Bản án 63/2007/HSST ngày 16/08/2017 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHONG THỔ, TỈNH LAI CHÂU

BẢN ÁN 63/2007/HSST NGÀY 16/08/2017 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Trong ngày 16 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 59/2017/ HSST ngày 25 tháng 7 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra  xử số: 57/2017/HSST ngày 03 tháng 8 năm 2017 đối với bị cáo:

Họ và tên: Chẻo C. S,  tên gọi khác: Không; Sinh năm 1963, tại xã, huyện P, tỉnh L;

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở bản S, xã D, huyện P, tỉnh  L;

Nghề nghiệp: làm ruộng;Trình độ học vấn: không biết chữ. Dân tộc: Dao; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không;

Con ông Chẻo Vần N (đã chết), và con bà Phàn M, sinh năm 1945, gia đình bị cáo có 02 anh, em bị cáo là con thứ nhất trong gia đình;

Bị cáo có vợ là Tẩn Lở M, sinh năm 1963; hiện làm ruộng ở bản S, xã D, huyện P, tỉnh L; và có 03 con, con lớn nhất sinh năm 1983; con  nhỏ nhất sinh năm 2000;

Tiền án: Không; Tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 29/5/2017. Hiện đang bị tạm giam tại nhà tạm giữ Công an huyện Phong Thổ cho đến nay. Bị cáo trích xuất có mặt tại phiên tòa.

Nời phiên dịch cho bị cáo: ông: Phùng Văn T, sinh năm 1988;

Trú tại: bản H, xã L, huyện P, tỉnh L (có mặt).

Nguyên đơn dân sự: Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu - Đại diện theo ủy quyền: ông: Nguyễn T. Đ- Phó Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ (có mặt).

Nời m chứng: Anh Lý Vần K; sinh năm 1981

Trú tại bản S, xã D, huyện P, tỉnh Lai Châu (vắng mặt không có lý do).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng giữa tháng 02 năm 2017, do không có đất làm nương Chẻo C. S, sinh năm 1963, trú tại bản S, xã D, huyện P, tỉnh Lai Châu một mình cầm theo một chiếc búa, cán bằng gỗ dài 75cm, phần lưỡi búa bằng kim loại chỗ rộng nhất 08 cm, chỗ dày nhất 03cm đi đến khu vực rừng Ma Quai Hồ thuộc bản San Cha, xã Dào San, huyện Phong Thổ để chặt hạ cây mục đích dọn quang lấy đất làm nương. Đến nơi Chẻo C. S dùng búa chặt hạ toàn bộ các cây ở đó đổ xuống đất, S chặt từ chân đồi lên đỉnh đồi. Chẻo C. S chặt hạ cây được khoảng 10 ngày thì ngày 08/3/2017 lực lượng kiểm lâm huyện Phong Thổ và Ủy ban nhân dân (UBND) xã D đi kiểm tra phát hiện sự việc, lập biên bản yêu cầu S không được chặt cây, đốt và giữ nguyên hiện trạng. Chẻo C. S chấp hành đồng thời đến UBND xã D trình báo, khai nhận toàn bộ sự việc.

Khu vực Chẻo C. S chặt hạ cây là rừng tự nhiên, trạng thái IIIA1 (TXP) là rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 27, khoảnh 2 lô 5, lô 10, khu rừng này được UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt dự án Chương trình thí điểm khoanh nuôi bảo vệ rừng phòng hộ  rất xung yếu  tại 21 xã biên giới tỉnh  Lai  Châu theo  Quyết  định số 1893/QĐ-UBND, ngày 20/12/2006 và được UBND huyện tổ chức phê duyệt giao cho ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ đã thực hiện chi trả dịch vụ bảo vệ, từ năm 2012 đến nay ban Quản lý rừng phòng hộ đã thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Qua công tác khám nghiệm, đo đếm xác định được khu vực rừng Chẻo C. S chặt cây làm nương thì toàn bộ các cây bị chặt hạ đứt rời gốc cây hoàn toàn không có khả năng sinh trưởng, diện tích rừng bị chặt phá là 8.5885m2, các cây rừng ở đó là cây gỗ hỗn loài tự nhiên, thiệt hại 100%, trong đó: cây có đường kính to nhất là 60cm, chiều cao vút ngọn là 41m, cây có đường kính nhỏ nhất 10cm, chiều cao vút ngọn 04m, diện tích chặt phá được lập làm 03 tiêu chuẩn để xác định mật độ cây vị chặt phá, kết quả xác định trên 100m2 có mật độ 10 cây, tổng số cây bị chặt phá là 858 cây.

Theo biên bản định giá tài sản trong số tố tụng hình sự của huyện Phong Thổ kết luận: thiệt hại về gỗ xẻ là 163.386.400đ (Một trăm sáu mươi ba triệu, ba trăm tám mươi sáu nghìn, bốn trăm đồng), thiệt hại về củi là 24.074.040đ (Hai mươi bốn triu, không trăm bảy mươi tư nghìn, không trăm bốn mươi đồng), thiệt hại về môi trường là 749.841.760đ (Bảy trăm bốn mươi chín triệu, tám trăm bốn mươi mốt nghìn, bảy trăm sáu mươi đồng). Tổng giá trị thiệt hại là 937.302.200đ (Chín trăm ba mươi bảy triệu, ba trăm linh hai nghìn, hai trăm đồng).

Đại diện nguyên đơn dân sự có lời trình bày khu vực rừng mà bị cáo chặt phá rừng phòng hộ mà nhà nước đã giao cho nguyên đơn quản lý, nguyên đơn đã kết hợp với cộng đồng dân cư ở bản tham gia bảo vệ rừng; hàng năm mỗi hộ gia đình trong bản đều được chi trả tiền bảo vệ rừng; Ban quản lý rừng đã cùng với cơ quan chức năng kiểm tra, đo đếm xác định người chặt phá cây rừng là bị cáo; các cây rừng bị chặt phá thiệt hại 100% không còn khả năng sinh trưởng tiếp, nay yêu cầu xử lý bị cáo theo quy định của pháp luật để răn đe cho người khác và phải bồi thường tổng trị giá thiệt hại theo hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Phong Thổ.

Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa hôm nay bị cáo Chẻo C. S khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng đã nêu là hoàn toàn đúng.

Bản cáo trạng số: 43/KSĐT-MTr, ngày 25/7/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã truy tố bị cáo Chẻo C. S về tội " Hủy hoại rừng" theo Điểm b khoản 3 điều 189 Bộ luật hình sự năm 1999.

Tại phiên tòa kiểm sát viên vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như toàn bộ nội dung bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử: áp dụng điểm b khoản 3, khoản 4 Điều 189; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết 41/2017/QH14, ngày 20/6/2017, Điểm e Khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo từ 03 năm đến 03 năm 06 tháng tù về tội hủy hoại rừng; không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo. Tịch thu một chiếc búa để tiêu hủy vì là công cụ, phương tiện phạm tội theo Điều 41 Bộ luật hình sự, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự. Áp dụng Điều 584,585,586,589 Bộ luật dân sự buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho Nguyên đơn dân sự Ban quản lý rừng phòng hộ số tiền 937.302.200đ (Chín chăm ba mươi bảy triệu, ba trăm linh hai nghìn, hai trăm đồng).

Bị cáo và Nguyên đơn dân sự nhất trí với bản cáo trạng và luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu truy tố và đề nghị kết tội hủy hoại rừng, hình phạt, trách nhiệm bồi thường và giải quyết vật chứng. Bị cáo và Nguyên đơn dân sự không có ý kiến tranh luận, riêng bị cáo đã thành khẩn khai báo nhận tội, thái độ ăn năn hối cải và nói lời sau cùng xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm về địa phương lao động trả tiền cho ban quản lý rừng phòng hộ.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Phong Thổ, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Thổ, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, nguyên đơn dân sự không có ý kiến khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa, kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác đều đề nghị xét xử vắng mặt. Xét việc người này vắng mặt không gây cản trở cho việc xét xử nên Hội đồng xét xử căn cứ Điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự tiến hành xét xử vắng mặt người này.

Lời khai của bị cáo tại phiên tòa hôm nay phù hợp với lời khai của bị cáo tại giai đoạn điều tra, truy tố, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ như: Biên bản kiểm tra của chi Cục kiểm lâm huyện P, đơn tự trình báo của bị cáo (bút bục số 02, 03), Biên bản khám nghiệm hiện trường (bút lục 04,05), Bản ảnh hiện trường (bút lục từ số 09 đến 18); Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu (bút lục 44); Bản kết luận định giá tài sản trong tố tụng (bút lục số 42,43); Người làm chứng là anh Lý Vần Khoa (bút lục từ số125 đến 128); Cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án: Do vậy có đủ cơ sở kết luận: khoảng 10 ngày vào giữa tháng 02 năm 2017, Chẻo C. S, sinh năm 1963, trú tại bản S, xã D, huyện P, tỉnh Lai Châu, đem theo búa đến khu vực rừng phòng hộ trạng thái IIIA1 tại tiểu khu 27, khoảnh 2, lô 5 và lô 10, thuộc bản S, xã D do ban Quản lý rừng phòng hộ huyện P quản lý và Ban quản lý rừng phòng hộ đã giao khoán lại toàn bộ cộng đồng dân cư của bản tham gia bảo vệ rừng để chặt đổ 100% cây gỗ hỗn loài với tổng diện tích rừng bị phá là 8.585m2, số cây bị chặt là 858 cây; gây tổng giá trị thiệt hại là 937.302.200đ (Chín trăm ba mươi bảy triệu, ba trăm linh hai nghìn, hai trăm đồng).

Hành vi dùng búa chặt đứt toàn bộ cây ở khu vực rừng trạng thái IIIA1 là rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ quản lý với bản ảnh hiện trường để lại hậu quả các cây đều bị đứt rời hẳn gốc nằm dưới đất, các cây đều không còn khả năng sinh trưởng là hành vi hủy hoại rừng. Hành vi hủy hoại rừng là hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường. Nhất là tài nguyên rừng-lá phổi của trái đất, ảnh hưởng trực tiếp đến khí hậu toàn cầu, bảo vệ rừng luôn đặt lên hàng đầu. Bản thân bị cáo đã trưởng thành, nhận thức được hành vi chặt cây rừng là hành vi bị phạm pháp luật nghiêm cấm, vì hàng năm gia đình bị cáo được tuyên truyền công tác bảo vệ rừng và đã nhận tiền bảo vệ rừng nhưng do lợi ích trước mắt lấy đất canh tác mà bị cáo thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp, không nhận thấy tác hại do hành vi của mình gây ra dẫn đến để mặc hậu quả các cây rừng bị chết hoàn toàn, thiệt hại 100%, căn cứ Thông tư 19/2007/TTLN- BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC tại điểm b, tiểu mục 3.6, mục 3 phần IV của thông tư quy định "Hủy hoại rừng phòng hộ..." là hủy hoại các loại rừng này với diện tích trên mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính. Mà Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 quy định Điều 20 khoản 5 điểm c mức tối đa xử phạt hành chính hành vi phá rừng đối với rừng phòng hộ là 3.000m2. Hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội "hủy hoại rừng", theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự năm 1999; cụ thể điều luật quy định: "Khoản 1: Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Khoản 2:................

Khoản 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hơp sau đây thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

b) "Hủy hoại rừng phòng hộ..."

Xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng; Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay bị cáo thành khẩn khai báo thể hiện ở các lời khai khác của bị cáo hoàn toàn khớp nhau là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo theo điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên hạn chế về nhận thức, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thêm cho bị cáo theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.

Xét nhân thân bị cáo tốt chưa có tiền án, tiền sự. Mặt khác, khi lượng hình cũng cần áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo Nghị quyết số: 41/2017/QH14, ngày 20/6/2017, tại điểm b khoản 1 Điều 2 hướng dẫn áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 về hình phạt nhẹ hơn cho người phạm tội. Như vậy đối chiếu điểm b khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự năm 1999 thì điểm c khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015 có khung hình phạt nhẹ hơn để cân nhắc, xem xét và áp dụng cho bị cáo theo điểm e khoản 2 điều 243 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể điều luật quy định: "Khoản 1: Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:.......

Khoản 2: phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba đến bảy năm:...

c) Rừng phòng hộ có diện tích từ trên 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);

Về trách nhiệm dân sự : Áp dụng điều 584, 585, 586, 589 Bộ luật dân sự buộc bị cáo phải bồi thường toàn bọ thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra là 937.302.200đ (Chín trăm ba mươi bảy triệu, ba trăm linh hai nghìn, hai trăm đồng) cho nguyên đơn dân sự (Nguyên đơn dân sự là Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ - Phong Thổ - Lai Châu).

Về hình phạt bổ sung: Xét điều kiện gia đình bị cáo làm ruộng không có thu nhập ổn định, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có đất canh tác, điều kiện nơi sinh sống vùng biên giới nghèo nên Hội đồng xét xử không áp dụnh hình phạt bổ sung đối với bị cáo theo khoản 4 Điều 189 Bộ luật hình sự năm 1999 và miễn án phí giá ngạch cho bị cáo theo điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự, Điều 76 bộ luật tố tụng hình sự: tịch thu một chiếc búa là công cụ phương tiện phạm tội cần tiêu hủy (chiếc búa có đặc điểm và hiện lưu giữ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện theo biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 26/7/2017 giữa Chi cục thi hành án dân sự huyện Phong Thổ và Công an huyện Phong Thổ).

Hội đồng xét xử thấy lời đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa về việc giải quyết vụ án là phù hợp với quy định của pháp luật cần chấp nhận.

Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

1/ Tuyên bố bị cáo Chẻo C. S phạm tội: “ Hủy hoại rừng” .

2/ Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự  năm 1999. Nghị quyết 41/2017/QH14; điểm e khoản 2 Điều 234 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Chẻo C. S 03 (Ba) năm tù.

Thời gian tù của bị cáo Chẻo C. S tính từ ngày bị bắt tạm giam, ngày 29/5/2017.

3/ Áp dụng Điều 584, 585, 586, 589, Bộ luật dân sự thuộc bị cáo Chẻo C.S phải bồi thường số tiền là: 937.302.200đ (Chín trăm ba mươi bảy triệu, ba trăm linh hai nghin, hai trăm đồng) cho nguyên đơn dân sự (Nguyên đơn dân sự là Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ; địa chỉ: Thị trấn Phong Thổ- Phong Thổ- Lai Châu).

4/ Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự: Tịch thu một chiếc búa (có đặc điểm và hiện đang lưu tại Chi cục thi hành án dân sự huyện theo biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 26/7/2017 giữa Chi cục thi hành án dân sự huyện Phong Thổ và Công an huyện Phong Thổ) để tiêu hủy.

5/ Áp dụng điều 99 bộ luật tố tụng hình sự, điểm a khoản 1 Điều 23, điểm 1 mục 1 Danh mục án phí, điểm đ khoản 2 Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 bị cáo Chẻo C. S phải nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và miễn án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch cho bị cáo.

Bị cáo, Nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Áp dụng điều 26 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014: Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điều 6, 7a,7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự sa đổi bổ sung năm 2014./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

825
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 63/2007/HSST ngày 16/08/2017 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:63/2007/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Phong Thổ - Lai Châu
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:16/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về