Bản án 138/2017/HNGĐ-PT ngày 30/11/2017 về tranh chấp hôn nhân và gia đình

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 138/2017/HNGĐ-ST NGÀY 30/11/2017 VỀ TRANH CHẤP HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Ngày 30 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý 144/2017/TLPT-HNGĐ ngày 26 tháng 10 năm 2017 về việc: Tranh chấp hôn nhân và gia đình.

Do bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 25/2017/HNGĐ-ST ngày 12/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 224/2017/QĐ-PT ngày 13 tháng 11 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Đào Thị B, sinh năm 1938;

Địa chỉ: thôn HV, xã HQ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1942;

Địa chỉ: thôn HV, xã HQ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Anh Nguyễn Thanh L, sinh năm 1954;

Địa chỉ: thôn HV, xã HQ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

- Chị Nguyễn Thị T, sinh năm 1960;

Địa chỉ: xã TN, huyện LT, Hòa Bình.

- Chị Nguyễn Thị T, sinh năm 1963; Địa chỉ: thị trấn BS, KB, Hà Nam.

- Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1955;

- Anh Trịnh Văn H, sinh năm 1950;

- Anh Trịnh Thanh L, sinh năm 1957;

- Anh Trịnh Văn L, sinh năm 1962;

- Chị Trịnh Thị L, sinh năm 1965;

Cùng địa chỉ: xóm 2, thôn HV, xã HQ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

- Chị Trịnh Thị H, sinh năm 1960;

Địa chỉ: thôn PD, xã HQ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

4. Người kháng cáo: ông Nguyễn Văn T là bị đơn

NỘI DUNG VỤ ÁN

Bà Đào Thị B kết hôn với ông Nguyễn Văn T do tự nguyện, có đăng ký kết hôn tại Uỷ ban hành chính xã HQ, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông ngày 16/12/1963. Quá trình chung sống, do bà B không sinh đẻ được nên vợ chồng có xin được người con nuôi là chị Nguyễn Thị M. Đến năm 1976 ông T lấy người phụ nữ khác là bà Nguyễn Thị Hằng người cùng thôn và sinh được 06 người con. Kể từ khi ông T lấy bà Hằng, ông đã mua nhà, đất và chung sống cùng bà Hằng. Bà B ở một mình nuôi con và sinh sống tại nhà do vợ chồng xây dựng trên diện tích đất của các cụ nhà ông T để lại từ khi lấy ông T cho đến nay. Năm 1983 ông T có đơn xin ly hôn bà B gửi Tòa án nhân dân huyện Ứng Hòa, được Tòa án hòa giải ông T đã rút đơn nhưng từ đó đến nay vợ chồng vẫn sống ly thân. Nay bà B cho rằng ông T chỉ chăm lo cho mẹ con bà Hằng, không quan tâm gì đến bà nên bà xin được ly hôn để ổn định cuộc sống lúc tuổi già.

Theo ông T thì mặc dù vợ chồng không chung sống với nhau nhưng không có mâu thuẫn gì lớn, mà nguyên nhân mâu thuẫn là do chị Nguyễn Thị M là con nuôi của ông bà gây nên; quá trình giải quyết vụ án vợ chồng ông bà đã được Tòa án hòa giải nhiều lần nhưng bà B cương quyết xin ly hôn thì ông cũng đồng ý.

Về con chung: Bà B, ông T đều xác nhận quá trình chung sống do bà B không sinh đẻ được nên vợ chồng có xin được một người con nuôi là chị Nguyễn Thị M, sinh năm 1972 hiện tại đã khôn lớn, trưởng thành đã lấy chồng có gia đình riêng.

Về công nợ chung: Bà B, ông T đều xác nhận là không có.

Về tài sản chung: Bà B, ông T đều xác nhận, sau khi vợ chồng kết hôn về chung sống với mẹ chồng là bà Đào Thị Nhượng (chết năm 1965), (bố chồng là Nguyễn Văn Viên chết năm 1948). Từ năm 1967 đến năm 1974 vợ chồng đã làm được ngôi nhà cấp 4 cùng khuôn viên tường rào, sân, công trình phụ như hiện nay, toàn bộ các công trình này nằm trên khuôn viên đất có diện tích là 312,8m2, đất có nguồn gốc từ ông cha nhà ông T để lại, trong đó có 97m2  đất 5% của bà Nhượng chuyển đổi về đó, phần đất này ở vị trí sát với kè sông Đáy nên khi Nhà nước làm kè sông Đáy gia đình ông T đã hiến 45m2  đất để làm kè, do đó chỉ còn lại 52m2, ngoài tài sản trên không còn tài sản gì khác.

Khi ly hôn, bà B có quan điểm: Từ khi kết hôn với ông T bà sinh sống trên nhà đất này 54 năm nay, ông T đi ở với người phụ nữ khác không quan tâm gì đến bà, bà có rất nhiều công sức duy trì, tôn tạo. Nay bà đã già yếu, ngoài chỗ ở trên bà không còn chỗ ở nào khác nên bà đề nghị Tòa chia nhà và một phần đất để bà sinh sống cho hết phần đời còn lại.

Ông T có quan điểm: Ông chỉ đồng ý chia phần tài sản trên đất do vợ chồng làm ra, còn thửa đất là của ông cha nhà ông để lại nên ông không đồng ý chia cho bà B.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do bà Nguyễn Thị T được ủy quyền đại diện trình bày: Bà là cháu ngoại của cụ Nguyễn Văn Viên và cụ Đào Thị Nhượng (Bố mẹ ông T). Do hai cụ không có con trai nên đã xin ông T làm con nuôi. Trước khi chết hai cụ Viên, Nhượng để lại thửa đất có diện tích 312,8m2, trong đó hiện tại còn lại 52m2 đất 5% của cụ Nhượng cho ông T. Sau khi ông T, bà B kết hôn năm 1963, vì bà B không sinh đẻ được nên ông T đã lấy và sinh sống với bà Nguyễn Thị Hằng ở nơi khác. Nay bà B đã sinh sống trên thửa đất này hơn 50 năm nên đề nghị Tòa án giải quyết bảo đảm quyền lợi cho cả hai ông bà B, Tròn. Bà đại diện cho các cháu ngoại của hai cụ Viên, Nhượng không đề nghị gì về đất đai.

Tại bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 25/2017/HNGĐ-ST ngày 12/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội đã quyết định: Chấp nhận đơn xin ly hôn của bà Đào Thị B.

1. Bà Đào Thị B được ly hôn ông Nguyễn Văn T.

2. Chia tài sản chung :

- Giao bà Đào Thị B được sở hữu: 01 ngôi nhà cấp 4 (3 gian, 1 trái) có diện tích 55,68mtrị giá 7.827.266 đồng; phần sân có diện tích 9,6mtrị giá 279.360 đồng; tường rào 27m2 trị giá 1.407.534 đồng và được sử dụng 137,9m2 đất là một phần của thửa đất số 227, tờ bản đồ số 26, đo đạc năm 2014 tại thôn HV, HQ, Ứng Hòa, TP Hà Nội, đứng tên bà Đào Thị B (Toàn bộ 4 gian nhà và tường bao, sân nằm trên phần diện tích đất được giao), phần đất bà B được chia theo sơ đồ phân chia H1 gồm các cạnh ABCD, có các chiều và tứ cận như sau :

Phía đông giáp đất hộ bà Trần Nam Phương, xác định bởi mốc giới BC là 10m

Phía tây giáp ngõ xóm, xác định bởi mốc giới AD là 10m

Phía nam giáp phần đất ông T được chia, xác định bởi mốc giới CD là 13,79 m

Phía bác giáp đất hộ ông Nguyễn Văn Phước, xác định bởi mốc giới AB là 13,79m.

- Giao ông Nguyễn Văn T sở hữu: 01 gian bếp có diện tích 9,6 m2  trị giá 265.216 đồng; sân, ngõ đi vào nhà đổ trị diện tích 56,52m2 trị giá 1.644.640 đồng; 01 bể nước 1,6m3 trị giá 473.332 đồng; 01 giếng khoan có trị giá 1.711.591 đồng; tổng diện tích tường rào giáp ngõ và giáp kè sông đấy là 42,44m2  có trị giá 1.951.135 đồng. Giao ông T được sử dụng phần đất còn lại có diện tích 122,1m2 có trị giá 122.100.000đồng và 52m2 đất 5% của cụ Đào Thị Nhượng giáp với kè sông

Đáy là một phần của thửa đất số 227, tờ bản đồ số 26, đo đạc năm 2014 tại thôn HV, HQ, Ứng Hòa, TP Hà Nội, đứng tên bà Đào Thị B, phần đất ông T được chia theo sơ đồ phân chia H2 gồm các cạnh CEGIFD, có các chiều và tứ cận như sau:

Phía đông giáp đất hộ bà Trần Nam Phương, xác định bởi mốc CE là 9,02m.

Phía tây giáp giáp ngõ xóm, xác định bởi các mốc: DF là 8,260m, FI là 3,74m, IG là 1,60m

Phía nam giáp kè sông đáy, xác định bởi mốc giới GE là 14,90m

Phía bắc giáp đất giao cho bà B là 13,79m.

Tổng giá trị tài sản Bà Đào Thị B hưởng là 147.414.160 đồng, ông T được ởng là 128.145.914 đồng, vì vậy Bà B phải thanh toán giá trị tài sản chênh lệch cho ông T là 9.643.123 đ (Chín triệu sáu trăm bốn mươi ba nghìn một trăm hai ba đồng).

Bà B phải tự xây dựng công trình phụ và mở lối đi riêng trên phần đất được chia ra ngõ xóm.

Sơ đồ phân chia đất kèm theo bản án là một bộ phận không thể tách rời bản án này.

Hai bên căn cứ vào Quyết định của bản án đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh và đăng ký quyền sử dụng đất cho phù hợp.

Bản án sơ thẩm còn quyết định về biện pháp đảm bảo thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các bên đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xử sơ thẩm, ngày 18/9/2017 ông T kháng cáo phần chia tài sản của bản án sơ thẩm với lý do: diện tích đất 260,8m2 của bố mẹ ông khi qua đời không để lại di chúc, nên phải chia thừa kế theo pháp luật cho ba người (gồm ông và 2 chị gái) như vậy ông chỉ được hưởng 86,9m2. Tòa án cấp sơ thẩm mang đất của 2 chị gái ông chia cho bà B là không đúng quy định của pháp luật.

* Tại phiên tòa phúc thẩm: Ông T vẫn giữ nguyên đơn kháng cáo; các đương sự không tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm như sau:

Về tố tụng: Kể từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử phúc thẩm, việc chấp hành pháp luật tố tụng của Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; những người tham gia tố tụng đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và công lao quản lý tu tạo của ông B và bà T và chia quyền sử dụng đất cho ông B, bà T là có căn cứ, do đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông T, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Ứng Hòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ của vụ án, lời khai của các bên đương sự đã được kiểm tra, tranh tụng công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng:

Đơn kháng cáo của ông Nguyễn Văn T làm trong hạn luật định, có nộp dự phí nên được xét xử theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về nội dung:

- Về quan hệ hôn nhân: Bà Đào Thị B kết hôn với ông Nguyễn Văn T do tự nguyện, có đăng ký kết hôn ngày 16/12/1963 tại Uỷ ban hành chính xã HQ, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (nay là Uỷ ban nhân dân xã HQ, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội). Đây là hôn nhân hợp pháp. Quá trình chung sống, do bà B không sinh đẻ được nên vợ chồng có xin được người con nuôi là chị Nguyễn Thị M. Đến năm 1976 ông T lấy người phụ nữ khác là bà Nguyễn Thị Hằng người cùng thôn và sinh được 06 người con. Kể từ khi ông T lấy bà Hằng, ông đã mua nhà, đất và chung sống cùng bà Hằng. Bà B ở một mình nuôi con và sinh sống tại nhà do vợ chồng xây dựng trên diện tích đất của các cụ nhà ông T để lại từ khi lấy ông T cho đến nay. Nay bà B cho rằng ông T chỉ chăm lo cho mẹ con bà Hằng, không quan tâm gì đến bà nên bà xin được ly hôn để ổn định cuộc sống lúc tuổi già. Theo ông T thì nếu bà B cương quyết xin ly hôn thì ông cũng đồng ý. Bản án sơ thẩm nhận định quan hệ hôn nhân giữa ông bà đã trầm trọng và xử cho bà B được ly hôn ông T là có căn cứ, được giữ nguyên.

- Về con chung: bà B, ông T xác nhận vợ chồng không có con chung, năm 1973 có xin người con nuôi là chị Nguyễn Thị M, sinh năm 1972 hiện đã trưởng thành và có gia đình nên Tòa án không giải quyết trong vụ án.

- Xét kháng cáo của ông T về phần quyết định chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, nhận thấy:

+ Về nhà ở và các công trình xây dựng: Bà B, ông T xác nhận trong thời kỳ hôn nhân ông bà tạo lập được một ngôi nhà cấp 4, bếp, sân, bể nước, tường rào xung quanh theo kết quả định giá có tổng giá trị là 15.560.074 đồng, không có ai thắc mắc về quyết định này.

+ Về quyền sử dụng đất: Các bên đương sự trong vụ án đều xác nhận: năm 1963 sau khi kết hôn, vợ chồng bà B, ông T sinh sống trên thửa đất có nguồn gốc của bố mẹ ông T để lại tại thôn HV, xã HQ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Bố mẹ ông T có 3 người con gồm ông T và 2 chị gái là Nguyễn Thị Viển, Nguyễn Thị Viễn. Bố mẹ ông T là cụ Nguyễn Văn Viên (chết năm 1948), mẹ ông T là cụ Đào Thị Nhượng (chết năm 1965) không ai để lại di chúc. Hai chị gái ông T cũng đã chết (bà Viễn chết năm 2003, bà Viển chết năm 2009). Do đó, đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế di sản của bố mẹ ông T để lại.

Từ năm 1963 vợ chồng bà B, ông T liên tục sử dụng thửa đất này, đến năm 1976 ông T lấy bà Hằng làm vợ thứ hai, tuy không hợp pháp nhưng ông T đã mua nhà đất và sinh sống cùng bà Hằng đến nay, bà B vẫn quản lý và sử dụng ổn định tại thửa đất này. Theo bản đồ năm 1978 thửa đất được đứng tên ông T; theo bản đồ và sổ mục kê năm 1986 được đứng tên bà Đào Thị B; theo bản đồ và sổ mục kê năm 2002 ghi “Thửa đất 335, tờ bản đồ số 5, diện tích 313,6m2, mục đích sử dụng: đất ở, chủ sử dụng Nguyễn Bội Tròn”; theo bản đồ và sổ mục kê năm 2014 ghi thửa 226, tờ bản đồ 26 diện tích 312,8m2, đất ở, đứng tên Đào Thị B. Theo cung cấp của Ủy ban nhân dân xã HQ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội thì thửa đất này sử dụng hợp pháp, không có tranh chấp, không vi phạm quy hoạch.

Với sự viện dẫn trên đây căn cứ các quy định của Bộ luật dân sự và các quy định của pháp luật về đất đai có đủ cơ sở kết luận: Thửa đất số 226, tờ bản đồ số 26 tại thôn HV, xã HQ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội có diện tích 312,8m2 thuộc quyền sử dụng chung của vợ chồng ông T, bà B, mà không còn là di sản thừa kế của bố mẹ ông T để lại chưa được chia như đơn kháng cáo của ông T. Vì vậy, không chấp nhận đơn kháng cáo của ông T về vấn đề này.

Bản án sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các yếu tố về hình thể, kích thước, công năng sử dụng cũng như công sức đóng góp của các bên để quyết định chia nhà ở và quyền sử dụng đất cho bà B; chia quyền sử dụng đất cho ông T là phù hợp pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự nên cần được giữ nguyên.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

Phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tại phiên tòa phù hợp nhận định của Hội đồng xét xử và phù hợp với các quy định của pháp luật nên được chấp nhận..

Về án phí: Do Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm nên ông T phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các điều 56, 59, 62 Luật hôn nhân và gia đình; Điều 166 Luật đất đai năm 2013.

Căn cứ vào khoản 4 Điều 147, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 308, Điều 313 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Căn  cứ  Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Xử: Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 25/2017/HNGĐ-ST ngày 12/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội và quyết định như sau:

Chấp nhận đơn xin ly hôn của bà Đào Thị B.

1. Bà Đào Thị B được ly hôn ông Nguyễn Văn T.

2. Chia tài sản chung :

- Giao bà Đào Thị B được sở hữu: 01 ngôi nhà cấp 4 (3 gian, 1 trái) có diện tích 55,68m2  trị giá 7.827.266 đồng; phần sân có diện tích 9,6m2  trị giá 279.360 đồng; tường rào 27m2 trị giá 1.407.534 đồng và được sử dụng 137,9m2  đất là một phần của thửa đất số 227, tờ bản đồ số 26, đo đạc năm 2014 tại thôn HV, xã HQ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, đứng tên bà Đào Thị B (toàn bộ 4 gian nhà và tường bao, sân nằm trên phần diện tích đất được giao), phần đất bà B được chia theo sơ đồ phân chia H1 gồm các cạnh ABCD, có các chiều và tứ cận như sau:

Phía đông giáp đất hộ bà Trần Nam Phương, xác định bởi mốc giới BC là 10m.

Phía tây giáp ngõ xóm, xác định bởi mốc giới AD là 10m.

Phía nam giáp phần đất ông T được chia, xác định bởi mốc giới CD là 13,79m.

Phía bác giáp đất hộ ông Nguyễn Văn Phước, xác định bởi mốc giới AB là 13,79m.

- Giao ông Nguyễn Văn T sở hữu: 01 gian bếp có diện tích 9,6 m2  trị giá 265.216 đồng; sân, ngõ đi vào nhà đổ trị diện tích 56,52m2 trị giá 1.644.640 đồng; 01 bể nước 1,6m3 trị giá 473.332 đồng; 01 giếng khoan có trị giá 1.711.591 đồng; tổng diện tích tường rào giáp ngõ và giáp kè sông đấy là 42,44m2 có trị giá 1.951.135 đồng. Giao ông T được sử dụng phần đất còn lại có diện tích 122,1m2 có trị giá 122.100.000đồng và 52m2 đất 5% của cụ Đào Thị Nhượng giáp với kè sông Đáy là một phần của thửa đất số 227, tờ bản đồ số 26, đo đạc năm 2014 tại thôn HV, xã HQ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, đứng tên bà Đào Thị B, phần đất ông T được chia theo sơ đồ phân chia H2 gồm các cạnh CEGIFD, có các chiều và tứ cận như sau:

Phía đông giáp đất hộ bà Trần Nam Phương, xác định bởi mốc CE là 9,02m

Phía tây giáp giáp ngõ xóm, xác định bởi các mốc: DF là 8,260m, FI là 3,74m, IG là 1,60m.

Phía nam giáp kè sông đáy, xác định bởi mốc giới GE là 14,90m. Phía bắc giáp đất giao cho bà B là 13,79m.

Tổng giá trị tài sản bà Đào Thị B hưởng là 147.414.160 đồng, ông T được hưởng là 128.145.914 đồng, vì vậy bà B phải thanh toán giá trị tài sản chênh lệch cho ông T là 9.643.123 đồng (Chín triệu sáu trăm bốn mươi ba nghìn một trăm hai ba đồng).

Bà B phải tự xây dựng công trình phụ và mở lối đi riêng trên phần đất được chia ra ngõ xóm.

Sơ đồ phân chia nhà, đất kèm theo bản án là một bộ phận không thể tách rời bản án này.

Hai bên căn cứ vào Quyết định của bản án đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh và đăng ký quyền sử dụng đất cho phù hợp.

Kể từ khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án không thanh toán các khoản tiền phải thi hành án thì phải chịu lãi suất đối với số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

3. Về án phí: Bà Đào Thị B phải chịu 300.000 đồng tiền án phí hôn nhân và gia đình sơ thẩm, được trừ vào 300.000 đồng tạm ứng án phí sơ thẩm bà B đã nộp theo biên lai thu số 0008173 ngày 22/3/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

Về án phí dân sự: bà Đào Thị B, ông Nguyễn Văn T mỗi người phải chịu 6.889.001 đồng.

Ông Nguyễn Văn T phải chịu 300.000 đồng tiền án phí phúc thẩm, được trừ vào 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm ông T đã nộp theo biên lai thu số 0008382 ngày 21/9/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 30/11/2017.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

747
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 138/2017/HNGĐ-PT ngày 30/11/2017 về tranh chấp hôn nhân và gia đình

Số hiệu:138/2017/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 30/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về