Bản án 44/2017/HSST ngày 05/12/2017 về tội tàng trữ trái phép chất ma túy

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HOA LƯ, TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 44/2017/HSST NGÀY 05/12/2017 VỀ TỘI TÀNG TRỮ TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY

Ngày 5 tháng 12 năm 2017, tại Trụ sở tòa án nhân dân huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, xét xử công khai, sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 46/2017/HSST ngày 21 tháng 11 năm 2017 đối với bị cáo:

Họ và tên: Phạm Văn B, sinh năm 1990, tại xã V, huyện L, tỉnh Ninh Bình; trú tại: thôn Q, xã V, huyện L, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: 3/12; con ông Phạm Văn N và bà Nguyễn Thị T; vợ, con: chưa có; tiền án: không; tiền sự: Quyết định số 97/QĐ-XPHC ngày 20 tháng 3 năm 2017, công an thành phố Ninh Bình xử phạt 1.000.000 đồng về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

Người đại diện hợp pháp của bị cáo: Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1957, trú tại: thôn Q, xã V, huyện L, tỉnh Ninh Bình. Có mặt.

Người bào chữa: Bà Ninh Thị Hà, sinh năm: 1985 và bà Lê Thị Thu Hà, sinh năm 1984, đều là trợ giúp viên pháp lý thuộc trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình. Có mặt.

NHẬN THẤY

Bị cáo Phạm Văn B bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hoa Lư truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Hồi 9 giờ 10 phút, ngày 9 tháng 6 năm 2017, tại khu vực trước cửa nhà nghỉ L thuộc thôn C, xã T, huyện L, tỉnh Ninh Bình, tổ công tác Công an huyện Hoa Lư phối hợp với Công an xã T tiến hành kiểm tra hành chính đối với Phạm Văn B. Khi bị yêu cầu kiểm tra, B đã tự giác lấy trong túi quần hậu đang mặc 02 gói nhỏ, gói ngoài bằng lớp ni lon màu trắng, bên trong chứa các hạt tinh thể màu trắng giao nộp. Lực lượng công an cũng đã thu giữ của B một điện thoại di động nhãn hiệu Sony Xperia, màu đen, lắp sim mang số 0983941xxx. B khai nhận buổi sáng cùng ngày, B được người lái xe ôm ở khu vực ngã ba Y, xã A, huyện L tên là L điện thoại nhờ đi mua ma túy hộ người tên là T hiện đang ở nhà nghỉ L để về sử dụng cùng. T đã đưa cho B một triệu đồng để đi mua ma túy. B đi taxi đến khu vực trường đại học HL thuộc xã N, thành phố Ninh Bình mua của một người không quen biết hai gói ma túy đã hết 800.000 đồng. Số tiền 200.000 đồng B trả tiền taxi. Khi B về nhà nghỉ L tìm gặp T để cùng sử dụng ma túy thì bị hiện, bắt giữ. B khai bị bệnh động kinh từ nhỏ, hiện đang được cấp phát thuốc tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Ninh Bình.

Toàn bộ chất dạng tinh thể màu trắng thu giữ của B được cân xác định trọng lượng, niêm phong theo quy định và gửi giám định. Bản Kết luận giám định số 145/GĐMT ngày 10/06/2017 của Phòng Kỹ thuật Hình sự công an tỉnh Ninh Bình kết luận mẫu chất dạng tinh thể màu trắng gửi giám định có khối lượng M1 là 0,5856 gam và  M2 là 0,5252 gam (tổng khối lượng là 1,1108 gam) là chất ma túy, loại Methamphetamine.

Tại kết luận giám định pháp y tâm thần số 302, ngày 29/8/2017, Viện pháp y tâm thần Trung ương kết luận: Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định, Phạm Văn B có bệnh động kinh toàn thể cơn lớn có biến đổi nhân cách. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992, bệnh có mã số G40.6. Tại các thời điểm trên, đối tượng đủ khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi.

Số vật chứng là 0,5781 gam Methamphetamine còn lại ở hai mẫu gửi đi giám định (mẫu M1 còn 0,2765 gam, mẫu M2 còn 0,3016 gam), vỏ bao gói trong gói niêm phong gửi giám định được niêm phong trong một phong bì; vỏ phong bì đã mở niêm phong, vỏ giấy gói dùng đựng vật chứng ban đầu được niêm phong riêng trong một phong bì và chiếc điện thoại thu giữ của bị cáo đều được quản lý tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hoa Lư.

Tại bản cáo trạng số 44/CT-VKS ngày 10/11/2017, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hoa Lư truy tố bị cáo về tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 194 của Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 194, điểm n, o, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự 1999; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015 xử phạt bị cáo từ 12 đến 18 tháng tù, thời hạn tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án. Áp dụng Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự tịch thu tiêu hủy 02 phong bì niêm phong các vật chứng còn lại. Trả lại cho bị cáo chiếc điện thoại đã thu giữ.

Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị cáo trình bày: bị cáo bị bệnh động kinh, phải dùng thuốc hàng ngày, đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo. Người bào chữa cho bị cáo trình bày: Bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi, gia đình thuộc hộ nghèo, tự giác khai nhận hành vi phạm tội khi bị kiểm tra hành chính và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên đề nghị hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm n, o, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo để quyết định cho bị cáo được hưởng mức hình phạt nhẹ nhất.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;

XÉT THẤY

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Phạm Văn B thừa nhận: vào hồi 9 giờ 10 phút, ngày 9 tháng 6 năm 2017, tại khu vực trước cửa nhà nghỉ L thuộc thôn C, xã T, huyện L, tỉnh Ninh Bình, bị cáo bị bắt quả tang do có hành vi cất giấu trái phép 1,1108 gam Methamphetamine trong người để sử dụng cho bản thân. Lời khai nhận của bị cáo phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ như: biên bản bắt người phạm tội quả tang, lời khai người làm chứng, vật chứng được thu giữ, kết luận giám định ... Bị cáo có bệnh động kinh từ nhỏ. Tuy nhiên, theo kết luận của viện Pháp y Tâm thần Trung ương, bị cáo có đủ khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi. Do đó, hành vi của bị cáo đã cấu thành tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 194 của Bộ luật Hình sự.

Methamphetamine là chất ma túy là một trong các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Hành vi của bị cáo đã xâm phạm vào chế độ quản lý của nhà nước đối với các chất ma túy, gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình trật tự trị an tại địa phương. Việc sử dụng trái phép chất ma túy còn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình và sức khỏe của bản thân bị cáo. Ngoài ra, tệ nạn ma túy còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại tội phạm khác. Để giáo dục, cải tạo bị cáo thành công dân biết tuân thủ pháp luật, sống có ích cho gia đình và xã hội cần áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian tương xứng.

Đối chiếu với quy định tại Điều 249 của Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy của bị cáo được quy định một hình phạt nhẹ hơn so với Bộ luật Hình sự hiện hành nên khi quyết định hình phạt đối với bị cáo cần xem xét để áp dụng quy định có lợi này cho bị cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội.

Xét thấy, bị cáo tự giác khai nhận hành vi phạm tội; quá trình điều tra và tại phiên tòa, khai báo thành khẩn và có thái độ ăn năn hối cải; từ trước đến nay, bị cáo bị bệnh động kinh, hạn chế khả năng điều khiển hành vi; gia đình bị cáo thuộc hộ nghèo nên cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm o, n, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự.

Đối với 02 gói ma túy thu giữ của bị cáo, sau khi lấy mẫu giám định còn lại 0,5781 gam Methamphetamine cùng toàn bộ vỏ bao gói niêm phong gửi giám định, vỏ phong bì đã mở niêm phong, vỏ giấy gói dùng đựng vật chứng ban đầu là vật cấm lưu hành và vật không sử dụng được cần tịch thu tiêu hủy. Bị cáo khai nhận đã dùng điện thoại liên lạc mua ma túy, tuy nhiên quá trình điều tra không xác định được tên, tuổi, địa chỉ của L và T như B khai. Trong nhật ký điện thoại của L không thể hiện các số gọi đến, gọi đi và B không nhớ số điện thoại của L nên không có căn cứ để xác định rõ người có tên là L và T và không có căn cứ để xác định chiếc điện thoại thu giữ của bị cáo là phương tiện, công cụ phạm tội nên cần trả lại chiếc điện thoại cho bị cáo.

Bị cáo phải chịu án phí Hình sự sơ thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Bị cáo Phạm Văn B phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Áp dụng khoản 1 Điều 194, điểm n, p, o khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999; khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 249 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội

Xử phạt bị cáo 12 (mười hai) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

2. Về xử lý vật chứng và tài sản tạm giữ: Áp dụng điểm a, đ khoản 2 Điều 76 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, tịch thu tiêu hủy một phong bì niêm phong bên trong có 0,5781 gam Methamphetamine (mẫu M 0,2765 gam, mẫu M2 0,3016 gam) cùng vỏ bao gói trong gói niêm phong gửi giám định và một phong bì niêm phong bên trong có chứa vỏ phong bì đã mở niêm phong cùng vỏ giấy gói dùng đựng vật chứng ban đầu. Trả lại cho bị cáo chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Sony Xperia. (02 phong bì niêm phong và chiếc điện thoại di động hiện đang được quản lý tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hoa Lư theo biên bản giao nhận vật chứng giữa cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoa Lư và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hoa Lư ngày 10/11/2017).

3. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 99 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, buộc bị cáo phải nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bào chữa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

283
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 44/2017/HSST ngày 05/12/2017 về tội tàng trữ trái phép chất ma túy

Số hiệu:44/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hoa Lư - Ninh Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về