Bản án 330/2019/HS-ST ngày 04/09/2019 về tội giết người

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 330/2019/HS-ST NGÀY 04/09/2019 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Trong 04/9/2019, tại Trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 355/2019/HSST ngày 18/6/2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử 3816/2019/QĐXXST-HS ngày 21/8/2019 đối với các bị cáo:

1.Họ và tên: LHT; giới tính: nam; sinh ngày 11/3/1983 tại Thành phố Hồ Chí Minh; nơi đăng ký thường trú, nơi cư trú: xã R1, huyện T1, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: (lao động tự do); trình độ văn hóa: 11/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: (không); con ông P1 và bà (chết); hoàn cảnh gia đình: vợ tên V1, có 1 con sinh năm 2015;

Tiền án, tiền sự: (không);

Nhân thân: Ngày 15/02/2001, bị Tòa án nhân dân huyện T1 xử phạt 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng tính từ ngày tuyên án (bản án số 14/HSST);

Bắt, tạm giam: 27/12/2017; Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

2.Họ và tên: LTT; giới tính: nam; sinh năm 1987 tại Quảng Ngãi; nơi đăng ký thường trú: xã R2 huyện T2, tỉnh Quảng Ngãi; nghề nghiệp: lái xe; trình độ học vấn: 2/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: (không); con ông P2 và M2; hoàn cảnh gia đình: vợ tên V2, có 1 con sinh năm 2013;

Tiền án, tiền sự: (không);

Bắt, tạm giam: Ngày 07/9/2018; Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

3.Họ và tên: DCV; giới tính: Nam; tên gọi khác: Đẻ; sinh năm 1993 tại Thành phố Hồ Chí Minh; nơi đăng ký thường trú, nơi cư trú: xã R3, huyện T1, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: công nhân; trình độ văn hóa: 9/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: (không); con ông P3 và bà M3; hoàn cảnh gia đình: vợ tên V3, chưa có con;

Tiền án, tiền sự: (không); Bắt, tạm giam: 07/9/2018; Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

4.Họ và tên: LQH; giới tính: nam; sinh năm 1990 tại Thành phố Hồ Chí Minh; nơi đăng ký thường trú, nơi cư trú: xã R1, huyện T1, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: (lái xe); trình độ văn hóa: 11/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: (không); con ông P4 (chết) và bà M4; hoàn cảnh gia đình vợ tên V4, có 1 con sinh năm 2013;

Tiền án, tiền sự: (không);

Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

5.Họ và tên: NTL; giới tính: nam; tên gọi khác: Cu, Long; sinh năm 1987 tại Thành phố Hồ Chí Minh; nơi đăng ký thường trú, nơi cư trú: xã R5, huyện T1, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: (lao động tự do); trình độ văn hóa: 01/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: (không); con ông P5 và M5; hoàn cảnh gia đình: vợ tên V5, có 1 con sinh năm 2013;

Tiền án, tiền sự: (không);

Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

Ngưi bào chữa cho bị cáo LHT: Ông Hà Ngọc Tuyền, luật sư Văn phòng luật sư Hà Tuyền, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt, Người bào chữa cho bị cáo LTT: Ông Trịnh Bá Thân, luật sư Văn phòng luật sư Trịnh Bá Thân, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt, Người bào chữa cho bị cáo DCV: Ông Đỗ Hải Bình, luật sư Văn phòng luật sư Quốc Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt, Bị hại: Anh Lê Tấn Y (đã chết); sinh năm 1976; nơi đăng ký thường trú: 5/47 Khu phố 2, thị trấn T7, huyện T1, Thành phố Hồ Chí Minh (bl.83).

Người đại diện hợp pháp của bị hại:

1.Bà Trương Thị Lệ X; sinh năm 1977; nơi cư trú: 5/47 Khu phố 2, thị trấn T1, huyện T1, Thành phố Hồ Chí Minh; là vợ của bị hại (bl.474); có mặt.

2.Bà Lê Thị U; sinh năm 1943; nơi cư trú: 5/47 Khu phố 2, thị trấn T1, huyện T1, Thành phố Hồ Chí Minh; là mẹ đẻ của bị hại; bà U giao toàn quyền cho bà Trương Thị Lệ X giải quyết (bl.596); vắng mặt.

3.Chị Lê Tuyết K; sinh ngày 30/9/1995; nơi cư trú: 5/47 Khu phố 2, thị trấn T1, huyện T1, Thành phố Hồ Chí Minh; là con của bị hại (bl.474); có mặt;

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Trẻ Lê Tấn K2; sinh ngày 08/5/2010; nơi cư trú: 5/47 Khu phố 2, thị trấn T1, huyện T1, Thành phố Hồ Chí Minh (bl.78); là con của bị hại;

Người đại diện hợp pháp của trẻ K2: Bà Trương Thị Lệ X; là mẹ đẻ của trẻ K2; có mặt.

1.Ông NLTD; sinh năm sinh năm 1994; nơi cư trú: 1/51B ấp Nhị Tân 1, xã R5, huyện T1, Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt;

2.Ông Nguyễn D; sinh năm 1986; nơi cư trú: 19/3K ấp Thới Tây 1, xã R1, huyện T1, Thành phố Hồ Chí Minh; vắng mặt;

3.Ông Huỳnh B; sinh năm 1996; nơi cư trú: 19/3K ấp Thới Tây 2, xã R1, huyện T1, Thành phố Hồ Chí Minh; vắng mặt;

Người làm chứng: Ông Huỳnh A; sinh năm 1996; nơi cư trú: 8/5M, ấp Chánh 2, xã R8, huyện T1, Thành phố Hồ Chí Minh; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bà Phạm Thị Thu O1 và bà Nguyễn Thị Lan O2 là những người có quen biết với nhau.

Vào khoảng tháng 02/2017, bà O1 có tham gia chơi hụi do bà O2 làm chủ hụi. Trong quá trình chơi, bà O1 có thiếu nợ tiền đóng hụi cho bà O2; đồng thời, bà O1 có vay tiền của bà O2. Tính đến thời điểm tháng 10/2017, bà O1 còn nợ bà O2 136.000.000đ tiền hụi và 70.000.000đ tiền vay. Bà O2 đã nhiều lần yêu cầu bà O1 trả nợ nhưng bà O1 không trả và cố tình lánh mặt.

Đầu tháng 12/2017, Lê Tấn Y (bị hại) đến gian hàng của bà O2 ở ấp Tân Thới 3, xã R1, T1 để chơi thì biết được bà O1 thiếu tiền bà O2. Mặc dù bà O2 không yêu cầu Y đòi nợ giúp nhưng Y tự đi tìm vợ chồng bà O1 để đòi nợ cho bà O2. Y biết bị cáo LTT (con đẻ của bà O1) thuê mặt bằng kinh doanh mua bán quần áo tại địa chỉ 184/2C ấp Tân Thới 3, xã R1, T1 (cạnh gian hàng của bà O2). Do vậy, vào khoảng 15 giờ ngày 25/12/2017, Y cùng Huỳnh A và 1 thanh niên chưa rõ lai lịch cầm dao tự chế, roi điện, gậy tầm vông đến cửa hàng của LTT gặp LTT và Phạm Thị Ê (vợ của LTT) gây áp lực, đe dọa giết chị Thi, cấm vợ chồng LTT buôn bán để tạo sức ép buộc LTT trả nợ thay cho bà O1 (bl.221- 228, 408).

Khoảng 11 giờ ngày 26/12/2017, LTT dự đám giỗ ở nhà bị cáo LQH tại địa chỉ nhà số 186/5B, ấp Tân Thới 3, xã R1, T1. Tại đây, LTT kể lại sự việc đã nêu cho LQH, NTL, DCV, NNH, HBP và NLTD (là những người dự đám giỗ ở nhà LQH) cùng nghe. Nghe xong, LQH nói rằng LQH biết Y nên để LQH đứng ra dàn xếp giải quyết (bl.227, 292). Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, chị Thi gọi điện thoại cho LTT báo rằng có một thanh niên lạ mặt đến cửa hàng của LTT để đòi nợ. LTT chạy xe đến Công an xã R1, huyện T1 để trình báo nhưng không được (vì là giờ nghỉ trưa) nên LTT quay trở lại nhà của LQH. Sau đó, LTT gọi điện thoại cho một người bạn và xin được số điện thoại của Y (0972.978.997).

Đến khoảng 14 giờ 30 phút cùng ngày, trong lúc cả nhóm vẫn còn đang ăn uống tại nhà của LQH thì LTT đi ra phía sau nhà gọi điện thoại cho Y, hẹn Y đến cửa hàng của LTT để nói chuyện phải trái, giải quyết mâu thuẫn. Sau đó, LTT quay lại bàn ăn và nói cho cả nhóm biết là khoảng 30 phút nữa Y sẽ đến cửa hàng của LTT. Đến khoảng gần 15 giờ cùng ngày, Hải và Phong đi về trước; LTT rủ LQH, NTL, LHT, DCV, Dương đến cửa hàng của LTT để tiếp tục uống bia và chờ Y đến (bl.228, 378).

Khoảng 15 giờ cùng ngày, LTT, LQH, DCV, NTL, LHT, Dương có mặt tại cửa hàng của LTT và ngồi ăn uống trong cửa hàng. Một lúc sau thì Hải và Phong cũng đến nhưng không vào cửa hàng mà đi lòng vòng phía ngoài.

Do biết được Y là người có bản tính hung hãn, là người nghiện ma túy và đã từng có tiền án, tiền sự liên quan đến ma túy nên LTT, LHT, LQH và NTL chuẩn bị một số hung khí với mục đích để đối phó với Y nếu có đánh nhau, cụ thể như sau: LHT giấu ở trong túi quần đang mặc 1 con dao Thái lan dài 21,5cm, cán dao màu vào dài 10cm, lưỡi dao nhọn dài 11,5cm, bề bản rộng 1,8cm (con dao này, LHT lấy ở trong nhà bếp của LQH vào thời điểm trước khi đến cửa hàng của LTT)(bl.172); LTT vào cửa hàng lấy 2 mã tấu (dài khoảng 60cm) để ở vị trí đối diện cửa hàng; NTL thì đi về nhà ở số 2/140A, ấp Tân Lập, xã R5, huyện T1 lấy 2 con dao tự chế bằng kim loại màu trắng (1 con dài 80cm, 1 con dài 75cm) mang đến để ở vách tường bên trong cửa hàng của LTT (bl.228, 331); LQH mang đến 1 cái phảng dài 1,2m để ở vị trí mà NTL đã để dao.

Khoảng 15 giờ 25 phút ngày 26/12/2017, sau khi đã có sử dụng ma túy đá, Y gọi điện thoại cho Huỳnh A, Trần C, Nguyễn G, Lê E (đều là những người sử dụng chất ma túy chung với Y), Nguyễn D (bạn của Y) và Huỳnh B (người phụ bán cà phê cho Y). Y nói có việc và rủ cả nhóm đi đến chùa Hoằng Pháp (nhưng không nói rõ việc gì); đồng thời, hẹn gặp nhau ở nhà của Y tại địa chỉ 5/47 Khu phố 2, thị trấn T1, huyện T1 (bl.405). Sau khi đến nhà của Y, cả nhóm cùng đi đến cửa hàng của LTT. Khi đi, Y điều khiển xe Honda Dream đi một mình, mang theo 1 cây kiếm dài khoảng 1m (để cặp yên xe) và 1 con dao dài khoảng 31cm (giấu trong người); Bảo sử dụng xe Honda Wave màu đỏ mang biển số 52Y2-5227 chở Huỳnh A, Huỳnh A mang theo 1 con dao dài khoảng 60cm lấy trong nhà của Y; Duy sử dụng xe Honda Wave màu đỏ (không rõ biển số) chở Thuận; Công sử dụng xe Honda Wave màu xanh (không rõ biển số) chở Thịnh (bl.405-408). Khi đến trước cổng chùa Hoằng Pháp (nơi này cách cửa hàng của LTT khoảng 30m) thì nhóm của Y dừng lại (ngoại trừ Y). Y điều khiển xe máy tiếp tục đi về phía cửa hàng của LTT. Lúc này, Huỳnh A cũng xuống xe và cầm dao đi bộ phía sau Y, cách Y khoảng 10m. Khi thấy LTT, DCV, NTL, LQH và LHT đang ngồi ăn uống trong cửa hàng, Y dừng xe và cầm kiếm xông vào chém những người trong nhóm của LTT nhưng không trúng. LQH cầm cây phảng chém lại Y nhưng không trúng. NTL vào nhà LTT lấy con dao dài 80cm chạy ra ứng phó. Thấy vậy, LTT lấy con dao của NTL chém lại Y nhưng cũng không trúng và để dao vuột khỏi tay. Trong lúc chém nhau, Y để kiếm vuột khỏi tay nên bỏ chạy về hướng chùa Hoằng Pháp. LTT nhặt kiếm của Y; NTL chạy ra khỏi cửa hàng của LTT khoảng 2m thì nhặt được ở trên đường 1 con dao dài 82cm, cán gỗ, lưỡi đã bị gỉ sét (chưa rõ của ai); DCV thì lấy con dao dài 75cm để ở trước cửa hàng của LTT (dao do NTL mang đến trước đó) cầm trên tay; LHT thì cầm dao Thái Lan. Lúc này, anh Đỗ LHT Hiếu (tổ trưởng tổ đặc nhiệm hình sự Công an huyện T1) đang tuần tra thì phát hiện ẩu đả nên nổ 2 phát súng chỉ thiên. Khi thấy đánh nhau và nghe tiếng súng, Huỳnh A hoảng sợ nên ném con dao đang cầm và bỏ chạy; Bảo, Công, Thịnh, Duy, Thuận, Dương, Phong và Hải cũng bỏ chạy (bl.378, 400). LHT và DCV đuổi theo Y. Khi Y chạy đến trước nhà số 184/1B, ấp Tân Thới 3, huyện T1 (cách cửa hàng của LTT khoảng 100m) thì bị LHT đuổi kịp. LHT và Y vật lộn, ẩu đả với nhau. Trong lúc ẩu đả, LHT cầm dao Thái Lan đâm 2 nhát trúng vào vùng thắt lưng bên trái của Y. DCV chạy đến, thấy LHT và đang ôm vật nhau trên mặt đường, DCV cầm dao chém 1 nhát trúng vào chân trái của Y (bl.169, 277, 285). Trong lúc, LHT và DCV đuổi theo Y thì LTT, LQH và NTL đuổi theo Duy, Thuận, Bảo, Công, Thịnh và Huỳnh A nhưng đuổi không kịp nên quay lại. Khi quay lại, LTT thấy LHT đang đè lên Y, LTT cầm dao chém 1 nhát vào chân phải của Y (bl.169, 233, 237). Y vùng dậy bỏ chạy về hướng đường Lê Lợi được khoảng 100m thì gặp Duy. Duy đưa Y đến Bệnh viện huyện T1 để cấp cứu. Đến khoảng 15 giờ 45 phút ngày 26/12/2017 thì Y chết (bl.531).

Sau khi nhóm của Y bỏ chạy, nhóm của LTT quay về cửa hàng của LTT lấy xe và đi đến nhà của LQH cất hung khí và tiếp tục uống bia. Sau đó, Phong đến nhà LQH báo cho cả nhóm biết rằng Y đã bị chết nên cả nhóm giải tán. Ngày hôm sau (27/12/2017), LHT đến Công an huyện T1 đầu thú (bl.102, 170).

Tại bản kết luận giám định pháp y tử thi số 137-18/KLGĐ-PY ngày 21/02/2018 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh kết luận về thương tích và nguyên nhân Lê Tấn Y chết như sau:

-Vết thương vùng thắt lưng trái có dạng hình bầu dục, bờ mép sắc nhọn, kích thước 1,5cm x 0,5cm làm thủng cơ thắt lưng trái, đứt mặt sau thận trái dạng hình khe sâu vào mô thận 1,5cm, đứt bó mạch thận trái gần rốn thận và tận cùng ở sau phúc mạc dưới lách. Vết thương có chiều hướng từ sau ra trước và từ dưới lên trên sâu khoảng 9cm;

-Vết thương vùng thắt lưng trái cạnh đốt sống thắt lưng 3 có dạng hình bầu dục, bờ mép sắc gọn, kích thước 2cm x 0,5cm làm thủng cơ thắt lưng đáy chậu trái và tận cùng ở sau phúc mạc hố thận trái. Vết thương có chiều hướng từ sau ra trước, từ trái sang phải, từ dưới lên lên trên sâu khoảng 9,5cm;

-Vùng thắt lưng phải có vết thủng da nông, kích thước 5cmx0,4cm chỉ gây tổn thương da và cơ;

-Đứt da mặt trước đoạn 1/3 trên cẳng chân phải, bờ mép gọn, tạo thành vạt hướng lên và có xât xát da, kích thước 4cmx1,8cm chỉ gây tổn thương da và cơ;

-Đứt da mặt trước đoạn 1/3 trên cẳng chân trái, bờ mép gọn, tạo thành vạt hướng lên và có xât xát da, kích thước 6cmx1,2cm chỉ gây tổn thương da và cơ;

-Lê Tấn Y chết do mất máu không hồi phục do vết thương đâm đứt thận trái, bó mạch thận trái và thủng cơ đáy chậu trái.

-Các vết thương còn lại ở lưng – thắt lưng phải, cẳng chân hai bên chỉ gây thổn thương da và cơ.

-Không tìm thấy Athanol trong máu;

-Trong máu và nước tiểu có thành phần Amphetamine;

-Máu của Lê Tấn Y thuộc nhóm máu O;

Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ một số vật chứng như sau:

-01 áo khoác jean dài tay màu xanh; 01 áo sơ mi dài màu trắng sọc xanh rêu (là áo mà Y mặc khi bị đâm, vợ Y là người đã giao nộp lại)(bl.57);

-Mẫu máu của bị hại Lê Tấn Y.

-01 cây phảng dài 1,2m; 01 con dao cán màu vàng bằng nhựa; 01 điện di động Nokia 6700 màu vàng, số Imei 3515-25/04/915-753/1, kèm sim số 0937438938; 01 điện thoại di động Iphone 7 màu đen, kèm sim số 0964307707 (do LQH giao nộp)(bl.59, 67);

-01con dao dài 80cm, lưỡi sắt màu đen; 1 mã tấu, cán bọc nhựa màu đen dài khoảng 1m; 01 mã tấu tự chế, dài 70cm, lưỡi bằng kim loại màu trắng; 01 mã tấu tự chế, dài 75cm, lưỡi bằng kim loại màu trắng; 01 mã tấu tự chế, dài 60cm, lưỡi bằng kim loại màu trắng; 1 con dao dài khoảng 30cm, mũi nhọn, cán bằng nhựa, phần lưỡi có vỏ bọc bằng nhựa (do DCV giao nộp)(bl.60);

-01 điện thoại Samsung J7 Prime màu trắng, số Imei 355- 228/08/474605/4, kèm sim số 0908439811 (do Dương giao nộp)(bl.64);

-01 điện thoại Oppo A37 màu đồng, số Imei 865265-036331570, kèm sim số 0902642402 (do Duy giao nộp)(bl.65);

-01 điện thoại Nokia màu xanh dương, số Imei 354588/05/3414-68/2 (do Thuận giao nộp)(bl.66);

-01 điện thoại Apple Iphone 6, màu bạc, số Imei 359234066689599, kèm sim số 0978773711 (do LTT giao nộp)(bl.68);

Tại bản Cáo trạng số 57/CT-VKS-P2 ngày 29/01/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thì LHT, LTT và DCV bị truy tố về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Bộ luật hình sự năm 1999); LQH và NTL bị truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999.

Cáo trạng vừa nêu cũng kết luận:

Sau khi đánh nhau với nhóm của Lê Tấn Y, LHT, DCV, LTT, NTL và LQH về vứt hung khí trước sân nhà LQH, LQH đã gom các hung khí bỏ vào bao rồi để cạnh máy giặt nhà LQH. LQH khai do thấy hung khí vứt bỏ trong sân nhà, sợ nguy hiểm nên LQH gom lại, không có ý định cất giấu số hung khí trên. Do vậy, chưa đủ cơ sở xử lý LQH về hành vi “Che giấu tội phạm”.

Nguyễn Nhựt Hải, HBP, NLTD khai có mặt tại trước cửa nhà LTT để chơi và không biết LTT hẹn Y, không chuẩn bị hung khí. Khi xảy ra sự việc chém nhau và nghe tiếng súng nổ thì bỏ chạy, không tham gia đánh nhau. Do vậy, chưa đủ cơ sở xử lý đối với Nguyễn Nhựt Hải, HBP, NLTD về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” .

Huỳnh B,Trần C, Nguyễn D, Lê E, Nguyễn G được Lê Tấn Y gọi đến nhà và rủ đi qua Chùa Hoằng Pháp có công việc. Sau đó, thấy Tấn Y lấy 01 cây kiếm dài khoảng 1 mét để trên yên xe gắn và chạy đến chùa Hoàng Pháp, thì NTL, Thuận, Bảo, Duy, Công, Thịnh chạy xe gắn máy theo sau. Khi đến chùa Hoằng Pháp thì NTL, Thuận, Bảo, Duy, Công, Thịnh dừng lại; khi thấy đánh nhau và nghe tiếng súng nổ thì bỏ chạy mà không tham gia đánh nhau. Do vậy, chưa đủ cơ sở để xử lý đối với Huỳnh B, Trần C, Nguyễn D, Lê E và Nguyễn G về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Huỳnh A có hành vi lấy một cây dao tự chế dài khoảng 60cm (không thu hồi được) ở nhà của Y và cùng Y đi đánh nhau. Khi đến chùa Hoàng Pháp, Huỳnh A cầm dao đi phía sau Y. Tuy nhiên, Huỳnh A chưa tham gia đánh nhau; khi nghe tiếng súng nổ thì Huỳnh A ném dao và bỏ chạy. Do vậy, chưa đủ cơ sở xử lý hình sự đối với Huỳnh A về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo chính quyền địa phương lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với Huỳnh A (bl.513).

Bà Nguyễn Thị Lan O2 (người cho cha mẹ của bị cáo LTT vay tiền) khai rằng bà O2 không nhờ Y đi đòi nợ và không biết việc Y hẹn nhóm người của LTT để đánh nhau. Lê Tấn Y đã chết nên không thể làm rõ hành vi của bà O2. Do vậy, không có căn cứ để xử lý bà O2.

Tại phiên tòa, Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.

Bà Trương Thị Lệ X (vợ của bị hại) và bà Lê Tuyết K (con của bị hại) yêu cầu các bị cáo LHT, LTT, DCV phải bồi thường các khoản tiền sau:

-Chi phí mai táng bị hại Lê Tấn Y: 50.000.000đ;

-Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho bà Thu, bà U, bà K và trẻ K2: 100.000.000đ;

-Cấp dưỡng nuôi trẻ K2 một lần: 200.000.000đ.

Các bị cáo LHT, LTT, DCV đồng ý với các yêu cầu đã nêu. Đồng thời, chị bị cáo LHT tự nguyện thay mặt bị cáo LHT bồi thường trước cho bà X 50.000.000đ; vợ bị cáo LTT tự nguyện thay mặt bị cáo LTT bồi thường trước cho bà X 10.000.000đ; vợ bị cáo DCV tự nguyện thay mặt bị cáo DCV bồi thường trước cho bà X 10.000.000đ. Bị cáo LQH và NTL, mỗi người cũng tự nguyện hỗ trợ bồi thường cho bà X 10.000.000đ. Các khoản tiền bồi thường và hỗ trợ đã nêu đã được các bên thực hiện tại phiên tòa.

Ông NLTD xin được nhận lại chiếc điện thoại đã bị Cơ quan điều tra thu giữ.

Kiểm sát viên trình bày lời luận tội như sau: Căn cứ lời khai nhận tội của bị cáo tại cơ quan điều tra, lời khai tại phiên tòa, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở để xác định cáo trạng truy tố là chính xác. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử kết tội bị cáo theo toàn bộ nội dung bản cáo trạng. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết như sau:

-Căn cứ điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm e, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật hình sự năm 2015), Xử phạt bị cáo LHT từ 14 đến 16 năm tù về tội “Giết người”, thời hạn tù tính từ ngày 27/12/2017.

-Căn cứ điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999, điểm e, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, Xử phạt bị cáo LTT 12 đến 14 năm tù về tội “Giết người”, thời hạn tù tính từ ngày 07/9/2018.

-Căn cứ điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999, điểm e, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, Xử phạt bị cáo DCV 12 đến 14 năm tù về tội “Giết người”, thời hạn tù tính từ ngày 07/9/2018.

-Căn cứ khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999, điểm e, s, h khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, Xử phạt bị cáo NTL từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”;

-Căn cứ khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999, điểm e, s, h khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, Xử phạt bị cáo LQH từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Ghi nhận sự thỏa thuận bồi thường giữa các bị cáo LHT, LTT và DCV với người đại diện của bị hại.

Xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật.

-Căn cứ Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Giao trả cho bị cáo LQH: 01 điện thoại Nokia màu vàng; 01 điện thoại Apple Iphone 7, màu đen;

Giao trả cho bị cáo LTT: 01 điện thoại Apple Iphone 6, màu bạc; Giao trả cho ông NLTD: 01 điện thoại Samsung, màu trắng;

Giao trả cho ông Nguyễn D: 01 điện thoại Oppo, màu đồng;

Giao trả cho ông Huỳnh B: 01 điện thoại Nokia, màu xanh dương. Tịch thu tiêu hủy các vật chứng còn lại.

Luật sư Tuyền bào chữa cho bị cáo LHT như sau:

Nguyên nhân dẫn đến sự việc ẩu đả là do bị hại Lê Tấn Y đã có hành vi trái pháp luật đó là đã hành hung và đe dọa giết vợ chồng bị cáo LTT, buộc bị cáo LTT phải trả nợ thay cho bà O1. Vào thời điểm xảy ra sự việc, bị cáo Y đã có hành vi dùng dao, kiếm xông vào chém các bị cáo, dẫn đến việc các bị cáo bị kích động tinh thần và chống trả. Do vậy, việc Viện kiểm sát xác định bị cáo LHT phạm tội “có tính chất côn đồ” và truy tố theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 là không đúng pháp luật.

Bị cáo LHT thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, sau khi phạm tội đã ra đầu thú; bị cáo là lao động chính trong gia đình, phải nuôi cha già, vợ thì đã bỏ đi, bị cáo phải nuôi con nhỏ; gia đình bị cáo cũng đã bồi thường một phần cho đại diện bị hại. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Mức án mà Viện kiểm sát đề nghị là quá nặng. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại điều khoản truy tố và mức hình phạt đối với bị cáo.

Luật sư Thân bào chữa cho bị cáo LTT như sau:

Nguyên nhân dẫn đến sự việc ẩu đả là do bị hại Lê Tấn Y đã có hành vi trái pháp luật đó là đã hành hung và đe dọa giết vợ chồng bị cáo LTT, buộc bị cáo phải trả nợ thay. Bị cáo LTT đã đến báo cho công an địa phương nhưng không được giải quyết kịp thời. Vào thời điểm xảy ra vụ án, bị hại Y đã chủ động xông vào tấn công các bị cáo trước. LTT phạm tội do bị kích động bởi hành vi trái pháp luật của bị hại. LTT không có ý thức tước đoạt sinh mạng của bị hại. Theo kết luận giám định thì hành vi của LTT không phải là nguyên nhân dẫn đến việc bị hại bị chết. Do vậy, việc Viện kiểm sát quy kết LTT phạm tội có tính chất côn đồ và là đồng phạm với LHT việc phạm tội giết người là không đúng pháp luật.

Luật sư Bình bào chữa cho bị cáo DCV như sau.

Theo kết luận giám định thì hành vi của DCV không phải là nguyên nhân dẫn đến việc bị hại bị chết. Khi đến cửa hàng của LTT, DCV không mang theo hung khí, không có ý thức tham gia đánh nhau. DCV không biết việc LHT cầm dao đâm Y. Khi dùng dao chém vào chân Y, ý thức của DCV là để giải thoát cho LHT. Bị hại Y đã mang theo hung khí là dao, kiếm để tấn công các bị cáo. Hành vi của DCV, LHT, LTT chỉ là hành vi mang tính phòng vệ. Với các lý do đã nêu, việc Viện kiểm sát truy tố DCV về tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 là không có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chuyển tội danh, kết án DCV về tội “Cố ý gây thương tích” hoặc là “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

Bị cáo LHT, DCV và LTT đồng ý với ý kiến bào chữa của các luật sư, không có ý kiến bào chữa bổ sung mà đề nghị Hội đồng xét xử xem xét khoan hồng vì các bị cáo không có ý thức muốn tước đoạt sinh mạng của Y, chỉ vì bức xúc với hành vi của Y nên đã không kềm chế được bản thân.

Bị cáo NTL và LQH không có ý kiến bào chữa mà chỉ đề nghị đồng xét xử xem xét khoan hồng, cho các bị cáo có cơ hội được tại ngoại để chăm lo cho gia đình và tự cải tạo.

Đi diện bị hại không có ý kiến tranh luận.

Kiểm sát viên tranh luận với ý kiến của các luật sư như sau:

Mặc dù Y là người đã có lỗi đó là dung hung khí tấn công các bị cáo trước. Tuy nhiên, hành vi của Y chưa gây thương tích cho các bị cáo, khi Y bỏ chạy, các bị cáo đã đuổi theo và có hành vi đâm, chém Y. Do vậy, việc xác định các bị cáo phạm tội có tính chất chất côn đồ là đúng pháp luật.

Mặc dù LTT đã bị Y đe dọa, hành hung. Tuy nhiên, LTT có quyền lựa chọn việc báo cho cơ quan công an để giải quyết. Tuy nhiên, LTT đã hẹn Y đến để giải quyết và có chuẩn bị hung khí. Do vậy, LTT phải chịu trách nhiệm về hậu quả Y bị chết.

DCV đã chém vào chân Y trong lúc Y và LHT đang vật lộn. Vào thời điểm này, DCV không bị đe dọa. Do vậy, DCV phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người.

Các luật sư đối đáp tranh luận như sau: Do biết Y là người hung hãn, có tiền án, tiền sự, thường đi đòi nợ thuê; trước ngày xảy ra vụ án, Y đã cùng đồng mang theo hung khí đến của hàng của LTT, hành hung vợ chồng LTT. Do vậy, việc các bị cáo chuẩn bị hung khí là để đề phòng việc bị Y tấn công, mà không có ý định để đánh nhau với Y. Thực tế, khi vừa đến cửa hàng của LTT thì Y đã lao vào và cầm kiếm chém các bị cáo trước và các bị cáo đã chống trả lại. Do vậy, không thể căn cứ vào việc các bị cáo có chuẩn bị hung khí để cho rằng các bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1].Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo, các luật sư bào chữa đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Các bị cáo, các luật sư không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người tiến hành tố tụng. Các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là hợp pháp.

[2].Do có mâu thuẫn với Lê Tấn Y, xuất phát từ việc Y đã có hành vi hành hung, đe dọa giết vợ chồng LTT buộc LTT phải trả nợ thay cho bà Phạm Thị Thu O1 (mẹ đẻ của LTT), LTT đã rủ Lê Hữu LHT, DCV, LQH, NTL và một số người quen đến cửa hàng của LTT ở xã R1, huyện T1; đồng thời, LTT hẹn Y đến cửa hàng của LTT để giải quyết mâu thuẫn. Khi Y và một số đối tượng (do Y rủ đi theo) đến của hàng của LTT, Y xông vào dùng kiếm chém những người trong nhóm của LTT và dẫn đến ẩu đả. Trong lúc ẩu đả, LHT đã dùng dao đâm Y 2 nhát trúng vào vùng thắt lưng; LTT và DCV mỗi người dùng dao chém 1 nhát vào chân phải, chân trái của Y; LQH và NTL thì cầm hung khí truy đuổi Huỳnh A, Trần C, Nguyễn G, Lê E, Nguyễn D và Huỳnh B (là những người đi cùng với Y).

Hậu quả xảy ra làm cho Lê Tấn Y bị chết, gây mất trật tự công cộng nghiêm trọng ở xung quanh khu vực chùa Hoằng Pháp, xã R1, huyện T1 trong thời gian xảy ra vụ án.

Theo kết luận giám định pháp y và lời khai của các bị cáo có căn cứ để xác định: Nguyên nhân dẫn đến việc Y bị chết là do 2 vết thương ở vùng thắt lưng do LHT đã đâm.

[3].Trong vụ án này, LHT, DCV, LTT không có sự bàn bạc trước về việc phạm tội. Tuy nhiên, sau khi LHT đâm Lê Tấn Y, DCV và LTT lại tiếp tục dùng dao chém vào chân Y, thể hiện các bị cáo có sự tiếp nhận ý chí, thống nhất với nhau trong việc tấn công Y. Do vậy, LHT, DCV và LTT được xác định là đồng phạm của nhau và chịu trách nhiệm về hậu quả Y bị chết. Mặc dù LHT, DCV và LTT đều khai rằng các bị cáo không có ý thức tước đoạt sinh mạng của Y. Tuy nhiên, LHT, DCV và LTT nhận thức được việc sử dụng hung khí là dao để đâm, chém Y là có thể dẫn đến việc Y bị chết nhưng các bị cáo vẫn thực hiện và có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Trong thực tế, thì Y đã bị chết. Do vậy, LHT, DCV và LTT phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với lỗi cố ý gián tiếp.

[4].Trong vụ án này, giữa các bị cáo không có sự bàn bạc trước về việc gây án. Khi bị hại Lê Tấn Y cầm kiếm xông vào chém LQH và NTL, LQH đã cầm phảng chống trả lại làm rơi kiếm của Y và Y bỏ chạy. LQH và NTL không truy đuổi Y. Do vậy, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với NTL và LQH về tội giết người với vai trò là đồng phạm với LHT, LTT và DCV. Tuy nhiên, trong lúc đánh nhau, LQH và NTL đã cầm hung khí rượt đuổi Huỳnh B, Trần C, Nguyễn D, Nguyễn G, Huỳnh A và Lê E (là những người đi cùng với Y), gây mất trật tự công cộng nghiêm trọng. Do vậy, LQH và NTL phải chịu trách nhiệm về hành vi gây rối trật tự công cộng.

[5].Mặc dù Lê Tấn Y là người có lỗi đó là đã chủ động dùng kiếm tấn công các bị cáo trước. Tuy nhiên, khi Y bị thất thế và bỏ chạy thì LHT, LTT và DCV đã đuổi theo đâm và chém Y. Do vậy, hành vi của LHT, LTT, DCV không được xem là phòng vệ chính đáng hoặc là giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

[6].Hành vi của LHT, DCV và LTT là nguy hiểm cho xã hội, xâm hại trái phép đến tính mạng của người khác. Các bị cáo đều nhận thức được việc làm của mình là sai trái, bị luật pháp nghiêm cấm nhưng bản tính hung hăng, hiếu thắng và sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn (đây là dấu hiệu của việc phạm tội có tính chất côn đồ). Căn cứ vào các nhận định đã nêu, đối chiếu với quy định của pháp luật, có đủ cơ sở để kết luận LHT, LTT và DCV đã phạm tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999.

[7].Hành vi của LQH và NTL đã xâm hại nghiêm trọng đến an toàn trật tự công cộng. Căn cứ vào các nhận định đã nêu, đối chiếu với quy định của pháp luật, có đủ cơ sở để kết luận LQH và NTL đã phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999.

[8].Về tính chất, mức độ vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hình phạt cần áp dụng đối với bị cáo:

Theo kết luận giám định pháp y, lời khai của các bị cáo, xác định được: Lê Tấn Y chết vì mất máu không hồi phục bởi 2 vết thương ở vùng thắt lưng do LHT gây ra; còn 2 vết thương ở cẳng chân trái và phải của Y là do DCV và LTT gây ra nhưng không nguy hiểm đến tính mạng của Y. LTT có hành vi chuẩn bị hung khí để ẩu đả. Hành vi của LHT được xác định có mức độ nguy hiểm cao hơn so với hành vi của LTT và DCV; hành vi của LTT được xác định có mức độ nguy hiểm cao hơn so với hành vi của DCV;

Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên được áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án này, bị hại Lê Tấn Y đã có hành vi trái luật pháp đó là: Vào ngày 25/12/2017, Y vô cớ đến cửa hàng của LTT, mang theo hung khí hành hung và đe dọa giết vợ chồng LTT, nhằm tạo áp lực buộc LTT phải thay bà O1 trả nợ cho bà O2. Hành vi của Y có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Đe dọa giết người”. Vào ngày xảy ra vụ án, sau khi đã sử dụng ma túy, Y đã rủ nhiều người mang theo dao, kiếm đến nơi ở của LTT để đánh nhau. Khi đến nơi, Y đã chủ động xông vào dùng kiếm chém LHT, DCV, LTT, LQH và NTL nhưng bị chống trả lại nên chém không trúng. Hành vi của Y chưa gây thiệt hại cho các bị cáo, Y cũng đã bỏ chạy nên không có cơ sở để xác định hành vi của LTT, DCV và LHT là hành vi phòng vệ. Các bị cáo cũng tiên lượng trước được việc có thể bị Y tấn công nên đã chuẩn bị hung khí và tâm thế để đối phó. Do vậy, cũng chưa đủ cơ sở để xác định vào thời điểm gây án LTT, DCV và LHT ở trong “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Vì các lý do đã nêu, không đủ căn cứ để chuyển tội danh, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với LTT, DCV và LHT về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” hoặc là “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Tuy nhiên, những hành vi trái pháp luật của Y đã kích động tinh thần các bị cáo. Do vậy, cần áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Riêng đối với LTT, cần áp dụng thêm điểm i khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (tương ứng với tình tiết “phạm tội vì bị người khác đe dọa, cưỡng bức”) để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Các bị cáo LHT, LTT, LQH và NTL có con nhỏ; sau khi phạm tội, LHT ra đầu thú. Do vậy, cần áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo LHT, LTT, LQH và NTL.

Các bị cáo LQH và NTL phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên cần được áp dụng thêm điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Trong quá trình điều tra, gia đình bị cáo LHT đã tự nguyện bồi thường thiệt hại một phần cho phía bị hại Y nhưng gia đình bị cáo Y không nhận. Tại phiên tòa, gia đình các bị cáo LHT, LTT và DCV cũng tự nguyện bồi thường một phần thiệt hại cho phía bị hại Y; mặc dù không phải chịu trách nhiệm bồi thường nhưng các bị cáo LQH và NTL, mỗi người cũng tự hỗ trợ cho gia đình bị hại Y 10.000.000đ. Do vậy, cần áp dụng thêm điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo như đã nêu, cần có hình phạt tù tương xứng đối với các bị cáo để có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

Hành vi của DCV và LTT có mức độ nguy hiểm thấp hơn so với LHT; DCV và LTT có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 nên cần áp dụng thêm Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999, cho các bị cáo được hưởng mức hình phạt dưới mức thấp nhất quy định tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999.

Bị cáo LQH và bị cáo NTL phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như đã được đề cập; các bị cáo thuộc thành phần lao động, có việc làm và nơi cư trú ổn định, ngoài lần phạm tội này, các bị cáo chưa từng có vi phạm pháp luật nào khác; có khả năng tự cải tạo. Do vậy, không nhất thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội.

[9].Nhận định tại các mục [3] đến [8] cũng là cơ sở để chấp nhận một phần nội dung bào chữa của các luật sư và các bị cáo.

[10].Nhận định của Viện kiểm sát nhân dân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc xem xét, xử lý đối với Huỳnh B,Trần C, Nguyễn D, Lê E, Nguyễn G và Huỳnh A như đã được nêu trong cáo trạng là có căn cứ.

[11].Về mặt dân sự:

Căn cứ Điều 585, 587, 591, 593 Bộ luật dân sự năm 2015; căn cứ ý kiến của các bị cáo và đại diện bị hại, cần buộc các bị cáo LTT, DCV và LHT phải liên đới bồi thường cho đại diện bị hại 350.000.000đ, bao gồm các khoản tiền sau:

-50.000.000đ tiền chi phí mai tháng anh Y;

-100.000.000đ tiền bù đắp tổn thất về mặt tinh thần cho bà Thu, bà U, bà K và trẻ K2 (phần bà Thu, bà U, bà K và trẻ K2 mỗi người được hưởng 25.000.000đ).

-Cấp dưỡng cho trẻ K2 theo phương thức cấp dưỡng một lần với số tiền là 200.000.000đ, thực hiện sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, do bị cáo NTL và bị cáo LQH tự nguyện bồi thường cho phía bị hại 20.000.000đ. Do vậy, LTT, DCV và LHT còn phải có trách nhiệm bồi thường cho phía bị hại 330.000.000đ; phần trách nhiệm của mỗi bị cáo là như nhau (mỗi người phải bồi thường cho phía bị hại là 110.000.000đ). Khoản tiền 50.000.000đ mà chị bị cáo LHT tự nguyện bồi thường thay cho bị cáo LHT sẽ được cấn trừ vào phần trách nhiệm bồi thường của bị cáo LHT; khoản tiền 10.000.000đ mà vợ bị cáo LTT tự nguyện bồi thường thay cho bị cáo LTT sẽ được cấn trừ vào phần trách nhiệm bồi thường của bị cáo LTT; khoản tiền 10.000.000đ mà vợ bị cáo DCV tự nguyện bồi thường thay cho bị cáo DCV sẽ được cấn trừ vào phần trách nhiệm bồi thường của bị cáo DCV. Như vậy, bị cáo LHT còn phải bồi thường cho phía bị hại 60.000.000đ; bị cáo LTT và DCV, mỗi người còn phải bồi thường cho phía bị hại 100.000.000đ.

Để đảm bảo quyền lợi cho trẻ K2, số tiền 90.000.000đ mà các Nguyễn Thành NTL, bị cáo LQH và gia đình các bị cáo LHT, LTT, DCV đã thực hiện bồi thường tại phiên tòa sẽ được cấn trừ vào khoản tiền cấp dưỡng cho trẻ K2.

[12].Về vật chứng và các tài sản thu giữ có liên quan: Căn cứ Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự, xử lý như sau:

Đi với các điện thoại thu giữ của các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như đã đề cập: Không có căn cứ để xác định là công cụ, phương tiện phạm tội. Do vậy, cần giao trả cho các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đi với dao, phảng, mã tấu: Là công cụ phạm tội, vật không còn sử dụng được, cần tịch thu tiêu hủy.

Đi với chiếc áo khoác Jean màu xanh và chiếc áo sơ-mi màu xanh, trắng (bị cắt dời 2 tay áo) của bị hại Lê Tấn Y: Là những vật không còn sử dụng được; người đại diện hợp pháp của bị hại Y cũng không yêu cầu nhận lại. Do vậy, cần tịch thu tiêu hủy.

Đi với 11 dấu vết màu nâu đỏ và mẫu máu của bị hại Lê Tấn Y: Không còn sử dụng được nân cần tịch thu tiêu hủy.

[13].Các bị cáo phải chịu án phí theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1.Căn cứ điểm n khoản 1 Điều 93, điểm b, đ và p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Xử phạt bị cáo LHT 12 (mười hai) năm về tội “Giết người”, thời hạn tù tính từ ngày 27/12/2017.

2.Căn cứ điểm n khoản 1 Điều 93, điểm b, đ, i và p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Xử phạt bị cáo LTT 9 (chín) năm tù về tội “Giết người”, thời hạn tù tính từ ngày 07/9/2018.

3.Căn cứ điểm n khoản 1 Điều 93, điểm b, đ và p khoản 1 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Xử phạt bị cáo DCV 8 (tám) năm tù về tội “Giết người”, thời hạn tù tính từ ngày 07/9/2018.

4.Căn cứ khoản 1 Điều 245, điểm b, đ, h và p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009; khoản 1, 2 và 5 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, Xử phạt bị cáo NTL 1 (một) năm 6 (sáu) tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 3 (ba) năm tính từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân xã R5, huyện T1, Thành phố Hồ Chí Minh để giám sát giáo dục trong thời gian thử thách; trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu bị cáo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 2 lần trở lên thì Tòa án có thẩm quyền có thể quyết định buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt của bản án này. Trường hợp bị cáo phạm tội mới thì Tòa án buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án này và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định của Điều 56 Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017,

5.Căn cứ khoản 1 Điều 245, điểm b, đ, h và p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009; khoản 1, 2 và 5 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, Xử phạt bị cáo LQH 1 (một) năm 6 (sáu) tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 3 (ba) năm tính từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân xã Tân Thới Hiệp, huyện T1, Thành phố Hồ Chí Minh để giám sát giáo dục trong thời gian thử thách; trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu bị cáo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 2 lần trở lên thì Tòa án có thẩm quyền có thể quyết định buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt của bản án này. Trường hợp bị cáo phạm tội mới thì Tòa án buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án này và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định của Điều 56 Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

6.Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 585, 587, 591 Bộ luật dân sự năm 2015, Ghi nhận tại phiên tòa việc các bị cáo NTL, LQH và gia đình các bị cáo LHT, DCV và LTT đã bồi thường trước cho đại diện bị hại 90.000.000đ (chín mươi triệu đồng).

Buộc các bị cáo LTT, LHT và DCV phải tiếp tục liên đới bồi thường cho đại diện bị hại 260.000.000đ, bao gồm các khoản tiền sau:

-Chi phí mai táng ông Lê Tấn Y: 50.000.000đ;

-Bù đắp tổn thất về tinh thần cho bà Trương Thị Lệ X, bà Lê Thị U, chị Lê Tuyết K và trẻ Lê Tấn K2: 100.000.000đ (một trăm triệu đồng)(bà Thu, bà U, chị K và trẻ K2 mỗi người được hưởng 25.000.000đ).

-Tiền cấp dưỡng cho trẻ Lê Tấn K2: 110.000.000đ (một trăm mười triệu đồng).

Phần trách nhiệm bồi thường cụ thể của các bị cáo LTT, LHT và DCV đối với số tiền còn phải bồi thường như sau:

-LHT: 60.000.000đ (sáu mươi triệu đồng);

-LTT: 100.000.000đ (một trăm triệu đồng);

-DCV 100.000.000đ (một trăm triệu đồng).

7.Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thực hiện xong việc bồi thường, các bị cáo LTT, LHT và DCV còn phải trả thêm tiền lãi cho người được thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, tương ứng với thời gian chậm thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

8.Căn cứ Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Giao trả cho bị cáo LQH: 01 điện thoại Nokia màu vàng, số Imei 3515- 25/04/915-753/1; 01 điện thoại Apple Iphone 7, màu đen, mang số BCG-E309- 1AIC579C-E3091A;

Giao trả cho bị cáo LTT: 01 điện thoại Apple Iphone 6, màu bạc, số Imei 359234066689599;

Giao trả cho ông NLTD: 01 điện thoại Samsung, màu trắng, số Imei 355- 228/08/474605/4;

Giao trả cho ông Nguyễn D: 01 điện thoại Oppo, màu đồng, số Imei 865265-036331570;

Giao trả cho ông Huỳnh B: 01 điện thoại Nokia, màu xanh dương, số Imei 354588/05/3414-68/2.

Tịch thu tiêu hủy:

-11 dấu vết màu nâu đỏ;

-01 áo khoác Jean màu xanh;

-01 áo sơ-mi màu xanh, trắng (bị cắt dời 2 tay áo);

-Mẫu máu của bị hại Lê Tấn Y;

-01 mã tấu tự chế dài 99,5cm, cán bằng kim loại sơn đen dài 28,5cm, lưỡi dao bằng kim loại màu trắng dài 71cm, mũi vát nhọn;

-01 dao tự chế dài khoảng 80cm, cán bằng kim loại;

-01 dao tự chế dài khoảng 82cm, cán gỗ;

-01 mã tấu tự chế dài khoảng 75cm, cán bằng kim loại;

-01 mã tấu tự chế dài khoảng 59cm, cán bằng kim loại;

-01 dao bằng kim loại dài khoảng 31,5cm, cán bằng kim loại, đã gỉ sét;

-01 cây phảng dài khoảng 1,2m, cán bằng gỗ;

-01 dao Thái Lan dài khoảng 21,5cm, cán bằng nhựa màu vàng.

(Toàn bộ số vật chứng đã nêu đang được lưu giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh theo biên bản giao nhận tang tài vật số 220/19 ngày 26/3/2019 giữa PC02 Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh).

9.Mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm. Các bị cáo LHT, LTT và DCV mỗi người phải chịu 2.500.000đ án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch và 100.000đ án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch.

10.Các bị cáo và các đương sự được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Các đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được giao bản án.

11.Trong trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 6b, Điều 7, Điều 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014); thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự hành án dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014)./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

488
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 330/2019/HS-ST ngày 04/09/2019 về tội giết người

Số hiệu:330/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 04/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về