Bản án 28/2017/DS-PT ngày 31/10/2017 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 28/2017/DS-PT NGÀY 31/10/2017 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 31 tháng 10 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 23/2017/TLPT-DS ngày 04 tháng 10 năm 2017 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2017/DS-ST ngày 30 tháng 8 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1790/2017/QĐ-PT ngày 16 tháng 10 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Chị Phạm Thị A, nơi cư trú: Thôn X, xã Y, huyện T, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Bị đơn: Ông Phạm Hữu B, nơi cư trú: Thôn M, xã Y, huyện T, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn chị Phạm Thị A.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và bản tự khai nguyên đơn chị Phạm Thị T trình bày:

Khong 17 giờ 15 phút ngày 04 tháng 02 năm 2016, do mâu thuẫn từ việc máy cày của gia đình chị A đi vào đoạn đường nông thôn mới do ông Phạm Hữu B đứng ra vận động cùng một số hộ dân làm, ông B đã đến nhà chị chửi bới, chị có xin lỗi và nói sẽ làm lại đường nhưng ông B không đồng ý và xông vào đánh làm chị bị thương ở vùng miệng, lung lay răng, phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện T từ ngày 04/02/2016 đến ngày 07/02/2016. Trong thời gian chị nằm viện và điều trị tại nhà ông B không thăm hỏi và bồi thường cho chị, chị đã có đơn trình báo sự việc với Ủy ban nhân dân xã X. Quá trình giải quyết tại xã, ông B đồng ý bồi thường cho chị 9.000.000 đồng nhưng ông không thực hiện ngay, vì vậy chị không đồng ý hòa giải và từ chối giám định. Nay chị yêu cầu ông B phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến sức khỏe của chị tổng số tiền là 18.397.250 đồng, gồm các khoản sau:

Tiền thuốc thanh toán ở bênh viện: 543.250 đồng; tiền xe đưa đi cấp cứu và về: 450.000 đồng; tiền thuốc điều trị ngoại trú (thuốc bổ thần kinh): 1.604.000 đồng và mua tam thất, nhân sâm, táo tàu: 3.400.000 đồng; tiền trồng răng mới (2 chiếc):10.000.000 đồng; tiền thu nhập thực tế bị mất (03 ngày nằm viện x 150.000đ/1 ngày): 450.000 đồng; tiền công người chăm sóc (03 ngày x 150.000đ/1 ngày): 450.000 đồng; tiền công nghỉ việc điều trị ngoại trú (10 ngày x 150.000đ/1 ngày): 1.500.000 đồng.

Trong các bản tự khai, bị đơn ông Phạm Hữu B trình bày: Ngày 04 tháng 02 năm 2016, người nhà chị A điều khiển máy cày làm hỏng đoạn đường nông thôn mới mà ông và một số hộ dân đứng ra làm. Ông đến nhà chị A yêu cầu chị đưa máy cày về Ủy ban nhân dân xã giải quyết nhưng chị A không đồng ý và ngăn cản, nên hai bên xảy ra xô xát, cãi vã. Trong lúc hai bên giằng co, chị A bị ngã, chảy máu vùng miệng và phải đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện T. Quá trình giải quyết tại Công an xã, ông đồng ý bồi thường cho chị A 9.000.000 đồng để hòa giải tình cảm nhưng chị không chấp nhận. Nay chị A khởi kiện đến Tòa án yêu cầu ông phải bồi thường thiệt hại do đã xâm phạm đến sức khỏe là 18.397.250 đồng, ông chỉ đồng ý bồi thường các khoản tiền sau: Tiền thuốc thanh toán ở bệnh viện: 543.250 đồng; tiền xe đưa đi và về: 280.000 đồng; tiền thu nhập thực tế bị mất (03 ngày): 450.000 đồng; tiền công người chăm sóc (03 ngày): 450.000 đồng. Tổng số tiền bồi thường cho chị A là 1.723.250 đồng.

Với nội dung nêu trên tại Bản án sơ thẩm số 05/2017/DS-ST ngày 30 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng đã quyết định:

Căn cứ Điều 604, 605 và 609 Bộ luật Dân sự năm 2005;

Căn cứ khoản 6 Điều 26; Điều 35, Điều 147; Điều 266 và khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ tiểu mục 1.1, 1.2, 1.3 Mục 1 phần II Nghị quyết số: 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Phạm Thị A:

- Buộc ông Phạm Hữu B phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho chị Phạm Thị A số tiền là 3.343.250 đồng.

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị A đối với số tiền yêu cầu bồi thường tiền mua thuốc bổ điều trị ngoại trú 5.004.000 đồng.

- Tách yêu cầu của chị A về việc buộc ông B phải bồi thường tiền trồng răng mới là 10.000.000 đồng để giải quyết bằng vụ án khác.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, lãi suất do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán, quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 12 tháng 9 tháng 2017 nguyên đơn chị Phạm Thị A kháng cáo: Đề nghị Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại về tiền thuốc và tiền trồng răng của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn chị Phạm Thị A giữ nguyên nội dung kháng cáo, chị yêu cầu ông B phải bồi thường thiệt hại cho chị toàn bộ tiền thuốc và tiền trồng răng như yêu cầu tại đơn khởi kiện.

Bị đơn ông Phạm Hữu B không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị A, chỉ chấp nhận bồi thường cho chị A: Tiền thuốc thanh toán ở bệnh viện: 543.250 đồng; tiền xe đưa đi và về: 280.000 đồng; tiền thu nhập thực tế bị mất (03 ngày): 450.000 đồng; tiền công người chăm sóc (03 ngày): 450.000 đồng. Tổng số tiền bồi thường cho chị A là 1.723.250 đồng.

Đi diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử và Thư ký tuân theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; các đương sự được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình.

Về nội dung kháng cáo: Nguyên đơn đưa ra yêu cầu bồi thường tiền thuốc điều trị ngoại trú gồm thuốc bổ thần kinh; mua tam thất, nhân sâm, táo tàu nhưng không theo chỉ định của bác sỹ. Theo Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì không được coi là chi phí hợp lý nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Về yêu cầu bồi thường tiền trồng răng, chị A chưa trồng lại răng nên chưa có cơ sở giải quyết, Tòa án cấp sơ thẩm tách yêu cầu này để giải quyết bằng vụ án dân sự khác nếu nguyên đơn yêu cầu là đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của Viện Kiểm sát tại phiên tòa;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết: Đây là vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

[2]. Xét nội dung kháng cáo:

Chị A yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm với tổng số tiền là 18.397.250 đồng, trong đó có: Tiền thuốc thanh toán ở bệnh viện: 543.250 đồng; tiền thuốc điều trị ngoại trú (thuốc bổ thần kinh):1.604.000 đồng và tiền mua tam thất, nhân sâm, táo tàu: 3.400.000 đồng; tiền trồng răng mới (2 chiếc):10.000.000 đồng.

Xét về khoản tiền tiền thuốc thanh toán ở bệnh viện: Theo yêu cầu của nguyên đơn là 543.250 đồng, đây là khoản tiền mua thuốc theo chỉ định của bác sỹ, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn là có cơ sở.

Về khoản tiền mua thuốc điều trị ngoại trú: Theo yêu cầu của nguyên đơn là 5.004.000đ, bao gồm: Tiền mua thuốc bổ thần kinh, mua tam thất, nhân sâm, táo tàu. Tài liệu xác minh tại Bệnh viện cho thấy thương tích của chị A ở vùng răng, miệng; quá trình điều trị tại bệnh viện đã được điều trị kháng sinh, giảm đau; bác sĩ không chỉ định phải mua thuốc bổ và điều trị hỗ trợ thêm. Việc chị A mua các loại thuốc điều trị hỗ trợ trên không theo sự chỉ định của bác sĩ nên theo quy định tại Mục 1 phần II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì không được coi là chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn là có căn cứ.

Về khoản tiền trồng răng: Chị A bị ông B gây thương tích làm lung lay 02 răng số 31 và 32, chị yêu cầu ông B phải bồi thường 10.000.000 đồng tiền trồng răng. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm chị A trình bầy chị vẫn chưa đi trồng lại răng nên không có cơ sở giải quyết buộc ông B phải bồi thường khoản tiền này, Tòa án cấp sơ thẩm tách yêu cầu này để giải quyết bằng vụ án khác nếu nguyên đơn có yêu cầu là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Từ phân tích trên, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn chị Phạm Thị A.

[3]. Đối với quyết định của bản án sơ thẩm về tiền xe đưa đi cấp cứu; tiền thu nhập thực tế bị mất; tiền công người chăm sóc; tiền công nghỉ việc điều trị ngoại trú không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[4].Về án phí sơ thẩm và phúc thẩm:

Chị A khởi kiện và kháng cáo yêu cầu bồi thường về sức khỏe bị xâm phạm nên theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên chị A không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự phúc thẩm.

Ông B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với khoản tiền phải bồi thường cho chị A.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 604; Điều 605; Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2005;

Căn cứ Điều 147; Điều 148; khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 12; Điều 26; Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn chị Phạm Thị A.

Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Xử:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Phạm Thị A về tiền thuốc thanh toán ở bênh viện, buộc ông Phạm Hữu B phải bồi thường cho chị Phạm Thị A số tiền là 543.250 đồng (Năm trăm bốn mươi ba nghìn hai trăm năm mươi) đồng.

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị A đối với số tiền yêu cầu bồi thường tiền mua thuốc bổ điều trị ngoại trú 5.004.000 (năm triệu không trăm lẻ bốn nghìn) đồng.

- Tách yêu cầu của chị A về việc buộc ông B phải bồi thường trồng răng mới số tiền 10.000.000 (mười triệu) đồng để giải quyết bằng vụ án khác nếu đương sự có yêu cầu.

2. Về án phí:

- Chị Phạm Thị A được miễn án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm.

- Ông Phạm Hữu B phải nộp 300.000 (ba trăm nghìn) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

3. Quyết định của bản án sơ thẩm về các khoản bồi thường khác không có kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

579
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 28/2017/DS-PT ngày 31/10/2017 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Số hiệu:28/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 31/10/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về