Bản án 70/2017/HSST ngày 18/07/2017 về tội sản xuất hàng giả

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 70/2017/HSST NGÀY 18/07/2017 VỀ TỘI SẢN XUẤT HÀNG GIẢ

Ngày 18 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 83/2017/HSST ngày 09 tháng 6 năm 2017 đối với bị cáo:

Vũ Phúc C, sinh năm 1979, ĐKHKTT: Số 7/199 đường TH, phường TC, quận LC, thành phố Hải Phòng, chỗ ở: Số 15A/5/229 MHX, phường DHK, quận LC, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Chủ cơ sở sản xuất giày Thiên Phúc; trình độ văn hóa: Lớp 12/12; con ông Vũ Văn T, sinh năm 1950 và bà Đỗ Thị L, sinh năm 1953; có vợ là Phạm Thị Lan P, sinh năm 1980 và 02 con, con lớn sinh năm 2007, con nhỏ sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 19/4/2017; có mặt.

NHẬN THẤY

Bị cáo Vũ Phúc C bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Năm 2008, Vũ Phúc C thành lập Công ty Cổ phần giày Thiên Phúc (viết tắt là Công ty Thiên Phúc) tại địa chỉ: Cụm Công nghiệp CH, phường QT, quận KA, thành phố Hải Phòng, ngành nghề kinh doanh là sản xuất giày, dép. Công ty Thiên Phúc hoạt động sản xuất giày dép mang nhãn hiệu VECTOR, NADAL là hai nhãn hiệu Công ty đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp. Công ty Thiên Phúc hoạt động đến ngày 15/4/2014 thì có văn bản gửi Chi cục Thuế quận KA đề nghị đóng mã số thuế để làm thủ tục giải thể. Tuy nhiên, Vũ Phúc C vẫn tiếp tục điều hành hoạt động sản xuất giày dép tại địa chỉ trên dưới danh nghĩa hộ kinh doanh cá thể Phạm Anh Đ (do C thành lập nhưng lấy tên của Phạm Anh Đ - em vợ C).

Khoảng tháng 12/2015, nhận thấy người tiêu dùng thích dùng sản phẩm giày, dép có gắn nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng nên Vũ Phúc C quyết định sản xuất thêm giày, dép có gắn lô gô, nhãn mác giả của 11 thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Puma, Converse, Gucci… với cách thức như sau: Vũ Phúc C đi mua hoặc sưu tầm trên mạng internet các sản phẩm giày dép gắn nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng để lây mâu thiết kế . Sau đó, C chỉ đạo Đỗ Thị H - tổ trưởng tổ thiết kế làm dưỡng (tức làm các chi tiết rời bằng bìa) theo mẫu do Cường thiết kế trên máy vi tính. Sau khi có dưỡng, C chỉ đạo công nhân làm khuôn dao chặt theo dưỡng để chặt vải thành các chi tiết và may lại thành quai dép, mũ giày. Sau đó, bộ phận hoàn chỉnh sẽ dán mũ giày, quai dép vào đế và sấy khô thành một sản phẩm mẫu. Quá trình sản xuất giày, dép, C chỉ đạo công nhân gắn, in các lô gô, nhãn mác giả lên sản phẩm giày, dép bằng các cách sau: May, khâu hoặc gắn, đóng các lô gô, nhãn mác giả rời có bán sẵn trên thị trường lên sản phẩm giày, dép; in cao tần (dập nổi) lô gô, nhãn mác giả lên sản phẩm bằng máy in cao tần và khuôn đồng; in xoa trực tiếp lô gô, nhãn mác giả lên sản phẩm sử dụng sơn và khuôn in lưới. C trực tiếp hướng dẫn công nhân thực hiện và kiểm tra lại thành phẩm. Số lượng sản xuất do C quyết định, sau đó đọc cho Lê Hồng N - tổ trưởng tổ sản xuất để Nhung viết vào lệnh pha chặt - may, lệnh hoàn chỉnh chuyển cho các bộ phận để thực hiện. Các nguyên liệu Vũ Phúc C sử dụng đê san xuât giày dep gia gồm : Vải PU, đế, nhựa, chỉ, keo, lô gô, nhãn mác giả cùng hệ thống máy móc, thiết bị do C mua trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ.

Ngày 11 và 12/01/2017, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hải Phòng tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa chỉ treo biển Công ty Cổ phần giày Thiên Phúc nêu trên. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện các công nhân của cơ sở sản xuất do C điều hành đang sản xuất giày, dép mang các nhãn hiệu Converse, Adidas, Nike, Gucci, Puma… Kết quả kiểm tra, thu giữ 14.395 đôi giày, dép các loại gồm: 2.295 đôi giày mang nhãn hiệu Dolce&Gabbana, 1.040 đôi dép mang nhãn hiệu DG, 240 đôi giày mang nhãn hiệu Versace, 615 đôi giày mang nhãn hiệu Gucci, 1.820 đôi dép mang nhãn hiệu Converse, 215 đôi dép mang nhãn hiệu hình của Nike, 185 đôi dép mang nhãn hiệu Versace, 1.820 đôi dép mang nhãn hiệu Nike, 1.225 đôi dép mang nhãn hiệu Tommy Hilfiger, 725 đôi dép mang nhãn hiệu Hugo boss, 2.065 đôi dép mang nhãn hiệu Hermes, 135 đôi dép mang nhãn hiệu Puma, 705 đôi dép mang nhãn hiệu Adidas, 1.310 đôi dép mang nhãn hiệu Prada. Ngoài ra, thu giữ 200 chiếc mũ giày mang nhãn hiệu Dolce&Gabbana,  

Theo Kết luận giám định số NH015-17TC/KLGĐ ngày 20/01/2017 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thì mẫu vật giám định lấy từ 14.395 đôi giày, dép Cơ quan điều tra thu giữ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Converse, Dolce&Gabbana, Adidas, Nike, Gucci, Tommy Hilfiger, Versace, Hugo boss, Hermes, Puma, Prada. Các nhãn hiệu này đều được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam theo các đăng ký quốc tế và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đang còn hiệu lực.

Theo Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định thì hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng giả.

Đại diện các hãng Dolce&Gabbana, Adidas, Gucci, Tommy Hilfiger, Versace, Hugo boss, Hermes, Puma, Nike khẳng định sản phẩm giày, dép do Vũ Phúc C sản xuất là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ, đồng thời kiến nghị xử lý hàng hóa và chủ cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật.

Kết luận định giá tài sản số 13/KL-HĐĐG ngày 21/3/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự UBND thành phố Hải Phòng đã xác định số giày, dép giả mạo nhãn hiệu nêu trên trị giá 146.300.000 đồng.

Tại Cơ quan điều tra, Vũ Phúc C khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung nêu trên và khai C nhận thức được việc sử dụng các nhãn hiệu được bảo hộ là hành vi sản xuất hàng giả nhưng vì muốn tiêu thụ được nhiều sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng nên C đã thuê công nhân và sử dụng máy móc, thiết bị cùng nguyên vật liệu, lô gô, nhãn mác giả mua trôi nổi trên thị trường để sản xuất giày, dép giả. C đã tiêu thụ khoảng 950 đôi giày, dép giả tại các thị trường Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An với giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/đôi, thu lời bất chính từ 3.000 đồng đến 7.000 đồng/đôi.

Vật chứng và đồ vật thu giữ: Ngoài số vật chứng nêu trên, Cơ quan điều tra còn niêm phong, tạm giao cho Vũ Phúc C quản lý 05 máy pha cắt, 02 máy dẫy, 15 máy khâu công nghiệp, 02 máy orê, 04 bàn in xoa, 01 máy in cao tần, 02 lò sấy, 02 máy gò, 02 máy ép, 03 máy làm đế trong đó máy móc, thiết bị để tạo ra các lô gô, nhãn hiệu gồm 04 bàn in xoa, 01 máy in cao tần. Vũ Phúc C giao nộp cho Cơ quan điều tra 4.750.000 đồng là số tiền C khai thu lợi từ việc sản xuất giày, dép giả.

Bản Cáo trạng số 85/CT-VKS-P3 ngày 07/6/2017, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã truy tố bị cáo Vũ Phúc C về tội "Sản xuất hàng giả" theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình như bản Cáo trạng đã nêu.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo như nội dung bản Cáo trạng đã nêu và đề nghị Hội đồng xét xử:

Áp dụng khoản 1, 4 Ðiều 156; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Ðiều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Vũ Phúc C 20 tháng đến 30 tháng tù cho hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách. Phạt tiền bị cáo C 10 triệu đến 20 triệu đồng sung quỹ Nhà nước.

Về vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết vật chứng theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên; lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

XÉT THẤY

Lời khai của bị cáo tại phiên toà phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người làm chứng, Kết luận giám định, vật chứng thu được và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở kết luận:

Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2015 đến tháng 01/2017, Vũ Phúc C đã chỉ đạo công nhân sản xuất 14.395 đôi giày, dép giả mạo nhãn hiệu của 11 nhãn hiệu nổi tiếng với tổng giá trị 146.300.000 đồng. Như vậy, hành vi của Vũ Phúc C đã phạm tội "Sản xuất hàng giả" tại Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Tính chất vụ án là nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm những quy định của Nhà nước về sản xuất kinh doanh các loại hàng hóa, làm mất ổn định thị trường, xâm hại lợi ích người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an xã hội. Vì vậy, cần phải xử lý bằng pháp luật hình sự.

Về tình tiết định khung hình phạt: Kết luận định giá tài sản số 13/KL-HDDG ngày 21/3/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự UBND thành phố Hải Phòng đã xác định số giày dép giả mạo nhãn hiệu trị giá 146.300.000 đồng. Do đó, bị cáo bị xét xử theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Hình sự: "Giá trị dưới một trăm năm mươi triệu đồng".

Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Hình sự.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhân thân không có tiền án, tiền sự; vì muốn tiêu thụ được nhiều sản phẩm theo thị hiếu của người tiêu dùng nên bị cáo C mới sản xuất hàng giả; đồng thời bị cáo đã nộp số tiền thu lợi từ việc sản xuất giày, dép giả cho Cơ quan điều tra; bị cáo có đơn đề nghị cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội của toàn thể người lao động trong cơ sở sản xuất. Do đó, bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự.

Về hình phạt: Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú rõ ràng, có việc làm ổn định; mặt khác cơ sở sản xuất của bị cáo hiện đang hoạt động, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Do đó không cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà chỉ để bị cáo được cải tạo ở địa phương, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật theo Điều 60 Bộ luật Hình sự.

Về hình phạt bổ sung: Áp dụng khoản 4 Điều 156 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo một khoản tiền để sung quỹ Nhà nước.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật Hình sự; căn cứ Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự:

- Cơ quan điều tra thu giữ 05 máy pha cắt, 02 máy dẫy, 15 máy khâu công nghiệp, 02 máy orê, 02 lò sấy, 02 máy gò, 02 máy ép, 03 máy làm đế là các máy móc, thiết bị không sử dụng vào việc sản xuất hàng giả nên cần trả lại cho bị cáo. Đối với 04 bàn in xoa, 01 máy in cao tần là các thiết bị để tạo ra các lô gô, nhãn hiệu giả in lên giày dép nhưng vẫn còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu sung quỹ Nhà nước.

 (Đặc điểm thể hiện tại Biên bản làm việc ngày 11/5/2017 tại cơ sở sản xuất giày Thiên Phúc giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hải Phòng và bị cáo Vũ Phúc C, hiện bị cáo đang quản lý các máy móc, thiết bị trên).

- Đối với 70 khuôn in lưới, 200 chiếc mũ giày, 14kg quai dép, 30kg lô gô các loại và 14.395 đôi giày, dép các loại cần tịch thu tiêu hủy.

 (Đặc điểm chi tiết theo Biên bản mở niêm phong và giao, nhận vật chứng ngày 09/6/2017 và Biên bản bàn giao vật chứng ngày 13/6/2017 tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng).

- Tịch thu sung quỹ Nhà nước 4.750.000 đồng là số tiền thu lợi bất chính.

 (Đặc điểm thể hiện tại Giấy nộp tiền vào tài khoản ngày 10/5/2017 của Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hải Phòng và Giấy ủy nhiệm chi chuyển khoản, chuyển khoản điện tử ngày 13/6/2017 giữa Phòng Cảnh sát kinh tế và Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng).

Về án phí và quyền kháng cáo đối với bản án: Bị cáo phải nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và được quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Vũ Phúc C phạm tội "Sản xuất hàng giả".

Áp dụng khoản 1 Ðiều 156; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Ðiều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Vũ Phúc C 18 (Mười tám) tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 36 (Ba mươi sáu) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Vũ Phúc C cho Ủy ban nhân dân phường DHK, quận LC, thành phố Hải Phòng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Áp dụng khoản 4 Điều 156 Bộ luật Hình sự, phạt tiền bị cáo Vũ Phúc C 30.000.000 (Ba mươi triệu) đồng sung quỹ Nhà nước.

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chậm thi hành án”.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật Hình sự; căn cứ Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự:

- Trả lại bị cáo 05 (năm) máy pha cắt, 02 (hai) máy dẫy, 15 (mười lăm) máy khâu công nghiệp, 02 (hai) máy orê, 02 (hai) lò sấy, 02 (hai) máy gò, 02 (hai) máy ép, 03 (ba) máy làm đế là các máy móc, thiết bị không sử dụng vào việc sản xuất hàng giả. Tịch thu sung quỹ Nhà nước 04 (bốn) bàn in xoa, 01 (một) máy in cao tần là các thiết bị để tạo ra các lô gô, nhãn hiệu giả in lên giày dép.

 (Đặc điểm thể hiện tại Biên bản làm việc ngày 11/5/2017 tại cơ sở sản xuất giày Thiên Phúc giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hải Phòng và bị cáo Vũ Phúc C, hiện bị cáo đang quản lý các máy móc, thiết bị trên).

- Tịch thu tiêu hủy 70 (bảy mươi) khuôn in lưới, 200 (hai trăm) chiếc mũ giày, 14 (mười bốn) kg quai dép, 30 (ba mươi) kg lô gô các loại và 14.395 (mười bốn nghìn ba trăm chín mươi lăm) đôi giày, dép các loại.

 (Đặc điểm chi tiết theo Biên bản mở niêm phong và giao, nhận vật chứng ngày 09/6/2017 và Biên bản bàn giao vật chứng ngày 13/6/2017 tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng).

- Tịch thu sung quỹ Nhà nước 4.750.000 (bốn triệu bảy trăm năm mươi nghìn) đồng là số tiền thu lợi bất chính.

 (Đặc điểm thể hiện tại Giấy nộp tiền vào tài khoản ngày 10/5/2017 của Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hải Phòng và Giấy ủy nhiệm chi chuyển khoản, chuyển khoản điện tử ngày 13/6/2017 giữa Phòng Cảnh sát kinh tế và Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng).

Về án phí: Bị cáo phải nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Về quyền kháng cáo đối với bản án: Bị cáo được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành theo Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1319
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 70/2017/HSST ngày 18/07/2017 về tội sản xuất hàng giả

Số hiệu:70/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:18/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về