TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHÚ LỘC, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
BẢN ÁN 44/2017/HSST NGÀY 17/11/2017 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Ngày 17 tháng 11 năm 2017, tại Hội trường Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 37/2017/HSST, ngày 02/10/2017, đối với bị cáo:
Phạm Tấn T, tên gọi khác: Không có; giới tính: Nam, sinh ngày 01 tháng 01 năm 1989 tại tỉnh Quảng Nam; nơi cư trú: Thôn PS, xã B, huyện Đ, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ học vấn: Lớp 12/12; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; con ông Phạm Tấn D và bà Phan Thị BV; chưa có vợ, con; tiền sự, tiền án: Không có; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 29/5/2017 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.
- Người bị hại: anh Trần Văn V, sinh năm 1987; nơi cư trú: Thôn G, xã T, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế, có mặt.
- Người đại diện hợp pháp của người bị hại Dương Như S, sinh ngày 22/12/1968 (đã chết ngày 13/5/2017 do tai nạn giao thông) gồm có: Bà Ngô Thị L, sinh năm 1946; chị Ngô Thị L1, sinh năm 1969; anh Dương Văn V, sinh năm 1995; anh Dương Văn N, sinh năm 1996; anh Dương Văn V1, sinh năm 2004 (bà L là mẹ; chị L1 là vợ; anh V, anh N, anh V1 là các con của người bị hại Dương Như S); đều có nơi cư trú: Thôn G, xã T, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế; bà L, chị L1, anh N, anh V1 ủy quyền cho anh Dương Văn V tham gia tố tụng (Giấy ủy quyền ngày 24/5/2017); anh V có mặt.
- Bị đơn dân sự: Anh Nguyễn Văn L, sinh năm 1976 và chị Nguyễn Thị N, sinh năm 1979; đều có nơi cư trú: Số 141/5 đường T, tổ 94, phường H C, quận H, thành phố Đà Nẵng (chị N ủy quyền cho anh L tham gia tố tụng, (giấy ủy quyền ngày 26/5/2017); anh L vắng mặt.
- Người làm chứng: Anh Nguyễn Văn H, sinh năm 1975; nơi cư trú: Tổ 11, phường H T, quận C, thành phố Đà Nẵng, vắng mặt.
NHẬN THẤY
Bị cáo Phạm Tấn T, bị Viện kiểm sát nhân dân huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Vào khoảng 18 giờ 45 phút ngày 13/5/2017, Phạm Tấn T (có giấy phép lái xe ôtô hạng C, giá trị sử dụng đến ngày 27/7/2021) trực tiếp điều khiển xe ôtô biển kiểm soát 43C - EFI.GH (xe thuộc sở hữu của vợ chồng anh Nguyễn Văn L, chị Nguyễn Thị N chạy trên đường Quốc lộ 1 theo hướng Đà Nẵng - Huế. Khi đi đến Km 882+970 Quốc lộ 1 thuộc địa phận xã T, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế; đoạn đường này thẳng, đi qua điểm giao cắt của giải phân cách cố định và giao nhau với đường không ưu tiên bên phải, bên trái là Cửa hàng xăng dầu số 17; tại đoạn đường này các phương tiện lưu thông theo hai hướng Đà Nẵng - Huế và Huế - Đà Nẵng đều bị điều chỉnh bởi biển báo giao thông nguy hiểm “ Đi chậm”.
Mặt đường rải nhựa bằng phẳng, rộng 20 m, ở giữa có giải phân cách cố định chia mặt đường thành hai phần đường riêng biệt dành cho hai dòng phương tiện chạy ngược chiều nhau và cách mép phải đường 9,50 m; giải phân cách cố định ngắt quãng có khoảng rộng 60 m để cho các phương tiện chuyển hướng, quay đầu. Trên mặt đường kẻ các vạch sơn màu trắng và các cụm gờ giảm tốc độ, vạch sơn kẻ đường dành cho người đi bộ, vạch sơn trong cùng bên trái ngắt quãng theo điểm ngắt của giải phân cách cố định cách mép trái đường 1,90 m.
Lúc này, có xe môtô biển kiểm soát 52M6 - ABCD (xe thuộc sở hữu của vợ chồng anh Dương Như S, chị Ngô Thị L1) do anh Dương Như S điều khiển chở anh Trần Văn V ngồi phía sau chạy trên phần đường dành cho phương tiện lưu thông hướng Huế - Đà Nẵng đến. Phạm Tấn T điều khiển xe ôtô 43C - EFI.GH chuyển hướng rẽ sang bên trái đường (sang phần đường hướng Huế - Đà Nẵng) để vào Cửa hàng xăng dầu số 17 đổ dầu, do thiếu chú ý quan sát, không nhường đường cho xe đi ngược chiều đến, chuyển hướng xe không đảm bảo an toàn, nên xe ôtô T điều khiển đã va chạm vào xe môtô do anh Dương Như S điều khiển, gây ra tai nạn. Hậu quả: Anh Dương Như S bị chết trên đường đưa đi cấp cứu; anh Trần Văn V bị thương, xe ôtô 43C- EFI.GH và xe môtô 52M6- ABCD bị hư hỏng.
Kết quả khám nghiệm hiện trường hướng Đà Nẵng - Huế xác định:
Xe ôtô 43C - EFI.GH đang trong trạng thái đậu đỗ trên mặt sân của Cửa hàng xăng dầu số 17, phần đuôi, thân xe ở trên mặt đường nhựa; thân xe theo hướng từ sau tới trước, từ phải sang trái, tâm trục bánh sau, bánh trước của hàng lốp bên phải lần lượt cách mép trái đường nhựa là 2,24 m và 4,50 m.
Xe môtô 52M6 - ABCD trong trạng thái nằm đổ nghiêng toàn thân sang phải, ở trên mặt sân của cửa hàng xăng dầu số 17 và nằm dưới gầm của phần cabin xe ôtô 43C - EFI.GH. Thân xe theo hướng từ sau đến trước hướng khám nghiệm, trục bánh trước, bánh sau lần lượt cách mép trái đường nhựa 3,95 m và 4,67 m.
Đám dấu vết cày (1) gồm nhiều vết cày tạo thành, dài 9,86 m trong diện rộng 1,0m, có hướng từ phải sang trái nằm dưới thân xe ôtô 43C - EFI.GH, phần đầu đám dấu vết cày (1) ở trên mặt đường nhựa, phần sau ở trên mặt sân Cửa hàng xăng dầu số 17, ở phần giữa thân đám dấu vết (1) tại vị trí gần điểm đầu có sự vặn xoắn của các đám vết cày, điểm cuối nằm dưới thân xe môtô 52M6 - ABCD; điểm đầu và điểm cuối lần lượt cách mép trái đường nhựa là 1,25 m và 4,10 m.
Đám dấu vết (2) là dấu vết chà bám mặt đất, có hướng từ phải sang trái, ở trên mặt sân Cửa hàng xăng dầu số 17 và ở dưới hai bánh lốp trước bên trái của xe ôtô 43C - EFI.GH, dài 3,0 m, diện rộng 0,32 m; bề mặt bám dính tổ chức da, thịt, tơ vải sợi màu xanh, cà xước mặt sân. Điểm đầu cách mép trái đường nhựa 4,80 m, điểm cuối ở dưới bánh lốp trước trái xe ôtô 43C - EFI.GH.
Đám dấu vết (3) là chất dịch màu đỏ dạng máu, không rõ hình, bề mặt là lớp chất dịch huyết màu sẫm cô đọng ở trên bề mặt sân Cửa hàng xăng dầu số 17, tại vị trí phía dưới góc trước bên phải của đầu xe ôtô 43C - EFI.GH, có tâm cách mép trái đường nhựa là 7,70 m, cách trục bánh trước trái xe ôtô 43C - EFI.GH là 1,50 m, cách dấu vết (2) là 3,70 m.
Kết quả khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông xác định:
- Xe ôtô 43C - EFI.GH: Phần vỏ mặt trước của cabin móp lõm, xây xước sơn trong diện (0,60 x 0,35) m, có tâm cách mép trái xe là 0,90 m, cách mặt đất 1,64 m. Phần bên trái của cản trước rách hỏng, cà xước theo chiều từ phải sang trái, có điểm đầu cách mép trái thân xe 1,10 m. Biển số phía trước đầu xe móp méo, biến dạng. Mặt phía dưới trước của cầu trục lốp bánh trước xây xước, chùi bụi lớp bề mặt.
- Xe môtô 52M6 - ABCD: Vỏ nhựa phần nửa trước thân xe vỡ hỏng toàn bộ. Khung tay cầm lái gãy gập vào trong. Các chi tiết trên đầu thân xe vỡ hỏng hoàn toàn. Vành bánh trước cong vênh, hư hỏng. Gác chân trước bên phải bị xô ngã về sau, ống cao su cà xước, mòn lõi kim loại. Một số chi tiết ở phần bên phải cà xước, bám bẩn bụi bê tông.
Tại bản kết luận giám định pháp y tử thi số 130-17/TT ngày 20/5/2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế đã giám định và kết luận về nguyên nhân chết của anh Dương Như S như sau: “1. Dấu hiệu chính qua giám định: chấn thương gãy cột sống cổ C3 - C4 gây tử vong. 2. Nguyên nhân chết: chấn thương gãy cột sống cổ do tai nạn giao thông”.
Tại bản kết luận giám định pháp y về tổn thương cơ thể số 225-17/TgT ngày 15/8/2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế đã giám định và kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh Trần Văn V như sau: “Dấu hiệu chính qua giám định: chấn thương sọ não xuất huyết dưới nhện, điều trị nội khoa ổn định (16%). Tràn khí màng phổi trái, dập phổi đã dẫn lưu khoang màng phổi, hiện không ảnh hưởng chức năng (3%).
Chấn thương tay trái gãy lồi cầu trong, mỏm mâm trụ trái đã phẫu thuật kết hợp xương khung cố định ngoài, ghép da để lại sẹo xấu, co kéo ảnh hưởng vận động khớp khủy (21%). Chấn thương chân trái gãy 1/3 trên xương đùi đã phẫu thuật kết hợp xương hiện thẳng trục (21%). Vết thương phức tạp cổ chân trái gãy đầu dưới xương mác, mất da đã ghép da để lại diện sẹo xấu, co kéo ảnh hưởng vận động khớp cổ chân (11%). Tỷ lệ tổn thương chung hiện tại 55%.
Tại bản kết luận ngày 12/6/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế đã kết luận giá trị thiệt hại của xe ôtô 43C - EFI.GH là 2.000.000 đồng; xe môtô 52M6 - ABCD là 1.455.000 đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện P đã tạm giữ các vật chứng: Xe ôtô 43C - EFI.GH; 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô 43C - EFI.GH; 01 giấy chứng nhận kiểm định xe ôtô 43C - EFI.GH; 01 giấy phép lái xe hạng C mang tên Phạm Tấn T và 01 xe môtô 52M6 - ABCD.
Ngày 29/5/2017 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện P đã ra Quyết định xử lý vật chứng: Trả lại xe ôtô 43C - EFI.GH (cùng các giấy tờ liên quan) và xe môtô 52M6 - ABCD cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Hiện còn tạm giữ giấy phép lái xe ôtô hạng C mang tên Phạm Tấn T.
Về phần trách nhiệm dân sự: Quá trình điều tra, các bên đã thỏa thuận, anh Nguyễn Văn L là chủ sở hữu xe ôtô 43C - EFI.GH bồi thường cho các đại diện hợp pháp của người bị hại Dương Như S (đã chết) các khoản chi phí mai táng, chi phí khác liên quan với tổng số tiền 110.000.000 đồng; bồi thường cho người bị hại anh Trần Văn V các khoản chi phí điều trị thương tích (tiền xe cấp cứu và về, tiền thuốc + viện phí, bồi dưỡng, mất thu nhập hai tháng, tiền công người chăm sóc, tổn thất tinh thần) với tổng số tiền 130.000.000 đồng. Ngoài ra, bị cáo Phạm Tấn T tự nguyện bồi thường cho gia đình người bị hại Dương Như S số tiền 2.000.000 đồng; bồi thường cho người bị hại Trần Văn V số tiền 2.000.000 đồng. Đại diện hợp pháp của người bị hại (Dương Như S) và người bị hại Trần Văn V đều có đơn bãi nại, xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phạm Tấn T.
Đối với thiệt hại của xe ôtô 43C - EFI.GH và xe môtô 52M6 - ABCD, các bên đã tự thỏa thuận, khắc phục, sửa chữa và không yêu cầu bị cáo phải bồi thường. Tại phiên tòa, người bị hại anh Trần Văn V yêu cầu bị cáo Phạm Tấn T phải bồi thường thêm khoản tiền chi phí tái khám và bồi dưỡng với số tiền 20.000.000 đồng; sau đó, giữa người bị hại và bị cáo thỏa thuận bị cáo Phạm Tấn T bồi thường thêm cho người bị hại Trần Văn V khoản chi phí tái khám với số tiền là 10.000.000 đồng, hai bên thỏa thuận bị cáo giao đủ số tiền này cho người bị hại vào ngày 30/6/2018.
Tại Cáo trạng số 37/QĐ-KSĐT ngày 29/9/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế truy tố Phạm Tấn T về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm đ khoản 2 Điều 202 của Bộ luật hình sự 1999.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện P giữ nguyên quyết định truy tố theo bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: Điểm đ Khoản 2 Điều 202; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; đề nghị căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7, Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) xử phạt bị cáo Phạm Tấn T từ 12 (mười hai) tháng tù đến 15 (mười lăm) tháng tù.
Về vấn đề dân sự trong vụ án đề nghị Hội đồng xét xử công nhận sự thỏa thuận giữa đại diện hợp pháp của người bị hại Dương Như S, người bị hại Trần Văn V với bị đơn dân sự trong giai đoạn điều tra. Đề nghị công nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo Phạm Tấn T với người bị hại Trần Văn V tại phiên tòa về việc bị cáo bồi thường thêm cho người bị hại số tiền 10.000.000 đồng (số tiền này bị cáo giao cho người bị hại một lần vào ngày 30/6/2018). Đề nghị trả lại giấy phép lái xe ôtô hạng C cho bị cáo Phạm Tấn T. Về án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm đề nghị buộc bị cáo phải chịu theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác,
XÉT THẤY
Lời khai của bị cáo Phạm Tấn T về diễn biến của vụ tai nạn giao thông đường bộ là phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ và báo cáo kết quả khám nghiệm hiện trường, kết quả khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn, kết luận giám định pháp y tử thi, kết luận giám định tổn thương cơ thể và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử có căn cứ kết luận: Vào khoảng 18 giờ 45 phút ngày 13/5/2017 tại Km 882+970 Quốc lộ 1, thuộc địa phận xã T, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế, bị cáo Phạm Tấn T có giấy phép lái xe hạng C trực tiếp điều khiển xe ôtô 43C - EFI.GH đi theo hướng Đà Nẵng - Huế, khi đến vị trí nói trên, bị cáo T điều khiển xe ôtô chuyển hướng sang phần đường ngược chiều hướng Huế - Đà Nẵng, nên xe ôtô bị cáo điều khiển đã va chạm với xe mô tô 52M6 - ABCD do anh Dương Như S điều khiển chở anh Trần Văn V ngồi phía sau gây ra vụ tai nạn làm anh S bị chết trên đường đi cấp cứu, anh V bị thương được giám định tổn thương cơ thể tỷ lệ 55%; xe ôtô 43C - EFI.GH và xe môtô 52M6 - ABCD bị thiệt hại giá trị tổng cộng 3.455.000 đồng.
Xét nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn, tính chất lỗi, Hội đồng xét xử thấy rằng: Nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn giao thông do lỗi chủ yếu của bị cáo Phạm Tấn T và lỗi thứ yếu người bị hại Dương Như S. Trong đó: Lỗi của bị cáo Phạm Tấn T là điều khiển xe ôtô 43C - EFI.GH trong đoạn đường có biển cảnh báo nguy hiểm “Đi chậm” và có nhiều gờ giảm tốc báo hiệu giảm tốc độ, bị cáo điều khiển xe ôtô chuyển hướng sang phần đường ngược chiều không đảm bảo an toàn; đã vi phạm vào khoản 2 Điều 15 của Luật Giao thông đường bộ 2008. Lỗi của người bị hại Dương Như S là điều khiển xe môtô 52M6 - ABCD trong đoạn đường có biển cảnh báo nguy hiểm “Đi chậm” nhưng không hạn chế tốc độ an toàn; đã vi phạm Điều 12 Luật giao thông đường bộ và khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Với hành vi và hậu quả như trên, Viện kiểm sát nhân dân huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế truy tố bị cáo Phạm Tấn T về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm đ “gây hậu quả rất nghiêm trọng” khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Hình sự sửa đổi 2009) là có căn cứ pháp luật.
Tuy nhiên, căn cứ vào Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 số 94/2015/QH13; theo điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 41/2017/QH14 có quy định “Các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích”.
Căn cứ vào quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 41/2017/QH14, đối chiếu với khoản 1 Điều 260 “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14) có các hình phạt chính gồm phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; so sánh với điểm đ khoản 2 Điều 202 của Bộ luật hình sự năm 1999 mà bị cáo bị truy tố theo cáo trạng chỉ có hình phạt chính duy nhất là hình phạt tù từ ba năm đến mười năm. Như vậy, quy định tại khoản 1 Điều 260 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là quy định hình phạt nhẹ hơn so với điểm đ khoản 2 Điều 202 của Bộ luật Hình sự năm 1999, có lợi cho bị cáo; nên cần áp dụng quy định quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 41/2017/QH14 khi quyết định hình phạt để thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật.
Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân bị cáo, Hội đồng xét xử thấy rằng: Bị cáo là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Bị cáo không phạm vào tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 48 của Bộ luật hình sự. Bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là: Trong quá trình điều tra đã tự nguyện bồi thường thêm một khoản tiền 2.000.000 đồng cho gia đình người bị hại Dương Như S, bồi thường thêm 2.000.000 đồng cho người bị hại Trần Văn V; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo có ông nội là Liệt sĩ Phạm S đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tại phiên tòa người bị hại Trần Văn V cũng đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nói trên quy định tại các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của người bị hại Dương Như S; bị đơn dân sự đều có ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Về nhân thân bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền sự, tiền án.
Xét tính chất lỗi và hậu quả vụ tai nạn, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bị cáo được hưởng, nhân thân và hoàn cảnh của bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy mặc dù bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nhân thân tốt, tuy nhiên, xét tính chất và hậu quả của vụ tai nạn và để góp phần vào công tác đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn huyện P, thì cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian để giáo dục, cải tạo và phòng ngừa chung cho xã hội.
Về vấn đề dân sự trong vụ án: Trong quá trình điều tra, đại diện hợp pháp của bị đơn dân sự, đã cùng với người đại diện hợp pháp của người bị hại Dương Như S và người bị hại Trần Văn V thỏa thuận bồi thường khoản chi phí mai táng, chi phí điều trị thương tích và các chi phí khác có liên quan với tổng số tiền là 240.000.000 đồng.
Hội đồng xét xử xét thấy sự thỏa thuận về vấn đề dân sự giữa các bên là hoàn toàn tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội; tại phiên tòa không ai có yêu cầu gì thêm về bồi thường dân sự đã thỏa thuận trong giai đoạn điều tra, nên Hội đồng xét xử không xem xét. Đối với phần yêu cầu bồi thường thêm khoản tiền chi phí tái khám, bồi dưỡng của người bị hại Trần Văn V tại phiên tòa số tiền là 20.000.000 đồng, giữa bị cáo Phạm Tấn T và người bị hại Trần Văn V đã tự nguyện thỏa thuận bị cáo T bồi thường cho anh V số tiền là 10.000.000 đồng; số tiền này được giao đầy đủ một lần vào ngày 30/6/2018. Xét thấy, sự thỏa thuận của bị cáo Phạm Tấn T với người bị hại Trần Văn V là tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, nên cần công nhận.
Về xử lý vật chứng: Ngày 29/5/2017 cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện P đã trả lại xe ôtô 43C - EFI.GH, xe môtô 52M6- ABCD (cùng các giấy tờ liên quan) cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp và không ai có ý kiến gì thêm về việc xử lý vật chứng nói trên, nên Hội đồng xét xử không xem xét. Đối với giấy phép lái xe hạng C số 310167858429 của bị cáo Phạm Tấn T lưu theo hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền sự, tiền án, nên không cần thiết phải áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo; sau khi bản án có hiệu lực pháp luật sẽ trả lại cho bị cáo.
Về trách nhiệm chịu án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố: Bị cáo Phạm Tấn T phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Áp dụng: Điểm đ Khoản 2 Điều 202; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13.
Xử phạt: Bị cáo Phạm Tấn T 01 (một) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt giam thi hành án.
Về dân sự: Áp dụng các Điều 584, 585, 586, 590 của Bộ luật Dân sự 2015. Công nhận sự thỏa thuận về việc bị cáo Phạm Tấn T bồi thường thêm cho người bị hại Trần Văn V số tiền 10.000.000 đồng; số tiền này được giao đầy đủ một lần vào ngày 30/6/2018.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ trả khoản tiền nói trên thì phải chịu lãi suất theo quy định tại khoản 1 Điều 357 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự và Điều 7a, 7b Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Về án phí: Căn cứ khoản 1 Điều 99 của Bộ luật tố tụng hình sự; Áp dụng điểm a, c khoản 1 Điều 23; khoản 8 Điều 26; khoản 1 mục I phần A của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Buộc bị cáo Phạm Tấn T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 500.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại Dương Như S, người bị hại Trần Văn V có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị đơn dân sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Bản án 44/2017/HSST ngày 17/11/2017 về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
Số hiệu: | 44/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Phú Lộc - Thừa Thiên Huế |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 17/11/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về