Bản án 44/2018/HS-PT ngày 28/06/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 44/2018/HS-PT NGÀY 28/06/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 28 tháng 6 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 28/2018/TLPT-HS ngày 10 tháng 4 năm 2018 đối với bị cáo Lê Ngọc Q do có kháng cáo của bị cáo Lê Ngọc Q và người bị hại anh Trần Đình P đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 06/2018/HS-ST ngày 06 tháng 03 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình.

- Bị cáo có kháng cáo:

1. Lê Ngọc Q, sinh ngày 10 tháng 10 năm 1968 tại xã H, huyện T, tỉnh Quảng Bình.

Nơi cư trú: Thôn C, xã H, huyện T, tỉnh Quảng Bình;Nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ học vấn: 7/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê B (đã chết) và bà Cao Thị T (đã chết); có vợ: Hoàng Thị P. Có 05 người con; tiền án: Có một tiền án, ngày 8/6/1992 bị Tòa án hình sự Quân khu 4 tuyên phạt 08 năm tù về tội "Hủy hoại vũ khí" và 01 năm tù về tội "Trốn khỏi nơi giam", buộc bồi thường số tiền 64.408.000 đồng tại Bản án hình sự số: 09/HS-ST ngày 08/6/1992; ngày 02/9/1997 chấp hành xong hình phạt tù về địa phương cho đến ngày phạm tội. Tiền sự: không; Bị cáo bị bắt, tạm giam ngày 01/4/2016.

Bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình, theoLệnh trích xuất bị cáo có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo Lê Ngọc Q:

1. Ông Hoàng Ngọc P - Luật sư của Văn phòng Luật sư A thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Số 27-27 A, ngõ 82, phố Nguyễn N, phường M, thành phố Hà Nội, có mặt.

2. Ông Đào Dương T - Luật sư của Văn phòng Luật sư A thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Số 27-27 A, ngõ 82, phố Nguyễn N, phường M, thành phố Hà Nội, có mặt.

3. Bà Trần Thị L - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Bình, có mặt.

4. Ông Hà Nhật L - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Bình, có mặt.

- Bị hại có kháng cáo:

Anh Trần Đình P, sinh năm 1990

Địa chỉ: Thôn C, xã H, huyện T, tỉnh Quảng Bình, có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

Anh Lê Trung T, sinh năm 1992

Địa chỉ: Thôn C, xã H, huyện T, tỉnh Quảng Bình, có mặt.

- Người giám định:

1. Ông Phạm Ngọc T - Bác sỹ, Giám định viên pháp y - Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Quảng Bình, có mặt.

2. Bà Nguyễn Thị Thu H- Bác sỹ, Giám định viên pháp y - Giám đốc Trung tâm giám định Y khoa- Pháp y tỉnh Quảng Bình, vắng mặt.

Uỷ quyền cho ông Nguyễn Anh P - Bác sỹ, Giám định viên pháp y - Trưởng khoa Giám định pháp y - Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Quảng Bình, có mặt.

- Người có liên quan đến vụ án:

Anh Nguyễn Nam H - Điều tra viên thuộc Đội điều tra Công an huyện T, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt.

- Người làm chứng:

1. Anh Lê Ngọc L; Địa chỉ: Thôn 3 Thanh L, xã H, huyện T, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt.

2. Anh Trần Văn Q; Địa chỉ: Thôn C, xã H, huyện T, tỉnh Quảng Bình, có mặt.

3. Chị Nguyễn Thị T; Địa chỉ: Thôn C, xã H, huyện T, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt.

4. Chị Cao Thị T; Địa chỉ: Thôn C, xã H, huyện T, tỉnh Quảng Bình, có mặt.

5. Chị Cao Thị N; Địa chỉ: Thôn C, xã H, huyện T, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt

Người giám hộ: Bà Nguyễn Thị L - mẹ ruột của chị Cao Thị N. (Vắng mặt)

6. Chị Trần Thị N; Địa chỉ Thôn C, xã H, huyện T, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt

7. Chị Lê Thanh H: Địa chỉ: Thôn C, xã H, huyện T, tỉnh Quảng Bình, có mặt

8. Chị Lê Quỳnh T; Địa chỉ: Thôn C, xã H, huyện T, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt

9. Người giám hộ: Bà Hoàng Thị P - mẹ ruột của chị Lê Thanh H và chị Lê Quỳnh T), có mặt.

10. Anh Trần Xuân T; Địa chỉ: Thôn C, xã H, huyện T, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt.

11. Anh Trần Xuân H; Địa chỉ: Thôn C, xã H, huyện T, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 02/8/2015, sau khi uống rượu tại nhà anh Nguyễn Văn T ở ở thôn C, xã H xong, Trần Văn Q đến quán của chị Nguyễn Thị T ở cùng thôn ngồi uống nước cùng với anh Lê Ngọc L, anh Trần H và anh Trần Ngọc R; đang uống nước thì có Lê Ngọc Q là em trai của anh L ở cùng thôn đến. Sau một lúc nói chuyện thì giữa Lê Ngọc Q và Trần Văn Q xảy ra mâu thuẫn rồi gây gỗ với nhau nhưng được mọi người can ngăn nên Q đi về nhà. Lúc này Lê Trung T và Trần Đình P ở cùng thôn C, xã H cũng đang ngồi uống rượu ở nhà anh Nguyễn Văn T thì nghe thấy tiếng ồn ào phía nhà chị T nên T đi đến đó. Trên đường đi, T nhặt một que gỗ bên đường mang theo. Bà Cao Thị T là mẹ của T thấy vậy nên bảo anh Trần Đình P đuổi theo T để can ngăn và kéo T về, anh P đồng ý.

Khi đến đoạn đường tại ngã ba trước nhà chị T, thấy anh L và T đang gây gổ đánh nhau, mỗi người cầm một que gỗ nên P vào can ngăn. T đá anh L một cái vào chân, anh L vứt que gỗ đi về nhà còn T cầm que gỗ quay về. P nhặt que gỗ do anh L vứt lại và chạy theo T. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, khi đi ngang nhà của Lê Ngọc Q, thấy Q đang đứng ở cổng sát đường T dùng que gỗ lao vào đánh vào vùngđầu của Q, P chạy đến can ngăn và kéo T ra, bị T đánh nên Lê Ngọc Q ngã xuốngsau đó vùng dậy chạy vào trong sân nhà lấy một cái câu liêm đuổi theo T và P.

Thấy Q cầm câu liêm xông đến nên T bỏ chạy ra phía sân bóng, P chạy theo để giữ T. Do T chạy nhanh nên Q đuổi không kịp. P đang chạy theo sau T thì Q đuổi kịp và vung câu liêm lên chém một nhát từ trên cao xuống trúng vào vùng đầu bên phải của P làm P bị thương. P quay lại nhìn thấy Lê Ngọc Q nên la lên "Q chém tau rồi". Tiến quay lại dùng que gỗ đánh liên tiếp ba đến bốn cái vào người của Q nên Q bỏ chạy vào nhà. Trần Đình P được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đ huyện T sau đó chuyển vào Bệnh viện H rồi tiếp tục chuyển vào Bệnh viện T điều trị đến ngày 13/8/2015 thì ra viện. Lê Ngọc Q bị thương đi điều trị tại Bệnh viện Đ huyện T đến ngày 07/8/2015 thì ra viện.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 10/TgT ngày 14/01/2016 của Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Quảng Bình kết luận: Vết thương chấn thương thái dương đỉnh phải làm vỡ lún xương sọ, đã phẩu thuật lấy bỏ mảnh xương lún và điều trị. Hiện tại khuyết sọ thái dương đỉnh phải kích thước 4 x 2,5cm đáy phập phồng; ổ giảm tỷ trọng dạng khuyết não ở thùy đỉnh bên phải, bên trong có mảnh xương rời kích thước 11 x 7mm; vết thương để lại sẹo 2x0,2cm; sẹo mổ ở thái dương đỉnh phải hình vòng cung kích thước 20 x 0,4cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 62%.

Ngày 07/6/2017 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình có Công văn số 239/CV-PC44 gửi Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Quảng Bình đề nghị xem xét đánh giá việc cập nhật không đầy đủ thời gian điều trị tại Bệnh viện H của Trần Đình P có làm thay đổi bản chất kết luận giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe của Trần Đình P hay không và chiều hướng tác động tạo nên thương tích tại vị trí thái dương đỉnh phải trên đầu của bị hại Trần Đình P.

Tại Công văn số 15/GĐPY ngày 12/6/2017 của Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Quảng Bình trả lời: Việc không cập nhật đầy đủ thời gian điều trị từ 00 giờ 55 phút đến 14 giờ 30 phút ngày 03/8/2015 (13 tiếng 35 phút) tại Bệnh viện H của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình cho Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y trong quá trình giám định không làm thay đổi tỷ lệ tổn hại sức khỏe của Trần Đình P đã được thể hiện ở Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 10/TgT ngày 14/01/2016 của Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Quảng Bình. Với dấu vết mô tả trong các bệnh án và dấu vết thực tế hiện tại trên đầu của Trần Đình P thì không thể giám định để xác định chiều hướng tác động tạo nên thương tích tại vị trí thái dương đỉnh phải.

Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 45/TgT ngày 22/9/2016 đối với Lê Ngọc Q của Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Quảng Bình kết luận: Vết thương đỉnh trái để lại sẹo kích thước 02 x 0,5cm; vết thương trán trái để lại sẹo kích thước 4,5 x 0,1cm; sẹo mờ mỏng. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 03%.

Ngày 07/6/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung tính chất thương tích và tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị can Lê Ngọc Q. Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 35/TgT ngày 14/6/2017 đối với Lê Ngọc Q của Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Quảng Bình kết luận: Vết thương đỉnh trái để lại sẹo kích thước 02x0,5cm; vết thương trán trái để lại sẹo kích thước 4,5x 0,1cm (đã được Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Quảng Bình giám định và kết luận tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 45/TgT ngày 22/9/2016) không xác địnhđược là do bị đánh hay do bị chém; không xác địch được vật gây thương tích, không xác định được hướng tác động do các vết thương đã được điều trị. Nếu do bị chém thì tỷ lệ tổn thương cơ thể do các vết thương gây nên vẫn không thay đổi so với bị đánh.

Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích ở cẳng tay trái và cẳng chân phải gây nên hiện tại là 0%.

Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do các thương tích ở đỉnh trái, trán trái, cẳng tay trái, cẳng chân phải gây nên hiện tại là 03%.

Ngày 26 tháng 10 năm 2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình ra Quyết định trưng cầu giám định bổ sung đối với tỷ lệ tổn hại sức khoẻ của anh Trần Đình Phi.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 76/TgT ngày13/11/2017 của Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Quảng Bình kết luận: Chấn thương, vết thương đỉnh phải làm vỡ lún xương sọ; đã phẫu thuật sọ não nâng xương lún, lấy bỏ dị vật, khâu treo màng cứng, khâu vết thương và điều trị. Hiện tại khuyết sọ đỉnh phải kích thước 4 x 2,5cm; ổ giảm tỷ trọng dạng teo khuyết não ở thuỳ đỉnh bên phải, bên trong tổn thương có dị vật cản quang dạng mảnh xương rời kích thước 1,1 x 0,7cm; vết thương để lại sẹo kích thước 2,5 x 0,2cm; sẹo mổ ở thái dương đỉnh phải hình vòng cung kích thước 20 x 0,4cm. Tỷ lệ tổnthương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 62%.

Kèm theo Bản kết luận giám định pháp y về thương tích là Công văn số200a ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Trung tâm Giám định y khoa - pháp y tỉnh Quảng Bình trả lời: Cả hai lần khám, giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích cho ông Trần Đình P, Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Quảng Bình thực hiện khám, giám định chấn thương, vết thương duy nhất tại đỉnh phải và tỷ lệ tổn thương cơ thể không có sự thay đổi. Sở dĩ giữa hai Bản kết luận pháp y về thương tích số 10/TgT ngày 14/01/2016 và Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 76/TgT ngày 13/11/2017 có một số từ ngữ không giống nhau khi mô tả vị trí vết thương, chấn thương, khuyết sọ là vì: Tại Bản kết luận pháp y về thương tích số 10/TgT ngày 14/01/2016 mô tả: “Vết thương , chấn thương thái dương đỉnh phải...” “Hiện tại khuyết sọ thái dương đỉnh phải ...” là do vết thương,chấn thương và khuyết sọ ở vị trí đỉnh phải sát với vùng thái dương phải. Ngày13/11/2017, sau khi giám định và hội chẩn, để tránh hiểu nhầm về vị trí tổn thương, các Giám định viên pháp y đã thống nhất mô tả vị trí chấn thương, vếtthương và khuyết sọ tại Bản kết luận pháp y về thương tích số 76/TgT ngày 13/11/2017 là ở đỉnh phải.

Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 10/TgT ngày 14/01/2016 của Trung tâm giám định y khoa - pháp y tỉnh Quảng Bình theo công văn số: 398/CV-PC44 ngày 26/10/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình có một số nội dung chưa rõ, chưa đầy đủ nên tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 76/TgT ngày 13/11/2017 của Trung tâm giám định y khoa – pháp y tỉnh Quảng Bình đã mô tả đầy đủ, chi tiết hơn các tổn thương của anh Trần Đình P.

Vật chứng vụ án: Quá trình điều tra Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã thu giữ 01 (một) câu liêm bằng kim loại dài 55cm, cán dài 40 cm, câu liêm đã cũ.

Về trách nhiệm dân sự: Theo báo cáo của đại diện người bị hại ông Trần Xuân P là cha ruột của Trần Đình P, chi phí trong quá trình điều trị vết thương do Lê Ngọc Q gây ra tại các cơ sở y tế cùng các chi phí khác hết tổng số tiền là 44.617.000đ (bốn mươi bốn triệu sáu trăm mười bảy nghìn đồng). Anh P yêu cầu Lê Ngọc Q bồi thường toàn bộ số tiền trên. Ngày 23/12/2016 gia đình Lê Ngọc Quyết đã tự nguyện bồi thường số tiền 10.000.000đ (mười triệu đồng) cho anh Trần Đình P. Anh Phi yêu cầu Lê Ngọc Q phải bồi thường số tiền còn lại là 34.617.000đ (ba mươi tư triệu sáu trăm mười bảy nghìn đồng). Lê Ngọc Q yêu cầu Lê Trung T bồi thường chi phí điều trị vết thương do T gây ra số tiền 3.000.000đ (ba triệu đồng).

Bản cáo trạng số: 02/THQCT- KSĐT-TA ngày 05/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuyên Hoá, đã truy tố bị cáo Lê Ngọc Q về tội: “Cố ý gây thương tích” theo quy đinh tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999.

Bản án sơ thẩm lần thứ nhất: số 04/2017/HSST ngày 21/02/2017 của Toà án nhân dân huyện Tuyên Hoá quyết định, xử bị cáo 5 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích.” Bị cáo có kháng cáo, nên tại bản án phúc thẩm lần 1 số: 25/HSPT ngày 22/5/2017 của TAND Quảng Bình đã hủy bản án sơ thẩm vì lý do cần giám định lại theo tỷ lệ thương tích mà trước đó chưa giám định tỷ lệ thương tích đối với bị hại.

Tại bản án HSST lần 2 số: 22/2017/HSST ngày 16/08/2017 của TAND huyện Tuyên bố xét xử bị cáo 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” và buộc bị cáo phải bồi thường dân sự. Bị cáo Q tiếp tục kháng cáo, nên tại bản án HSPT lần 2 số: 76/2017/HSPT ngày 29/9/2017 của TAND Quảng Bình tiếp tục hủy bản án hình sự sơ thẩm lần 2 vì lý do có mâu thuẫn giữa bệnh án và kết luận giám định.

Tại bản án HSST lần thứ 3 số: 06/2018/HSST ngày 06/03/2018 của TANDhuyện Tuyên Hóa quyết định xử phạt bị cáo 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” và tuyên buộc bồi thường 40.777.000đ. Ngoài ra còn tuyên xử lý vật chứng, quyền kháng cáo, sau khi xét xử xong,

Ngày 12/3/2018 bị cáo Lê Ngọc Q có đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm số 06/2018/HS-ST ngày 06 tháng 03 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Tuyên Hoá với lý do:

Cơ quan Điều tra chưa làm rõ vụ việc, tình tiết vụ án vẫn không được hoá giải ai là người gây ra 02 vết thương sâu sát xương sắc ngọt như vết chém trên đầu bị cáo, trong khi đó chỉ có T và P xông vào đánh bị cáo, 02 vết thương đó không thể do vật tày đường kính 4 cm được T sử dụng đánh bị cáo hoàn toàn chưa được chứng minh, làm rõ. Trong khi đó bị cáo vô cớ bị T và P xông vào đánh bị cáo trọng thương và máu đổ ra ngay tại sân nhà bị cáo, đã nhiều lần bị cáo yêu cầu dựng lại hiện trường đều bị Cảnh sát điều tra từ chối, bác bỏ, là Viện kiểm sát và Toà án nhân dân tỉnh đã huỷ Bản án của bị cáo, đã hai lần để điều tra làm rõ vụ việc mà cũng bị từ chối và bác bỏ luôn. Thủ trưởng điều tra cũng đề nghị làm rõ vụ việc mà không chấp hành. Tại phiên toà ngày 06/3/2018 bị cáo đã đưa ra những chứng cứ rất rõ ràng, cụ thể Trần Đình P và Lê Trung T đã thừa nhận là say rượu không biết gì. Trong quá trình giám định, 02 bản giám định khác nhau dẫn đến kết quả giám định chưa đủ tin cậy, tình tiết vụ án vẫn chưa được hoá giải. Nhiều câu hỏi ai là người gây ra vết thương trên đầu bị cáo. Trong quá trình điều tra, Điều tra viên Nguyễn Nam H đã vi phạm đạo đức, nghề nghiệp và cố ý lợi dụng chức vụ quyền hạn, bao che cho bọn côn đồ, lừa đảo vợ chồng bị cáo lấy một số tiền, bị Toà án triệu tập nhưng cố tình vắng mặt nên rất nhiều khuất tất không được làm rõ tại phiên toà.

Bản án vẫn tuyên phạt bị cáo 04 năm tù là oan sai, không khách quan, không công bằng, không tương xứng với tội danh của bị cáo và buộc bị cáo bồi thường 40.000.000 đồng là không đúng, trong khi đó bị cáo bị P và T đánh bất ngờ, vô cớ trọng thương ngay tại sân nhà bị cáo, còn Phi và Tiến xâm phạm tính mạng sức khoẻ của bị cáo, xâm phạm tư gia bất hợp pháp, gây rối trật tự công cộng, có hành vi côn đồ coi thường pháp luật, thì vẫn nhỡn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Vì vậy bị cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xét xử công minh, minh bạch, khách quan, đặc biệt trọng chứng hơn trọng cung.

Ngày 15/3/2018 bị cáo Lê Ngọc Q có đơn khiếu kiện với nội dung: Cơ quan Cảnh sát điều tra không thực hiện yêu cầu giám định lại của Toà án tỉnh và Viện kiểm sát mà chỉ giám định bổ sung, dẫn đến kết quả giám định chưa đủ tin cậy, tình tiết vụ án có nhiều mâu thuẫn. T và P xông vào đánh bị cáo và 02 vết thương đó không thể do vật tày đường kính 04cm được T sử dụng đánh bị cáo, các vết thương đó do vật gì gây ra, tại địa điểm nào, mà máu đổ ra tại sân nhà bị cáo hoàn toàn chưa được chứng minh, làm rõ. Tại phiên toà bị cáo đưa ra các chứng cứ rất rõ, mọi người đều biết Lê Trung T và Trần Đình P chủ động gây án tại nhà bị cáo. Thực tế vụ án xảy ra tại nhà bị cáo, vậy căn cứ theo Luật thì T và P đã vi phạm vào tội bất khả xâm phạm gia cư, nơi ở của công dân, T và P chủ động mang theo hung khí đến nhà bị cáo và đánh bị cáo bất ngờ vô cớ trên người bị cáo, bị đánh sưng phù tím bầm thịt da là bằng que gỗ mà Lê Trung T đã công nhận, còn 02 nhát chém sắc ngọt mà bị cáo được Bệnh viện Đ khâu 14 mũi, mà Phi còn từchối, tại hiện trường máu đỗ ra tại nhà bị cáo, bị cáo đã nhiều lần yêu cầu dựng lại hiện trường nhưng đều bị Cảnh sát điều tra từ chối, bác bỏ. Trong quá trình điềutra, điều tra viên Nguyễn Nam H cố ý lợi dụng chức vụ quyền hạn bao che bọn côn đồ, lừa đảo vợ chồng bị cáo, lấy một cặp bình hoa gỗ đình hương trị giá7.000.000đồng đến 8.000.000đồng tiền Việt Nam và 2.000.000đồng tiền mặt, làm giấy tờ bất hợp pháp để bóp méo sự thật của việc, vu khống cho bị cáo tội “Giết người”, dồn bị cáo vào cảnh tù đày, lao lý bất công.

Bản án sơ thẩm số 06/2018/HS-ST ngày 06 tháng 03 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Tuyên Hoá tuyên phạt bị cáo 04 năm tù là oan sai, không tương xứng với tội danh của bị cáo và buộc bị cáo bồi thường 40.000.000đồng là không đúng, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xét xử đúng người, đúng tội.

Ngày 19/6/2018 Lê Ngọc Q có đơn kháng cáo bổ sung, kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 06/2018/HS-ST ngày 06 tháng 03 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Tuyên Hoá, với lý do:

Cơ quan điều tra không thực hiện điều tra vụ án, không theo Quyết định của Toà án, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình, mà chỉ giám định bổ sung dẫn đến kết quả gây oan sai, tình tiết vụ án có rất nhiều mâu thuẫn chưa được hoá giải, nhiều câu hỏi ai là người gây ra 02 nhát chém sắc ngọt, sâu sát xương như 02 nhát chém trên đầu bị cáo. Trong khi đó chỉ có Trần Đình P và Lê Trung T đột nhiên vô cớ xông vào đánh bị cáo, hình thái 02 vết thương đó không thể do que gỗ tàyđường kính 4cm mà Lê Trung T sử dụng đánh bị cáo, vậy 02 vết thương trên đầu và trán bị cáo sắc ngọt sâu sát xương khâu 14 mũi, vậy hung khí đó là gì, ở đâu, gây ra tại địa điểm nào, máu đổ ra tại đâu đều chưa chứng minh làm rõ. Trong quá trình điều tra, điều tra viên Nguyễn Nam H đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn bao che cho bọn côn đồ Trần Đình P, lừa đảo vợ chồng bị cáo nhận 01 cặp bình hoa và 2.000.000đồng tiền mặt, nói để giải quyết nội bộ, bảo bị cáo ký 04 tờ giấy trắng, tự ý lập hồ sơ bất hợp pháp, vu khống cho bị cáo cái tội “Giết người”, hành vi của Nguyễn Nam H chưa được điều tra làm rõ và đã được Toà án triệu tập nhưng cố tình vắng mặt, rất nhiều khuất tất chưa được làm rõ tại phiên toà, nhưng Toà án vẫn tuyên phạt bị cáo 04 năm tù là quá oan cho bị cáo và buộc bị cáo phải bồi thường cho Trần Đình P hơn 40.000.000đồng là không đúng. Trần Đình P và Lê Trung T đã chủ động đến gây án tại nhà bị cáo, máu đổ ra tại sân nhà bị cáo, nhà cửa bị cáo bị chặt phá, thu vật chứng tại nhà bị cáo, đã đánh bị cáo tím bầm dập cả người và 02 nhát chém sắc ngọt trên đầu và trán bị cáo khâu 14 mũi. Căn cứ theo Luật thì Trần Đình P và Lê Trung T đã phạm vào bị cáo, xâm phạm nơi cư trú chỗ ở của công dân, cụ thể là của bị cáo và cố ý gây thương tích cho bản thân bị cáo, thì được coi là bị hại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật mà bị cáo có đủ căn cứ để chứng minh sự thật của vụ án. Trần Đình P khai là đi can ngăn là vô lý, nguỵ biện, dối trá hồng chạy tội, đi can ngăn mà mang theo hung khí. Tại sao không chuyển hướng đi của T, tại sao không đoạt hung khí trong tay T, không hô lên để mọi người hỗ trợ, tất cả đều phi lý. Tại hiện trường chỉ có 03 người P, T và bị cáo, Trần Đình P và Lê Trung T xông vào đánh bị cáo bất ngờ, T dùng que gỗ bị cáo chạm được vào tay, còn P tấn công vào vùng đầu bị cáo nghe mát lạnh, sờ lên thì thấy máu phun ra. Cảnh trời tối không xác định được rõ là hung khí gì, nhưng bị cáo khẳng định đó là hung khí sắc ngọt mà chính Trần Đình P xông vào chém bị cáo, vì thế Lê Trung T đã thừa nhận trước các phiên toà, dùng que gỗ, đường kính 4cm xông vào đánh bị cáo mà cũng đúng theo giám định thương tích của bị cáo. Còn 02 nhát chém sắc ngọt sâu sát xương trên đầu bị cáo khâu 14 mũi, vậy hung khí đó là gì, ở đâu, là thuộc về trách nhiệm của Cảnh sát điều tra mà bịcáo có quyền yêu cầu làm rõ. Trần Đình P khai can ngăn là nguỵ biện dối trá hồng chạy tội, hành động của P là cố ý gây thương tích không thể chối cãi được. Lập lại hiện trường thông thường các vụ án giết người hoặc cố ý gây thương tích hoặc các vụ án nghiêm trọng khác. Theo nguyên tắc thì phải lập lại hiện trường, tại sao vụ án của bị cáo đã gần 03 năm không được lập lại hiện trường. Thực tế bị cáo đã yêu cầu nhiều lần nhưng đều bị bác bỏ, Cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát nhân dânhuyện Tuyên Hoá cố ý bao che cho tội phạm, xuyên tạc,vu khống để ám hại bị cáo. Theo phản xạ tự nhiên bị cáo phải chống trả để cứu sinh mạng của bị cáo và gia đình bị cáo. Bị cáo hoàn toàn bị động, hành động của bị cáo hoàn toàn mang tính chất tự nhiên phản xạ, dùng quyền phòng vệ chính đáng, chống trả lại Trần Đình P gây thương tích 62% . Vì vậy đề nghị Toà án, Viện kiểm sát xem xét xét xử vụ án công khai minh bạch.

Ngày 20/3/2018 anh Trần Đình P có đơn kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm tăng nặng mức hình phạt đối với bị cáo Lê Ngọc Q và yêu cầu bị cáo Lê Ngọc Q phải bồi thường số tiền thiệt hại của gia đình anh còn lại là 30.777.000đồng.

Ngày 21/5/2018 Luật sư Hoàng Ngọc P có bản kiến nghị trong vụ án Lê NgọcQ, đề nghị Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình:

- Ra Quyết định trưng cầu giám định lại tỷ lệ thương tích đối với Trần Đình P

- Ra Quyết định giám định lại tính chất thương tích (cơ thể hình thành vết thương) của Lê Ngọc Q.

Ngày 21/5/2018 Luật sư Đào Dương T có kiến nghị đề nghị Toà án phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng trong việc tham khảo, nghiên cứu, đánh giá các tài liệu, chứng cứ mà phía Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà nẵng đã thu thập được.

Tiếp tục kiến nghị (đã kiến nghị ở cấp sơ thẩm) triệu tập Điều tra viên Nguyễn Nam H tham gia phiên toà phúc thẩm.

Tiếp tục kiến nghị (đã kiến nghị ở cấp sơ thẩm) triệu tập: Anh Trần Xuân T làngười có mặt tại hiện trường lúc sự việc xảy ra và đưa Lê Ngọc Q đi viện (không có mặt nhưng Bản án sơ thẩm ghi có mặt); anh Trần Xuân H- Công an viên trực tiếp đưa Q đi viện; Cao Thị N có bản trình bày việc ông Nguyễn Nam H yêu cầu ký vào tờ giấy trắng để đưa ông ta, có nội dung lời khai của N thay đổi và ngược lại lời khai ban đầu.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Trong quá trình thụ lý xét xử vụ án lần thứ nhất vào ngày 21/2/2017 của Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa, xử phạt bị cáo Lê Ngọc Q 5 năm tù về tội “ Cố ý gây thương tích”, bị cáo Lê Ngọc Q kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng sau đó bị cáo lại kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm xét xử bị cáo oan, sai và sau khi xét xử sơ thẩm lại vụ án lần thứ 3,( do 2 lần bị TAND tỉnh Quảng Bình hủy án), thì bị cáo Lê Ngọc Q có đơn kháng cáo và trình bày tại phiên tòa, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa và cho rằng Cơ quan Điều tra không đề nghị tiến hành giám định lại mà chỉ giám định bổ sung. Những tình tiết vụ án chưa được hóa giải, nhiều câu hỏi ai là người gây ra 2 vết chém sắc ngọt, sâu sát xương như dao chém tại đầu bị cáo trong khi đó chỉ có Trần Đình P, Lê Trung T vô cớ xông vào nhà đánh bị cáo nhưng hiện nay lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp Luật. Điều tra viên Nguyễn Nam H vi phạm đạo đức, nghề nghiệp, được Tòa án triệu tập nhiều lần đến phiên tòa nhưng cố tình không đến phiên tòa. Bị cáo đã đề nghị dựng lại hiện trường nhưng không dựng hiện trường, hành vi của bị cáo đánh Trần Đình P là phòng vệ chính đáng. Do đó đã dẫn đến oan, sai và Bản án sơ thẩm đã buộc bị cáo bồi thường40.000.000đ là không đúng.

1.Tại phiên tòa bị cáo Lê Ngọc Q thừa nhận hành vi chém bị hại Trần Đình P đồng thời diễn tả hành vi chém bị hại Trần Đình P bằng câu liêm từ trên xuống tại vị trí cổng nhà bị cáo, sau khi P và Tiến có hành vi đánh bị cáo Q, nên đó là tội “ Gây thương tích cho người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động” và cũng có lúc bị cáo cũng cho rằng bị cáo bị oan, sai.

Để làm rõ hành vi của bị cáo Q đánh P tại vị trí Sân bóng hay ở cổng nhà thì bị hại Trần Đình P khai tại phiên tòa trình bày: “ Vào tối 2/8/2015, sau khi tôi can T gây với chú L, tôi nhặt cái que của chú L vừa vứt xuống đất trước đó, tôi thấy T cầm 1 cái que chạy về hướng nhà chú Q ( bị cáo Q), sau khi nghe mẹ của T là bà T nói tôi chạy đến để can ngăn T, tôi thấy chú Q đang đứng ở cổng nhà chú ấy thì bất ngờ T xông đến vung que lên đánh về phía người chú Q nhưng không rõ đánh vào chổ nào, tôi đến can ngăn đẩy T ra người Tiến do T cởi trần nên trơn tuột khỏi tay tôi và chạy ra hướng sân bóng, Tôi ( P ) đuổi theo Tiến ra hướng sân bóng khoảng 10 bước thì nghe tiếng “cốp” trên đầu, đưa tay lên bịt vết thương và quay lại thì thấy chú Q ở sau lưng, tôi la lên “ Q chém tau rồi “ tôi bỏ chạy về hướng sân bóng thì bị ngất không biết gì nửa. Bị hại Trần Đình P khẳng định Q đã chém bị hại bằng câu liêm tại vị trí sânbóng”. Tại phiên tòa Lê Trung T cũng trình bày chính T là người đã đánh khoảng 3 -4 cái vào người Q nhưng do có uống rượu say nên không biết đã đánh vào đâu và khẳng định tối hôm 2/8/2015 chỉ có một mình T đánh bị cáo Q còn P không đánh Q, P đến can ngăn ôm tôi lại, thấy chú Q ( bị cáo Q ) cầm câu liêm trên tay từ trong nhà ra thì tôi vùng ra khỏi P bỏ chạy qua đường đến sân bóng, sau đó nghe P kêu lên “ Q chém tau rồi” tại vị trí sân bóng. Bị cáo Q cho rằng bị cáo chém Trần Đình P ở cổng nhà bị cáo nên Hội đồng xét xử phải công bố lời khai của cháu Lê Thanh H(con gái của Lê Ngọc Q ) tại BL số 178 ngày 10/10/2016 khai “ Tối 2/8/2015 mẹ cháu đi vắng, ba cháu (Q ) ngồi xem ti vi tại phong khách, khoảng 20 giờ nghe ngoài đường có tiếng ồn ào ba cháu bảo cháu giữ em rồi ba đi ra khỏi nhà, cháu ngồi trong nhà một lúc rồi mới đi ra, cháu thấy ngay đường trước cổng nhà cháu có đông người ồn ào, cháu đi ra xem thì thấy ba cháu đứng tay cầm câu liêm và có khoảng 2 đến 4 người xông vào đánh bố cháu..cụ thể ai là người đánh bố cháu và đánh như thế nào thì cháu không thấy. Cháu xông vào để kéo bố cháu ra để khỏi bị đánh thì bố cháu vùng chạy về phía sân bóng, vì đông người trời tối nên cháu không thấy ba cháu chạy về hướng nào, cháu đi quanh tìm nhưng không thấy ba cháu đâu, cháu liền đi vào hướng nhà cháu cháu thấy ba cháu đi vào cổng đến ngồi trong sân, khi đó trên đầu của ba cháu chảy máu rất nhiều, khi đó có một số người đòi xông vào đánh ba cháu nhưng có một số người đóng cổng lại nên họ không vào được...( lời khai của cháu H lớp 11b2 có giáo viên chủ nhiệm lớp 11B2 giám hộ - BL số: 178).

Bị cáo Q tại phiên tòa phúc thẩm lần này cũng khẳng định vết máu ở sân bị cáo chính là của bị cáo, theo cháu H thấy bị cáo đi vào cổng đến ngồi trong sân, khi đó trên đầu ba cháu chảy nhiều máu và lúc này cổng đã đống lại. Từ đó cho thấy bị cáo kháng cáo cho rằng T, P xông vào nhà bị cáo đánh bị cáo là xâm phạm gia cư bất hợp pháp, tại hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện T, P xâm phạm gia cư bất hợp pháp vì vậy kháng cáo của bị cáo tại phần này không có cơ sở. Tại BL số 189 cháu Lê Quỳnh T con của bị cáo cũng có lời khai “ Cháu đang xem ti vi một lúc thì nghe tiếng ồn ào trước cổng nhà, ba cháu nói coi em để ba cháu ra ngoài xem thế nào, ba cháu ra ngoài một lúc thì cháu đi ra, cháu đi ra trước cổng nhà cháu nhìn qua trước nhà chú T( nhà chú T ở ngay cạnh bên phải nhà cháu, ba cháu đang bị ai đó đánh rồi ba cháu chạy ra sân bóng thì bị ai đó đuổi theo, cháu vào nhà xem em cháu thế nào rồi quay ra lại thì thấy ba cháu ở sân rồi đầu ba cháu chảy nhiều máu..” cháu T là con của bị cáo Lê Ngọc Q).

Tại phiên tòa lời khai cáo bị cáo có nhiều mâu thuẫn với lời khai của bị cáocáo trong quá trình điều tra và tại phiên tòa xét xử lần thứ nhất vào ngày 21/02/2017 bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, nên Hội đồng xét xử phải công bố lời khai, bản tự khai, biên bản đối chất, công bố biên bản khám nghiệm hiện trường, bản ảnh chụp đặc tả hung khí gây án là câu liêm, ảnh chụp vị trí phát hiện dấu vết máu tại phía Bắc sân bóng, ảnh chụp vết máu tại sân nhà bị cáo, bản Giám định thương tích và bệnh án điều trị vết thương bị chém của Trần Đình P cụ thể: Tại Biên bản hỏi cung ngày 01/4/2016 ( BL số: 111) bị cáo khai “ Tôi đang dứng ở cổng nhà thì bất ngờ có ba thanh niên chạy đến đạp tôi ngã xuống đất và có ai đó dùng gậy đánh tôi một cái ở tay. Tôi thấy đông người nên chạy vào sân nhà lấy cái câu liêm bằng kim loại để ở tường, cầm chạy ra đánh nhóm thanh niên vừa đánh tôi, tôi thấy P con ông Đ ở cùng thôn đang cầm que gỗ trên tay đối diện tôi, P đưa que gỗ đánh tôi, tôi Lê Ngọc Q dùng tay trái cầm được que gỗ, đồng thời tay phải đang cầm câu liêm chém một nhát vào đầu P theo đường từ trên xuống dưới..” Bản tự khai ngày 5/4/2016, ( BL số: 110) Lê Ngọc Quyết khai “Khi tôi cầm câu liêm đi ra trước cổng thấy trước cổng cách 5 đến 6 m có một số thanh niên thấy tôi cầm câu liêm chạy ra thì có một thanh niên vùng chạy tôi cầm câu liêm đuổi theo thanh niên đó để chém nhưng không kịp, tôi quay lại thấy một thanh niên cầm cọc nâng lên đánh tôi, tôi dùng tay đỡ, đồng thời tay phải cầm câu liêm chém một nhát vào đầu người đó”. Tại BL số: 108 bị cáo Lê Ngọc Q khai “Tôi chụp được cọc bằng tay trái và vung câu liêm lên bằng tay phải chém một nhát trúng vào đầu người đó” Tại 9 BL số 100) bị cáo khai “ . Khoảng 2- 3 người không biết từ đâu lao vào tôi, tôi bị đánh một gậy trúng vào đầu và đạp vào người tôi một cái làm tôi ngã xuống, tôi liền lấy câu liêm để ở bên bao hàng trước sân vung lên để chém thì người kia bỏ chạy ra khỏi đường ra đến sân bóng, một người chạy nhanh tôi chạy không kịp, tôi thấy một người cầm một cái que vung lên đánh tôi, tôi đưa tay trái lên đỡ còn tay phải cầm câu liêm vung lên chém vào người đó”. Người đó chính là Trần Đình P bị hại trong vụ án cũng có lời khai “ T ở trần người trơn nên tuột khỏi tay tôi chạy xuống sân bóng, tôi đổi theo T 10 đến 15 bước từ mép đường xuống sân bóng tự nhiên tôi nghe tiếng “ cốp”, tôi quay người nhìn lại thấy chú Q đứng đằng sau lưng tôi, tôi nói “ Q chém tau rồi” tôi giơ tay bịt vết thương trên đầu chạy đến cuối sân bóng ngồi xuống, sau đó thì không biết gì nửa”(BL số: 132).Tại biên bản đối chất ngày 3/11/2016 bị cáo cũng thừa nhận có hành vi chém Trần Đình P. Tại phiên toà bị cáo cho rằng bị cáo chém P bằng câu Liêm là phòng vệ chính đáng.

Tuy nhiên qua nhiều lời khai, qua thẩm vấn tại phiên tòa thì không có cơ sở cho thấy bị hại Trần Đình P đánh bị cáo mà chỉ có Lê Trung T đánh bị cáo, Lê Trung T khẳng định P không đánh bị cáo. Nên bị cáo cho rằng bị cáo chém P là phòng vệ chính đáng không đủ cơ sở.

Tại phiên tòa Luật sư đề nghị Giám định viên giải thích sự khác nhau giống nhau tại bản Giám dịnh số: 10/TgT ngày 14/01/2016 của Trung tâm Giám định y khoa - pháp y tỉnh Quảng Bình kết luận: Vết thương chấn thương thái dương đỉnh phải làm vỡ lún xương sọ, đã phẩu thuật lấy bỏ mảnh xương lún và điều trị. Hiện tại khuyết sọ thái dương đỉnh phải kích thước 4 x 2,5cm đáy phập phồng; ổ giảm tỷ trọng dạng khuyết não ở thùy đỉnh bên phải, bên trong có mảnh xương rời kích thước 11 x 7mm; vết thương để lại sẹo 2 x 0,2cm; sẹo mổ ở thái dương đỉnh phải hình vòng cung kích thước 20 x 0,4cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 62% và bản Giám định số 76/TgT ngày 13/11/2017 của Trung tâm

Giám định Y khoa- Pháp y tỉnh Quảng Bình kết luận: Chấn thương, vết thương đỉnh phải làm vỡ lún xương sọ; đã phẫu thuật sọ não nâng xương lún, lấy bỏ dị vật, khâu treo màng cứng, khâu vết thương và điều trị. Hiện tại khuyết sọ đỉnh phải kích thước 4 x 2,5cm; ổ giảm tỷ trọng dạng teo khuyết não ở thuỳ đỉnh bên phải, bên trong tổn thương có dị vật cản quang dạng mảnh xương rời kích thước 1,1 x 0,7cm; vết thương để lại sẹo kích thước 2,5 x 0,2cm; sẹo mổ ở thái dương đỉnh phải hình vòng cung kích thước 20 x 0,4cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 62% (Gọi tắt là bản Giám định số 10 và bản Giám định số76).

Giám định viên cho rằng tại bản giám định số 10 chưa có máy city, bản Giám định số 76 đã có máy city, khi đang điều trị vết thương hở nên bệnh án mô tả khác với vết thương đã lành khi giám định, vì vậy có một số từ ngữ tại bản Giám định số 10 mô tả chưa đúng nên thống nhất mô tả theo bản Giám định số 76 là chính xác, tuy nhiên vị trí vết thương là không thay đổi. Luật sư cho rằng quá trình khai báo thì Quyết chỉ chém 1 lần nhưng tại sao Bản án số 76/2017/HSPT ngày 29/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình lại thấy trên đầu Phi có 2 vết sẹo thấy mâu thuẫn nên đã hủy bản án xét xử sơ thẩm lần 2 của Tòa án huyện Tuyên

Hóa là vì sao, đề nghị Giám định viên giải thích làm rõ. Tại phiên tòa Thẩm phán một thành viên của Hội đồng xét xử cùng Giám định viên, Luật sư (người đang đề nghị Giám định viên giải thích làm rõ 2 vết sẹo trên đầu Phi) trực tiếp xem lại vết sẹo trên đầu bị hại Trần Đình P thấy có 2 vết sẹo. Giám định viên giải thích:

- Vết sẹo thứ 1 là vết sẹo thương tích có kích thước: 2,5 x 0,2cm.

- Vết sẹo thứ 2 là vết sẹo mỗ có kích thước: 20cm x 0,4 cm.

Giải thích của Giám định viên tại phiên tòa đã phân tích đầy đủ, rõ ràng, xoá bỏ nghi ngờ của Luật sư về việc mâu thuẫn của hai bản giám định và Bản án hình sự phúc thẩm số 76/2017/HSPT ngày 29/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình. Do đó, bản Giám định thương tích, giám định bổ sung giám định thương tích đối với bị hại Trần Đình P với tỷ lệ 62% phù hợp với vết bản ảnh giám định của Trần Đình P. Tại phiên tòa Đại diện trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Quảng Bình khẳng định: Việc giám định cho anh Trần Đình P đã thực hiện đúng quy trình, tỷ lệ tổn hại sức khỏe, tỷ lệ thương tích là 62% bản kết luận pháp y về thương tích số: 76/TgT ngày 13/11/2017 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Quảng Bình thống nhất mô tả, xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 62% là chính xác.

Nội dung đơn kháng cáo của bị cáo cho rằng vì nghe theo Điều tra viên Công an huyện Tuyên Hóa mà những người gây thương tích cho bị cáo không bị xử lý hình sự và bị cáo bị kết tội oan, được Tòa triệu tập nhiều lần mà không đến thuộc phạm vi khiếu nại tố cáo, thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an huyện Tuyên Hóa và Công an tỉnh Quảng Bình nếu bị cáo có tiếp tục yêu cầu giải quyết.

Kháng cáo của bị cáo cho rằng nhiều câu hỏi ai là người gây ra 2 vết chémsắc ngọt, sâu sát xương như dao chém ở đầu bị cáo trong khi đó bị cáo Trần Đình P, Lê Trung T vô cớ xông vào nhà đánh bị cáo hiện nay đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Hội đồng xét xử thấy rằng, theo tài liệu điều tra có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên toà thì không có căn cứ để kết luận Trần Đình P có tham gia đánh bị cáo Q. Đối với Lê Trung T thừa nhận vết thương trên người bị cáo là do T đánh. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra bị cáo Q đã có đơn đề nghị không xử lý trách nhiệm hình sự đối với anh T nên Cơ quan điều tra không khởi tố bị can đối với anh T là phù hợp, bị cáo vẫn có quyền làm đơn khởi tố.

Kháng cáo cho rằng đề nghị dựng lại hiện trường nhiều lần, nhưng tại sao cơ quan điều tra không dựng lại hiện trường. Hội đồng xét xử thấy rằng trong vụ án này việc dựng lại hiện trường hoặc không dựng lại hiện trường cũng không ảnh hưởng đến việc kết tội đối với bị cáo, vì vậy nội dung kháng cáo này của bị cáokhông được chấp nhận.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo cho rằng bị cáo bị Tòa Quân đội xử bị cáo phạt tù, bị cáo ra tù cho đến nay hơn 19 năm đã thi hành xong nên không thuộc trường hợp “Tái phạm nguy hiểm’. Hội đồng xét xử thấy rằng: Hồ sơ vụ án thể hiện ngày 30/4/1992 tại bản án số: 09/HSST ngày 30/4/1002 Tòa án Quân sự Quân khu 4 xử phạt 8 năm tù về tội “Hủy hoại vũ khí” và 1 năm tù về tội “ Trốn khỏi nơi giam”. Tổng hợp hình phạt chung là 9 năm tù buộc bị cáo Q phải chấp hành và buộc bồi thường 64.408.000đ để sung công quỹ Quốc phòng, ra trại ngày 2/9/1997. Phần bồi thường dân sự được Tòa án Quân sự Quân khu 4 ủy thác cho Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa thi hành theo Quyết định ủy thác số: 01/TA ngày 14/9/1992. Theo Công văn số 300/CCTHADS ngày 18/10/2001, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Tuyên Hóa ra Quyết định thi hành bản án số: 96 đối với Lê Văn Q về số tiền phải nộp 64.408.000đ để sung công quỹ Quốc phòng, tính đến thời điểm hiện tại Lê Văn Q chưa thi hành khoản tiền nói trên. Theo xác nhận của Công an xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa thì Lê Văn Q với Lê Ngọc Q là một người. Theo quy định tại các Điều 63, Điều 64 Bộ luật hình sự năm 1999 và Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015 và các tài liệu có tại hồ sơ vụ án thì Lê Ngọc Q không thuộc trường hợpđương nhiên xóa án tích.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát phát biểu về sự tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, của Thẩm phán đảm bảo, phù hợp với quy định của pháp Luật. Về nội dung: Không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Lê Ngọc Q. Chấp nhận kháng cáo của bị hại Trần Đình P không áp dụng tình tiết “Thật thà khai báo” quy định tại điểm p, khoản 1, Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo để tăng hình phạt lên 5 năm tù đối với bị cáo. Giữ nguyên mức bồi thường đối với bị hại Trần Đình P.

Tại phiên tòa Luật sư đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nếu không trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng nguyên tắc có lợi để giảm nhẹ cho bị cáo hoặc xét xử về tội “ Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử có cơ sở khẳng định Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuyên Hóa truy tố bị cáo Lê Ngọc Q về tội “ Cố ý gây thương tích” và Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa ngày 6/3/2018 xét xử bị cáo về tội “ Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều104 BLHS năm 1999 là đúng người, đúng tội.

Hội đồng xét xử thấy rằng bị cáo Lê Ngọc Q đã cố ý trực tiếp dùng hung khí là câu liêm chém Trần Đình P gây thương tích 62% là rất nguy hiểm cho xã hội, không những trực tiếp xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của bị hại mà còn gây hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân, gây mất trật tự trên địa phương. Trước đó bị cáo có một tiền án, bị Tòa án Quân đội quân khu 4 xét xử 8 năm tù về tội “ Hủy hoại vũ khí” và 1 năm tù về tội “ Trốn khỏi nơi giam”. Đáng lẽ bị cáo cần lấy đó làm bài học, tuy nhiên chỉ vì bức xúc cá nhân với Lê Trung T, bị cáo đã dùng câu liêm chém mạnh vào đầu P, trong thời gian chưa được xóa án tích bị cáo lại phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý, nên thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, do đó cấp sơ thẩm đã áp dụng tiết 3 điểm g, khoản 1, Điều 48, khoản 3, Điều 104 BLHS năm 1999 để xét xử bị cáo mức án tương xứng với hành vi phạm tội của bịcáo gây ra là phù hợp.

Tuy nhiên cấp sơ thẩm cũng đã xem xét áp dụng cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 46 của BLHS cho bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra, bị cáo cũng tự nguyện khắc phục bồi thường một phần cho bị hại, bị cáo thành khẩn khai báo. Bố bị cáo có công với cách mạng, gia đình hộ nghèo, đông con đang trong độ tuổi đi học, vì vậy cấp sơ thẩm đã và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại b, đ, p, khoản 1, khoản 2, Điều 46 , Điều 47 BLHS năm 1999 giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt, thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật và để cho bị cáo có cơ hội rèn luyện thành người có ích cho xã hội là thỏa đáng.

Căn cứ hành vi phạm tội vào tỷ lệ thương tích 62%, bệnh án điều trị của Trần Đình P, chi phí thuốc men điều trị được Hội đồng xét xử sơ thẩm đánh giá, buộc bị cáo Lê Ngọc Q bồi thường cho bị hại Trần Đình P 40.777.000đ là có cơ sở cần giữ nguyên.

Hội đồng xét xử thấy: Không có căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo, mà cần giữ nguyên hình phạt 4 năm tù về tội “cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Lê Ngọc Q. Giữ nguyên mức bồi thường 40.777.000đ, bị cáo đã bồi thường trước 10.000.000đ. Còn lại số tiền 30.777.000đ bị cáo Lê Ngọc Q tiếp tục bồi thường cho bị Hại Trần Đình P.

2. Đối với kháng cáo của bị hại Trần Đình P: Tại phiên tòa phúc thẩm và kháng cáo của bị hại Trần Đình P đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Lê Ngọc Q và yêu cầu Lê Ngọc Q phải bồi thường số tiền thiệt hại còn lại, vì từ khi bị hại bị Lê Ngọc Q chém bị thương vào đầu bị hại chưa làm được gì để giúp đỡ gia đình, thường xuyên hay đau đầu chóng mặt mỗi khi động trời kém trí nhớ, bị hại lại chưa lập gia đình mà phải chịu đựng thương tật 62% cả đời, bị cáo Lê Ngọc Q không có trách nhiệm với người bị hại coi thường tính mạng người khác. Hội đồng xét thấy hành vi của cáo đã được Hội đồng xét xử sơ thẩm đánh giá đầy đủ được và xử phạt mức án 4 năm tù là phù hợp, bị hại cũng không cung cấp được tình tiết gì mới gì mới gì mới nên không có căn cứ để tăng hình phạt đối với bị cáo.

Vì vậy cần áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999; các Điều 584, 585, Điều 586 và Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 buộc Lê Ngọc Q phải bồi thường cho Trần Đình P số tiền: 40.777.000đ, bị cáo đã bồi thường trước 10.000.000đ còn lại 30.777.000đ bị cáo Lê Ngọc Q tiếp tục bồi thường cho bị hại Trần Đình P.

3. Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không bị cáo kháng nghị có hiệu lực , kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị

4. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án, miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm, án phí hình sự phúc thẩm cho bị cáo Lê Ngọc Q vì gia đình bị cáo thuộc diện hộ nghèo.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự.

1.Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Ngọc Q và kháng cáo của bị hạiTrần Đình P. Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số: 06/2018/HSST ngày 06/3/2018 của Tòa án nhân dân huyện Tuyên hóa.

Áp dụng vào khoản 3 Điều 104; tiết 3 điểm g khoản 1 Điều 48; điểm b, đ, pkhoản 1,khoản 2, Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999.

Xử phạt bị cáo Lê Ngọc Q 04 (bốn) năm tù về tội “ Cố ý gây thương tích”.

Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giam 01/4/2016.

2. Căn cứ vào Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999; các Điều 584, Điều 585, Điều 586 và Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 buộc Lê Ngọc Q phải bồi thường cho bị hại Trần Đình P số tiền: 40.777.000đ, đã bồi thường trước 10.000.000đ, số tiền còn lại: 30.777.000đ (ba mươi triệu bảy trăm bảy mươi bảy nghìn đồng) buộc bị cáo Lê Ngọc Q tiếp tục bồi thường cho bị hại Trần Đình P.

3.Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Điểm đ, Điều 11 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án. Miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm, án phí hình sự phúc thẩm cho bị cáo Lê Ngọc Q vì bị cáo thuộc diện hộ nghèo.

4. Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị phúc thẩm.

Án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

400
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 44/2018/HS-PT ngày 28/06/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:44/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/06/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về