TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CƯ KUIN, TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 36/2017/HSST NGÀY 21/11/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 21/11/2017 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 33/2017/HSST ngày 25 tháng 10 năm 2017 đối với bị cáo:
Họ và tên: Hồ Đức C. Sinh năm: 1989, tại tỉnh Đắk Lắk;
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Thôn 4, xã T, huyện C, tỉnh ĐắkLắk;
Tôn giáo: Thiên Chúa giáo;
Trình độ văn hóa: 9/12; Nghề nghiệp: Thợ cơ khí;
Con ông: Hồ Đức T, sinh năm 1962 và bà Nguyễn Thị Y, sinh năm 1968; Vợ là Nguyễn Thị Hồng X, sinh năm 1993 và có 01 con, sinh năm 2014; Tiền án, tiền sự: Không;
Bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 05/9/2017. Hiện đang giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Cư Kuin – Có mặt.
* Người bị hại: Ông Nguyễn Đình T, sinh năm 1991.
Trú tại: Thôn 1, xã K, huyện C, tỉnh Đắk Lắk (Hiện đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện C về tội phạm khác) – Có mặt.
* Người có quyền, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Nguyễn Thị Hồng X, sinh năm 1993.
Trú tại: Thôn 4, xã T, huyện C, tỉnh Đắk Lắk – Có mặt.
2. Bà Trần Thị Kim H, sinh năm 1961.
Trú tại: Thôn 1, xã K, huyện C, tỉnh Đắk Lắk – Có đơn xin xét xử vắng mặt.
* Người làm chứng:
1. Bà Nguyễn Thị Nguyệt K (tên gọi khác: N), sinh năm 1986.
Trú tại: Thôn 2, xã K, huyện C, tỉnh Đắk Lắk – Có đơn xin xét xử vắng mặt.
2. Ông Nguyễn Đình Tr (tên gọi khác: Tr); sinh năm 1988.
Trú tại: Thôn 1, xã K, huyện C, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt.
3. Ông Mai Ngọc Trường D (tên gọi khác: Th), sinh năm 1991.
Trú tại: Thôn 1, xã K, huyện C, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt.
NHẬN THẤY
Bị cáo Hồ Đức C bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Vào khoảng 15 giờ ngày 02/7/2017, Hồ Đức C cùng vợ là Nguyễn Thị Hồng X đi đến nhà trọ của bà Nguyễn Thị Nguyệt K (chị gái của X) ở thôn 2, xã K, huyện C để chơi. Đến khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày, ông Nguyễn Đình T và ông Mai Ngọc Trường D đến phòng trọ của bà K tìm C xin số điện thoại của C cho bạn để bạn gọi đòi nợ. Lúc này C đang đi vệ sinh, ông T gọi C, thấy bà X đứng ở cửa nhà, ông T hỏi C có ở nhà hay không thì bà X nói C không có ở nhà, anh T nhìn thấy có dép, áo khoác và xe mô tô của C sử dụng nên biết chị X đang nói dối, T dùng tay tát hai cái vào mặt của chị X, do bị đánh nên chị X kêu cứu.
Lúc này C đang ở trong phòng vệ sinh nghe tiếng kêu cứu của chị X nên chạy ra và cầm một con dao ở kệ bếp nhà chị K, loại dao một lưỡi, bằng kim loại, màu đen, dài khoảng 20cm chạy ra chém vào người anh T 05 nhát, chị X vào can ngăn thì bị thương nhẹ ở ngón tay thứ 4 và thứ 5 trên bàn tay trái. Sau khi chém vào người anh T 05 nhát thì C mới biết người bị chém là T nên C không chém nữa. Sau đó anh T được người nhà đưa đi điều trị thương tích tại bệnh viện.
Tại Bản kết luận pháp y thương tích số 1044/PY-TgT ngày 23/8/2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh Đ kết luận Nguyễn Đình T bị: “Đa thương, nứt sọ, mẻ thân xương trụ và các vết thương phần mềm 33%, tạm thời 12 tháng. Vật tác động: Sắc bén”.
Cáo trạng số: 34/CT-VKS-HS ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin truy tố bị cáo Hồ Đức C về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 104 BLHS.
Tại phiên tòa, bị cáo Hồ Đức C khai: Khoảng 15 giờ ngày 02/7/2017, khi bị cáo đang ở trong nhà vệ sinh của nhà bà Kh thì ông Nguyễn Đình T và ông D đến, bị cáo nghe vợ bị cáo kêu cứu nên cầm một con dao lấy ở kệ bếp nhà bà K chạy ra chém vào người anh T 05 nhát. Sau khi chém vào người anh T năm nhát thì bị cáo mới biết người bị chém là T nên không chém nữa. Ngoài ra bị cáo khai năm 2013 bị cáo bị Công an huyện Cư Kuin xử phạt hành chính 2.500.000 đồng về hành vi gây rối trật tự công cộng và đã nộp phạt năm 2014.
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo theo cáo trạng số: 34/CT-VKS-HS ngày 25/10/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Qua phân tích, đánh giá tính chất, mức độ do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, đồng thời đề cập các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, đề nghị: Căn cứ Điều 104 BLHS tuyên bố bị cáo Hồ Đức C phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 104; điểm b, đ, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999. Điểm c khoản 3 Điều 134 (Luật 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự 2015); khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017: Phạt bị cáo Hồ Đức C mức án từ 04 năm đến 04 năm 06 tháng tù, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị tạm giam 05/9/2017.
- Về vật chứng: 01 con dao có chiều dài khoảng 20cm, màu đen, cán bằng nhựa, lưỡi dao bằng kim loại; sau khi gây án bị cáo C đã vứt vào thùng rác, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Kuin đã tiến hành truy tìm nhưng không thu giữ được.
- Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 42 BLHS; các điều 584, 585, 590 Bộ luật dân sự năm 2015: Chấp nhận việc tự thỏa thuận bồi thường số tiền 20.365.989 đồng giữa gia đình bị cáo và người bị hại Nguyễn Đình T. Tại phiên tòa người bị hại không yêu cầu bồi thường gì thêm nên không xem xét giải quyết.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng trên cơ sở xem xét toàn diện và đầy đủ chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
XÉT THẤY
Tại phiên tòa bị cáo Hồ Đức C đã khai nhận hành vi phạm tội như Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin đã truy tố. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của người bị hại, người liên quan và các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong hồ sơ vụ án. Như vậy đã có đủ căn cứ kết luận:
Vào khoảng 18 giờ 30 phút ngày 02/7/2017, tại thôn 2, xã K, huyện C, tỉnh Đắk Lắk do Nguyễn Đình T dùng tay tát vào mặt của bà Nguyễn Thị Hồng X là vợ của bị cáo Hồ Đức C nên bị cáo đã dùng 01 con dao dài khoảng 20cm là hung khí nguy hiểm chém vào người T gây thương tích 33% bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 104 BLHS là có căn cứ pháp luật.
Khoản 1, khoản 3 Điều 104 của Bộ luật hình sự 1999 quy định:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm...
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.
Xét, hành vi phạm tội của bị cáo đã cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 BLHS năm 1999 có khung hình phạt từ 05 năm đến 15 năm. Tuy nhiên tại điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015 (Luật số 12 sửa đổi bổ sung BLHS 2015) thì khung hình phạt có mức tối đa nhẹ hơn là từ 05 năm đến 10 năm. Do đó, theo tinh thần áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015, Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017, HĐXX xem xét tinh thần BLHS năm 2015 để quyết định hình phạt đối với bị cáo.
Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung quy định:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nguời khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm …
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”.
Xét tính chất, mức độ do hành vi phạm tội của bị cáo Hồ Đức C gây ra bởi lỗi cố ý trực tiếp, rất nguy hiểm cho xã hội, không những đã xâm phạm đến sức khỏe của bị hại Nguyễn Đình T, xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương mà còn gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân nên cần áp dụng mức hình phạt nghiêm minh tương ứng với tính chất, mức độ do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để cải tạo, giáo dục riêng đồng thời răn đe, phòng ngừa chung trong đời sống xã hội về loại tội phạm này.
Tuy nhiên quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho bị hại, phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động do hành vi trái pháp luật của bị hại gây ra, cụ thể do bị hại tát vợ bị cáo và kêu cứu khiến bị cáo bức xúc, mất khả năng tự chủ hành vi. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, đ, p khoản 1 Điều 46 BLHS.
Ngoài ra, người bị hại đã bãi nại và xin giảm nhẹ hình phạt nên áp dụng thêm khoản 2 Điều 46 BLHS để giảm một phần hình phạt cho bị cáo.
Xét bị cáo phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS nên được xem xét áp dụng thêm Điều 47 BLHS để xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhằm thể hiện tính khoan hồng của pháp luật.
Xét tại phiên tòa bị cáo khai năm 2013 bị Công an huyện Cư Kuin xử phạt hành chính 2.500.000 đồng về hành vi gây rối trật tự công cộng và đã thực hiện nộp phạt năm 2014, nhưng sau khi tạm ngưng phiên tòa để điều tra xác minh thì không có hồ sơ lưu trữ tại các cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý vi phạm hành chính đối với bị cáo nên không có cơ sở để xem xét.
Trong vụ án này, đối với hành vi của Nguyễn Đình T dùng tay tát vào mặt của bà Nguyễn Thị Hồng X nhưng do thương tích không đáng kể nên bà X không đi điều trị ở cơ sở y tế và cũng không yêu cầu xử lý, do đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Kuin ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Đình T là có căn cứ pháp luật.
Đối với thương tích ở bàn tay trái của bà Nguyễn Thị Hồng X là do khi bị cáo C dùng dao chém ông T, bà X vào can ngăn nên dao của C gây ra vết thương. Vì thương tích nhẹ bà X không điều trị tại bệnh viện và cũng không có yêu cầu gì nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Kuin không xử lý là phù hợp.
* Về trách nhiệm dân sự: Quá trình giải quyết vụ án, người bị hại ông Nguyễn Đình T yêu cầu bồi thường số tiền 20.365.989 đồng gồm các khoản: Chi phí điều trị thương tích: 3.365.989 đồng; bồi dưỡng sức khỏe: 6.000.000 đồng; tiền mất thu nhập: 9.000.000 đồng; chi phí cho người chăm sóc và tiền mất thu nhập của người chăm sóc: 2.000.000 đồng.
Xét, các khoản yêu cầu của bị hại có một số khoản không cung cấp được hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên, các chi phí này là thực tế, hợp lý; gia đình bị cáo và bị hại đã tự nguyện thỏa thuận bồi thường xong. Tại phiên tòa người bị hại không yêu cầu bồi thường gì thêm nên HĐXX ghi nhận sự thỏa thuận trên.
Xét, bà Nguyễn Thị Hồng X được sự tác động của bị cáo đã bồi thường thay số tiền 20.365.989 đồng cho bị hại nhưng tại phiên tòa bà X không yêu cầu bị cáo phải hoàn trả số tiền trên nên HĐXX không xem xét.
* Về vật chứng vụ án: Đối với hung khí 01 con dao có chiều dài khoảng 20cm, màu đen, cán bằng nhựa, lưỡi dao bằng kim loại mà bị cáo sử dụng để gây thương tích cho ông T, sau khi gây án bị cáo đã vứt vào thùng rác, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Kuin đã tiến hành truy tìm nhưng không thu giữ được nên không có cơ sở để xử lý.
* Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố bị cáo Hồ Đức C phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm b, đ, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 BLHS năm 1999. Khoản 3 Điều 7; điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015 (Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 sửa đổi bổ sung BLHS 2015); Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017.
Xử phạt bị cáo Hồ Đức C 04 (bốn) năm 03 (ba) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị tạm giam 05/9/2017.
- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 BLHS; các điều 584, 585, 586, 590 Bộ luật dân sự năm 2015.
Ghi nhận việc gia đình bị cáo và bị hại đã tự nguyện thỏa thuận bồi thường xong số tiền 20.365.989 đồng (hai mươi triệu, ba trăm sáu mươi lăm ngàn, chín trăm tám mươi chín đồng).
* Về án phí: Áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.Bị cáo Hồ Đức C phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Án xử sơ thẩm bị cáo, người bị hại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày tròn kể từ khi tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.
Bản án 36/2017/HSST ngày 21/11/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 36/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Cư Kuin - Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 21/11/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về