Bản án 34/2018/HS-PT ngày 29/08/2018 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

BẢN ÁN 34/2018/HS-PT NGÀY 29/08/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 29 tháng 8 năm 2018, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 52/2018/TLPT-HS ngày 29-6-2018 đối với các bị cáo Đặng Văn T và Hà Văn B. Do có kháng cáo của bà Đỗ Thị L - Là người đại diện hợp pháp của người bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 06/2018/HS-ST ngày 23-5-2018 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Yên Bái.

- Các bị cáo bị kháng cáo:

1/ Bị cáo: Đặng Văn T- Tên gọi khác: Không - Sinh ngày 08 tháng 02 năm 1981 tại huyện Y; Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn Y1, xã H, huyện Y, tỉnh Yên Bái; Nghề nghiệp: tự do; Trình độ học vấn: 09/12; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không. Con ông: Đặng Văn Ch - sinh năm 1956, con bà Trần Thị M - sinh năm 1959; Có vợ là: Lương Thị H1, sinh năm 1984 (Đã ly hôn) và có 02 con, con lớn sinh năm 2004, con nhỏ sinh năm 2007. Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 26-11-2017, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái (Có mặt tại phiên tòa).

2/ Bị cáo: Hà Văn B - Tên gọi khác: Không - Sinh ngày 23 tháng 7 năm 1990 tại huyện Y; Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn N, xã H, huyện Y, tỉnh Yên Bái; Nghề nghiệp: tự do; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Tày; Tôn giáo: Không. Con ông: Hà Văn N1 - sinh năm 1966, con bà Vũ Thị Nh - sinh năm 1968; Có vợ là: Hà Thiệt Th, sinh năm 1994 và có 02 con, con lớn sinh năm 2013, con nhỏ sinh năm 2015. Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 26-11-2017, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái (Có mặt tại phiên tòa).

- Người bị hại: Anh Bùi Văn A, sinh năm 1981. (Đã chết)

Địa chỉ nơi cư trú: Thôn E, xã H, huyện Y, tỉnh Yên Bái.

- Người đại diện hợp pháp của bị hại, có kháng cáo: Chị Đỗ Thị L - sinh năm 1983. Trú tại: Thôn E, xã H, huyện Y, tỉnh Yên Bái. Là vợ của người bị hại. (Có mặt).

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị Đỗ Thị L: Ông Đặng Tất C - Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư  Đại An - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 17 giờ ngày 25-11-2017, Đặng Văn T đi từ đám cưới nhà anh Bùi Văn D đến nhà mẹ vợ là bà Hà Thị H2 ở thôn N, xã H, huyện Y để đón con trai là cháu Đặng Xuân Tr. Trên đường chở con về nhà, T có gặp em họ bên vợ là Hà Văn B đang đi bộ nên dừng lại nói chuyện một lát rồi tiếp tục đi. Khi Đặng Văn T đi đến gần ngã tư cạnh cổng nhà ông Phạm Văn Đ ở thôn N, xã H thì bị xe ôtô mang biển kiểm soát 21A-033.61 của anh Bùi Văn A đang đỗ ở đường chiếu đèn vào mặt. Anh A lúc này đã xuống xe nhưng vẫn để đèn xe bật ở chế độ chiếu xa nên đã chiếu thẳng vào Đặng Văn T. Do bị đèn xe chiếu vào mặt nên T đỗ xe trước đầu xe của anh A và nói “Sao mày xuống xe mà không hạ đèn pha xuống”, anh A nói lại “Tao không hạ, mày giỏi thì lên mà hạ” dẫn đến hai bên cãi chửi nhau. Nghe thấy có to tiếng nên Hà Văn B đi bộ quay lại còn ông Phạm Văn Đ từ trong nhà đi ra can ngăn, kéo A vào nhà mình. Anh A thấy T vẫn chửi mình thì quay lại đấm một nhát vào mắt trái của T, lúc này T đang ngồi trên xe máy liền nhảy xuống định lao vào đánh anh A thì ông Đ đẩy T ra. Trong khi ông Đ đang đẩy T ra thì Hà Văn B đi đến, thấy anh A đánh T (là anh họ) nên B đã xông đến nắm cổ áo anh A kéo lại và dùng tay phải đấm liên tiếp 02 nhát vào vùng đầu, mặt anh A khiến anh A bị choáng, ngã khuỵ xuống. Ông Đ thấy anh A bị đánh nên quay lại đỡ anh A dậy thì Đặng Văn T tiến lại và tiếp tục đấm anh A thêm 03 nhát vào vùng đầu, mặt. Ngay lúc đó ông Phạm Văn Đ và người nhà can ngăn việc đánh nhau. Do thấy anh A có biểu hiện bất thường, không tỉnh táo nên mọi người đã đưa anh A xuống Trạm y tế xã H sơ cứu rồi đưa xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái cấp cứu nhưng anh A tử vong. Đặng Văn T và Hà Văn B sau khi đánh anh A đã đi về nhà, đến ngày 26-11-2017 thì bị bắt giữ.

Tại bản kết luận giám định pháp y về tử thi số: 82/TT ngày 29-11-2017 của Trung tâm Pháp Y tỉnh Yên Bái kết luận:

+ Dấu hiệu chính qua giám định:

-  Bầm dập môi trên và môi dưới

-  Chảy máu dưới màng cứng, chảy máu + tụ máu các buồng não thất

-  Xung huyết tim, gan, phổi.

+ Nguyên nhân chết: Chảy máu dưới màng cứng, chảy máu + tụ máu các buồng não thất.

+ Cơ chế hình thành thương tích:

-  Bầm dập môi trên và môi dưới là do vật tày tác động một lực mạnh theo hướng trực diện gây nên.

-  Chảy máu dưới màng cứng, chảy máu + tụ máu các buồng não thất có thể là do tác động của vật tày với một lực rất mạnh vào vùng đầu, mặt gây nên.

Bản án hình sự sơ thẩm số: 06/2018/HSST ngày 23-5-2018 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Yên Bái đã quyết định:

Căn cứ khoản 3 Điều 104; các điểm b,p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999.

1. Tuyên bố các bị cáo Đặng Văn T và Hà Văn B phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

2. Về hình phạt:

2.1.) Tuyên phạt bị cáo Đặng Văn T 05(Năm) năm 06 ( Sáu) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giữ, tạm giam, 26-11-2017.

2.2.) Tuyên phạt bị cáo Hà Văn B 05(Năm) năm 06 ( Sáu) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giữ, tạm giam, 26-11-2017.

3.Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 42 của Bộ luật Hình sự 1999; điểm c khoản 1 Điều 591; Điều 357; khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự:

3.1) Buộc bị cáo Đặng Văn T phải cấp dưỡng nuôi con thường xuyên cho cháu Bùi Đức Q - sinh ngày 17-10-2002 mỗi tháng 350.000 đồng. (Ba trăm năm mươi ngàn đồng) cho đến khi cháu Q tròn 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác; cấp dưỡng cho cháu Bùi Quang X - sinh ngày 01-5-2012 mỗi tháng 350.000 đồng.

(Ba trăm năm mươi ngàn đồng) cho đến khi cháu X tròn 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác. Thời gian cấp dưỡng tính từ tháng 12-2017.

3.2) Buộc bị cáo Hà Văn B phải cấp dưỡng nuôi con thường xuyên cho cháu Bùi Đức Q - sinh ngày 17-10-2002 mỗi tháng 350.000 đồng. (Ba trăm năm mươi ngàn đồng) cho đến khi cháu Q tròn 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác; cấp dưỡng cho cháu Bùi Quang X - sinh ngày 01-5-2012 mỗi tháng 350.000 đồng. (Ba trăm năm mươi ngàn đồng) cho đến khi cháu X tròn 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác. Thời gian cấp dưỡng tính từ tháng 12-2017.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về lãi suất chậm trả, án phí và tuyên quyền kháng cáo cho bị cáo, người đại diện theo pháp luật của người bị hại theo quy định của pháp luật.

Ngày 06-6-2018 người đại diện theo pháp luật của người bị hại là chị Đỗ Thị L có đơn kháng cáo với nội dung yêu cầu tăng hình phạt đối với các bị cáo và yêu cầu tăng mức cấp dưỡng nuôi con thường xuyên cho các cháu Bùi Đức Q và Bùi Quang X.

Tại phiên tòa phúc thẩm chị Đỗ Thị L giữ nguyên nội dung kháng cáo, yêu cầu tăng mức hình phạt đối với các bị cáo và yêu cầu tăng cấp dưỡng nuôi con lên mức 1.600.000 đồng cho một cháu mỗi tháng. Đồng thời đề nghị hội đồng xét xử xem xét lại về tội danh đối với các bị cáo để xét xử các bị cáo về tội “Giết người”.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án và đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ vào quy định tại điểm b khoản 1 Điều 355; điểm b khoản 2 Điều 357 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Chấp nhận một phần kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị hại. Sửa bản án Hình sự sơ thẩm số: 06/2018/HSST ngày 23-5- 2018 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Yên Bái theo hướng: Áp dụng thêm cho các bị cáo tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự: Giữ nguyên tội danh và mức hình phạt đối với các bị cáo. Tăng mức bồi thường trách nhiệm dân sự về cấp dưỡng nuôi con theo hướng buộc các bị cáo phải cấp dưỡng cho các cháu Bùi Đức Q và Bùi Quang X với mức mỗi cháu từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng một tháng. (Mỗi bị cáo phải cấp dưỡng từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng cho mỗi cháu một tháng).

Người đại diện hợp pháp của bị hại không tranh luận gì.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại: Nhất trí với tội danh và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo do “Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng” và “Có tính chất côn đồ”. Tăng mức hình phạt đối với các bị cáo để xử buộc các bị cáo phải chịu hình phạt từ 10-12 năm tù. Về trách nhiệm dân sự yêu cầu các bị cáo phải cấp dưỡng với mức 1.600.000 đồng cho mỗi cháu một tháng.

Các bị cáo Đặng Văn T, Hà Văn B khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã khai tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm. Không tranh luận gì với Đại diện Viện kiểm sát. Không nhất trí với ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phía bị hại đưa ra vì: Các bị cáo phạm tội do người bị hại tấn công trước; Trước khi xảy ra sự việc, giữa các bị cáo với người bị hại không có thù tức gì nên các bị cáo không có ý thức tước đoạt sinh mạng của nạn nhân. Về mức bồi thường trách nhiệm dân sự, các bị cáo có thu nhập thấp, không có nguồn thu ổn định nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét. Không nhất trí cấp dưỡng theo như phía người đại diện hợp pháp của bị hại đưa ra.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị hại nằm trong hạn luật định và hợp lệ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về hành vi phạm tội: Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân. Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với các chứng cứ, tài liệu đã được thu thập trong hồ sơ vụ án và lời khai của những người làm chứng. Nên có đủ cơ sở xác định: Ngày 25-11-2017, do bị đèn xe ôtô của bị hại Bùi Văn A chiếu vào mặt nên bị cáo Đặng Văn T đã cãi cọ, chửi nhau với bị hại Bùi Văn A và bị anh A đánh. Thấy anh họ là Đặng Văn T bị Bùi Văn A đánh nên Hà Văn B đã dùng tay trái nắm cổ áo kéo anh A lại và dùng tay phải đấm 02 nhát vào đầu và mặt anh A. Khi anh A ngã khuỵ xuống, Đặng Văn T tiếp tục đấm thêm 03 nhát vào vùng đầu, mặt của anh A làm anh A hôn mê và đã tử vong khi được đưa đi cấp cứu.

Các bị cáo là người có đủ năng lực, trách nhiệm hình sự, biết rõ hành vi đánh người khác là vi phạm pháp luật và nhận thức rõ việc dùng tay đấm vào vùng đầu, mặt người khác sẽ dẫn đến những thương tích nặng cho nạn nhân. Hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp tới tính mạng, sức khoẻ của người khác được pháp luật bảo vệ. Hành vi của các bị cáo là nguyên nhân trực tiếp tước đi sinh mạng của anh Bùi Văn A. Nhưng các bị cáo và người bị hại không có thù tức, mâu thuẫn từ trước, hành vi của các bị cáo là bột phát khi bị người bị hại gây sự và tấn công trước. Mục đích các bị cáo tấn công bị hại chỉ nhằm gây thương tích cho nạn nhân nên hậu quả làm nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan và ý muốn của các bị cáo. Vì vậy việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử và tuyên bố các bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 là phù hợp, đúng người, đúng tội.

[3] Về mức hình phạt: Với hành vi dùng tay đấm nhiều nhát vào vùng đầu, mặt của nạn nhân do các bị cáo gây ra và hậu quả là người bị hại đã tử vong do bị Chảy máu dưới màng cứng, chảy máu + tụ máu các buồng não thất. Cùng với việc cho các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do các bị cáo “Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” và “Đã bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”, thì việc Toà án cấp sơ thẩm áp dụng các quy định tại khoản 3 Điều 104; các điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 để cân nhắc mức hình phạt đối với các bị cáo là đúng. Các bị cáo đã cố ý cùng thực hiện hành vi phạm tội, nhưng không có bàn bạc với nhau từ trước mà chỉ tiếp nhận ý chí của nhau trong việc cùng đánh anh Bùi Văn A. Nên thuộc trường hợp đồng phạm đơn giản, trong đó các bị cáo đều là người thực hành, có vai trò như nhau trong việc thực hiện hành vi phạm tội. Việc dành cho các bị cáo mức hình phạt như nhau là phù hợp.

Trong bản án sơ thẩm cũng như các tài liệu có trong hồ sơ đều thể hiện người bị hại cũng có lỗi, nhưng bản án sơ thẩm chưa áp dụng cho các bị cáo tình tiết giám nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, nên cần thiết phải áp dụng thêm cho các bị cáo tình tiết này. Tuy các bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ nhưng mức hình phạt 05 năm 06 tháng tù đối với mỗi bị cáo là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi do các bị cáo gây ra. Nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét giảm mức hình phạt cho các bị cáo.

[4] Xét kháng cáo xin tăng hình phạt và tăng mức cấp dưỡng nuôi con của người đại diện hợp pháp của người bị hại:

Khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo, Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, yếu tố lỗi cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi do các bị cáo gây ra cũng như đánh giá tính chất, vai trò của các bị cáo trong đồng phạm để quyết định mức hình phạt đối với các bị cáo. Tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo được hưởng thêm một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, không phải chịu thêm thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào. Nên Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ để tăng hình phạt đối với các bị cáo. Vì vậy không chấp nhận nội dung kháng cáo này của người đại diện hợp pháp của bị hại, chấp nhận ý kiến đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tại phiên toà để giữ nguyên mức hình phạt của bản án Hình sự sơ thẩm số: 06/2018/HS-ST ngày 23-5-2018 của Toà án nhân dân huyện Y, tỉnh Yên Bái.

Đối với kháng cáo tăng mức cấp dưỡng nuôi con: Toà án cấp sơ thẩm đã quyết định buộc các bị cáo phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là phù hợp với quy định của điểm c khoản 1 Điều 591 Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, việc căn cứ vào nội dung hướng dẫn của Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17-3-1999 để quyết định mức cấp dưỡng tối thiểu bằng ½ mức lương cơ sở là chưa phù hợp. Để tính mức cấp dưỡng hàng tháng phải căn cứ vào nhu cầu của người được cấp dưỡng và thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Theo Biên bản xác minh thu nhập thì các bị cáo có thu nhập trung bình 150.000 đồng/01 ngày, tương đương 4.500.000 đồng/01 tháng. Nên mức cấp dưỡng do người bị hại đưa ra với mức 1.600.000 cho một cháu mỗi tháng là quá khả năng của các bị cáo. Vì vậy ấn định mức cấp dưỡng buộc các bị cáo phải có trách nhiệm cấp dưỡng hàng tháng cho các cháu Bùi Đức Q; Bùi Quang X với mức 1.000.000 đồng một cháu mỗi tháng (Mỗi bị cáo phải cấp dưỡng cho mỗi cháu là 500.000 đồng /01 tháng), cho đến khi các cháu trong 18 tuổi hoặc có thay đổi khác.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử thấy cần chấp nhận kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị hại về nâng mức cấp dưỡng và thay đổi phương thức cấp dưỡng để sửa phần trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ cấp dưỡng của bản án Hình sự sơ thẩm số: 06/2018/HS-ST ngày 23-5-2018 của Toà án nhân dân huyện Y, tỉnh Yên Bái.

[5] Tại phiên toà, bà Đỗ Thị L có bổ sung nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thay đổi tội danh để xét xử các bị cáo về tội “Giết người”. Kháng cáo bổ sung của bà Đỗ Thị L không được Hội đồng xét xử chấp nhận vì có nội dung làm xấu đi tình trạng của các bị cáo và không có căn cứ.

Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Đỗ Thị L về việc áp dụng thêm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự do “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” và “Có tính chất côn đồ” là không có cơ sở vì: Theo lời khai của những người làm chứng cũng như của các bị cáo thì ông Phạm Văn Đ can ngăn bị cáo T và bị hại khi hai người chưa xảy ra xô sát. Khi đang được ông Đ can ngăn thì bị hại đánh bị cáo T trước (BL 202-203). Nên việc bị cáo T tấn công lại bị hại không thuộc trường hợp đã được can ngăn nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo Hà Văn B tấn công bị hại vì thấy bị hại là người tấn công bị cáo T (là anh họ của bị cáo) trước, mục đích là để bị hại không tiếp tục tấn công anh họ mình, nên không thể coi là có tính chất côn đồ. Vì vậy, đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Đỗ Thị L không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[6] Các bị cáo, người đại diện hợp pháp của người bị hại không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Người đại diện hợp pháp của bị hại không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên HĐXX không xem xét và có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm b khoản 2 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự;

Chấp nhận một phần kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị hại, bà Đỗ Thị L. Sửa phần quyết định về mức và phương thức cấp dưỡng nuôi con trong bản án hình sự sơ thẩm số: 06/2018/HS-ST ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Y, tỉnh Yên Bái như sau:

1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Đặng Văn T và Hà Văn B phạm tội: “Cố ý gây thương tích”.

2. Về hình phạt:

- Áp dụng khoản 3 Điều 104; các điểm b,p khoản 1, khoản 2 Điều 46;Điều 53 Bộ luật Hình  sự năm 1999. Xử phạt bị cáo Đặng Văn T 05 (Năm) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam bị cáo là ngày 26-11-2017.

- Áp dụng khoản 3 Điều 104; các điểm b,p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999. Xử phạt bị cáo Hà Văn B 05 (Năm) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam bị cáo là ngày 26-11-2017.

3. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 42 Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm c khoản 1 Điều 591; Điều 357; khoản 2 Điều 468; Điều 578 Bộ luật Dân sự.

Buộc các bị cáo Đặng Văn T và Hà Văn B mỗi bị cáo phải cấp dưỡng cho cháu Bùi Đức Q, sinh ngày 17-10-2002, số tiền là 500.000 đồng/01 tháng. Cấp dưỡng cho cháu Bùi Quang X, sinh ngày 01-5-2012 số tiền là 500.000 đồng/01 tháng. Thời gian cấp dưỡng tính từ tháng 12-2017 cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày  người đại diện hợp pháp của bị hại, chị Đỗ Thị L có yêu cầu thi hành án, nếu các bị cáo Đặng Văn T, Hà Văn B chưa thi hành xong khoản tiền cấp dưỡng nêu trên thì còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự.

4. Về án phí: Các bị cáo Đặng Văn T, Hà Văn B và người đại diện hợp pháp của người bị hại không phải chịu án phí Hình sự phúc thẩm. Người đại diện hợp pháp của bị hại không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

974
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 34/2018/HS-PT ngày 29/08/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:34/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Yên Bái
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/08/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!