Bản án 46/2019/DS-PT ngày 29/11/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 46/2019/DS-PT NGÀY 29/11/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong các ngày 26 và 29 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 40/2019/TLPT-DS ngày 18 tháng 6 năm 2019 về việc “tranh chấp về thừa kế tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2019/DS-ST ngày 04/04/2019 của Tòa án nhân dân huyện VB, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 3190/2019/QĐ-PT ngày 07 tháng 8 năm 2019 và Thông báo về thời gian mở lại phiên tòa số 4701/TB-TA ngày 11/11/2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Đỗ Đức N, sinh năm 1956; nơi cư trú: Số 51, Điện Biên Phủ, phường VH, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, có mặt;

- Bị đơn: Ông Đỗ Đức M, sinh năm 1968; nơi cư trú: Số nhà 20, ngõ 2 đường SĐ, phường ĐM, quận NTL, thành phố Hà Nội; nơi công tác: Ban Thanh tra - Pháp chế, Đại học Quốc gia Hà Nội; địa chỉ: Số 144, đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, có mặt;

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Đỗ Thị A, sinh năm 1950; nơi cư trú: Thôn X, xã TH, huyện TN, thành phố Hải Phòng, vắng mặt;

2. Bà Đỗ Thị A1, sinh năm 1953; nơi cư trú: Số 14 CG, đường QN, phường KD, quận LC, thành phố Hải Phòng, vắng mặt;

3. Bà Đỗ Thị Y, sinh năm 1959; nơi cư trú: Số 135 PĐP, phường Y, thành phố BL, tỉnh Lâm Đồng; có mặt;

4. Ông Đỗ Đức T, sinh năm 1971; nơi cư trú: Số 58/40 đường QT, phường Y, thành phố BL, tỉnh Lâm Đồng; vắng mặt;

Người đại diện theo ủy quyền của bà Đỗ Thị A1, bà Đỗ Thị Y và ông Đỗ Đức T: Ông Đỗ Đức N, sinh năm 1956; nơi cư trú: Số 51, đường ĐBP, phường VH, thành phố NT, tỉnh Khánh Hòa, có mặt;

5. Bà Lê Thị N1; sinh năm 1966; nơi cư trú: Số 24B/2 đường NVL, phường ĐH, quận LC, thành phố hải Phòng; có đơn xin xét xử vắng mặt;

6. Bà Đoàn Thị M1, sinh năm 1969; nơi cư trú: Số nhà 20, ngõ 2 SĐ, phường ĐM, quận NTL, thành phố Hà Nội; vắng mặt;

7. Chi nhánh VT Hải Phòng; địa chỉ: Đường LHP, phường TT, quận HA, thành phố Hải Phòng; người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Xuân H, có đơn xin xét xử vắng mặt;

- Người kháng cáo:Ông Đỗ Đức M, bà Đoàn Thị M1 và bà Đỗ Thị A.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và quá trình giải quyết sơ thẩm, nguyên đơn đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Đỗ Thị A1, Đỗ Thị Y và ông Đỗ Đức T là ông Đỗ Đức N trình bày:

Bố mẹ ông là cụ Đỗ Đức T1 và cụ Đoàn Thị T2 sinh được 08 người con gồm Đỗ Thị A, Đỗ Thị A1, Đỗ Đức N, Đỗ Thị Y, Đỗ Thị Y1, Đỗ Đức L, Đỗ Đức M và Đỗ Đức T, trong đó ông Đỗ Đức L và bà Đỗ Thị Y1 đều đã chết và chưa có vợ, chồng, con. Ngoài ra, cụ T1 còn có 01 người con riêng là bà Lê Thị N1. Cụ T1 chết năm 1995, không để lại di chúc, cụ T2 chết năm 2011, có để lại 01 di chúc nội dung tố cáo ông M có hành vi hành hạ thể xác, ngược đãi, lăng mạ, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của cụ; cụ tuyên bố từ bỏ, không coi ông M là con; cụ giao đất lại cho 02 người con trai là ông N và ông T.

Tài sản các cụ để lại là diện tích 753m2 đất tại thửa số 666, tờ bản đồ số 2, tại thôn Z HD, xã HB, huyện VB, thành phố Hải Phòng. Ngày 01/5/1997, Ủy ban nhân dân huyện VB cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G 429461 mang tên cụ Đoàn Thị T. Sau khi bố mẹ ông qua đời, các anh chị em và họ hàng giao cho ông Đỗ Đức M quản lý diện tích đất trên. Năm 2000, ông M đã xây dựng 01 ngôi nhà diện tích khoảng 100m2 trên một phần diện tích đất do bố mẹ ông để lại, cụ T2 có đưa cho ông M 02 chỉ vàng và một ít tiền mặt. Quá trình sử dụng đất vợ chồng ông M có cải tạo san lấp, kè bờ ao và trồng cây thu hoạch trên phần diện tích đất này. Kể từ ngày cụ T2 chết, vợ chồng ông M sinh sống trên Hà Nội, thỉnh thoảng mới về.

Năm 2008, Chi nhánh VT Hải Phòng có ký hợp đồng với cụ Đoàn Thị T2 thuê mặt bằng để đặt trạm BTS trên diện tích đất này, thời hạn 05 năm. Năm 2011, cụ T chết, anh em ông đã họp thống nhất để vợ chồng ông M nhận tiền thuê đất đến hết hợp đồng đầu tiên vào năm 2013. Mặt khác, tại biên bản họp gia đình ngày 01/4/2011, anh em ông có thỏa thuận: Từ năm 2013 trở đi, việc ký tiếp hợp đồng với Chi nhánh VT Hải Phòng phải được bàn bạc thống nhất giữa các anh em, số tiền ký kết hợp đồng được dùng để lo cho việc hiếu chung của gia đình. Biên bản họp cũng xác định rõ ông N là người có trách nhiệm quản lý chung toàn bộ đất đai của cha mẹ để lại. Tuy nhiên, sau đó ông M đã vi phạm thỏa thuận, không cho anh, chị em ông vào nhà để cúng tổ tiên, tự ý ký gia hạn hợp đồng với Chi nhánh VT Hải Phòng 03 lần mà không bàn bạc với anh em ông. Tổng số tiền mà ông M đã nhận từ Chi nhánh VT Hải Phòng tạm tính đến tháng 3/2017 là 124.800.000 đồng. Số tiền mà Chi nhánh VT Hải Phòng còn phải thanh toán tiếp cho anh em ông từ tháng 3/2017 đến tháng3/2018 là 32.400.000 đồng. Tổng cộng là 157.200.000 đồng.

Nay, ông đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của bố mẹ ông để lại là diện tích đất 747m2bằng hiện vật. Đối với số tiền Chi nhánh VT thuê mặt bằng đặt trạm BTS từ tháng 3/2013 đến tháng 3/2018 được tổng số tiền là 157.200.000 đồng, ông đề nghị Tòa án chia đều số tiền này cho 06 anh chị em. Đối với các tài sản do vợ chồng ông M, bà M1 tạo lập trên đất tranh chấp được chia, ông xin thanh toán thay cho bà A, bà A1, bà Y, ông T toàn bộ giá trị các tài sản trên cho vợ chồng ông M, bà M1 theo giá trị như Hội đồng định giá đã kết luận. Đối với chi phí tiền định giá tài sản ông tự nguyện chi trả toàn bộ các chi phí này.

Bị đơn là ông Đỗ Đức M trình bày:

Ông M khai thống nhất về quan hệ huyết thống. Khi chết, cụ T1 và cụ T2 có để lại 753m2 đất tại thửa số 666, tờ bản đồ số 2, tại thôn Z HD, xã HB, huyện VB, thành phố Hải Phòng, thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ T. Nguồn gốc đất là đất hương hỏa được bố mẹ ông thừa tự từ đời ông nội của ông. Năm 1997, ông lấy vợ sau đó về sinh sống cùng với mẹ và chị gái trên diện tích đất này. Quá trình sinh sống tại đây vợ chồng ông đã đầu tư xây dựng, cải tạo lại toàn bộ nhà cửa đất đai và ruộng vườn, cụ thể: Từ năm 1998 – 2008, xây kè bờ ao, xây tường bao xung quanh, san lấp toàn bộ mặt bằng, lập diện tích đất ao do bị thông tuông và trồng toàn bộ cây xanh trong vườn. Năm 2000, xây dựng mới căn nhà gỗ lim 04 gian, công trình phụ.Năm 2008, ông ký hợp đồng đặt trạm BTS với Chi nhánh VT Hải Phòng là do được sự đồng ý của cụ T2. Từ năm 2011, sau khi cụ T chết vợ chồng ông là người đại diện cho gia đình, là chủ hợp đồng và là người trực tiếp quản lý đất đai, hương hỏa của gia đình nên đương nhiên vợ chồng ông được nhận tiền thuê của hợp đồng. Ngày 01/4/2011, ông N đã ép mọi người phải họp gia đình và lập biên bản, trong đó có nội dung: “Giao cho ông M thu tiền Hợp đồng VT đến hết năm 2013 sau đó giao cho 3 ông là ông N, ông M, ông T sẽ bàn bạc thống nhất việc có ký tiếp hay không” là cưỡng ép, không hoàn toàn tự nguyện và không đúng với ý chí mọi người, có nội dung trái pháp luật, biên bản lập không đúng trình tự và sai nguyên tắc. Do đó, ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông N.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Bà Đỗ Thị A trình bày: Bà xác nhận quan hệ huyết thống trong gia đình như nội dung ông N, ông M là đúng. Cụ T1, cụ T2 chết có để lại 753m2 đất tại thửa số 666, tờ bản đồ số 2, tại thôn Z HD, xã HB, huyện VB, thành phố Hải Phòng. Ngày 01/5/1997, Ủy ban nhân dân huyện VB cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Đoàn Thị T. Nguồn gốc đất là đất hương hỏa được thừa tự từ đời ông nội của bà. Năm 1997, ông M lấy vợ sau đó về sinh sống cùng với mẹ và em gái trên diện tích đất này. Nay, do tính gia trưởng, đố kỵ, hẹp hòi của ông N nên anh chị em bất hòa và đòi chia di sản thừa kế nên bà đề nghị Tòa án tiến hành hòa giải để ông N rút đơn, đồng thời bà đề nghị giải quyết vắng mặt bà.

- Bà Lê Thị N1 trình bày: Bà xác nhận bà là con riêng của cụ Đỗ Đức T1. Tuy nhiên, kể từ khi sinh ra đến nay bà không sống chung cùng cụ T1. Nay, cụ T1 đã chết anh em ông N yêu cầu chia di sản thừa kế, bà từ chối nhận di sản thừa kế của cụ T1 và đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt bà.

- Chi nhánh VT Hải Phòng trình bày: Chi nhánh VT có ký kết hợp đồng đặt trạm BTS với gia đình cụ Đoàn Thị T. Từ tháng 3/2013 đến tháng 3/2017 Chi nhánh VT Hải Phòng đã thanh toán cho ông M số tiền là 124.800.000 đồng, còn lại từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2018 chưa thanh toán là 32.400.000 đồng; từ tháng 3/2018 đến tháng 3/2019 do hợp đồng hết hạn nên Chi nhánh VT Hải Phòng cũng chưa thanh toán. Nay, VT không có ý kiến gì về nội dung vụ án. Việc có tiếp tục ký kết hợp đồng đặt trạm BTS với ông N, ông M và những người có liên quan hay không thì sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, VT sẽ làm việc với ông N, ông M và những người liên quan để thống nhất, trường hợp không thống nhất được hoặc không tiếp tục ký kết hợp đồng nữa thì VT sẽ tự tháo dỡ, di chuyển trạm để bàn giao lại mặt bằng cho ông M, ông N và những người liên quan. Đối với số tiền còn thiếu của Hợp đồng trên VT sẽ thanh toán theo quyết định của Tòa án.

Kết quả định giá tài sản: Tổng diện trích đất 747m2. Trong đó: Đất ở là 200m2 x 500.000 đồng/m² = 100.000.000 đồng; đất vườn là 329m2 x 66.000 đồng/m² = 21.714.000 đồng; đất ao là 218m2 x 48.000 đồng = 10.464.000 đồng. Đất và vật kiến trúc, cây cối trên đất có tổng giá trị là 234.835.500 đồng.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2019/DS-ST ngày 04/4/2019, Tòa án nhân dân huyện VB, thành phố Hải Phòng, xử:

1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Đức N về việc phân chia di sản thừa kế của cụ Đỗ Đức T1 và cụ Đoàn Thị T2 diện tích 747m2, thuộc thửa số 666, tờ bản đồ số 2, tại thôn Z HD, xã HB, huyện VB, thành phố Hải Phòng.

- Mở lối đi chung có chiều ngang rộng 2,4m với tổng diện tích là 82m2 - Ông Đỗ Đức M được chia quyền sử dụng 159m2 đất ở trị giá 79.500.000 đồngvà sở hữu 26.200.000 đồng tiền cho thuê đặt trạm BTS của VT.

- Ông Đỗ Đức N được chia quyền sử dụng 41m2 đất ở và 58m2 đất vườn trị giá 24.328.000 đồng và sở hữu 26.200.000 đồng tiền cho thuê đặt trạm BTS của VT.

- Ông Đỗ Đức T được quyền sử dụng 39m2 đất vườn và 47m2 đt ao trị giá 4.830.000 đồng và sở hữu 26.200.000đồng tiền cho thuê đặt trạm BTS của VT.

- Bà Đỗ Thị Y được chia quyền sử dụng 88m2 đất ao trị giá 5.800.000 đồng và sở hữu 26.200.000 đồng tiền cho thuê đặt trạm BTS của VT.

- Bà Đỗ Thị A1 được chia quyền sử dụng 79m2 đất ao và 09m2 đất vườn trị giá 4.396.000 đồng và sở hữu 26.200.000 đồng tiền cho thuê đặt trạm BTS của VT.

- Bà Đỗ Thị A được chia quyền sử dụng 145m2 đất vườn trị giá 9.570.000 đồng và sở hữu 26.200.000 đồng tiền cho thuê đặt trạm BTS của VT.

2. Ông Đỗ Đức M phải thanh toán bằng tiền cho các đồng thừa kế khác đối với giá trị chênh lệch phần di sản là quyền sử dụng đất và phần tiền cho thuê đặt trạm BTS đã nhận của Chi nhánh VT Hải Phòng thanh toán, cụ thể như sau: Thanh toán cho bà Đỗ Thị A tổng số tiền là 11.570.000 đồng + 26.200.000 đồng = 37.770.000 đồng; thanh toán cho bà Đỗ Thị A1 là 16.754.000 đồng + 18.100.000 đồng = 34.854.000 đồng; thanh toán cho bà Đỗ Thị Y là 16.916.000 đồng + 18.100.000 đồng = 35.016.000 đồng và thanh toán cho ông Đỗ Đức T là 13.120.000 đồng + 18.100.000 đồng = 31.220.000 đồng.

3. Ông Đỗ Đức N phải thanh toán cho vợ chồng ông Đỗ Đức M, bà Đoàn Thị M1 tài sản và vật kiến trúc trên đất là 94.470.000 đồng – 18.100.000 đồng (từ tiền cho thuê đặt trạm BTS mà ông M phải hoàn trả cho ông N) = 76.370.000 đồng và thanh toán cho ông Đỗ Đức T giá trị chênh lệch tiền đất là 3.188.000 đồng.

4. Chi nhánh VT Hải Phòng phải thanh toán cho bà Đỗ Thị A1, bà Đỗ Thị Y, ông Đỗ Đức T và ông Đỗ Đức N số tiền thuê đất đặt trạm BTS từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2018 mỗi người là 8.100.000 đồng.

Trường hợp các bên đương sự không tiếp tục ký kết hợp đồng thuê đặt trạm BTS của VT nữa thì Chi nhánh VT Hải Phòng phải tháo dỡ toàn bộ Trạm BTS để bàn giao mặt bằng cho các đồng thừa kế.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm tuyên về án phí, quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án.

Ngày 09/5/2019, ông Đỗ Đức M, bà Đoàn Thị M1, bà Đỗ Thị A kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ông Đỗ Đức M, bà Đoàn Thị M1 đề nghị xem xét thẩm định, định giá lại tài sản tranh chấp, khi chia thừa kế tính đến công sức tôn tạo, tu bổ, xây dựng đối với diện tích đất tranh chấp trên của ông M, bà M1.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn ông Đỗ Đức N và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đỗ Thị Y giữ nguyên trình bày tại giai đoạn sơ thẩm. Ông N, bà Y thừa nhận ông M, bà M1 có một phần công sức tôn tạo đất, nhưng đó là phục vụ cho nhu cầu của ông M khi ở trên đất đó. Ông N, bà Y đề nghị không chấp nhận kháng cáo của ông M, bà M1, bà Am vì khi cụ T2 sống với ông M, ông M thường xuyên hành hạ thể xác, ngược đãi, lăng mạ, xúc phạm cụ 2T; cụ T2 tuyên bố không coi ông M là con. Di chúc ghi tên cụ T ghi ngày 18/4/2002 do ông M nộp là di chúc do ông M làm giả, vì trên di chúc có xác nhận của ông Phạm Đức C – Phó Chủ tịch xã HB nhưng ông Ckhông làm Phó Chủ tịch từ năm 2000. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Bị đơn ông Đỗ Đức M trình bày: Tại phiên tòa ngày 26/11/2019 ông M xuất trình bản sao công chứng di chúc ghi ngày 18/4/2002, ghi người để lại di chúc là Đoàn Thị T2, có xác nhận của ông Phạm Đức C– Phó Chủ tịch UBND xã HB, huyện VB, thành phố Hải Phòng. Nội dung: cụ T để lại toàn bộ đất của các cụ cho ông M nên không đồng ý chia thừa kế diện tích đất do cụ T1 và cụ T2 để lại. Về số tiền Chi nhánh VT Hải Phòng trả do đặt Trạm BTS, do đất các cụ đã cho ông M, ông M là người ký hợp, khi ký cụ T2 đồng ý nên số tiền trên là của ông M. Nếu phải chia thừa kế, ông đề nghị xem xét thẩm định tại chỗ, định giá lại vì Tòa án cấp sơ thẩm chưa tính đúng, tính đủ tài sản trên đất, chưa đo chính xác diện tích đất.

Đi diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán và Hội đồng xét xử tuân theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; các đương sự cơ bản thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình. Tại phiên tòa ngày 29/11/2019, ông M đơn xin hoãn phiên tòa lý do đi khám bệnh. Xét, tài liệu bị đơn gửi là sổ khám bệnh, không có tài liệu thể hiện đang điều trị nội trú nên không chấp nhận hoãn phiên tòa của bị đơn.

Về nội dung kháng cáo: Ông M, bà M1 kháng cáo đề nghị xem xét thẩm định và định giá lại tài sản. Quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm có tổ chức định giá, việc định giá tài sản phải mở đi mở lại nhiều lần do bị đơn là ông M, bà M1 không có mặt khi định giá. Quá trình giải quyết, xét xử sơ thẩm đều vắng mặt. Nay bị đơn đưa ra lý do chưa tính đúng, đủ tài sản nên đề nghị thẩm định lại nhưng không đưa ra được lý do. Xét thấy việc kiểm đếm, định giá tài sản đã thực hiện đúng quy định pháp luật. Hơn nữa, ông M, bà M1 nhận được kết quả định giá nhưng không có ý kiến gì. Như vậy, đề nghị của ông M, bà M1 về việc xem xét thẩm định và định giá lại tài sản lại tài sản là không có căn cứ chấp nhận. Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chia thừa kế 747m2 do cụ T1, cụ T để lại và số tiền thuê đặt trạm BTS của Chi nhánh VT Hải Phòng là có cơ sở nhưng cần phải xem xét đến công sức tôn tạo, giữ gìn, công sức chăm sóc cụ T2 của ông M và bà M1 bằng một suất thừa kế. Tuy nhiên, để đảm bảo công năng sử dụng đất đã chia cho các đương sự, cần chia công sức cho vợ chồng ông M bằng giá trị cũng đảm bảo quyền lợi. Tại phiên tòa ngày 26/11/2019, ông M có xuất trình bản sao công chứng di chúc đề ngày 18/4/2019, ghi tên người để lại di sản là Đoàn Thị T2, có xác nhận của ông Phạm Đức C– Phó Chủ tịch UBND xã HB. Tuy nhiên, qua xác minh ông Phạm Đức Cđã chuyển công tác khác từ năm 2000, do vậy di chúc trên là không hợp pháp. Phía nguyên đơn xuất trình di chúc của cụ T2 nhưng di chúc không ghi ngày tháng, nội dung và hình thức không phù hợp với quy định của pháp luật nên cả hai di chúc trên không được chấp nhận. Vì vậy, đề nghị sửa bản án sơ thẩm, công sức cải tạo, giữ gìn đất, công sức chăm sóc cụ T2 của ông M và bà M1 được tính bằng một suất thừa kế, diện tích đất còn lại và số tiền thuê đặt trạm BTS chia đều cho 6 người con của cụ T2. Tuy nhiên, giữ nguyên phần chia hiện vật của bản án sơ thẩm, chia công sức cho ông M, bà M1 bằng giá trị. Sửa phần án phí sơ thẩm các đương sự phải chịu. Do bản án sơ thẩm bị sửa nên người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, cũng như lời trình bày của các đương sự và ý kiến của Viện Kiểm sát tại phiên tòa;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

- Về tố tụng:

[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết: Đây là vụ án tranh chấp thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về sự vắng mặt của đương sự: Bị đơn ông Đỗ Đức M có mặt tại phiên tòa ngày 26/11/2019, vắng mặt tại phiên tòa ngày 29/11/2019 và có gửi sổ khám bệnh kèm theo đơn xin hoãn phiên tòa. Xét, tài liệu bị đơn gửi chỉ là sổ khám bệnh, không có tài liệu thể hiện đang điều trị nội trú nên không chấp nhận đơn xin hoãn phiên tòa của bị đơn. Bà Đoàn Thị M1 vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm nhưng có ủy quyền cho ông Đỗ Đức M; bà Đỗ Thị A1, ông Đỗ Đức T vắng mặt nhưng đã ủy quyền cho ông Đỗ Đức N. Bà Đỗ Thị Y vắng mặt tại phiên tòa ngày 26/11/2019 nhưng đã ủy quyền cho ông Đỗ Đức N, có mặt tại phiên tòa ngày 29/11/2019. Bà Lê Thị N1 và Chi nhánh VT Hải Phòng vắng mặt nhưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt; bà Đỗ Thị A vắng mặt không lý do. Các đương sự đã được triệu tập hợp lệ nên Tòa án căn cứ Điều 227; Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự xét xử vắng mặt các đương sự trên.

[3] Về thời hiệu khởi kiện: Cụ T1 chết năm 1995, cụ T2 chết năm 2011. Căn cứ khoản 1 Điều 623; điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, năm 2017 nguyên đơn khởi, do vậy thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế vẫn đảm bảo.

[4] Về hàng thừa kế: Cụ T1 và cụ T2 sinh được 08 người con gồm các ông bà Đỗ Thị A, Đỗ Thị A1, Đỗ Đức N, Đỗ Thị Y, Đỗ Thị Y1, Đỗ Đức L, Đỗ Đức M và Đỗ Đức T (trong đó 02 người con là Đỗ Đức L và Đỗ Thị Y1 đã chết và chưa có vợ, chồng và con). Ngoài ra cụ T1 còn có 01 người con riêng là Lê Thị N1. Bà N1 từ chối không nhận di sản thừa kế của cụ T1.

[5] Về di chúc: Cụ T1 chết không để lại di chúc. Phía nguyên đơn có xuất trình di chúc của cụ T, tuy nhiên di chúc không đảm bảo đúng nội dung và hình thức theo quy định tại các điều 652, 653 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Tại phiên tòa ngày 26/11/2019, ông Đỗ Đức M có xuất trình cho Hội đồng xét xử phúc thẩm một bản sao công chứng di chúc đề ngày 18/4/2019, ghi tên người để lại di sản là Đoàn Thị T, có xác nhận của ông Phạm Đức C– Phó Chủ tịch UBND xã HB. Tuy nhiên, qua xác minh ông Phạm Đức C đã không giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã HB từ năm 2000, mặt khác ông M không xuất trình được bản gốc nên di chúc ông M nộp là không hợp pháp. Như vậy, cả hai di chúc trên đều không được chấp nhận.

- Về yêu cầu kháng cáo:

[6] Về kháng cáo của bà Đỗ Thị A: Tòa án đã mở phiên tòa nhiều lần nhưng bà Am đều vắng mặt không có lý do, vì vậy đình chỉ xét xử đối với yêu cầu kháng cáo của bà Am.

[7] Về kháng cáo của ông M, bà M1: Nội dung kháng cáo đề nghị xem xét thẩm định tại chỗ và định giá lại tài sản. Xét, Tòa án cấp sơ thẩm đã tổ chức định giá, việc định giá tài sản phải mở đi mở lại nhiều lần do bị đơn là ông M, bà M1 không có mặt khi định giá. Căn cứ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và tài liệu xác minh tại giai đoạn xét xử phúc thẩm đối với Ủy ban nhân dân xã HB, huyện VB và những người làm chứng, trực tiếp tham gia buổi định giá tài sản. Xét thấy việc kiểm đếm, định giá tài sản đã thực hiện đúng quy định pháp luật, đã kiểm đếm đầy đủ, chi tiết đối với đất đai và các tài sản, cây cối, hoa màu trên đất. Hơn nữa, sau khi có kết quả định giá, Tòa án cấp sơ thẩm đã gửi kết quả định giá, tại biên bản làm việc ngày 03/9/2019 bị đơn thừa nhận đã nhận được kết quả định giá nhưng không có ý kiến gì. Ông M, bà M1 đề nghị xem xét thẩm định tại chỗ và định giá lại tài sản nhưng không đưa ra được căn cứ. Vì vậy, đề nghị của ông M, bà M1 về việc xem xét thẩm định tại chỗ và định giá lại tài sản không được chấp nhận.

[8] Xác định di sản thừa kế: Cả nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là con của cụ T1, cụ T2 đều thừa nhận khi chết các cụ có để lại 753m2(thực tế đo gồm 747m2) đất tại thửa số 666, tờ bản đồ số 2, tại thôn Z HD, xã HB, huyện VB, thành phố Hải Phòng, thửa đất được Ủy ban nhân dân huyện VB cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G 429461 mang tên cụ Đoàn Thị T. Về việc chênh lệch diện tích đất: Diện tích đất đo khi định giá có ít hơn diện tích đất so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Lão cho biết sự chênh lệch do sai số khi đo đạc và mốc giới các hộ liền kề xê dịch. Ngoài ra, Chi nhánh VT Hải Phòng có ký kết hợp đồng đặt trạm BTS với gia đình cụ Đoàn Thị T2. Từ tháng 3/2013 đến tháng 3/2017 Chi nhánh VT Hải Phòng đã thanh toán cho ông Đỗ Đức M số tiền là 124.800.000 đồng, còn lại từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2018 chưa thanh toán là 32.400.000 đồng, tổng là 157.200.000 đồng; từ tháng 3/2018 đến tháng 3/2019 do hợp đồng hết hạn nên Chi nhánh VT Hải Phòng cũng chưa thanh toán. Bà Lê Thị N1 từ chối hưởng di sản thừa kế của cụ T1 nên di sản của cụ T1 và cụ T là 747m2 đất và 157.200.000 đồng được chia đều cho 06 người con là các ông bà Đỗ Thị A, Đỗ Thị A1, Đỗ Đức N, Đỗ Thị Y, Đỗ Đức M và Đỗ Đức T.

[9] Về công sức tôn tạo, bảo quản, giữ gìn di sản và công chăm sóc cụ Đoàn Thị T: Năm 1997, ông M và bà M1 về ở với cụ T2 trên đất tranh chấp hiện nay, năm 2011 cụ T2 chết. Mặc dù ông M và bà M1 không liên tục sinh sống trên đất tranh chấp, nhưng đất tranh chấp cho đến nay vẫn do ông M và bà M1 quản lý. Các đương sự đều thừa nhận, quá trình sử dụng, ông M và bà M1 có tôn tạo, san lấp, kè bờ ao, trồng cây. Tòa án cấp sơ thẩm khi chia thừa kế không xem xét đến công sức của ông M, bà M1 là chưa đảm bảo quyền lợi của các đương sự. Vì vậy, cần chấp nhận kháng cáo tính công sức của ông M và bà M1 bằng một suất thừa kế. Ngoài ra, bị đơn còn đề nghị xem xét các chi phí như đổ đất hết 10.000.000 đồng, thuê người chặt cây dừa 6.000.000 đồng, công phá nhà vệ sinh 20.000.000 đồng, chi phí mai táng cô Y1 10.000.000 đồng, vay tiền để thuốc men cho cụ T2 45.000.000 đồng, công sức của con bị đơn bưng cơm nước cho cụ T2. Xét, đề nghị này đều không có căn cứ nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

- Về việc chia di sản:

[10] Đối với di sản là diện tích 747m2 đất của cụ T1, cụ T2 để lại bao gồm 200m2 đất ở x 500.000 đồng/m2 = 100.000.000 đồng, 329m2 đất vườn x 66.000 đồng/m2 = 21.714.000 đồng, 218m2 đất ao x 48.000 đồng = 10.464.000 đồng, tổng cộng giá trị bằng 132.178.000 đồng. Xét, việc Tòa án cấp sơ thẩm khi chia thừa kế bằng hiện vật đã tính toán đảm bảo mục đích sử dụng cũng như công năng, do vậy Hội đồng xét xử thấy rằng cần giữ nguyên phương án chia bằng hiện vật của Tòa án cấp sơ thẩm, cụ thể: Cần mở một lối đi chung cho các đồng thừa kế diện tích 82m2, giá trị 5.340.000 đồng (bao gồm 78m2 đất vườn trị giá 5.148.000 đồng và 04m2 đất ao trị giá 192.000 đồng), chiều ngang rộng 2,4m, lối đi kéo dài ra đường xóm. Như vậy, di sản của cụ T1 và cụ T2 còn lại là 665m2đất trị giá = 126.838.000 đồng (trong đó đất ở 200m2 trị giá = 100.000.000 đồng; đất vườn 251m2 trị giá = 16.566.000 đồng; đất ao 214m2 trị giá = 10.272.000 đồng). Do di sản bao gồm các loại đất khác nhau nên chia bằng giá trị đất, cụ thể: 126.838.000 đồng chia 7 suất = 18.119.714 đồng, trong đó các ông bà Đỗ Thị A, Đỗ Thị A1, Đỗ Đức N, Đỗ Thị Y, Đỗ Đức M và Đỗ Đức T mỗi người được nhận một suất thừa kế là 18.119.714 đồng. Riêng ông Đỗ Đức M và bà Đoàn Thị M1 còn được nhận thêm 01 suất thừa kế là công sức bằng 18.119.714 đồng. Như vậy, ông M và bà M1 được nhận 36.239.428 đồng.

[11] Đối với số tiền hợp đồng thuê đặt trạm BTS là 157.200.000 đồng, được chia làm 06 suất = 26.200.000 đồng. Do ông M đã nhận số tiền 124.800.000 đồng từ VT thanh toán nên ông M phải hoàn trả lại cho các đồng thừa kế khác, cụ thể: Hoàn trả cho bà Am 26.200.000 đồng; hoàn trả cho ông N, bà A1, bà Y, ông T mỗi người 18.100.000 đồng. Ông N, bà A1, bà Y, ông T được nhận số tiền chưa thanh toán từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2018 của Chi nhánh VT Hải Phòng là 32.400.000 đồng : 4 người = 8.100.000 đồng. Như vậy, tổng giá trị di sản của mỗi đương sự được nhận cụ thể: Các ông bà A, A1, N, Y, M và T mỗi người được nhận một suất thừa kế 18.119.714 đồng + 26.200.000 đồng = 44.319.714 đồng. Riêng ông M và bà M1 còn được nhận 01 suất thừa kế là công sức 18.119.714 đồng nên giá trị được nhận là 62.439.428 đồng. Cụ thể chia bằng hiện vật như sau: Trên phần đất tranh chấp có các công trình vật kiến trúc của ông M và bà M1 tạo dựng. Để ổn định chỗ ở, sinh hoạt cũng như tránh gây lãng phí, do vậy cần chia cho ông M phần diện tích đất có nhà và các công trình của vợ chồng ông M xây dựng trên đất. Phần diện tích đất còn lại được chia đều thành 05 phần cho 05 đồng thừa kế còn lại theo chiều ngang với mỗi phần có chiều ngang rộng 5,6m. Bắt đầu phần đất phía Bắc giáp nhà ông T được chia lần lượt từ ông M, ông N, ông T, bà Y, bà A1 và bà Am. Nếu ai được nhiều hơn kỷ phần mình được hưởng thì phải thanh toán phần chênh lệch cho các đồng thừa kế khác.

[12] Trên phần đất ông N, ông T, bà Y, bà A1, bà Am được nhận có các tài sản và vật kiến trúc do vợ chồng ông M tạo lập, bao gồm: Kè bờ ao xây gạch chỉ, ½ khối lượng tường bao nằm trên phần diện tích của ông N cùng các đồng thừa kế khác, cây hương ngoài sân, sân lát gạch chỉ, cổng, cánh cổng, đất san lấp, 48 cây cau các loại, 01 cây bưởi, 01 cây quất hồng bì, 01 cây vú sữa, 01 câu ổi 10 cây cau nhỏ chưa có buồng, 02 cây nhãn, 01 cây na, 02 cây vải, 01 cây soài. Tuy nhiên, ông N xin chịu thanh toán lại toàn bộ giá trị tài sản trên theo kết luận của Hội đồng định giá là 94.469.630 đồng (làm trong số: 94.470.000 đồng) cho ông M, bà M1.

Xét đề nghị của ông N là tự nguyện, phù hợp pháp luật nên cần chấp nhận.

[13] Đối với trạm BTS của chi nhánh VTl Hải Phòng trường hợp các bên không có thỏa thuận nào khác thì khi hết hạn hợp đồng Chi nhánh VTl Hải Phòng phải tháo rỡ toàn bộ nhà, trạm để hoàn trả lại mặt bằng cho các đồng thừa kế.

[14] Về chi phí tố tụng: Ông Đỗ Đức N tự nguyện chịu toàn bộ chi phí định giá tài sản, không yêu cầu giải quyết nên Hội đồng xét xử không xét.

[15] Về án phí: Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông N, bà Am, bà A1 tính đến ngày xét xử đã trên 60 tuổi, là người cao tuổi nên căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, các ông bà được miễn án phí dân sự sơ thẩm. Ông N không phải chịu án phí đối với phần thanh toán giá trị trên đất. Ông M, bà Y, ông T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Về án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên ông M, bà M1, bà Am là người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm dân sự.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 148; Điều 227; Điều 228; khoản 2 Điều 308; Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Căn cứ các điều 167, 169 của Luật Đất đai;

Căn cứ các điều 6652; 653 của Bộ luật Dân sự năm 2005;

Căn cứ các điều 609; 611; 612; 613; 620; 623; 649; 650; 651; 660; 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ các điều 12; 26; 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội,

- Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Đỗ Đức M và bà Đoàn Thị M1.

- Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bà Đỗ Thị A.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Đức N về việc chia di sản thừa kế của cụ Đỗ Đức T1 và cụ Đoàn Thị T2là 747m2 đất tại thửa số 666, số trích đo 877, tờ bản đồ số 2, tại thôn Z HD, xã HB, huyện VB, thành phố Hải Phòng và số tiền cho Chi nhánh VT Hải Phòng thuê đặt trạm BTS là 157.200.000 đồng.

- Ông Đỗ Đức M được nhận quyền sử dụng 159m2 đất ở trị giá 79.500.000 đồng và tài sản trên đất, có mốc giới: Phía Đông giáp nhà bà N1ét, phía Tây giáp ngõ xóm, phía Nam giáp phần đất ông N được chia, phía Bắc giáp nhà ông Thiếu và số tiền 26.200.000 đồng tiền cho thuê đặt trạm BTS của VT.

- Ông Đỗ Đức N được nhận quyền sử dụng 41m2 đt ở và 58m2 đất vườn trị giá 24.328.000 đồng, có mốc giới: Phía Đông giáp nhà bà N1ét, phía Tây giáp ngõ xóm, phía Nam giáp phần đất ông T được chia, phía Bắc giáp phần đất ông M được chia và số tiền 26.200.000 đồng tiền cho thuê đặt trạm BTS của VT.

- Ông Đỗ Đức T được nhận quyền sử dụng 39m2 đt vườn và 47m2 đất ao trị giá 4.830.000 đồng, có mốc giới: Phía Đông giáp nhà bà N1ét, phía Tây giáp ngõ xóm, phía Nam giáp phần bà Y được chia, phía Bắc giáp phần đất ông N được chia và số tiền 26.200.000đồng tiền cho thuê đặt trạm BTS của VT.

- Bà Đỗ Thị Y được nhận quyền sử dụng 88m2 đất ao trị giá 4.224.000 đồng, có mốc giới: Phía Đông giáp nhà bà N1ét, phía tây giáp ngõ xóm (giáp nhà ông Khợ), phía Nam giáp phần đất bà A1 được chia, phía Bắc giáp phần đất ông T được chia và số tiền 26.200.000đồng tiền cho thuê đặt trạm BTS của VT.

- Bà Đỗ Thị A1 được nhận quyền sử dụng 79m2 đt ao và 09m2 đất vườn trị giá 4.386.000 đồng, có mốc giới: Phía Đông giáp nhà bà Nt, phía Tây giáp ngõ xóm, phía Nam giáp phần đất bà A được chia, phía Bắc giáp phần đất bà Y được chia và sở hữu 26.200.000đồng tiền cho thuê đặt trạm BTS của VT.

- Bà Đỗ Thị A được nhận quyền sử dụng 145m2 đất vườn trị giá 9.570.000 đồng, có mốc giới: Phía đông giáp đường xóm và lối đi chung, phía Tây giáp ngõ xóm (giáp nhà ông Khợ), phía Bắc giáp phần đất bà A1 được chia, phía Nam giáp nhà ông Khá, ông Xoa và số tiền 26.200.000 đồng tiền cho thuê đặt trạm BTS của VT.

2. Ông Đỗ Đức M phải thanh toán bằng tiền cho các đồng thừa kế khác đối với giá trị chênh lệch phần di sản là quyền sử dụng đất và phần tiền cho thuê đặt trạm BTS đã nhận của Chi nhánh VT Hải Phòng thanh toán, cụ thể như sau:

- Thanh toán cho bà Đỗ Thị A tổng số tiền là 8.549.714 đồng + 26.200.000 đồng = 34.749.714 đồng;

- Thanh toán cho bà Đỗ Thị A1 là 13.733.714 đồng + 18.100.000 đồng = 31.833.714 đồng;

- Thanh toán cho bà Đỗ Thị Y là 13.895.714 đồng + 18.100.000 đồng = 31.995.714 đồng.

- Thanh toán cho ông Đỗ Đức T là 7.081.428 đồng + 18.100.000 đồng = 25.181.428 đồng.

3. Ông Đỗ Đức N phải thanh toán cho vợ chồng ông Đỗ Đức M, bà Đoàn Thị M1 tiền tài sản và vật kiến trúc trên đất là 94.470.000 đồng – 18.100.000 đồng (từ tiền cho thuê đặt trạm BTS mà ông M phải hoàn trả cho ông N) = 76.350.286 đồng và thanh toán cho ông Đỗ Đức T giá trị chênh lệch tiền đất là 6.208.286 đồng.

4. Chi nhánh VT Hải Phòng phải thanh toán cho bà Đỗ Thị A1, bà Đỗ Thị Y, ông Đỗ Đức T và ông Đỗ Đức N số tiền thuê đất đặt trạm BTS từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2018, cụ thể mỗi người là 8.100.000 đồng.

5. Mở lối đi chung cho các đồng thừa kế có chiều ngang rộng 2,4m với tổng diện tích là 82m2. Phía Bắc giáp đất ông N được chia, phía Đông giáp nhà bà N1ét, phía Tây giáp đất ông T, bà Y, bà A1, bà Am được chia; phía Bắc giáp nhà bà N 1 mét, phía Nam giáp đất bà Am được chia, phía Đông giáp đường xóm.

(Phn đất được chia và mở lối đi chung thể hiện trong sơ đồ kèm theo bản án sơ thẩm)

6. Trường hợp các bên đương sự không tiếp tục ký kết hợp đồng thuê đặt trạm BTS của VT nữa thì Chi nhánh VT Hải Phòng phải tháo dỡ toàn bộ Trạm BTS để bàn giao mặt bằng cho các đồng thừa kế.

Các đương sự có nghĩa vụ đến cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

7. Về chi phí tố tụng: Ông Đỗ Đức N tự nguyện chịu toàn bộ chi phí định giá tài sản, không yêu cầu giải quyết nên Hội đồng xét xử không xét.

8. Về án phí:

- Về án phí dân sự sơ thẩm: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông Đỗ Đức N, bà Đỗ Thị A và bà Đỗ Thị A1; ông Đỗ Đức M, ông Đỗ Đức T và bà Đỗ Thị Y, mỗi người phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 2.215.986 đồng; hoàn trả lại cho ông Đỗ Đức N 13.163.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 0015840 ngày 30 tháng 1 năm 2017 và Biên lai số 0001058 ngày 13 tháng 6 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện VB, thành phố Hải Phòng.

- Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Đỗ Đức M, bà Đoàn Thị M1, bà Đỗ Thị A không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả lại cho ông Đỗ Đức M 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu số 0001446 ngày 27 tháng 5 năm 2019, hoàn trả lại cho bà Đoàn Thị M1 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu số 0001447 ngày 27 tháng 5 năm 2019 đều của Chi cục Thi hành án dân sự huyện VB, thành phố Hải Phòng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

361
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 46/2019/DS-PT ngày 29/11/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:46/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về