TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
BẢN ÁN 27/2018/HS-PT NGÀY 13/07/2018 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG
Ngày 13 tháng 7 năm 2018 tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 36/2018/TLPT-HS ngày 13 tháng 6 năm 2018 đối với các bị cáo Hoàng Phúc T, Triệu Thị H, do có kháng cáo của các bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 30/2018/HS-ST ngày 10 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bắc Kạn.
- Các bị cáo có kháng cáo:
1. Hoàng Phúc T; sinh năm 1978 tại huyện C, tỉnh Bắc Kạn; nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn N, xã K, huyện C, tỉnh Bắc Kạn; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hóa: 0/12 (mù chữ); dân tộc: Dao; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Hữu B và bà Triệu Thị B; có vợ là Triệu Thị H; có 03 con; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo tại ngoại tại nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.
2. Triệu Thị H; sinh năm 1982 tại huyện C, tỉnh Bắc Kạn; nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn N, xã K, huyện C, tỉnh Bắc Kạn; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hóa: 3/12; dân tộc: Dao; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Triệu Kim V và bà La Thị T; có chồng là Hoàng Phúc T; có 03 con; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo tại ngoại tại nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng tháng 01 năm 2017, Hoàng Phúc T khởi xướng bàn với vợ là Triệu Thị H đến khu rừng thuộc lô số 3, khoảnh 8, tiểu khu 417 thuộc thôn L, xã K, huyện C, tỉnh Bắc Kạn phát phá nhằm mục đích để trồng lúa nương. T và H nói với hai con trai là Hoàng Quý B và Hoàng Quý TH rằng khu rừng trên là rừng của gia đình, hôm nào được nghỉ học thì hộ bố mẹ phát rừng để trồng lúa. Sau khi bàn bạc xong, T và H dùng dao đến phát phá khu rừng trên trong khoảng thời gian là 18 ngày còn B và TH giúp bố mẹ phát phá khoảng 04 ngày. Tổng diện tích mà gia đình Hoàng Phúc T, Triệu Thị H phát phá là 3,393 ha (33.930m2). Các loại cây trên diện tích đất trên T và H đã dùng lửa đốt toàn bộ.
Ngày 03/4/2017 Cơ quan CSĐT Công an huyện C tiến hành khám nghiệm hiện trường khu rừng bị T, H, B, TH chặt phá, hủy hoại. Qua khám nghiệm xác định diện tích rừng bị phát phá thuộc lô 03, khoảnh 08, tiểu khu 417. Trên diện tích đất chủ yếu là cây gỗ rừng tự nhiên nhỏ và cây vầu đã bị đốt hoàn toàn.
Đối với diện tích liền kề bị phát phá là 16.500m2, T, H không công nhận được phát phá và cũng không biết ai đã phát phá. Trên diện tích này có 18 khúc gỗ, có khối lượng là 6,610m3 gỗ tròn từ nhóm V – VIII trị giá 7.608.200đ. Khu vực phát phá là rừng phòng hộ thuộc UBND huyện C, tỉnh Bắc Kạn quản lý. Do toàn bộ số cây bị chặt phá trên diện tích đất 3,393ha đã bị T và H đốt hết vì vậy không tiến hành định giá về giá trị tài sản (cây cối) bị thiệt hại.
Theo bản đồ kiểm kê rừng năm 2012; bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tờ số 02 năm 2015 của xã K; bản đồ quy hoạch 3 loại rừng của xã K năm 2007 thì khu rừng thuộc lô 3, khoảnh 8, tiểu khu 417 thuộc thôn L, xã K, huyện C, tỉnh Bắc Kạn là loại rừng phòng hộ.
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo Hoàng Phúc T vàTriệu Thị H thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã nêu ở trên.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 30/2018/HSST ngày 10 tháng 5 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Bắc Kạn đã quyết định: Tuyên bố các bị cáo Hoàng Phúc T và Triệu Thị H phạm tội “Hủy hoại rừng”.
Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017. Xử phạt:
- Bị cáo Hoàng Phúc T 04 (Bốn) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án.
- Bị cáo Triệu Thị H 03 (Ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 21/5/2018 Tòa án nhân dân huyện C nhận được đơn kháng cáo của các bị cáo Hoàng Phúc T và Triệu Thị H đều có đơn kháng cáo với nội dung: xin giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo tại địa phương. Đơn kháng cáo của các bị cáo trong hạn luật định.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Các bị cáo Hoàng Phúc T, Triệu Thị H giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm giải quyết vụ án: Xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật. Đối với bị cáo Hoàng Phúc T thì mức án 04 (Bốn) năm tù là phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên đối với bị cáo Triệu Thị H thì mức án 03 (Ba) năm tù là có phần nghiêm khắc bởi lẽ hai bị cáo là vợ chồng của nhau và đều là lao động chính trong gia đình; việc phát phá rừng nhằm mục đích trồng lúa nương để cải thiện đời sống kinh tế gia đình, không nhằm mục đích khác; khu rừng các bị cáo phát phá là rừng phòng hộ tuy nhiên chỉ có cây vầu, cây lau sậy và một số cây nhỏ khác; trong vụ án này bị cáo H là đồng phạm với vai trò giúp sức; các bị cáo có 03 con trong đó con lớn nhất sinh năm 1999, con nhỏ nhất mới sinh năm 2015; việc buộc cả hai bị cáo phải chịu hình phạt tù thì các con của bị cáo, đặc biệt là cháu nhỏ sẽ không được mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ, bảo ban rất có thể sẽ kéo theo những hệ lụy xấu cho gia đình và xã hội.
Từ những phân tích ở trên, Kiểm sát viên đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Phúc T, giữ nguyên mức hình phạt đối với bị cáo T; chấp nhận kháng cáo của bị cáo Triệu Thị H, sửa bản án sơ thẩm số 30/2018/HSST, ngày 10/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bắc Kạn theo hướng giữ nguyên mức hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Hiền.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các bị cáo tại phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại phiên tòa các bị cáo Hoàng Phúc T và Triệu Thị H thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình: Vào tháng 01/2017 Hoàng Phúc T và Triệu Thị H cùng nhau phát, đốt khu rừng phòng hộ thuộc lô 3, khoảnh 8, tiểu khu 417 thuộc thôn L, xã K, huyện C, tỉnh Bắc Kạn, mục đích là để trồng lúa nương. Khu vực phát, đốt có diện tích 3,393 ha (33.930m2) đất rừng.
Lời khai của các bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại, những người làm chứng cũng như các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Do vậy Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 3 Điều 189/BLHS 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.
[2] Xét kháng cáo của các bị cáo, HĐXX thấy rằng: Các bị cáo là người dân tộc thiểu số (dân tộc Dao) và do có trình độ học vấn thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu đất canh tác nên đã cùng nhau đi chặt, phá rừng để để canh tác, cải thiện đời sống kinh tế gia đình chứ không nhằm mục đích khai thác lâm sản bởi diện tích rừng mà các bị cáo phát phá tuy là rừng phòng hộ nhưng trên đất chủ yếu là cây vầu, cây lau sậy và một ít cây gỗ tạp nhỏ. Khi thực hiện các hành vi trên, bản thân các bị cáo không biết đó là rừng phòng hộ, không nhận thức được đó là vi phạm pháp luật, chỉ sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện lập biên bản và giải thích, các bị cáo mới biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Trong giai đoạn điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; các bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; chính quyền địa phương nơi các bị cáo cư trú cũng có công văn đề nghị Tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Mặt khác hai bị cáo là vợ chồng của nhau và đều là lao động chính trong gia đình; các bị cáo có 03 con trong đó con lớn nhất sinh năm 1999, con nhỏ nhất mới sinh năm 2015, rất cần sự nuôi dưỡng, quan tâm, chăm sóc của người mẹ. Do vậy HĐXX thấy cần xem xét quyết định hình phạt phù hợp đối với các bị cáo để vừa đảm bảo mục đích răn đe, giáo dục các bị cáo đồng thời thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật.
Đối với bị cáo Hoàng Phúc T, là chủ gia đình, là người khởi xướng và giữ vai trò chính trong việc thực hiện hành vi phạm tội, do vậy phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn bị cáo H. Xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo T 04 (Bốn) năm tù là có căn cứ và phù hợp với tính chất hành vi phạm tội của bị cáo do vậy không chấp nhận kháng cáo của bị cáo T.
Đối với bị cáo Triệu Thị H là vợ của bị cáo T, khi được T khởi xướng đã làm theo sự chỉ đạo của T nên bị cáo này là đồng phạm nhưng chỉ giữ vai trò thứ yếu trong việc thực hiện hành vi phạm tội. Các bị cáo là vợ chồng của nhau và cùng sống chung trong một gia đình, nếu buộc cả hai bị cáo phải chấp hành hình phạt tù thì các con của hai bị cáo không được bố mẹ nuôi dạy, bảo ban, phải tự bươn chải kiếm sống nuôi nhau rất có thể sẽ kéo theo những hệ lụy xấu cho gia đình và xã hội. Do vậy HĐXX thấy có cơ sở để áp dụng Điều 60/BLHS giữ nguyên mức hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo H, như vậy vừa thấu tình, đạt lý mà vẫn đảm bảo mục đích răn đe, giáo dục các bị cáo và phòng ngừa chung.
Từ những phân tích ở trên HĐXX thấy có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo Triệu Thị H và chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc giữ nguyên mức hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo H; không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Phúc T.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào các Điều 355, 356; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo Hoàng Phúc T, giữ nguyên mức hình phạt tù đối với bị cáo T như quyết định của bản án sơ thẩm; chấp nhận kháng cáo của bị cáo Triệu Thị H, sửa bản án sơ thẩm số 30/2018/HSST ngày 10 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bác Kạn về phần hình phạt đối với bị cáo Triệu Thị H.
Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009; Nghị quyết số 41/2017/QH 14 ngày 20/6/2017 đối với bị cáo Hoàng Phúc T.
Xử phạt bị cáo Hoàng Phúc T 04 (Bốn) năm tù về tội “Hủy hoại rừng”, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án.
Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009; Nghị quyết số 41/2017/QH 14 ngày 20/6/2017 đối với bị cáo Triệu Thị H.
Xử phạt bị cáo Triệu Thị H 03 (Ba) năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 (Năm) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm về tội “Hủy hoại rừng”.
Giao bị cáo Triệu Thị H cho UBND xã K, huyện C, tỉnh Bắc Kạn giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
Án phí: Căn cứ Điều 136 BLTTHS 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Bị cáo Triệu Thị H không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm; bị cáo Hoàng Phúc T phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 27/2018/HS-PT ngày 13/07/2018 về tội hủy hoại rừng
Số hiệu: | 27/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Kạn |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 13/07/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về