TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 301/2019/DS-PT NGÀY 12/11/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 12 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 264/2019/TLPT-DS ngày 14 tháng 10 năm 2019 về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 44/2019/DS-ST ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện U Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 245/2019/QĐ-PT ngày 24 tháng 10 năm 2019, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Chị Ngô Nguyễn Hiểu L1, sinh năm 1996 (có mặt). Nơi cư trú: Ấp T, xã L, huyện Đ, tỉnh B.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Phạm Đăng Khoa - Văn phòng luật sư Đăng Khoa thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bạc Liêu (có mặt).
- Bị đơn:
1. Ông Lê Văn D, sinh năm 1959 (có mặt).
2. Bà Nguyễn Kim L2 (Nguyễn Thị L2), sinh năm 1962.
Người đại diện hợp pháp của bà L2: Ông Lê Văn D, sinh năm 1959, theo văn bản ủy quyền ngày 26 tháng 6 năm 2018 của bà Nguyễn Kim L2.
Cùng cư trú: Ấp 1, xã N, huyện U, tỉnh C..
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Ngô Kim T2, sinh năm 1962 (có mặt). Nơi cư trú: Ấp T, xã L, huyện Đ, tỉnh B
2. Ông Lê Minh T1, sinh năm 1967 (xin vắng mặt). Nơi cư trú: Ấp 17, xã K, huyện U, tỉnh Cà Mau.
3. Bà Nguyễn Thị P (xin vắng mặt). Nơi cư trú: Khóm 4, thị trấn U, huyện U, tỉnh Cà Mau.
- Người kháng cáo: Ông Lê Văn D, bà Nguyễn Kim L2.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 03-4-2018 và các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ cũng như tại phiên tòa, nguyên đơn là chị Ngô Nguyễn Hiểu L1 trình bày:
Năm 1992, bà Ngô Kim T2 và ông Nguyễn Phước Lộc xác lập quan hệ hôn nhân, không có đăng ký kết hôn. Đến năm 1996, ông bà có người con chung là Ngô Nguyễn Hiểu L1. Ngày 08-4-2017, ông Nguyễn Phước Lộc chết để lại phần đất diện tích 14.300m2 (theo đo đạc thực tế 14.717,2m2) thuộc thửa số 189, tờ bản đồ số 1 (hiện nay thuộc thửa số 186 tờ bản đồ số 2), tọa lạc tại khóm 4, thị t, huyện U, tỉnh C. do ông Lộc đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng. Ông Lộc chết không có để lại di chúc. Hiện nay vợ chồng ông D và bà L2 (em gái ông Lộc) đang quản lý, sử dụng diện tích đất trên. Lúc sinh thời, ông Lộc chỉ có 01 người con là Ngô Nguyễn Hiểu L1 (do sinh khó nên lấy họ mẹ).
Chị L1 yêu cầu bà L2 và ông D trả lại diện tích đất 14.300m2; yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê quyền sử dụng đất giữa ông T1 với bị đơn và ông T1 tự di dời căn chòi trên đất; chị đồng ý cho chị P tiếp tục ở trên căn nhà tình thương, khi nào có điều kiện nơi ở khác thì di dời trả lại phần đất cho chị. Chị L1 đồng ý trích 30% giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản trên đất theo giá trị thẩm định cho phía bị đơn. Chị L1 không yêu cầu phân chia di sản mà chỉ yêu cầu ông D và bà L2 trả lại di sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để chị quản lý, sử dụng.
Bị đơn là ông Lê Văn D trình bày:
Ông D không biết giữa bà T2 và ông Lộc có xác lập quan hệ hôn nhân. Lúc sinh thời ông Lộc được UBND huyện U Minh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 20-3-2003, nguồn gốc đất là của cụ Nguyễn Thái Học chết để lại ông Lộc nhận thừa kế. Diện tích đất ông D và bà L2 đang quản lý và hiện nay vợ chồng ông cho anh Lê Minh T1 thuê.
Nay anh của bà L2 là ông Nguyễn Phước Lộc chết không để lại di chúc và không có người thừa kế nên bà L2 nhận thừa kế theo pháp luật diện tích đất 14.300m2. Trường hợp chị L1 là con của ông Lộc và bà T2 thì yêu cầu giải quyết di sản của ông Lộc theo quy định pháp luật.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
Bà Ngô Kim T2 trình bày: Bà và ông Lộc chung sống với nhau từ năm 1992, không có đăng ký kết hôn. Đến năm 1996, có con chung là Ngô Nguyễn Hiểu L1, đến khoảng năm 2004 thì bà và chị L1 về huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu sinh sống. Trong thời gian về chung sống tại khóm 4, thị trấn U Minh, huyện U Minh, ông Nguyễn Thái Học có cho phần đất diện tích 14.300m2. Nay ông Lộc chết, bà đồng ý con bà là chị L1 khởi kiện yêu cầu ông D và bà L2 giao lại di sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho chị L1 quản lý sử dụng, không yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế ông Lộc để lại.
Ông Lê Minh T1 trình bày: Trước khi ông Lộc chết, ông có canh tác phần đất của ông Lộc. Khi ông Lộc chết ông D và bà L2 cho ông thuê mỗi năm 12.000.000 đồng, có làm hợp đồng thuê. Tranh chấp giữa chị L1 với ông D và bà L2 không ảnh hưởng đến quyền lợi của ông nên không có ý kiến gì. Trường hợp buộc trả đất thì ông đồng ý di dời căn nhà tạm và tự thỏa thuận với ông D, bà L2 liên quan đến hợp đồng thuê đất. Ông T1 không yêu cầu gì khác trong vụ án này.
Bà Nguyễn Thị P trình bày: Năm 2014, bà P có làm hợp đồng mượn đất với ông Lộc để cất nhà, thời hạn 10 năm, đến nay chưa hết hạn hợp đồng. Nay bà yêu cầu được tiếp tục ở, trường hợp buộc phải di dời thì yêu cầu người nhận đất trả lại cho bà giá trị căn nhà 20.000.000 đồng.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 44/2019/DS-ST ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện U Minh quyết định:
Căn cứ khoản 5 Điều 26, Điều 157, Điều 165 và khoản 1 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự;
Áp dụng các Điều 609 và 650, 651 Bộ luật dân sự và Điều 203 Luật đất đai; Áp dụng Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Ngô Nguyễn Hiểu L1. Buộc ông Lê Văn D và bà Nguyễn Kim L2 (Nguyễn Thị L2) giao phần đất diện tích 14.300m2 (theo đo đạc thực tế 14.717,2m2) thuộc thửa số 189, tờ bản đồ số 1 (hiện nay thuộc thửa số 186 tờ bản đồ số 2), tọa lạc tại khóm 4, thị t, huyện U, tỉnh C. do ông Nguyễn Phước Lộc đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho chị Ngô Nguyễn Hiểu L1 là đại diện cho hàng thừa kế thứ nhất của ông Nguyễn Phước Lộc quản lý, sử dụng. Vị trí:
+ Phía Đông giáp đất ông Nguyễn Thanh Bình, cạnh dài 51,7m.
+ Phía Tây giáp lộ nhựa (GPMB), cạnh dài 24m.
+ Phía Nam giáp đất ông Đoàn Thanh Hà, cạnh dài 334,7m.
+ Phía Bắc giáp đất bà Huỳnh Thị Thúy, cạnh dài 290,3m.
(Có kèm theo bản đồ đo đạc thực tế diện tích đất ngày 29 tháng 8 năm 2018).
Buộc bà Ngô Kim T2 và chị Ngô Nguyễn Hiểu L1 cùng có nghĩa vụ trả cho ông Lê Văn D và bà Nguyễn Kim L2 số tiền 204.194.350 đồng (Hai trăm lẻ bốn triệu một trăm chín mươi bốn nghìn ba trăm năm mươi đồng).
Đối với khoản tiền phải thanh toán. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Buộc ông Lê Minh T1 có nghĩa vụ tự di dời căn nhà diện tích ngang 4m x dài 5m (Kết cấu khung sườn cây gỗ địa phương, vách lá, mái lợp lá + tol xi măng, nền ván).
- Ghi nhận sự tự nguyện của chị Ngô Nguyễn Hiểu L1 và bà Ngô Kim T2 về việc cho bà Nguyễn Thị P tiếp tục ở căn nhà tình thương đang tọa lạc trên phần đất.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 03/9/2019, ông D và bà L2 có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và bác đơn yêu cầu của nguyên đơn với lý do từ năm 2000 đến năm 2017 không thấy nguyên đơn đến thăm nom ông Lộc khi ông Lộc bị gãy chân và bị bệnh cho đến khi chết chứng tỏ nguyên đơn và gia đình không có quan hệ tình cảm; Tàng thư của Công an chỉnh sửa nhiều chữ viết không phù hợp, năm sinh của nguyên đơn không khớp; Bản sao giấy khai sinh do UBND xã Long Điền Đông phát hành trái với trình tự thủ tục quy định vì không có cán bộ hộ tịch ký và ngày trích lục theo hồ sơ lưu. Trên phần đất có căn nhà của cụ Nguyễn Thái Học dùng để thờ cúng và có 03 ngôi mộ nhưng bản án sơ thẩm lại buộc giao đất cho chị L1.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu quan điểm:
Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định.
Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự giữ nguyên bản án sơ thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông Lê Văn D và bà Nguyễn Kim L2.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của những người tham gia tố tụng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Xét nguồn gốc phần đất tranh chấp thấy rằng các đương sự đều thừa nhận phần đất là của cụ Nguyễn Thế Học (Thái Học) để lại cho ông Nguyễn Phước Lộc, ông Lộc đã được cấp quyền sử dụng đất ngày 20/3/2003 diện tích 14.300m2 (theo đo đạc thực tế 14.717,2m2). Sau khi ông Lộc chết thì phần đất này do vợ chồng em gái ông Lộc là bà L2 và ông D quản lý sử dụng. Ông D và bà L2 cho rằng không biết bà T2 và ông Lộc có chung sống với nhau, chị L1 không phải là con chung của bà T2 và ông Lộc nên không đồng ý giao lại di sản cho chị L1 quản lý. Qua xem xét hồ sơ đăng ký nhân khẩu thường trú do cơ quan Công an cung cấp thể hiện bà T2 có đơn yêu cầu xin nhập khẩu và được chấp thuận ngày 22/8/2000 (BL 182), điều đó chứng tỏ bà T2 có về cư trú tại thị trấn U Minh cùng với ông Lộc. Mặc dù ông Lộc và bà T2 không có đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật nhưng nếu chị L1 là con chung của ông bà thì chị L1 vẫn được quyền thừa kế di sản của ông Lộc để lại.
[2] Đối với việc bị đơn yêu cầu chị L1 chứng minh là con ruột của ông Lộc, do ông Lộc đã chết, phía bà L2 không hợp tác để giám định ADN nên Tòa án căn cứ vào các tài liệu như giấy khai sinh, học bạ, bản khai nhân khẩu của chị L1 để xem xét. Tại bản sao giấy khai sinh của chị L1 có thể hiện cha là Nguyễn Phước Lộc cư trú tại thị trấn U Minh, huyện U Minh, có xác nhận của Phó Chủ tịch UBND xã Long Điền Đông là ông Lê Văn Dô (BL 90A) và được đăng ký cấp lại giấy khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015, tài liệu bản sao giấy khai sinh của chị L1 thể hiện vào thời điểm năm 2004, trước thời điểm ông Lộc chết và trước thời điểm phát sinh tranh chấp, tài liệu này phù hợp với sổ học bạ chị L1 cung cấp họ tên cha là Nguyễn Phước Lộc. Ngoài ra, phía bà T2 là mẹ chị L1 còn cung cấp hình ảnh chị L1 chụp chung với cụ Học và ảnh cưới của bà T2 với ông Lộc. Như vậy, việc ông D cho rằng không biết chị L1 và bà T2 là không có căn cứ. Nếu ông D khẳng định không biết chị L1 và có ý kiến muốn tìm ra sự thật mối quan hệ của ông Học và chị L1 thì sẽ hợp tác để giám định AND nhưng trên thực tế ông D kiên quyết từ chối để chị L1 cùng bà L2 giám định AND. Từ cơ sở trên, có căn cứ xác định chị L1 là con của ông Lộc như án sơ thẩm nhận định.
[3] Xét ông D cho rằng từ năm 2000 đến năm 2017 là thời điểm ông Lộc bị gãy chân và bị bệnh cho đến lúc chết không thấy chị L1, bà T2 đến thăm ông Lộc, thời điểm cụ Học chết thì bà T2 và chị L1 không tham dự. Bà T2 cho rằng khi cụ Học bệnh thì bà có chăm sóc cho cụ Học, cụ Học chết thì người bưng lư hương cho cụ Học là chị L1 con của bà do chỉ có chị L1 là cháu nội duy nhất, sau khi ông Lộc chết thì phía ông D có báo cho người bà con của ông Lộc và bà L2 để báo cho bà biết nhưng bà về không kịp, vì ông Lộc chết là ngày hôm sau mai táng, khi bà và chị L1 về thì đã mai táng xong. Lời trình bày của hai bên đương sự chỉ là cơ sở để Hội đồng xét xử tham khảo và đối chiếu với các tài liệu khác để xem xét yêu cầu khởi kiện của chị L1.
[4] Đối với 03 căn nhà có trên phần đất tranh chấp, căn nhà của bà Nguyễn Thị P thì chị L1 đồng ý cho bà P tiếp tục ở, căn nhà của ông Lê Minh T1 thì ông T1 tự nguyện di dời nên Tòa án không xem xét; Riêng căn nhà của ông Lộc ở trước khi chết mà hiện nay ông D và bà L2 trình bày kháng cáo (BL 291) cho rằng sử dụng làm nơi thờ cúng ông bà nhưng tại phiên tòa sơ thẩm ông D trình bày căn nhà này không ai ở, tại phiên tòa phúc thẩm thì ông D trình bày ông có ý định sẽ về nhà này ở và dùng nhà để thờ cúng. Chị L1 có yêu cầu ông D, bà L2 giao phần đất và tài sản gắn liền với đất cho chị quản lý sử dụng (BL 252-253), mặc dù trong đơn khởi kiện chị không yêu cầu liên quan đến căn nhà nhưng giữa chị L1 và bà L2 đang tranh chấp ai là người được thừa kế di sản do ông Lộc để lại và ông D cũng có ý kiến nếu chị L1 là con của ông Lộc thì ông giao toàn bộ tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền đất cho chị L1 (BL 250). Do đó, mặc dù căn nhà xây dựng cho cụ Học nhưng trên đất của ông Lộc nên cần xem xét ai được nhận mới giải quyết toàn diện vụ án. Sau khi xét xử sơ thẩm thì ông D có kháng cáo liên quan đến căn nhà trên đất (BL 281), tại phiên tòa phúc thẩm ông D xác định nhà là của cụ Học yêu cầu Tòa án xem xét, do đó cần xem xét kháng cáo của ông D về căn nhà của cụ Học. Xét thấy, cụ Học đã chết, người thừa kế của cụ hiện đang tranh chấp trong vụ kiện này là bà L2 và chị L1, có căn cứ xác định chị L1 là con của ông Lộc nên chị L1 được nhận phần đất do ông Lộc để lại và ½ giá trị nhà của cụ Học, căn nhà trên đất được định giá là 59.699.730 đồng, chị L1 sẽ được nhận nhà và chị L1 phải có trách nhiệm giao lại ½ giá trị căn nhà cho bà L2 là 29.850.000 đồng.
[5] Bản chất vụ án là tranh chấp quyền thừa kế tài sản do ông Lộc để lại, bà L2 hay chị L1 là người có quyền nhận thừa kế. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xác định mối quan hệ tranh chấp là đòi lại di sản thừa kế là chưa chính xác, nhưng việc áp dụng các điều luật về quyền thừa kế để buộc ông D và bà L2 giao đất cho chị L1 là có cơ sở. Ngoài ra, bản án sơ thẩm có nhận định bà T2 là hàng thừa kế thứ nhất của ông Lộc là không đúng, bà T2 chung sống với ông Lộc thời gian ngắn, không đăng ký kết hôn nên không có cơ sở chấp nhận bà T2 là vợ hợp pháp của ông Lộc. Do bà T2 thống nhất cùng với chị L1 giao trả lại số tiền 204.194.350 đồng cho ông D và bà L2 nên ghi nhận ý kiến của bà T2.
[6] Từ những phân tích trên, xét quan điểm của đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm là chưa phù hợp, cần chấp nhận một phần kháng cáo của ông D và bà L2, sửa bản án sơ thẩm.
[7] Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên ông D và bà L2 không phải chịu án phí phúc thẩm, đã dự nộp án phí phúc thẩm được nhận lại.
[8] Những quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Lê Văn D và bà Nguyễn Kim L2. Sửa bản án sơ thẩm số 44/2019/DS-ST ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện U Minh.
Áp dụng các Điều 609 và 650, 651 Bộ luật dân sự; Áp dụng Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Ngô Nguyễn Hiểu L1. Buộc ông Lê Văn D và bà Nguyễn Kim L2 (Nguyễn Thị L2) giao phần đất diện tích 14.300m2 (theo đo đạc thực tế 14.717,2m2) thuộc thửa số 189, tờ bản đồ số 1 (hiện nay thuộc thửa số 186 tờ bản đồ số 2) và căn nhà của cụ Nguyễn Thái Học (Thế Học) có trên phần đất, tọa lạc tại khóm 4, thị t, huyện U, tỉnh C. do ông Nguyễn Phước Lộc đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho chị Ngô Nguyễn Hiểu L1. Vị trí:
+ Phía Đông giáp đất ông Nguyễn Thanh Bình, cạnh dài 51,7m.
+ Phía Tây giáp lộ nhựa (GPMB), cạnh dài 24m.
+ Phía Nam giáp đất ông Đoàn Thanh Hà, cạnh dài 334,7m.
+ Phía Bắc giáp đất bà Huỳnh Thị Thúy, cạnh dài 290,3m. (Có kèm theo bản đồ đo đạc thực tế).
Buộc bà Ngô Kim T2 và chị Ngô Nguyễn Hiểu L1 cùng có nghĩa vụ trả cho ông Lê Văn D và bà Nguyễn Kim L2 số tiền 204.194.350 đồng (Hai trăm lẻ bốn triệu một trăm chín mươi bốn nghìn ba trăm năm mươi đồng).
Buộc chị Ngô Nguyễn Hiểu L1 có nghĩa vụ trả cho bà Nguyễn Kim L2 số tiền 29.850.000 đồng.
Ông Lê Văn D và bà Nguyễn Kim L2 phải chịu chi phí đo đạc 3.123.000 đồng (Ba triệu một trăm hai mươi ba nghìn đồng) và chi phí định giá 4.400.000 đồng (Bốn triệu bốn trăm nghìn đồng). Chị Ngô Nguyễn Hiểu L1 đã nộp xong, ông D và bà L2 có nghĩa vụ trả lại cho chị L1 khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Buộc ông Lê Minh T1 có nghĩa vụ tự di dời căn nhà diện tích ngang 4m x dài 5m (Kết cấu khung sườn cây gỗ địa phương, vách lá, mái lợp lá + tol xi măng, nền ván).
Ghi nhận sự tự nguyện của chị Ngô Nguyễn Hiểu L1 và bà Ngô Kim T2 về việc cho bà Nguyễn Thị P tiếp tục ở căn nhà tình thương đang tọa lạc trên phần đất.
Án phí dân sự sơ thẩm:
Chị Ngô Nguyễn Hiểu L1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 11.702.218 đồng. Ngày 17 tháng 5 năm 2018, chị L1 (bà T2 nộp thay) đã dự nộp án phí 10.700.000 đồng tại biên lai số 0011969 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, đối trừ chị L1 phải nộp tiếp 1.002.218 đồng.
Ông Lê Văn D và bà Nguyễn Kim L2 phải chịu án phí 21.864.139 đồng (chưa nộp).
Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Lê Văn D và bà Nguyễn Kim L2 không phải chịu, ông D và bà L2 đã dự nộp theo biên lai thu số 0004567 và 0004568 cùng ngày 05/9/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện U Minh được nhận lại.
Các quyết định khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 301/2019/DS-PT ngày 12/11/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản
Số hiệu: | 301/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cà Mau |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 12/11/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về