Bản án 44/2019/HS-ST ngày 19/11/2019 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng  

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TUYÊN HOÁ, TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 44/2019/HS-ST NGÀY 19/11/2019 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ GIỐNG CÂY TRỒNG

Ngày 19 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 41/2019/TLST-HS ngày 25 tháng 10 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 42/2019/QĐXXST-HS ngày 04 tháng 11 năm 2019 đối với bị cáo:

Đng Vũ T, sinh ngày 01/4/1982 tại huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Nơi cư trú: Thôn T, xã T, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: kinh doanh; trình độ học vấn: 12/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; con ông Đặng Văn T và bà Lê Thị T (đã chết); vợ: Đoàn Thị Thanh A, sinh năm 1982, con: 02 con; lớn sinh năm 2008, nhỏ sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 03 tháng 7 năm 2019. (Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa).

- Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Đặng Hải D, sinh năm: 1983.

Đa chỉ: Phường L, quận Đ, thành phố Hà Nội (vắng mặt).

2. Bà Nguyễn Thị Thanh An, sinh năm: 1982.

Đa chỉ: Thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Quảng Bình (vắng mặt).

3. Bà Cao Thị B, sinh năm: 1974.

Đa chỉ: Xóm 2, xã D, huyện D, tỉnh Nghệ An (vắng mặt).

4. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm: 1966.

Đa chỉ: Thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Quảng Bình (vắng mặt).

5. Bà Nguyễn Thị K, sinh năm: 1962.

Đa chỉ: Thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Quảng Bình (vắng mặt).

6. Bà Nguyễn Thị Thanh Quế, sinh năm: 1977.

Đa chỉ: Thôn K, xã C, huyện T, tỉnh Quảng Bình (vắng mặt).

7. Ông Cao Ngọc D, sinh năm: 1982.

Đa chỉ: Thôn C, xã T, huyện T, tỉnh Quảng Bình (vắng mặt).

8. Ông Nguyễn Trường G, sinh năm: 1982.

Đa chỉ: Thôn C, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Bình (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ giống cây trồng T (Công ty T) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ giống cây trồng, do ông Đặng Hải D sinh năm 1983, quê quán C, Tuyên Hóa, Quảng Bình làm Chủ tịch kiêm Giám đốc; ông Đặng Vũ T sinh năm 1982, trú tại xã T, Tuyên Hóa, Quảng Bình làm Phó Giám đốc. Ngày 03/01/2018, ông Đặng Hải D có giấy ủy quyền cho ông Đặng Vũ T chỉ đạo điều hành toàn bộ hoạt động của Công ty T và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của Công ty.

Ngày 07/3/2019, Đặng Vũ T đã mua lạc thương phẩm (lạc ăn) từ Đại lý nông sản Tuấn B của bà Cao Thị B, sinh năm 1974, ở xóm 2, xã D, huyện D, tỉnh Nghệ An với số lượng 2.090 kg (trong đó 1.040 kg lạc L20 với giá 23.712.000 đồng, 1.050 kg lạc L27 với giá 24.675.000 đồng), tổng số tiền Đặng Vũ T mua 02 loại lạc L20 và L27 là 48.387.000 đồng. Đặng Vũ T thuê xe của ông Cao Ngọc D, sinh năm 1982, ở thôn C, xã T, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình chở về kho của công ty T với cước phí 2.000.000 đồng. Sau đó T đã thuê các bà Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị K cùng trú ở xã T, huyện Tuyên Hóa và bà Nguyễn Thị Thanh Q trú ở xã C, huyện Tuyên Hóa làm sạch để loại bỏ hạt lép, hạt hỏng, bụi bẩn và đóng lạc vào bao. Trên bao bì có in sẵn các thông số, thông tin như: “Cấp giống xác nhận, đơn vị sản xuất: Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ giống cây trồng T, quy chuẩn: QCVN 01- 48:2011/BNNPTNT, tiêu chuẩn: ISO 9001 : 2008 và ISO/IEC 17025 : 2001…” chỉ để trống phần tên giống, mã lô và ngày sản xuất. Trước khi đóng lạc vào bao, Đặng Vũ T đã trực tiếp dùng dấu khắc tên giống L20, L27, số mã lô và ngày sản xuất đóng lên bao đã in sẵn các thông số, thông tin nói trên. Sau khi làm sạch, trọng lượng lạc còn lại 2.050 kg được đóng thành 205 bao, trong đó lạc L20 là 1.020 kg được đóng thành 102 bao lạc giống L20 và lạc L27 là 1.030 kg được đóng thành 103 bao lạc giống L27 (loại bao 10 kg).

Số lạc giống trên, Đặng Vũ T đã ký hợp đồng bán cho ông Nguyễn Trường G, sinh năm 1982, ở xã T, huyện B, tỉnh Quảng Bình theo hợp đồng kinh tế ngày 05/3/2019 (không ghi số) với trọng lượng là 2.000 kg giống lạc, gồm 1.000 kg giống lạc L20 và 1.000 kg giống lạc L27, với tổng giá trị 87.000.000 đồng. T khuyến mãi cho ông Giang 50 kg giống lạc, gồm 20 kg lạc giống L20 (02 bao) và 30 kg lạc giống L27 (03 bao). Ngày 05/03/2019, ông Giang đặt cọc 30.000.000 đồng và ngày 06/3/2019 ông G chuyển tiếp vào tài khoản công ty T số tiền 15.000.000 đồng. Hai bên thống nhất sáng 09/3/2019 giao hàng tại kho công ty T và thanh toán số tiền còn lại. Tuy nhiên, số lạc này chưa kịp giao cho ông Nguyễn Trường G thì bị cơ quan điều tra phát hiện và tạm giữ.

Đi với giống Lúa BT9 (Bắc Thịnh 9), Đặng Vũ T khai nhận đã vào tỉnh Đắk Lắk mua lúa ăn (thành phẩm) tại ruộng của nông dân, sau khi loại bỏ hạt khác giống, khử ẩm, đưa về trại sản xuất của công ty T ở thôn K, xã C, huyện Tuyên Hoá tiến hành gieo trồng, thu hoạch, làm sạch sau đó đóng bao đem bán ra thị trường là hạt giống. Quá trình sản xuất giống lúa BT9, Đặng Vũ T không có quy trình sản xuất giống lúa theo quy định và không có hồ sơ đăng ký; mặt khác giống lúa BT9 chưa có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh.

Ngày 02/11/2018, công ty T ký hợp đồng số 03/2018-HĐKT với HTX X, xã M, huyện Tuyên Hóa về việc mua bán các giống lúa, ngô. Ngày 05/12/2018, Đặng Vũ T đã cung cấp cho HTX Xuân Mai 600 kg giống lúa BT9 (Bắc Thịnh 9), cấp giống xác nhận, với giá 21.000 đ/kg, thành tiền 12.600.000 đồng để người dân ở X gieo trồng vụ đông xuân 2018 - 2019 theo mô hình trình diễn. Ông Nguyễn Quang T - Phó Giám đốc kiêm thủ quỹ HTX X đã trực tiếp nhận lúa giống và thanh toán tiền mặt đủ cho Đặng Vũ T nhưng T không xuất hóa đơn GTGT. Số lúa giống BT9 đóng bao còn lại để ở kho của công ty là 22 bao, trọng lượng 220 kg bị cơ quan điều tra tạm giữ.

Ngày 13/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định trưng cầu giám định chất lượng haytj giống đối với số lạc và lúa bị tạm giữ. Ngày 24/6/2019, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã có Kết luận giám định tư pháp số 1346/TTr-SNN kết luận:

- Giống lạc L20: Chỉ tiêu thử nghiệm độ ẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật số QCVN 01-48:2011/BNNPTNT (cấp giống Xác nhận); các chỉ tiêu thử nghiệm độ sạch, tỷ lệ nãy mầm, quả khác giống có thể phân biệt được không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật số QCVN 01-48:2011/BNNPTNT (cấp giống Xác nhận).

- Giống lạc L27: Chỉ tiêu thử nghiệm độ ẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật số QCVN 01-48:2011/BNNPTNT (cấp giống Xác nhận); các chỉ tiêu thử nghiệm độ sạch, tỷ lệ nãy mầm, quả khác giống có thể phân biệt được không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật số QCVN 01-48:2011/BNNPTNT (cấp giống Xác nhận).

- Giống lúa BT9: Chỉ tiêu thử nghiệm độ sạch, cỏ dại phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật số QCVN 01-54:2011/BNNPTNT (cấp giống Xác nhận 1); các chỉ tiêu thử nghiệm hạt khác giống, tỷ lệ nảy mầm, độ ẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật số QCVN 01-54:2011/BNNPTNT (cấp giống Xác nhận).

Trong đó, các chỉ tiêu độ sạch, tỷ lệ nảy mầm, quả khác giống có thể phân biệt được chất lượng giống lạc L20, L27 đều không phù hợp với QCVN 01- 48:2011/BNNPTNT (cấp giống Xác nhận) như: giống lạc L20 số quả khác giống 116 quả/kg (so với tiêu chuẩn 03 quả/kg), tỷ lệ nảy mầm 38% (so với tiêu chuẩn 70%); đối với lạc L27 số quả khác giống 156 quả/kg (so với tiêu chuẩn 03 quả/kg), tỷ lệ nảy mầm 47% (so với tiêu chuẩn 70%). Các chỉ tiêu hạt khác giống có thể phân biệt được, tỷ lệ nảy mầm, độ ẩm của giống lúa BT9 không phù hợp với QCVN 01- 54:2011/BNNPTNT (cấp giống Xác nhận 1), đặc biệt tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt 14%...

Ngày 27/7/2019, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Quảng Bình có Bản kết luận định giá trong tố tungjh ình sự số: 2380/STC-KLTĐG, kết luận tại thời điểm tháng 3 năm 2019, giá trị của số giống lạc L20, L27 và giống lúa BT9 đang tạm giữ là 93.795.000 đồng.

Ngoài ra, quá trình điều tra xác định ngày 25/12/2018, và ngày 29/12/2018, Đặng Vũ T đã mua 9.580 kg lạc thương phẩm (lạc ăn) từ đại lý nông sản Tuấn B ở tỉnh Nghệ An với tổng số tiền 272.720.000 đồng. Sau đó, Đặng Vũ T thuê người làm sạch, đóng bao thành giống lạc và xuất bán nhiều lần. Cụ thể: Ngày 31/12/2018, T bán cho UBND xã Phong Hoá, huyện Tuyên Hoá 460 kg lạc giống với tổng số tiền 19.985.000 đồng. Ngày 10/01/2019 bán cho UBND xã C, huyện Tuyên Hoá số lượng 8.965 kg lạc giống với tổng số tiền 375.027.0000 đồng. Số giống lạc trên đã được người dân ở thôn M, xã P và xã C gieo trồng hết và đã thu hoạch; hiện tại không còn tồn giống; không thu được mẫu vật để giám định, do đó không có căn cứ để xử lý.

Đi với số lượng 600 kg giống lúa BT9 Đặng Vũ T đã bán cho HTX X xã M, người dân ở X đã gieo trồng hết và đã thu hoạch; hiện tại không còn tồn giống, không thu được mẫu vật để giám định, do đó không có căn cứ để xử lý.

Vt chứng vụ án: Quá trình điều tra cơ quan Cảnh sát điều tracông an tỉnh Quảng Bình đã tạm giữ:

- 2.050 kg lạc và 220 kg lúa. Quá trình điều tra đã lấy mẫu để giám định 08 kg lạc và 1,2 kg lúa; hiện đang còn tạm giữ 2.042 kg lạc và 218,8 kg lúa; hiện nay đang được bảo quản tại kho của Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình.

- 01 cái cân cơ màu xanh; loại 30 kg.

- 01 máy may hiệu Sancleep.

- 01 dấu đóng lô hàng L20, 01 dấu đóng lô hàng L27 và 02 dấu đóng lô hàng BT9.

Hành vi của Đặng Vũ T đã được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình làm rõ.

Bản Cáo trạng số: 271/VKS-P3 ngày 22 tháng 10 năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã truy tố bị cáo Đặng Vũ T về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 195 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cùng ngày Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình ra Quyết định phân công Viện Kiểm sât nhân dân huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình thực hành.quyền công tố vụ án Đặng Vũ T về tội : “Sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng”.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuyên Hoá phát biểu ý kiến giữ nguyên quan điểm truy tố và luận tội, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố bị cáo Đặng Vũ T phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng”. Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 195; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 35 Bộ luật hình sự năm 2015: Xử phạt Đặng Vũ T bằng hình thức phạt tiền từ 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) đến 150.000.000 đồng (một trăm năm mươi triệu đồng) tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Về xử lý vật chứng:

- Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tịch thu, nộp ngân sách nhà nước:

+ 2.042 kg lạc và 218,8 kg lúa; hiện nay đang được bảo quản tại kho của Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình.

+ 01 cái cân cơ màu xanh; loại 30 kg.

+ 01 máy may hiệu Sancleep. Tịch thu, tiêu huỷ:

+ 01 dấu đóng lô hàng L20, 01 dấu đóng lô hàng L27 và 02 dấu đóng lô hàng BT9.

Về án phí hình sự sơ thẩm: Buộc bị cáo Đặng Vũ T phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ án, có ông Đặng Hải D là chủ tịch kiêm giám đốc Công ty T Bình nhưng đã uỷ quyền cho bị cáo Đặng Vũ T chỉ đạo, điều hành hoạt động lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông Đặng Hải D công tác tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và phần lớn sinh sống tại Hà Nội nên không biết hành vi phạm tội của Đặng Vũ T nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đi với bà Nguyễn Thị Thanh A là kế toán của công ty nhưng làm việc bán thời gian, nhiệm vụ chính của bà A là quyết toán thuế cho công ty còn việc sản xuất, kinh doanh đều do Đặng Vũ T tự mua bán, tự hoạch toán thu chi, không thông qua kế toán, do đó bà Nguyễn Thị Thanh A không biết hành vi phạm tội của Đặng Vũ T nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đi với bà Cao Thị B là người đã bán lạc cho Đặng Vũ T nhưng không biết ,mục đích T mua để bán làm hạt giống. Bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị Thanh Q và ông Cao Ngọc D đều là những người làm thuê và vận chuyển hàng hoá, được Đặng Vũ T trả công theo ngày hoặc theo chuyến hàng nên không biết việc Đặng Vũ T sản xuất, buôn bán hàng giả nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ti phiên tòa, bị cáo tiếp tục khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, nội dung khai báo của bị cáo tại phiên tòa hoàn toàn phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, không có tình tiết mới. Bị cáo nhất trí với lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuyên Hoá, không có ý kiến tranh luận và cũng không có ý kiến gì để bào chữa cho hành vi phạm tội của mình.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình và của Điều tra viên; của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình và Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố và thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tại phiên tòa Kiểm sát viên đã thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hành quyền công tố. Quá trình điều tra và tại phiên toà bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó Hội đồng xét xử xét thấy các hành vi, quyết định tố tụng của các Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật nên không xem xét gì thêm.

[2] Về hành vi phạm tội của bị cáo: Bị cáo Đặng Vũ T đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình là phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ giống cây trồng T (Công ty T), Đặng Vũ T đã mua lạc Thương phẩm (lạc ăn) của đại lý Tuấn B ở D, D, Nghệ An đưa về làm sạch, để loại bỏ hạt lép, hạt hỏng, bụi bẩn và đóng bao bì in sẵn các thông số, thông tin như : Cấp giống xác nhận,đơn vị sản xuất: Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ giống cây trồng T Bình, qui chuẩn: QCVN 01-48: 2011/BNNPTNT, tiêu chuẩn ISO 9001 : 2008 và ISO/IEC 17025: 2001làm hạt giống để bán cho người dân với khối lượng 1.020 kg giống lạc L20 và 1.030 kg giống lạc L27. Đồng thời Đặng Vũ T biết giống lúa BT9 chưa có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh nhưng để kiếm lời bất chính, bị cáo vẫn mua lúa thương phẩm từ nông dân về gieo trồng, sau đó làm sạch, thu hoạch, đóng bao làm hạt giống và bán ra thị trường. Tổng giá trị số giống lạc L20, L27 và giống lúa BT9 giả là 93.795.000 đồng (chín mươi ba triệu B trăm chín mươi lăm nghìn đồng).

Quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo Đặng Vũ T đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời nhận tội đó phù hợp với lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, tài liệu về thời gian, địa điểm, loại hàng giả, giá trị hàng giả là Lạc giống và Lúa giống mà bị cáo đã sản xuất và buôn bán ra thị trường cũng như ý kiến của Kiểm sát viên. Do đó có đủ cơ sở khẳng định Đặng Vũ T đã phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[3] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo Đặng Vũ T không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[4] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Quá trình điều tra và tại phiên toà đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Sau khi phạm tội, bị cáo Đặng Vũ T đã trả lại số tiền đặt cọc 45.000.000 đồng (bốn mươi lăm triệu đồng) cho ông Nguyễn Trường G. Mặt khác, bị cáo có bố là người có công với cách mạng được Nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng Nhất, hạng Ba. Vì vậy Hội đồng xét xử cần xem xét và giảm nhẹ cho bị cáo.

[5] Về mức án mà Kiểm sát viên đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tuyên Hoá đề nghị xử phạt bị cáo Đặng Vũ T bằng hình thức phạt tiền từ 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) đến 150.000.000 đồng (một trăm năm mươi triệu đồng), về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng”.

Hội đồng xét xử xét thấy: Bị cáo là người có trình độ nhận thức, có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, có hiểu biết xã hội. Bị cáo biết rõ tác hại của việc sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ gây ra hậu quả xấu cho người tiêu dùng và vi phạm pháp luật, nhưng vì muốn thu lợi bất chính bị cáo đã bất chấp tất cả để sản xuất, buôn bán hàng giả là lạc giống và lúa giống, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của những người dân, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong quần chúng, nhân dân trên địa bàn và gây thiệt hại về kinh tế của người dân. Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến chính sách quản lý của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về sản xuất giống cây trồng và bảo vệ thực vật. Trong tình hình hiện nay nạn sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và buôn bán hàng giả đang có chiều hướng gia tăng, đã làm cho các cơ quan chức năng phải mất nhiều thời gian, công sức để ngăn chặn và loại bỏ. Hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, làm cho bà con nông dân bị thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người dân. Hành vi này cần xử phạt nghiêm minh để giáo dục và răn đe chung. Do đó, Hội đồng xét xử cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 195 và Điều 35 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để có mức án phù hợp với hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra, đồng thời xử phạt bằng hình thức phạt tiền với số tiền từ 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) đến 150.000.000 đồng (một trăm năm mươi triệu đồng) như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp.

Liên quan đến vụ án, có ông Đặng Hải D là chủ tịch kiêm giám đốc Công ty T Bình nhưng đã uỷ quyền cho bị cáo Đặng Vũ T chỉ đạo, điều hành hoạt động lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông Đặng Hải D công tác tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và phần lớn sinh sống tại Hà Nội nên không biết hành vi phạm tội của Đặng Vũ T nên không truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy Hội đồng xét xử không xem xét.

Đi với bà Nguyễn Thị Thanh A là kế toán của công ty nhưng làm việc bán thời gian, nhiệm vụ chính của bà A là quyết toán thuế cho công ty còn việc sản xuất, kinh doanh đều do Đặng Vũ T tự mua bán, tự hoạch toán thu chi, không thông qua kế toán, do đó bà Nguyễn Thị Thanh A không biết hành vi phạm tội của Đặng Vũ T nên không truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy Hội đồng xét xử không xem xét.

Đi với bà Cao Thị B là người đã bán lạc cho Đặng Vũ T nhưng không biết ,mục đích T mua để bán làm hạt giống. Bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị K, bà Nguyễn Thị Thanh Q và ông Cao Ngọc D đều là những người làm thuê và vận chuyển hàng hoá, được Đặng Vũ T trả công theo ngày hoặc theo chuyến hàng nên không biết việc Đặng Vũ T sản xuất, buôn bán hàng giả nên không truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy Hội đồng xét xử không xem xét. Tuy nhiên tại phiên toà cũng cần nhắc nhở chung để tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho kẻ phạm tội và ngăn ngừa tội phạm.

Về trách nhiệm Dân sự: Quá trình điều tra Đặng Vũ T đã trả lại số tiền đặt cọc 45.000.000đ cho ông Nguyễn Trường G, tại phiên toà ông G vắng mặt, nhưng quá trình điều tra ông G không có ý kiến gì vì vậy Hội đồng xét xử không xem xét.

[7] Về vật chứng vụ án: Hội đồng xét xử xét thấy cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số vật chứng là:

+ 2.042 kg lạc và 218,8 kg lúa; hiện nay đang được bảo quản tại kho của Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình.

+ 01 cái cân cơ màu xanh; loại 30 kg.

+ 01 máy may hiệu Sancleep. Và cần tịch thu, tiêu huỷ:

+ 01 dấu đóng lô hàng L20, 01 dấu đóng lô hàng L27 và 02 dấu đóng lô hàng BT9 vì không sử dụng được.

[8] Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án buộc bị cáo Đặng Vũ T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 195; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

- Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Đặng Vũ T phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng”.

- Về hình phạt: Xử phạt bị cáo Đặng Vũ T 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Vật chứng vụ án: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số vật chứng là :

+ 2.042 kg lạc và 218,8 kg lúa; hiện nay đang được bảo quản tại kho của Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình.

+ 01 cái cân cơ màu xanh; loại 30 kg.

+ 01 máy may hiệu Sancleep. Tịch thu, tiêu huỷ:

+ 01 dấu đóng lô hàng L20, 01 dấu đóng lô hàng L27 và 02 dấu đóng lô hàng BT9 vì không sử dụng được.

2. Án phí hình sự sơ thẩm: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án buộc bị cáo Đặng Vũ T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Án xử công khai sơ thẩm có mặt bị cáo; vắng mặt những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuyên bố bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 19/11/2019). Đối với những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, thời hạn kháng cáo kể từ ngày nhận được bản sao bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1004
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 44/2019/HS-ST ngày 19/11/2019 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng  

Số hiệu:44/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về