TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
BẢN ÁN 42/2019/HS-ST NGÀY 23/07/2019 VỀ TỘI LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Từ ngày 18 đến ngày 23 tháng 7 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 52/2019/TLST-HS ngày 03 tháng 6 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 41/2019/QĐXXST-HS ngày 18 tháng 6 năm 2019 đối với bị cáo:
Võ Thị Thu L - sinh năm 1973 tại Quảng Ngãi. Chỗ ở trước khi bị khởi tố: Phường L, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa; nghề nghiệp: Kinh doanh tư nhân; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Phật giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Võ L (chết) và bà Võ Thị T (1937); chồng Nguyễn Hữu Th (ly hôn năm 2012); bị cáo có 02 con, lớn sinh năm 1997, nhỏ sinh năm 2002; tiền án, tiền sự: không; nhân thân: Bản án số 150/2017/HSPT ngày 21/6/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xử phạt 13 năm tù về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo bị tạm giam từ ngày 17/8/2017 đến ngày 20/8/2018 hủy bỏ biện pháp tạm giam. Bị cáo đang thi hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Khánh Hòa. Có mặt.
* Người bị hại:
1. Bà Phạm Thị H, sinh năm: 1971; trú tại: số Phường S, thành phố P, tỉnh Gia Lai. Vắng mặt.
2. Bà Võ Thị Thu Th, sinh năm: 1973. Trú tại: Xã I, thị xã H, tỉnh Khánh Hòa. Có mặt.
3. Bà Vũ Thị Thu M, sinh năm: 1977; trú tại: Xã V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Có mặt.
4. Bà Trương Lệ Kim L1, sinh năm: 1968; trú tại: Xã Đ, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Có mặt.
5. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nh, sinh năm: 1968; trú tại: Phường HTĐ, quận C, thành phố Đà Nẵng. Vắng mặt.
6. Bà Triệu Thị Tố Ng, sinh năm: 1967; trú tại: Phường A, thành phố B, tỉnh B. Vắng mặt.
7. Bà Kiều Thị M1, sinh năm 1976; trú tại: Phường Ng, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Có mặt.
8. Bà Lê Thị C, sinh năm 1971; trú tại: Phường C, quận H, thành phố Đà Nẵng. Vắng mặt.
*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Công ty TNHH Ngọc L. Địa chỉ: Phường Ph, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa.
Người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH Ngọc L: Ông Phạm Văn Q, sinh năm 1984; trú tại: Phường Th, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Vắng mặt.
2. Bà Võ Thị Diễm H1, sinh năm 1981; trú tại: Phường Nh, Quận S, thành phố Đà Nẵng. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Do muốn có tiền để sử dụng vào mục đích cá nhân nên Võ Thị Thu L đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù biết rõ Công ty TNHH Ngọc L cũng như cá nhân Võ Thị Thu L không được phép tổ chức đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học nhưng Võ Thị Thu L vẫn gian dối, mạo danh mình là Tổng giám đốc của Công ty TNHH Ngọc L để ký kết các “Hợp đồng du học tự túc tại Hoa Kỳ”, “Hợp đồng du học tại Hoa Kỳ theo chương trình trao đổi văn hóa cấp độ Trung học” với những người có nhu cầu cho con đi du học tại Hoa Kỳ, rồi chiếm đoạt số tiền của họ đã đóng theo hợp đồng.
Với phương thức và thủ đoạn như trên, trong khoảng thời gian từ 16/10/2014 đến 04/8/2015, Võ Thị Thu L đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 08 người với tổng số tiền: 3.146.464.380 tỷ đồng (ba tỷ, một trăm bốn mươi sáu triệu, bốn trăm sáu mươi bốn nghìn, ba trăm tám mươi đồng). Cụ thể như sau:
1. Ngày 16/10/2014, tại Công ty TNHH Ngọc L, Võ Thị Thu L ký kết Hợp đồng du học tại Hoa Kỳ theo chương trình trao đổi văn hóa cấp độ Trung học với bà Phạm Thị H đưa Lưu Hạnh Ng (con bà H) đi du học tại Hoa Kỳ trong thời hạn từ 15/8/2015 đến 15/8/2016 để chiếm đoạt của bà H số tiền 266.577.000 đồng.
2. Ngày 18/10/2014, tại Công ty TNHH Ngọc L, Võ Thị Thu L ký kết Hợp đồng trách nhiệm về du học tự túc với bà Võ Thị Thu Th đưa Nguyễn Võ Thủy T (con bà Th) đi du học tại Hoa Kỳ trong thời gian năm 2016 để chiếm đoạt của bà Th số tiền 419.860.600 đồng.
3. Ngày 10/4/2015, tại Công ty TNHH Ngọc L, Võ Thị Thu L ký kết Hợp đồng trách nhiệm về du học tự túc với bà Vũ Thị Thu M đưa Triệu Vũ Hồng A (con bà M) đi du học tại Hoa Kỳ trong thời gian năm 2015 để chiếm đoạt của bà M số tiền 267.878.280 đồng.
4. Ngày 21/4/2015, tại Công ty TNHH Ngọc L, Võ Thị Thu L ký kết Hợp đồng trách nhiệm về du học tự túc với bà Trương Lệ Kim L1 đưa Lê Anh Th (con bà L1) đi du học tại Hoa Kỳ trong thời gian năm 2015 để chiếm đoạt của bà L1 số tiền 291.737.000 đồng.
5. Ngày 18/6/2015, tại Công ty TNHH Ngọc L, Võ Thị Thu L ký kết Hợp đồng trách nhiệm về du học tự túc với bà Nguyễn Thị Tuyết Nh đưa Lê Thị Thanh Ng (con bà Nh) đi du học tại Hoa Kỳ trong thời gian năm 2015-2016 để chiếm đoạt của bà Nh số tiền 320.000.000 đồng.
6. Ngày 02/7/2015, tại Công ty TNHH Ngọc L, Võ Thị Thu L ký kết Hợp đồng trách nhiệm về du học tự túc với bà Triệu Thị Tố Ng đưa Trần Cao Tr và Trần Cao L2 (các con bà Ng) đi du học tại Hoa Kỳ trong thời gian năm 2016 để chiếm đoạt của bà Ng số tiền 567.840.000 đồng.
7. Ngày 06/7/2015, tại Công ty TNHH Ngọc L, Võ Thị Thu L ký kết Hợp đồng trách nhiệm về du học tự túc với bà Kiều Thị M1 đưa Võ Mạnh T (con bà M1) đi du học tại Hoa Kỳ trong thời gian năm 2015-2016 để chiếm đoạt của bà M1 số tiền 344.931.500 đồng.
8. Ngày 29/5/2015 và ngày 04/8/2015, tại Công ty TNHH Ngọc L, Võ Thị Thu L ký kết 02 Hợp đồng du học tại Hoa Kỳ theo chương trình trao đổi văn hóa cấp độ Trung học với bà Lê Thị C đưa Nguyễn Hoài T và Nguyễn Thị Thanh T (các con bà C) đi du học tại Hoa Kỳ trong thời gian năm 2016-2017 để chiếm đoạt của bà C số tiền 667.640.000 đồng.
Tại bản Cáo trạng số 17/CT-VKSKH-P2 ngày 15/5/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa truy tố bị cáo Võ Thị Thu L về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.
Riêng đối với trường hợp ông Nguyễn Ngọc H2 (trú tại: Phường H, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa) có đơn tố cáo Võ Thị Thu L lừa đảo chiếm đoạt số tiền 308.067.000 đồng dưới hình thức ký kết Hợp đồng trách nhiệm về du học tự túc.
Nhưng sau đó đã rút đơn tố cáo và không cung cấp thêm các tài liệu, chứng cứ có liên quan, nên không có đủ căn cứ để xác định Võ Thị Thu L đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong trường hợp này.
* Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố và luận tội:
Tại phiên tòa, tuy bị cáo cho rằng bị cáo không có hành vi lừa đảo, nhưng với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án cho thấy: Bị cáo biết mình không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty nhưng vẫn gian dối, mạo danh mình là Tổng giám đốc của công ty để ký kết các “hợp đồng du học trao đổi văn hóa” và “hợp đồng du học tự túc” làm cho những người bị hại tin để ký kết hợp đồng và bị cáo đã chiếm đoạt tiền của 8 người bị hại với tổng số tiền 3.146.464.380 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị cáo không xuất trình được tài liệu thể hiện bị cáo đã liên hệ Bộ giáo dục để học sinh được đi du học theo như thỏa thuận trong hợp đồng, cũng như số tiền chi phí còn lại bị cáo không thể hiện chứng minh được vì bị cáo đã sử dụng cho mục đích cá nhân nên không có tiền trả lại cho các bị hại. Như vậy, Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a Khoản 4 Điều 174; khoản 2 Điều 51, Điều 56 Bộ luật hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Võ Thị Thu L từ 12 đến 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
+ Ý kiến của người bị hại: Về tội danh đối với bị cáo, đề nghị Tòa xem xét theo quy định của pháp luật; đề nghị Tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; đề nghị bị cáo trả số tiền còn lại cho các bị hại.
+ Ý kiến của bị cáo: Bị cáo không lừa đảo những người bị hại, thực tế số tiền bị cáo chi phí để làm hồ sơ du học là rất lớn nhưng bị cáo không chứng minh được nên bị cáo phải chịu trách nhiệm về việc này. Đề nghị Tòa xem xét tội danh của bị cáo; mức án mà Viện kiểm sát đề nghị đối với bị cáo là quá nặng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng:
[1.1] Về sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng:
Người bị hại Triệu Thị Tố Ng, Lê Thị C, Nguyễn Thị Tuyết Nh có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Đối với những người tham gia tố tụng khác vắng mặt, Tòa án đã thực hiện việc tống đạt hợp lệ quyết định đưa vụ án ra xét xử và giấy triệu tập; quá trình điều tra những người này đã có lời khai, vì vậy Tòa án vẫn tiến hành xét xử theo quy định của pháp luật.
[1.2] Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
[2] Về trách nhiệm hình sự:
[2.1] Tại phiên tòa, bị cáo cho rằng bị cáo không biết pháp luật quy định bị cáo không có quyền ký kết hợp đồng, nhưng bị cáo nghĩ đây là Công ty của bị cáo nên bị cáo đã ký kết các hợp đồng với những phụ huynh của các học sinh.
Hội đồng xét xử xét thấy:
[2.2] Công ty TNHH Ngọc L (viết tắt là Công ty) được Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 26/6/2008, người đại diện theo pháp luật là Võ Thị Thu L với chức danh Tổng giám đốc; Ngày 18/3/2009 Công ty TNHH Ngọc L đăng ký thay đổi bổ sung lần 1 ngành nghề kinh doanh “Tư vấn du học”. Theo công văn của Sở kế hoạch đầu tư trả lời thì thời điểm bị cáo ký kết hợp đồng, hoạt động “tư vấn du học” là ngành nghề kinh doanh “không có điều kiện”. Ngày 15/01/2014, Công ty TNHH Ngọc L đã thay đổi người đại diện theo pháp luật là ông Lã Huy Đ, chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc.
Như vậy, thời điểm bị cáo ký kết hợp đồng với những người có nhu cầu cho con đi du học tại Hoa Kỳ (từ ngày 16/10/2014 đến ngày 04/8/2015), bị cáo không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty, nhưng bị cáo vẫn nắm giữ con dấu và ký chức danh Tổng giám công ty trong các hợp đồng. Lý giải điều này, quá trình điều tra ông Lã Huy Đ người đại diện theo pháp luật của Công ty trình bày: Chức danh tổng giám đốc của ông là do bà L cho ông làm, ông được giao quyền này là để có cơ sở pháp lý thực hiện dự án mà ông đã góp tiền vào Công ty để thực hiện. Vì vậy, chức danh Tổng giám đốc Công ty Ngọc L là do ông mượn danh nghĩa, thực chất mọi hoạt động của công ty đều do bà L chỉ đạo, ông không can thiệp. Việc bà L có đủ tư cách pháp nhân để ký kết, thực hiện các hợp đồng du học hay không thì ông không biết và không quan tâm. Vì đó là hoạt động kinh doanh của Công ty Ngọc L do bà L làm chủ. (Bút lục 290).
Điều đó cho thấy: Khi bị cáo nhân danh công ty ký kết và thực hiện các hợp đồng, người đại diện theo pháp luật của công ty tuy không biết nhưng cũng không phản đối vì cho rằng công ty là của bị cáo nên bị cáo có quyền chỉ đạo, ký kết và thực hiện các hợp đồng và vì đó là hoạt động kinh doanh của công ty. Do đó, việc bị cáo nhân danh công ty để giao kết các hợp đồng, đây không phải là hành vi gian dối, mà nó chỉ có ý nghĩa trong việc xem xét về tính hiệu lực của hợp đồng. Việc bị cáo nhân danh công ty ký kết các hợp đồng tuy không đúng về mặt chủ thể, nhưng thực tế bị cáo vẫn thực hiện một số công việc theo hợp đồng, nên bị cáo tự chịu trách nhiệm đối với những cam kết của mình.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng: Do bị cáo mạo danh tổng giám đốc công ty, nên những người bị hại mới tin tưởng ký hợp đồng và giao tiền cho bị cáo. Mặt khác, bị cáo cũng chưa thực hiện việc liên hệ với Bộ giáo dục để học sinh được đi du học theo như thỏa thuận trong hợp đồng. Đây chính là thủ đoạn gian dối của bị cáo và có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, tại phiên tòa những người bị hại trình bày: Họ tự tìm đến Công ty để ký hợp đồng với bị cáo L là do nhiều người mách bảo vì trước đó bị cáo L đã từng làm hồ sơ cho nhiều trường hợp học sinh đi du học tại Hoa Kỳ thành công hoặc trong số họ có người từng đến Công ty TNHH Ngọc L để làm dịch vụ xin thị thực (visa) đi du lịch tại Hoa Kỳ như trường hợp của chị Lê Thị Kim L1. Việc bị cáo có tư cách đại diện cho pháp nhân để ký kết hợp đồng hay không họ không để ý, vì thấy tên công ty cũng là tên của bị cáo. Do vậy, cáo buộc này của Viện kiểm sát là không đủ cơ sơ pháp lý.
[2.3] Về nội dung công việc mà bị cáo thỏa thuận thực hiện theo hợp đồng: Bị cáo cho rằng bị cáo đã liên hệ với các Trường học tại Hoa Kỳ nơi các học sinh đăng ký đi du học, có như vậy các học sinh mới có thư mời của Lãnh sự quán Hoa Kỳ để tham gia phỏng vấn. Tuy nhiên, khi bị cáo đang thực hiện các hợp đồng thì bị bắt, nên bị cáo không thể tiếp tục thực hiện được các công việc.
Hội đồng xét xử nhận thấy: Căn cứ vào các điều khoản mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng giữa bị cáo và phụ huynh của các học sinh; căn cứ vào các văn bản số 1413/SngV-LS ngày 22/11/2017 và số 896/SNgV-LS ngày 29/6/2019 của Sở ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa về việc cung cấp thông tin liên quan đến vụ án du học sinh tại Hoa Kỳ, thì bị cáo đã thực hiện được những công việc như: Đăng ký trường học; liên hệ với trường xin cấp thư mời; thông báo mọi chi phí cần đóng cho học sinh; nộp đơn xin thị thực, đóng phí và điền đơn xin thị thực; đặt lịch hẹn và đăng ký phỏng vấn tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ; dịch, công chứng các chứng từ cần thiết liên quan trong hồ sơ của học sinh; đưa học sinh vào thành phố Hồ Chí Minh tham gia phỏng vấn.
Thực tế, trong 10 trường hợp học sinh có nhu cầu đi du học tại Hoa Kỳ do 08 phụ huynh ký 09 hợp đồng với bị cáo, bị cáo đã làm hồ sơ được 06 trường hợp, trong đó có 02 trường hợp đã tham gia phỏng vấn tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ (ở thành phố Hồ Chí Minh) nhưng bị từ chối thị thực là trường hợp của cháu Lưu Hạnh Ng (con của chị Phạm Thị H) và cháu Nguyễn Võ Thủy T (con của chị Võ Thu Th); 04 trường hợp còn lại không đến dự phỏng vấn (02 trường hợp đã xác nhận lịch và 02 trường hợp chưa xác nhận lịch); còn 04 trường hợp còn lại theo bị cáo mới chỉ tìm trường đăng ký nên chưa có thư mời vì chưa đến khóa học (năm 2016 và 2017).
Như vậy, theo nội dung giao kết trong các hợp đồng du học tự túc và trao đổi văn hóa tại Hoa Kỳ, bị cáo đã thực hiện một số công việc như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Việc bị cáo chưa liên hệ với Bộ giáo dục để học sinh được đi du học theo như cam kết, đây là công việc bị cáo chưa làm nhưng vẫn còn nằm trong thời hạn của hợp đồng. Mặt khác, chị Trương Lệ Kim L1 khai sau khi con chị (cháu Lê Anh Th) làm hồ sơ đi du học ở công ty của bị cáo L không được, cháu đã tự lên mạng internet (online) đăng ký, làm thủ tục du học tự túc và không cần phải liên hệ với Bộ giáo dục. Do đó, không thể cho rằng bị cáo chưa thực hiện việc này là có hành vi gian dối như cáo buộc của Viện kiểm sát.
Từ những phân tích trên cho thấy, trước khi ký kết các hợp đồng, bị cáo không dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của những người bị hại, nên hành vi của bị cáo không cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như cáo trạng Viện kiểm sát truy tố.
[2.4] Tuy nhiên, sau khi nhận được các khoản tiền từ việc ký kết “Hợp đồng du học tự túc tại Hoa Kỳ”, “Hợp đồng du học tại Hoa Kỳ theo chương trình trao đổi văn hóa cấp độ Trung học” với những người có nhu cầu cho con đi du học tại Hoa Kỳ. Ngoài việc bị cáo chỉ sử dụng một số tiền nhỏ để chi phí cho việc nộp phí nhận thư mời “Form I-20” (200 USD đối với du học sinh tự túc và 180 USD đối với trao đổi du học sinh); phí xin thị thực 160 USD, phí dịch thuật hồ sơ cho 6 học sinh (trên 10 trường hợp học sinh), số tiền còn lại bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt để sử dụng cho mục đích cá nhân. Khi bị cáo bị bắt trong một vụ án khác, bị cáo không còn tiền để trả lại cho các bị hại.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo cho rằng thực tế số tiền mà bị cáo sử dụng chi phí làm thủ tục hồ sơ du học rất lớn, như chi phí chứng minh tài chính, chi phí ngoại giao làm hồ sơ, chi phí phải chuyển trước cho các Điều phối viên địa phương nơi các du học sinh học đi du học để họ hướng dẫn học sinh làm quen với nền văn hóa mới và việc sống ở nước ngoài (đối với “hợp đồng du học trao đổi văn hóa”). Mỗi trường hợp làm thủ tục hồ sơ, bị cáo chỉ hưởng công làm dịch vụ 500 USD, số tiền còn lại bị cáo chuyển hết cho các trường ở bên Mỹ nơi các học sinh đăng ký du học để chi phí cho mọi thủ tục hồ sơ xin cấp thư mời, visa và bị cáo đã chuyển số tiền này bằng hình thức qua thẻ BankRap tại Ngân hàng Vietcombank như trường hợp của các học sinh Lưu Hạnh Ng, Nguyễn Võ Thủy T, Triệu Vũ Hồng A, Lê Anh Th và Võ Mạnh T.
Tuy nhiên, bị cáo không cung cấp được tài liệu hoặc các giấy tờ về việc chuyển tiền như lời trình bày của bị cáo. Để làm rõ vấn đề này Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Khánh Hòa đã có biên bản xác minh ngày 13/4/2016 tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Khánh Hòa, Ngân hàng cho biết không có hình thức chuyển tiền nào cho du học sinh đi du học bằng cách chỉ cần cung cấp mã tài khoản. Các giao dịch chuyển tiền cho du học sinh ra nước ngoài đều phải thực hiện theo quyết định số 1194/QĐ-VCBTH&CĐKT ngày 05/10/2015 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (BL 94). Như vậy, việc bị cáo trình bày như trên là hoàn toàn không có căn cứ vì không xác thực.
Riêng 05 trường hợp học sinh còn lại là Lê Thị Thanh Ng, Trần Cao Tr, Trần Cao L2, Nguyễn Hoài T, Nguyễn Thị Thanh Th, bị cáo khai chưa chuyển tiền làm thủ tục hồ sơ sang các trường nơi các học sinh đăng ký du học mà số tiền này khi các phụ huynh của các học sinh nói trên chuyển vào tài khoản của bị cáo tại Ngân hàng TMCP Quân đội, chi nhánh Khánh Hòa và Ngân hàng Sacombank, phòng giao dịch T, thành phố N bị cáo không sử dụng cho việc làm hồ sơ du học mà ngay sau khi nhận được tiền bị cáo đã rút toàn bộ số tiền này và sử dụng cho mục đích cá nhân.
Đối với 2 trường hợp của chị Phạm Thị H và Vũ Thị Thu M, tuy đã thanh lý hợp đồng, nhưng bị cáo đã không trả số tiền còn lại “trong vòng 1 tháng” theo như thỏa thuận. Khi đến hạn các phụ huynh yêu cầu trả tiền thì bị cáo né tránh, khất hẹn. Lý giải điều này, bị cáo cho rằng bị cáo đang chờ các trường bên Mỹ chuyển trả lại tiền, mới có tiền trả cho các phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, quá trình điều tra cho thấy không có việc bị cáo chuyển bất cứ khoản tiền nào cho các trường nơi học sinh đăng ký học tại Hoa Kỳ. Mà bằng thủ đoạn gian dối này bị cáo đã chiếm đoạt số tiền còn lại trước khi thanh lý hợp đồng.
Hơn nữa, bị cáo cho rằng bị cáo ký hợp đồng du học tự túc với danh nghĩa công ty vì đây là hoạt động kinh doanh của công ty, nhưng bị cáo lại yêu cầu các phụ huynh học sinh chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của bị cáo. Hơn nữa, bị cáo cũng không mở sổ sách kế toán theo dõi, không hạch toán việc thu, chi, sử dụng khoản tiền này vào hoạt động kinh doanh của công ty. Điều đó cho thấy bị cáo thực hiện các hợp đồng này cho chính bản thân của bị cáo.
[2.5] Về số tiền mà bị cáo chiếm đoạt:
Đối với các khoản phí hồ sơ du học: Để làm hồ sơ đăng ký du học và trao đổi văn hóa ở cấp trung học tại Hoa Kỳ, bị cáo đã nộp các khoản phí như: Phí “SEVIS I-901” (200 USD đối với du học sinh tự túc và 180 USD đối với trao đổi du học sinh) để được nhận “Form I -20” ( theo bị cáo là phí xin thư mời); phí xử lý đơn thị thực 160 USD (còn gọi là đơn DS -160; bị cáo gọi là phí đăng ký phỏng vấn), khoản tiền trừ ra khi thanh lý hợp đồng hoặc trường hợp bị từ chối visa, thì số tiền còn lại bị cáo không chứng minh được bị cáo dùng vào việc gì.
Bị cáo khai bị cáo đã sử dụng số tiền còn lại để kinh doanh, nhưng bị cáo không chứng minh được. Điều đó cho thấy, sau khi bị cáo nhận được khoản tiền từ việc ký kết 09 hợp đồng du học tự túc với tổng số tiền là 3.146.464.380 đồng, bị cáo chỉ dùng một phần nhỏ trong khoản tiền này để chi phí cho việc làm hồ sơ du học, số tiền còn lại bằng thủ đoạn gian dối (như đã phân tích ở trên) bị cáo đã chiếm đoạt số tiền này và sử dụng cho mục đích cá nhân. Vì vậy, khi những người bị hại yêu cầu bị cáo trả lại số tiền còn lại theo cam kết trong hợp đồng thì bị cáo đã trì hoãn, khất hẹn vì không còn khả năng hoàn trả. Cụ thể như sau:
1. Ngày 16/10/2014, bị cáo ký kết Hợp đồng du học chương trình trao đổi văn hóa với chị Phạm Thị H đưa cháu Lưu Hạnh Ng đi du học tại Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ 15/8/2015-15/8/2016 và đã nhận số tiền 266.577.000đ. Trường hợp này Lưu Hạnh Ng đã tham gia phỏng vấn ngày 16/7/2015 nhưng kết quả không đạt, nên theo mục B của hợp đồng nếu học sinh bị từ chối visa, bên B sẽ bị trừ 3.200 USD. Các bên sẽ thanh lý hợp đồng và bên A phải hoàn trả lại số tiền còn lại là 9.300 USD trong vòng 1tháng, nhưng quá thời hạn bị cáo đã không trả được số tiền này vì bị cáo đã chiếm đoạt sử dụng cho cá nhân.
Xét thấy: Việc các bên thỏa thuận như trên là thỏa thuận theo hợp đồng, nên phải trừ khoản tiền này cho bị cáo, không thể quy kết bị cáo chiếm đoạt số tiền 3.200 USD như cáo buộc của Viện kiểm sát, ngoài số tiền bị cáo đã chiếm đoạt là 9.300 USD = 197.041.400 đồng (266.577.000đ – 69.353.600đ). (1) 2. Ngày 18/10/2014, bị cáo ký kết Hợp đồng du học tự túc với chị Võ Thị Thu Th đưa cháu Nguyễn Võ Thủy T đi du học tại Hoa Kỳ trong năm 2016 và đã nhận số tiền 419.860.600 đồng. Ngày 14/8/2015 Thủy T đã tham gia phỏng vấn nhưng không đạt, nên theo Điều 3 của hợp đồng, bên B sẽ bị trừ 2000 USD và bên A hoàn trả lại 11.500 USD. Do đây là sự thỏa thuận của các bên theo hợp đồng, nên phải trừ số tiền này cho bị cáo. Như vậy, số tiền còn lại mà bị cáo chiếm đoạt là: 376.514.600 đồng (419.860.600đ – 43.346.000đ). (2) 3. Ngày 10/4/2015, bị cáo ký kết Hợp đồng du học tự túc với chị Vũ Thị Thu M đưa cháu Triệu Vũ Hồng A đi du học tại Hoa Kỳ trong năm 2015, bị cáo đã nhận 13.860 USD = 297.407.880 đồng. Trường hợp này hai bên đã thanh lý hợp đồng vào ngày 13/8/2015 do chị M chờ 3 tháng nhưng chưa thấy thư mời phỏng vấn. Vì vậy, theo thỏa thuận hợp đồng hai bên thống nhất trừ 1.500 USD = 32.509.500 chi phí làm hồ sơ, số tiền còn lại 264.898.380 đồng (297.407.880đ – 32.509.500đ) bị cáo đã chiếm đoạt trước khi thanh lý hợp đồng. (3) 4. Ngày 21/4/2015, bị cáo đã ký kết Hợp đồng du học tự túc với chị Trương Lệ Kim L1 đưa cháu Lê Anh Th đi du học tại Hoa Kỳ trong năm 2015 và đã nhận 291.737.000 đồng. Trường hợp này bị cáo đã làm hồ sơ và Lãnh sự quán Hoa Kỳ đã xác nhận lịch hẹn phỏng vấn vào ngày 18/8/2015, nhưng Lê Anh Th không đến dự phỏng vấn (bị cáo khai chờ lần sau phỏng vấn). Bị cáo đã đóng hai khoản phí là: phí “SEVIS I-901” 200 USD và phí xử lý đơn thị thực 160 USD, tổng cộng là 360 USD = 7.920.000 đồng. Do vậy, số tiền còn lại mà cáo chiếm đoạt là: 283.817.000 đồng (291.737.000 đồng – 7.920.000 đồng) (4) Theo Công văn số 1413/SngV-LS ngày 22/11/2017 của Sở ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa trả lời: Có 06 trường hợp đã nộp phí thị thực để đăng ký phỏng vấn là 3.520.000 đồng. Như vậy, nếu quy đổi phí thị thực của Lãnh sự quán Hoa Kỳ quy định 160 USD, thì tỷ giá ngoại tệ USD/VND tại thời điểm bị cáo nộp phí là 22.000 đồng. Tỷ giá USD/VND do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa cung cấp tại công văn số 855/KHH-THNSKSNB ngày 27/10/2017 (BL 81, 110).
5. Ngày 18/6/2015, bị cáo đã ký kết Hợp đồng du học tự túc với chị Nguyễn Thị Tuyết Nh đưa cháu Lê Thị Thanh Ng đi du học tại Hoa Kỳ trong năm 2015 - 2016 và đã nhận số tiền 320.000.000 đồng. Trường hợp này bị cáo mới chỉ đăng ký trường học và đóng phí “SEVIS I-901” 200 USD = 4.400.000 đồng. Số tiền còn lại bị cáo đã chiếm đoạt là: 315.600.000 đồng (320.000.000 – 4.400.000 đồng). (5) 6. Ngày 02/7/2015, bị cáo đã ký kết Hợp đồng du học tự túc với chị Triệu Thị Tố Ng đưa Trần Cao Tr và Trần Cao L2 (các con bà Ng) đi du học tại Hoa Kỳ trong năm 2016 và đã nhận số tiền 567.840.000 đồng (26.000 USD) nhưng bị cáo chưa làm hồ sơ, bị cáo đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. (6) 7. Ngày 06/7/2015, bị cáo đã ký kết Hợp đồng du học tự túc với chị Kiều Thị M1 đưa cháu Võ Mạnh T đi du học tại Hoa Kỳ trong thời gian năm 2015 – 2016, bị cáo đã nhận số tiền 344.931.500 đồng để làm hồ sơ. Bị cáo chỉ mới đóng khoản phí “SEVIS I-901” 200 USD; trường hợp này Lãnh sự quán Hoa Kỳ xác nhận đã đóng phí xử lý đơn thị thực 160 USD, tổng cộng là 360 USD = 7.920.000 đồng. Số tiền còn lại bị cáo đã chiếm đoạt là: 337.011.500 đồng (344.931.500đ – 7.920.000đ). (7) 8. Ngày 29/5/2015 và ngày 04/8/2015, bị cáo đã ký kết 02 Hợp đồng du học theo chương trình trao đổi văn hóa với chị Lê Thị C đưa cháu Nguyễn Hoài T và Nguyễn Thị Thanh T (các con bà C) đi du học tại Hoa Kỳ trong năm 2016 - 2017 và đã nhận số tiền của 2 hợp đồng là 667.640.000 đồng, nhưng bị cáo chưa làm hồ sơ, bị cáo đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. (8) Tổng cộng số tiền bị cáo đã chiếm đoạt của 08 người bị hại nói trên: (1) + (2) + (3) + (4) + (5) + (6) + (7) + (8) = 3.010.362.880 đồng (Ba tỷ không trăm mười triệu ba trăm sáu mươi hai ngàn tám trăm tám mươi đồng).
Như vậy, sau khi nhận hợp đồng làm hồ sơ đăng ký du học tại Hoa Kỳ cho các phụ huynh học sinh, bị cáo chỉ sử dụng 136.101.500 đồng để chi phí cho việc thực hiện một số công việc theo hợp đồng, còn lại 3.013.342.780 đồng bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt, sử dụng cho cá nhân. Hành vi này của bị cáo có dấu hiệu cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Vì tội tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nhẹ hơn tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nên theo quy định tại khoản 2 Điều 298 của Bộ luật hình sự về giới hạn của việc xét xử, Tòa án có quyền chuyển tội danh và xét xử bị cáo.
[3] Về điều luật áp dụng: Hành vi phạm tội của bị cáo xảy ra vào ngày 16/10/2014 khi Bộ luật hình sự năm 1999 đang có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân, nhưng khoản 4 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Vì vậy, Hội đồng xét xử áp dụng Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội; khoản 3 Điều 7; khoản 4 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 để quyết định trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
[4] Về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội: Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, để có tiền sử dụng cho mục đích cá nhân, bị cáo đã lợi dụng sự tin tưởng của những người có nhu cầu cho con đi du học ở nước ngoài dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của họ. Hành vi của bị cáo không những đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân mà còn làm ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an xã hội. Vì vậy, cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian để bị cáo có thời gian tu dưỡng, sửa chữa bản thân, đồng thời răn đe và ngăn ngừa các hành vi tương tự khác trong xã hội.
[5] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo: Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thừa nhận hành vi sai phạm của bản thân và tỏ ra ăn năn hối hận về hành vi phạm tội của mình; bản thân chưa có tiền án, tiền sự; những người bị hại có mặt tại phiên tòa đề nghị Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Vì vậy, cần xem xét và áp dụng những tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật, giảm một phần hình phạt cho bị cáo để bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật mà an tâm cải tạo.
[6] Về trách nhiệm dân sự: Những người bị hại đề nghị bị cáo phải bồi thường số tiền mà bị cáo chiếm đoạt cụ thể như sau:
- Chị Phạm Thị H yêu cầu bồi thường 266.577.000 đồng.
- Chị Võ Thị Thu Th yêu cầu bồi thường 200.000.000 đồng.
- Chị Vũ Thị Thu M yêu cầu bồi thường 267.878.280 đồng.
- Chị Trương Lệ Kim L1 yêu cầu bồi thường 244.056.400 đồng (trừ cho bị cáo 2.200 USD chi phí làm hồ sơ: 291.737.000đ – 47.680.600đ).
- Chị Nguyễn Thị Tuyết Nh yêu cầu bồi thường 320.000.000 đồng.
- Chị Triệu Thị Tố Ng yêu cầu bồi thường 567.840.000 đồng.
- Chị Kiều Thị M1 yêu cầu bồi thường 297.250.900 đồng (trừ cho bị cáo 2.200 USD chi phí làm hồ sơ: 344.931.500đ – 47.680.600đ).
- Chị Lê Thị C yêu cầu bồi thường 70% số tiền bị cáo đã chiếm đoạt, tức là 667.640.000 đồng x 70% = 467.348.000 đồng.
Xét thấy: Mặc dù, tại phiên tòa chị Phạm Thị H vắng mặt nhưng quá trình điều tra chị Hạnh đã có lời khai và yêu cầu bồi thường; chị Lê Thị C, chị Triệu Thị Tố Ng và chị Nguyễn Thị Tuyết Nh có đơn xin xét xử vắng mặt và có yêu cầu bồi thường cụ thể, nên có sở để Tòa xem xét giải quyết.
[6.1] Các bị hại Võ Thị Thu Thủy, Trương Lệ Kim L1, Kiều Thị M1, Lê Thị C chỉ yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền như trên, đây là sự tự nguyện của các bị hại, không trái quy định của pháp luật, nên Hội đồng xét xử ghi nhận và buộc bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt như yêu cầu của các bị hại.
[6.2] Đối với yêu cầu của bị hại Vũ Thị Thu M và Triệu Thị Tố Ng là có căn cứ, nên buộc bị cáo phải bồi thường khoản tiền như người bị hại yêu cầu.
[6.3] Đối với bị hại Phạm Thị H, Nguyễn Thị Tuyết Nh yêu cầu bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt.
Như trên đã nhận định, 2 trường hợp này thực tế bị cáo đã đóng các khoản phí và theo hợp đồng, nếu bị từ chối visa sẽ bị trừ 1 khoản tiền (trường hợp của chị Hạnh). Do vậy, chỉ có cơ sở buộc bị cáo phải bồi thường cho chị Phạm Thị H 197.041.400 đồng và chị Nguyễn Thị Tuyết Nh 315.600.000 đồng.
Như vậy tổng số tiền bị cáo phải bồi thường cho những người bị hại là 2.557.014.980 đồng.
[7] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng và án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền phải bồi thường nói trên là 83.140.000 đồng.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố bị cáo Võ Thị Thu L phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Áp dụng khoản 4 Điều 175; điểm s khoản 1, khỏan 2 Điều 51; Điều 56; khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015; khoản 2 Điều 136; khoản 2 Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đối với bị cáo; áp dụng khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
2. Xử phạt: Bị cáo Võ Thị Thu L 12 (mười hai) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp với hình phạt 13 năm tù về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bản án số 150/2017/HSPT ngày 21/6/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 25 (hai mươi lăm) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam trong vụ án trước từ ngày 26/8/2015.
3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự 2015; Buộc bị cáo Võ Thị Thu L phải bồi thường 2.557.014.980 đồng (hai tỷ năm trăm năm mươi bảy triệu không trăm mười bốn nghìn chín trăm tám mươi đồng) cho những người bị hại. Cụ thể như sau:
1. Bị hại Phạm Thị H 197.041.400 đồng (một trăm chín bảy triệu không trăm bốn mươi mốt ngàn bốn trăm đồng).
2. Bị hại Võ Thị Thu Th 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng).
3. Bị hại Vũ Thị Thu M 267.878.280 đồng (hai trăm sáu mươi bảy triệu tám trăm bảy mươi tám ngàn hai trăm tám mươi đồng).
4. Bị hại Trương Lệ Kim L1 244.056.400 đồng (hai trăm bốn mươi bốn triệu không trăm năm mươi sáu ngàn bốn trăm đồng).
5. Bị hại Nguyễn Thị Tuyết Nh 315.600.000 đồng (ba trăm mười lăm triệu sáu trăm ngàn đồng).
6. Bị hại Triệu Thị Tố Ng 567.840.000 đồng (năm trăm sáu mươi bảy triệu tám trăm bốn mươi ngàn đồng).
7. Bị hại Kiều Thị M1 297.250.900 đồng (hai trăm chín bảy triệu hai trăm năm mươi ngàn chín trăm đồng).
8. Bị hại Lê Thị C 467.348.000 đồng (bốn trăm sáu mươi bảy triệu ba trăm bốn mươi tám ngàn đồng).
4. Về án phí: Bị cáo phải nộp 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 83.140.000 đồng (tám mươi ba triệu một trăm bốn mươi ngàn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
5. Quy định chung: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) nếu người phải thi hành án chậm trả tiền thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
6. Quyền kháng cáo: Bị cáo, những người bị hại có mặt tại tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ nhận được bản án để yêu cầu Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử lại theo trình tự phúc thẩm.
Bản án 42/2019/HS-ST ngày 23/07/2019 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Số hiệu: | 42/2019/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Khánh Hoà |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 23/07/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về