Bản án 44/2017/HSST ngày 07/09/2017 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 44/2017/HSST NGÀY 07/09/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Trong ngày 07 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý 58/2017/HSST ngày 09/8/2017 đối với các bị cáo:

1. Họ và tên: Nguyễn Thị N1, tên gọi khác: không có; sinh năm 1962 tại xã D,huyện L, tỉnh Bắc Giang; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: thôn L, xã D, huyện L, tỉnh Bắc Giang; số Chứng minh nhân dân: không; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hoá: 7/10; dân tộc: Kinh; con ông Nguyễn Văn T (đã chết) và bà Nguyễn Thị L (đã chết); có chồng là Nguyễn Văn L, sinh năm: 1963(đã chết), có 5 con; tiền sự: không; tiền án: không; bị cáo đầu thú, bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 02/8/2016, hiện bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang; có mặt.

2. Họ và tên: Nguyễn Văn H, tên gọi khác: không có; sinh năm 1995 tại xã D, huyện L, tỉnh Bắc Giang; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: thôn L, xã D, huyện L, tỉnh Bắc Giang; số Chứng minh nhân dân: không; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hoá: 6/12; dân tộc: Kinh; con ông Nguyễn Văn H ( sinh năm: 1971) và bà Nguyễn Thị K (sinh năm: 1973); có vợ là: Trần Thị Thúy N ( sinh năm: 1992, đã ly hôn năm 2015) và Nguyễn Thị N2, sinh năm: 1987, có 1 con ( với chị N); tiền sự: không; tiền án: không; bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 29/10/2016, hiện bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang; có mặt.

3. Họ và tên: Nguyễn Thị N2, tên gọi khác: không có; sinh năm 1987 tại xã D, huyện L, tỉnh Bắc Giang; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: thôn L, xã D, huyện L, tỉnh Bắc Giang; số Chứng minh nhân dân: không; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hoá: 4/12; dân tộc: Kinh; con ông Nguyễn Văn L (sinh năm: 1963, đã chết) và bà Nguyễn Thị N1 (sinh năm: 1962); có chồng là Nguyễn Xuân H (sinh năm: 1974, đã ly hôn năm 2011) và Nguyễn Văn H, sinh năm: 1995, có 1 con (với anh Xuân H); tiền sự: không; tiền án: không; bị cáo đầu thú, bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 29/10/2016, hiện bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang; có mặt.

- Người bào chữa cho các bị cáo:

1. Ông Nguyễn Văn Đ là Luật sư thuộc Văn phòng luật sư C, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang. Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị N1. Có mặt.

Địa chỉ: Số nhà 133, đường L, phường L, thành phố Bắc Giang.

2. Bà Võ Thị An B là Luật sư thuộc Văn phòng luật sư A, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang. Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn H. Có mặt.

Địa chỉ: Số nhà 113, ngõ 24, đường Nguyễn Khắc N, phường Trần Nguyên H, thành phố Bắc Giang.

3. Bà Ong Thị T là Luật sư thuộc Văn phòng luật sư H, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang. Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị N2. Có mặt.

Địa chỉ: Số nhà 09, đường H, phường N, thành phố Bắc Giang.

- Người bị hại: Ông Nguyễn Văn L –sinh năm : 1963 (đã chết)

TQ: Thôn L, xã D, huyện L, tỉnh Bắc Giang.

- Đại diện hợp pháp của người bị hại:

1. Cụ Nguyễn thị D - sinh năm : 1930. Cómặt. TQ: Thôn C, xã D, huyện L, tỉnh Bắc Giang.

2. Chị Nguyễn Thị H1 - sinh năm:1990 . Vắng mặt.

TQ: Thôn L, xã D, huyện L, tỉnh Bắc Giang.

3. Chị Nguyễn Thị H2 - sinh năm:1993. Có mặt. TQ: Thôn C, xã D, huyện L, tỉnh Bắc Giang.

4. Chị Nguyễn Thị N3  - sinh năm: 1995. Vắng mặt. TQ: Thôn L, xã D, huyện L, tỉnh Bắc Giang.

5. Anh Nguyễn Văn X- sinh năm: 1998. Vắng mặt. TQ: Thôn L, xã D, huyện L, tỉnh Bắc Giang.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản cáo trạng số 25/KSĐT ngày 17/4/2017 của VKSND tỉnh Bắc Giang thì nội dung vụ án như sau:

Nguyễn Thị N1 - sinh năm 1962 là vợ ông Nguyễn Văn L - sinh năm 1963. Vợ chồng ông L ở cùng với vợ chồng con gái lớn là Nguyễn Thị N2, Nguyễn Văn H và cháu Nguyễn Xuân B- sinh năm 2011 (là con riêng của N2) ở thôn L, xã D, huyện L, tỉnh Bắc Giang.Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 28/7/2016, gia đình ông L ăn cơm tại nhà thì xảy ra mâu thuẫn cãi nhau vì ông L cho rằng bị mẹ con N2 nói xấu. Trước đó, ông L có uống rượu. Ông L ném bát cơm ra cửa và chửi. N2 và H không ăn cơm nữa mà đi xuống quán cách nhà chính ông L khoảng 10m là nơi vợ chồng N2 ở hàng ngày. Ông L rút then cửa bằng sắt định đánh N1 thì N1 dùng tay phải giơ lên đỡ rồi ôm, giữ ông L từ phía sau đồng thời gọi “Chúng mày lên xem thế nào, bố mày đánh chết tao bây giờ”. N2, H nghe thấy liền chạy lên nhà. N2 giằng then cửa trên tay ông L ném ra ngoài cửa sổ. N1 bảo N2 đi lấy dây để trói ông L. N2 đồng ý rồi đi xuống quán lấy dây chạc và dây chun lên. Lúc này, N1 đang ôm giữ ông L từ phía sau còn H giữ hai tay của ông L ở phía trước. N2 dùng dây chạc và dây chun buộc trói hai chân làm ông L ngã ngồi xuống nền nhà. N2 tiếp tục dùng dây chạc trói hai tay ông L, dùng dây chun trói tay và chân ông L vào với nhau. Ông L nằm trên nền nhà phòng khách ở tư thế nghiêng sang bên trái. N1 bảo N2 lấy nước để hắt vào người ông L cho tỉnh rượu. N2 đi ra giếng lấy một chiếc bát nhựa màu trắng múc nước đem vào trong nhà đưa cho N1. N1 cầm bát nước hắt vào mặt ông L. Sau đó, N2 lại ra giếng múc tiếp một bát nước mang vào trong nhà hắt vào mặt ông L. Ông L chửi và gọi tên ông C, bà T (là hàng xóm) sang cứu giúp nhưng không có ai đến. Lúc này, chị Vũ Thị T, sinh năm 1976 và chị Ngô Thị T, sinh năm 1964 nghe tiếng ông L kêu cứu nên ra đứng ở cột điện gần lối vào nhà ông L nhìn thấy N2 hắt nước ở trong nhà. Sau đó, H, N2 và cháu B đi xuống quán còn N1 và ông L ở trên nhà. N1 ngồi xem ti vi còn ông L bị trói nằm dưới đất vẫn chửi và kêu cứu.

Khoảng 22 giờ cùng ngày, N1 đi xuống quán gọi cháu B lên nhà ngủ thì H bảo để cháu B ngủ dưới quán. N1 đi ra thì N2, H đi theo ra gần gốc cây bưởi ở cổng nhà. Theo N1 và N2 khai tại đây H nói với N1: "Mẹ phải làm thế nào cho bố chết đi, chứ cứ mấy hôm bố lại say rượu đập phá, đuổi chúng con đi thì chúng con không ở đây được. Đã thế con còn làm tâm linh thì làm gì có khách". N1 và N2 đồng ý. H nói "Mẹ lấy cái cây đập mạnh vào chỗ phạm trên đỉnh đầu gần thóp mụ thì bố chết". N2, H đi tìm gậy mục đích cho N1 đập nhưng không thấy. N1 nói "Tao sợ lắm, nhỡ đập không chết lại thành tật ra thì khổ". H nói "Mẹ có thuốc chuột, thuốc sâu hay thuốc trừ cỏ không để cho bố uống". N1 trả lời là không có. (BL 204-206, 214-221; 251-254; 258-263). H đi vào trong quán lấy chai xăng thơm (H vẫn sử dụng để sửa chữa điện thoại) rót vào chiếc cốc nhựa mang ra đưa cho N1 bảo hắt vào mặt ông L cho chết. N1 làm theo nhưng không thấy ông L chết. Một lúc sau, N1 đi xuống nói cho N1, H biết và kể lại "Vừa nãy bố mày bảo mẹ con mày dùng điện giật chết tao đi cho mát thân". Lúc này, cả ba người thống nhất sử dụng điện giật làm chết ông L (BL 204-208; 249-250; 258-263; 282-288).

Ngay sau đó, H đi vào quán lấy 02 đoạn dây điện gồm một đoạn dây màu đen dài và một đoạn dây màu đỏ trắng mỗi đoạn dài khoảng 2m đến 3m, một đầu dây có phích cắm điện, một đầu dây có ổ cắm điện. H dùng một chiếc kéo dài khoảng 20cm, chuôi bằng nhựa màu cam cắt đứt phần ổ cắm của dây điện màu đỏ trắng rồi tách vỏ nhựa cho hở lõi dây đồng ra dài khoảng 02cm. H đưa cho N2 02 đoạn dây điện trên. Sau đó, N2 và N1 lên sân nhà trên trước, H đi theo sau. N dải đoạn dây điện màu đen từ  sân vào trong bếp rồi cắm phích điện vào bảng điện trên tường để dẫn nguồn điện lên nhà, phần ổ cắm của dây điện màu đen có công tắc để bật, tắt nguồn điện. Do hai đoạn dây điện ban đầu không đủ để kéo lên đến nhà trên, N2 bảo H lấy thêm dây thì H lấy tiếp một đoạn dây điện nữa đưa cho N2 mắc nối cắm vào ổ điện của đoạn dây màu đen rồi cắm đoạn dây màu đỏ trắng vào đoạn dây này. Theo các bị can khai không nhớ đặc điểm của đoạn dây điện thứ ba nhưng xác định một đầu dây có phích cắm, đầu dây còn lại có ổ cắm điện. Sau khi N2 mắc nối các đoạn dây điện với nhau xong, H cầm đầu dây có hở lõi đồng đưa cho N1 và bảo "Mẹ cầm đầu dây này luồn qua nút buộc chạc ở chân hoặc tay của bố để khi điện giật dây không bị nhảy ra ngoài". Lúc này, ông L nằm ở gần giữa nền nhà trong tư thế nghiêng sang bên trái. N1 đi đôi dép nhựa và cầm dây điện đi vào dùng tay phải luồn đầu dây điện có hở lõi đồng qua nút buộc chạc để phần lõi đồng tiếp xúc với chân phải ông L. N2 ở ngoài sân hỏi "Mẹ xong chưa". N1 trả lời xong rồi thì N2 bật công tắc mở điện ở ổ cắm của dây màu đen. Ông L kêu lên "Ái già điện giật". N1 thấy toàn thân ông L bị co giật liên tục. Lúc này H, N2 và N2 thay nhau dùng một chiếc thau nhựa nhỏ múc nước hắt vào người ông L. Sau khi cho điện giật ông L khoảng 15 phút thì N1 thấy ông L không bị co giật nữa. N1 kéo dây điện ra, cầm bằng tay phải ở vị trí cách đầu dây hở lõi đồng khoảng 60 - 70cm thả dây tiếp xúc với vùng ngực, cổ và mặt của ông L một lúc rồi bỏ dây ra. Lúc này H, N2 cũng đi vào trong nhà. H dùng tay trái sờ vào mạch cổ của ông L thấy không đập nên nói “Bố chết thật rồi”. N1 lấy một con dao gọt hoa quả dài khoảng 15cm, lưỡi dao có mũi nhọn, chuôi dao bằng nhựa màu vàng cắt dây chạc, dây chun trói ở chân ông L rồi đưa cho H cắt dây trói ở tay ông L, sau đó H ném con dao ra khu vườn sau bếp. N1 và N2 khênh, kéo ông L ra chỗ nền nhà khô rồi N1 thay quần áo cho ông L. H mang dây chạc, dây chun còn N2 mang chiếc bát nhựa, chiếc chậu nhựa và đôi dép mà N1 đi khi gây án ra vườn vải đốt (BL 204-229, 239,  243- 264; 282- 296).

Sau đó, N2 vào trong nhà và cùng N1 khênh ông L đặt nằm ngửa trên giường ở gần cầu thang rồi đắp chăn từ ngực đến chân. N2, N1 mang lưới đánh cá, xô nhựa và bộ quần áo ông L mặc trước khi bị giết chết ra để ở bờ giếng. H cầm 01 cuộn dây điện màu đen, N2 cầm 02 cuộn dây điện còn lại mang xuống quán cất. Sau khi N2, H đi xuống quán, N1 cũng đi xuống dặn 2 người hôm sau ngủ dậy muộn, cứ để ông L nằm trên giường, nếu có ai hỏi thì nói dối ông L đi đánh cá đêm về tắm phải cảm chết.

Khoảng 8 giờ sáng hôm sau, bà Nguyễn Thị Q và bà Nguyễn Thị H là hàng xóm được N1 gọi vào nhà uống nước, ăn nhãn. Bà Q, bà H hỏi thì N1 nói tối hôm qua ông L đi đánh cá đêm về tắm rồi mới đi ngủ. Sau đó, bà H, bà Q cùng N1 kiểm tra xác định ông L đã chết.

Ngày 30/7/2016, N1 cùng mọi người trong gia đình an táng ông L tại nghĩa trang thôn L, xã D. Sau khi an táng xong, N1 mang bộ quần áo của ông L để ở bờ giếng và một số vật dụng khác của ông L ra mộ ông L đốt, sau đó về nhà tháo chiếc giường tre của ông L ngủ mang ra vườn đốt. Do nghi ngờ ông L bị đánh chết nên ngày 01/8/2016, bà Nguyễn Thị D (là mẹ của ông L) có đơn đề nghị Công an huyện L làm rõ nguyên nhân chết. Ngày 01/8/2016, Công an huyện L triệu tập Nguyễn Thị N1, Nguyễn Thị N2, Nguyễn Văn H để làm việc nhưng N1 không nhận tội. Đến ngày 02/8/2016, N1 đầu thú và khai nhận hành vi giết ông L. Ngày 30/10/2016 và 02/11/2016, N2 và H khai cùng N1 thực hiện hành vi giết ông L.

Khám nghiệm hiện trường: Hiện trường đã bị xáo trộn hoàn toàn do quá trình tổ chức tang lễ cho ông L và gia đình dọn dẹp. Hiện trường xảy ra vụ việc tại gia đình ông Nguyễn Văn L ở thôn L, xã D, huyện L, tỉnh Bắc Giang. Phía Bắc giáp với nhà ông C. Phía Đông cách 37m là đường đi của thôn L. Phía Tây giáp với nhà ông K. Phía Nam là vườn cây.

Xem xét nhà ở của gia đình ông L thấy: Nhà hai tầng, cửa chính hướng Đông. Tầng một có kích thước là 5 x 9,2m, cửa hướng Đông kích thước 2,4 x 2,1m, có 4 cách gỗ mở vào trong. Giữa tầng một kê một bộ bàn ghế gỗ và một tủ tường, trên tủ có một tivi mầu đen và hai ổ cắm điện mầu đen. Giữa nóc tủ có một kéo bằng kim loại có hai lưỡi sắt dài 19cm. Góc phía Tây Nam kê một giường gỗ. Tường phía Nam cách đất 1,4m, cách tường phía Đông 30cm có một ổ cắm điện có 2 lỗ cắm. Tường phía Bắc có cầu thang lên tầng hai và trên tường có một ổ cắm điện có 2 lỗ cắm cách đất 1,4m. Nền nhà được lát gạch vuông, mầu đỏ, không phát hiện dấu vết gì nghi vấn. Tầng hai không phát hiện dấu vết gì.

Trước cửa là sân gạch, kích thước 7 x 9,3m. Đầu sân phía Bắc là một điện thờ và nhà bếp, xem xét không phát hiện dấu vết gì. Qua sân về phía Đông là nhà ngang, xem xét thấy có nhiều đồ đạc và hàng tạp hoá, không phát hiện dấu vết gì nghi vấn.

Trên vườn, tại vị trí cách cửa nhà ông L 13,5m về phía Nam thấy có đám sản phẩm cháy của tre, gỗ, nhựa, diện 1,6 x 1,45m. Nhà bếp của gia đình ông Nguyễn Văn L là nhà cấp 4, kích thước (2,8 x 4,1)m, cửa hướng Nam, kích thước (0,9 x 2,1)m, có 01 cánh gỗ mở vào trong. Trên tường phía Bắc, cách đất 1,3m, cách tường phía Tây 1,1m có 01 bảng điện bằng gỗ, có 02 ổ cắm bằng nhựa, ngoài có 02 phích cắm và dây dẫn màu vàng. Đo khoảng cách từ cửa nhà bếp đến cửa nhà trên là 5,5m. Từ cửa nhà bếp đến bảng điện là 2,9m (đo theo đường chéo).

Tại nhà ngang (quán bán hàng của N2 và H) thấy trên giá bán hàng có 01 kéo bằng kim loại dài 23cm, chuôi bằng nhựa màu xanh có quấn băng dính màu đen.

Khu vực vườn xung quanh nhà trên, phía sau nhà bếp và nhà ngang không phát hiện đồ vật, tài liệu, dấu vết nghi vấn.

Quá trình khám nghiệm, Cơ quan điều tra thu giữ 01 chiếc kéo trên tủ tường ở nhà trên và 01 chiếc kéo trên tủ hàng ở nhà ngang.

Khai quật và khám nghiệm tử thi Nguyễn Văn L:

Tử thi dài 1,66m, mặc ngoài áo dài tay màu xanh bộ đội, trong mặc áo đông xuân cộc tay màu trắng, quần dài mầu xanh nâu, quần đùi mầu đen. Hai tay và hai chân đi tất màu trắng. Tử thi đang trong giai đoạn phân huỷ mạnh.

Xem xét bên ngoài tử thi thấy: Môi trên bên trái có vết dập, rách da kích thước 1 x 0,5cm. Các răng không phát hiện tổn thương.Vùng cổ trước và hai bên có 13 vết trợt da, nền cứng, màu đen, diện 17,5 x 6,5cm; vết lớn nhất kích thước 3,5 x 2,2cm, vết nhỏ nhất kích thước 0,5 x 0,2cm.Vùng ngực trái có 03 vết trợt da, nền cứng, màu đen, diện 6,3 x 3cm; vết lớn nhất kích thước 2,1 x 1,4cm, vết nhỏ nhất kích thước 1,2 x 0,1cm. Ngực phải và bụng không phát hiện tổn thương. Cơ quan sinh dục trương căng, đang hoại tử.

Mặt trước 1/3 giữa đùi phải có vết trợt da, nền cứng, màu đen, kích thước 1,3 x 1,1cm. Mặt trước ngoài 1/3 trên cẳng chân phải có diện loét da, hình gần tròn, kích thước 7 x 5,5cm.

Mặt sau cơ thể không phát hiện dấu vết tổn thương. Hệ thống các xương không phát hiện tổn thương.

Giải phẫu vùng đầu thấy: Mô dưới da đầu và vòm sọ không phát hiện tổn thương. Tổ chức não đã mủn nát, phân huỷ, màu sắc không thuần nhất, màu xám lẫn màu nâu đỏ. Màng cứng và xương nền sọ không phát hiện tổn thương.

Giải phẫu cổ, ngực, bụng thấy: Tổ chức mô, cơ dưới da vùng cổ, ngực, bụng không phát hiện tổn thương. Xương sườn, xương ức không phát hiện tổn thương. Khoang ngực hai bên khô; khoang màng tim khô; phổi phân huỷ mạnh, lòng khí phế quản sạch. Các quai ruột trướng nhẹ; khoang thận hai bên khô.

Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định về nguyên nhân chết, cơ chế hình thành thương tích trên tử thi Nguyễn Văn L.

Bản giám định pháp y tử thi số 3432/C54 - TT1 ngày 09/9/2016 của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an kết luận:

* Nguyên nhân chết: Các tạng phân hủy mạnh nên không có cơ sở xác định chính xác nguyên nhân chết. Nhiều khả năng do tác động của dòng điện.

* Cơ chế hình thành thương tích:

- Tổn thương vùng môi trên do vật tày gây nên.

- Không đủ cơ sở xác định tổn thương vùng cẳng chân phải do tác động ngoại lực hay do bệnh lý.

- Các vết thương da vùng cổ, ngực trái, đùi phải là dạng tổn thương của bỏng điện hoặc tiếp xúc với vật có nhiệt độ rất cao.

Cơ quan điều tra làm việc với Chi nhánh điện lực huyện L xác định:

- Sơ đồ lưới điện 0,4kv sau trạm biến áp cấp dẫn điện đến thôn L, xã D.

- Căn cứ nhật ký vận hành lưới điện xác định từ 15 giờ ngày 28/7/2016 đến 08 giờ ngày 29/7/2016 tình trạng dòng điện hoạt động bình thường.

- Điện áp tại hòm công tơ của cột điện số 28-II-DĐ3 hoạt động bình thường. Điện áp trong gia đình ông L tại các phích cắm trên tường là 229V, dòng điện sử dụng trong nhà là 0,39Ampe.

Đo điện áp tại bảng điện trên tường bếp là 229,5 vôn; dòng điện sử dụng là 0,39 Ampe

- Điện áp tại hòm công tơ của cột điện số 28-II-DĐ3 là 220V. Tại công văn số 55/CV/C54 (TT1) ngày 13/01/2017 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an (C54) giải thích:

- Với điện áp dao động từ 220V đến 229,5V thông qua vật dẫn tiếp xúc lên da vùng cổ - ngực trái, đùi phải của ông Nguyễn Văn L thì gây được các tổn thương đã mô tả trong kết luận giám định.

- Tiếp xúc với điện áp như trên, ông Nguyễn Văn L có thể tử vong. Quá trình điều tra, các bị can khai nhận cùng nhau giết ông L bằng cách cho điện giật và khai về hành vi cụ thể của từng bị can phù hợp với nhau. Tuy nhiên N1 và N2 khai H khởi xướng việc giết chết ông L nhưng H không thừa nhận. Cơ quan điều tra tổ chức đối chất, kết quả các bị can vẫn giữ nguyên lời khai. Cơ quan điều tra tổ chức thực nghiệm điều tra, kết quả các bị can đã tự mô tả lại hành vi và thực hiện thành thục các động tác trong quá trình gây án.

Tại bản cáo trạng số 25/KSĐT-TA ngày 17/4/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang truy tố bị cáo Nguyễn Thị N1 về tội “Giết người” theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 93 và truy tố các bị cáo Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị N2 về tội “Giết người” theo quy định tại các điểm đ, điểm  n, khoản 1, Điều 93- Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

* Tại phiên tòa sơ thẩm:

- Bị cáo Nguyễn Thị N1, Nguyễn Thị N2 khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản Cáo trạng đã truy tố là đúng người, đúng tội, không oan sai.

- Bị cáo Nguyễn Văn H không thừa nhận hành vi phạm tội như Cáo trạng truy tố.

Cụ Nguyễn Thị D (tên khác là: R) trình bày: Về hình phạt yêu cầu xử lý nghiêm các bị cáo, về dân sự yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần và tiền cấp dưỡng theo pháp luật.

Chị Nguyễn Thị H2 trình bày: Các chị em trong gia đình đã có đơn trình bày về hình phạt đề nghị xem xét giảm nhẹ cho mẹ và chị gái, về bồi thường dân sự thì không có yêu cầu gì.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang trình bày lời luận tội: Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm như Cáo trạng đã truy tố đối với các bị cáo và đề nghị HĐXX: Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thị N1, Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị N2 phạm tội “Giết người”.

Áp dụng: điểm n, khoản 1, Điều 93; điểm b, điểm p, khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 33- Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Thị N1 từ 17 đến 18 năm tù.

Áp dụng: điểm đ, điểm n, khoản 1, Điều 93; điểm p, khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 33- Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Thị N2 từ15 đến 16 năm tù.

Áp dụng: điểm đ, điểm n, khoản 1, Điều 93; điểm p, khoản 1, Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 33- Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H từ 19 đến 20 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự và Điều 591- Bộ luật dân sự: Buộc các bị cáo phải bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại là cụ Nguyễn Thị D số tiền tổn thất tinh thần là 20 tháng lương cơ sở bằng 26.000.000 đồng, trong đó các bị cáo H, N1 mỗi bị cáo chịu10.400.000 đồng, bị cáo N2 chịu 5.200.000 đồng. Ngoài ra các bị cáo phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cụ D từ ngày 29/7/2016 đến khi cụ D chếtvới mức từ 700.000 đồng đến 800.000 đồng/1 tháng, cụ thể : Bị cáo H, N1 mỗi người từ 280.000 đồng đến320.000 đồng/1 tháng, bị cáo N2 từ 140.000 đồng đến 160.000 đồng/ 1 tháng.

-Vềxử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41-BLHS; Điều 76- BLTTHS: Tịch thu tiêu hủy 2 chiếc kéo do giá trị sử dụng không lớn.

Ngoài ra Viện kiểm sát còn đề nghị giải quyết về án phí, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Luật sư bào chữa cho bị cáo N1 trình bày: Về tội danh, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ như Viện kiểm sát nêu là đúng. Trách nhiệm dân sự nhất trí quan điểm của đại diện Viện kiểm sát. Đề nghị làm rõ nội dung bản giám định pháp y tử thi số 3432 về dấu vết trầy xước da do vật tày gây nên. Đề nghị HĐXX xem xét áp dụng điểm r, khoản 1, Điều 46-BLHS cho bị cáo; bị cáo là người cao tuổi phạm tội, hoàn cảnh của gia đình bị cáo xử phạt bị cáo ở mức từ 14 đến 16 năm tù để có cơ hội cải tạo tốt trở về với gia đình, xã hội.

- Bị cáo N1 nhất trí với quan điểm của luật sư, không tranh luận gì.

- Luật sư bào chữa cho bị cáo N2 trình bày: Về tội danh, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ như Viện kiểm sát nêu là đúng. Trách nhiệm dân sự nhất trí quan điểm của đại diện Viện kiểm sát. Đề nghị xem xét vai trò của bị cáo là thực hành thụ động, không phải là người khởi xướng, chuẩn bị công cụ phương tiện phạm tội, bị cáo bị ảnh hưởng tâm lý bởi mẹ đẻ và chồng. Mức hình phạt VKS nêu là nghiêm khắc, đề nghị áp dụng mức khởi điểm cho bị cáo.

- Bị cáo N2 nhất trí với quan điểm của luật sư, không tranh luận gì.

- Luật sư bào chữa cho bị cáo H trình bày: Bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội như Cáo trạng truy tố nên với trách nhiệm là Luật sư bào chữa cho bị cáo chỉ tranh luận về việc bị cáo có thực hiện hành vi “Giết người” hay không? Các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ để kết tội bị cáo chỉ có lời khai của các bị cáo N1, N2 và lời khai của bị cáo H. Tuy nhiên tại phiên tòa bị cáo H đã thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi của mình. Cơ quan điều tra cũng không thu thập được vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội của H. Về động cơ, mục đích giết người thì bị cáo và ông L không có mâu thuẫn gì nên sẽ không có động cơ, mục đích giết ông L. Vì bị cáo không nhận tội và trên cơ sở các nội dung đã trình bày luật sư không phân tích đánh giá về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như quan điểm về bồi thường dân sự.

- Bị cáo H nhất trí với quan điểm của luật sư, không tranh luận gì.

- Viện kiểm sát đối đáp:

+ Đối với bị cáo N1: VKS đã phân tích sự thành khẩn khai báo của bị cáo và áp dụng điểm p, khoản 1, Điều 46- BLHS cho bị cáo, không có cơ sở chấp nhận việc thành khẩn khai báo là lập công chuộc tội vì bị cáo phải có nghĩa vụ khai báo hành vi của mình và đồng phạm. Giữ nguyên quan điểm về hình phạt đối với bị cáo. Căn cứ kết luận giám định pháp y tử thi và các tài liệu điều tra đã đủ cơ sở xác định nguyên nhân chết của ông L. Mặt khác việc giải thích nội dung kết luận thuộc thẩm quyền của cơ quan giám định, VKS không có trách nhiệm giải thích nội dung kết luận giám định. Vì vậy không có cơ sở chấp nhận quan điểm của Luật sư.

+ Đối với bị cáo N2: Bị cáo có vai trò giúp sức nhưng bị truy tố 2 tình tiết định khung hình phạt nên mức án VKS nêu là phù hợp, không có cơ sở chấp nhận quan điểm của Luật sư.

+ Đối với bị cáo H: quan điểm của luật sư nêu VKS thấy lời khai của bị cáo H trong quá trình điều tra phù hợp với lời khai của các bị cáo N1, N2. Nếu bị cáo không có mặt và trực tiếp tham gia thì không thể khai phù hợp như vậy được. Do đó có đủ cơ sở kết luận bị cáo là đồng phạm với các bị cáo N1, N2 giết ông L, bị cáo có vai trò tích cực ngang bị cáo N1 lại không có tình tiết giảm nhẹ nào nên mức hình phạt VKS nêu là phù hợp.

- Các luật sư giữ nguyên quan điểm, không tranh luận gì khác.

- Các bị cáo nói lời sau cùng:

+ Bị cáo N1: Bị cáo phạm tội do thiếu hiểu biết, nay đã rất ân hận, mong HĐXX xem xét khoan hồng cho bị cáo mức án nhẹ nhất.

+ Bị cáo N2: Bị cáo đã biết sai, xin HĐXX xem xét hoàn cảnh của bị cáo cho bị cáo cơ hội sửa chữa tội lỗi đã gây ra đối với người sinh ra bị cáo. Mong HĐXX cho bị cáo mức án nhẹ nhất để sớm trở về với gia đình lo cho con nhỏ.

+ Bị cáo H: Bị cáo đã biết lỗi của mình, mong HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng mức án nhẹ nhất để sớm trở về với gia đình, xã hội.

- HĐXX quay trở lại xét hỏi và bị cáo H đã khai nhận rõ hành vi phạm tội của bị cáo cùng với các bị cáo N1, N2 như Cáo trạng truy tố là đúng, không oan sai gì.

- Đại diện VKS trình bày quan điểm luận tội : Đối với các bị cáo N1, N2 giữ nguyên quan điểm; Đối với bị cáo H đề nghị áp dụng điểm p, khoản 1, Điều 46- BLHS cho bị cáo, mức hình phạt đề nghị từ 18 đến 19 năm tù. Các vấn đề khác đã nêu giữ nguyên không bổ sung gì.

- Các Luật sư bào chữa và các bị cáo N1, N2 không có ý kiến tranh luận bổ sung.

Luật sư bào chữa cho bị cáo H trình bày: Nhất trí quan điểm VKS đề nghị áp dụng điểm p, khoản 1, Điều 46- BLHS cho bị cáo. Đề nghị xem xét hoàn cảnh gia đình bị cáo, vai trò của bị cáo tương đương bị cáo N1 nên đề nghị hình phạt cũng tương đương bị cáo N1. Về trách nhiệm dân sự nhất trí như VKS nêu.

- Bị cáo H nhất trí quan điểm Luật sư, không có tranh luận gì khác.

- Đại diện VKS đối đáp: Bị cáo N1 có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hơn bị cáo H, bị cáo N1 chỉ có 1 tình tiết định khung hình phạt, bị cáo H có hai tình tiết định khung hình phạt. Do đó hình phạt của bị cáo H phải cao hơn bị cáo N1 là phù hợp. Kết thúc tranh luận các bên không có quan điểm gì khác. Lời nói sau cùng: Các bị cáo đều có quan điểm đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1]. Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau: Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo, đại diện hợp pháp xuất trình tài liệu, chứng cứ phù hợp với quy định của pháp luật; các bị cáo, đại diện hợp pháp, Luật sư bào chữa không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Về sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng: Những người tham gia tố tụng đã được tống đạt hợp lệ văn bản của Tòa án về thời gian mở phiên tòa nhưng vẫn vắng mặt. Xét thấy quá trình điều tra đã có lời khai của những người này nên việc vắng mặt của họ không trở ngại cho việc xét xử. Do đó HĐXX tiến hành xét xử vắng mặt những người tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 191, Điều 192- Bộ luật tố tụng hình sự.

[3]. Về những chứng cứ xác định các bị cáo có tội:

Tại phiên toà các bị cáo Nguyễn Thị N1, Nguyễn Thị N2 đã khai nhận toàn bộ hành vi cùng với Nguyễn Văn H trói ông Nguyễn Văn L rồi dùng nguồn điện sinh hoạt gia đình 220V cho tiếp xúc với cơ thể của ông L để điện giật chết ông L. Ban đầu bị cáo Nguyễn Văn H không thừa nhận hành vi đã thực hiện cùng với Nguyễn Thị N1, Nguyễn Thị N2 để giết chết ông Nguyễn Văn L. Tuy nhiên đến phần lời nói sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án, bị cáo H đã thừa nhận hành vi cùng với các bị cáo N1, N2 giết ông L bằng cách trói tay, chân và cho nguồn điện 220V tiếp xúc với cơ thể ông L.

Căn cứ vào lời khai của các bị cáo N1, N2, H tại phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị cáo tại giai đoạn điều tra, phù hợp với lời khai của đại diện hợp pháp của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, kết luận giám định pháp y về tử thi, kết quả giám định pháp y về nguyên nhân chết của ông Nguyễn Văn L, vật chứng đã thu giữ, cùng các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa, đã có đủ cơ sở kết luận: Khoảng hơn 22 giờ ngày 28/7/2016 do mâu thuẫn gia đình, ông L cầm then cửa định đánh N1 thì N1 ôm giữ  để N2 dùng dây chạc và dây chun trói ông L. Sau đó, Nguyễn Thị N1, Nguyễn Thị N2 và Nguyễn Văn H (là chồng N2) đã bàn nhau giết ông L bằng phương thức cho điện giật chết. Các bị cáo H, N1, N2 dùng dây điện kết nối với dòng điện 220V sử dụng trong nhà bếp của gia đình rồi cho dòng điện tiếp xúc với cơ thể ông L, hậu quả làm ông L bị điện giật chết. Các bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi sử dụng nguồn điện 220V cho tiếp xúc với cơ thể người khác sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn bất chấp thực hiện để mặc hậu quả chết người xảy ra. Từ những căn cứ nêu trên, HĐXX xét thấy đã có đủ cơ sở kết luận các bị cáo Nguyễn Thị N1, Nguyễn Thị N2, Nguyễn Văn H đã phạm tội “Giết người”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 93-Bộ luật hình sự.

[4]. Về tình tiết định khung hình phạt: Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng các bị cáo không tìm biện pháp giải quyết ôn hòa mà lại sử dụng hành vi vũ lực, bị cáo N1 đã dùng tay ôm giữ ông L để bị cáo N2 trói ông L. Sau đó bị cáo H đề xuất và nối dây điện kéo từ bếp lên nhà để bị cáo N1 cho tiếp xúc vào người ông L, bị cáo N2 bật công tắc điện để nguồn điện 220V tiếp xúc với cơ thể và tước đoạt sinh mạng của ông Nguyễn Văn L một cách trái pháp luật. Trong vụ án này ông L là người chồng của bị cáo N1, là người cha của bị cáo N2 và bị cáo H. Các bị cáo cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội nhưng không có sự bàn bạc phân công nhiệm vụ cụ thể và câu kết chặt chẽ trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội nên chỉ là đồng phạm giản đơn. Do đó, Cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố bị cáo Nguyễn Thị N1 về tội “Giết người” theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 93- BLHS và truy tố các bị cáo Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị N2 về tội “Giết người” theo quy định tại các điểm đ, điểm n, khoản 1, Điều 93- Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là hoàn toàn có căn cứ pháp luật, đúng người, đúng tội.

[5]. Đánh giá tính chất của vụ án: Hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, đã xâm phạm đến quyền sống của người khác được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự trị an tại địa phương. Hành vi của các bị cáo thực hiện tại khu dân cư đông người sinh sống thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác, gây hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân. Do đó cần phải có hình phạt tù nghiêm khắc tương xứng với tính chất mức độ và hậu quả do bị cáo gây ra nhằm giáo dục riêng và phòng ngừa chung đối với tội phạm này.

[6]. Về vai trò của các bị cáo trong vụ án: Bị cáo H là người khởi xướng việc dùng điện giết ông Lạc, đưa ra nhiều phương án giết người, tích cực chuẩn bị công cụ dây điện và kiểm tra việc sống hay chết của bị hại, tiêu hủy vật chứng dùng phạm tội. Bị cáo N1 có vai trò thứ hai, trực tiếp cắm dây điện cho tiếp xúc với cơ thể ông L, dí điện nhiều lần cho chết hẳn. Bị cáo N2 xếp thứ 3 với nhiệm vụ nối dây điện kéo từ bếp lên nhà để bị cáo N1 dí điện, có nhiệm vụ bật công tắc nguồn điện để truyền điện.

[7]. Về căn cứ quyết định hình phạt, HĐXX thấy:

- Về nhân thân: Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự.

-Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào.

-Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Tại giai đoạn điều tra và tại phiên toà các bị cáo N1, N2, H đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải nên được áp dụng điểm p, khoản 1, Điều 46- BLHS.Bị cáo N1 đã bỏ tiền chi phí mai táng cho ông L nên được áp dụng tình tiết khắc phục hậu quả tại điểm b, khoản 1, Điều 46- BLHS.

Bị cáo N1 đầu thú khai nhận hành vi phạm tội của mình và đồng phạm, có bố đẻ tham gia kháng chiến được tặng huân chương, được đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2, Điều 46- BLHS.

Bị cáo N2 được đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2, Điều 46- BLHS.

- Đối với ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo N1 đề nghị áp dụng điểm r, khoản 1, Điều 46- BLHS là không có cơ sở chấp nhận vì  việc khai báo thành khẩn không phải là lập công chuộc tội. Tuy nhiên HĐXX thấy trong quá trình điều tra bị cáo N1 đã tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra trong việc phát hiện và xử lý các bị cáo N2, H nên áp dụng điểm q, khoản 1, Điều 46- BLHS cho bị cáo.

Từ những nhận định trên HĐXX xét thấy cần xử phạt các bị cáo với mức hình phạt tù nghiêm khắc cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian dài như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát mới có tác dụng giáo dục cải tạo các bị cáo thành công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên cũng cần xem xét đánh giá vai trò và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của từng bị cáo cho phù hợp, cụ thể: bị cáo H có vai trò quan trọng nhất, có ít tình tiết giảm nhẹ, có hai tình tiết định khung nên phải chịu hình phạt cao nhất; bị cáo N1 có vai trò thứ hai nhưng có 1 tình tiết định khung hình phạt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ; bị cáo N2 có vai trò thứ yếu nhưng có 2 tình tiết định khung hình phạt, có ít tình tiết giảm nhẹ hơn bị cáo N1; do đó cần áp dụng hình phạt của bị cáo N1 bằng với mức hình phạt của bị cáo N2 là phù hợp.

Do các bị cáo đang bị tạm giam nên cần áp dụng khoản 1, khoản 3, Điều 228- Bộ luật tố tụng hình sự tiếp tục tạm giam các bị cáo với thời hạn 45 ngày để đảm bảo thi hành án.

[8].Về trách nhiệm dân sự:

Những người đại diện hợp pháp của người bị hại là  Nguyễn Thị H1, Nguyễn Thị H2, Nguyễn Thị N3, Nguyễn Văn X không yêu cầu các bị cáo bồi thường dân sự nên không đặt ra xem xét.

Cụ Nguyễn Thị D ( tên khác là R) là đại diện hợp pháp của người bị hại yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần và tiền cấp dưỡng theo quy định của pháp luật, cần chấp nhận yêu cầu của cụ D ( tên khác là R), buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường tổn thất tinh thần cho cụ D ( R). Do đại diện hợp pháp xác định có 5 người nên tỷ lệ mỗi phần đại diện hợp pháp được hưởng sẽ bằng 1/5 giá trị bồi thường tổn thất tinh thần. Trong vụ án này lỗi hoàn toàn do các bị cáo nên mức bồi thường tổn thất tinh thần xác định là 100 tháng lương cơ sở. Vì 4 người con của ông L không yêu cầu bồi thường mà chỉ có cụ Nguyễn Thị D ( R) yêu cầu nên phần cụ D được chấp nhận là 20 tháng lương cơ sở bằng số tiền 26.000.000 đồng. Ngoài ra các bị cáo còn phải liên đới thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cụ D ( R). Do cụ D có 6 người con trong đó có ông L nên trách nhiệm, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cụ là của tất cả các người con trong gia đình. Vì vậy HĐXX chấp nhận mức cấp dưỡng bằng ½ của mức lương cơ sở là 650.000 đồng/ 1 tháng là phù hợp. Do vai trò của bị cáo H là chính nên buộc bị cáo H bồi thường cao hơn bị cáo N1 và N2. Cụ thể: Tiền tổn thất tinh thần 20 tháng lương cơ sở 1.300.000  đ/1  tháng  = 26.000.000 đồng. Trong đó bị cáo H chịu trách nhiệm bồi thường là 08 tháng bằng 10.400.000 đồng (mười triệu, bốn trăm ngàn đồng), bị cáo N1 bồi thường 07 tháng bằng 9.100.000 đồng (chín triệu, một trăm ngàn đồng), bị cáo N2 bồi thường 5 tháng bằng 6.500.000 đồng (sáu triệu, năm trăm ngàn đồng).

Tiền cấp dưỡng nuôi cụ Nguyễn Thị D (tên gọi khác: R) theo mức 650.000 đồng ( sáu trăm, năm mươi ngàn đồng) / 1 tháng, kể từ ngày 29/7/2016 đến khi cụ D (R) chết, cụ thể: bị cáo H cấp dưỡng 300.000 đồng (ba trăm ngàn đồng)/ 1 tháng, bị cáo N1 cấp dưỡng 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng)/ 1 tháng, bị cáo N2 cấp dưỡng 150.000 đồng (một trăm, năm mươi ngàn đồng)/ 1 tháng.

[9]. Về các vấn đề khác:

-Về xử lý vật chứng: Đối với vật chứng là 2 chiếc kéo thu giữ được có giá trị không lớn cần áp dụng Điều 41-BLHS, khoản 2, Điều 76-BLTTHS, tịch thu tiêu hủy, cụ thể: 01 chiếc kéo bằng kim loại dài 19 cm, có 2 lưỡi sắt; 01 chiếc kéo bằng kim loại dài 23 cm, chuôi nhựa màu xanh có quấn băng dính màu đen.

- Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí theo qui định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.

-Về quyền kháng cáo: Bị cáo, người đại diện hợp pháp của người bị hại có quyền kháng cáo theo qui định của pháp luật.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

[1].Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thị N1, Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị N2 phạm tội “Giết người”. [2].Về hình phạt:

Áp dụng: điểm n, khoản 1, Điều 93; điểm điểm b, điểm p, điểm q, khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 33- Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị N1  16 ( mười sáu) năm tù. Thời gian tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam 02/8/2016.

Áp dụng: điểm đ, điểm n, khoản 1, Điều 93; điểm p, khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 33 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị N2 16 mười sáu) năm tù. Thời gian tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam 29/10/2016.

- Áp dụng: điểm đ, điểm n, khoản 1, Điều 93; điểm p, khoản 1, Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 33- Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H 18 ( mười tám) năm tù. Thời gian tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam 29/10/2016.

[3].Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42-BLHS; Điều 584; Điều 585; khoản 1, Điều 586; Điều 591; Điều 357; Điều 468- Bộ luật dân sự năm 2015: Buộc các bị cáo N1, N2, H phải liên đới bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại là cụ Nguyễn Thị D (tên gọi khác là: R) số tiền cụ thể như sau:

+Tiền tổn thất tinh thần là 20 tháng lương cơ sở là 26.000.000 đồng, cụ thể: bị cáo H chịu trách nhiệm bồi thường 08 tháng bằng 10.400.000 đồng (mười triệu, bốn trăm ngàn đồng), bị cáo N1 bồi thường 07 tháng bằng 9.100.000 đồng (chín triệu, một trăm ngàn đồng), bị cáo N2 bồi thường 5 tháng bằng 6.500.000 đồng (sáu triệu, năm trăm ngàn đồng).

+Tiền cấp dưỡng nuôi cụ Nguyễn Thị D (tên gọi khác: R) theo mức 650.000 đồng ( sáu trăm, năm mươi ngàn đồng) / 1 tháng, kể từ ngày 29/7/2016 đến khi cụ D (R) chết, cụ thể: bị cáo H cấp dưỡng 300.000 đồng (ba trăm ngàn đồng)/ 1 tháng, bị cáo N1 cấp dưỡng 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng)/ 1 tháng, bị cáo N2 cấp dưỡng 150.000 đồng (một trăm, năm mươi ngàn đồng)/ 1 tháng.

Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn đề nghị thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ số tiền phải thi hành thì người phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi của số tiền chưa thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2, Điều 468- Bộ luật Dân sự năm 2015, tương ứng với thời gian chậm thi hành án.

[4].Về xử lý vật chứng: 

Áp dụng Điều 41-BLHS, khoản 2, Điều  76- BLTTHS, tịch thu tiêu hủy: 01 chiếc kéo bằng kim loại dài 19 cm, có 2 lưỡi sắt; 01 chiếc kéo bằng kim loại dài 23 cm, chuôi nhựa màu xanh có quấn băng dính màu đen.

[5]. Án phí : áp dụng Điều 99-BLTTHS; khoản 1, Điều 21; khoản 1, Điều 23; khoản 2, Điều 26; khoản 6, Điều 27- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án: Buộc các bị cáo N1, N2, H mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí HSST; bị cáo N2 phải chịu 325.000 đồng án phí DSST; bị cáo N1 phải chịu 455.000 đồng án phí DSST; bị cáo H phải chịu 520.000 đồng án phí DSST. Ngoài ra các bị cáo N1, N2, H mỗi bị cáo còn phải chịu 300.000 đồng án phí DSST không có giá ngạch về nghĩa vụ cấp dưỡng.

[6]. Về quyền kháng cáo: Áp dụng Điều 231, Điều 234-BLTTHS:

Các bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Đại diện hợp pháp của người bị hại vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày được nhận bản án hoặc niêm yết bản án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2- Luật thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9- Luật thi hành án Dân sự; Thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30- Luật thi hành án Dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

515
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 44/2017/HSST ngày 07/09/2017 về tội giết người

Số hiệu:44/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 07/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về