TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
BẢN ÁN 30/2018/HS-ST NGÀY 29/11/2018 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG
Ngày 29 tháng 11 năm 2018 tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý sơ thẩm thụ lý số: 29/2018/TLST – HS ngày 26 tháng 10 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 29/2018/QĐXX – HS ngày 15 tháng 11 năm 2018 đối với các bị cáo:
1, Họ và tên: Nguyễn Chí N (Tên gọi khác: Không); Sinh ngày 07 tháng 11 năm 1979, tại Bắc Kạn; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Tổ 11A, phường Đ, thành phố B, tỉnh Bắc Kạn; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn N (Đã chết) và con bà Lại Thị T; có vợ là Dương Khánh U và có 02 con, lớn sinh năm 2003, nhỏ sinh 2012. Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
2, Họ và tên: Hứa Phúc K (Tên gọi khác: Không); Sinh ngày 17 tháng 6 năm 1969, tại tỉnh Bắc Kạn; Nơi ĐKNKTT và chỗ ở: Thôn N, xã L, huyện B, tỉnh Bắc Kạn; Nghề nghiệp: Cán bộ UBND xã L, huyện B; Trình độ học vấn: Đại học; Dân tộc: Tày; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Hứa Phúc H (đã chết) và con bà Đinh Thị V; có vợ là Hoàng Thị T và có 03 con, con lớn sinh năm 1988, con nhỏ sinh năm 1994 Tiền án, tiền sự: Không Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
3, Họ và tên: Hà Văn H (Tên gọi khác: Không); Sinh ngày: 07 tháng 7 năm 1965, tại Bắc Kạn; Nơi ĐKNKTT và chỗ ở: Thôn L, xã L, huyện B, tỉnh Bắc Kạn; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn: 07/10; Dân tộc: Tày; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; con ông Hà Văn T (đã chết) và con bà Tô Thị T; có vợ là Nông Thị H và có 03 con, con lớn sinh năm 1989, con nhỏ sinh năm 2015; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
4, Họ và tên: Trương Văn K1 (Tên gọi khác: Không); Sinh ngày: 19 tháng 4 năm 1962, tại tỉnh Bắc Kạn; Nơi ĐKNKTT và chỗ ở: Xóm B, xã C, huyên P, tỉnh Thái Nguyên; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn: 10/10; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; con ông Trương Văn S (đã chết) và con bà Đỗ Thị T; có vợ là Phạm Thị T và có 03 con, con lớn sinh năm 1989, con nhỏ sinh năm 1993; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
* Người bào chữa cho bị cáo Hà Văn H: Bà Nông Thị C – Trợ giúp viên, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn.
* Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Đại diện theo ủy quyền: Ông Hoàng Văn K – Trưởng phòng NN&PTNT huyện B, tỉnh Bắc Kạn.
* Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Long Văn Đ – sinh năm 1972; trú tại: Thôn L, xã L, huyện B, tỉnh Bắc Kạn.
2. Long Văn D – sinh năm 1977; trú tại: Thôn L, xã L, huyện B, tỉnh Bắc Kạn.
3. Mã Văn T – sinh năm:1977; trú tại: Thôn L, xã L, huyện B, tỉnh Bắc Kạn.
4. Nông Đức Th – sinh năm: 1977; trú tại: Thôn N, xã P, huyện B, tỉnh Bắc Kạn.
5. Lâm Văn S – sinh năm: 1970; trú tại: Phố N, thị trấn P, huyện B, tỉnh Bắc Kạn.
6. Hà Nguyên H1 – sinh năm: 1976; trú tại: Thôn N, xã Đ, huyện C, tỉnh Bắc Kạn.
7. Đinh Văn T – sinh năm: 1961; trú tại: Thôn P, xã L, huyện B, tỉnh Bắc Kạn.
8. Trần Văn S – sinh năm: 1990; trú tại: Xóm G, xã T, huyện P, tỉnh Thái Nguyên.
9. Hoàng Văn T – sinh năm: 1951; trú tại: Thôn L, xã L, huyện B, tỉnh Bắc Kạn.
10. Bế Ngọc T – sinh năm 1959; trú tại: Thôn B, xã L, huyện B, tỉnh Bắc Kạn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Ngày 07/10/2015 bà La Thị H – Phó Chủ tịch UBND huyện B đã ký văn bản số 668/UBND - NN xác nhận đăng ký khai thác gỗ tận thu cho ông Mã Văn T với chủng loại lâm sản là gốc cây gỗ Kháo (tên địa phương là Kháo Hương) thuộc nhóm VI, khối lượng 3,38m3. Mã Văn T cùng với Long Văn Đ, Long Văn D trú tại thôn L, xã L, huyện B bán gốc cây cho Nguyễn Chí N, sinh năm 1979 trú tại tổ 11A, phường Đ, thành phố B với giá là 25 triệu đồng, gốc cây nằm tại lô 5, khoản 9, tiểu khu 357(khu rừng do hộ ông Thành quản lý) thuộc thôn L, xã L, huyện B, tỉnh Bắc Kạn.
Để lấy được gốc cây thông qua ông Long Văn Đ, Nguyễn Chí N đến gặp Hà Văn H (sinh năm 1965 - trưởng thôn L) để bàn bạc cách vận chuyển gốc cây ra khỏi rừng. N thống nhất sẽ bỏ chi phí mở đường từ hội trường thôn L vào rừng của ông Mã Văn T để vận chuyển gốc cây ra. Sau khi lấy được gốc cây N có trách nhiệm sửa lại thành đường giao thông lâm nghiệp ô tô có thể đi lại được cho thôn L còn Hà Văn H có trách nhiệm vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng để N làm đường và báo cáo việc làm đường với ông Hoàng Văn T sinh năm 1951 (Bí thư chi bộ thôn L). Ngày 08/10/2015 và 11/10/2015 Hà Văn H tổ chức họp thôn xin ý kiến về việc hiến đất làm đường, thành phần tham gia có ông Hoàng Văn T và 33 hộ dân hưởng lợi từ việc làm đường này, kết quả họp các hộ thống nhất hiến đất để làm đường từ hội trường thôn L vào đến rừng của ông Mã Văn T tại khu C (nơi có gốc cây), các hộ có rừng trồng sản xuất hưởng lợi từ tuyến đường không phải chặt cây thì nộp 500.000 đồng/1ha để hỗ trợ đền bù đối với những cây gỗ rừng trồng, cây ăn quả của các hộ phải chặt bỏ.Khi mở đường qua rừng trồng của hộ nào thì hộ đó phải tự giải phóng mặt bằng; khi làm đường qua rừng tự nhiên, rừng phòng hộ thì các hộ dân phải tạo điều kiện cho đơn vị thi công làm đường, cây rừng tự nhiên không được đền bù. Tại cuộc họp ông Hoàng Văn T đề nghị: “Lập danh sách có ký kết của các hộ hiến đất và bồi thường gửi ra xã làm căn cứ, phải khảo sát xong mới được thi công”.
Thôn L đã thành lập tổ giám sát gồm 07 người (gồm Hà Văn H – Tổ trưởng, Hoàng Văn T, Vi Văn L, Nông Văn N, Long Văn Đ, Hoàng Thị M và Nông Thị T công dân trong thôn là thành viên) tổ giám sát có nhiệm vụ giám sát thi công và thống kê tài sản bị thiệt hại do làm đường (cây cối, hoa màu bị thiệt hại), nếu trong quá trình thi công gặp phải đá tại khu rừng sản xuất phải đi theo tuyến khác thì thông báo các hộ dân biết tạo điều kiện để giải phóng mặt bằng thi công mở đường. Sau khi họp thôn Hà Văn H có báo cáo với Hứa Phúc K - Phó Chủ tịch UBND xã L về việc thôn L đã họp thống nhất giải phóng mặt bằng, hiến đất để N mở đường vận chuyển gốc cây, sau khi lấy được gốc cây N sẽ sửa lại thành đường giao thông lâm nghiệp cho thôn L, Hứa Phúc K đồng ý.
Ngày 13/10/2015 Nguyễn Chí N và Hà Văn H lập bản cam kết làm đường giao thông lâm nghiệp trong đó nêu:“Ông Nguyễn Chí N đồng ý đầu tư, thi công làm 01 tuyến đường giao thông lâm nghiệp nối từ hội trường nhà họp thôn L đến đất rừng của hộ ông Mã Văn T trú tại thôn L, xã L, cụ thể là tại lô đất số 5, khoản 9, tiểu khu 357 theo bản đồ năm 1996 (bản đồ mới năm 2006 là lô 681, khoản 9, tiểu khu 357); Ông Hà Văn H – Trưởng thôn L có trách nhiệm vận động nhân dân tự giải phóng mặt bằng, phát tuyến giao thông và chịu trách nhiệm mọi vấn đề về an ninh trật tự trong suốt thời gian tiến hành thi công làm đường”. Cam kết làm đường được Hứa Phúc K – Phó Chủ tịch UBND xã L ký, xác nhận. Hứa Phúc K biết việc mở đường tại thôn L không được cơ quan chức năng cho phép, không thực hiện khảo sát, thiết kế, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, không được cơ quan có thẩm quyền thẩm định phê duyệt, không thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất để làm đường là vi phạm pháp luật.
Sau khi có cam kết làm đường Nguyễn Chí N đến nhà Trương Văn K1 sinh năm 1962, trú tại xóm B, xã C, huyện Pg, tỉnh Thái Nguyên đặt vấn đề thuê K1 mở đường vận chuyển gốc cây, K1 nhận lời và được Nghĩa đưa đến thôn L để xem xét cụ thể. Sau đó N và K1 về nhà N tại thành phố B làm hợp đồng. Tại đây N cho K1 xem giấy xác nhận khai thác tận thu gốc cây gỗ Kháo do UBND huyện B cấp, bản cam kết làm đường giữa N và H – Trưởng thôn L có xác nhận của Hứa Phúc K – Phó Chủ tịch UBND xã L. K1 và Nghĩa thỏa thuận giá trọn gói mở đường và vận chuyển gốc cây là 540 triệu đồng, Nghĩa soạn thảo hợp đồng làm đường rồi cùng với K1 chỉnh sửa, thống nhất nội dung sau đó N ra thuê đánh máy, in hợp đồng, khoảng 03 đến 04 ngày sau K1 đến nhà N ký hợp đồng, nội dung hợp đồng nêu:
“Ông Trương Văn K1 có trách nhiệm: Thi công trọn gói 01 tuyến đường lâm nghiệp từ hội trường nhà họp thôn L, xã L đến đất rừng hộ ông Mã Văn T, cụ thể là tại lô đất số 5, khoản 9, tiểu khu 357 theo tờ bản đồ năm 1996 (nay là lô 681, khoản 9, tiểu khu 357 theo bản đồ năm 2006) san ủi làm đường đến gốc cây Kháo Hương tại lô đất trên của hộ ông Mã Văn T; thi công tuyến đường theo đúng tuyến giao thông đã được giải phóng mặt bằng (có chỉ giới cắm cọc); chịu sự giám sát thi công của tổ quản lý và bảo vệ đường thôn do ông Hà Văn H - Trưởng thôn giám sát; vận chuyển 01 gốc cây Kháo Hương (tên địa phương Gù Hương) từ đất rừng của hộ ông Mã Văn T lô đất số 5, khoản 9, tiểu khu 357 theo bản đồ năm 1996 đến hội trường nhà họp thôn L, xã L và có trách nhiệm vận chuyển gốc cây lên xe ô tô và hỗ trợ ra đến Quốc lộ 3.
Ông Nguyễn Chí N có trách nhiệm: Đảm bảo giải phóng mặt bằng, phát tuyến giao thông thông suốt không để thi công bị gián đoạn; Đảm bảo về mặt luật pháp có liên quan đến vấn đề làm đường và vận chuyển gốc cây…”
Hợp đồng làm đường ghi ngày 21/10/2015, sau khi ký kết hợp đồng, N mang hợp đồng lên UBND xã L và Hứa Phúc K – Phó Chủ tịch UBND xã đã ký xác nhận hợp đồng, đóng dấu và đưa lại cho N, sau đó Nghĩa đưa cho K1 giữ 01 bản chính hợp đồng kèm theo 01 bản phô tô cam kết làm đường và 01 bản phô tô giấy xác nhận đăng ký khai thác gốc cây gỗ Kháo do UBND huyện B cấp.
Sau khi ký hợp đồng, K1 thuê Trần Văn S, sinh năm 1990, trú tại xã T, huyện P, tỉnh T đào mở đường với mức tiền công là 06 triệu đồng/1tháng (không có hợp đồng mà chỉ thỏa thuận miệng). Ngày 18/10/2015 bắt đầu khởi công làm đường, khoảng một tuần sau K1 đưa máy xúc đến làm đường. Đối với đoạn đường qua rừng trồng sản xuất của các hộ ông Vũ Duy H, Long Văn B, Long Văn Đ, Tô Văn H, Hà Văn T, Hà Văn L, Hà Văn H và Hà Văn D có tổng diện tích là 4.480,9m2, K1 chỉ đạo S cho máy đào mở đường theo tuyến đã được người dân thôn L giải phóng mặt bằng, đường đi qua đất rừng của hộ nào thì hộ đó tự chặt cây, tổ giám sát thi công tuyến đường vạch sơn làm mốc để đơn vị thi công mở đường. Đối với đoạn đường qua rừng tự nhiên sản xuất của các hộ: Hà Văn H, Hà Văn Đ, Mã Thị T và Vi Văn L có tổng diện tích 3.749,6m2 người dân thôn L không chặt cây giải phóng mặt bằng, tổ giám sát thi công của thôn L không giám sát thi công, không vạch sơn làm mốc cho đơn vị thi công mở đường, đoạn này ông Long Văn Đ phát một lối đi nhỏ rộng 01m dài 880,1m có diện tích là 880,1m2 để chỉ dẫn hướng tuyến, K1 chỉ đạo S đào mở đường theo hướng tuyến Đ chỉ dẫn. Đoạn đường qua rừng phòng hộ của các hộ dân: Vi Văn L, Hà Văn H, Long Văn P, Hoàng Văn Đ và Mã Văn T có tổng diện tích 4.757,1m2 K1 chỉ đạo ông S đào mở đường theo đường mòn cũ vào đến chân lô rừng của ông Mã Văn T, từ chân lô lên tới vị trí có gốc cây có nhiều đá không dùng máy đào được, K1 thuê Long Văn D, Hà Văn C, Hà Văn H cùng trú tại thôn L chặt cây, phát tuyến từ chân lô lên tới vị trí có gốc cây ngoài ra K1 thuê thêm Long Văn Đ, Hà Văn Đ cùng trú tại thôn L và những người tên V, tên H (người ở thành phố Hải Phòng) và tên T (ở tỉnh Thái Nguyên – K1 không biết địa chỉ cụ thể những người này) dùng Pa lăng xích tời, kéo gốc cây xuống chân lô. Sau khi kéo gốc cây xuống chân lô, S dùng máy xúc kéo gốc cây theo tuyến đường đã mở, đến ngày 05/02/2016 thì hoàn thành việc kéo gốc cây ra tới hội trường thôn L.
Khi bắt đầu mở đường ngày 18/10/2015, hồ sơ làm đường chỉ có biên bản họp thôn L thống nhất việc giải phóng mặt bằng để làm đường và bản cam kết làm đường giao thông lâm nghiệp giữa Nguyễn Chí N và Hà Văn H có chữ ký, xác nhận của Hứa Phúc K – Phó Chủ tịch UBND xã L. Ngày 17/12/2015 khi N cùng Hà Nguyên H và Nông Quyền A (đều là cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện B) đi kiểm tra đóng dấu búa kiểm lâm đối với gốc cây. Trên đường về Nghĩa có nói với Hà Nguyên H1 việc đang mở đường vào rừng của Mã Văn T để vận chuyển gốc cây, H1 không ngăn cản, không kiểm tra, xử lý và không báo cáo việc mở đường với lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện B biết.
Sau khi đi đóng dấu búa kiểm lâm đối với gốc cây về N gặp Hà Văn H trao đổi về việc xin phép làm đường, N viết đơn xin làm đường giao thông lâm nghiệp và cho H ký khi đó là giữa tháng 12/2015, tuyến đường đã thi công được khoảng 02 tháng tuy nhiên đơn xin làm đường lại lấy ngày 21/9/2015 (trước thời điểm khởi công mở đường tại thôn L ngày 18/10/2015) cho phù hợp về mặt thời gian. N và H mang đơn xin làm đường ra UBND xã L gặp Hứa Phúc K, đề nghị lập tờ trình xin làm đường để Nghĩa đi hỏi các thủ tục xin làm đường. Hứa Phúc K lập tờ trình số 71A/TTr - UBND về việc xin làm đường lâm nghiệp gửi UBND huyện B và phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nhưng không gửi tờ trình theo đường công văn mà K đưa tờ trình cho Nguyễn Chí N. Tờ trình được lập giữa tháng 12 năm 2015 nhưng lại lấy ngày 25/09/2015, chèn số công văn để hợp lý về thời gian xin phép trước khi mở đường.
Nguyễn Chí N lên UBND huyện B gặp Lâm Văn S (sinh năm 1970 - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường kiêm Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện B), N đưa cho S xem đơn xin làm đường và tờ trình số 71A/TTr của UBND xã L và nói với S là đang thi công tuyến đường tại thôn L, xã L do người dân tự nguyện hiến đất, đề nghị S hướng dẫn các thủ tục làm đường.
Quá trình điều tra Lâm Văn S không thừa nhận được N đưa đơn xin làm đường và tờ trình số 71A/TTr nêu trên, không được hướng dẫn các thủ tục xin làm đường, cơ quan điều tra cũng không thu thập được tài liệu nào khác. S thừa nhận được N đề nghị hướng dẫn lập hồ sơ hiến đất để làm đường khi đó tuyến đường đã thi công. S bảo N làm giấy hiến tặng đất và chỉnh lý biến động đất đai theo văn bản số 797/UBND-KT ngày 12/11/2015 của UBND huyện B về việc cập nhật, chỉnh lý đất đai và hồ sơ địa chính, sau đó S chỉ đạo Nông Đức T - Cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện B phô tô cho N văn bản 797/UBND - KT và mẫu giấy hiến tặng đất. Nghĩa nhờ S giúp đo đạc chỉnh lý biến động đất đai đối với tuyến đường, S bảo T nếu bố trí được thời gian thì đo chỉnh lý biến động đất giúp N, T nhận lời và liên hệ với Triệu Đức L - Cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Bắc Kạn đề nghị L cùng đo đạc tuyến đường giúp N, L nhận lời đo vào cuối tuần liền đó.
Sau khi được S hướng dẫn, N mang mẫu giấy hiến tặng đất về đưa cho Hà Văn H về xin chữ ký của các hộ dân có đất tuyến đường đi qua, rồi đưa lại cho N. Việc đo đạc chỉnh lý đất do Triệu Đức L và Nông Đức T thực hiện, Đinh Văn T và Hà Văn H là người cùng đi để chỉ ranh giới đất của các hộ mà tuyến đường đi qua. Khi đo đạc thì tuyến đường đã được mở vào rừng phòng hộ tuy nhiên các thành phần tham gia chỉ đo những diện tích tuyến đường qua rừng sản xuất, còn diện tích đường qua rừng phòng hộ thì không đo. Sau khi đo xong L vẽ bản đồ tuyến đường, lập sổ mục kê đất tuyến đường đi qua và đưa cho N, N phô tô cho H một bản. Lâm Văn S không báo cáo việc mở đường tại thôn L với UBND huyện B.
Ngày 20/02/2016, Nguyễn Chí N thuê Nguyễn Tiến N, sinh năm 1992 trú tại xã C, huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên điều khiển xe ô tô BKS 20C - 07880 vận chuyển gốc cây từ thôn L, xã L về thành phố B, khi đang vận chuyển đến thôn K, xã H, huyện B thì bị Đội Kiểm lâm cơ động số 1 – Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn kiểm tra và tạm giữ. Qua giám định xác định gốc cây đó là gỗ Gù Hương, nhóm IIA; khối lượng cân được 12.860kg quy đổi bằng 12,86m3 gỗ tròn.
Ngày 30/03/2016 Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường đối với tuyến đường mở trái phép tại thôn L, xã L, huyện B. Kết quả xác định: Tuyến đường có chiều dài là 3.903,62m gây hủy hoại 8.230,5m2 rừng sản xuất (gồm 4.480,9m2 rừng trồng, 3.749,6m2 rừng tự nhiên) và 4.757,1m2 rừng phòng hộ (đã trừ diện tích không bị tác động gồm: 207,5m2 qua bãi đá, 597,71m2 qua dông cũ, 845m2 qua đường mòn cũ rộng 01m), quá trình khám nghiệm hiện trường không xác định được khối lượng lâm sản bị thiệt do việc mở đường.
Kết quả điều tra, đủ căn cứ xác định việc mở đường tại thôn L, xã L là trái phép do không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, mở đường không có hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt vi phạm Khoản 1, Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 (Trước khi khởi công xây dựng công trình, Chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này…), Điểm c, Khoản 1, Điều 107 Luật Xây dựng năm 2014 (Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt và được chủ đầu tư kiểm tra, xác nhận trên bản vẽ). Mở đường qua đất quy hoạch là đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ nhưng không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ việc làm đường vi phạm Khoản 2, Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 (Nghiêm cấm vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố), Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai năm 2013 (Đối với dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ có diện tích dưới 20 héc ta, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh).
Tại bản cáo trạng số 24/CT – VKS – P1 ngày 24 tháng 11 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã quyết định truy tố các bị cáo Nguyễn Chí N, Hứa Phúc K, Hà Văn H và Trương Văn K1 về tội “Hủy hoại rừng theo quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015.
Điều luật có nội dung:
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
…
b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2).
Tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Chí N khai nhận: Sau khi mua được gốc cây Gù Hương của ông Mã Văn T bị cáo đã gặp bị cáo H là trưởng thôn L để nhờ bị cáo H vận người dân hiến đất làm đường vận chuyển gốc cây ra khỏi khu rừng. Sau khi có được bản cam kết làm đường bị cáo đã thuê bị cáo Trương Văn K1 dùng máy xúc để mở đường. Sau khi làm đường được một thời gian Trương Văn K1 có nói với bị cáo là thủ tục làm đường chưa đầy đủ và bảo bị cáo đi làm thêm các thủ tục, giấy tờ cần thiết. Mặc dù việc mở đường chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng do thời hạn tận thu gốc cây sắp hết nên bị cáo vẫn cho tiến hành làm đường. Khi sự việc bị phát hiện cơ quan điều tra lấy lời khai bị cáo biết hành vi của mình là sai vi phạm pháp luật, do nhận thức hạn chế bị cáo thấy chính quyền địa phương ký xác nhận và các hộ dân đã tình nguyện hiến đất thì không cần làm thủ tục gì thêm. Mong Hội đồng xét xử xem xét.
Bị cáo Hà Văn H khai: Bị cáo có tổ chức họp thôn để vận động người dân hiến đất làm đường nhưng không phải vì vụ lợi cá nhân mà bị cáo thấy việc làm đường phục vụ lợi ích cho nhân dân trong thôn. Bị cáo là người trực tiếp ký vào bản cam kết làm đường, mặc dù lúc đó đã phát hiện ra sai sót là biên bản họp thôn chỉ thống nhất làm đường qua rừng sản xuất đến hộ nhà ông Hà Văn D, ngay lúc đó bị cáo có nói với bị cáo N nhưng sau đó không sửa lại bản cam kết vì nghĩ không có ảnh hưởng gì nên bị cáo đã ký và trình lên ủy ban xã L xác nhận.
Bị cáo Hứa Phúc K khai: Tại thời điểm đó bị cáo giữ chức vụ là phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã L được giao phụ trách mảng nông, lâm nghiệp. Khi bị cáo H đưa bị cáo N đến xin xác nhận vào Bản cam kết làm đường giữa H và N, cũng như xác nhận vào Hợp đồng làm đường giữa N và K1, do không nắm bắt được các quy định của pháp luật về việc mở đường lâm nghiệp và cho rằng việc mở đường là có lợi cho dân lại có vốn đầu tư của cá nhân nên bị cáo đã ký xác nhận và đóng dấu của UBND xã L vào các tài liệu trên, tạo điều kiện cho các bị cáo N và K1 thực hiện việc mở đường trái phép. Bị cáo Hứa Phúc K thừa nhận hành vi của mình là sai và vi phạm pháp luật, mong Hội đồng xét xử xem xét.
Bị cáo Trương Văn K1 khai: Bị cáo được N thuê múc đất mở đường đoạn đường từ Hội trường nhà họp thôn L đến khu rừng có gốc cây Gù Hương với giá 540.000.000đ (Năm trăm bốn mươi triệu đồng) có hợp đồng với nội dung N phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, phát tuyến giao thông thông suốt, đảm bảo về mặt pháp luật có liên quan đến việc làm đường và vận chuyển gốc cây. Theo hợp đồng bị cáo chỉ việc thi công làm đường theo sự chỉ dẫn của tổ giám sát trong thôn, bị cáo không biết việc mở đường trên là vi phạm pháp luật. Đến ngày 17/12/2015 khi cán bộ kiểm lâm đi đóng dấu búa thì bị cáo mới nghe nói việc mở đường trên chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép là vi phạm pháp luật, bị cáo đã báo cáo lại với N để N đi chạy giấy tờ, thủ tục theo quy định. Tuy nhiên do thời hạn tận thu gốc cây sắp hết nên bị cáo vẫn cho tiến hành làm đường và không kiểm tra xem N đã có đủ giấy tờ hay không. Bị cáo K1 thừa nhận hành vi của mình là sai và vi phạm pháp luật, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn phát biểu quan điểm: Hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại khoản 1 Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015. Vì vậy Viện kiểm sát giữ nguyên cáo trạng truy tố đối với các bị cáo Nguyễn Chí N, Hà Văn H, Hứa Phúc K, Trương Văn K1 đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và áp dụng Điều 65 BLHS 2015 xử phạt:
- Bị cáo Nguyễn Chí N từ 15 đến 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách nhân đôi;
- Bị cáo Hứa Phúc K từ 12 đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách nhân đôi;
- Bị cáo Hà Văn H từ 12 đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách nhân đôi;
- Bị cáo Trương Văn K1 từ 12 đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách nhân đôi;
Về trách nhiệm dân sự: Đại diện ủy ban nhân dân huyện đề nghị xử lý theo pháp luật tuy nhiên không xác định được thiệt hại về vật chất nên không có cơ sở để yêu cầu các bị cáo bồi thường. Do vậy đề nghị không xem xét trách nhiệm dân sự.
Ý kiến của người bào chữa cho bị cáo Hà Văn H (Bà Nông Thị C): nhất trí với quan điểm truy tố của đại diện viện kiểm sát tuy nhiên mức án đối với bị cáo H đại diện Viện kiểm sát đề nghị là nặng. Bởi lẽ, bị cáo H ký cam kết là vì lợi ích của nhân dân trong thôn bị cáo không được hưởng lợi ích gì bị cáo cũng đã có trao đổi với bí thư chi bộ thôn và tổ chức họp thôn xin ý kiến sau đó trình lên ủy ban xã xin xác nhận. Bị cáo không biết quy trình mở đường khi lên xã xin xác nhận cũng không có ai hướng dẫn đề nghị xử lý đối với lãnh đạo xã và áp dụng các điểm s, v, khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 59 BLHS 2015 miễn hình phạt đối với bị cáo H.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng: Cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều và tại phiên tòa, bị cáo, người bào chữa cho bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng cũng như những người tiến hành tố tụng. Do vậy, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đều hợp pháp.
[2] Về hành vi của các bị cáo: Tại phiên tòa các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, như vậy có đủ cơ sở kết luận: Khoảng tháng 10 năm 2015 Nguyễn Chí N mua gốc cây Gù Hương tại khu rừng C, thuộc thôn L, xã L, huyện B, tỉnh Bắc Kạn với Mã Văn T. Để vận chuyển gốc cây Gù Hương ra khỏi khu rừng trên, Nguyễn Chí N đến gặp Hà Văn H (trưởng thôn L) bàn bạc nhờ H vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở đường từ hội trường thôn L tới rừng của Mã Văn T. Sau đó, N và H đến gặp Hứa Phúc K (Phó Chủ tịch UBND xã L) để xin xác nhận việc mở đường. Khởi nhất trí, xác nhận vào bản cam kết về việc mở đường. Có được bản cam kết mở đường N đến nhà Trương Văn K1 đặt vấn đề thuê K1 mở đường vận chuyển gốc cây. K1 đồng ý, hai bên soạn thảo hợp đồng với giá là 540.000.000đ (năm trăm bốn mươi triệu đồng). Thời gian thi công tuyến đường từ ngày 18/10/2015 đến ngày 05/02/2016. Ngày 20/02/2016, Nguyễn Chí N thuê xe ô tô BKS 20C - 07880 vận chuyển gốc cây từ thôn L, xã L về thành phố B, khi đang vận chuyển đến thôn K, xã H, huyện B thì bị Đội Kiểm lâm cơ động số 1 - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn kiểm tra và tạm giữ. Qua giám định xác định gốc cây đó là gỗ Gù Hương, nhóm IIA; khối lượng cân được 12.860kg quy đổi bằng 12,86m3 gỗ tròn.
Quá trình điều tra phát hiện việc mở đường từ Hội trường thôn L đến khu rừng của ông Mã Văn T với mục đích vận chuyển gốc cây ra khỏi rừng là trái phép. Do mở đường không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, mở đường không có hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt vi phạm các quy định của pháp luật cụ thể:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 “Trước khi khởi công xây dựng công trình, Chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này…”; Điểm c, Khoản 1, Điều 107 Luật Xây dựng năm 2014 “Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt và được chủ đầu tư kiểm tra, xác nhận trên bản vẽ”;
Mở đường qua đất quy hoạch là đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ nhưng không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ việc làm đường vi phạm Khoản 2, Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 “Nghiêm cấm vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố”; Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai năm 2013 “Đối với dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ có diện tích dưới 20 héc ta, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”
Đoạn đường được mở trái phép từ Hội trường thôn L đến khu rừng có gốc cây Gù Hương có tổng chiều dài là 3.903,62m gây hậu quả hủy hoại 8.230,5m2 rừng sản xuất (bao gồm 4.480,9m2 rừng trồng + 3.749,6m2 rừng tự nhiên) và 4.757,1m2 rừng phòng hộ. Với diện tích rừng bị hủy hoại như trênViện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã truy tố các bị cáo Nguyễn Chí N, Hứa Phúc K, Hà Văn H, Trương Văn K1 về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Xét vai trò của từng bị cáo Nguyễn Chí N: Với mục đích vận chuyển gốc cây Gù Hương, bị cáo đã cùng với các bị cáo khác thực hiện hành vi mở đường để ô tô có thể vào đến khu rừng vận chuyển gốc cây. Dẫn đến hậu quả hủy hoại rừng, bị cáo cho rằng việc mở đường đã được nhân dân trong thôn hiến đất và được chính quyền địa phương đại diện là bị cáo Hứa Phúc K - phó chủ tịch xã L đóng dấu xác nhận nên không cần làm thủ tục cấp phép. Tuy nhiên, việc mở đường giao thông lâm nghiệp buộc phải tuân thủ các quy định của Luật xây dựng và Luật đất đai cụ thể là: phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, phải có hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt việc mở đường đi qua rừng phòng hộ phải được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, cấp phép. Ngày 18/10/2015 các bị cáo bắt đầu thi công mở đường đến ngày 17/12/2015 khi bị cáo N cùng với các cán bộ kiểm lâm đi đóng dấu búa gốc cây thì Trương Văn K1 đã phát hiện ra sai phạm và nói với N là phải xin cấp phép mới được mở đường. Mặc dù vậy N vẫn không đi xin cấp phép mà cho K1 tiếp tục làm đường vì thời hạn tận thu gốc cây sắp hết các bị cáo phải nhanh chóng hoàn thiện con đường để vận chuyển gốc cây ra. Như vậy đủ cơ sở khẳng định rằng bị cáo Nguyễn Chí N là người khởi xướng trong vụ án này, bị cáo biết việc mở đường là không đúng quy trình, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng vì lợi ích cá nhân nên bị cáo vẫn cho tiếp tục mở đường vận chuyển gốc cây.
Bị cáo Trương Văn K1: Là người thực hành, sau khi nhận hợp đồng với Nghĩa bị cáo đã phát hiện ra việc mở đường là trái với quy định nhưng bị cáo không ngăn cản mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.
Bị cáo Hà Văn H: Với vai trò là trưởng thôn L, bị cáo đã giúp sức cho bị cáo N thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo không xác định được đất rừng sản xuất và đất rừng phòng hộ nên đã ký vào bản cam kết mở đường để bị cáo N có thực hiện việc mở đường dẫn đến hủy hoại 8.230,5m2 rừng sản xuất và 4.757,1m2 rừng phòng hộ. Bị cáo còn là người trực tiếp tham gia vào tổ giám sát vạch sơn, kẻ tuyến cho máy xúc và mở đường. Hành vi của bị cáo cần được xử lý nghiêm minh bằng pháp luật hình sự.
Bị cáo Hứa Phúc K: Với cương vị là Phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã L được giao nhiệm vụ quản lý nông lâm nghiệp trên địa bàn xã đã thiếu trách nhiệm trong việc ký xác nhận vào bản cam kết mở đường hành vi của bị cáo giúp sức cho bị cáo N thực hiện hành vi hủy hoại rừng. Sau khi phát hiện việc mở đường là trái phép bị cáo một lần nữa ký vào tờ trình số 71A/TTr về việc xin làm đường lâm nghiệp và chèn số công văn để bị cáo N lên phòng tài nguyên môi trường huyện B làm thủ tục xin cấp phép mở đường. Bị cáo đã không làm đúng trách nhiệm của mình không gửi tờ trình theo đường công văn mà đưa trực tiếp cho bị cáo N sau đó bị cáo không quan tâm đến việc bị cáo N có đi là thủ tục và có được cấp phép hay không mà bỏ mặc hậu quả sảy ra.
Trong vụ án này mặc dù các bị cáo có bàn bạc với nhau nhưng chỉ là đồng phạm giản đơn. Bị cáo Nguyễn Chí N là người khởi xướng, có vai trò cao hơn các bị cáo khác nên cần phải xem xét khi lượng hình.
Hành vi của các bị cáo Nguyễn Chí N, Hứa Phúc K, Hà Văn H và Trương Văn K1 là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của tự nhiên, xâm phạm đến những quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự tại địa phương.
Xét nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ tăng nặng trách nhiệm hình sự thấy: Các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự.
Đối với bị cáo Nguyễn Chí N trong vụ án này có vai trò là người khởi xướng việc mở đường, trong giai đoạn điều tra, xét xử bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội tuy nhiên không ăn năn hối cải nên HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 “Người phạm tội thành khẩn khai báo”; bị cáo được Chính quyền tặng thưởng giấy khen 2015 và có bố đẻ là Nguyễn Văn N được Chủ tịch nước tặng Huy chương hạng nhì; Bị cáo là người trực tiếp thờ phụng liệt sĩ Đinh Văn H nên được hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.
Các bị cáo Hứa Phúc K, Hà Văn H thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; các bị cáo đều được Chính quyền tặng thưởng giấy khen nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s, v khoản 1 Điều 51 BLHS 2015; ngoài ra bị cáo Hà Văn H đã tự nguyện nộp số tiền 500.000đ tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Kạn để đảm bảo thi hành án, thể hiện ý thức chấp hành pháp luật là thái độ ăn năn nên được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015.
Bị cáo Trương Văn K1 thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và có bố đẻ là Trương Văn S được Chủ tịch nước tặng Huân chương khánh chiến hạng nhất do vậy được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s, khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS 2015; Các bị cáo Nguyễn Chí N, Hứa Phúc K, Hà Văn H và Trương Văn K1 không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Qua xem xét tính chất mức độ hành vi, nhân thân các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thấy các bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, sau khi phạm tội đã rất hối hận về hành vi của mình. Do vậy cho các bị cáo được hưởng án treo, cải tạo tại địa phương cũng điều kiện để giáo dục, cải tạo các bị cáo và thể hiện được tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam đối với các bị cáo biết ăn năn hối cải.
Về trách nhiệm dân sự:đối với yêu cầu bồi thường của UBND huyện Bạch Thông qua điều tra không xác định được giá trị tài sản thiệt hại cây cối do tang vật không thu hồi được nên không có cơ sở để tính bồi thường. Vì vậy, HĐXX không có căn cứ để xem xét.
Về xử lý vật chứng: Là các giấy tờ liên quan đến việc chứng minh tội phạm đã được lưu theo hồ sơ vụ án; Đối với gốc cây Gù Hương nhoám IIA, khối lượng 12,86m3 gỗ tròn Cơ quan điều tra đã giao cho Chi cục kiểm lâm thành phố Bắc Kạn quản lý và sẽ xử lý trong một vụ án khác.
Ngoài ra trong vụ án này còn có:
Đối với bà La Thị H – Phó chủ tịch UBND huyện B là người ký văn bản số 668/UBND-NN ngày 07/10/2015 xác nhận đăng ký khai thác gỗ tận thu cho ông Mã Văn T với chủng loại lâm sản là gốc cây gỗ Kháo, nhóm VI, khối lượng 3,38m3, ông Nông Quyền A là cán bộ Hạt kiểm lâm huyện B là người trực tiếp kiểm tra, đóng dấu búa gốc cây làm thủ tục cho Nguyễn Chí N khai thác. Liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân trên cơ quan điều tra đã tách ra để tiếp tục xử lý khi có đủ căn cứ.
Đối với ông Hoàng Văn T, bí thư chi bộ thôn L là người cùng ông H tham gia họp thôn với 33 hộ dân để bàn việc hiến đất làm đường, ông T cũng là tổ trưởng tổ giám sát cùng các hộ dân thôn L gồm: ông Vi Văn L, Nông Văn N, Long Văn Đ, Hoàng Thị M, Nông Thị T là thành viên giám sát thi công làm đường và thống kê tài sản bị thiệt hại do làm đường. Quá trình điều tra thấy không đủ yếu tố xử lý trách nhiệm đối với ông T.
- Đối với ông Bế Ngọc T - Chủ tịch UBND xã L biết việc mở đường vào đất rừng tại thôn L, xã L, huyện B không được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, nhưng không kiểm tra, xem xét, xử lý, không báo cáo UBND huyện B biết cho ý kiến chỉ đạo, để các đối tượng mở đường trái phép gây hủy hoại rừng tại thôn L, xã L, huyện B. Ông T làm không hết trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã. Qua điều tra thấy không đến mức phải xử lý hình sự đối với ông T, ngày 14/9/2018 UBND huyện B ra Quyết định số 2423/QĐ-UBND về việc thi hành kỷ luật ông Bế Ngọc T với hình thức Khiển trách.
- Đối với ông Hà Nguyên H1 – Cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã L.
Theo quy định tại điểm b, Mục 2, Điều 2, Quyết định số 83/2007/QĐ-BNN ngày 04/10/2007 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn về nhiệm vụ của Công chức kiểm lâm địa bàn cấp xã, ông H1 có trách nhiệm: “Phát hiện những vụ phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, buôn bán lâm sản, động vật rừng trái phép báo cáo kịp thời Hạt trưởng, Chủ tịch UBND xã ngăn chặn, xử lý kịp thời”. Ông H1 biết Nguyễn Chí N mở đường trái phép vào rừng của hộ ông Mã Văn T thuộc rừng phòng hộ để vận chuyển gốc cây nhưng không ngăn cản, không kiểm tra, xác minh cụ thể, không báo cáo Lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện B xin ý kiến để các đối tượng mở đường trái phép gây hủy hoại rừng. Kết thúc điều tra xác định ông H1 không làm hết chức trách, nhiệm vụ của cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, không đủ yêu tố xử lý trách nhiệm hình sự đối với ông H1. Ngày 30/05/2018 Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn ra Quyết định số 183/QĐ-CCKL về việc kỷ luật công chức đối với ông Hà Nguyên H1 với hình thức hạ bậc lương. Riêng đối với việc Hà Nguyên H1 thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, đóng dấu búa gốc cây làm thủ tục cho Nguyễn Chí N khai thác, cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục điều tra làm rõ.
- Đối với ông Đinh Văn T – Cán bộ địa chính xã L, ông Triệu La A – Phó ban lâm nghiệp xã L biết có việc mở đường tại thôn L không được phép của cơ quan có thẩm quyền nhưng không đề nghị UBND xã L ngăn cản. Kết quả điều tra không xác định được khối lượng, giá trị lâm sản Nhà nước bị thiệt hại do hành vi hủy hoại rừng của các bị can gây ra. Kết thúc điều tra xác định không đủ căn cứ để khởi tố hình sự đối với ông Thiết, ngày 05/10/2017 UBND huyện B ra Quyết định số 2587/QĐ-UBND thi hành kỷ luật đối với ông Đinh Văn T với hình thức Khiển trách.
- Đối với ông Nông Đức T – Cán bộ Văn Phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bạch Thông, ông Triệu Đức L cán bộ Văn Phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Bắc Kạn: ông T và ông L là người đo đạc chỉnh lý biến động đất đai tuyến đường giúp Nguyễn Chí N, khi ông T và ông L đo thì tuyến đường đã thi công, ông T và ông L không tham gia vào việc mở đường trái phép nên không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
- Đối với ông Lâm Văn S, phó trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện B, được hướng dẫn N làm giấy hiến tặng đất và chỉnh lý biến động đất đai đối với tuyến đường theo văn bản số: 797/UBND-KT ngày 12/11/2015 của UBND huyện B; chỉ đạo Nông Đức T và Triệu Đức L cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện đi cùng đo đạc đất. Tại phiên tòa sơ thẩm ông S khẳng định chức năng của phòng đăng ký quyền sử dụng đất chỉ đo và chỉnh lý biến động sau khi đường đã làm xong, không có chức năng cấp phép làm đường. Do vậy không có căn cứ để xử lý hình sự đối với ông S.
- Về các hộ dân có đất tuyến đường đi qua:
+ Đối với các hộ dân gồm: Vũ Hoàng K, Vũ Duy H, Long Văn B; Tô Văn H, Hà Văn T, Hà Văn L và Hà Văn D là các hộ có rừng trồng tuyến đường đi qua, các hộ đã tự chặt cây, phát tuyến để đơn vị thi công mở đường. Kết quả điều tra không có hộ dân nào chặt cây, phát tuyến với diện tích đến mức xử lý hình sự, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết nên không đề nghị xử lý.
+ Đối với các hộ dân gồm Hà Văn Đ; Mã Thị T; Long Văn P; Hoàng Văn Đ và Mã Văn T có rừng tự nhiên sản xuất, rừng phòng hộ tuyến đường đi qua nhưng không tham gia chặt cây phát tuyến để mở đường nên không đề nghị xử lý.
- Đối với ông Long Văn Đ là người phát tuyến, chỉ hướng cho ông Trương Văn K1 mở đường qua rừng tự nhiên sản xuất, tuy nhiên qua điều tra xác định diện tích rừng tự nhiên sản xuất bị hủy hoại do mở đường trái phép là 3.749,6m2 không đến mức xử lý bằng pháp luật hình sự nên không đề nghị xử lý.
- Đối với các thành viên tổ giám sát thi công tuyến đường: Quá trình điều tra xác định các ông Hoàng Văn T, ông Vi Văn L, ông Nông Văn N, ông Long Văn Đ, bà Hoàng Thị M và bà Nông Thị T thành viên tổ giám sát thi công tuyến đường của thôn L thay nhau giám sát việc mở đường trong phần diện tích rừng trồng sản xuất, không giám sát đối với đoạn đường qua rừng tự nhiên sản xuất và rừng phòng hộ do đó không đến mức xử lý bằng pháp luật hình sự nên không đề nghị xử lý.
- Đối với các ông Long Văn D, Hà Văn C và Hà Văn H là người được bị can Trương Văn K1 thuê chặt cây, phát tuyến để tời, kéo gốc cây từ vị trí khai thác xuống chân lô rừng của hộ ông Mã Văn T, kết quả điều tra xác định diện tích cây rừng ông D, ông C và ông H chặt phát là 1.927,5 m2 rừng phòng hộ. Hành vi của ông D, ông C và ông H không đến mức đến mức xử lý bằng pháp luật hình sự, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết nên không đề nghị xử lý.
- Về những người liên quan khác:
- Ông Trần Văn S, sinh năm 1990, trú tại xã T, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. Ông S được ông Khanh thuê lái máy xúc đào mở đường tại thôn L, xã L, quá trình đào mở đường ông S làm theo theo sự chỉ đạo của ông K1 và được ông K1 trả tiền công với mức 6 triệu đồng/1tháng. Bản thân ông S không biết việc mở đường tại thôn L, xã L là trái phép nên không xử lý hình sự với ông S là có căn cứ.
- Ông V, ông H và ông T là người được ông K1 thuê tời, kéo gốc cây từ vị trí khai thác xuống chân lô rừng của hộ ông Mã Văn T, Cơ quan CSĐT không xác định được địa chỉ ở đâu nên tiếp tục xác minh làm rõ, đề nghị xử lý sau.
- Đối với Nguyễn Tiến N1 - sinh năm 1992, trú tại xã C, huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên là người điều khiển xe ô tô BKS 20C – 07880 vận chuyển gốc cây từ thôn L về thành phố Bắc Kạn. quá trình điều tra xác định N1 chỉ là người được N thuê vận chuyển gốc cây, không tham gia vào việc mở đường nên không có cơ sở để xem xét xử lý đối với N1.
Về hình phạt bổ sung: Cần áp dụng hình phạt bổ sung với bị cáo Nguyễn Chí N số tiền 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng) vì bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với mục đích thu lợi nhuận từ việc khai thác, sử dụng gốc cây Gù Hương. Các bị cáo khác không có mục đích vụ lợi nên không áp dụng hình phạt bổ sung.
Về án phí: Các bị cáo Nguyễn Chí N, Hứa Phúc K, Trương Văn K1 phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Bị cáo Hà Văn H là hộ nghèo có đơn xin miễn án phí nên được miễn án phí hình sự sơ thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Chí N, Hứa Phúc K, Hà Văn H và Trương Văn K1 phạm tội “Hủy hoại rừng”.
- Áp dụng điểm b, c khoản 1 Điều 243; điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Chí N: 15 (mười lăm) tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 30 (ba mươi) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường Đ, thành phố B, tỉnh Bắc Kạn giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.
- Áp dụng điểm b, c khoản 1 Điều 243; điểm s, v khoản 1, Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015.
Xử phạt bị cáo Hứa Phúc K 12 (mười hai) tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 24 (hai mươi tư) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã L, huyện B, tỉnh Bắc Kạn giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.
- Áp dụng điểm b, c khoản 1 Điều 243; điểm s, v khoản 1, Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015.
Xử phạt bị cáo Hà Văn H 12 (mười hai) tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 24 (hai mươi tư) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã L, huyện B, tỉnh Bắc Kạn giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.
- Áp dụng điểm b, c khoản 1 Điều 243; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015.
Xử phạt bị cáo Trương Văn K1 12 (mười hai) tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 24 (hai mươi tư) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã C, huyện P, tỉnh Thái Nguyên giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.
Trường hợp các bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự năm 2010. “Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”.
* Về hình phạt bổ sung: Áp dụng khoản 4 Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015 phạt tiền bị cáo Nguyễn Chí N số tiền 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng) để nộp vào Ngân sách Nhà nước.
* Về xử lý vật chứng: Là các giấy tờ liên quan đến việc chứng minh tội phạm đã được lưu theo hồ sơ vụ án;
Đối với gốc cây Gù Hương nhóm IIA, khối lượng 12,86m3 gỗ tròn Cơ quan điều tra đã giao cho Chi cục kiểm lâm thành phố Bắc Kạn quản lý.
Trả lại cho bị cáo Hà Văn H số tiền 500.000đ (năm trăm nghìn đồng) bị cáo đã nộp theo biên lai số 3010 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Kạn.
* Về án phí: Các bị cáo Nguyễn Chí N, Hứa Phúc K, Trương Văn K mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
* Về quyền kháng cáo: Các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo trong 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được bản án sao hoặc niêm yết bản án.
Bản án 30/2018/HS-ST ngày 29/11/2018 về tội hủy hoại rừng
Số hiệu: | 30/2018/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Kạn |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 29/11/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về