TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
BẢN ÁN 39/2018/HS-PT NGÀY 27/07/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 27 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 45/2018/TLPT-HS ngày 21 tháng 6 năm 2018 đối với bị cáo Vũ Đình N, do có kháng cáo của người bị hại là anh Nguyễn Văn H đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 13/2018/HSST ngày 16/5/2018 của Toà án nhân dân thành phố H1, tỉnh Hưng Yên.
Bị cáo bị kháng cáo:
Vũ Đình N, sinh năm 1951 tại P, T, Hưng Yên; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: Số 22 đường H T, phường H3, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ văn hóa: Lớp 6/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vũ Văn T1 và bà Vũ Thị T2 (đều đã chết); có vợ là bà Bùi Thị Th và có 05 con; tiền án, tiền sự: Không; hiện bị cáo tại ngoại “có mặt”.
Người bị hại có kháng cáo: Anh Nguyễn Văn H, sinh năm 1968; trú tại số 24 đường H T, phường H3, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên “có mặt”.
Người có quyền lợi liên quan đến vụ án: Bà Bùi Thị Th, sinh năm 1954; trú tại: Số 22 đường H T, phường H3, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên “có mặt”.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Gia đình Vũ Đình N và gia đình anh Nguyễn Văn H là hàng xóm liền kề nhau cùng tọa lại trên trục đường H T, phường H3, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên. Khoảng 10 giờ 45 phút ngày 30/10/2017 Vũ Đình N đang kho cá bằng bếp than tổ ong ở vị trí hành lang trước cửa nhà. Do mùi cá kho bay vào nhà anh H nên anh H đã ra yêu cầu N dọn bếp đi chỗ khác, nhưng N không đồng ý nên giữa hai người đã xảy ra thách thức cãi nhau. Anh H đã dùng 01 viên gạch ném vào xoong cá kho của N đang đun trên bếp làm xoong cá bị đổ xuống đất. Do tức giận về việc bị anh H dùng gạch ném đổ xoong cá nên N đã cầm gạch ném về phía anh H trúng vào tay trái và vùng sườn trái của anh H. Tiếp đó anh H cũng cầm gạch ném về phía N nhưng do N có cầm chiếc chảo bằng kim loại che chắn nên gạch xượt xuống vùng ngực và tay trái của N và N tiếp tục cầm gạch ném trúng vùng ngực và đùi phải của anh H. Do thấy anh H dùng gạch ném có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm nên con gái N là chị Vũ Thị Nh, sinh năm 1976, trú tại số 379 đường N V, phường H3, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên cũng cầm gạch ném về phía anh H với mục đích để anh H không ném gạch về phía N nữa nhưng không trúng. Thấy vậy anh H quay người bỏ chạy về phía nhà mình, N và chị Nh cũng dừng lại và đi vào trong nhà. Hậu quả: Anh Nguyễn Văn H bị gãy xương sườn số 8 bên trái, tràn dịch khí màng phổi, xây xước ở vùng ngực, cổ tay trái, đùi phải và đi khám ở Bệnh viện đa khoa H H, mua thuốc điều trị ngoại trú tại nhà. Vũ Đình N bị xây xước nhẹ ở vùng ngực và tay trái tự điều trị tại nhà; 01 chiếc bếp than tổ ong, 01 chiếc xoong, 01 chiếc chảo của gia đình N bị hư hỏng.
Tại bản kết luận pháp y về thương tích số 94/2017/TgT ngày 27/11/2017 của Trung tâm pháp y - Sở Y tế tỉnh Hưng Yên giám định thương tích đối với anh Nguyễn Văn H xác định dấu hiệu chính qua giám định: 01 vết sẹo nhỏ ở đường nách sau lồng ngực bên trái ngang mức xương sườn 8; 01 vết sẹo nhỏ chéo mặt trong 1/3 dưới cẳng tay trái; 01 vết sẹo nhỏ chéo mặt trước 1/3 dưới đùi phải; gãy xương sườn số 7 và số 8 bên trái; tràn dịch - tràn khí màng phổi trái (tổn thương màng phổi đơn thuần, điều trị nội khoa không để lại di chứng). Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 12 % (mười hai phần trăm). Cơ chế hình thành vết thương là do vật cứng có gờ cạnh gây nên.
Do Vũ Đình N không đồng ý với kết quả giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y - Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đối với anh Nguyễn Văn H nên đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra trưng cầu giám định lại đối với thương tích của anh H.
Kết quả giám định lại, tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 76/18/TgT ngày 10/01/2018 của Viện pháp y quốc gia - Bộ Y tế giám định thương tích đối với anh Nguyễn Văn H xác định, dấu hiệu chính qua giám định: Gãy xương sườn số VIII bên trái (4 %); sẹo nhỏ mặt trước 1/3 dưới cẳng tay trái (1%); tổn thương màng phổi đơn thuần (tràn khí, tràn dịch màng phổi trái) không để lại di chứng (3%); vết nám da mặt trước 1/3 dưới đùi phải không được quy định trong Thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế nên không xếp tỷ lệ. Kết luận: Căn cứ Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể và Hướng dẫn ban hành kèm theo Thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 8%. Thương tích vùng ngực do vật tày tác động gây ra; thương tích vùng đùi và cẳng tay trái do vật tày cứng có cạnh tác động gây ra.
Tại biên bản định giá tài sản số 73/BB - HĐĐG và Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thành phố H1 kết luận: 01 bếp than tổ ong bị móp, méo, không xác định hình dạng, đã qua sử dụng trị giá 30.000 đồng; 01 chảo bằng kim loại, có tay cầm bằng nhựa màu xanh, lòng chảo bị lồi không xác định, đã qua sử dụng trị giá 16.500 đồng; 01 xoong bằng kim loại, bị móp méo đáy xoong bị thủng, đã qua sử dụng trị giá 16.500 đồng; tổng thiệt hại tài sản trị giá là 63.000 đồng.
Vật chứng thu giữ: 07 mảnh vỡ của viên gạch nung (loại gạch đặc xây nhà), 01 chảo chống dính có tay cầm màu xanh, 01 xoong nhôm màu đen bị móp méo thủng phần đáy, 01 bếp than bị hư hỏng, 01 đĩa DVD đựng trong 01 bì thư được niêm phong.
Về trách nhiệm dân sự: Anh H yêu cầu Vũ Đình N phải đền bù tiền chi phí khám chữa bệnh, các chi phí khác do thương tích là 83.532.000 đồng.
Vũ Đình N yêu cầu anh H phải bồi thường thiệt hại những tài sản mà anh H đã dùng gạch ném làm hư hỏng theo quy định của pháp luật.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 13/2018/HSST ngày 16/5/2018 của Toà án nhân dân thành phố H1, tỉnh Hưng Yên đã quyết định:
Tuyên bố: Bị cáo Vũ Đình N phạm Tội cố ý gây thương tích.
Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 134; điểm e, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 46; Điều 47; Điều 48; Điều 65 - Bộ luật Hình sự Điều 584, Điều 585 khoản 2 Điều 590 của Bộ luật dân sự; điểm c khoản 2 Điều 106, Điều 136 - Bộ luật Tố tụng Hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 về mức án phí, lệ phí Tòa án.
Xử phạt bị cáo Vũ Đình N 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường H3, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.
Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo N phải bồi thường cho anh H là 13.132.000 đồng, nhưng được đối trừ khoản tiền anh H phải bồi thường cho bị cáo N và bà Th người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án 163.000 đồng, còn lại buộc bị cáo N phải bồi thường cho anh H là 12.969.000 đồng.
Ngoài ra bản án còn quyết định về lãi suất chậm thi hành án; xử lý vật chứng;
quyết định án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 29/5/2018 anh Nguyễn Văn H là người bị hại kháng cáo, yêu cầu áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo N và bị cáo phải bồi thường thương tích cho anh số tiền 30.000.000 đồng.
Bị cáo Vũ Đình N không kháng cáo, nhưng ngày 06/6/2018 có đơn trình bày ý kiến về kháng cáo của người bị hại, cho rằng: Bị cáo phòng vệ chính đáng, không có tội, bản án xử hình phạt quá nặng và không chấp nhận bồi thường.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Người bị hại anh Nguyễn Văn H giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Bị cáo Vũ Đình N thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét theo quy định của pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên phát biểu quan điểm: Căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, xác định Tòa án cấp sơ thẩm xét xử Vũ Đình N về Tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS và phạt bị cáo N 06 ( Sáu) tháng tù, cho hưởng án treo là đúng và phù hợp quy định của pháp luật. Về phần trách nhiệm dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm đã tính toán các khoản thiệt hại, lỗi của người bị hại; xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản của anh H đối với tài sản của gia đình bị cáo N và đối trừ nhau, buộc bị cáo N còn phải bồi thường cho anh H số tiền 12.969.000 đồng là có căn cứ theo quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của người bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:
[1] Đơn kháng cáo của anh Nguyễn Văn H được làm trong thời hạn quy định của pháp luật là hợp pháp.
[2] Lời khai nhận của bị cáo Vũ Đình N về diễn biến sự việc xô sát giữa bị cáo và anh H vào ngày 30/10/2017 tại phiên toà phúc thẩm hoàn toàn phù hợp với chính lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm và tại cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố H1 có trong hồ sơ, bị cáo nhận tội và thừa nhận sai phạm của bản thân; đồng thời phù hợp với lời khai của người bị hại anh Nguyễn Văn H và lời khai của người có quyền lợi liên quan bà Bùi Thị Th, người làm chứng anh Phạm Văn S, chị Vũ Thị Nh cùng các dấu vết để lại tại hiện trường thể hiện trong biên bản, bản ảnh hiện trường; phù hợp kết quả khám chứng thương, phim chụp, kết luận giám định lại về thương tích đối với anh Nguyễn Văn H và kết luận định giá tài sản thiệt hại của gia đình bị cáo N; các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án và đĩa ghi hình do anh H giao nộp. Như vậy, đã có đủ căn cứ xác định: Khoảng 10 giờ 45 phút ngày 30/10/2017, Vũ Đình N đang kho cá bằng bếp than tổ ong tại vỉa hè trước cửa nhà N (số 22 H T) và giáp gianh vỉa hè trước cửa nhà số 24 của gia đình anh H. Do khi kho cá có mùi vị cá kho tỏa ra ngoài nên anh H ở trong nhà đi ra bảo N chuyển bếp kho cá ra chỗ khác không mùi cá kho bay vào nhà anh H khó chịu. Nh không đồng ý chuyển vị trí kho cá và nói với anh H chỗ đang kho cá thuộc trước cửa nhà N chứ không phải của anh anh H. Hai bên lời qua tiếng lại và anh H đã cầm hòn gạch của nhà N xếp gần đó ném vào xoong cá của Nh đang kho bị đổ hết xoong cá xuống vỉa hè và đổ vỡ cả bếp. Ngay lúc đó, do bực tức vì anh H ném đổ xoong cá và bếp than tổ ong, nên N lấy gạch xếp trước cửa ném vào người anh H trúng mạn sườn trái, cẳng tay trái, đùi phải gây tổn thương cơ thể của anh Nguyễn Văn H là 8%. Sau khi N ném gạch vào người anh H thì anh H cũng cầm gạch ném N, nhưng do tay N đang cầm cái chảo bằng kim loại nên đỡ được gạch chỉ sượt bị đau ở ngực, tay không có thương tích và không phải điều trị gì. Khi thấy N bị ném thì chị Vũ Thị N là con gái N cùng dùng gạch ném về phía H và kéo N đi vào trong nhà. Anh H ở ngoài lấy gạch đập tiếp xoong cá của N bị thủng đáy và bếp tổ ong bị vỡ, khi Công an phường H3 đến can thiệp sự việc được chấm dứt.
Bị cáo Vũ Đình N là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, bằng hành vi khách quan của bị cáo thực hiện đã phản ánh ý thức chủ quan của bị cáo, do bực tức anh H đã ném đổ bếp than tổ ong và xoong cá đang kho, nên N đã dùng gạch ném vào người anh H gây thương tích. Bị cáo thực hiện hành vi với lỗi cố ý, nhận thức được việc dùng gạch ném vào người anh H là nguy hiểm sẽ gây thương tích cho anh H và thực tế hậu quả thương tích của anh H đã xảy ra, nên hành vi của bị cáo không thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng. Căn kết quả tranh tụng tại các phiên tòa và tài liệu, chứng cứ thu thập có trong hồ vụ án xác định hành vi ném gạch gây thương tích cho anh H của bị cáo N có đủ dấu hiệu cấu thành Tội cố ý gây thương tích, theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 đang có hiệu lực tại thời điểm N thực hiện tội phạm (tương ứng với khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015).
Bởi hành vi phạm tội nêu trên, bị cáo Vũ Đình N đã bị Tòa án nhân dân thành phố H3, tỉnh Hưng Yên xét xử sơ thẩm và kết Tội cố ý gây thương tích là đúng người, đúng tội, không oan sai. Tuy nhiên, khi áp dụng pháp luật, cấp sơ thẩm lại áp dụng đối với tội danh của bị cáo N theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 là không chính xác. Bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 và năm 2015 đều quy định: "Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện". Bị cáo N thực hiện hành vi cố ý gây thương tích vào thời điểm ngày 30/10/2017 khi Bộ luật hình sự năm 1999 đang có hiệu lực pháp luật và Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 là điều luật đang có hiệu lực pháp luật để áp dụng đối với hành vi phạm tội của bị cáo N và so với khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 không có quy định mới có lợi cho bị cáo, nên phải áp dụng pháp luật đối với bị cáo N về Tội cố ý gây thương tích, theo điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 mới đúng pháp luật và chính xác. Vì vậy, cấp phúc thẩm sửa phần này, và tương tự đối với phần áp dụng pháp luật về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và bồi thường dân sự cũng được áp dụng theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 đang có hiệu lực tại thời điểm bị cáo phạm tội.
[2] Xét kháng cáo của người bị hại, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:
- Hành vi phạm tội của bị cáo N là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ, đồng thời còn gây mất trật tự trị an xã hội tại địa phương, nên cần phải áp dụng một mức hình phạt thỏa đáng để trừng trị và cải tạo bị cáo trở thành công dân tốt. Tuy nhiên có xét, hành vi của anh Nguyễn Văn H dùng gạch ném đổ vỡ bếp và xoong cá của bị cáo N đang kho đã gây sự bức xúc, kích động về tinh thần cho bị cáo và đó cũng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bị cáo N thực hiện hành vi phạm tội. Sau khi phạm tội, quá trình điều tra bị cáo nhận tội, sang giai đoạn truy tố, xét xử bị cáo vẫn khai báo thành khẩn toàn bộ hành vi phạm tội nhưng cho rằng bị cáo ném gạch gây thương tích cho anh H là phòng vệ chính đáng để bảo vệ tài sản bị đập phá chứ không cố ý gây thương tích cho anh H, điều đó chỉ là do nhận thức của bị cáo không phải do chối tội, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo nhận tội; bị cáo N phạm tội sau khi bị anh H ném đổ bếp và xoong cá, đó là hành vi trái pháp luật của anh H gây bức xúc dẫn đến bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại; bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, lần này là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điểm đ, h, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (tương ứng các điểm e, i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 cấp sơ thẩm áp dụng). Bị cáo là người cao tuổi khi phạm tội (66 tuổi), có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú rõ ràng nên không cần thiết phải cách ly khỏi đời sống xã hội, bị cáo đủ điều kiện áp dụng án treo theo Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999 (cấp sơ thẩm áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015). Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đánh giá đúng tính chất, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội và xử phạt bị cáo Vũ Đình N 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 01 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là phù hợp, tương xứng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của bị cáo. Vì vậy, không có căn cứ để tăng hình phạt và không cho hưởng án treo đối với bị cáo N như kháng cáo của người bị hại.
- Về trách nhiệm dân sự: Trên cơ sở căn cứ thương tích và tài liệu chứng cứ do người bị hại giao nộp, theo quy định tại các điều 584, 585, 590 của Bộ luật dân sự Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc bị cáo Vũ Đình N bồi thường các khoản tiền sau:
+ Chi phí hợp lý, hợp pháp cho việc chữa trị thương tích là 2.032.000 đồng (có chứng từ hóa đơn), + Khoản tiền thu nhập bị mất trong 01 một tháng điều trị thương tích, anh H yêu cầu bồi thường 21.000.000 đồng (700.000 đồng/ngày) vì anh làm nghề kinh doanh hoa, nhưng anh H không đưa ra được chứng cứ chứng minh cho mức thu nhập đó. Trên cơ sở xem xét vốn đăng ký kinh doanh, tiền thuế nộp hàng tháng, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận số tiền anh H mất thu nhập trong 01 tháng điều trị bằng 9.000.000 đồng là phù hợp với mức chung trên địa bàn thành phố H3.
+ Thương tích của anh H bị gãy rạn xương sườn số 8 bên trái, không phải nằm viện, chỉ chụp phim, mua thuốc theo đơn của bác sỹ về điều trị, không phải nằm viện, nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận khoản tiền công người chăm sóc đưa đi bệnh viên 03 ngày đến khám với mức ngày công lao động phổ thông 200.000 đồng/ngày = 600.000 đồng là hợp lý.
+ Trong thời gian 01 tháng điều trị thương tích, ngoài tiền thuốc anh Ho cần có một khoản tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp sơ thẩm tính 50.000 đồng/ ngày = 1.500.000 đồng là phù hợp.
Tổng cộng 04 khoản tiền trên, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo N bồi thường cho anh H bằng 13.132.000 đồng là phù hợp và có căn cứ.
- Đối với khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm theo khoản 2 Điều 590 Bộ luật dân sự quy định do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì bồi thường mức tối đa không quá 50 tháng lương cơ bản. Khi quyết định cấp sơ thẩm đã xem xét đến tình trạng thương tích, mức độ lỗi của người bị hại để buộc bị cáo N phải bồi thường khoản tiền tổn thất tinh thần cho anh H do sức khỏe bị xâm hại tương ứng 03 tháng lương cơ bản, nhưng được trừ vào phần lỗi của anh H là tương xứng và phù hợp. Anh H yêu cầu được bồi thường cả mức 50 tháng lương cơ bản là không có căn cứ chấp nhận.
- Về phần bị cáo N và bà Th yêu cầu anh H phải bồi thường toàn bộ số tài sản mà anh H đã làm thiệt hại gồm: 01 bếp than tổ ong, 01 chảo bằng kim loại, tiền nguyên liệu nồi cá kho. Căn cứ kết quả định giá tài sản kết luận thì tài sản là 01 bếp than tổ ong, 01 chiếc xoong, 01 chảo bằng kim loại của gia đình N bị thiệt hại trị giá 63.000 đồng, cấp sơ thẩm chấp nhận nguyên liệu nồi cá kho 100.000 đồng (tại phiên tòa bị cáo N và bà Th thừa nhận cá mua ở chợ về kho), cộng tổng tài sản của gia đình N do anh H gây thiệt hại phải bồi thường là 163.000 đồng. Bị cáo N và bà Th khai xoong cá kho là cá ngừ đại dương nhưng không có căn cứ chứng minh (tại phiên tòa phúc thẩm thừa nhận cá mua ở chợ) nên không được chấp nhận.
Đối trừ trách nhiệm bồi thường cho nhau giữa bị cáo với anh H thì bị cáo N còn phải bồi thường cho anh H số tiền là 12.969.000 đồng như Tòa án cấp sơ thẩm quyết định là đúng, phù hợp quy định của pháp luật.
Từ các phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của anh Nguyễn Văn H, giữ nguyên quyết định của bản án hình sự sơ thẩm về hình phạt và trách nhiệm dân sự, nhưng sửa phần áp dụng điều luật. Quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tại phiên tòa có căn cứ được chấp nhận giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về hình phạt và trách nhiệm dân sự.
[3] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[4] Án phí: Bị cáo N không kháng cáo nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm; người bị hại kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356; khoản 2 Điều 135; khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố Tụng hình sự; khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH/14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
1. Không chấp nhận kháng cáo của người bị hại anh Nguyễn Văn H, giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số: 13/2018/HSST ngày 16/5/2018 của Toà án nhân dân thành phố H1, tỉnh Hưng Yên, nhưng sửa phần áp dụng điều luật như sau:
Tuyên bố: Bị cáo Vũ Đình N phạm Tội cố ý gây thương tích.
Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 104; điểm đ, h, p khoản 1 Điều 46; khoản 1, 2 Điều 60; Điều 42 của Bộ luật hình sự năm 1999; các điều 584, 585 và 590 của Bộ luật dân sự.
Xử phạt bị cáo Vũ Đình N 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 (mười hai) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (16/5/2018).
Giao Vũ Đình N cho Ủy ban nhân dân phường H3, thành phố H1, tỉnh Hưng Yên giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.
Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Vũ Đình N phải bồi thường cho anh Nguyễn Văn H các khoản do sức khỏe bị xâm hại với tổng số tiền là 13.132.000 đồng, nhưng được đối trừ khoản tiền anh Nguyễn Văn H phải bồi thường cho bị cáo Vũ Đình N và bà Bùi Thị Th về thiệt hại tài sản là 163.000 đồng; còn lại buộc bị cáo N phải bồi thường cho anh H là 12.969.000đ, (mười hai triệu chín trăm sáu mươi chín nghìn đồng).
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án hợp pháp, nếu bị cáo N chậm thi hành khoản tiền bồi thường trên thì sẽ phải chịu lãi suất theo quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chậm thi hành án.
2. Án phí: Anh Nguyễn Văn H phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
"Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự".
Bản án 39/2018/HS-PT ngày 27/07/2018 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 39/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hưng Yên |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/07/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về