Bản án 30/2018/HSPT ngày 01/02/2018 về tội trộm cắp tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 30/2018/HSPT NGÀY 01/02/2018 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

Ngày 01/02/2018, tại trụ sở Toa an nhân dân tinh Đắk Lăk , tiến hành xét xư phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số  414/2017/HSPT ngay 27/11/2017 đôi vơi bị cáo Trần Thanh L về tội “Trộm cắp tài sản”. Do bị cáo Trần Thanh L kháng cáo đôi vơi bản án hình sự sơ thẩm số 62/2017/HSST ngày 17/10/2017 của Tòa án nhân dân huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk

Bị cáo có kháng cáo;

Họ và tên: Trần Thanh L; tên gọi khác: Không; sinh năm: 1992 tại tỉnh Đắk Lắk; hiện trú tại: Phường Đ, thị xã B, tỉnh Đắk Lắk; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; trình độ học vấn: 02/12; nghề nghiệp: Không; Con ông: Trần Xuân H - sinh năm 1964 và con bà Trần Thị X - sinh năm 1966, hiện trú tại: Phường Đ, thị xã B, tỉnh Đắk Lắk; tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 22/7/2016 đến ngày 14/12/2016 và thời gian bắt buộc chữa bệnh từ ngày 15/12/2016 đến ngày 30/03/2017. Ngày 24/5/2017 được Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư M’gar ra quyết định đình chỉ việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Ngày 24/5/2017 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cư M’gar ra quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự, phục hồi điều tra bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cho gia đình bảo lĩnh cho đến nay, có mặt.

- Người đại diện hợp pháp của bị cáo: Bà Trần Thị X, sinh năm 1966; Trú tại: Phường Đ, thị xã B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Lê Công T, Văn phòng luật sư Y – Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Người bị hại:

1. Bà Nguyễn Thị U - sinh năm 1983; Trú tại: Xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.

2. Ông Nguyễn Văn T1 - sinh năm 1953; Trú tại: Thị trấn Q, huyện C, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.

3. Bà Võ Thị Mỹ H1 –sinh năm 1973; Trú tại: Thị trấn Q, huyện C, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào ngày 21/7/2016, Trần Thanh L đã thực hiện 03 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn huyện K và huyện C, tỉnh Đắk Lắk, cụ thể:

Vụ thứ nhất: Khoảng 08 giờ ngày 21/7/2016, Trần Thanh L đi bộ đến nhà ông Nguyễn Thanh H2, trú tại: Xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk chơi. Khi đến nơi L thấy không có người ở nhà và nhìn thấy 01 xe mô tô biển kiểm soát 47M2 – 3827, nhãn hiệu YAMAHA để trong nhà, chìa khoá vẫn để ở xe. L nảy sinh ý định trộm cắp tài sản nên đến dắt xe mô tô này rồi điều khiển đi theo đường Tl 8 đến thị trấn Q, huyện C.

Vụ thứ hai: Khoảng 12 giờ 15 phút ngày 21/7/2016 Trần Thanh L điều khiển xe mô tô 47M2 – 3827 đi ngang qua quán bán tạp hoá của ông Nguyễn Văn T1, địa chỉ: thị trấn Q, huyện C nhìn thấy ông T1 đang nằm ngủ trên giường. Trần Thanh L dừng xe đi bộ vào quán lấy trộm 01 điện thoại di động hiệu Nokia 105 rồi tiếp tục đi về hướng Trung tâm thị trấn Q.

Vụ thứ ba: Khoảng 13 giờ 35 phút ngày 21/7/2016 Trần Thanh L điều khiển xe mô tô 47M2 – 3827 đi ngang qua đại lý cà phê M, địa chỉ: Thị trấn Q của bà Võ Thị Mỹ H1, sinh năm 1973. Trần Thanh L nhìn thấy bà H1 đang nằm ngủ trong phòng khách. Lúc này L nảy sinh ý định trộm cắp tài sản nên đi vào lục tìm tài sản và lấy được số tiền 80.000.000 đồng (Tám mươi triệu đồng).

Sau khi trộm cắp tài sản, Trần Thanh L điều khiển xe mô tô 47M2 – 3827 đi đến Đại lý mua bán xe máy TTP ở đường HV, thị trấn Q dùng số tiền trộm cắp được mua 01 xe mô tô biển kiểm soát 47L7 – 5654 với giá 4.800.000 đồng và để lại chiếc xe mô tô 47M2 – 3827.

L đi vào chợ Q mua 02 hoa tai Vàng, 02 nhẫn Vàng, 01 dây chuyền Bạc, 01 lắc tay bằng Bạc. L điều khiển xe mô tô 47L7 - 5654 lên thành phố B đến 01 cửa hàng điện thoại mua 04 điện thoại di động, rồi đến 01 đại lý mua bán xe máy (không xác định được địa điểm) mua 01 xe mô tô biển kiểm soát 47B1 – 858.26, nhãn hiệu VECSTAR và để lại xe mô tô 47L7 – 5654. Sau đó Trần Thanh L điều khiển xe mô tô 47B1 – 858.26 đi về nhà thì bị Cơ quan công an phát hiện, bắt giữ.

Tại bản Kết luận định giá tài sản số 59 ngày 26/8/2016 của Hội đồng định giá tài sản huyện C và bản Kết luận định giá tài sản ngày 09/9/2016 của Hội đồng định giá tài sản huyện K xác định: 01 điện thoại di động Nokia 105 có giá trị: 150.000 đồng (Một trăm năm mươi ngàn đồng), 01 xe mô tô biển kiểm soát 47M2– 3827, nhãn hiệu YAMAHA có giá: 8.500.000 đồng (Tám triệu năm trăm ngàn đồng).

Tại biên bản giám định tiền ngày 25/7/2016 của Ngân hàng Nông nghiệp và phát  triển Nông thôn chi nhánh huyện C  xác định:  Toàn  bộ  số tiền  thu giữ (51.350.000 đồng) là tiền thật, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.

Tại bản Kết luận giám định số 66 ngày 03/01/2017 của Phân viện khoa học hình sự Bộ công an tại thành phố H xác định: 01 nhẫn kim loại màu vàng có gắn viên hình chữ nhật màu đỏ, trọng lượng: 6,5970g (bao gồm phần đính viên) (ký hiệu M1), được niêm phong, gửi đến giám định có thành phần kim loại Vàng (Au): 35,5%, Bạc (Ag): 9,40%; 01 nhẫn kim loại màu vàng có gắn viên hình chữ nhật màu đỏ và 10 viên nhỏ màu trắng, trọng lượng: 9,6682g (bao gồm phần đính viên) (ký hiệu M2), được niêm phong, gửi đến giám định có thành phần kim loại Vàng (Au): 33,8%, Bạc (Ag): 9,78%; 01 hoa tai kim loại màu vàng có gắn 01 viên màu trắng và 01 viên màu xanh, trọng lượng: 0,3687g (bao gồm phần đính viên) (ký hiệu M3), được niêm phong, gửi đến giám định có thành phần kim loại Vàng (Au): 34,5%, Bạc (Ag): 13,9% (phần thân), Vàng (Au): 28,1%, Bạc (Ag): 16,7% (phần khoá); 01 sợi dây chuyền kim loại màu trắng (có mắt hình cầu và trụ tròn), trọng lượng: 19,7083 (ký hiệu M4), được niêm phong, gửi đến giám định không có thành phần kim loại Vàng (Au), Bạc (Ag); 01 sợi dây chuyền kim loại màu trắng, trọng lượng: 54,8718g (ký hiệu M5), được niêm phong, gửi đến giám định có thành phần kim loại Bạc (Ag): 93,6%, Vàng (Au): 0,19%; 01 lắc kim loại màu trắng, trọng lượng: 32,8899g (ký hiệu M6), được niêm phong, gửi đến giám định có thành phần kim loại Bạc (Ag): 94,0%, Vàng (Au): 0,14%.

Tại bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 92 ngày 18/11/2016 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực T kết luận: Trước, trong, sau khi gây án và hiện tại Trần Thanh L hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 62/2017/HSST ngày 17/10/2017 của Tòa án nhân dân huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Trần Thanh L phạm tội: “Trộm cắp tài sản”.

Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 138; Điều 44; điểm g khoản 1 Điều 48; điểm n, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 1999

Xử phạt bị cáo Trần Thanh L 02 (hai) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án. Được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 22/7/2016 đến ngày 14/12/2016 và thời gian bắt buộc chữa bệnh từ ngày 15/12/2016 đến ngày 30/3/2017.

Biện pháp tư pháp: Căn cứ các Điều 41; Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999, Điều 76 Bộ luật tố tụng tố tụng hình sự, Điều 584; Điều 585; Điều 586; Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015.

Buộc bị cáo Trần Thanh L tiếp tục bồi thường cho bà Võ Thị Mỹ H1 số tiền đã chiếm đoạt là 28.650.000 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo cho bị cáo và các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 30/10/2017, bị cáo Trần Thanh L kháng cáo bản án sơ thẩm xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Trần Thanh L giữ nguyên nội dung kháng cáo và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội mà bị cáo thực hiện đúng như nội dung bản cáo trạng và bản án hình sự sơ thẩm đã được tóm tắt nêu trên.

Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã đánh giá tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo và khẳng định bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Cư M’gar xét xử bị cáo Trần Thanh L về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự là đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Xét mức hình phạt 02 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt đối với bị cáo là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Bản án sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới. Vì vậy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự, tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thanh L – Giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt.

Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 138; điểm n, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự tuyên phạt bị cáo 02 (hai) năm tù, về tội “Trộm cắp tài sản” thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án. Được  khấu trừ thời gian tạm giữ,  tạm giam từ  ngày 22/7/2016  đến  ngày 14/12/2016  và thời gian bắt buộc chữa bệnh từ ngày 15/12/2016  đến  ngày 24/5/2017. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Người bào chữa cho bị cáo Trần Thanh L khẳng định Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo L về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, tuy nhiên gia đình bị cáo khó khăn về kinh tế, gia đình có công với cách mạng, đã khắc phục phần lớn thiệt hại cho người bị hại. Bị cáo bị tai nạn giao thông, nên bị hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi. Do đó bị cáo thường xuyên bỏ nhà đi và thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử xem xét miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo đồng ý với lời bào chữa của luật sư và không tranh luận, bào chữa gì thêm, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, luật sư, bị cáo, người đại diện cho bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm và những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Lời khai của bị cáo Trần Thanh L tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với lời khai của người bị hại và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở pháp lý để kết luận: Vào ngày 21/7/2016, Trần Thanh L đã lén lút thực hiện 03 vụ trộm cắp tài sản, cụ thể: Trộm cắp 01 xe mô tô biển kiểm soát 47M2 – 3827, nhãn hiệu YAMAHA tại huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Trộm cắp 01 điện thoại di động hiệu Nokia 105 và số tiền 80.000.000 đồng tại huyện C, tỉnh Đắk Lắk. Tổng giá trị tài sản bị cáo trộm cắp được là 88.650.000 đồng. Vì vậy, Tòa án nhân dân huyện Cư M’gar đã xét xử bị cáo về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[2]  Xét mức hình phạt 02 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Trần Thanh L là thoả đáng, tương xứng với tính chất mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo. Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, mặt khác còn làm mất trật tự, trị an tại địa phương, giá trị tài sản bị cáo trộm cắp lớn. Khi quyết định hình phạt tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới. Vì vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo – Giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt.

Người bào chữa cho bị cáo Trần Thanh L đã đưa ra các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nguyên nhân, điều kiện dẫn đến việc bị cáo hay bỏ nhà đi và thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo là không có căn cứ chấp nhận. Vì bị cáo Trần Thanh L không thuộc các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

[3]  Tuy nhiên về áp dụng hình phạt đối với bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm xác định thời gian bị cáo chấp hành Quyết định bắt buộc chữa bệnh số 01/KSĐT-HS ngày 14/12/2016 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk được khấu trừ vào thời gian chấp hành hình phạt là không đúng quy định tại  điều 44 BLHS năm 1999. Bởi lẽ:

Tại kết luận số 92/KLGĐTC, ngày 18/11/2016  của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực T đã kết luận: “1. Trước, trong sau khi gây án và hiện tại bị bệnh: Rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn do chấn thương sợ não (F07.8-ICD10).

2. kết luận về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi:

- Trước và trong sau khi gây án và hiện tại: Hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

- Duy trì uống thuốc chống loạn thần và thuốc điều hòa khí sắc hàng ngày.”

Tại công văn số 103/CV-PYTTKVTN 01/12/2016 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực T giải thích nội dung kết luận giám định như sau: “Bị can Trần Thanh L trước, trong, sau khi gây án và hiện tại: Hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Tại thời điểm giám định không cần thiết phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, chỉ duy trì uống thuốc chống loạn thần và thuốc điều hòa khí sắc hằng ngày...

Theo quy định tại Điều 311 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003:

1. Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 của Bộ luật hình sự thì tùy theo giai đoạn tố tụng, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y.

2. Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố, Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bện trong giai đoạn xét xử và thi hành án.

Như vậy, Trần Thanh L chỉ  bị hạn chế năng lực hành vi, không bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Vì vậy không thuộc trường hợp áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại khoản 1 Điều 13;  khoản 1 Điều 43

BLHS năm 1999 và Điều 311 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Nên không thuộc trường hợp được khấu trừ thời gian bắt buộc chữa bệnh vào thời gian chấp hành hình phạt theo quy định tại  điều 44 Bộ luật hình sự năm 1999.

Sau khi bị cáo Trần Thanh L kết thúc điều trị tại Bệnh viện tâm thần ĐN theo quyết định 01/KSĐT-HS ngày 14/12/2016 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư M’gar, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cư M’gar tiếp tục ban hành Quyết  định  trưng  cầu  giám định  pháp  y tâm thần  đối  với  Trần  Thanh  L số 71/TCGĐ,  ngày 27/3/2017, Trần Thanh L đã thực hiện quyết định từ  ngày 31/3/2017  đến ngày 24/5/2017 là không cần thiết, không phù hợp quy định của pháp luật.

Những thiếu sót trên của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư M’gar và của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cư M’gar cần được rút kinh nghiệm. Từ phân tích nhận định trên xác định việc Tòa án nhân dân huyện Cư M’gar khấu trừ thời gian bị cáo áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh vào thời gian chấp hành hình phạt đối với bị cáo không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Viện kiểm sát không kháng nghị, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không kháng cáo đối với bị cáo về vấn đề này. Bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo, người bào chữa cho bị cáo tại cấp phúc thẩm đề nghị Hội đồng xét xử miện trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ để sửa hình phạt theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Vì vậy, kiến nghị cấp Giám đốc thẩm kháng nghị hủy bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Cư M’gar và bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo Trần Thanh L là người hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường cho bà Võ Thị Mỹ H1 số tiền 28.650.000 đồng, mà không buộc người đại diện hợp pháp của bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho người bị hại là chưa phù hợp. Vì vậy, cần sửa bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự. Buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bà Võ Thị Mỹ H1 số tiền 28.650.000 đồng. Trường hợp bị cáo không có tài sản riêng để bồi thường thì người đại diện hợp pháp của bị cáo của bị cáo có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại.

Bản án hình sự sơ thẩm không áp dụng Điều 357 Bộ luật dân sự để tính lãi suất chậm trả đối với số tiền bị cáo phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho người bị hại là thiếu sót cần rút kinh nghiệm.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[7] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 355; Điều 356; Điều 345 Bộ luật tố tụng hình sự;

[1]  Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thanh L – Giữ nguyên bản án sơ hình sự thẩm về hình phạt, sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm số 62/2017/HSST ngày 17/10/2017 của Tòa án nhân dân huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk về phần trách nhiệm dân sự.

[2]  Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 138; Điều 44; điểm g khoản 1 Điều 48; điểm n, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 1999;

Xử phạt bị cáo Trần Thanh L 02 (hai) năm tù, về tội “Trộm cắp tài sản”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án. Được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 22/7/2016 đến ngày 14/12/2016 và thời gian bắt buộc chữa bệnh từ ngày 15/12/2016 đến ngày 30/3/2017.

[3] Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các điều 584; Điều 585; Điều 586; Điều 589 Bộ luật dân sự; khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999;Buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bà Võ Thị Mỹ H1 số tiền 28.650.000 đồng. Trường hợp bị cáo không có tài sản riêng để bồi thường thì người đại diện theo pháp luật của bị cáo là bà Trần Thị X có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại.

[2] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Trần Thanh L phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự phúc thẩm.

Áp dụng Điều 357 Bộ luật dân sự để tính lãi suất đối với số tiền chậm thi hành án, khi có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

361
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 30/2018/HSPT ngày 01/02/2018 về tội trộm cắp tài sản

Số hiệu:30/2018/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 01/02/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về