TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LẠC SƠN, TỈNH HÒA BÌNH
BẢN ÁN 38/2019/HS-ST NGÀY 30/10/2019 VỀ TỘI CỐ Ý LÀM HƯ HỎNG TÀI SẢN
Ngày 30 tháng 10 năm 2019 tại Tòa án nhân dân huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 36/2019/TLST-HS ngày 16 tháng 9 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 38/2019/QĐXXST-HS ngày 16 tháng 10 năm 2019 đối với các bị cáo:
1. BÙI VĂN P, sinh ngày 05 tháng 6 năm 1988 tại N L - L S - Hòa Bình. Nơi cư trú: Xóm K, xã N, huyện L, tỉnh Hòa Bình; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hoá (học vấn): 9/12; dân tộc: Mường; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bùi Văn Nh và bà Bùi Thị K; bị cáo có vợ là Bùi Thị H và 02 con, con lớn sinh năm 2011 và con nhỏ sinh năm 2013; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt tại phiên tòa.
2. BÙI VĂN N, sinh ngày 08 tháng 8 năm 1980 tại N L - L S - Hòa Bình. Nơi cư trú: Xóm K, xã N, huyện L, tỉnh Hòa Bình; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hoá (học vấn): 8/12; dân tộc: Mường; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bùi Văn H2 (Đã chết) và bà Bùi Thị C; bị cáo có vợ là Bùi Thị P và 02 con, con lớn sinh năm 2002 và con nhỏ sinh năm 2006; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt tại phiên tòa.
3. BÙI VĂN Đ, sinh ngày 15 tháng 11 năm 1986 tại N L - Lạc Sơn - Hòa Bình. Nơi cư trú: Xóm K, xã N, huyện L, tỉnh Hòa Bình; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hoá (học vấn): 9/12; dân tộc: Mường; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bùi Văn V (Đã chết) và bà Bùi Thị C; bị cáo có vợ là Bùi Thị L và 03 con, con lớn sinh năm 2007 và con nhỏ sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt tại phiên tòa.
- Người bào chữa cho bị cáo Bùi Văn P và Bùi Văn Đ: Ông Vũ Đình H – Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hòa Bình. Có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo Bùi Văn N: Ông Lưu Văn Thường - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Hòa Bình. Có mặt.
- Bị hại: Công ty Cổ phần cà phê T Hòa Bình. Tên tiếng Anh: T HoaBinh Joint Stock Company. Tên viết tắt: T Hoa Binh., JSC. Địa chỉ trụ sở chính: Xóm X 3, xã N, huyện L, tỉnh Hòa Bình.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn A, sinh năm 1954. Địa chỉ: Số x, ngõ 1xx, đường T, phường P, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Là Giám đốc Công ty. Có mặt.
- Người làm chứng:
Bà Bùi Thị L, sinh năm 1985. Trú tại: Xóm K, xã N, huyện L, tỉnh Hòa Bình. Có mặt.
Ông Nguyễn Hồng H, sinh năm 1980. Trú tại: Xóm x, xã D, huyện D, tỉnh Nghệ An. Vắng mặt.
Bà Tống Thị H, sinh năm 1970. Trú tại: Xóm K, xã N, huyện L, tỉnh Hòa Bình. Vắng mặt.
Bà Bùi Thị H, sinh năm 1989. Trú tại: Xóm K, xã N, huyện L, tỉnh Hòa Bình. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Do muốn mở rộng diện tích đất canh tác nên khoảng 6 giờ 30 phút ngày 23/4/2019, Bùi Văn P rủ Bùi Văn N đến khu vực vườn cà phê của Công ty Cổ phần cà phê T Hòa Bình tại xóm K, xã N, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình để phát cây trồng ngô. Khi đi, mỗi người cầm theo một máy cắt cỏ, Bùi Văn N mang thêm 02 con dao phát (dạng dao quắm). Đến 7 giờ cùng ngày khi đến khu vực Bãi Bùi thuộc xóm K, P và N gặp Bùi Văn Đ đang gieo hạt ngô gần đấy. P có nói với Đ về việc P và N đi phát cây cà phê và cỏ để lấy đất trồng ngô. Nói chuyện xong Đ ở lại tiếp tục gieo hạt ngô còn P và N tiếp tục đi bộ đến vườn cà phê. Đến nơi, N để túi đựng liềm phát ở sát đường mòn đi lại trong vườn cà phê và cả hai dùng mỗi người một máy cắt cỏ cắt phá các cây cà phê trong vườn của Công ty cổ phần cà phê T Hòa Bình để lấy diện tích đất trồng ngô. Đến khoảng 8 giờ 30 phút cùng ngày, Bùi Văn Đ đi từ khu vực gieo hạt ngô lúc trước, cách khoảng 150m sang khu vực P và N đang phát cây. Thấy P và N đang dùng máy cắt cành, thân các cây cà phê và do có quan hệ họ hàng với P và N nên Đ đã dùng liềm phát mà N đã để tại vườn trước đó tham gia chặt phá các cây cà phê với mục đích giúp P và N lấy đất trồng ngô. Đến khoảng 9 giờ cùng ngày, do có việc cá nhân nên Đ để lại liềm phát và bỏ về trước. P và N tiếp tục chặt phá đến 10 giờ 20 phút cùng ngày thì bị anh Nguyễn Hồng H là bảo vệ của Công ty Cổ phần cà phê T Hòa Bình phát hiện, ghi hình và ngăn cản thì hành vi cắt phá cây cà phê của P và N mới chấm dứt. Tổng số cây cà phê bị các bị cáo cắt phá là 178 cây.
Vật chứng thu giữ tại giai đoạn điều tra gồm: 01 chiếc liềm tổng chiều dài 55 cm, cán bằng gỗ dài 30 cm; 01 chiếc liềm tổng chiều dài 89 cm, cán bằng gỗ dài 64 cm; 01 máy cắt cỏ cũ đã qua sử dụng, nhãn hiệu GX35 HONDA, có tổng chiều dài 1,83m, có gắn lưỡi cắt ở đầu máy; 01 máy cắt cỏ cũ đã qua sử dụng, nhãn hiệu KIORITZ, có tổng chiều dài 1,83m, có gắn lưỡi cắt, phát ở đầu máy; 06 cành, thân cây cà phê thu giữ tại hiện trường. Các vật chứng này hiện đang lưu giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lạc Sơn chờ xử lý theo quy định. 01 USB lưu đoạn ghi hình có âm thanh đựng trong phong bì niêm phong lưu giữ theo hồ sơ vụ án.
Tại kết luận định giá tài sản số 24/ĐG-HĐĐG ngày 23/5/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Lạc Sơn kết luận: 178 cây cà phê bị chặt phá vẫn còn khả năng tái sinh, tiếp tục phát triển. Tổng giá trị thiệt hại là 13.232.520 (Mười ba triệu, hai trăm ba mươi hai nghìn, năm trăm hai mươi) đồng.
Tại kết luận giám định số 2914/C09-P3, ngày 12/6/2019 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Dấu vết chặt, cắt ở 06 cành, thân cây cà phê ký hiệu từ 01 đến 06 thu tại hiện trường gửi giám định là do công cụ một lưỡi (dạng dao, liềm, lưỡi máy cắt) tạo ra.
Tại kết luận giám định số 2923/C09-P6, ngày 11/7/2019 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Tệp video có tên “VID2019423100336.mp4” không phát hiện dấu vết cắt ghép, chỉnh sửa nội dung hình ảnh và âm thanh.
Về trách nhiệm dân sự: Đại diện bị hại có yêu cầu các bị cáo bồi thường toàn bộ thiệt hại theo kết luận định giá tài sản là 13.232.520 (Mười ba triệu, hai trăm ba mươi hai nghìn, năm trăm hai mươi) đồng. Các bị cáo đã bồi thường đủ cho bị hại số tiền nêu trên.
Tại Bản cáo trạng số 35/CT-VKS ngày 12/9/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã truy tố các bị cáo Bùi Văn P, Bùi Văn N và Bùi Văn Đ về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tại phiên tòa: Kiểm sát viên giữ nguyên quyết định truy tố, tội danh và điều luật áp dụng đối với các bị cáo. Xác định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo là đã tích cực bồi thường thiệt hại; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; các bị cáo là người dân tộc thiểu số sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của bộ luật hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Bùi Văn P từ tháng 9 đến 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; xử phạt bị cáo Bùi Văn N, Bùi Văn Đ từ 6 đến 9 tháng tù, cho hưởng án treo. Đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền đối với bị cáo do bị cáo là người không có điều kiện về kinh tế. Về vật chứng của vụ án: đề nghị tịch thu, phát mại sung quỹ Nhà nước 02 máy phát cỏ; tịch thu, tiêu hủy 02 liềm dạng dao phát; tích thu, tiêu hủy 06 cành, thân cây cà phê thu giữ tại hiện trường để tiêu hủy.
Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình; không có ý kiến gì về nội dung cáo trạng phản ánh; không kêu oan. Các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt và xin miễn án phí hình sự sơ thẩm.
Người đại diện hợp pháp của bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trách nhiệm hình sự, hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo. Về trách nhiệm dân sự phía bị hại không yêu cầu các bị cáo bồi thường thêm.
Người bào chữa cho bị cáo thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố các bị cáo theo tội danh, điều khoản luật áp dụng là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Ngoài các tình tiết giảm nhẹ Kiểm sát viên đã nêu, người bào chữa không còn đề nghị tình tiết giảm nhẹ khác nhưng đề nghị xử phạt bị cáo Bùi Văn N 12 tháng cải tạo không giam giữ, xử phạt các bị cáo Bùi Văn P, Bùi Văn Đ từ 6 đến 9 tháng cải tạo không giam giữ. Đề nghị miễn án phí hình sự sơ thẩm cho các bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng: Hành vi tố tụng, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử những người tham gia tố tụng không có khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên.
[2] Về căn cứ xác định tội danh, điều luật áp dụng đối với bị cáo: Ngày 23/4/2019, các bị cáo Bùi Văn P, Bùi Văn N và Bùi Văn Đ đã có hành vi dùng máy cắt cỏ, liềm phát cắt, chặt phá 178 cây cà phê đang sinh trưởng, phát triển bình thường tại vườn cà phê của Công ty Cổ phần cà phê T Hòa Bình. Đây là tài sản hợp pháp của Công ty Cổ phần cà phê T Hòa Bình. Hành vi cắt, chặt cây cà phê của các bị cáo không làm cây chết hẳn mà vẫn có khả năng tái sinh, tiếp tục phát triển. Do đó, hành vi của các bị cáo mới chỉ làm hư hỏng mà chưa hủy hoại tài sản. Giá trị tài sản bị hư hỏng nằm trong khoảng từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. Tại giai đoạn điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận của các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp với biên bản hiện trường và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, có đủ căn cứ kết luận các bị cáo phạm tội Cố ý làm hư hỏng tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 178 của Bộ luật hình sự năm 2015. Cáo trạng truy tố các bị cáo theo tội danh, điều khoản luật áp dụng là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
[3] Về tính chất, mức độ hành vi của các bị cáo: Tội phạm mà các bị cáo thực hiện là nguy hiểm cho xã hội; đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản được pháp luật hình sự bảo vệ, gây mất trật tự trị an địa phương. Bản thân các bị cáo là người có nhận thức xã hội, có hiểu biết pháp luật, có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự nhưng vì lợi ích bản thân mà coi thường giá trị tài sản của người khác. Do vậy, cần áp dụng đối với bị cáo mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo để cải tạo các bị cáo trở thành công dân có ích và để phòng ngừa chung.
[4] Về cá thể hóa trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo: Các bị cáo cùng nhau thực hiện tội phạm nhưng không có kế hoạch chi tiết, cụ thể, không có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng nên chỉ là đồng phạm giản đơn. Tuy nhiên, trong vụ án nổi lên vai trò chính là bị cáo Bùi Văn P. Bị cáo P là người rủ bị cáo N đi chặt phá cây cà phê để trồng ngô. Chính bị cáo P cũng là người nói cho bị cáo Đ biết ý định của P và N là đi chặt cây cà phê để trồng ngô. Do vậy, bị cáo P phải chịu trách nhiệm hình sự và hình phạt nặng hơn so với các bị cáo còn lại. Đối với bị cáo N sau khi được bị cáo P rủ, đã là người cùng bị cáo P thực hiện hành vi phạm tội ngay từ đầu. Bản thân N cũng là người cùng P chuẩn bị công cụ phạm tội. Do vậy, bị cáo N thực hiện tội phạm với vai trò giúp sức tích cực nên phải chịu trách nhiệm hình sự và mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của mình gây ra. Đối với bị cáo Đ, sau khi bị cáo P, N đã thực hiện việc cắt cây cà phê thì cũng tham gia dùng liềm chặt cây với mục đích giúp P và N. Bị cáo Đ thực hiện tội phạm với vai trò giúp sức và phải chịu trách nhiệm hình sự và mức hình phạt nhẹ hơn so với bị cáo P, N và tương xứng với hành vi phạm tội của mình.
[5] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Sau khi thiệt hại xảy ra, các bị cáo đã tích cực bồi thường bằng tiền cho bị hại. Các bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Tại giai đoạn điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo đều đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo theo quy định tại điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015. Ngoài ra, xét các bị cáo là người dân tộc thiểu số sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn nên phần nào ảnh hưởng đến nhận thức xã hội của các bị cáo. Các bị cáo thực hiện làm hư hỏng tài sản với nhận thức giản đơn là lấy đất canh tác. Đây là những tình tiết Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc, xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015. Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Xét, các bị cáo ngoài lần phạm tội này luôn chấp đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trong đó có 03 tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 Điều 51 bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo nên Hội đồng xét xử xét không cần bắt bị cáo chấp hành hình phạt tù cũng không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đề nghị của kiểm sát viên cho các bị cáo hưởng án treo là có căn cứ chấp nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Bộ luật hình sự và Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP, ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
[6] Về hình phạt bổ sung: xét các bị cáo là người có thu nhập không ổn định, không có tài sản nên không áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền đối với các bị cáo.
[7] Về trách nhiệm dân sự: Phía đại diện bị hại chấp nhận mức bồi thường mà các bị cáo đã thực hiện, không yêu cầu bồi thường thêm nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[8] Về vật chứng của vụ án: Vật chứng là 02 máy cắt cỏ cũ đã qua sử dụng, 01 cái nhãn hiệu GX35 HONDA, 01 cái nhãn hiệu KIORITZ là các công cụ phạm tội, còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu, phát mại để sung quỹ Nhà nước. Đối với 02 chiếc liềm là phương tiện phạm tội, không còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu, tiêu hủy. Đối với 06 cành, thân cây cà phê thu giữ tại hiện trường là vật chứng không có giá trị nên cần tịch thu, tiêu hủy. Đối với 01 USB lưu giữ chứng cứ là hình ảnh, âm thanh cần bảo quản, lưu giữ theo hồ sơ theo quy định của pháp luật.
[9] Về án phí: Các bị cáo là người bị kết án nên phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, xét các bị cáo sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên Hội đồng xét xử xem xét miễn án phí cho bị cáo theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17, Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015;
1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Bùi Văn P, Bùi Văn N, Bùi Văn Đ phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.
2. Về hình phạt: Xử phạt bị cáo Bùi Văn P 09 (chín) tháng tù, cho hưởng án treo, thử thách 18 (Mười tám) tháng kể từ ngày tuyên án 30/10/2019.
Xử phạt bị cáo Bùi Văn N 07 (Bảy) tháng tù, cho hưởng án treo, thử thách 14 (Mười bốn) tháng kể từ ngày tuyên án 30/10/2019.
Xử phạt bị cáo Bùi Văn Đ 06 (Sáu) tháng tù, cho hưởng án treo, thử thách 12 (Mười hai) tháng kể từ ngày tuyên án 30/10/2019.
Giao các bị cáo Bùi Văn P, Bùi Văn N và Bùi Văn Đ cho Ủy ban nhân dân xã N, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình giám sát, giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp các bị cáo thay đổi nơi cư trú trong thời gian thử thách thì được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách nếu bị cáo nào cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc bị cáo đó phải chấp hành hình phạt tù đã cho hưởng án treo.
3. Về xử lý vật chứng: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự; điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự:
Tịch thu, phát mại sung vào ngân sách Nhà nước 01 máy cắt cỏ cũ đã qua sử dụng, nhãn hiệu GX35 HONDA, có tổng chiều dài 1,83m, có gắn lưỡi cắt ở đầu máy; 01 máy cắt cỏ cũ đã qua sử dụng, nhãn hiệu KIORITZ, có tổng chiều dài 1,83m, có gắn lưỡi cắt, phát ở đầu máy.
Tịch thu, tiêu hủy: 01 chiếc liềm tổng chiều dài 55 cm, cán bằng gỗ dài 30 cm; 01 chiếc liềm tổng chiều dài 89 cm, cán bằng gỗ dài 64 cm; 06 cành, thân cây cà phê thu giữ tại hiện trường.
(Vật chứng hiện đang lưu giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình theo Biên bản giao nhận vật chứng và Phiếu nhập kho số NK 033 ngày 13/9/2019).
4. Án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 23, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Miễn cho bị cáo Bùi Văn P, Bùi Văn N và Bùi Văn Đ mỗi bị cáo 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.
5. Quyền kháng cáo: Căn cứ các Điều 331; Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự: Các bị cáo, đại diện hợp pháp của Bị hại có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Bản án 38/2019/HS-ST ngày 30/10/2019 về tội cố ý làm hư hỏng tài sản
Số hiệu: | 38/2019/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Lạc Sơn - Hoà Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 30/10/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về