đã sinh thành, dưỡng dục bị cáo, chỉ la mắng bị cáo thường hay uống rượu, không lo chí thú làm ăn, giữa bị cáo với bị hại không có mâu thuẫn lớn, nhưng bị cáo đã thực hiện hành vi mang tính côn đồ, rất tàn nhẫn nhằm tước đoạt sinh mạng của mẹ mình. Hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội; gây mất an ninh trật tự tại địa phương; trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác được pháp luật bảo vệ; bị cáo còn quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội, không thấy được tội lỗi đã gây ra cho dù người bị hại là mẹ ruột của bị cáo. Từ đó, thể hiện tính xem thường pháp luật, không biết ăn năn hối cải, xem thường đạo đức xã hội của bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy, thấy bị cáo không còn khả năng cải tạo nên phải loại trừ bị cáo vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên phạt bị cáo mức án tử hình là có căn cứ.

[2.2] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của đại diện bị hại:

Đối với đại diện bị hại kháng cáo xingiảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sátcũng đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo xuống còn tù chung thân. Tuy nhiên,tại phiên tòa phúc thẩm đại diện bị hại không đưa ra được chứng cứ hay tình tiết giảm nhẹ nào mới, nên Hội đồng xét xử không có cơ sở để chấp nhận.

[3] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Phạm Văn Tvà kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạtcủa ông Võ Văn Th1 là đại diện người bị hại. Giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt đối với tội danh “Giết người” của bị cáo Phạm Văn T.

[4] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo của bị cáo bị cáo không được chấp nhận nên bị cáo các bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

1. Không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Phạm Văn T và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Võ Văn Th1 là đại diện người bị hại. Giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với phần bản án bị kháng cáo.

2. Tuyên bố: Bị cáo Phạm Văn T phạm tội “Giết người”.

Áp dụng: Điểm đ, n khoản 1 Điều 123; khoản 2 Điều 51; điểm i khoản 1 Điều 52; Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

3. Xử phạt: Bị cáo Phạm Văn T tử hình.

Tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án.

Trong thời hạn 07 (bảy) ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, bị cáo Phạm Văn T được quyền gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Phạm Văn T phải chịu 200.000 đồng.

5. Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

226
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 470/2020/HS-PT ngày 19/08/2020 về tội giết người

Số hiệu:470/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về