Bản án 400/2018/HSPT ngày 21/06/2018 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 400/2018/HSPT NGÀY 21/06/2018 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 21 tháng 6 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 99/2018/TLPT ngày 01 tháng 02 năm 2018 đối với bị cáo Trần Trọng S phạm tội “Giết người” do có kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 80/2017/HSST ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

* Bị cáo có kháng cáo và bị kháng nghị:

Trần Trọng S, sinh năm 1974; trú tại: thôn Kiến Th, xã Đình Ch, huyện Lập Th1, tỉnh Vĩnh Phúc; nghề nghiệp: Lao động tự do; văn hóa: Lớp 6/12; con ông Trần Luận S và bà Nguyễn Thị H; có vợ là Trần Thị H1 và có 02 con; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt ngày 22/6/2017; có mặt.

* Đại diện gia đình bị cáo: Bà Trần Thị H1 (vợ bị cáo S), sinh năm 1974; thôn Kiến Th, xã Đình Ch, huyện Lập Th1, tỉnh Vĩnh Phúc; có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Hà Trọng Th2- Văn phòng luật sư Hà Trọng Th2 thuộc Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Phúc; có mặt.

* Người bị hại: Ông La Văn L, sinh năm 1957 (đã chết);

* Người đại diện hợp pháp của người bị hại không kháng cáo: Bà Đào Thị Tr; sinh năm 1962; trú tại: thôn Làng Ch1, xã Tam Q, huyện Tam Đ, tỉnh Vĩnh Phúc; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và Bản án hình sự sơ thẩm của Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Gia đình ông Lăng Văn Ch2 đấu thầu đầm Làng Ch1 thuộc thôn Quan Ng, xã Tam Q, huyện Tam Đ để thả cá, chăn nuôi, trồng trọt. Từ năm 2004, ông Ch2 thuê Trần Trọng S trông đầm cá.

Năm 2016, S tự ý giăng dây kim loại đấu điện xung quanh đầm với mục đích nếu ai đến trộm cắp tài sản tại đầm sẽ bị điện giật. Hậu quả đã làm 02 con chó của gia đình ông Lăng Anh Th3 và Đào Văn S1 vướng phải bị điện giật chết. Ban Công an xã Tam Q đã mời S đến trụ sở nhắc nhở, ông Ch2 đã phải bồi thường cho gia đình ông S1 5.000.000 đồng và đuổi việc S. Sau đó S tiếp tục được ông Ch2 thuê trông đầm và ông Ch2 yêu cầu S cam kết không được tái phạm và phải tháo gỡ hết những dây kim loại đã giăng tại đầm Làng Ch1. S đã tháo gỡ toàn bộ số dây kim loại đã giăng.

Tháng 6/2017, S thấy đầm có tình trạng bị mất trộm cá, S lại nghĩ đến việc giăng dây dẫn điện tại đầm cá với mục đích đe dọa những người có ý định trộm cá. Do đó, từ ngày 10/6/2017 S đã đến các bãi rác thuộc xã Tam Q nhặt các đoạn dây điện sinh hoạt, dây điện thoại mang về nhà trông đầm, S dùng dao róc bỏ vỏ nhựa dây điện thoại lấy dây lõi kim loại rồi buộc nối các đoạn đây kim loại này vào với nhau được một đoạn dây dài khoảng 100m. Sau đó S giăng dây kim loại này từ nhà trông đầm dọc theo bờ rào của đầm ra đến cổng rồi tiếp tục giăng dọc theo bờ rào của đầm cho đến vị trí các bậc lên xuống dùng cho mọi người xuống rửa chân tay thì không giăng nữa, do dây kim loại còn thừa nên S cuốn vào một đoạn cành cây vứt xuống các bậc lên xuống đầm (tại vị trí này của đầm có nhiều bèo cái). Tiếp đó, S giăng dây kim loại đã dóc bỏ vỏ nhựa từ nhà trông đầm ra phía chuồng lợn dọc theo bờ rào của đầm cho đến hết nhà vệ sinh. Sau khi giăng xong, S đấu đầu dây kim loại dẫn ra bậc lên xuống đầm vào chân phích cắm dây dẫn điện tại ổ điện trong nhà trông đầm; còn đầu dây kim loại dẫn ra nhà vệ sinh thì S buộc nối vào một chiếc móc phơi quần áo bằng nhôm rồi móc một đầu chiếc móc áo vào đường dây dẫn điện sinh hoạt tại vị trí bị nứt vỏ nhựa hở ra lõi kim loại để lấy điện. Sau khi đấu điện xong, S dùng bút điện thử vào hai đường dây kim loại trên thì thấy đèn bút điện báo đỏ, S xác định là hai dây kim loại trên đã có điện. Từ ngày 10/6/2017, cứ vào khoảng 18 giờ hàng ngày thì S đấu điện để hai đường dây kim loại trên có điện cho đến sáng ngày hôm sau khi ngủ dậy thì S lại rút phích cắm và bỏ móc áo có nối dây kim loại ra.

Buổi sáng ngày 21/6/2017 khi ngủ dậy, S rút phích cắm và bỏ móc áo có nối dây kim loại ra như thường lệ. Đến khoảng 9 giờ cùng ngày S phải đến trang trại nhà ông Ch2 ở gần đó để làm việc nên trước khi đi S lại cắm phích điện trên vào ổ điện và móc chiếc móc quần áo trên vào dây dẫn điện sinh hoạt để nếu có ai đến đầm trộm cá thì sẽ vướng vào dây kim loại có điện và bị điện giật. S không có thông báo, cảnh báo gì để mọi người biết là hàng rào đang được giăng điện. Sau đó, S đến và làm việc tại trang trại nhà ông Ch2; buổi trưa do trời nắng nên S ở lại trang trại để chiều tiếp tục làm việc. Khoảng hơn 16 giờ cùng ngày, ông La Văn L đem theo rổ đến vị trí các bậc lên xuống đầm Làng Ch1 vớt bèo về cho lợn ăn thì bị vướng vào dây kim loại đang dẫn điện mà S giăng làm ông bị điện giật nằm bất tỉnh tại chỗ; sau đó ông L được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Tam Đ, trên đường đi cấp cứu thì ông L bị tử vong. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, khi đang tưới cây tại trang trại thì S nghe thấy có người gọi, bảo bà Trần Thị Kim C (vợ ông Ch2) là có người bị điện giật chết ở đầm, sau đó bà C đến gặp nói với S “Sao mày làm thế, có mất gì của mày đâu mà mày làm thế” rồi bà C đi ra đầm. Lúc này S biết là dây kim loại dẫn điện mà S giăng, đấu tại đầm đã có người vướng phải và đã bị điện giật chết nên S hoảng sợ lấy xe đạp đi về nhà gặp vợ S là chị Trần Thị H1 nói lại toàn bộ sự việc cho chị H1 biết, sau đó S bỏ trốn. Đến sáng ngày 22/6/2017, S biết người bị điện giật chết là ông La Văn L nên S đã đến Cơ quan Công an đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Tại Kết luận giám định pháp y về tử thi số 142/TT ngày 14/7/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Vĩnh Phúc đã kết luận nguyên nhân tử vong của ông La Vãn L là do: Điện giật dẫn đến ngừng tuần hoàn - hô hấp không hồi phục.

Tại Kết luận giám định pháp y tâm thần số 328/KLGĐ ngày 28/9/2017 của Viện Pháp y tâm thần trung ương kết luận giám định pháp y về tâm thần đối với Trần Trọng S đã kết luận: “Trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội và hiện tại bị can Trần Trọng S mắc bệnh chậm phát triển tâm thần nhẹ. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 bệnh có mã số F70.0. Tại các thời điểm trên bị can hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 80/2017/HSST ngày 25/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quyết định: Áp dụng điểm l khoản 1 Điều 93; điểm p, n khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999; xử phạt bị cáo Trần Trọng S 14 năm tù về tội “Giết người”. Thời hạn tù tính từ ngày 22/6/2017.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 04/01/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có Kháng nghị số 01/QĐ-VKS đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử giảm hình phạt cho bị cáo Trần Trọng S.

Ngày 08/01/2018, bị cáo Trần Trọng S có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm,

Bị cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội vẫn giữ nguyên nội dung kháng nghị. Sau khi phân tích tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đại diện Viện kiểm sát cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Tuy nhiên, gia đình bị cáo đã bồi thường cho gia đình bị hại nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự cho bị cáo. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự nên đề nghị Hội đồng xét xử có thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự để xem xét khi quyết định hình phạt đối với bị cáo. Với các phân tích nêu trên, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm L khoản 1 Điều 93; điểm b, p, n khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt Trần Trọng S từ 8 năm tù đến 12 năm tù về tội “Giết người”.

Người bào chữa cho bị cáo trình bày quan điểm: Việc bị cáo bị truy tố xét xử về tội “Giết người” là đúng người, đúng tội. Bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo 14 năm tù là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như bị cáo thật thà khai báo; bị cáo bị mắc bệnh tâm thần hạn chế về nhận thức và điều khiển hành vi; gia đình bị cáo đã bồi thường toàn bộ thiệt hại; đại diện gia đình bị hại tại phiên tòa cũng xin giảm hình phạt cho bị cáo nên đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa, Trần Trọng S đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai nhận của bị cáo phù hợp với lời khai của người làm chứng, phù hợp với dấu vết tại hiện trường của vụ án và vật chứng đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, có đủ cơ sở kết luận: Trần Trọng S là người trông đầm cá thuê cho gia đình ông Lăng Văn Ch2, để bảo vệ cá, tháng 6/2017, S đã dùng dây điện trần đấu nối với nguồn điện sinh hoạt và giải dây xung quanh đầm, S không cảnh báo nguy hiểm. Khoảng 16 giờ ngày 21/6/2017, ông La Văn L đến cầm vợt vớt bèo về nuôi lợn thì vướng dây điện dẫn đến tử vong. Kết quả giám định xác định ông L bị chết do điện giật. Với hành vi nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã kết án bị cáo Trần Trọng S về tội “Giết người” với tình tiết “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” quy định tại điểm L khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.

Xét kháng nghị giảm hình phạt cho bị cáo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy rằng: Hành vi giăng điện trần đã được kết nối vào nguồn điện sinh hoạt quanh bờ đầm mà không có biển cảnh báo của Trần Trọng S là hết sức nguy hiểm, đã tước đi sinh mạng của ông La Văn L. Bản thân bị cáo cũng nhận thức được nếu có người va chạm, tiếp xúc với điện trần do S giăng sẽ nguy hiểm đến tính mạng nhưng bị cáo vẫn tiếp tục thực hiện sau một lần đã bị Công an xã Tam Q mời lên trụ sở nhắc nhở. Hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến tính mạng của người khác được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự an toàn xã hội, do vậy cần xử lý nghiêm khắc mới có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm. Khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo như: bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; sau khi phạm tội đã ra đầu thú; gia đình bị cáo đã tích cực bồi thường cho gia đình người bị hại; gia đình người bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo; khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo là người mắc bệnh tâm thần ở thể nhẹ nên bị hạn chế một phần nhỏ về việc nhận thức và điều khiển hành vi; ông nội của bị cáo là Trần Văn Phấn - liệt sỹ chống Pháp; bị cáo không có tình tiết tăng nặng nào và đã xử phạt mức án như vậy không phải là nặng. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm gia đình bị cáo đã xuất trình thêm tài liệu mới là sau khi xét xử sơ thẩm gia đình bị cáo đã bồi thường cho gia đình bị hại toàn bộ số tiền bồi thường theo quyết định của bản án sơ thẩm thể hiện tại Biên lai nộp tiền số 0003258 ngày 15/6/2018 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền 20.000.000 đồng và tại giấy biên nhận của gia đình bị hại đã nhận đủ số tiền bồi thường thiệt hại do bà Đào Thị Tr nhận. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Đào Thị Tr (là vợ của người bị hại) cũng xác nhận đã nhận đủ số tiền mà Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường theo quyết định của Bản án sơ thẩm số 80/2017/HSST ngày 25/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nên cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự và tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo lại xuất trình thêm tình tiết mới nên Hội đồng xét xử thấy rằng cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, kháng cáo của bị cáo cũng như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa.

Trong vụ án này Hội đồng xét xử thấy rằng quá trình điều tra bị cáo đã có kết luận giám định pháp y tâm thần kết luận trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nhưng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phúc không cử người đại diện hợp pháp cho bị cáo tham gia tố tụng là vi phạm quy định về luật tố tụng. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cũng thấy rằng bị cáo đã có luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị cáo ngay từ giai đoạn điều tra và tại phiên tòa bị cáo đủ sức khỏe nhận thức và trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. Tại phiên tòa, gia đình bị cáo có bà Trần Thị H1 là vợ bị cáo cũng trình bày có được mời tham gia tố tụng nhưng vì không hiểu biết pháp luật và bị cáo đã có luật sư bảo vệ cho bị cáo nên gia đình từ chối không tham gia. Mặt khác, về phần trách nhiệm dân sự thì bị cáo và gia đình bị cáo đã thực hiện xong nên không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm để đưa người đại diện hợp pháp của bị cáo vào tham gia tố tụng vì bản chất vụ án sẽ không thay đổi, để ổn định bản án, tránh để vụ án phải kéo dài nên Hội đồng xét xử thấy rằng chỉ cần rút kinh nghiệm đối với cấp sơ thẩm về vấn đề này.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 355, Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

1. Chấp nhận Kháng nghị số 01/QĐ-VKS ngày 04/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và kháng cáo của bị cáo Trần Trọng S, sửa Bản án sơ thẩm số 80/2017/HSST ngày 25/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Trần Trọng S.

Tuyên bố Trần Trọng S phạm tội “Giết người” Áp dụng điểm L khoản 1 Điều 93; điểm b, p, n khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; xử phạt bị cáo Trần Trọng S 12 (Mười hai) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt 22/6/2017.

Ghi nhận tại phiên tòa gia đình bị cáo đã xuất trình Biên lai nộp tiền số 0003258 ngày 15/6/2018 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền 20.000.000 (Hai mươi triệu) đồng và giấy biên nhận của gia đình bị hại do bà Đào Thị Tr (là vợ của người bị hại La Văn L) ký nhận đã nhận đủ số tiền bồi thường theo quyết định của bản án sơ thẩm.

2. Án phí: Bị cáo Trần Trọng S không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

459
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 400/2018/HSPT ngày 21/06/2018 về tội giết người

Số hiệu:400/2018/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/06/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về