TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
BẢN ÁN 27/2020/HNGĐ-PT NGÀY 03/09/2020 VỀ TRANH CHẤP HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Ngày 03 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 34/2020/TLPT-HNGĐ ngày 21-7-2020 về “Tranh chấp hôn nhân và gia đình”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 12/2020/HNGĐ-ST ngày 11/06/2020 của Tòa án nhân dân huyện Yên Phong bị kháng cáo, kháng nghị.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 32/2020/ ĐPT-HNGĐ ngày 18 tháng 8 năm 2020 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Chị Lương Thị T, sinh năm 1982 (có mặt). Địa chỉ: Thôn Đ, xã T, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Trần Nguyễn Duy T, Luật sư thuộc Văn Phòng Luật sư Trần P – Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ (có mặt).
- Bị đơn: Anh Trương Bá T1, sinh năm 1982 (có mặt). Địa chỉ: Thôn Đ, xã T, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ thì vụ án có nội dung như sau:
Nguyên đơn là chị Lương Thị T trình bày: Chị kết hôn với anh Trương Bá T1 ngày 11/11/2008 tại UBND xã T, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Trước khi kết hôn đôi bên có được tìm hiểu tự nguyện đăng ký kết hôn. Sau khi kết hôn chị về làm dâu gia đình anh T1, vợ chồng sống hòa thuận đến tháng 10/2018 thì phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân là do anh T1 có quan hệ bất chính với chị Nguyễn Huyền S, sinh năm 1973 tại thôn Đ, xã T, Yên Phong, Bắc Ninh. Sau đó chị đã khuyên bảo, anh T1 đã có bản cam kết chấm dứt việc quan hệ với chị S, xong anh vẫn không thay đổi còn nhắn tin tình cảm với chị S. Sau khi phát hiện việc anh T1 nhắn tin với chị S, chị nhắc nhở thì anh T1 đánh chị và đã bị Công an xã đã xử phạt hành chính về hành vi xâm phạm sức khỏe người khác vào cuối năm 2019 và đầu tháng 3/2020. Vợ chồng sống ly thân nhau từ năm 2018 và cắt đứt mọi quan hệ tình cảm từ năm 2019 đến nay. Nay chị xét thấy vợ chồng không thể chung sống với nhau được chị xin được ly hôn anh T1.
Về con chung: Vợ chồng có 02 con chung là cháu Trương Huyền T2, sinh ngày 19/8/2009, cháu Trương Thùy C, sinh ngày 04/3/2013. Hiện nay cả 2 cháu đang ở cùng chị và anh T1. Nay ly hôn chị xin được nuôi cả 02 cháu, không yêu cầu anh T1 phải góp phí tổn nuôi con, thu nhập trung bình của chị khoảng 24.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng/tháng nên có đủ khả năng nuôi con.
Về tài sản chung: Trong quá trình giải quyết vụ án, chị có yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng là định suất mua đất đối với phần đất dãn dân thuộc khu 5, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Nhưng sau đó chị có đơn xin rút toàn bộ yêu cầu chia tài và không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về công nợ: Không có, không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Bị đơn là anh Trương Bá T1 trình bày: Anh xác nhận lời trình bày của chị T về quan hệ hôn nhân là đúng. Sau khi kết hôn anh chị chung sống hòa thuận đến tháng 10/2018 thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân là do chị T nghi ngờ anh có quan hệ với người phụ nữ khác, thông qua tin nhắn điện thoại. Sau đó hai vợ chồng đã hòa giải, hòa thuận nhưng chị T thường xuyên nói bóng, gió và đập điện thoại của anh. Chị T cũng khước từ việc quan hệ vợ chồng với anh, dẫn đến ngày 25/12/2019 vợ chồng xô xát anh có tát chị T và chị T đã làm đơn đến Công an xã T. Công an xã đã xử phạt hành chính đối với anh. Xong anh xét thấy tình cảm vợ chồng vẫn còn nên anh không đồng ý ly hôn.
Về con chung: Vợ chồng có 2 con chung tên tuổi và ngày tháng năm sinh như chị T trình bày là hoàn toàn chính xác. Nếu phải ly hôn anh xin được nuôi cả 2 con chung, không yêu cầu chị T phải góp phí tổn nuôi con. Hiện tại anh đang làm nghề kinh doanh sơn tại thị trấn C, huyện Yên Phong thu nhập bình quân hàng tháng từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng/tháng, anh có thời gian đưa đón các cháu đi học và đủ điều kiện chăm sóc cháu trưởng thành, anh không đồng ý để chị T nuôi con bởi lẽ chị T đi làm xa lại phải thuê nhà trọ, việc thuê nhà trọ sẽ phức tạp về trị an cũng như việc đưa đón các con học hành và chăm sóc các cháu không thể bằng anh được. Hơn nữa, các cháu còn nhỏ, hiện 2 chị em cháu đang quấn quýt bên nhau, anh không muốn các cháu phải tách rời.
Nên anh tha thiết xin được tiếp tục nuỗi dưỡng cả 2 cháu và không yêu cầu chị T phải góp phí tổn nuôi con.
Về tài sản, công nợ, công sức: không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Từ những nội dung trên, bản án sơ thẩm đã căn cứ vào các Điều 26, 35, 143, 144, 145, 147, 217, 218, 219, 227, 235, 266 và 267 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 51, 56, 58, 81, 82 và 83 Luật hôn nhân gia đình. Nghị quyết số 326/2016/UBTV H14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án, xử:
Về quan hệ hôn nhân: Chị Lương Thị T được ly hôn anh Trương Bá T1.
Về con chung: Giao cháu Trương Huyền T2, sinh ngày 19/8/2009 và cháu Trương Thùy C, sinh ngày 04/3/2013 cho anh Trương Bá T1 tiếp tục nuôi dưỡng, phí tổn nuôi con không đặt ra giải quyết.
Về tài sản: Đình chỉ giải quyết yêu cầu của chị Lương Thị T về việc chia tài sản chung.
Về công nợ: Không xem xét giải quyết.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 25-6-2020, chị Lương Thị T kháng cáo một phần quyết định bản án sơ thẩm, chị đề nghị cấp phúc thẩm giao cả hai con chung cho chị trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng.
Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn là chị Lương Thị T giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo.
Bị đơn anh Trương Văn T1 không đồng ý với yêu cầu kháng cáo của chị T, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Trong phần tranh luận, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị T nêu quan điểm cho rằng bản án sơ thẩm nhận định chị T làm công ty từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối nên không có thời gian chăm sóc con là không phù hợp vì công ty nơi chị T làm việc có xác nhận thời gian chị T được nghỉ trưa, mặt khác điều kiện gia đình anh T1 bố bị bệnh hiểm ngh o giai đoạn cuối nên anh T1 còn phải giành thời gian chăm sóc bố nên không thể giành hết thời gian để chăm sóc con cái. Chị T thuê nơi ở phòng trọ chỉ 20m2 xong chỉ là tạm thời và chỗ thuê trọ của chị T cũng gần Trường học nơi các con chị T đang theo học nên đủ điều kiện đưa đón con đi học mà không bị xáo trộn, vì vậy Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị T đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giao anh T1 nuôi dưỡng một cháu, chị T nuôi dưỡng một cháu bé.
Chị T bổ sung đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận cho tôi ít nhất được nuôi dưỡng cháu bé là cháu Trương Thùy C.
Đối đáp với ý kiến chị T, anh T1 cho rằng bố anh sức khỏe đã được cải thiện không phải giai đoạn hiểm ngh o, chị T thuê nhà trọ nơi ở không đảm bảo an ninh, phòng trọ ở tầng 2 diện tích nhỏ nếu con anh ở cùng chị T sẽ không đảm bảo việc sinh hoạt và học tập của các cháu, mặt khác tại phiên tòa sơ thẩm các cháu đều có nguyện vọng ở với anh vì vậy anh không đồng ý với yêu cầu của chị T và luật sư T.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử từ lúc thụ lý đến lúc xét xử vụ án là đúng với quy định của pháp luật; Các đương sự đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Về đường lối giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị T, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét, kết quả tranh tụng tại phiên tòa:
[1] Về thủ tục tố tụng: Kháng cáo của chị T trong thời hạn luật định nên được Tòa án xem xét.
[2] Về quan hệ hôn nhân: Chị Lương Thị T kết hôn với và anh Trương Bá T1 kết hôn với nhau và có đăng ký kết hôn tại UBND xã T, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh ngày 11/11/2008. Trước khi kết hôn, anh chị đã được tự do tìm hiểu, không ai ép buộc ai và không bị ai ép buộc, việc đăng ký kết hôn thực hiện theo trình tự pháp luật quy định nên đây là hôn nhân hợp pháp.
[3] Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định mâu thuẫn vợ chồng giữa chị T, anh T1 đã đến mức trầm trọng, cuộc sống hôn nhân không tồn tại và quyết định cho chị T được ly hôn với anh T1. Sau khi án sơ thẩm tuyên, cả chị T và anh T1 không kháng cáo về quan hệ hôn nhân nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[4] Về con chung: Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định giao cả hai con chung của anh T1, chị T là cháu Trương Huyền T2, sinh ngày 19/8/2009 và cháu Trương Thùy C, sinh ngày 04/3/2013 cho anh T1 trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng, cấp dưỡng nuôi con không xem xét. Chị T kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm giao cả hai con chung cho chị trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng, cấp dưỡng nuôi con chị không yêu cầu. Lý do chị đưa ra là hiện tại gia đình anh T1 rất neo đơn, bố đẻ anh T1 bệnh nặng nên phải có người trực tiếp chăm sóc, vì vậy anh T1 không thể vừa chăm sóc con, vừa chăm sóc bố được. Ngoài ra anh T1 còn có hành vi “xâm hại sức khỏe thành viên gia đình” và đã bị cơ quan công an xử phạt về hành vi này.
[5] Xét yêu cầu kháng cáo của chị T thì thấy, chị T cho rằng anh T1 không có đủ điều kiện để vừa chăm sóc bố đẻ bị bệnh và vừa chăm sóc cả hai con chung, nhưng ngoài lời trình bày của mình ra, chị T không đưa ra được căn cứ chứng minh cho lời trình bày của mình. Chị T cho rằng anh T1 đã có hành vi “xâm hại sức khỏe thành viên gia đình” và hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm đối với chị. Tuy Cơ quan công an xã T, huyện Yên Phong đã xử phạt anh T1 về hành vi trên nhưng hành vi này không thuộc trường hợp hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên.
[6] Việc giao con chung cho ai trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng cũng phải bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con chung. Hiện tại cả anh T1 và chị T đều có thu nhập, đều có đủ điều kiện về kinh tế để chăm sóc con. Tuy nhiên, cả hai con chung hiện vẫn đang sinh sống cùng anh T1, còn chị T hiện tại chưa có nơi cư trú ổn định, phải đi thuê nhà trọ để ở, nơi ở không đảm bảo cho việc sinh hoạt, học tập của con trẻ. Ngoài việc chưa có chỗ ở ổn định, chị T xác nhận rằng chị nếu được trực tiếp chăm sóc cả hai con chung thì em trai chị sẽ ở cùng và giúp đỡ chị chăm sóc hai cháu, tuy nhiên việc ở cùng người khác giới không phải là bố mẹ các cháu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tâm sinh lý của trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé gái cần phải được bảo vệ, phòng tránh nguy cơ xâm hại. Vì vậy việc giao con chung cho chị T trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng sẽ không bảo đảm được về điều kiện sinh hoạt, cũng như môi trường phát triển tốt nhất cho hai cháu. Ngoài ra tại phiên tòa sơ thẩm, cả cháu T2 và cháu C đều có nguyện vọng được ở với anh T1. Vì vậy, căn cứ vào nguyện vọng của con chung, để bảo đảm điều kiện sinh hoạt và tránh xáo trộn cuộc sống của các cháu, Tòa án cấp sơ thẩm giao cả hai con chung cho anh T1 trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng là có căn cứ. Kháng cáo của chị Lương Thị T là không có cơ sở để chấp nhận, cần giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.
[7] Cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm đối với lỗi sau: Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định giao cả hai con chung cho anh T1 trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng. Tuy nhiên tại phần quyết định của bản án, cấp sơ thẩm đã không ghi nhận quyền và nghĩa vụ thăm nom con chung của người không trực tiếp nuôi con. Tuy không ảnh hưởng tới nội dung của vụ án nhưng cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
[8] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo của chị T không được chấp nhận nên chị T phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308; Điều 148 Bộ Luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTV H14 của UBTV H quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, quyết định:
Không chấp nhận kháng cáo của chị Lương Thị T. Giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm số 12/2020/HNGĐ-ST ngày 11 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Yên Phong.
Áp dụng các Điều 26, 35, 143, 144, 145, 147, 217, 218, 219, 227, 235, 266 và 267 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 51, 56, 58, 81, 82 và 83 Luật hôn nhân gia đình. Nghị quyết số 326/2016/UBTV H14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ uốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án, xử:
1. Về quan hệ hôn nhân: Chị Lương Thị T được ly hôn anh Trương Bá T1.
2. Về con chung: Giao cháu Trương Huyền T2, sinh ngày 19/8/2009 và cháu Trương Thùy C, sinh ngày 04/3/2013 cho anh Trương Bá T1 tiếp tục nuôi dưỡng, phí tổn nuôi con không đặt ra giải quyết. Chị Lương Thị T có quyền và nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được cản trở.
3. Về tài sản: Đình chỉ giải quyết yêu cầu của chị Lương Thị T về việc chia tài sản chung.
4. Về công nợ: Không xem xét giải quyết.
5. Về án phí: Chị Lương Thị T phải chịu 300.000 đồng án phí ly hôn sơ thẩm và 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm. Xác nhận chị Lương Thị T đã nộp 17.300.000 đồng theo biên lai thu số AA/2018/0001352 ngày 09-3-2020 và 300.000 đồng theo biên lai thu số AA/2017/0004045 ngày 25-6-2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Phong. Hoàn trả chị T số tiền 17.000.000 đồng.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 27/2020/HNGĐ-PT ngày 03/09/2020 về tranh chấp hôn nhân và gia đình
Số hiệu: | 27/2020/HNGĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Ninh |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 03/09/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về