Bản án 37/2019/HS-ST ngày 12/06/2019 về tội cưỡng đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LÂM HÀ, TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 37/2019/HS-ST NGÀY 12/06/2019 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 12 tháng 6 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 80/2018/TLST- HS ngày 22 tháng 10 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 29/2019/QĐXXST-HS ngày 08 tháng 5 năm 2019 và thông báo hoãn phiên tòa số 01/TB-TA ngày 27/5/2019 đối với các bị cáo:

1. Mai Danh H; sinh năm 1974; tại Hà Nội; Nơi cư trú: Thôn x, xã T, huyện L, tỉnh Lâm Đồng; nghề nghiệp: làm nông; trình độ văn hoá: 6/12; dân tộc: kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Mai Danh H (đã chết) và bà Bùi Thị C; có vợ là Nguyễn Thị H và 02 người con, sinh năm 2002 và 2006; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 04/01/2018 đến ngày 08/6/2018 được thay thế biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

2. Nguyễn Thị H (T); sinh năm 1983; tại Hà Nội; Nơi ĐKHKTT: Thôn X, xã H, huyện L, tỉnh Lâm Đồng; Chỗ ở hiện nay: Thôn X, xã T, huyện L, tỉnh Lâm Đồng; nghề nghiệp: Làm nông; hình độ văn hoá: 4/12; dân tộc: kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn L và bà Nguyễn Thị T; có chồng là Mai Danh H và 02 người con, sinh năm 2002 và 2006; tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

- Người bị hại: Anh Nguyễn Văn T, sinh năm: 1983.

Địa chỉ: Thôn X, xã T, huyện L, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Mai Danh H: Ông Hoàng Thế N - Công ty luật TNHH MTV H, thuộc đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng, vắng mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị H (T): Ông Lê Thanh T - Công ty luật TNHH MTV T, thuộc đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại: Ông Dương Đình N - Văn phòng Luật sư Dương Đình N thuộc Đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

+ Chị Phạm Thị Q, sinh năm: 1992.

Nơi ĐKHKTT: Thôn S, xã L, huyện L, tỉnh Lâm Đồng.

Chỗ ở: Thôn X, xã T, huyện L, tỉnh Lâm Đồng, vắng mặt.

+ Anh Vũ Quốc V, sinh năm: 1988.

Nơi ĐKHKTT: Thôn S, xã L, huyện L, tỉnh Lâm Đồng.

Chỗ ở: Thôn X, xã T, huyện L, tỉnh Lâm Đồng, vắng mặt.

- Người làm chứng:

+ Chị Kơ Să K’S, sinh năm: 1988.

Địa chỉ: Tổ dân phố Đ, thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

+ Anh Ha P, sinh năm: 2001.

Địa chỉ: Thôn X, tổ dân phố Đ, thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

+ Anh Kơ Să Ha S, sinh năm: 1996.

Địa chỉ: Thôn X, xã T, huyện L, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

+ Anh Nguyễn Văn T, sinh năm: 1982.

Địa chỉ: Thôn X, xã T, huyện L, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

+ Chị Nguyễn Thị X, sinh năm: 1984.

Địa chỉ: Thôn X, xã T, huyện L, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

+ Anh K’ B, sinh năm: 1994.

Nơi ĐKHKTT: Thôn X, tổ dân phố Đ, thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Lâm Đồng.

Chỗ ở: Thôn X, xã T, huyện L, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

+ Ông Nguyễn Văn H, sinh năm: 1968.

Địa chỉ: Thôn X, xã T, huyện L, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 04/11/2017, anh Nguyễn Văn T trú tại thôn X, xã T, huyện L đến nhà chị Phạm Thị Q ở cùng thôn và nói chuyện với chị Q là anh Vũ Quốc V (chồng chị Q) có ý định bán máy cày cho anh T và xin số điện thoại di động của anh V rồi đi về. Vào ngày 05/11/2017, anh Vũ Quốc V đã bán chiếc máy cày hiệu Shibaura, 01 cối xay cà phê và 01 cái máy nổ D24 cho anh Nguyễn Văn T với giá 90.000.000 đồng, anh T đã đưa 10.000.000 đồng tiền đặt cọc và hẹn đến ngày 10/12/2017 sẽ trả đủ tiền. Khi anh V bán máy cày cho anh T, chị Q không biết. Trước đó, vợ chồng chị Q, anh V có mượn của gia đình H số tiền 90.000.000 đồng, chị Q và H có nói chuyện với nhau nếu sau này không sử dụng máy cày nữa thì bán lại máy cày cho vợ chồng H để trừ nợ. Khoảng 15 giờ 00 phút ngày 07/11/2017, chị Q đến nhà Nguyễn Thị H, trú tại: Thôn X, xã T, huyện L nói cho H biết về việc anh V bán máy cày cho anh T, H có nói đang nợ tiền của H sao không bán cho H để trừ nợ, chị Q cho biết việc bán máy cày là do anh V tự ý bán. Sau đó, chị Q mượn 10.000.000 đồng của H nhằm mục đích chuộc lại máy cày, chị Q có nhờ H gọi điện thoại cho chồng của H là Mai Danh H đi gặp anh T để chạy máy cày về cho chị Q. Lúc này, H1 đang điều khiển xe ô tô đi mua cà phê của nhà ông Hòa tại đầu dốc bãi le thuộc thôn 10, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, khi nghe điện thoại của H xong, H1 đã mượn xe mô tô của người dân điều khiển đi về, trên đường về H1 phát hiện anh T đang đậu máy cày tại nhà anh K’B ở thôn X, xã T, huyện L, để mua cà phê của anh K’B và chuẩn bị vác lên xe máy cày, H1 đã yêu cầu anh T đưa xe máy cày để H1 điều khiển về cho chị Q, anh T không đồng ý và nói xe máy cày anh T đã mua của anh V, hai bên cãi nhau qua lại, H1 đã lấy cây cà phê khô dài khoảng 70cm, đường kính 04cm đánh vào người anh T 02 cái trúng vào mông và đùi, H1 vứt cây cà phê và tiếp tục lao vào đấm 02 cái vào lưng và vai của anh T. Sau đó, anh T chạy ra ngoài đường gọi điện báo công an xã, còn H1 gọi điện thoại cho H nói xe máy cày và T đang ở nhà người đồng bào dân tộc thuộc dốc bãi le. Lúc này, H và chị Q đang ở nhà anh T, nghe xong điện thoại H đã nói cho chị Q biết vị trí để máy cày. Sau đó, chị Q và H đi trên chiếc xe mô tô đến, chị Q đưa số tiền 10.000.000 đồng cho anh T và nói với anh T cho chuộc xe máy cày nhưng anh T không đồng ý, H chửi T và cầm dép đe dọa đòi đánh anh T yêu cầu đưa chìa khóa xe máy cày, tiếp đến H cầm cây cà phê đe dọa đánh anh T yêu cầu anh T giao chìa khóa, anh T vẫn không giao, H lao vào dùng tay giằng co tay của anh T để lấy chìa khóa, H1 cũng lao vào kẹp cổ từ phía sau để cho H lấy chìa khóa, H đã cắn vào tay anh T đang cầm chìa khóa và lấy chìa khóa đưa cho H1 và nói H1 điều khiển xe máy cày đi, H1 điều khiển xe máy cày đi được khoảng 01km thì để máy cày ở nhà dân bên đường rồi quay lại nhà ông Hòa điều khiển xe ô tô về nhà.

Tang vật thu giữ: 01 cây gậy cà phê dài 1,1m, đường kính 02cm, 01 cây gậy cà phê dài 67cm, đường kính 05cm và 01 xe máy cày màu đỏ nhãn hiệu Shibaura D23F có gắn 02 giá đỡ bằng sắt.

Ngày 23/11/2017, Hội đồng định giá huyện Lâm Hà kết luận 01 xe máy cày và 02 giá đỡ bằng sắt có trị giá 75.800.000đồng.

Tại bản cáo trạng số 48/CT-VKS-LH ngày 12/6/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lâm Hà đã truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà để xét xử bị can Mai Danh H, Nguyễn Thị H (T) về tội: “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Tại phiên tòa, bị cáo H1 thay đổi lời khai, bị cáo cho rằng tại cơ quan điều tra bị cáo khai nhận hành vi phạm tội là do bị cáo nghĩ khai như vậy để được tại ngoại, đồng thời cho rằng bị cáo không có tội. Còn bị cáo H cho rằng anh T có tư thù cá nhân, muốn lợi dụng các mối quan hệ này kia để cố tình bẫy cho vợ chồng bị cáo vào tù. Bị cáo thừa nhận có nóng nảy, sai sót, không kiềm chế được một số hành động, câu nói. Tuy vậy, bị cáo H cho rằng hành vi ấy không phải là sự cưỡng đoạt tài sản. Đồng thời bị cáo cho rằng toàn bộ sự việc, tính chất hành vi cũng như mục đích của vợ chồng bị cáo khi tham gia vụ việc này là để giúp đỡ chị Q chứ không phải vợ chồng bị cáo cưỡng đoạt tài sản. Vì vậy, bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử công tâm xem xét cho vợ chồng bị cáo.

Trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Lâm Hà giữ nguyên quyết định truy tố các bị cáo Mai Danh H, Nguyễn Thị H (T) về tội: “Cưỡng đoạt tài sản”, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm d khoản 2 Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 xử phạt bị cáo Mai Danh H từ 36 đến 48 tháng tù.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009; khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 xử phạt bị cáo Nguyễn Thị H (T) từ 24 đến 30 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 04 đến 05 năm.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, đề nghị tuyên tịch thu tiêu hủy: 01 cây gậy cà phê dài 1,1m, đường kính 02cm, 01 cây gậy cà phê dài 67cm, đường kính 05cm. Đồng thời buộc các bị cáo chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định, về trách nhiệm dân sự đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo H1 phải bồi thường cho anh T 222.000đồng.

Bị cáo H1 trình bày ý kiến tranh luận không đồng ý với bản luận tội do Viện kiểm sát nêu tại phiên tòa và bị cáo cho rằng bị cáo không phạm tội.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị H trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo như sau: Luật sư giữ nguyên ý kiến bào chữa cho bị cáo H như phiên tòa lần trước luật sư đã trình bày, cụ thể việc truy tố của Viện kiểm sát tại phiên tòa không có cơ sở, truy tố oan người không có tội. Bởi vì, đây là một quan hệ dân sự bình thường, Viện kiểm sát chưa chứng minh được xe máy cày có phải là tài sản thuộc sở hữu riêng của anh V hay không. Hơn nữa, bị cáo H đã đề nghị công bố đoạn băng ghi âm chứng minh mẹ anh V đòi lại xe, trong khi đó lại trả xe cho anh T là không đúng với quy định của pháp luật. Khi sự việc xảy ra, bị cáo H1 chưa đánh xe máy cày đi nhưng bị hại đã gọi điện thoại cho công an viên cho rằng mình bị cướp xe, điều này chứng minh lúc đó anh T hoàn toàn tỉnh táo chứ không hề bị uy hiếp về mặt tinh thần, do đó lời khai của anh T là không có cơ sở. Xét về tương quan lực lượng thì bị cáo H nhỏ bé còn anh T to khỏe nên việc bị cáo H dùng dép và cây cà phê dứ vào mặt anh T không phải là hành vi nguy hiểm khiến cho anh T phải hoảng loạn để giao tài sản là không đúng. Mặt khác, xét về logic học thì việc truy tố bị cáo H là không đúng pháp luật vì không thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm về tội cưỡng đoạt tài sản. Đồng thời, tại phiên tòa hôm nay Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về tư cách những người làm chứng vì lý do họ có mối quan hệ thân thiết với anh T. Đối với việc thu thập vật chứng của vụ án không được thu thập đúng theo trình tự về thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự; cũng như kết luận điều tra bổ sung có nhiều điểm khác so với kết luận điều tra ban đầu nhưng Viện kiểm sát không thay đổi cáo trạng và không thông báo cho các bị cáo được biết là vi phạm tố tụng. Việc Viện kiểm sát xử lý vật chứng trao trả chiếc xe máy cày cho anh T là trái với quy định của pháp luật. Mặt khác, Luật sư cho rằng bị cáo H1 không biết mục đích, ý nghĩa của việc lấy máy cày mà chỉ có bị cáo H biết. Việc bị cáo H1 đánh anh T chỉ vì hai bên có xô sát dẫn đến bực tức nên mới đánh chứ bị cáo H1 không có ý chiếm đoạt tài sản. Theo quan điểm truy tố của Viện kiểm sát thì bị cáo H1 là đầu vụ có vai trò chính nhưng theo quan điểm của Luật sư thì bị cáo H1 không phạm tội, do đó bị cáo H cũng không phạm tội. Vì vậy Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo không phạm tội.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại trình bày quan điểm đồng ý với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát, mục đích chiếm đoạt tài sản của các bị cáo đã rõ ràng, hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Đồng thời không thống nhất việc Viện kiểm sát đề nghị áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo H1 và cho rằng hành vi của bị cáo là cố ý thực hiện tội phạm đến cùng, không có sự ăn năn hối cải nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giải quyết đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật, về trách nhiệm dân sự đề nghị Hội đồng xét xử xem xét yêu cầu của anh T về việc buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền 40.000.000đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Tòa án triệu tập phiên tòa lần thứ nhất thì người bào chữa cho bị cáo H1 là luật sư Hoàng Thế N có đơn xin hoãn phiên tòa với lý do không sắp xếp được thời gian nhưng Luật sư N không xuất trình kèm theo đơn chứng cứ về lý do xin hoãn phiên tòa. Tại phiên tòa hôm nay, Luật sư Hoàng Thế N đã được Tòa án thông báo hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng nên căn cứ khoản 1 Điều 291; Điều 305 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt Luật sư Hoàng Thế Nhiên theo thủ tục chung là phù hợp.

[2] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra công an huyện Lâm Hà, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lâm Hà, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa: vợ chồng bị cáo H1, H cho rằng tại giai đoạn điều tra thì điều tra viên Lý Minh T đã hướng dẫn các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của các bị cáo chứ các bị cáo không muốn khai như vậy. Tuy nhiên, các bị cáo lại không xuất trình được chứng cứ để chứng minh vấn đề này. Tại phiên tòa, ngoài ý kiến trên, các bị cáo không có ý kiến gì khác và cũng không đưa ra được chứng cứ nào mới đối với các hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người thực hiện tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[3] Vào ngày 07/11/2017 bị cáo Mai Danh H và bị cáo Nguyễn Thị H đã có những hành vi như chửi, đánh, kẹp cổ từ phía sau, cào cấu, cắn vào tay anh T nhằm mục đích buộc anh T phải giao chìa khóa xe máy cày cho các bị cáo. Sau khi lấy được chìa khóa xe máy cày từ tay anh T thì bị cáo H đã đưa cho bị cáo H1 để bị cáo H1 chạy xe mang đi nơi khác cất. Tài sản các bị cáo chiếm đoạt có giá trị 75.800.000đồng.

Hội đồng xét xử xét thấy: chiếc xe máy cày trên không phải là tài sản của anh T nhưng do chồng chị Q là anh V đã thỏa thuận bán cho anh T với giá 90.000.000đồng, anh T đã đặt cọc trước 10.000.000đồng và anh V đã giao xe cho anh T sử dụng không cho chị Q biết. Như vậy, anh V là chủ sở hữu chiếc xe máy cày trên đồng ý giao xe máy cày cho anh T thông qua giao dịch dân sự mua bán tài sản. Mặc dù, tại thời điểm đó anh T chưa phải là chủ sở hữu của chiếc xe máy cày trên nhưng anh T được chủ sở hữu giao xe máy cày, vì vậy kể từ sau thời điểm anh V giao xe cho anh T thì anh T là người quản lý hợp pháp đối với tài sản là chiếc xe máy cày. Trường hợp chị Q không đồng ý với việc mua bán trên thì chị Q có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cần khẳng định chiếc xe máy cày trên không liên quan gì, không phải là tài sản của gia đình bị cáo H1, bị cáo H nhưng vào ngày 07/11/2017 khi chị Q nói với bị cáo H lấy máy cày về sẽ gán nợ cho gia đình hai bị cáo H, H1 và chị Q nhờ bị cáo H gọi điện thoại cho bị cáo H1 đi gặp anh T để lấy máy cày thì bị cáo H1 đồng ý. Sau đó hai bị cáo đã tìm mọi cách để anh T là người đang trực tiếp quản lý chiếc xe trên phải giao xe máy cày cho hai bị cáo trái với ý chí của anh T là không đúng quy định của pháp luật. Khi anh T không đồng ý thì hai bị cáo đã dùng vũ lực đối với anh T để chiếm đoạt được chìa khóa xe máy cày trong tay anh T và bị cáo H1 mang xe đi với mục đích chị Q sẽ gán nợ chiếc xe máy cày trên cho các bị cáo.

[4]. Tại phiên tòa, bị cáo H1 thay đổi lời khai, bị cáo cho rằng tại cơ quan điều tra bị cáo khai nhận hành vi phạm tội là do bị cáo nghĩ khai như vậy để được tại ngoại. Đồng thời bị cáo H1 cho rằng hành vi của bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản, vì việc bị cáo H1 đánh anh T là do anh T nhỏ tuổi hơn bị cáo nhưng anh T lại có những lời nói hỗn với bị cáo nên bị cáo mới đánh. Hội đồng xét xử xét thấy, bị cáo cho rằng tại cơ quan điều tra bị cáo nhận tội là để được tại ngoại nhưng bị cáo lại không xuất trình được chứng cứ để chứng minh vấn đề này, mặt khác ngày 08/6/2018 bị cáo H1 còn có đơn gởi Viện kiểm sát nhân dân huyện Lâm Hà với nội dung: “... tôi đang bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản, qua quá trình điều tra tôi nhận thức được hành vi phạm tội của tôi nên tôi đã tự nguyện khai báo toàn bộ nội dung diễn biến vụ việc về hành vi của tôi và vợ tôi. Tôi cam kết không thay đổi lời khai của tôi ... ” (bút lục 290). Do đó việc bị cáo cho rằng hành vi của bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm là không có cơ sở. Bởi lẽ, nếu mục đích bị cáo đánh anh T do anh T hỗn với bị cáo thì sau khi kẹp cổ anh T để bị cáo H lấy chìa khóa từ tay anh T thì bị cáo đã không đánh xe máy cày đi cất. Khi chị Q và bị cáo H đến yêu cầu anh T giao xe máy cày nhưng anh T không đồng ý và khi đó hai bên đã có lời qua tiếng lại nên việc bị cáo cho rằng anh T hỗn nên mới đánh là không hợp lý mà phải khẳng định rằng bị cáo đánh anh T nhằm mục đích buộc anh T phải giao chìa khóa xe máy cày cho bị cáo. Chỉ đến khi bị cáo H lấy được chìa khóa từ tay anh T thì bị cáo mới buông anh T ra. Đồng thời tại biên bản ghi lời khai ngày 15/11/2017 (bút lục số 85-86) chị Q khai: “...Em lên nhà anh T để chuộc lại xe, nếu chuộc được thì kêu anh H1 đánh xe về cho em...” chứ chị Q không nói bị cáo dùng vũ lực đối với anh T để lấy xe máy cày. Như vậy, chị Q chỉ nhờ vợ chồng bị cáo đi chuộc máy cày chứ không nhờ vợ chồng bị cáo đánh anh T để lấy máy cày. Việc bị cáo đánh anh T để lấy được chìa khóa mang xe máy cày đi không thuộc nội dung chị Q nhờ vợ chồng bị cáo. Vì vậy, hành vi của bị cáo H1 đủ yếu tố cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản.

[5]. Tại phiên tòa, bị cáo H một mực kêu oan, bị cáo và Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, khi bị cáo cùng chị Q đến nơi anh T để xe máy cày yêu cầu anh T giao lại xe máy cày cho chị Q nhưng anh T không đồng ý nên giữa hai bên có lời qua tiếng lại và bị cáo lấy dép đang đi ở chân cầm lên nói với anh T “... mày có muốn chị tát cho mày mấy cái vào mặt hay không... ” là nhằm mục đích dọa anh T thì anh T đứng chửi nên bị cáo H1 đã lao vào dùng tay kẹp cổ anh T xuống, bị cáo cũng lao vào dùng tay cạy tay của anh T ra để can hai người không cho đánh nhau chứ bị cáo không giằng chìa khóa từ tay anh T mà sau khi mọi người buông nhau ra, anh T nghe điện thoại của ai đó rồi tự nguyện đưa chìa khóa xe máy cày cho bị cáo. Tuy nhiên tại biên bản hỏi cung bị can ngày 28/3/2018 do Điều tra viên thực hiện có sự tham gia của Luật sư bào chữa cho bị cáo H1 thì bị cáo H1 đã khai: “... Tôi thấy cô Q có cầm tiền đến nói T cho chuộc lại xe máy cày nhưng T không cho chuộc. Lúc này thì vợ tôi là H nhặt dép ở chân lên và chỉ về phía anh T và nói T, ngay sau đó thì vợ tôi bỏ dép xuống rồi lao vào giằng co và dùng tay cạy chìa khóa xe máy cày trên tay T. Khi vợ tôi đang giằng chìa khóa thì tôi lao vào anh T và dùng tay trái kẹp cổ anh T để cho anh T buông chìa khóa ra...” (bút lục 77). Đồng thời tại biên bản đối chất ngày 27/3/2018 giữa anh T và H1 thì bị cáo H1 cũng khai: “...Khi vợ tôi là H đến, lúc vợ tôi đang giằng co chìa khóa với ông T thì tôi có lao vào kẹp cổ T bằng tay của tôi để cho ông T buông chìa khóa xe máy cày ra...” (bút lục 142). Ngoài ra tại các bút lục số 233, 234 và 265 thì bị cáo H1 cũng đã khai như trên. Toàn bộ lời khai của bị cáo H1 trong quá trình điều tra đều được bị cáo H1 ghi xác nhận đúng lời khai của mình và ký tên. Ngoài ra, tại biên bản ghi lời khai ngày 15/11/2017, chị Q khai: “...tôi thấy chị T cầm cây gậy cà phê dài khoảng 60cm đường kính 2cm giơ lên dọa vụt T, tôi lại thấy chị T hạ xuống rồi tôi tiếp tục thấy vợ chồng H1 T chửi bới và lao vào thì chị T đứng ở trước mặt anh T dùng tay cào cấu anh T đồng thời dùng tay cấu, kéo tay anh T đang cầm chìa khóa máy cày còn phía sau anh H1 cũng lao vào xô sát, giằng kéo anh T. Sau đó tôi thấy chị T lấy được chìa khóa từ tay anh T... ” (bút lục 86 - 87).

Như vậy, trên thực tế thì lúc đó không có sự việc đánh nhau giữa bị cáo H1 và anh T vì lúc đó một tay anh T đang lo giữ chìa khóa còn cổ thì đã bị bị cáo H1 kẹp từ phía sau, anh T không thể chống cự lại bị cáo H1 hoặc ôm hay giữ đối với bị cáo H1. Nếu thực sự bị cáo H muốn can thì khi đó, bị cáo H phải gỡ tay bị cáo H1 ra khỏi cổ anh T để anh T không bị khống chế nhưng bị cáo lại xông vào cào cấu, cắn tay anh T. Vì vậy, việc Luật sư cho rằng bị cáo can không cho bị cáo H1 và anh T đánh nhau là không có cơ sở và lời khai của bị cáo tại phiên tòa không phản ánh đúng ý chí của bị cáo, không phù hợp với hành động của bị cáo đã thực hiện đối với anh T khi đó. Mà phải khẳng định rằng, khi đó bị cáo xông vào anh T cào, cấu, cắn tay anh T để giúp sức cho bị cáo H1 nhằm mục đích chiếm đoạt chìa khóa xe máy cày trong tay anh T mới phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ việc.

Mặt khác, việc bị cáo H xuất trình chứng cứ là giấy gán nợ ghi ngày 05/11/2017 do chị Q viết để chứng minh hành vi của bị cáo là do chị Q nhờ, tuy nhiên theo chị Q trình bày: “ ...Do trước đó tôi đã hứa trả chiếc xe máy cày cho chị T là vợ của anh H1 do tôi có vay của vợ chồng chị T số tiền là 90.000.000đ, tôi và chị T chưa làm giấy tờ gì về việc trả chiếc máy cày...” (bút lục 89- 90). Như vậy tại thời điểm xảy ra sự việc trên thì việc viết giấy gán nợ giữa chị Q với bị cáo H chưa xảy ra. Còn việc anh V chồng chị Q bán xe cho anh T đã được thực hiện vào ngày 05/11/2017, anh T đã đưa cho anh V 10.000.000 đồng tiền đặt cọc và hẹn đến ngày 10/12/2017 sẽ trả đủ tiền và anh V đã giao xe cho anh T sử dụng. Như vậy tại thời điểm đó, anh T chưa phải là chủ sở hữu của chiếc xe máy cày trên nhưng thông qua giao dịch mua bán với anh V đã được anh V giao xe nên khi đó anh T là người quản lý và sử dụng chiếc xe máy cày. Trường hợp chị Q không đồng ý với giao dịch giữa anh V và anh T thì chị Q có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết; hoặc bị cáo H cho rằng do chị Q đã gán nợ và không đồng ý việc bán xe của anh V thì cũng có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết chứ hai bị cáo không có quyền sở hữu hay định đoạt đối với chiếc xe máy cày trên. Vì vậy, hành vi đánh anh T lấy chìa khóa xe máy cày và mang xe đi cất của hai bị cáo là vi phạm pháp luật. Do đó việc bị cáo H xuất trình giấy gán nợ giữa chị Q với bị cáo H là không khách quan, không phù hợp về trình tự thời gian nên không có cơ sở để chấp nhận đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng bị cáo không có tội.

[6] Từ những phân tích, nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, mâu thuẫn với lời khai của người bị hại, mâu thuẫn với lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và mâu thuẫn với lời khai của một số người làm chứng và không phản ánh đúng diễn biến của vụ việc. Bởi lẽ, khi bị cáo H cùng chị Q tới yêu cầu anh T giao chìa khóa xe máy cày, anh T không đồng ý thì đôi bên có lời qua tiếng lại, bị cáo H dơ dép đòi đánh anh T nên anh T chửi và bị cáo H1 tiếp tục chạy đến dùng tay trái kẹp vào cổ anh T nhằm mục đích buộc anh T phải đưa chìa khóa xe máy cày cho vợ chồng bị cáo. Khi đó anh T đã ở thế yếu, bị chồng bị cáo H kẹp cổ từ phía sau và một tay lo giữ chìa khóa nên không có việc anh T và chồng bị cáo H sẽ đánh nhau mà anh T khi đó đang bị bị cáo H1 khống chế, bị cáo H đã lao vào giúp sức cho bị cáo H1, dùng mọi cách từ cào cấu, giằng co và cắn vào tay anh T để chiếm đoạt chìa khóa xe máy cày trong tay anh T. Bị cáo H cho rằng trước đây bị cáo khai xông vào cào cấu, giằng co và cắn tay anh T để lấy chìa khóa xe máy cày là do Điều tra viên hướng dẫn bị cáo khai như vậy chứ thực sự là bị cáo chỉ xông vào để can không cho bị cáo H1 và anh T đánh nhau, nhưng bị cáo lại không đưa ra được chứng cứ để chứng minh vấn đề này nên không có cơ sở để chấp nhận lời khai của bị cáo. Hơn nữa, theo chị Q khai: “... bản thân tôi chỉ nhờ chị T gọi điện cho anh H1 khi nào thỏa thuận chuộc lấy lại tài sản thì nhờ anh H1 chạy xe về hộ vì tôi không biết chạy xe...” (bút lục 87). Tuy nhiên, khi chị Q gặp anh T thì anh T không đồng ý nhận lại tiền cọc và đề nghị chờ công an đến giải quyết. Như vậy, theo lời khai của chị Q thì đúng ra bị cáo phải chờ xem việc thỏa thuận chuộc lại xe giữa chị Q và anh T có thành hay không và nếu thành thì bị cáo H1 mới chạy xe về giúp cho chị Q, nhưng bị cáo lại chọn cách nhanh nhất, không cần quan tâm đến việc thỏa thuận giữa chị Q và anh T có thành hay không mà chỉ bằng mọi cách làm thế nào để lấy được chìa khóa xe từ anh T để bị cáo H1 chạy xe về với mục đích để gán trừ nợ. Việc làm này của các bị cáo là trái với quy định của pháp luật.

Mặc dù các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, Luật sư cho rằng các bị cáo không phạm tội nhưng lời khai của các bị cáo không phải là chứng cứ duy nhất để kết luận các bị cáo có tội hay không có tội, mà Hội đồng xét xử xét thấy ngoài lời khai của các bị cáo ra thì trong vụ án này còn có lời khai của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và một số người làm chứng hoàn toàn trùng khớp với nhau và phản ánh đúng diễn biến sự việc. Căn cứ vào lời khai của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và một số người làm chứng cùng những tài liệu chứng cứ khác được phản ánh trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử đã có đủ cơ sở kết luận bị cáo H1 và bị cáo H phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lâm Hà truy tố là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Xét về vai trò của các bị cáo trong vụ án thì bị cáo H1 là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội một cách tích cực, cụ thể sau khi nghe điện thoại của bị cáo H thì bị cáo H1 đã mượn xe máy với ý định đi đến nhà anh T nhưng trên đường đi bị cáo thấy anh T đậu xe máy cày tại nhà anh K’Bach và đang cân cà phê nên bị cáo đã yêu cầu anh T giao xe máy cày cho bị cáo nhưng anh T không đồng ý thì bị cáo đã chửi và dùng cây cà phê đánh anh T, sau đó dùng tay đấm vào vùng sau gáy anh T hai cái. Đến khi bị cáo H cùng chị Q tới yêu cầu anh T giao chìa khóa xe máy cày, anh T không đồng ý thì bị cáo H1 tiếp tục chạy đến dùng tay trái kẹp vào cổ anh T nhằm mục đích buộc anh T phải đưa chìa khóa xe máy cày cho vợ chồng bị cáo. Sau khi bị cáo H lấy được chìa khóa xe máy cày đưa cho bị cáo thì bị cáo lên xe để chạy xe đi thì chị X là vợ của anh T đã đến để lấy lại chìa khóa nhưng bị cáo H1 gạt chị X ra và chạy xe máy cày đi khỏi hiện trường và để xe ở một nhà dân. Bị cáo H khi được chị Q nhờ thì đã gọi điện thoại ngay cho chồng là bị cáo H1 nói H1 đến nhà anh T để lấy xe máy cày. Sau khi nghe bị cáo H1 gọi lại là đã thấy anh T và xe máy cày ở bãi le thì bị cáo H đã cùng chị Q đi đến nơi anh T để máy cày, yêu cầu anh T giao chìa khóa xe máy cày nhưng không được anh T đồng ý thì bị cáo đã chửi và dùng dép dọa đánh vào mặt, dùng cây cà phê đe dọa, cào cấu, cậy tay và cắn tay anh T. Hành vi của bị cáo chứng tỏ bị cáo đã dùng mọi cách để chiếm đoạt được chìa khóa xe máy cày trong tay anh T.

Xét tính chất vụ án nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo được thực hiện với lỗi cố ý, xâm phạm đến tài sản, sức khỏe của người khác, coi thường kỷ cương pháp luật, đồng thời tác động xấu đến trật tự trị an xã hội. Vì vậy, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi đã thực hiện. Bị cáo H1 là người thực hiện hành vi phạm tội một cách tích cực, sau khi bị cáo H chiếm đoạt được chìa khóa xe máy cày từ tay anh T thì bị cáo H1 là người trực tiếp điều khiển xe máy cày đi cất. Bị cáo H là người thực hiện hành vi giúp sức cho bị cáo H1 để chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, bị cáo H1 phải chịu trách nhiệm hình sự cao hơn bị cáo H là phù hợp.

Xét nhân thân các bị cáo là người dân lao động, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, bị cáo H1 thành khẩn khai báo về hành vi đã thực hiện, bản thân các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự. Hơn nữa, các bị cáo phạm tội chủ yếu là do sự nóng nảy không kiểm soát được hành vi của mình nên đã nhất thời phạm tội và sau khi phạm tội các bị cáo đã giao lại tài sản khắc phục hậu quả. Vì vậy, bị cáo H1 được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015; còn bị cáo H được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó cần xử lý các bị cáo với mức hình phạt dưới khung hình phạt theo quy định tại Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là phù hợp.

Căn cứ vào tính chất, mức độ, hành vi phạm tội cũng như nhân thân của các bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy quan điểm luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Lâm Hà đối với các bị cáo là có cơ sở. Xét thấy cần phải cách ly bị cáo H1 ra khỏi xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người tốt, có ích cho xã hội.

Đối với bị cáo H là đồng phạm giúp sức tích cực cho bị cáo H1 để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên khi quyết định hình phạt đối với bị cáo cần xem xét điều kiện hoàn cảnh hiện nay của gia đình bị cáo, bởi vì bị cáo là phụ nữ, hai bị cáo là vợ chồng trong cùng vụ án, gia đình bị cáo có mẹ già và các con đều còn nhỏ cần sự quan tâm chăm sóc. Do đó, để thể hiện sự nhân đạo khoan hồng của pháp luật xã hội chủ nghĩa, đồng thời tạo điều kiện cho bị cáo được tiếp tục lao động chăm lo cho gia đình và chăm sóc con được chu đáo, để gia đình bị cáo có cơ hội hoàn lương, các con của bị cáo có cơ hội trưởng thành tốt hơn khi có mẹ gần gũi, quan tâm, chăm sóc. Hội đồng xét xử xét thấy, không cần thiết phải cách ly bị cáo H ra khỏi xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo cũng đủ để giáo dục bị cáo trở thành công dân tốt dưới sự quản lý, giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương và gia đình.

[7] Đối với chị Phạm Thị Q đã nhờ bị cáo H, bị cáo H1 đi lấy máy cày nhưng chị Q không có hành vi đe dọa anh T và cũng không xúi dục các bị cáo phạm tội, hơn nữa hiện nay chị Q không có mặt ở địa phương nên cơ quan điều tra không thể đối chất để làm rõ việc chị Q nhờ như lời khai của các bị cáo cụ thể như thế nào. Vì vậy, cơ quan điều tra công an huyện Lâm Hà tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau.

[8] Về trách nhiệm dân sự: Sau khi sự việc xảy ra anh T đã yêu cầu giám định tỷ lệ thương tật, cơ quan điều tra đã tiến hành trưng cầu giám định tỷ lệ phần trăm thương tích đối với anh T tại Trung tâm pháp y thuộc sở y tế tỉnh Lâm Đồng và ngày 29/12/2017, Trung tâm đã có kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định của anh T là 00%. Tại phiên tòa, anh T đồng ý với kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể, không yêu cầu giám định lại. Nhưng anh T cho rằng sau khi bị vợ chồng bị cáo H1, H đánh, anh đã phải nghỉ ở nhà với thời gian một tháng không đi làm được. Tại phiên tòa, anh T yêu cầu các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường cụ thể như sau: Tiền thuốc 800.000đồng; tiền chụp CT Scanner 1.200.000đồng; tiền chụp X quang 100.000 đồng; tiền thuê xe cẩu máy cày về nhà 2.500.000đồng; tiền tổn thất tinh thần và công không lao động được 35.400.000đồng (tính công 200.000đồng/1 ngày trong 1 tháng). Ngoài ra người bị hại còn yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại do xe bị thu giữ nhưng người bị hại không nêu mức cụ thể. Tổng cộng số tiền bị hại yêu cầu bồi thường là 40.000.000đồng.

Qua xem xét, Hội đồng xét xử xét thấy: Đối với việc anh T yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại do việc không sử dụng khai thác tài sản bị xâm phạm (máy cày) nhưng anh T không đưa ra mức cụ thể là bao nhiêu. Đồng thời anh T còn yêu cầu các bị cáo phải bồi thường tiền công cẩu xe máy cày về là 2.500.000đồng. Tuy nhiên, chiếc xe trên là tài sản chung của anh V và chị Q trong thời kỳ hôn nhân, là sở hữu chung của vợ chồng chị Q, anh V, việc anh T giao dịch mua bán xe với anh V, chị Q không đồng ý, khi biết sự việc chị Q đã đem 10.000.000đồng đến chuộc lại xe nhưng anh T không đồng ý. Việc anh T giao dịch mua bán xe không có sự đồng ý của chị Q là không phù hợp với pháp luật dân sự. Bên cạnh đó, khi xảy ra sự việc thì anh T mới thanh toán cho anh V 1/9 trị giá chiếc xe, hơn nữa, trên thực tế anh V mới giao chiếc xe cho anh T quản lý sử dụng từ ngày 05/11/2017 đến ngày 07/11/2017 thì xảy ra sự việc nên chưa phát sinh lợi ích gắn liền với việc sử dụng khai thác tài sản và anh T cũng không có căn cứ chứng minh cho thiệt hại xảy ra, hơn nữa việc tạm giữ chiếc xe trên là để phục vụ quá trình điều tra vụ án. Mặt khác, sau khi kết thúc điều tra thì Cơ quan điều tra cũng đã trả chiếc xe máy cày cho anh T, anh T đã nhận lại xe và xác nhận vào biên bản giao trả tài sản là “đã nhận lại đủ tài sản còn nguyên vẹn” nên không có cơ sở chấp nhận đối với yêu cầu bồi thường của anh T về tiền thuê cẩu xe máy cày và thiệt hại do xe bị thu giữ.

Về việc anh T yêu cầu bồi thường thiệt hại do tổn thất danh dự, tinh thần và công không lao động được là 35.400.000đồng. Hội đồng xét xử xét thấy, theo quy định tại Điều 592 của Bộ luật Dân sự 2015 thì nếu có thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì mức bồi thường tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Theo quy định tại khoản 2 Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm ngoài bồi thường các khoản chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại, chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị, thì phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần. Khi xác định mức tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào ảnh hưởng của hành vi xâm phạm sức khỏe tới đời sống tinh thần của người bị thiệt hại sau khi chữa lành vết thương. Tuy nhiên, trong vụ án này, các bị cáo có hành vi cưỡng đoạt tài sản là chiếc xe máy cày do anh V giao cho anh T quản lý nhưng không có hành vi xâm phạm đến danh dự của anh T, hơn nữa anh T bị tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 00% nên không có tổn thất về tinh thần. Do đó không có cơ sở chấp nhận đối với yêu cầu bồi thường này của anh T.

Đối với yêu cầu bồi thường của anh T về chi phí đi lại khám chữa vết thương cụ thể là tiền thuốc, tiền chụp CT scanner, tiền chụp XQuang. Hội đồng xét xử xét thấy, kết quả giám định kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên đối với anh T là 00%, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, anh T không xuất trình được chứng cứ chứng minh anh T có điều trị tại bệnh viện mà chỉ xuất trình được chứng cứ khám bệnh tại Trung tâm y tế huyện Lâm Hà vào ngày 09/11/2017 với số tiền là 198.500đồng, anh T yêu cầu bồi thường ngày công không lao động được và tổn thất tinh thần là 35.400.000đồng nhưng cũng không trình bày rõ yêu cầu tiền công không lao động được là bao nhiêu trong số 35.400.000đồng. Hội đồng xét xử xét thấy, anh T không xuất trình được hóa đơn chứng từ về việc điều trị thương tích, cũng không có giấy tờ chứng minh anh T nhập viện và ra viện, mà trong hồ sơ chỉ thể hiện anh T xuất trình 01 hóa đơn thuốc và phiếu nộp tiền khám bệnh tại trung tâm y tế huyện Lâm Hà với số tiền tổng cộng là 198.500 đồng. Vì vậy, căn cứ vào Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, đồng thời do bị cáo H1 là người đánh anh T vào mông và vai nên cần buộc bị cáo H1 phải có trách nhiệm bồi thường cho anh T số tiền 198.500đồng là phù hợp.

Đối với chiếc xe máy cày màu đỏ nhãn hiệu SHTOAAURA D23F và hai giá đỡ bằng sắt các bị cáo chiếm đoạt từ anh T, cơ quan điều tra đã thu giữ và đã trả cho anh T. Tại phiên tòa hôm nay, anh T xác định đã nhận lại xe và không có yêu cầu gì nên Hội đồng xét xử không đặt ra để xem xét.

[8] Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án chị Q, anh V khai: Anh chị có chiếc xe máy cày hiệu Shibaura, anh V đã tự ý bán cho anh T không thông qua ý kiến của chị Q với giá 90.000.000đồng, anh T đã đặt cọc trước cho anh V 10.000.000 đồng. Khi biết việc mua bán trên chị Q không đồng ý nên đã mượn tiền của bị cáo H để đi gặp anh T trả lại tiền cọc chuộc xe về nhưng không được anh T đồng ý. Đồng thời chị Q nhờ bị cáo H gọi điện thoại cho bị cáo H1 khi nào chị Q chuộc được xe thì H1 chạy xe máy cày về giúp do chị Q không biết chạy xe. Sau khi sự việc xảy ra thì anh V, chị Q đã bỏ đi khỏi địa phương (Bút lục 401, 402, 403). Trong hồ sơ không thể hiện anh V, chị Q có yêu cầu gì nên Hội đồng xét xử không xem xét. Trường hợp sau này giữa chị Q, anh V với anh T hoặc giữa chị Q, anh V với H1, H có phát sinh tranh chấp về việc mua bán hay gán nợ có liên quan đến chiếc xe máy cày nói trên thì sẽ được xem xét giải quyết bằng vụ kiện dân sự khác theo thủ tục chung.

[9] Xử lý vật chứng: Vật chứng của vụ án được cơ quan điều tra thu giữ bàn giao sang Chi cục thi hành án dân sự huyện Lâm Hà là 01 cây gậy cà phê dài 1,1m, đường kính 02cm, 01 cây gậy cà phê dài 67cm, đường kính 05cm không có giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.

[10] Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Bị cáo H1 phải chịu 300.000đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố các bị cáo Mai Danh H, Nguyễn Thị H (T) phạm tội: “Cưỡng đoạt tài sản”.

- Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009; điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 17; Điều 58; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xử phạt: Bị cáo Mai Danh H 18 (Mười tám) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án, được trừ thời gian đã tạm giam từ ngày 04/01/2018 đến ngày 08/6/2018 vào thời gian chấp hành hình phạt tù.

- Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009; điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 17; Điều 58; Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị H (T) 12 (mười hai) tháng tù cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (12/6/2019).

Giao bị cáo Nguyễn Thị H (T) cho Ủy ban nhân dân xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng quản lý, giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc quản lý, giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Trường hợp bị cáo được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 69 Luật Thi hành án Hình sự.

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015; Điều 584; Điều 585; Điều 586; Điều 590; Điều 592 Bộ luật Dân sự.

- Buộc bị cáo Mai Danh H phải có trách nhiệm bồi thường cho anh Nguyễn Văn T số tiền là 198.500đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án khi án đã có hiệu lực pháp luật cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, điểm c khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; tuyên tịch thu tiêu hủy 01 cây gậy cà phê dài 1,1m, đường kính 02cm, 01 cây gậy cà phê dài 67cm, đường kính 05 cm (có đặc điểm như biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 13/6/2018).

4. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp và quản lý án phí, lệ phí Tòa án.

Buộc các bị cáo Mai Danh H, Nguyễn Thị H (T) mỗi bị cáo phải nộp 200.000đồng án phí hình sự sơ thẩm, bị cáo H1 phải chịu 300.000đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Báo cho các bị cáo, người bị hại biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (12/6/2019), riêng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

255
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 37/2019/HS-ST ngày 12/06/2019 về tội cưỡng đoạt tài sản

Số hiệu:37/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Lâm Hà - Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về