Bản án 410/2017/DS-ST ngày 14/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 12, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 410/2017/DS-ST NGÀY 14/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Trong các ngày 31 tháng 8 năm 2017 và 14 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 452/2013/TLST-DS ngày 05 tháng 11 năm 2013 về tranh chấp “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số:224/2017/QĐXXST-DS ngày 11 tháng 7 năm 2017 và Quyết định hoãn phiên tòa 188/2017/QĐST-DS ngày 10/8/2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Lại Thế Đ, sinh năm: 1977.

Thường trú: Tổ 31, Khu phố N, phường H, Quận P, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt).

2. Bị đơn: Ông Đào Văn Ư, sinh năm: 1963.

Thường trú: Khu phố M, phường H, Quận P, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt).

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1/ Bà Nguyễn Thị Minh H, sinh năm: 1981.Thường trú: Khu phố M, phường H, Quận P, Thành  phố Hồ Chí Minh. (Có đơn xin vắng mặt).

2/ Bà Đào Thị T, sinh năm: 1965.

Thường trú: Khu phố M, phường H, Quận P, Thành  phố Hồ Chí Minh. (Có đơn xin vắng mặt).

4. Người làm chứng:

1/ Ông Đào Văn T, sinh năm: 1927.

Thường trú: Khu phố 7,phường X, quận N, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có đơn xin vắng mặt).

2/ Bà Đào Thị Hồng T, sinh năm: 1986.

Thường trú: Khu phố M,phường H, Quận P, Thành  phố Hồ Chí Minh. (Có đơn xin vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

*Trong đơn khởi kiện ngày 25/10/2013, các bản tự khai, biên bản hòa giải ngày 04/3/2014 và biên bản không tiến hành hòa giải được ngày 11/7/2017 nguyên đơn ông Lại Thế Đ trình bày:

Vào thời điểm trước ngày 23/11/2011, ông có vay ông Đào Văn Ư 04(bốn) lượng vàng SJC và 100.000.000 (một trăm triệu) đồng với lãi suất là 3%/tháng. Nhưng do ông không nhớ rõ nên ông ghi trong đơn khởi kiện và biên bản khai là 110.000.000 (một trăm mười triệu) đồng. Ngày 23/11/2011, ông cho ông Ư vay lại số tiền 510.000.000 (năm trăm mười triệu) đồng, với lãi suất2%/tháng.

Nay ông có những yêu cầu sau:

1/ Ông đồng ý trả cho ông Đào Văn Ư số tiền mà ông đã vay của ông Ư là 04 (bốn) lượng vàng SJC và 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.

2/ Yêu cầu Tòa án buộc ông Đào Văn Ư  phải trả cho ông số tiền mà ông Ư đã vay của ông là 510.000.000 (năm trăm mười triệu) đồng và tiền lãi suất tạm tính từ tháng 23/12/2011đến ngày 14/9/2017 là 69,7 tháng.Lãi suất theo quy định là 1,125%/tháng bằng tổng số tiền lãi là 399.903.750 (ba trăn chín mươi chín triệu, chín trăm lẻ ba ngàn, bảy trăm năm mươi) đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi là: 909.903.750 (chín trăm lẻ chín triệu, chín trăm lẻ ba ngàn, bảy trăm năm mươi) đồng.

Ngoài ra, ông chốt lại yêu cầu của mình là không yêu cầu Tòa án tiến hành giám định lại chữ ký  của ông  Đào  Văn  Ư trong  giấy vay tiền ngày 23/11/2011 tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại Hà Nội.

* Bị đơn ông Đào Văn Ư trình bày tại bản tự khai, biên bản hòa giải và đơn phản tố như sau:

Ông Lại Thế Đ là cháu bà con bên vợ ông. Do ông thấy ông Đ ở quê nghèo khổ nên đã đưa ông Đ từ quê vào Sài Gòn làm ăn và cưu mang, lo công ăn việc làm cho ông Đ trong những ngày đầu mới vào Sài Gòn.

Vì là chỗ họ hàng nên khi ông Đ cần tiền làm kinh doanh cầm đồ, ông đã cho ông Đ vay tất cả 04 lần tiền và vàng. Cụ thể:

Lần 1: Ngày 17/8/2011, ông cho ông Đ vay 40.000.000 (bốn mươi triệu) đồng; Lần 2: Ngày 22/9/2011, ông cho ông Đ vay 03 (ba) lượng vàng SJC;

Lần 3: Ngày 28/11/2011, ông cho ông Đ vay 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng.

Lần 4: Ngày 01/01/2012, ông cho ông Đ vay 10.000.000 (mười triệu) đồng và 01 (một) lượng vàng SJC, nhưng khi làm giấy thì ông Đ lại ghi ngày 30/9/2011. Ông có hỏi ông Đ tại sao không ghi đúng ngày mà lại ghi lùi ngày thìông Đ trả lời là ghi vậy để cháu dễ tính toán với vợ. Cũng vì tin tưởng nên ông không nghi ngờ gì về việc này.

Như vậy, tổng cộng cả 04 lần ông cho ông Đ vay là 100.000.000 (một trăm triệu) đồng và 04 lượng vàng SJC. Cả 04 lần vay ông Đ đều làm giấy vay viết tay. Không ghi thời hạn vay nhưng hai bên thỏa thuận miệng khi nào ông cần thì báo cho ông Đ biết trước 01 tháng. Hai bên cũng thỏa thuận miệng lãi suất 3%/tháng.

Sau khi vay 02 lần đầu, đến ngày 23/11/2011, ông Đ trả cho ông 10.000.000 (mười triệu) đồng tiền lãi, khi trả lãi, ông Đ đưa cho ông tờ giấy trắng có ghi “10.000.000 đ”, phía dưới ghi dòng chữ “Người nhận tiền” và yêu cầu ông ký nhận. Vì là người nhà, tin tưởng ông Đ nên ông đã ký tên.

Đến ngày 28/11/2011, ông Đ tiếp tục vay 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng, ngày 01/01/2012 ông Đ vay thêm 10.000.000 (mười triệu) đồng và 01 lượng vàng SJC. Từ đó đến nay ông Đ không trả thêm cho ông đồng tiền lãi nào, cũng không trả nợ gốc. Ông đã nhiều lần đến nhà đòi nợ nhưng ông Đ cố tình lẩn tránh không trả. Vì vậy, không có chuyện ông lại đi vay tiền của ông Đ.

Ông khẳng định, giấy vay tiền đề ngày 23/11/2011 là hoàn toàn giả mạo bởi các lý do sau:

Thứ nhất: Ngày 17/8/2011 và ngày 22/9/2011 ông cho ông Lại Thế Đ vay hai lần, tổng cộng là 40.000.000 (bốn mươi triệu) đồng và 03 lượng vàng. Giả sử ngày 23/11/2011 ông Đ có tiền thì tại sao không trả cho ông mà lại cho ông vay?

Không thể có chuyện ông Đ vay rồi ông lại đi vay của ông Đ rồi đến ngày 28/11/2011 ông lại cho ông Đ vay 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng và ngày 01/01/2012 cho ông Đ vay tiếp 10.000.000 (mười triệu) đồng và 01 lượng vàng SJC.

Thứ hai: Không thể có chuyện ông Đ vay của ông với lãi suất là 3%/tháng mà lại cho ông vay với lãi suất 2%/tháng, trong khi đó ông Đ là người làm nghề cầm đồ không thể có chuyện vô lý như thế.

Thứ ba: Theo đơn khởi kiện, ông Đ không thừa nhận việc vay tiền của ông có lãi suất thì cũng không thể có chuyện ông cho ông Đ vay không lãi suất mà sau đó đi vay lại của ông Đ với lãi suất 2%/tháng. Nếu như thế thì ngày 28/11/2011 và ngày 01/01/2012 có tiền ông phải trả cho ông Đ để bớt nợ, bớt lãi suất chứ tại sao lại cho ông Đ vay thêm 60.000.000 (sáu mươi triệu) đồng và 01 lượng vàng?.

Thứ tư: Nếu ông nợ ông Đ số tiền trên thì tại sao từ ngày vay đến nay dù chưa trả nợ gốc và lãi mà ông Đ chưa một lần đòi nợ ông? Trong khi đó nhiều lần ông đến nhà đòi nợ thì ông Đ cố ý lánh mặt.

Thứ năm: Nếu ông và ông Đ có nợ qua nợ lại nhau thì tại sao trong đơn khởi kiện, ông Đ không xác định trả số vàng vay của ông bằng vàng mà lại quy ra tiền với giá là 44.500.000 (bốn mươi bốn triệu, năm trăm ngàn) đồng/ lượng. Trong khi đó giá vàng SJC tại thời điểm khởi kiện chỉ khoảng 35.000.000 (ba mươi lăm triệu) đồng/lượng.

Vì vậy, từ những lý do hết sức mâu thuẫn như đã nói ở trên, ông khẳng định giấy vay tiền đề ngày 23/11/2011 là hoàn toàn giả mạo. Ông không vay tiền của ông Đ.

Có thể ngày 23/11/2011 khi ông Đ trả cho ông 10.000.000 (mười triệu) đồng tiền lãi và đưa cho ông tờ giấy trắng có ghi số “10.000.000 đ”,  phía dưới ghi dòng chữ “Người nhận tiền” và yêu cầu ông ký nhận. Sau khi ông ký nhận, ông Đ đã ghi thêm các nội dung khác vào.

Nay ông Lại Thế Đ khởi kiện yêu cầu ông trả số tiền ông vay của ông Đ là 510.000.000  (năm  trăm  mười  triệu) đồng theo giấy vay tiền đề ngày 23/11/2011 và tiền lãi tính từ 23/12/2011 cho đến ngày xét xử, sau khi cấn trừ số tiền và vàng mà ông Đ vay của ông thì ông phải trả cho ông Đ gốc 222.000.000

(hai trăm hai mươi hai triệu) đồng, và lãi thì ông không đồng ý vì ông không vay của ông Đ và cũng không ký tên trên giấy vay số tiền 510.000.000 (năm trăm mười triệu) đồng đề ngày 23/11/2011. Giấy vay tiền mà ông Đ cung cấp cho Tòa án là hoàn toàn giả mạo.

Vợ chồng ông Đ còn nợ vợ chồng ông số tiền 100.000.000 (một trăm triệu) đồng và 04 (bốn) lượng vàng SJC. Nay ông yêu cầu vợ chồng ông Đ  phải trả cho ông số tiền nêu trên và lãi của khoản tiền ông đã cho ông Đ vay, riêng vàng ông không yêu cầu lãi.

Ông yêu cầu Tòa án giám định tờ giấy vay nợ ngày 23/11/2011.

*Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Minh H có ý kiến trình bày như ý kiến của chồng bà là ông Lại Thế Đ.

*Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Đào Thị T có ý kiến trình bày như ý kiến của chồng là ông Đào Văn Ư. và trình bày thêm tại bản tự khai ngày 06/01/2014 như sau:

Bà là vợ của ông Đào Văn Ư, còn ông Lại Thế Đ là cháu bà con của bà. Do vợ chồng bà thấy ông Đ ở quê nghèo khổ nên đã đưa ông Đ từ quê vào Sài Gòn làm ăn và cưu mang, lo công ăn việc làm cho ông Đ trong những ngày đầu mới vào Sài Gòn.

Việc chồng bà cho ông Đ vay 04 lần tiền thì bà đều được ông Ư báo cho bà biết. Sau khi vay ông Đ không trả nên ông Ư nhiều lần đến đòi nợ trong đó có lần ông Ư đòi nợ ngay trước mặt cha mẹ bà, đòi đánh ông Đ.

Còn việc ông Đ cho ông Ư vay tiền là hoàn toàn không có vì vợ chồng bà không làm ăn gì, cũng không nợ ai nên không có nhu cầu cần số tiền lớn như vậy. Hơn nữa nếu ông Ư có vay thì ông Đ là cháu bà, phải báo cho bà biết. Khi ông Ư không trả nợ thì ông Đ phải đến đòi nhưng bà lại không thấy ông Đ đòi nợ hay nhắc bà về số nợ trên.

Nay ông Lại Thế Đ yêu cầu ông Ư trả số tiền mà ông Đ nói ông Ư vay của ông Đ, bà không đồng ý và cũng không chịu trách nhiệm liên đới trả cùng ông Ư số nợ trên vì bà khẳng định ông Ư không vay tiền của ông Đ và với số tiền lớn như vậy thì nếu vay bà phải biết nhưng đây bà hoàn toàn không biết.

Yêu cầu ông Đ  phải trả cho vợ chồng bà số tiền mà ông Đ đã vay của vợ chồng bà.

*Tại bản tự khai ngày 13/5/2016 người làm chứng là ông Đào Văn T trình bày:

Trưa ngày 05/02/2013 ông Lại Thế Đ tới nhà ông chơi chưa kịp ngồi thì vô tình ông Đào Văn Ư là con rể của ông đến. Thấy ông Ư tới ông Đ bỏ ra về, thấy ông Đ về ông Ư yêu cầu ông Đ ở lại nói chuyện trả tiền và vàng cho ông Ư. Trong khi nói chuyện ông Ư bức xúc đã đánh ông Đ, ông Đ quỳ lạy và ôm vào ông van xin ông Ư tha cho để về thu xếp trả tiền và vàng cho ông Ư. Lúc này ông Ư đã buông tha không đánh ông Đ nữa. Ngày hôm sau ông Đ viết đơn thưa ông Ư ra Công an Phường 17, Gò Vấp và Công an  phường 17 đã đến gia đình ông để điều tra sự việc. Sau đó Công an  Phường 17 có mời hai bên ra phường hòa giải. Ông nhận thấy ông Đ mới là người vay tiền của ông Ư. Ông Ư không mượn tiền của ông Đ.

Lời khai trên đây của ông là đúng sự thật.

*Tại bản tự khai ngày 16/8/2016, người làm chứng là bà Đào Thị Hồng T trình bày:

Trong bản tự khai và đơn  phản tố của ông Đào Văn Ư là bố của bà đã trình bày trước Tòa là từ tháng 11/2011 đến 01/01/2012 gia đình bà có cho ông Đ vay số tiền là 100.000.000 (một trăm triệu) đồng và 04 (bốn) lượng vàng SJC. Ông Ư đã nhiều lần tới nhà ông Đ đòi nhưng ông Đ không tiếp và cố tình lẩn tránh để không gặp. Ngày 01/01/2013 bà là con gái của ông Ư nên đã tới nhà ông Đ nói chuyện và yêu cầu ông Đ trả lại tiền cho bố bà. Lúc đầu ông Đ không thừa nhận là có vay vàng của bố bà. Sau một hồi tranh cãi, đôi co, thuyết  phục khi bà chuẩn bị ra về thì ông Đ có nói với bà là gia đình ông Đ thù bố bà không cho ông ngoại bà mua mảnh đất gần nhà ông Đ nên ông Đ không trả tiền và vàng cho bố bà.

Qua sự việc nói trên bà nhận thấy ông Đ là người dối trá. Lời khai trên đây của bà là đúng sự thật.

Tại phiên tòa:

Ông Lại Thế Đ vẫn giữ nguyên ý kiến và yêu cầu trước đây đã trình bày tại Tòa án. Ông trình bày thêm rằng:

Ông vay của ông Ư số tiền 100.000.000 (một trăm triệu) đồng, nhưng ông đã trả cho ông Ư 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng, khi trả tiền cho ông Ư ông không làm giấy tờ ký nhận. Nhưng bằng chứng cho việc trả tiền là tờ giấy vay tiền ngày 17/8/2011 có ghi số nợ ông nợ của ông Ư 40.00.000 (bốn mươi triệu) đồng đã bị đốt, khi ông trả cho ông Ư 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng nên ông đã tự tay đốt tờ giấy vay tiền đó đi nhưng ông Ư đã giập lửa đi và giữ lại tờ giấy vay tiền này. Ông cũng không trả cho ông Ư số tiền lãi 15.000.000 (mười lăm triệu) đồng như ông Ư khai trước Tòa. Ông yêu cầu Tòa án giải quyết cho ông các vấn đề sau:

1/ Ông đồng ý trả cho ông Đào Văn Ư số tiền mà ông đã vay của ông Ư là 04 (bốn) lượng vàng SJC và 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng.

2/ Yêu cầu Tòa án buộc ông Đào Văn Ư  phải trả cho ông số tiền mà ông Ư đã vay của ông là 510.000.000 (năm trăm mười triệu) đồng và tiền lãi suất tạm tính từ tháng 12/2011 đến ngày 14/9/2017 là 69,7 tháng. Lãi suất theo quy định là 1,125%/tháng bằng tổng số tiền lãi là 399.903.750 (ba trăn chín mươi chín triệu, chín trăm lẻ ba ngàn, bảy trăm năm mươi) đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi là: 909.903.750 (chín trăm lẻ chín triệu, chín trăm lẻ ba ngàn, bảy trăm năm mươi) đồng.

3/ Tại phiên tòa ngày 31/8/2017 ông có trình bày: Những lần trước tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp nhận, công khai chứng cứ ông không yêu cầu Tòa án tiến hành trưng cầu giám định chữ ký thêm lần nữa. Tuy nhiên, sau một phần xét hỏi tại phiên tòa ông thấy ông Ư ký nhiều chữ ký khác nhau nên ông yêu cầu Tòa án tiến hành trưng cầu giám định thêm chữ ký của ông Ư vì ông biết có một nơi đang giữ chữ ký của ông Ư cùng thời điểm ông Ư vay tiền của ông. Do vậy ông sẽ đi thu thập chứng cứ làm bằng chứng để tiếp tục yêu cầu giám định chữ ký của ông Ư. Đề nghị Hội đồng xét xử cho ông thời gian đi thu thập chứng cứ.

Ông Đào Văn Ư vẫn giữ nguyên ý kiến và yêu cầu như đã trình bày trước đây tại Tòa án. Ông có các yêu cầu sau:

1/ Không đồng ý trả tiền theo yêu cầu của ông Đ vì ông không vay của ông Đ. Trước đây ông nghĩ là do ông ký vào một tờ giấy khác và ông Đ đã viết thêm nên đã trình bày rằng chữ ký trong tờ giấy vay tiền ngày 23/11/2011 có thể là của ông. Tuy nhiên, sau đó không tin chữ ký đó là của mình nên ông đã đề nghị được giám định chữ ký của mình và khi giám định không ra kết quả vì vậy ông khẳng định ông không vay số tiền của ông Đ trong tờ giấy vay tiền ngày 23/11/2011. Ông chưa bao giờ khẳng định mình ký nhận vay của ông Đ số tiền 510.000.000 (năm trăm mười triệu) đồng.

2/ Yêu cầu Hội đồng xét xử buộc ông Đ phải trả cho ông số tiền mà ông Đ đã vay của ông cụ thể gồm 100.000.000 (một trăm triệu) đồng và 04 (bốn) lượng vàng SJC.

Cụ thể thời gian vay như sau:Lần 1: Ngày 17/8/2011 ông Đ vay ông Ư 40.000.000 (bốn mươi triệu) đồng. Tính đến ngày xét xử là 72 tháng 27 ngày. Lãi suất 1.125%/tháng, tính thành tiền lãi là 32.805.000 (ba mươi hai triệu, tám trăm lẻ năm ngàn) đồng. Tổng cả gốc và lãi của 40.000.000 đồng là 72.805.000 (bảy mươi hai triệu, tám trăm lẻ năm ngàn) đồng.

Lần 2: Ngày 22/9/2011 ông Đ vay của ông Ư 03 (ba) lượng vàng SJC.

Lần 3: Ngày 28/11/2011 ông Đ vay của ông Ư số tiền là 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng. Tính đến ngày xét xử là 69 tháng 16 ngày. Lãi suất 1.125%/tháng, tính thành tiền lãi là 39.110.625 (ba mươi chín triệu, một trăm mười ngàn,sáu trăm hai mươi lăm) đồng.Tổng cả gốc và lãi của 50.000.000 đồng là 89.110.625 (tám mươi chín triệu, một trăm mười ngàn, sáu trăm hai mươi lăm) đồng.

Lần 4: Ngày 01/01/2012 ông Đ vay của ông Ư số tiền là 10.000.000 (mười triệu) đồng và 01 (một) lượng vàng SJC. Nhưng ông Đ ghi thành ngày 30/9/2011. Tuy nhiên ông Ư cho vay ngày 01/01/2012 nên ông Ư tính theo ngày này. Do vậy, tính đến ngày xét xử là 68 tháng 14 ngày. Lãi suất 1,125%/tháng, tính thành tiền lãi là 7.701.750 (bảy triệu, bảy trăm lẻ một ngàn, bảy trăm năm mươi) đồng. Tổng cả gốc và lãi của 10.000.000 đồng là 17.701.750 (mười bảy triệu, bảy trăm lẻ một ngàn, bảy trăm năm mươi) đồng.

Trừ đi số tiền lãi ông đã nhận của ông Đ là 15.000.000 (mười lăm triệu) đồng. Tổng cộng số tiền gốc và lãi mà ông Đ phải trả ông là: 164.617.375 (một trăm sáu mươi bốn triệu, sáu trăm mười bảy ngàn, ba trăm bảy mươi lăm) đồng và 04 (bốn) lượng vàng SJC theo thời giá hiện tại.

Ngoài ra ông không có yêu cầu gì thêm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 12, Thành  phố Hồ Chí Minh  phát biểu ý kiến về việc tuân theo  pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và việc chấp hành  pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.

Về nội dung vụ án, Vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu khởi kiện của nguyên đơn, không chấp nhận lời trình bày đã trả bị đơn số tiền 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

1/ Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án:

Các đương sự tranh chấp với nhau về việc vay tài sản (tiền). Đây là quan hệ pháp luật “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Bị đơn hiện đang cư trú tại Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Căn cứ vào các Điều 26, 35, 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với các đương sự có đơn xin vắng mặt tại  phiên tòa xét xử, Hội đồng xét xử căn cứ vào Khoản 1, Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để xét xử vắng mặt.

2/ Về các yêu cầu của đương sự:

Căn cứ vào lời khai của các đương sự; căn cứ vào các giấy tờ, tài liệu do các đương sự cung cấp và Tòa án thu thập được có đủ cơ sở để xác định:

Đối với yêu cầu khởi kiện của ông Lại Thế Đ:

Xét tờ giấy vay tiền ngày 23/11/2011 có nội dung: ông Lại Thế Đ cho ông Đào Văn Ư vay số tiền là 510.000.000 (năm trăm mười triệu) đồng. Mục đích của ông Ư vay là tiêu xài cá nhân ông Ư, ông Ư đã nhận tiền ngày 23/11/2011, lãi suất là 2%/tháng và thời hạn vay là 02 (hai) tháng ông Ư sẽ trả cả vốn và lãi cho ông Đ.

Trong quá trình thu thập chứng cứ, tất cả các buổi Tòa án mời các bên lên làm việc ông Đào Văn Ư đều không công nhận số nợ mà ông Đ khởi kiện ông. Ông đưa ra các lý do như: trước và sau ngày 23/11/2011 ông có cho ông Đ vay tiền và vàng nên có thể vào ngày ông Đ trả cho ông tiền lãi ông đã ký vào tờ giấy ông Đ trả tiền lãi cho ông và ông Đ đã tự ý ghi thêm vào tờ giấy này với nội dung ông vay nợ của ông Đ hoặc vào các ngày 17/8/2011 và 22/9/2011 ông Ư cho ông Đ vay tổng cộng hai lần là 40.000.000 (bốn mươi triệu) đồng và 03 (ba) lượng vàng SJC nhưng ông Đ chưa trả số tiền vàng này cho ông Ư mà lại cho ông Ư vay tiền của mình là vô lý. Hai bên thỏa thuận ông Đ vay của ông Ư với lãi suất 3%/tháng nhưng ông Đ chỉ cho ông Ư vay với lãi suất là 2%/tháng… Từ những lý do trên mà ông Ư không công nhận mình vay tiền của ông Đ và không đồng ý trả số nợ 510.000.000 (năm trăm mười triệu) đồng mà ông Đ khởi kiện.

Ông Ư khẳng định mình không vay tiền của ông Đ và đã làm đơn yêu cầu Tòa án tiến hành giám định tờ giấy vay tiền ngày 23/11/2011.Tại Quyết định trưng cầu giám định 03/2014/QĐ-TCGĐ  ngày 26/3/2014 của Tòa án nhân dân Quận 12 có nội dung như sau: “Thời điểm viết dòng chữ “10.000.000 đ” ở dòng thứ 03 trang thứ 2 từ trên xuống và các nội dung còn lại của Giấy vay tiền ngày 23/11/2011 có viết cùng thời điểm không? Và chữ số “10.000.000 đ” so với các chữ số khác của hai mặt tờ giấy vay tiền ngày 23/11/2011 thì chữ nào viết trước, chữ nào viết sau? Mực dùng để viết dòng chữ “10.000.000 đ” ở dòng thứ 03 trang thứ 2 từ trên xuống và mực dùng để viết các nội dung còn lại của Giấy vay tiền ngày 23/11/2011 là có cùng màu mực của cùng một cây viết hay không”.

Tại bản Kết luận giám định số 845/C54B ngày 07/5/2014 của Viện Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh Tổng cục cảnh sát PCTP có nội dung kết luận giám định như sau: “Không có dấu vết tẩy xóa, sữa chữa, điền thêm, không khác nhau về màu mực của dãy số “10.000.000 đ” (tại trang 2, dòng thứ 3 từ trên xuống) so với chữ viết còn lại trên nội dung “Giấy vay tiền” đề ngày 23/11/2011”.

Ngày 24/11/2015 ông Đào Văn Ư tiếp tục có đơn yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định chữ ký trong tờ Giấy vay tiền đề ngày 23/11/2011 có  phải là do ông ký không? Tốc độ viết có khoảng cách chữ, khoảng cách dòng giữa mặt trước so với mặt sau giấy vay tiền đề ngày 23/11/2011 để xác định có  phải ông Lại Thế Đ đã ghi chèn vào phía trên của dòng chữ “Người nhận tiền” hay không?

Ngày 01/12/2015 Tòa án nhân dân Quận 12 đã ban hành Quyết định trưng cầu giám định số 28/2015/QĐ-TCGĐ về việc yêu cầu Phân viện khoa học hình sự - Bộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh giám định nội dung như yêu cầu trên của ông Đào Văn Ư.

Ngày 24/02/2016 Phân viện Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh Tổng cục cảnh sát đã có Kết luận giám định số 27/C54B với kết luận giám định như sau: “-Không kết luận được chữ kỹ mang tên Đào Văn Ư dưới mục “Người nhận tiền” trên “Giấy vay tiền” đề ngày 23/11/2011 so với chữ ký đứng tên Đào Văn Ư trên 08 tài liệu mẫu so sánh là có  pH do cùng một người ký ra hay không. – Không kết luận được có dấu hiệu điền thêm nội dung trên dòng chữ “người nhận tiền” trên “Giấy vay tiền” đề ngày 23/11/2011 hay không”.

Ngày 01/6/2016 ông Đào Văn Ư tiếp tục có đơn yêu cầu Tòa án tiến hành trưng cầu giám định với nội dung: “Giám định tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an chữ trong tờ giấy vay tiền đề ngày 23/11/2011 có phải chữ ký của ông hay không và giám định chữ viết mặt trước và mặt sau tờ giấy vay tiền có phải viết cùng thời điểm và cùng một bút viết ra hay không?”.

Ngày 06/6/2016 Tòa án nhân dân Quận 12 ban hành Quyết định trưng cầu giám định số 15/2016/QĐ-TCGĐ yêu cầu Viện Khoa học hình sự Bộ Công an (địa chỉ: 99 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) trưng cầu giám định nội dung nêu trên.

Ngày 25/7/2016 Viện Khoa học hình sự Tổng cục cảnh sát ban hành bản Kết luận giám định số 241/C54-P5 để kết luận nội dung giám định nêu trên như sau: “Không đủ cơ sở kết luận chữ ký mang tên Đào Văn Ư trên tài liệu ký hiệu A (giấy vay tiền ngày 23/11/2011) so với chữ ký của ông Đào Văn Ư trên các tài liệu đã ký hiệu từ M1 đến M12 có phải do cùng một người ký ra không. Không xác định được chữ viết tại mặt trước và mặt sau trên tài liệu ký hiệu A có phải viết cùng thời điểm hay không. Không đủ cơ sở kết luận chữ viết tại mặt trước và mặt sau trên tài liệu ký hiệu A có phải cùng một bút viết ra hay không”.

Ngày 22/11/2016 ông Lại Thế Đ có đơn yêu cầu Tòa án tiến hành thủ tục trưng cầu  giám định với nội dung: “Yêu cầu  Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh giám định chữ ký và chữ viết của ông Đào Văn Ư trong tờ giấy vay tiền ngày 23/11/2011 so với những mẫu chữ mà ông Đ yêu cầu giám định”.

Ngày 20/12/2016 Tòa án nhân dân Quận 12 ban hàng Quyết định trưng cầu giám định số 28/2016-TCGĐ yêu cầu  Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh trưng cầu giám định nội dung nêu trên.

Ngày 16/02/2017 Phân viện Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh Tổng cục cảnh sát ban hành Kết luận giám định số 287/C54B. Nội dung kết luận như sau:“Không có đủ cơ sở kết luận chữ ký mang tên Đào Văn Ư, chữ viết họ tên “Đào Văn Ư”dưới mục “người nhận tiền” trên tài liệu cần giám định “Giấy vay tiền” đề ngày 23/12/2011 (ký hiệu A) so với chữ ký, chữ viết đứng tên Đào Văn Ư trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M7 có pH do cùng một người ký và viết ra hay không”. Tại bản kết luận này có nhầm lẫn về tháng của tờ giấy vay tiền nên  Phân viện Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn số 254/C54B ngày 13/9/2017 về việc đính chính lại phần sai sót về tháng của tờ giấy vay tiền thực tế là ngày 23/11/2011.

Ngày 06/3/2017 ông Lại Thế Đ tiếp tục làm đơn đề nghị Tòa án tiến hành trưng cầu giám định: “Chữ ký và chữ viết họ tên của ông Đào Văn Ư có cùng một mẫu ký và viết họ tên hay không?” kèm theo là yêu cầu giám định các mẫu chữ ký khác lần trước.

Ngày 15/3/2017 Tòa án nhân dân Quận 12 ban hành Quyết định trưng cầu giám định  07/2017/QĐ-TCGĐ trưng cầu giám định nội dung nêu trên. Ngày 20/4/2017 Phân viện KHHS tại Thành  phố Hồ Chí Minh Tổng cục cảnh sát ban hành Kết luận giám định số 1283/C54B. Nội dung kết luận:“Không kết luận được chữ ký, chữ viết tên “Đào Văn Ư”dưới mục“Người nhận tiền”trên “Giấy vay tiền” đề ngày 23/11/2011 (ký hiệu A) so với chữ ký chữ viết đứng tên Đào Văn Ư trên 05 tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu M1 đến M5) là có phải do cùng người ký và viết ra không”.

Như vậy, trong tổng số 05 lần Tòa án tiến hành trưng cầu giám định theo yêu cầu trưng cầu giám định của ông Đào Văn Ư là 03 lần và ông Lại Thế Đ là 02 lần đều không kết luận chữ ký và chữ viết của ông Đào Văn Ư trong tờ giấy  vay tiền ngày 23/11/2011 có phải là do ông Đào Văn Ư ký hay không.

Ông Lại Thế Đ cho rằng trước đó ông Đào Văn Ư đã thừa nhận chữ ký trong tờ giấy vay tiền ngày 23/11/2011 là do ông Đào Văn Ư ký tên vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông. Tuy nhiên, tại các buổi Tòa án mời các Đương sự tới làm việc thì ông Đào Văn Ư đều khẳng định không có việc ông vay của ông Lại Thế Đ số tiền 510.000.000 (năm trăm mười triệu) đồng. Tại bản tự khai ngày 06/01/2014  và biên bản hòa giải ngày 04/3/2014  ông Ư đều trình bày rằng: “…Sau khi vay 02 lần đầu, đến ngày 23/11/2011 anh Đ trả cho tôi 10.000.000 (mười triệu) đồng tiền lãi, khi trả lãi, anh Đ đưa cho tôi tờ giấy trắng có ghi“10.000.000 đ”, phía dưới ghi dòng chữ “Người nhận tiền” và yêu cầu tôi ký nhận. Vì tin tưởng người nhà, tin tưởng anh Đ nên tôi đã ký tên”.Như vậy, việc ông Lại Thế Đ cho rằng những lời khai trên của ông Đào Văn Ư là khẳng định chữ ký của ông trong tờ giấy vay tiền 23/11/2011 là không có cơ sở. Bởi vì rất nhiều lý do:

Thứ nhất: Như đã phân tích ở trên, tất cả các lần Tòa án trưng cầu giám định chữ ký là do hai bên Đương sự yêu cầu tự nguyện và tự chọn mẫu chữ ký của ông Đào Văn Ư để Tòa án gửi tới cơ quan có thẩm quyền giám định chữ ký và chữ viết của ông Ư nhưng trong tất cả những lần giám định trên đều không giám định ra được chữ ký của ông Đào Văn Ư và chữ viết Đào Văn Ư trong tờ giấy vay tiền ngày 23/11/2011 có phải là do ông Đào Văn Ư ký và viết không?

Thứ hai: Trong tất cả các buổi Tòa án tiến hành làm việc như lấy lời khai, hòa giải và đối chất ông Đào Văn Ư đều khẳng định rằng mình đã có lần ký vào tờ giấy trắng có ghi “10.000.000 đ” chứ không phải ông Ư khẳng định mình ký vào tờ giấy có ghi số tiền 510.000.000 (năm trăm mười triệu) đồng. Nên Hội đồng xét xử không đủ cơ sở để khẳng định ông Đào Văn Ư có thừa nhận mình đã ký tên vào tờ giấy ghi số tiền 510.000.000 (năm trăm mười triệu) đồng;

Thứ ba: Việc ông Ư trình bày Hội đồng xét xử cũng thấy được là có lý. Như, trước ngày 23/11/2011 ông Lại Thế Đ đã vay của ông Đào Văn Ư số tiền 100.000.000 (một trăm triệu) đồng và 04 lượng vàng SJC với lãi suất 3%/tháng, việc vay này ông Đ cũng thừa nhận cả số tiền vàng và lãi suất trùng với trình bàycủa  ông Ư. Tuy nhiên khi có tiền, ông Đ chưa trả số tiền trên cho ông Ư mà lại cho ông Ư vay ngược lại với số tiền 510.000.000 (năm trăm mười triệu) đồng và lãi suất là 2% là thấp hơn so với lãi suất mà ông Đ vay của ông Ư. Điều này thực sự là vô lý cho dù đó là sự thỏa thuận giữa các Đương sự với nhau.

Từ những phân tích ở trên, Hội đồng xét xử xét thấy không đủ cơ sở để cho rằng ông Đào Văn Ư có vay của ông Lại Thế Đ số tiền 510.000.000 (năm trăm mười triệu) đồng, vì vậy Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của nguyên  đơn là buộc ông Đào Văn Ư phải trả cho ông Lại Thế Đ số tiền510.000.000 (năm trăm mười triệu) đồng và tiền lãi theo yêu cầu của ông Đ.

Đối với yêu cầu  phản tố của ông Đào Văn Ư:

Xét các giấy vay tiền vào các ngày 17/8/2011, 22/9/2011, 28/11/2011, 30/9/2011 được ký kết giữa ông Lại Thế Đ và ông Đào Văn Ư. Theo đó vào các ngày trên lần lượt ông Lại Thế Đ có vay của ông Đào Văn Ư số tiền như sau: 

Ngày 17/8/2011 là 40.000.000 (bốn mươi triệu) đồng, ngày 22/9/2011 là 03 (ba) lượng vàng SJC, ngày 28/11/2011 là 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng, ngày 30/9/2011 là 10.000.000 (mười triệu) đồng và 01 (một) lượng vàng SJC. Tổng cộng ông Ư cho ông Đ vay số tiền là 100.000.000 (một trăm triệu) đồng và 04 (bốn) lượng vàng SJC. Theo các tờ giấy vay tiền trên thì không có thời hạn vay cũng như không có lãi suất vay. Tuy nhiên, các bên đều thừa nhận rằng, ông Ư cho ông Đ vay khi nào cần thì báo trước 01 tháng ông Đ sẽ thanh toán cho ông Ư. Tiền lãi suất các bên cùng thống nhất là 3%/tháng.

Theo quy định tại Điều 463 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay tài sản giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ  phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Căn cứ vào cáctờ giấy vay vốn ký kết các ngày 17/8/2011, 22/9/2011, 28/11/2011, 30/9/2011 có chữ ký của cả hai bên thì về hình thức và điều kiện có hiệu lực của hợp đồng được thể hiện đúng theo quy định tại các Điều 117, 119 Bộ luật dân sự 2015 quy định tại thời điểm hai bên xác lập quan hệ vay tài sản như giữa hai bên đã có xác lập hợp đồng vay tài sản bằng văn bản, ông Đ và ông Ư cùng là những người có năng lực hành vi dân sự…

Hai bên giao kết vay tài sản không kỳ hạn và có lãi. Theo như cả hai bên nguyên đơn và bị đơn cùng khai nhận thì các bên có thỏa thuận lãi suất là 3%/tháng, mỗi tháng bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền lãi là 5.000.000 (năm triệu) đồng. Ông Ư khai nhận đã nhận của ông Đ 15.000.000(mười lăm triệu) đồng của 03 tháng tiền lãi. Số nợ trên ông Đ cũng công nhận và đồng ý trả ông Ư nhưng ông khai rằng mình đã trả cho ông Ư 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng nên đề nghị Hội đồng xét xử trừ số tiền nêu trên đi còn bao nhiêu thì ông trả cho ông Ư.

Đối với việc ông Lại Thế Đ khai rằng ông đã trả cho ông Đào Văn Ư số tiền 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng, tuy nhiên ông không cung cấp được chứng cứ chứng minh nên Hội đồng xét xử không chấp nhận lời khai này. Ông Đ cho rằng ông trả số tiền trên cho ông Ư nên ông Ư mới đốt tờ giấy vay tiền ngày 17/8/2011 nhưng sau đó ông Ư lại giập lửa và lấy lại tờ giấy vay tiền này nên vẫn còn tờ giấy vay tiền trên. Tuy nhiên, trong các tờ giấy vay tiền mà ông Ư xuất trình cho Tòa án có tờ giấy vay tiền ngày 28/11/2011 đề số tiền ông Đ vay của ông Ư 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng. Nếu ông  Đ trả số tiền 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng cho ông Ư thì sẽ đốt tờ giấy vay tiền này chứ không phải đốt tờ giấy vay tiền ngày 17/8/2011 ghi số tiền ông Đ vay của ông Ư 40.000.000 (bốn mươi triệu) đồng. Vả lại như nhận định ở trên, do ông Đ không có chứng cứ chứng minh cho việc trả tiền của mình nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận lời khai này.

Từ những  phân tích ở trên, Hội đồng xét xử buộc ông Lại Thế Đ cùng vợ là bà Nguyễn Thị Minh H phải có trách nhiệm liên đới trả nợ cho ông Đào Văn Ư và bà Đào Thị T số nợ bằng tiền đã vay cùng với tiền lãi suất là đúng với tinh thần của các Điều 27, 37 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Về tiền lãi:

Theo các giấy vay tiền các ngày 17/8/2011, 22/9/2011, 28/11/2011, 30/9/2011 thì hai bên không thỏa thuận với nhau về việc vay có lãi suất là bao nhiêu, tuy nhiên cả hai cùng khai nhận ông Ư cho ông Đ vay tiền với lãi suất là 3%/tháng. Theo như vậy thì hai bên cho vay ở mức lãi suất quá cao so với quy định, nên được điều chỉnh lại như sau:

Theo Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005”.

Tại khoản 1 Điều 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về lãi suất như sau: “Lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”.

Căn cứ Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định lãi suất cơ bản là 9%/năm, như vậy lãi suất trong hạn là 9% x 150% = 13,5%/năm, tương ứng với 1,125%/tháng, được tính cụ thể như sau:

Ngày 17/8/2011 ông Đ vay ông Ư 40.000.000 (bốn mươi triệu) đồng. Tính đến ngày xét xử là 72 tháng 27 ngày. Lãi suất 1.125%/tháng, tính thành tiền lãi là 32.805.000 (ba mươi hai triệu, tám trăm lẻ năm ngàn) đồng. Tổng cả gốc và lãi của 40.000.000 đồng là 72.805.000 (bảy mươi hai triệu, tám trăm lẻ năm ngàn) đồng.

Ngày 28/11/2011 ông Đ vay của ông Ư số tiền là 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng. Tính đến ngày xét xử là 69 tháng 16 ngày. Lãi suất 1.125%/tháng, tính thành tiền lãi là 39.110.625 (ba mươi chín triệu, một trăm mười ngàn, sáu trăm hai mươi lăm) đồng. Tổng cả gốc và lãi của 50.000.000 đồng là 89.110.625 (tám mươi chín triệu, một trăm mười ngàn, sáu trăm hai mươi lăm) đồng.

Ngày 01/01/2012 ông Đ vay của ông Ư số tiền là 10.000.000 (mười triệu) đồng và 01 (một) lượng vàng SJC. Nhưng ông Đ ghi thành ngày 30/9/2011. Tuy nhiên ông Ư cho vay ngày 01/01/2012 nên ông Ư tính theo ngày này. Do vậy, tính đến ngày xét xử là 68 tháng 14 ngày. Lãi suất 1,125%/tháng, tính thành tiền lãi là 7.701.750 (bảy triệu, bảy trăm lẻ một ngàn, bảy trăm năm mươi) đồng. Tổng cả gốc và lãi của 10.000.000 đồng là 17.701.750 (mười bảy triệu, bảy trăm lẻ một ngàn, bảy trăm năm mươi) đồng.

Đối với số vàng mà ông Đ vay của ông Ư, Hội đồng xét xử xét thấy ông Ư không phải là tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vàng trên lãnh thổ Việt Nam theo như quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính  phủ nên việc ông Ư cho ông Đ vay số vàng nêu trên sẽ không được tính tiền lãi suất.

Tại Công văn số 372/TATP-GĐKT của Tòa án nhân dân Thành  phố Hồ Chí Minh ngày 28/02/2013 thì thời điểm ông Ư cho ông Đ vay vàng khi Tòa án tiến hành xét xử vụ án sẽ tính giá vàng theo thời giá hiện tại.

Theo trang thông tin điện tử của Công ty TNHH một thành viên vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC thì giá vàng ngày 14/9/2017 được cập nhật lên có giá bán ra là 36.670.000 (ba mươi sáu triệu, sáu trăm bảy mươi ngàn đồng)/01 lượng vàng SJC. Như vậy, ông Lại Thế Đ  phải hoàn trả cho ông Đào Văn Ư 04 (bốn) lượng vàng SJC đã vay của ông Ư tương Đ số tiền là: 146.680.000 (một trăm bốn mươi sáu triệu, sáu trăm tám mươi ngàn) đồng. Trả ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Tổng cộng số tiền gốc và lãi mà vợ chồng ông Đ  phải trả vợ chồng ông Ư là: 179.617.375 (một trăm bảy mươi chín triệu, sáu trăm mười bảy ngàn, ba trăm bảy mươi lăm) đồng và 04 (bốn) lượng vàng SJC theo thời giá hiện tại  là 146.680.000 (một trăm bốn mươi sáu triệu, sáu trăm tám mươi ngàn) đồng. Ông Ư đã nhận của ông Đ 15.000.000 (mười lăm triệu) đồng tiền lãi. Nên Hội đồng xét xử trừ đi số tiền lãi mà ông Ư đã nhận như trên, ông Đ và bà H còn phải trả cho ông Ư và bà T số tiền lãi và gốc là: 164.617.375 (một trăm sáu mươi bốn triệu, sáu trăm mười bảy ngàn, ba trăm bảy mươi lăm) đồng và 04 (bốn) lượng vàng SJC là 311.297.375 (ba trăm mười một triệu, hai trăm chín mươi bảy ngàn, ba trăm bảy mươi lăm) đồng. Trả ngay khi bản án có hiệu lực  pháp luật.

Đối với yêu cầu giám định lại chữ ký của ông Lại Thế Đ tại phiên tòa: Ông Lại Thế Đ tại phiên tòa yêu cầu được tiếp tục thu thập chứng cứ để giám định chữ ký của ông Đào Văn Ư. Nhận thấy sự việc cần tạm ngừng phiên tòa để ông Đ thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo quyền lợi cho Đương sự do đó Hội đồng xét xử tạm ngưng phiên tòa theo khoản 2 Điều 197 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, ông Đ đã không thu thập được chứng cứ như ông đã trình bày vì vậy vụ án tiếp tục xét xử vụ án.

Về án phí:

Đối với  phần yêu cầu khởi kiện của ông Lại Thế Đ không được Hội đồng xét xử chấp nhận nên ông Đ  phải chịu tiền án  phí đối với số tiền ông khởi kiện yêu cầu ông Ư trả cho ông là: 39.297.113 (ba mươi chín triệu, hai trăm chín mươi bảy ngàn, một trăm mười ba) đồng.

Đối với  phần yêu cầu phản tố của ông Đào Văn Ư được Hội đồng xét xử chấp nhận nên ông Lại Thế Đ phải chịu tiền án  phí đối với  phần yêu cầu  phản tố của ông Ư là: 15.564.869 (mười lăm triệu, năm trăm sáu mươi bốn ngàn, tám trăm sáu mươi chín) đồng.

Tổng số tiền án  phí ông Đ phải nộp ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật là 54.861.982 (năm mươi bốn triệu, tám trăm sáu mươi mốt ngàn, chín trăm tám mươi hai) đồng.

Cấn trừ đi số tiền tạm ứng án phí ông Lại Thế Đ đã nộp theo đơn khởi kiện còn bao nhiêu thì ông Lại Thế Đ phải nộp ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Hoàn trả số tiền tạm ứng án  phí cho ông Đào Văn Ư khi nộp đơn yêu cầu phản tố.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ vào các Điều 27, 29, 30, 33, 37 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

Căn cứ Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2015; Căn cứ vào các Điều 124, 471, 472, 474, 476, 477 Bộ luật Dân sự năm 2005; Căn cứ Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Căn cứ Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội;

Căn cứ vào các Điều 2, 6, 7, 9, 30 Luật Thi hành án dân sự;

1. Không có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lại Thế Đ là buộc ông Đào Văn Ư phải trả cho ông số tiền 510.000.000 (năm trăm mười triệu) đồng và tiền lãi suất tạm tính từ tháng 12/2011 đến ngày 14/9/2017 là 69,7 tháng.  Lãi  suất  theo  quy  định  là  1,125%/tháng  bằng  tổng  số  tiền  lãi  là

399.903.750 (ba trăn chín mươi chín triệu, chín trăm lẻ ba ngàn, bảy trăm năm mươi) đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi là: 909.903.750 (chín trăm lẻ chín triệu, chín trăm lẻ ba ngàn, bảy trăm năm mươi) đồng.

2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Đào Văn Ư. Buộc ông Lại Thế Đ, bà Nguyễn Thị Minh H phải trả cho ông Đào Văn Ư, bà Đào Thị T số tiền tiền lãi và gốc là: 164.617.375 (một trăm sáu mươi bốn triệu, sáu trăm mười bảy ngàn, ba trăm bảy mươi lăm) đồng và 04 (bốn) lượng vàng SJC tương Đ số tiền là 146.680.000 (một trăm bốn mươi sáu triệu, sáu trăm tám mươi ngàn) đồng. Tổng cộng là 311.297.375 (ba trăm mười một triệu, hai trăm chín mươi bảy ngàn, ba trăm bảy mươi lăm) đồng. Trả ngay khi bản án có hiệu lực  pháp luật.

Việc giao nhận tiền do các bên tự nguyện thực hiện hoặc thực hiện tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị đơn chưa giao trả hết số tiền nêu trên, thì bị đơn còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về án phí:

Buộc ông Lại Thế Đ và bà Nguyễn Thị Minh H phải chịu án  phí sơ thẩm đối với vụ án về tranh chấp dân sự là 54.861.982 (năm mươi bốn triệu, tám trăm sáu mươi mốt ngàn, chín trăm tám mươi hai) đồng. Cấn trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo đơn khởi kiện là 6.700.000 (sáu triệu, bảy trăm ngàn) đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 00715 ngày 05/11/2013 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Lại Thế Đ, bà Nguyễn Thị Minh H còn phải nộp 48.161.982 (bốn mươi tám triệu, một trăm sáu mươi mốt ngàn, chín trăm tám mươi hai) đồng. Nộp ngay khi bản án có hiệu lực thi hành.Hoàn trả cho ông Đào Văn Ư số tiền tạm ứng đã nộp theo đơn  phản tố số tiền 8.991.250 (tám triệu, chín trăm chín mươi mốt ngàn, hai trăm năm mươi) đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án  phí số 0006709 ngày 22/10/2015 của Chi cục thi hành án dân sự Quận 12 ngay khi bản án có hiệu lực thi hành.

4. Quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu thi hành án: Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người  phải thi hành án có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

5. Quyền kháng cáo:

Các đương sự có mặt tại  phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án.

Các đương sự vắng mặt tại  phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày niêm yết bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

215
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 410/2017/DS-ST ngày 14/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:410/2017/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận 12 - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về