Bản án 28/2019/HS-ST ngày 12/11/2019 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN B, TỈNH BẮC KẠN

BẢN ÁN 28/2019/HS-ST NGÀY 12/11/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 12/11/2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bắc Kạn, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 28/2019/TLST-HS, ngày 04 tháng 10 năm 2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 29/2018/QĐXXST-HS ngày 28 tháng 10 năm 2019 đối với bị cáo:

Đng Văn T, sinh ngày: 11/8/1961; tại huyện B, tỉnh Bắc Kạn. Nơi ĐKHKTT và nơi ở hiện nay: Thôn C, xã CT, huyện B, tỉnh Bắc Kạn; nghề nghiệp: Trồng trọt; Trình độ văn hoá: mù chữ; dân tộc: Dao; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đặng Văn Nh và bà Đặng Thị Th; Vợ: Đặng Thị Th và có 05 con; Nhân thân: Tốt; Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

Bị hại: Đng Văn D, sinh ngày 15/3/1977; Nơi cư trú: Thôn C, xã CT, huyện B, tỉnh Bắc Kạn. Có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo: Nông Thị Chiên - Trợ giúp viên Pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn. Có mặt.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Ông Đinh Xuân Diệu - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn. Có mặt.

* Người phiên dịch: Ông Triệu Văn Ph. Có mặt. Trú tại: Thôn N, xã Th, huyện B, tỉnh Bắc Kạn.

* Những người làm chứng:

- Ông Đặng Văn Ph; sinh năm 1975. Có mặt.

- Anh Hù Văn D, sinh năm 1989. Có mặt.

- Anh Đặng Văn Nh, sinh năm 1988. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khong 17 giờ ngày 09/5/2019, bị cáo Đặng Văn T đi làm ruộng mạ về qua đoạn đường gần nhà ông Đặng Văn Ph thì gặp Đặng Văn Dg đi ngược chiều. Khi đi ngang qua nhau, cách nhau khoảng 02 mét, bị cáo nhổ nước bọt phát thành tiếng nên D quay lại về phía bị cáo thì bị cáo dùng chiếc xẻng mang theo đi làm vụt về phía D, D quay mặt tránh thì lưỡi xẻng trúng vào vùng trán bên trái làm trán D bị chảy máu, cán xẻng bị gẫy thành 04 đoạn. Sau đó, bị cáo Đặng Văn T tiếp tục dùng tay đánh vào vùng mặt D và vật D xuống đường, giữ tay Dũng. Khi thấy ông Đặng Văn Ph đi ra, bị cáo bỏ tay D, nhặt lấy chiếc xẻng và đi về nhà, D được mọi người đưa đi điều trị vết thương tại Trung tâm y tế huyện B, đến ngày 13/5/2019 thì được đưa đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Nguyên nhân xảy ra sự việc là trước đó khoảng một tháng giữa bị cáo và bị hại có xảy ra xô sát với nhau và bị hại có cắn vào tay bị cáo Đặng Văn T (sự việc này cả hai bên đều thừa nhận), do bực tức vì bị D cắn nên bị cáo mới có hành động dùng xẻng đánh anh D gây thương tích.

Sau khi sự việc xảy ra, Đặng Văn D đã làm đơn trình báo sự việc bị Đặng Văn T dùng xẻng đánh vào vùng đầu gây thương tích và yêu cầu cơ quan công an xử lý hành vi của T theo quy định của pháp luật. Sau khi tiếp nhận đơn trình báo, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B đã tiến hành thụ lý và ra quyết định trưng cầu Phòng pháp y Sở y tế tỉnh Bắc Kạn giám định tỷ lệ thương tật của Đặng Văn D.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 99/TgT ngày 26/6/2019 của Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh Bắc Kạn kết luận: Đặng Văn D bị tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 2 % (Hai phần trăm).

Về trách nhiệm dân sự: Bị hại Đặng Văn D yêu cầu bị cáo Đặng Văn T phải bồi thường thiệt hại tất cả các khoản với tổng số tiền là 23.255.000đ (Hai mươi ba triệu hai trăm năm mươi lăm nghìn đồng).

Vật chứng liên quan đến vụ án: gồm 01 lưỡi xẻng kích thước 30 cm x 20 cm; 03 đoạn gỗ là cán của chiếc xẻng bị gãy rời, trong đó: một đoạn có kích thước 17 cm x 09 cm, trên thân có dính vết màu nâu nghi là máu (đã khô); một đoạn có kích thước 33 cm x 10 cm; một đoạn có kích thước 26 cm x 10 cm. Những vật chứng trên cơ quan điều tra đã tiến hành tạm giữ và bảo quản theo quy định của pháp luật.

Trước cơ quan điều tra và tại phiên tòa bị cáo Đặng Văn T đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng đã nêu.

Bản Cáo trạng số: 27/CT-VKSBB ngày 03/10/2019, Viện kiểm sát nhân dân huyện B đã truy tố bị cáo Đặng Văn T về: “Tội cố ý gây thương tích”, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện B duy trì quyền công tố tại phiên tòa giữ nguyên quan điểm truy tố về tội danh, điều luật áp dụng đối với bị cáo Đặng Văn T theo cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố bị cáo Đặng Văn T phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134; Điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 và Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đề nghị xử phạt bị cáo Đặng Văn T từ 09 (Chín) tháng tù đến 12 (Mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là từ 18 (Mười tám) đến 24 (Hai mươi tư) tháng.

Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa bị hại Đặng Văn D yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại tất cả các khoản với tổng số tiền là 23.255.000đ (Hai mươi ba triệu hai trăm năm mươi lăm nghìn đồng) và bị cáo đồng ý bồi thường thiệt hại cho bị hại tất cả các khoản với tổng số tiền là 23.255.000đ (Hai mươi ba triệu hai trăm năm mươi lăm nghìn đồng). Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại giữa bị hại và bị cáo.

Về vật chứng: Căn cứ vào Điều 47 của Bộ luật Hình sự, Điều 106 của Bộ luật tố tụng Hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử tịch thu tiêu hủy những vật chứng sau: 01 lưỡi xẻng kích thước 30 cm x 20 cm; 03 đoạn gỗ là cán của chiếc xẻng đã bị gãy rời, trong đó: 01 đoạn có kích thước 17 cm x 09 cm, thân trên có dính vết màu nâu đỏ nghi là máu (đã khô); 01 đoạn có kích thước 33 cm x 10 cm; 01 đoạn có kích thước 26 cm x 10 cm.

Về án phí: Bị cáo Đặng Văn T thuộc hộ nghèo và có đơn xin miễn toàn bộ án phí nên đề nghị Hội đồng xét xử miễn án phí cho bị cáo theo quy định của pháp luật.

Trong phần tranh luận tại phiên tòa người bào chữa cho bị cáo đồng ý với tội danh và Điều luật mà Viện kiểm sát đã truy tố. Bị cáo có nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, bị cáo có 03 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là thành khẩn khai báo và bồi thường thiệt hại, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bị cáo có nơi cư trú ổn định rõ ràng nên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 134; Điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 và Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 xử phạt bị cáo Đặng Văn T 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trình bày: Bị cáo chỉ vì nguyên nhân mâu thuẫn nhỏ nhặt, vô cớ mà lại có hành vi dùng xẻng đánh anh D như vậy phạm tội có tính chất côn đồ, đối với số tiền 600.000đ (Sáu trăm nghìn đồng) bị cáo không đưa trực tiếp cho bị hại mà nộp tại Chi cục thi hành án Dân sự huyện B như vậy không phải là tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả nên đề nghị Hội đồng xét xử không coi đó là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 134 điểm i, s khoản 1 Điều 51; điểm d khoản 1 điều 52, Điều 38 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Đặng Văn T từ 01 đến 02 năm tù. Về trách nhiệm dân sự đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo và bị hại tại phiên tòa, cụ thể bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường cho bị hại các khoản như chi phí khám chữa bệnh, chi phí đi lại, ăn uống, người chăm sóc trong thời gian điều trị, thiệt hại về tinh thần, mất thu nhập…với tổng số tiền là 23.255.000đ (Hai mươi ba triệu hai trăm năm mươi lăm nghìn đồng).

Trong lời nói sau cùng bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và xin giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện B, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện B, Kiểm sát viên: Trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; quyết định tố tụng được ban hành đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử những người tham gia tố tụng không ai khiếu nại về quyết định, hành vi của Cơ quan, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về căn cứ định tội, định khung hình phạt: Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo Đặng Văn T đều thừa nhận: Vì có mâu thuẫn từ trước với Đặng Văn D, cụ thể là vào khoảng tháng 3/2019 âm lịch, trong lúc bị cáo và anh D uống rượu tại nhà anh Đặng Văn T là anh trai của D thì giữa bị cáo và anh D có xảy ra cãi nhau dẫn đến việc hai bên đã đánh nhau, anh D đã cắn vào tay trái của bị cáo. Do bực tức vì bị anh D cắn vào tay bị đau nên khoảng 17 giờ ngày 09 tháng 5 năm 2019, trên đường đi làm ruộng mạ về qua đoạn đường gần nhà ông Đặng Văn Ph ở thôn C, xã CT, huyện B, tỉnh Bắc Kạn, thì bị cáo gặp anh Đặng Văn D, bị cáo đã dùng chiếc xẻng, cụ thể là dùng lưỡi xẻng vụt về phía D, D quay mặt tránh thì lưỡi xẻng trúng vào vùng trán bên trái Đặng Văn D gây tổn thương sức khỏe là 2% (Hai phần trăm).

Mặc dù, thương tích mà bị cáo gây ra cho Đặng Văn D là 02% nhưng việc bị cáo dùng chiếc xẻng gây thương tích cho bị hại theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được xác định là “Hung khí nguy hiểm”. Mặt khác, bị hại Đặng Văn D có đơn yêu cầu xử lý bị cáo Đặng Văn T theo Điều 155 của Bộ luật tố tụng Hình sự. Hành vi của bị cáo thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội "Cố ý gây thương tích ", tội phạm và hình phạt quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Điều luật có nội dung:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;...” Bản thân bị cáo là người có đủ năng lực hành vi, trong khi có thể lựa chọn những hành vi xử sự khác để giải quyết mâu thuẫn, song bị cáo vẫn thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp, dùng xẻng để vụt vào trán Đặng Văn D. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại, những người làm chứng và phù hợp với thời gian, địa điểm xảy ra tội phạm. Như vậy, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận Đặng Văn T đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện B đã truy tố là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3] Về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với bị cáo:

- Về nhân thân: Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự.

- Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

- Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ đó là: Trong các giai đoạn tố tụng bị cáo đều "Thành khẩn khai báo" , bị cáo đã “Khắc phục hậu quả” “Phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hội đồng xét xử sẽ xem xét khi áp dụng hình phạt đối với bị cáo.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự “Phạm tội có tính chất côn đồ”, vì bị cáo đánh anh D xuất phát từ mâu thuẫn vô cớ, nhỏ nhặt là không có căn cứ, bởi lẽ nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo dùng xẻng gây thương tích cho bị hại là do trước đó hai bên đã xảy ra mâu thuẫn, bị hại đã cắn vào tay bị cáo, sự việc này bị cáo và bị hại đều thừa nhận là có thật, bị cáo khai tại phiên tòa là do bực tức từ việc bị anh D cắn trước đó nên mới dùng xẻng để đánh anh D chứ không phải do vô cớ và Hội đồng xét xử nhận thấy đây không phải là mâu thuẫn nhỏ nhặt. Ngoài ra, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo. Hội đồng xét xử thấy rằng trong quá trình điều tra bản thân bị cáo đã tự mình nộp tại Chi cục thi hành án Dân sự huyện B số tiền 600.000đ (Sáu trăm nghìn đồng) để khắc phục hậu quả, số tiền đó là của bị cáo do lao động mà có. Tuy rằng số tiền không lớn nhưng do gia đình bị cáo thuộc hộ nghèo (nghèo về thu nhập) thì đó là một sự cố gắng, như vậy thể hiện bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả nên việc xem xét cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự là có căn cứ.

Hành vi phạm tội của bị cáo gây ra là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm tới sức khoẻ của người khác - Là khách thể được pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ, thể hiện sự bất chấp kỷ cương, coi thường pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, phạm tội ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng, là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ văn hoá và hiểu biết hạn chế. Khi lượng hình được xem xét áp dụng hình phạt có sự khoan hồng của Nhà nước đối với đối tượng nhất thời phạm tội, không cần thiết áp dụng biện pháp phạt tù giam vẫn đảm bảo tính răn đe đối với bị cáo.

[4] Về trách nhiệm dân sự: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường các khoản gồm các khoản: Tiền viện phí: 139.000đ (Một trăm ba mươi chín nghìn đồng); Tin thuốc gồm: Tiền mua thuốc dưỡng não: 640.000đ (Sáu trăm bốn mươi nghìn đồng), Tiền truyền đạm: 530.000đ (Năm trăm ba mươi nghìn đồng), Tin thuốc giảm đau: 80.000đ (Tám mươi nghìn đồng),tổng cộng tiền thuốc là: 1.250.000đ (Một triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng); Chi phí đi lại: 06 lần hết 1.950.000đ (Một triệu chín trăm năm mươi nghìn đồng); Chi phí ăn uống tại bệnh viện 02 người/ngày là: 150.000đ (Một trăm năm mươi nghìn đồng). Tổng tiền ăn 11 ngày là 1.650.000đ (Một triệu sáu trăm năm mươi nghìn đồng); Thiệt hại do không thể lao động: 8.266.000đ (Tám triệu hai trăm sáu mươi sáu nghìn đồng); Thiệt hại về tinh thần:

10.000.000đ (Mười triệu đồng). Tổng số tiền bị hại yêu cầu bồi thường là 23.255.000đ (Hai mươi ba triệu hai trăm năm mươi lăm nghìn đồng). Ngoài ra, bị hại không yêu cầu bị cáo phải bồi thường khoản nào khác.

Tại phiên tòa bị cáo chấp nhận bồi thường cho bị hại toàn bộ số tiền trên. Xét thấy thỏa thuận của bị cáo và bị hại là phù hợp với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[5] Về vật chứng: Tch thu tiêu hủy những vật chứng sau:

+ 01 lưỡi xẻng kích thước 30 cm x 20 cm;

+ 03 đoạn gỗ là cán của chiếc xẻng đã bị gãy rời, trong đó: 01 đoạn có kích thước 17 cm x 09 cm, thân trên có dính vết màu nâu đỏ nghi là máu (đã khô); 01 đoạn có kích thước 33 cm x 10 cm; 01 đoạn có kích thước 26 cm x 10 cm.

(Tình trạng, số lượng vật chứng như biên bản giao nhận vật chứng ngày 03/10/2019 giữa Công an huyện B và Chi cục Thi hành án Dân sự huyện B) [6] Các vấn đề khác: Ngày 13 tháng 9 năm 2019, bị cáo Đặng Văn T đã nộp số tiền 600.000đ (Sáu trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số 03601 tại Chi cục Thi hành án Dân sự huyện B, tỉnh Bắc Kạn. Xét thấy đây là số tiền của bị cáo nộp để bồi thường khắc phục hậu quả cho bị cáo nên cần tạm giữ để thi hành án.

[7] Về án phí: Gia đình bị cáo thuộc diện hộ nghèo và có đơn xin miễn án phí. Do đó, Hội đồng xét xử xem xét miễn án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

[8] Về quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 134; Điều 47; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 584, 585, 586, 590 của Bộ luật Dân sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng Hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án và danh mục án phí, lệ phí Tòa án Ban hành kèm theo.

1 - Tuyên bố: Bị cáo Đặng Văn T phạm tội "Cố ý gây thương tích".

2 - Xử phạt bị cáo Đặng Văn T 12 (Mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 (Hai mươi tư) tháng. Thời hạn tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Đặng Văn T cho Uỷ ban nhân dân xã CT, huyện B, tỉnh Bắc Kạn giám sát giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo qui định tại Khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú trong phạm vi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện để làm thủ tục chuyển giao hồ sơ thi hành án treo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người được hưởng án treo đến cư trú để giám sát, giáo dục.

3 - Về trách nhiệm dân sự: Buc bị cáo Đặng Văn T phải bồi thường thiệt hại cho bị hại Đặng Văn D các khoản với tổng số tiền là 23.255.000đ (Hai mươi ba triệu hai trăm năm mươi lăm nghìn đồng).

Việc thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật Dân sự.

Tm giữ số tiền 600.000đ (Sáu trăm nghìn đồng) bị cáo đã nộp theo biên lai thu tiền số 03601 ngày 13/9/2019 tại Chi cục Thi hành án Dân sự huyện B, tỉnh Bắc Kạn để đảm bảo thi hành án.

4 - Về vật chứng vụ án: Tch thu tiêu hủy những vật chứng sau:

+ 01 lưỡi xẻng kích thước 30 cm x 20 cm;

+ 03 đoạn gỗ là cán của chiếc xẻng đã bị gãy rời, trong đó: 01 đoạn có kích thước 17 cm x 09 cm, thân trên có dính vết màu nâu đỏ nghi là máu (đã khô); 01 đoạn có kích thước 33 cm x 10 cm; 01 đoạn có kích thước 26 cm x 10 cm.

(Tình trạng, số lượng vật chứng như biên bản giao nhận vật chứng ngày 03/10/2019 giữa Công an huyện B và Chi cục Thi hành án dân sự huyện B)

5 - Về án phí: Miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm cho bị cáo Đặng Văn T.

6 - Về quyền kháng cáo: Án xử công khai sơ thẩm có mặt bị cáo, bị hại.

Báo cho biết có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6,7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

192
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 28/2019/HS-ST ngày 12/11/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:28/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ba Bể - Bắc Kạn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về