Bản án 46/2018/HNGĐ-ST ngày 22/11/2018 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và cấp dưỡng nuôi con chung

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN DẦU TIẾNG, TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 46/2018/HNGĐ-ST NGÀY 22/11/2018 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN VÀ CẤP DƯỠNG NUÔI CON CHUNG

Ngày 22/11/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hôn nhân gia đình thụ lý số: 405/2018/TLST-HNGĐ ngày 28/6/2018 về việc tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và cấp dưỡng nuôi con chung, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 58/2018/QĐXXST-HNGĐ ngày 05/11/2018 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Thùy T, sinh năm 1986; HKTT: Ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Bình Dương.

2. Bị đơn: Ông Lê Minh T1, sinh năm 1979; HKTT: Ấp L, xã L, huyện D, tỉnh Bình Dương.

Tại phiên tòa, nguyên đơn bà T, bị đơn ông T1 và con chung Lê Minh N có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện đề ngày 21/6/2018, trong quá trình tố tụng cũng như tại phiên tòa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thùy T trình bày:

Bà T và ông T1 kết hôn và có 01 con chung tên Lê Minh N, sinh ngày 17/9/2006. Bà T và ông T1 đã ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 73/2013/QĐST -HNGĐ ngày 18/3/2013 của Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Theo đó, bà T và ông T1 thỏa thuận ông T1 là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung, bà T không cấp dưỡng nuôi con chung.

Hiện tại, ông T1 đã có vợ mới, có 01 con khác và hiện đang sinh sống tại thị xã B, tỉnh Bình Dương. Hiện, ông T1 không thực hiện nghĩa vụ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con chung tên N theo Quyết định của Tòa án mà hoàn toàn giao cho mẹ ruột là bà Nguyễn Thị N1 (bà nội cháu N) chăm sóc, nuôi dưỡng tại ấp L, xã L, huyện D từ ngày ly hôn đến nay. Trong quá trình chăm sóc, cháu N thường bị bà nội và chú ruột đánh, mắng nên tủi thân và có báo sự việc với mẹ rất nhiều lần. Khoảng tháng 6/2018, nghe tin cháu N bị đánh nên bà T cùng em trai xuống nhà bà N1 thì thấy cháu đang đứng ở ngoài đường nên đón cháu về ở với bà T cho đến nay. Từ ngày bà T đón cháu về, ông T1 và bà N1 không hề hỏi han hay lên đón cháu về chứng tỏ ông T1 không quan tâm chăm sóc hay chú ý đến sự an toàn của cháu, việc này vi phạm nghĩa vụ của người trực tiếp chăm sóc con chung theo Quyết định của Tòa án.

Hiện nay, bà T đã nhập học cho cháu tại Trường THCS LH thuộc xã L, huyện D. Bà T hiện nay vẫn còn độc thân, không bị gia đình riêng chi phối, có tài sản là nhà và đất tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Bình Dương, làm nghề tham gia tổ chức sự kiện, thu nhập ổn định từ nhiều năm nay với mức hàng tháng khoảng 6.000.000 đồng. Gia đình bà T luôn chấp hành tốt mọi quy định của pháp luật. Cháu N có nguyện vọng về chung sống với bà T.

Căn cứ các nội dung bà T trình bày và cũng để đáp ứng nguyện vọng của cháu N, bà T khởi kiện yêu cầu Tòa án giao cho bà T quyền trực tiếp nuôi dưỡng con chung tên Lê Minh N, đồng thời yêu cầu ông T1 phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung mỗi tháng 1.500.000 đồng đến khi con chung trưởng thành đủ 18 tuổi. Bà T không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của ông Tiến.

Các tài liệu, chứng cứ nguyên đơn bà T giao nộp: 01 bản sao giấy chứng minh nhân dân và 01 bản sao sổ hộ khẩu của Trinh; 01 trích lục khai sinh con chung tên Lê Minh N; 01 bản sao Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 73/2013/QĐST-HNGĐ ngày 18/3/2013 của TAND huyện Dầu Tiếng; 01 đơn yêu cầu Toà án hỗ trợ gửi tài liệu chứng cứ; 01 bản tự khai ngày 21/6/2018; 01 giấy xác nhận ngày 27/9/2018; 01 bản tường trình ngày 09/10/2018 (kèm theo hình ảnh chụp cháu Lê Minh N); 01 đơn xin vắng mặt ngày 16/10/2018; 01 bản sao giấy chứng nhận QSDĐ số H01518/QĐ- UB ngày 11/8/2006 do UBND huyện Dâu Tiếng cấp cho bà T đứng tên; bảng lương các tháng 4,5,6,7,8,9 năm 2018 của bà T. Ngoài ra, bà T không cung cấp tài liệu, chứng cứ gì khác.

* Theo đơn phản tố ngày 15/9/2018, trong quá trình tố tụng cũng như tại phiên tòa, ị đơn ông Lê Minh T1 trình bày:

Ông T1 thống nhất với phần trình bày của bà T về nội dung ly hôn và ông T1 được quyền trực tiếp nuôi dưỡng con chung Lê Minh N theo Quyết định của Tòa án.

Việc ông T1 để con chung là cháu N cho bà nội N1 trực tiếp nuôi dưỡng là vì cháu đã sinh sống với ông T1 và bà nội N1 từ 09 tháng tuổi cho đến khi ông T1 và bà T ly hôn. Cháu N đã quen với môi trường sống, học tập tại xã L, huyện D nên ông T1 không muốn đưa cháu sang thị xã B, tỉnh Bình Dương để ở cùng với ông T1. Ngoài ra, ông T1 cũng muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm con của bà T.

Ông T1 là người có trách nhiệm với việc nuôi con nên thường xuyên về thăm cháu, gửi tiền về cho bà nội N1 nuôi cháu mỗi tháng 3.000.000 đồng và có chở cháu N về thị xã B chơi. Ngoài bảo hiểm y tế, Công ty nơi ông T1 làm việc còn cấp thẻ chăm sóc sức khỏe cho người thân của nhân viên và ông T1 được cấp một suất có trị giá 630.000.000 đồng (trong đó có cháu N). Ông T1 có nghề nghiệp ổn định, thu nhập hàng tháng hơn 30.000.000 đồng, đủ khả năng tài chính để chu cấp cho con chung những điều kiện tốt hơn hẳn bà T. Ông T1 luôn tạo điều kiện cho bà T thăm con và đón con theo quy định nên không vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu N.

Môi trường sống bên gia đình bà T không lành mạnh, thường tổ chức đánh bài, uống rượu, chửi thề, đánh nhau; gia đình bà T từng có hai người có tiền án và tiền sự. Bà T có lối sống buông thả, không lành mạnh làm ảnh hưởng đến tâm lý của cháu N. Bà T làm nghề đi hát đám cưới và tụ điểm, nhảy đầm, công việc bán thời gian, thu nhập không ổn định. Ngoài ra, bà T còn dùng dao và hung khí, lời lẽ thô tục đe dọa ông T1, mẹ ông T1 và cháu N đến nỗi ông T1 phải nhờ chính quyền can thiệp. Bà T luôn tìm cách ngăn cản việc đi học, đi chùa kể cả việc ông T1 đón cháu về thị xã B chơi, bà T thực chất là đang dùng cháu N như là công cụ để trả thù cho sự đổ vỡ gia đình. Từ tháng 6/2018, bà T bắt cháu N về xã L, huyện D sống cho đến nay mà không có sự cho phép của ông T1 là vi phạm quyền trực tiếp nuôi dưỡng con chung của ông T 1.

Vì vậy, ông T1 không đồng ý yêu cầu khởi kiện của bà T và giữ nguyên yêu cầu phản tố, yêu cầu Tòa án buộc bà T phải cấp dưỡng nuôi con chung Lê Minh N mỗi tháng 1.500.000 đồng cho đến khi con chung trưởng thành đủ 18 tuổi.

Các tài liệu, chứng cứ ông T1 giao nộp: 01 bản tự khai ngày 15/9/2018; 01 đơn phản tố ngày 15/9/2018; 01 đơn xin vắng mặt ngày 15/9/2018; 01 bản sao giấy chứng minh nhân dân của ông T1; 01 bản sao sổ hộ khẩu chủ hộ tên Nguyễn Thị N1; 01 bản sao hợp đồng lao động ngày 22/5/2018; 01 đơn xác nhận kèm bảng lương (08 trang); 01 chương trình chăm sóc sức khỏe dành cho người thân (bản đóng dấu giáp lai); 01 đơn xin xác nhận ngày 29/10/2018. Ngoài ra, ông T1 không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ gì khác.

* Theo ản tự khai, iên ản lấy lời khai và tại phiên tòa, con chung cháu Lê Minh N trình bày:

Sau khi cha mẹ ly hôn thì cháu N được bà nội tên Nhung trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng. Hàng tháng ông T1về thăm cháu và gửi tiền cho bà nội Nhung để nuôi dưỡng cháu N cũng như có đón cháu N về gia đình của ông T1 tại thị xã B chơi. Trong thời gian sinh sống cùng với bà nội, cháu được chăm sóc đầy đủ tuy N thường bị bà nội N1, chú ruột đánh nên cháu hay báo lại với bà T. Khoảng tháng 6/2018, khi bị bà nội N1 đánh, cháu N có lấy điện thoại của bà nội N1 gọi cho bà T, sau đó bà T đến thăm và cháu N theo bà T về ở cùng với bà T ở xã L, huyện D sinh sống đến nay. Từ đó cho đến nay, cháu N không thấy bà nội N1 hay ông T1 gọi điện hay lên đón về. Nay, cháu N có nguyện vọng được về sinh sống cùng với mẹ là bà T.

* Kết quả xác minh của Tòa án thể hiện :

Theo kết quả xác minh ngày 12/9/2018 và ngày 25/10/2018 đối với bà Nguyễn Thị N1 (là mẹ ruột ông T1), bà Triệu Thị C (là mẹ ruột bà T) và đại diện của chính quyền địa phương thể hiện:

- Ông T1 có hộ khẩu thường trú tại ấp L, xã L, huyện D cùng hộ khẩu với mẹ ruột là bà N1, tuy nhiên ông T1 không thường xuyên sinh sống tại địa phương. Ông T1 không trực tiếp chăm sóc con chung tên Lê Minh N mà giao cho bà N1 trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, mỗi tháng ông T1 đưa cho bà N1 3.000.000 đồng để nuôi dưỡng cháu N. Hàng tháng ông T1 có về thăm cháu N và đưa cháu N về nhà ông T1 tại thị xã B chơi.

- Bà T làm công việc bán thời gian cho Công ty tổ chức sự kiện (làm người dẫn chương trình, ca sỹ) tại địa phương nên không có hợp đồng lao động nhưng có thu nhập ổn định. Gia đình bà T luôn chấp hành các quy định pháp luật, khu vực sinh sống của nhà bà T có an ninh ổn định không phát sinh tệ nạn xã hội. Hiện, cháu N hiện đang sinh sống cùng với bà T. Không có thông tin tố cáo, tố giác bà T có hành vi đe dọa ông T1 và gia đình ông T1, cũng như thông tin bà T giữ cháu N không có sự cho phép của ông T1.

* Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Dầu Tiếng ông Thịnh có ý kiến:

Quá trình tố tụng cũng như diễn biến tại phiên tòa, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, đã thực hiện đầy đủ việc tống đạt các văn bản tố tụng cho các bên đương sự. Tại phiên tòa, đã có mặt nguyên đơn bà T, bị đơn ông T1 và con chung cháu N. Quan hệ pháp luật tranh chấp là yêu cầu thay đổi quyền nuôi con chung sau khi ly hôn và cấp dưỡng nuôi con chung. Không kiến nghị xem xét, bổ sung thủ tục tố tụng. Về nội dung vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Từ những tài liệu chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ. Sau khi nghe lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định,

[1] Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm đã có mặt nguyên đơn bà T, bị đơn ông T1 và con chung cháu N. Việc tham gia phiên tòa của các bên đương sự đã đảm bảo việc tham gia tố tụng của các bên đương sự.

[2] Bà T khởi kiện ông T1 với yêu cầu đổi người trực tiếp nuôi con chung tên Lê Minh N sau khi ly hôn và yêu cầu ông T1 phải cấp dưỡng nuôi con chung cho đến khi con chung trưởng thành đủ 18 tuổi với số tiền 1.500.000 đồng/tháng. Ngược lại, ông T1 không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà T và có đơn phản tố yêu cầu bà T phải cấp dưỡng nuôi con chung mỗi tháng 1.500.000 đồng cho đến khi con chung trưởng thành đủ 18 tuổi. Quá trình làm việc và xác minh đã xác định được ông T1 có đăng ký hộ khẩu thường trú tại ấp L, xã L, huyện D, tỉnh Bình Dương do đó vụ án thuộc thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng theo quy định tại các Điều 28, 35, 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự và quan hệ pháp luật tranh chấp là tranh chấp về yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và cấp dưỡng nuôi con chung. Tại phiên tòa, các bên không đồng ý thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, yêu cầu Tòa án xét xử theo quy định của pháp luật.

[3] Xét yêu cầu khởi kiện của bà T về việc thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con chung sau ly hôn và cấp dưỡng nuôi con chung:

[3.1] Về yêu cầu khởi kiện thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con chung sau ly hôn: Bà T và ông T1 đã ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 73/2013/QĐST-HNGĐ ngày 18/3/2013 của Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng, theo đó ông T1 là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung tên Lê Minh N, sinh ngày 17/9/2006 và bà T không phải cấp dưỡng nuôi con chung. Qua xem xét toàn bộ các tài liệu chứng cứ các bên cung cấp, Tòa án thu thập được và tranh tụng công khai tại phiên tòa thấy rằng: Theo Quyết định số 73/2013/QĐST-HNGĐ ngày 18/3/2013 thì ông T1 là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung nhưng thực tế thì ông T1 không trực tiếp nuôi dưỡng mà giao lại cho bà N1 (bà nội cháu N) trực tiếp nuôi dưỡng và chỉ cung cấp tiền để nuôi dưỡng cháu N. Như vậy, ông T1 thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trực tiếp nuôi dưỡng cháu N theo quyết định của Tòa án. Ông T1 cho rằng bà T không đủ điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng con chung nhưng theo kết quả xác minh, làm việc của Tòa án tại chính quyền địa phương nơi cư trú của bà T thì ý kiến của ông T1 là không có căn cứ. Hiện cháu N được bà T chăm sóc tốt, cháu N đang đi học tại Trường THCS LH thuộc xã L. Như vậy, xét về điều kiện kinh tế, thời gian cũng như các điều kiện khác thì bà T và ông T1 đều có công việc ổn định, có thu nhập đảm bảo và đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng con chung nên cả hai đều có đầy đủ các quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn. Tại phiên tòa, cháu N có nguyện vọng được sống chung với bà T, đây là ý kiến tự nguyện của cháu N và phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 81 và khoản 3 Điều 84 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Do đó, yêu cầu khởi kiện về việc thay đ ổi người trực tiếp nuôi dưỡng con chung của bà T là có căn cứ nên được chấp nhận.

[3.2] Về yêu cầu cấp dưỡng nuôi con chung: Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì cha không trực tiếp nuôi con chung có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con chưa thành niên. Ông T1không trực tiếp nuôi dưỡng con chung thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung cho đến khi con chung trưởng thành đủ 18 tuổi. Theo ông T1, hiện ông T1 có thu nhập ổn định hàng tháng hơn 30.000.000 đồng. Căn cứ vào tình hình thực tế với mức sống trung bình tại địa phương thì mức cấp dưỡng nuôi con chung mỗi tháng 1.500.000 đồng cho đến khi con chung trưởng thành đủ 18 tuổi là phù hợp với khả năng kinh tế của ông T1. Do đó, yêu cầu khởi kiện của bà T có căn cứ nên được chấp nhận.

[4] Xét yêu cầu phản tố của ông T1 về cấp dưỡng nuôi con chung: Hội đồng xét xử thống nhất cho thay đổi quyền trực tiếp nuôi dưỡng con chung từ ông T1 sang cho bà T nên không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông T1.

[5] Các bên đương sự được thực hiện các quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung, quyền yêu cầu thay đổi người nuôi con chung sau khi ly hôn … theo quy định tại các Điều 81, 82, 83, 84, 85, 86 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[6] kiến của đại diện Viện kiểm sát về thực hiện các thủ tục tố tụng, quá trình tiến hành tố tụng cũng như diễn biến tại phiên tòa và đề nghị nội dung giải quyết vụ án là có căn cứ, phù hợp quy định của pháp luật.

[7] Ông T1 phải chịu án phí thay đổi quyền nuôi con chung sau khi ly hôn và án phí cấp dưỡng sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ các Điều 28, 35, 39, 147, 266, 271, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Căn cứ các Điều 81, 82, 83, 84, 85, 86 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của y ban Thường vụ Quốc hội Khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và cấp dưỡng nuôi con chung của bà Nguyễn Thị Thùy T đối với ông Lê Minh T1, cụ thể như sau:

1.1. Bà Nguyễn Thị Thùy T được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con chung tên Lê Minh N, sinh ngày 17/9/2006.

1.2. Ông Lê Minh T1 có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung tên Lê Minh N, sinh ngày 17/9/2006 với số tiền 1.500.000 đồng/tháng (một triệu năm trăm nghìn đồng/tháng) cho đến khi con chung trưởng thành đủ 18 tuổi.

Hai bên được quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung theo quy định pháp luật. Không ai được cản trở người không trực tiếp nuôi con thực hiện quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung. Trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Vì lợi ích của con, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con và mức cấp dưỡng nuôi con khi có đơn yêu cầu.

Khi án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày bà T có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông T1 không thực hiện việc cấp dưỡng nêu trên, thì hàng tháng ông T1 còn phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Lê Minh T1 đối với bà Nguyễn Thị Thùy T về việc tranh chấp về yêu cầu cấp dưỡng nuôi con chung tên Lê Minh N, sinh ngày 17/9/2006.

3. Quyền trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con chung và cấp dưỡng nuôi con chung theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 73/2013/QĐST-HNGĐ ngày 18/3/2013 của Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương hết hiệu lực khi Bản án này có hiệu lực pháp luật.

4. Về án phí:

4.1. Ông Lê Minh T1 phải chịu tổng số tiền là 600.000 đồng (sáu trăm nghìn đồng), trong đó có 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tiền án phí thay đổi quyền nuôi con chung sau khi ly hôn và 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tiền án phí cấp dưỡng sơ thẩm.

4.2. Hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Thùy T số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm đã nộp theo biên lai thu số AA/2016/0012026 ngày 25/6/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

5. Quyền kháng cáo:

Nguyên đơn, bị đơn có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án (ngày 22/11/2018).

Trường hợp Bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

423
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 46/2018/HNGĐ-ST ngày 22/11/2018 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và cấp dưỡng nuôi con chung

Số hiệu:46/2018/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Dầu Tiếng - Bình Dương
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 22/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về