TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 318/2020/HSPT NGÀY 01/07/2020 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 01 tháng 7 năm 2020, tại trụ sở Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 214/2020/HSPT ngày 07/5/2020 đối với bị cáo Huỳnh Khương Lâm Q, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2020/HSST ngày 25/3/2020 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bị cáo có kháng cáo:
HUỲNH KHƯƠNG LÂM Q; giới tính: Nam; sinh 26/12/1994; nơi sinh: Thành phố Hồ Chí Minh; thường trú: Khu dân cư SM, xã B, huyện V, tỉnh Đồng Tháp; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 12/12; con ông HKL và bà NTH; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; tại ngoại. (Có mặt).
Ngoài ra còn có các bị hại không có kháng cáo.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 08/5/2018, Công ty trách nhiệm hữu hạn M hợp đồng lao động với Huỳnh Khương Lâm Q, vị trí công việc là tư vấn bán hàng qua điện thoại các sản phẩm của Công ty trách nhiệm hữu hạn B (viết tắt là Công ty B). Theo đó, Q có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, tư vấn cho khách hàng về các chính sách của Công ty B, sau đó sử dụng hệ thống nội bộ để đặt hàng cho khách. Căn cứ các đơn hàng được khởi tạo bởi Q, Công ty B sẽ tiến hành giao hàng cho khách. Trong quá trình làm việc, Q đã cố tình tư vấn sai lệch chính sách của Công ty B. Cụ thể, Công ty B không có chính sách cho khách hàng ứng tiền thông qua việc mua lại hoặc thu nhận, quy đổi thành tiền từ giá trị hàng hóa đã mua, nhưng Q đã tư vấn cho các khách hàng là các ông bà: Lê Thị Minh C, Lê Thị Chúc L, Lê Thị Ngọc T, Lê Thị Q1 và Nguyễn Thanh T1 rằng nếu muốn vay tiền mặt từ Công ty B thì phải đăng ký mua hàng của Công ty B theo hướng dẫn của Q thì sẽ nhận được số tiền tương đương với giá trị hàng hóa đã đặt mua. Lợi dụng sự tin tưởng của bà C, L, T, Q1 và ông T2, Q đã tư vấn để những khách hàng này đưa lại hàng hóa đã đặt mua cho Q, nhưng sau khi nhận được hàng thì Q cắt đứt liên lạc nhằm mục đích chiếm đoạt, cụ thể như sau:
Do có nhu cầu ứng tiền từ Công ty B, bà T đã liên hệ đăng ký và được Q kết bạn zalo, sau đó Q nhắn tin hướng dẫn bà T đặt mua 01 laptop hiệu Asus, trị giá 16.900.000 đồng; 01 thẻ điện thoại di động mệnh giá 100.000 đồng trên hệ thống của Công ty B. Ngày 23/7/2018, sau khi nhận được hàng, bà T đã trực tiếp đưa lại cho Q, Q hứa sẽ giao lại cho bà T số tiền 17.000.000 đồng, nhưng Q không giao tiền mà cắt đứt liên lạc với bà T.
Bà C đặt mua 01 sạc dự phòng Anker trị giá 1.314.000 đồng; 02 thẻ cào điện thoại, mỗi thẻ mệnh giá 500.000 đồng, 01 thẻ cào điện thoại mệnh giá 200.000 đồng, 01 thẻ cào điện thoại mệnh giá 100.000 đồng, 01 điện thoại di động hiệu Xiaomi Redmi note 5 trị giá 5.715.000 đồng, 01 chuột vi tính Wireless Mobie giá trị 375.000 đồng. Sau khi nhận được số hàng đã đặt mua như trên, bà C gửi lại cho Q theo địa chỉ MTL, phường ĐK, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng sau đó Q cắt đứt liên lạc, không đưa cho bà C số tiền 10.074.000 đồng.
Bà L đặt mua 01 sạc dự phòng Energizer 20.000 Mah trị giá 1.115.000 đồng; 01 thẻ cào điện thoại mệnh giá 500.000 đồng, 01 loa Bluetooth XB41 trị giá 4.415.000 đồng, tổng cộng 6.130.000 đồng. Sau khi nhận được hàng đã đặt, Q yêu cầu bà L giao lại cho Q và Q hẹn trực tiếp đưa tiền mặt cho bà L vào ngày 29/7/2019, nhưng bà L không nhận được tiền, không liên lạc được với Q.
Ngày 23/7/2019, ông T1 đặt mua 01 Ipad 2018 trị giá 13.024.000 đồng. Ngày 25/7/2019, sau khi nhận được hàng ông T1 đã liên hệ với Q để trực tiếp giao chiếc Ipad cho Q. Q hứa trong vòng 01 tuần sẽ trả cho ông T1 số tiền 13.024.000 đồng, nhưng Q cắt đứt liên lạc, không đưa tiền cho ông T1.
Bà Q1 đặt mua 01 loa Bluetooth trị giá 1.740.000 đồng, 02 thẻ cào điện thoại, mỗi thẻ mệnh giá 500.000đ. Khi nhận được hàng, bà Q1 đã gửi cho Q theo địa chỉ MTL, phường ĐK, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng sau đó Q cắt đứt liên lạc, không đưa cho bà Q1 số tiền 2.740.000 đồng.
Sau khi chiếm đoạt tài sản, Q tự nghỉ việc ở Công ty B, cắt đứt mọi liên lạc với khách hàng. Số hàng hóa đã chiếm đoạt được Q rao bán trên các mạng để lấy tiền tiêu xài. Tổng số tiền Q đã chiếm đoạt tương ứng giá trị hàng hóa của bà C, L, T, Q1 và ông T1 đã đặt mua là 48.968.000 đồng. Ngoài ra, trong thời gian làm việc Q được cấp 01 tài khoản để mua hàng của Công ty B bằng hình thức trả dần vào lương, Q đã đặt mua hàng tổng gía trị là 9.918.000 đồng. Do Q tự ý bỏ việc nên số tiền trên Công ty B không trừ được và Công ty B đã xác nhận việc này, nên không có cơ sở xác định Q chiếm đoạt số tiền trên của Công ty B.
Kết luận định giá tài sản số 12/KL-HĐGTS ngày 15/01/2020 của Hội đồng định gía tài sản trong tố tụng hình sự Quận 1, kết luận: 01 laptop hiệu Asus, 01 loa Soundmax, 01 sạc dự phòng Anker, 01 loa không dây, 01 điện thoại di động hiệu Xiaomi Redmi note 5, 01 sạc dự phòng Energizer, 01 máy tính bảng Apple Ipad, 01 chuột vi tính Wireless Mobie, 01 bộ bàn phím và chuột không dây, 01 ổ cắm điện Denzo, tổng trị giá là 40.323.000 đồng.
Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2020/HSST ngày 25 tháng 3 năm 2020 của Tòa án nhân dân Quận 1, Tp.Hồ Chí Minh đã căn cứ khoản 1 Điều 174, điểm b, i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, xử phạt bị cáo Huỳnh Khương Lâm Q 02 năm 06 tháng tù về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo. Ngày 26 tháng 3 năm 2020, bị cáo Q có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin được hưởng án treo.
Tại phiên tòa:
- Bị cáo Q giữ nguyên nội dung kháng cáo, xin giảm nhẹ mức hình phạt tù và hưởng án treo.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sau khi tóm tắt nội dung vụ án, đánh gía về tính chất, mức độ hành vi phạm tội, phân tích các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đã kết luận: Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bố bị cáo phạm “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và áp dụng khoản 1 Điều 174, điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 khi xét xử bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật. Sau xét xử, bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo, đơn kháng cáo làm trong thời hạn luật định nên được giải quyết theo trình tự phúc thẩm. Xét, bị cáo phạm tội nhiều lần, nên không đủ điều kiện để được hưởng án treo theo quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Mặc dù tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo không bổ sung được tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới, nhưng mức hình phạt 02 năm 06 tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt là quá nghiên khắc so với hành vi phạm tội và nhân thân của bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm số 35/2020/HSST ngày 25/3/2020 của Tòa án nhân dân Quận 1, xử bị cáo 02 năm tù. - Bị cáo Q không tranh luận với đại diện Viện kiểm sát, nói lời sau cùng bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Căn cứ lời khai nhận tội của bị cáo và kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ kết luận: Lợi dụng vị trí công việc của mình là tư vấn cho khách hàng bán hàng qua điện thoại các sản phẩm của Công ty trách nhiệm hữu hạn B (viết tắt là Công ty B). Trong quá trình làm việc, bị cáo đã cố tình tư vấn sai lệch chính sách của Công ty B. Công B không có chính sách cho khách hàng ứng tiền thông qua việc mua lại hoặc thu nhận, quy đổi thành tiền từ giá trị hàng hóa khách hàng đã mua, nhưng bị cáo đã tư vấn cho các khách hàng là các ông bà: Lê Thị Minh C, Lê Thị Chúc L, Lê Thị Ngọc T, Lê Thị Q1 và Nguyễn Thanh T1 nếu muốn vay tiền mặt từ Công ty B thì phải đăng ký mua hàng của Công ty B theo hướng dẫn của bị cáo thì sẽ nhận được số tiền tương đương với giá trị hàng hóa đã đặt mua. Bằng việc đưa ra những thông tin gian dối, không có thật làm cho bà C, L, T, Q1 và ông T1, tin tưởng vào những nội dung bị cáo đã tư vấn để những khách hàng này đưa lại hàng hóa đã đặt mua cho bị cáo, nhằm mục đích chiếm đoạt của họ, cụ thể: Bị cáo đã chiếm đoạt của bà Lê Thị Ngọc T 01 laptop hiệu Asus, 01 thẻ điện thoại di động mệnh giá 100.000 đồng; chiếm đoạt của bà Lê Thị Minh C 01 sạc dự phòng Anker, 02 thẻ cào điện thoại, mỗi thẻ mệnh giá 500.000 đồng, 01 thẻ cào điện thoại mệnh giá 200.000 đồng, 01 thẻ cào điện thoại mệnh giá 100.000 đồng, 01 điện thoại di động hiệu Xiaomi Redmi note 5, 01 chuột vi tính Wireless Mobie; chiếm đoạt của bà Lê Thị Trúc L 01 sạc dự phòng Energizer 20.000 Mh, 01 thẻ cào điện thoại mệnh giá 500.000 đồng, 01 loa Bluetooth XB41; chiếm đoạt của bà Lê Thị Q1 01 loa Bluetooth, 02 thẻ cào điện thoại, mỗi thẻ mệnh giá 500.000 đồng và chiếm đoạt của ông Nguyễn Thanh T1 01 Ipad 2018. Tổng giá trị tài sản bị cáo chiếm đoạt là 40.323.000 đồng. Với hành vi phạm tội như nêu trên của bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng khoản 1 Điều 174, điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 để xét xử bị cáo về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật.
Sau xét xử sơ thẩm, ngày 26 tháng 3 năm 2020, bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tù và được hưởng án treo. Đơn kháng cáo của bị cáo làm trong thời hạn luật định nên được xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
[2] Xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy: Khi xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã đánh giá toàn diện nội dung vụ án, xem xét áp dụng đầy đủ tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, i, s khoản 1 và áp dụng khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự, để lượng hình đối với bị cáo. Xét, bị cáo phạm tội nhiều lần, nên không đủ điều kiện được hưởng án treo theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HDTP ngày 15/3/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân tối cao. Mặc dù tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo không bổ sung được tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới, nhưng mức hình phạt 02 năm 06 tháng tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên phạt là quá nghiêm khắc so với hành vi phạm tội của bị cáo. Bởi lẽ, trước khi phạm tội có nhân thân tốt, sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã tích cực bồi thường khắc phục toàn bộ hậu quả và được các bị hại bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt, hiện bị cáo đang mắc bệnh tim, do đó có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án hình sự sơ thẩm, giảm nhẹ hình phạt tù cho bị cáo. Trên đây cũng là lập luận để chấp nhận một phần quan điểm đề nghị giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm nhận định bị cáo phạm tội từ 02 lần trở lên, nhưng đồng thời cũng nhận định bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng để áp dụng điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự là chưa đúng quy định, nên điều chỉnh lại căn cứ áp dụng pháp luật.
Các nội dung khác của Bản án hình sự sơ thẩm do không bị kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[3] Do chấp nhận kháng cáo, nên bị cáo Q không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của bị cáo Huỳnh Khương Lâm Q, sửa bản án hình sự sơ thẩm số 35/2020/HSST ngày 25/3/2020 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Căn cứ khoản 1 Điều 174, điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
Xử phạt bị cáo Huỳnh Khương Lâm Q 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án, lệ phí Tòa án:
Bị cáo Huỳnh Khương Lâm Q không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
Các nội dung khác của Bản án hình sự sơ thẩm do không bị kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 318/2020/HSPT ngày 01/07/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Số hiệu: | 318/2020/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 01/07/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về